Nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS
Hiện nay, các địa phương trên cả nước đã triển khai những quy tắc về ứng xử cũng như Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi của người có HIV, được kỳ vọng phần nào giúp giải tỏa sự lo ngại của những đối tượng này. Tuy nhiên, nhận thức của người chung quanh mới là điều quan trọng để người nhiễm HIV tự tin điều trị kịp thời.
Sau gần hai năm triển khai dự án Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS ở các cơ sở y tế tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố cho biết, kết quả khảo sát cuối kỳ ở ba cơ sở y tế (Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện quận 6, Khoa tham vấn và Hỗ trợ công cộng quận 4) cho thấy: Sự kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn còn thể hiện dưới nhiều hình thức. Trong nhóm người nhiễm, sự tự kỳ thị xảy ra nhiều ở nhóm trẻ tuổi và mới biết tình trạng nhiễm HIV. Sự kỳ thị của gia đình và người chung quanh đã khiến họ trì hoãn đến cơ sở y tế để điều trị bằng ARV.
Theo Bác sĩ Bùi Thị Hồng Ngọc (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh), thực tế cho thấy, nhiều người bệnh nhập viện ở giai đoạn nặng do các lý do khác nhau như: Sợ bị lộ diện, lo ngại về chi phí, không tin tưởng vào điều trị, thái độ tiêu cực. Họ đã bỏ lỡ cơ hội tiếp tục sống, làm việc và cống hiến cho gia đình, xã hội như không ít người nhiễm HIV trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có các nghiên cứu chỉ ra rằng, người nhiễm HIV nếu được điều trị ARV sớm và duy trì điều trị tốt cũng có tuổi thọ không thua kém người bình thường. Việc điều trị bằng ARV kịp thời còn giúp cải thiện chất lượng sống của người bệnh; giảm nguy cơ tiến triển AIDS (mắc các nhiễm trùng cơ hội) và chết ở người nhiễm HIV...
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 600 trường hợp nhiễm HIV được phát hiện. Tình dục đang là con đường lây truyền HIV phổ biến nhất bên cạnh đường máu và đường từ mẹ truyền sang con. Trong 5 năm gần đây, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện, tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm giảm, nhưng tăng nhiều ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, Việt Nam đã chính thức cam kết và triển khai các hoạt động hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 trong phòng, chống HIV/AIDS do Liên hợp quốc đề ra. Đó là, 90% số người sống chung với HIV biết tình trạng nhiễm HIV của họ; 90% số người đã biết tình trạng HIV dương tính của họ được điều trị ARV và 90% số người được điều trị duy trì tải lượng vi-rút bị ức chế, giảm nguy cơ lây truyền HIV. Hiện, thành phố đang tích cực thực hiện mục tiêu “90% số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm của họ” và ước tính đã đạt 73%. Mục tiêu “90% số người được chẩn đoán nhiễm HIV được duy trì điều trị ARV liên tục” đã đạt 75%. Còn mục tiêu “90% số người được điều trị ARV kiểm soát được lượng vi-rút ở mức thấp và ổn định” đã đạt 96%.
Cuối tháng 7 vừa qua, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã có Công văn số 576/AIDS-Đtr gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đề nghị các đơn vị triển khai ngay việc áp dụng tiêu chuẩn điều trị ARV không phụ thuộc vào tế bào CD4 và giai đoạn lâm sàng cho tất cả các trường hợp nhiễm HIV được chẩn đoán. Như vậy, người nhiễm HIV sẽ được tiếp cận với thuốc ARV sớm, ngay sau chẩn đoán nhiễm HIV. Điều này cho thấy, sức khỏe người nhiễm HIV đã được Chính phủ Việt Nam quan tâm khi áp dụng khuyến cáo mới nhất của WHO trong điều trị ARV, mặc dù nguồn lực nước ta còn hạn chế và nhiều nước trên thế giới cũng chưa áp dụng được khuyến cáo này.
Việc phơi nhiễm HIV cũng cần được hiểu đúng để có cái nhìn và cách thức phòng ngừa có hiệu quả. Bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh) nêu một con số tại bệnh viện ông công tác: Trong số 760 người phơi nhiễm HIV do tai nạn nghề nghiệp, có đến 56,3% người làm trong ngành y tế. Trong đó, có 9% số người là bác sĩ, 32% là điều dưỡng - kỹ thuật viên - nữ hộ sinh, 7% là hộ lý và 8% là học sinh - sinh viên ngành y nhiễm trong quá trình thực hành. Các ngành khác cũng có nguy cơ cao do tai nạn nghề nghiệp là công an, lao động làm việc trong các trường, trung tâm cai nghiện... Các nguyên nhân phơi nhiễm HIV do quan hệ tình dục không an toàn (39%), do đạp kim tiêm (34%), tai nạn nghề nghiệp (26%), đả thương (1%).
Điều cần đặc biệt lưu ý là quy trình xử lý sau phơi nhiễm; nếu xử lý đúng có thể tránh khỏi việc dương tính với HIV. Quy trình xử lý bao gồm: Xử lý vết thương tại chỗ, báo cáo với người phụ trách, đánh giá nguy cơ phơi nhiễm, xác định tình trạng HIV của nguồn lây, xác định tình trạng HIV của người bị phơi nhiễm, tư vấn cho người bị phơi nhiễm và điều trị dự phòng bằng thuốc ARV... (Nhân dân Chuyên trang TPHCM)
Hết lòng chăm sóc sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số
“Tận tụy với nghề y, hết lòng vì sức khỏe của đồng bào các dân tộc thiểu số” - đó là nhận xét của nhiều người dân khi nói về bác sĩ Nguyễn Thị Dinh, Trưởng Trạm y tế xã Minh Khương (Hàm Yên, Tuyên Quang), người luôn khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
ăm 2015, sau nhiều năm công tác ở ngành y tế huyện, bác sĩ Nguyễn Thị Dinh được điều động về Trạm y tế xã Minh Khương. Để công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân đạt hiệu quả, chị đã tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương củng cố lại hệ thống y tế thôn, bản; phối hợp chặt chẽ với đoàn thể tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về các loại dịch bệnh. Mỗi tháng một lần, chị đều họp với cộng tác viên y tế thôn, bản để nắm bắt thông tin, trao đổi nghiệp vụ và định hướng các công việc cụ thể như làm vệ sinh môi trường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe tại gia đình và cộng đồng. Hầu hết bà con xã Minh Khương là dân tộc thiểu số cho nên việc tư vấn gặp nhiều khó khăn, chị luôn động viên đội ngũ cộng tác viên y tế thôn phải kiên trì, nhẫn nại, luôn chú ý cái tâm, cái tình khi nói chuyện với người dân như vậy mới đạt hiệu quả. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, thời gian qua, 100% số trẻ trong độ tuổi được uống Vitamin A; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm xuống còn gần 17%, tỷ lệ sinh con thứ ba giảm còn dưới 14%. Hằng tháng, chị cùng đội ngũ cán bộ của trạm luân phiên xuống thôn, bản tuyên truyền giáo dục sức khỏe tại các thôn, bản nhằm giúp người dân biết cách phòng ngừa dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe bản thân, nhất là công tác vệ sinh đường làng ngõ xóm, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi phòng ngừa dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Nhờ vậy, số ca mắc bệnh trên địa bàn giảm đáng kể, các ổ dịch lớn không còn bùng phát, sức khỏe người dân từng bước được nâng cao. Có những trường hợp sinh con do chuyển dạ sớm, người dân không kịp đến trạm, chị đã đến tận nơi để đỡ đẻ, kể cả đêm khuya hay khi mưa gió, giá rét. Vì vậy, chị luôn được người dân xã Minh Khương tin tưởng, quý mến. (Nhân dân trang 8)
Hà Nội sắp có nhiều tuyến phố được 'kiểm soát an toàn thực phẩm'
Dự kiến vào cuối năm nay, một 'tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP)' đáp ứng chuẩn 10 tiêu chí về ATTP sẽ chính thức được đưa vào hoạt động tại phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân), sau đó nhân rộng ra trên địa bàn Hà Nội.
Thay đổi thói quen kinh doanh “mạnh ai, nấy làm”
Mô hình “Tuyến phố kiểm soát ATTP” tại phố Thượng Đình đang được UBND quận Thanh Xuân xây dựng và dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 12-2017. Hiện trên tuyến phố này đang tập trung 27 cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố với lượng khách hàng lớn.
Khi chính thức hoạt động, tại tuyến phố điểm này, mỗi nhà hàng, cửa hàng ăn uống đều được niêm yết công khai tấm biển “nhà hàng, cửa hàng kiểm soát ATTP” và công khai danh mục nguồn gốc nguyên liệu.
Đặc biệt, tất cả các cơ sở ăn uống tại tuyến phố điểm này sẽ được lực lượng chức năng của quận và phường sở tại tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ 2 lần/tuần/cơ sở trở lên.
Theo bà Phạm Hồng Diệp, Trưởng phòng Y tế quận Thanh Xuân, Hiện tại, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu vẫn tự phát, “mạnh ai, nấy làm”, không chú trọng nguồn gốc thực phẩm. Do vậy, để chuyển sang một mô hình mới “tuyến phố kiểm soát ATTP” là việc không hề đơn giản.
Ông Lê Văn Tuyến, Chủ tịch UBND phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân) nhấn mạnh, để có thể triển khai thành công mô hình “tuyến phố kiểm soát ATTP” tại phố Thượng Đình, địa phương đã xác định phải tiến hành một “cuộc cách mạng” để đưa các hộ kinh doanh vào nền nếp.
Cụ thể, từ việc tổ chức kiểm tra sức khỏe, tập huấn 10 tiêu chí ATTP, 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm, đến việc hướng dẫn các cơ sở khắc phục điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, cung cấp thông tin địa chỉ các đơn vị kinh doanh thực phẩm sạch để họ lựa chọn… đều phải được triển khai chu đáo.
Được biết, theo kế hoạch của UBND quận Thanh Xuân, ngoài tuyến phố Thượng Đình, từ nay đến 2020, quận phấn đấu sẽ có 11 tuyến phố kiểm soát ATTP tại 11 phường.
Không riêng tại quận Thanh Xuân mà mô hình này cũng sẽ được nhân rộng ra các quận nội thành của Hà Nội trong thời gian tới. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, trên cơ sở thí điểm, thành phố sẽ tiếp tục quy hoạch thêm các tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có kiểm soát, kiên quyết dẹp bỏ các cơ sở không bảo đảm ATTP, gây mất mỹ quan đô thị.
Theo ông Trần Văn Chung, để phát huy hiệu quả những mô hình tuyến phố kiểm soát ATTP, cần ý thức, trách nhiệm của cả ba bên, gồm: Cơ quan quản lý, hộ kinh doanh, người tiêu dùng. Trong đó, cơ quan quản lý phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, tăng cường thanh kiểm tra, xử nghiêm vi phạm…
Triển khai cửa hàng thực phẩm an toàn
Trước khi đưa vào hoạt động tuyến phố kiểm soát ATTP, từ tháng 7 vừa qua, quận Thanh Xuân cũng chính là đơn vị đầu tiên trên địa bàn Hà Nội tiên phong trong việc mở 5 cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn có kiểm soát tại các phường: Hạ Đình, Nhân Chính, Kim Giang, Thanh Xuân Bắc, Khương Mai. Đến thời điểm này, 5 cửa hàng bán thực phẩm an toàn có kiểm soát của quận đã phục vụ được gần 34.000 lượt khách, tổng doanh thu gần 2,2 tỷ đồng…
Theo bà Lê Mai Trang, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, mô hình cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn không dễ thành công nếu không có sự đầu tư bài bản cũng như sự minh bạch về nguồn gốc sản phẩm. Đây cũng chính là điểm mà quận đang tập trung chỉ đạo, triển khai.
Đánh giá cao những nỗ lực cũng như quyết tâm đổi mới, triển khai các mô hình hiệu quả về đảm bảo ATTP trên địa bàn thành phố thời gian qua, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cũng lưu ý, dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt nhưng chất lượng thực phẩm vẫn chưa tạo được niềm tin nơi người tiêu dùng.
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong hơn 10 tháng đầu năm 2017, toàn thành phố đã thành lập 805 đoàn kiểm tra liên ngành và chuyên ngành về VSATTP, kiểm tra được 95.172 lượt cơ sở, phát hiện 17.822 cơ sở vi phạm ATTP, xử phạt 6.948 cơ sở với số tiền hơn 33 tỷ đồng. Đặc biệt, cũng trong 10 tháng đầu năm 2017, tại địa bàn thành phố vẫn để xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm làm 9 người mắc, 11 vụ ngộ độc rượu do methanol (cồn công nghiệp) làm 37 trường hợp mắc, trong đó có 10 trường hợp tử vong. (An ninh Thủ đô trang 4)
Thông tin tiếp về tình trạng nhiễm khuần bệnh viện: Quá tải bệnh viện là nguy cơ lây nhiễm chéo cho bệnh nhân
Trước vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) đang trở nên rất nóng những ngày qua, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam – về vấn đề này.
+ Thưa ông, NKBV rất quan trọng vì tác động tới cả người bệnh và cơ sở y tế, nhưng có vẻ như sau vụ tử vong của trẻ em ở BV Sản nhi Bắc Ninh, vấn đề này mới trở nên nóng?
PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Hoàn toàn không phải thế. NKBV đã được ngành y tế đặt ra từ lâu, ngay từ khi có BV. Nhưng gần đây nó mới trở thành vấn đề nóng là vì qua điều tra việc sử dụng kháng sinh cho thấy các vi khuẩn kháng thuốc đang tăng nhanh, dẫn đến nguy cơ tử vong cao do NKBV. NKBV luôn luôn có, nhưng trước đây, tỷ lệ thấp vì dù có xảy ra thì vẫn khống chế được do các thuốc kháng sinh còn nhạy cảm với vi khuẩn, nên mọi người không để ý.
Nhưng càng ngày, NKBV càng khó khống chế. Con số thống kê chung cho thấy có tới 5-10% NKBV trong tổng số các nhiễm khuẩn. Tỷ lệ này ở các khoa có sự khác biệt, trong đó, cao nhất là các Khoa Hồi sức tích cực, Cấp cứu, Ngoại và Sơ sinh. NKBV thường gặp ở các bệnh nhân viêm phổi sau thở máy, hay sau mổ đa chấn thương do tai nạn giao thông, sau các can thiệp đặt các ống thông vào tĩnh mạch, đặt xông tiểu, đặt ống dẫn lưu màng bụng, màng phổi… NKBV khiến cho việc điều trị rất khó khăn và làm tăng khả năng tử vong.
PGS.TS Nguyễn Văn Kính.
+ Ông có thể cho biết nguyên nhân của tình trạng NKBV ở mức báo động như hiện nay?
PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Tôi cho rằng có một số nguyên nhân: Thứ nhất là ý thức sử dụng kháng sinh đúng của người dân không cao khi việc tự ý sử dụng kháng sinh rất phổ biến. Bên cạnh đó, việc kiểm soát bán kháng sinh theo đơn chưa chặt chẽ. Thống kê cho thấy tới 82% thuốc bán ở các nhà thuốc là kháng sinh. Việc mua kháng sinh dễ dàng cũng dẫn đến việc sử dụng thuốc không có kiểm soát.
Ngoài ra, mặc dù Bộ Y tế đã có các quy định nghiêm ngặt về chống NKBV nhưng nhiều cơ sở y tế chưa làm tốt việc kiểm soát nhiễm khuẩn, do thiếu nguồn lực, thiếu trang thiết bị; cơ sở y tế xuống cấp, hoặc quá tải BV.
Một điều cần phải lưu ý là ý thức tuân thủ qui định về chống NKBV của nhiều người dân chưa tốt. Những bệnh nhân mắc các bệnh nguy hiểm, gây dịch, cần phải cách ly, nhưng nhiều người cứ phải vào tận BV thăm hỏi, nhìn tận mắt, sờ tận tay mới yên tâm và chính đây là một nguồn gây NKBV. Ở nhiều BV, nếu không cho vào thì có thể xảy ra cãi cọ, đánh nhau, thậm chí truy sát như trường hợp ở Nghệ An.
Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều nhóm vi khuẩn đa kháng thuốc: đứng thứ 7 trong các nước có tình trạng lao đa kháng thuốc trên thế giới; tụ cầu kháng Methicilline, vi khuẩn gram âm kháng lại Carbapenem nhất là vi khuẩn nhóm Acinetobacter đã kháng lại hầu hết các kháng sinh sốt rét kháng thuốc Artemisininn. Điều này là những thách thức cho ngành y tế trong điều trị NKBV và tỷ lệ tử vong cao nhất là nhiễm trùng do các vi khuẩn đa kháng thuốc, tới 60-70% thậm chí 90%.
+ Thưa ông, trong khi các BV tuyến Trung ương được đầu tư tốt hơn tuyến dưới thì thực tế cho thấy NKBV tuyến trên lại chiếm tỷ lệ cao hơn?
PGS.TS Nguyễn Văn Kính: BV các tuyến đều có nguy cơ NKBV như nhau, nhưng nơi nào quá tải BV, đông bệnh nhân nặng, bệnh nhân được xử lý can thiệp nhiều, sẽ có nguy cơ nhiễm khuẩn cao. BV tuyến Trung ương là nơi phải tiếp nhận các bệnh nhân nặng từ tuyến dưới chuyển về, trong đó có nhiều bệnh nhân đã bị NKBV ở tuyến dưới, nên có tỷ lệ NKBV cao hơn. NKBV ở các BV tuyến Trung ương có 2 nguồn: do từ BV tuyến dưới chuyển lên; cũng có thể nhiễm khuẩn tại chính BV.
Bên cạnh đó, BV của chúng ta quá tải. Ở các nước, bệnh nhân bị kháng thuốc phải cách ly phòng riêng, nhưng ở ta vẫn nằm chung 5-6 người/phòng vì thiếu phòng bệnh. Chính sự quá tải BV là nguy cơ lây chéo cho bệnh nhân.
BV Bạch Mai là một trong số các BV coi trọng công tác chống nhiễm khuẩn
Các BV đều có Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, nhưng không đủ nhân lực và kinh phí để bảo đảm được các tiêu chuẩn về giám sát nhiễm khuẩn theo qui định như làm quan trắc nhiễm trùng BV định kỳ, phải lấy mẫu định kỳ từ môi trường buồng bệnh, từ thành giường, nắm tay mở cửa đến sàn nhà … Vì việc nuôi cấy rất tốn kém và các BV phải tự chi trả.
+ Thưa ông, khó khăn lớn nhất trong công tác chống NKBV là gì?
PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Hiện nay, các BV tuyến dưới không có trang thiết bị tìm ra vi khuẩn kháng thuốc, nên không thể lựa chọn được kháng sinh điều trị phù hợp. Thậm chí Khoa vi sinh ở một số BV tuyến tỉnh cũng thiếu trang thiết bị, thiếu cả cán bộ vi sinh lâm sàng. Có BV, Khoa Truyền nhiễm bị thu nhỏ hoặc lồng ghép vào khoa nội-nhi vì không có bác sĩ chuyên khoa. Nhiều BV không có labo nên bác sĩ chữa bệnh theo kinh nghiệm, dẫn đến việc sử dụng thuốc đã bị kháng nên không hiệu quả.
Việc áp dụng các kỹ thuật cao trong hồi sức cấp cứu giúp cứu được nhiều ca bệnh nặng, song các can thiệp y tế cũng là nguồn gây NKBV. Do đó, đòi hỏi các BV phải có quy trình sử dụng nghiêm ngặt và thực hiện đúng quy định về chống nhiễm khuẩn của Bộ Y tế. Các BV cần đầu tư cho công tác chống nhiễm khuẩn. Nguồn nhân lực cũng phải được chú trọng đào tạo. Bên cạnh đó, phải thực hiện nghiêm ngặt quy định bán kháng sinh theo đơn; sử dụng kháng sinh đúng, an toàn, hiệu quả.
BV Nhiệt đới áp dụng nhiều biện pháp để kiểm soát nhiễm khuẩn
+ BV Nhiệt đới Trung ương là nơi điều trị nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi nên càng đòi hỏi cao về việc chống NKBV, nếu không hậu họa là khôn lường. Ông có thể chia sẻ về mô hình ở BV mà Bộ Y tế đang muốn nhân rộng?
PGS.TS Nguyễn Văn Kính: BV chúng tôi có labo tham chiếu quốc tế nên có thể xác định mầm bệnh rất nhanh, dễ dàng tìm ra loại thuốc phù hợp để điều trị, giảm tỷ lệ tử vong. BV cũng thực hiện nghiêm quy định chống NKBV của Bộ Y tế và hỗ trợ các BV tuyến dưới. BV qui định nhân viên phải tắm trước khi về; trang bị khẩu trang, mũ áo đầy đủ; vào phòng bệnh phải thay dép.
Để hạn chế người nhà bệnh nhân vào BV, chúng tôi sử dụng công nghệ thông tin để quản lý như lắp camera, sử dụng thẻ quẹt vào cầu thang máy; khử khuẩn cầu thang 3h/lần; quan trắc vi khuẩn hàng tháng dù rất tốn kém vv…
Chúng tôi thực hiện qui định kiểm soát NKBV rất bài bản, nhưng việc phòng chống NKBV vẫn đầy thách thức, vì chỉ BV và các nhân viên y tế thực hiện là chưa đủ, mà phải cả bệnh nhân và người nhà họ cùng có ý thức chấp hành mới hiệu quả.
+ Cám ơn ông đã trao đổi! (Công an Nhân dân trang 2)
Các bệnh viện tư chờ xếp hạng, phân tuyến
Đó là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm với chủ đề “Kiến tạo môi trường cho y tế tư nhân phát triển nhìn từ chính sách” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 30-11. Ngày 21-8-1997, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 90/NĐ-CP về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa. Sau hơn 20 năm thực hiện, đến nay, các cơ sở y tế tư nhân đã không ngừng phát triển. Theo thống kê sơ bộ, cả nước hiện có hơn 200 bệnh viện tư nhân, trong đó có nhiều bệnh viện có quy mô lớn từ 200 đến 500 giường. Tuy nhiên, việc thiếu công bằng giữa y tế công - tư khiến các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân khó có thể phát triển đúng tiềm năng. Thực tế, khối bệnh viện tư nhân hiện vẫn chưa được Bộ Y tế xếp hạng. (Hà Nội mới trang 7)
Phác đồ điều trị ung thư ở Việt Nam đã lỗi thời?
“Có bệnh thì vái tứ phương” nhưng lại có thông tin mắc ung thư không cần điều trị. Một số trang mạng không chính thống đang lan truyền nhau cách điều trị ung thư. Điều đáng nói, trong các thông tin đưa ra lại khuyên người bệnh: “Đừng điều trị nếu bị ung thư”; “Ung thư đừng vội phẫu thuật”… khiến người bệnh hoang mang.
Phác đồ điều trị ung thư… lỗi thời!
Các thông tin truyền nhau “phác đồ điều trị ung thư bằng truyền hóa chất hiện nay quá lỗi thời và lạc hậu, không hiệu quả dẫn đến số bệnh nhân tử vong nhiều; hóa chất chưa tìm diệt được tế bào ung thư đã tàn phá lục phủ ngũ tạng của người bệnh dẫn đến tử vong”. Lại có bài viết đăng tải thông tin của giáo sư người Nhật du học và lấy bằng tiến sĩ tại Mỹ khẳng định: “Không cần cắt bỏ ung thư vú mà tự khỏi” cùng nhiều thông tin trái ngược hoàn toàn với các biện pháp điều trị ung thư mà Việt Nam đang áp dụng điều trị cho bệnh nhân ung thư.
Ngoài ra, mạng xã hội đang lan truyền phương pháp kiềm hóa máu vào cơ thể để trị ung thư; dùng sodium bircarbonate vì rẻ tiền và dễ uống. Tuy nhiên, PGS-TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc BV K Trung ương khẳng định: Đây là những phát biểu không có cơ sở khoa học, đi ngược lại nền tri thức khoa học y học đã được nghiên cứu, tổng kết và kiểm chứng qua hàng trăm năm. “Trong y học thực chứng thì những ý kiến cá nhân theo kinh nghiệm chủ quan của các bác sĩ, chuyên gia là có giá trị thấp nhất trong khoa học, vì không cung cấp một bằng chứng khách quan nào, mà chỉ là những ý kiến cá nhân.
Ý kiến cá nhân không dựa trên dữ liệu khoa học thì thường mang tính chủ quan, cảm tính, kinh nghiệm chủ nghĩa. Đó là chưa kể một số chuyên gia phát ngôn nhằm mục đích phục vụ, mưu cầu lợi ích cá nhân chứ không vì khoa học. Khi có chẩn đoán ung thư, người bệnh cần thông minh và sáng suốt, đến các cơ sở khám chữa bệnh ung thư chính thống và chuyên khoa. Chúng ta cũng cần kiểm tra xem đúng nguồn thông tin đó từ bác sĩ điều trị ung thư hay không?” - PGS-TS Thuấn cho hay.
Trên thực tế, tại Việt Nam đã có không ít trường hợp nghe rỉ tai nhau bỏ điều trị ung thư theo phương pháp khoa học, tìm đến thầy lang dùng thuốc lá. Đến khi bệnh quá nặng mới tới bệnh viện thì đã quá muộn. GS-TS Nguyễn Bá Đức - nguyên Giám đốc BV K Trung ương - lo lắng: “Hiện nay có quá nhiều suy nghĩ sai lầm về căn bệnh ung thư khiến cho người bệnh bỏ lỡ mất “thời gian vàng” để điều trị”.
“Một số bệnh nhân khi được chẩn đoán ung thư, được bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị làm phẫu thuật là từ chối vì quan niệm “không được đụng dao kéo”, rồi không được làm hoá trị, xạ trị. Có thể thấy đây là một quan niệm rất tai hại cho bản thân người bệnh. Một số người chữa bệnh bằng thần thoại, bằng lá, bằng đủ các việc… Chính điều này đã tước đi cơ hội vàng chữa bệnh ở giai đoạn sớm, đến khi không chữa được mới quay lại bệnh viện thì bệnh đã di căn, cơ hội chữa bệnh đã không còn.
Chưa khỏi ung thư phụ thuộc vào nhiều yếu tố
Tại Việt Nam, hiện có nhiều phương pháp điều trị ung thư. Phụ thuộc vào tình hình bệnh cảnh của mỗi người bác sĩ có hướng điều trị khác nhau. Hiện có 4 nhóm chính trong điều trị ung thư tại Việt Nam. Đó là điều trị phẫu thuật, điều trị xạ trị, điều trị hóa chất và điều trị nhắm đích sử dụng các thuốc ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của tế bào ung thư.
PGS-TS Trần Văn Thuấn khẳng định: Tỉ lệ chữa khỏi ung thư phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bên cạnh giai đoạn bệnh là yếu tố then chốt phải kể tới loại ung thư, độ ác tính của từng trường hợp, thể trạng người bệnh, bệnh phối hợp… Người bệnh khi tìm hiểu và tham khảo các nguồn thông tin, tài liệu về bệnh... (Lao động trang 1)
Ung thư tăng nhanh
Ung thư hiện là bệnh lý có tỷ lệ tử vong cao nhất, điều trị phức tạp và chi phí lớn. Đáng lo ngại, số ca mắc mới ngày càng tăng cao, ước tính năm 2020 lên tới 200.000 ca.
Số liệu này được GS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nêu tại Hội thảo phòng chống ung thư, do Hội Ung thư VN và Hội Ung thư TP.HCM tổ chức hôm qua ở TP.HCM. Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia trong và ngoài nước dự.
Người mắc “trẻ hóa”
TS-BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện (BV) Ung bướu TP.HCM, cho biết nghiên cứu của BV Ung bướu cho thấy trong 20 năm (từ 1995 - 2004) riêng tại TP.HCM có 119.556 ca mắc ung thư. Tuổi trung bình mắc ung thư là 55, trẻ hơn so với nhiều nước. Từ năm 2012 trở đi, số người mắc ung thư tăng nhanh, trung bình 8 - 9%/năm. Nếu như năm 2012, TP.HCM có 7.392 ca mắc ung thư mới thì năm 2013 tăng lên 8.049 ca, năm 2014 là 8.951 ca, và năm 2015 là 9.270 ca.
Tại TP.HCM, 5 loại ung thư hàng đầu ở nam giới là phổi (18,3%), gan (16,5%), kế đến là đại trực tràng, miệng/hầu họng và dạ dày. Còn ở nữ giới, tỷ lệ mắc ung thư hàng đầu là vú (20,1%), cổ tử cung (16,2%), tiếp đến là đại trực tràng, phổi và tuyến giáp.
TS-BS Dũng phân tích thêm, ở nhóm tuổi từ 0 - 14, ung thư máu chiếm vị trí hàng đầu ở cả 2 giới. Từ 14 - 25 tuổi thì ung thư tuyến giáp, máu, xương và bắt đầu xuất hiện ung thư buồng trứng (đối với nữ). Từ 25 - 34 tuổi ung thư tuyến giáp là ung thư hàng đầu của cả 2 giới. Từ tuổi 35 đến dưới 65 thì bắt đầu định hình rõ những ung thư phổ biến của cả 2 giới. Từ sau 65 tuổi, ung thư phổi, gan, đại trực tràng ở cả 2 giới có tỷ lệ số ca mắc/100.000 dân, cao nhất so với các nhóm tuổi khác, tuy nhiên ung thư vú giảm ở nữ giới.
Kỹ thuật mới, thuốc mới nhưng rất tốn kém
Trước tình hình diễn tiến bệnh ung thư đang gia tăng, kỹ thuật điều trị là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Theo TS-BS Phạm Xuân Dũng, hiện nay các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh PET CT, MRI, xét nghiệm gien, sinh học phân tử… giúp chẩn đoán sớm, chính xác các loại ung thư. Do vậy, hiện số bệnh nhân được phát hiện ung thư qua thăm khám chiếm 60 - 70% trong số ca mắc, trong khi các năm trước chỉ 40%.
Về điều trị, y học đã có những bước thay đổi, không những điều trị với mục tiêu khỏi bệnh mà còn giúp bệnh nhân giảm các phản ứng phụ, bảo tồn thẩm mỹ, các chức năng sinh học, gia tăng chất lượng sống và cải thiện sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân... Đó là nhờ phẫu thuật nội soi được áp dụng rộng rãi; ứng dụng robot mổ ung thư tuyến tiền liệt triệt để; kỹ thuật xạ trị IMRT, IGRT trên máy gia tốc hiện đại giúp giảm bớt tổn thương trên các mô lành. Đối với điều trị toàn thân, đã có những loại thuốc mới giúp thực hiện các liệu pháp mới như nhắm trúng đích, miễn dịch bên cạnh các hóa trị quy ước...
“Nhưng hiện nay, một xét nghiệm gien tìm ung thư tốn đến gần 20 triệu đồng, rồi các loại thuốc mới kèm theo giá rất cao. Do vậy, thách thức nhất đối với điều trị ung thư là chi phí. Trước đây, nếu ung thư vú phát hiện sớm, mổ và uống thuốc chỉ mất 20 triệu đồng, mắc muộn hơn sẽ tốn cả trăm triệu đồng. Còn bây giờ, nếu ung thư vú phát hiện muộn, có sử dụng thuốc sinh học tốn cả tỉ đồng”, TS-BS Dũng nói và cho biết thêm chi phí chẩn đoán, điều trị bệnh nhân ung thư tăng cao là gánh nặng cho bệnh nhân, gia đình và xã hội. “Những khó khăn, thách thức này đòi hỏi phải có những giải pháp, chiến lược mới trong công tác tầm soát, phát hiện và chẩn đoán, điều trị ung thư”, TS-BS Dũng khuyến nghị.
Nguy cơ quanh ta
GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư VN, phân tích các nguyên nhân chính gây ung thư hàng đầu hiện nay là khói thuốc lá; kế đến là do nếp sống, ăn uống và do bệnh nhiễm (vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng)... “Các nguyên nhân đều có đối sách, có vắc xin, nhưng quan trọng nhất là con người phải biết mà tránh né”, GS Hùng lưu ý.
Theo GS Hùng, nhiều người nghĩ viêm gan B, C là bình thường nên điều trị lơ mơ, dẫn đến bị ung thư. Ngay khói thuốc lá, nói đến hầu như ai cũng biết có hại và tưởng chỉ gây ung thư phổi, mà ít ai tường trong đó chứa 75 chất gây ung thư mạnh và tạo ra đến 15 loại ung thư. “Nên bỏ thuốc lá cho mình và tránh xa khói thuốc. Có đến 1/4 số phụ nữ ung thư phổi là do hít khói thuốc lá từ đàn ông. Không để béo phì, tránh ăn nhiều mỡ; nên ăn nhiều trái cây, rau tươi”, GS Nguyễn Chấn Hùng khuyến cáo và chia sẻ thêm trong ăn uống hiện nay nhiều người thích ăn mặn, ăn cà pháo, mắm tôm, kim chi, khô mắm, thịt xông khói, đùi heo muối… Nhưng nếu ăn lâu dài rất có nguy cơ ung thư dạ dày. “Tôi cũng thích các món này nhưng không dám sử dụng khi biết tác hại của nó”, ông nói.
Đồng quan điểm, GS Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng 40% nguyên nhân ung thư có thể phòng ngừa được, nếu vận động, tuyên truyền tốt cho người dân về không hút thuốc lá, tránh béo phì, ăn uống nhiều rau, củ, quả tươi… sẽ làm giảm gánh nặng ung thư. “Năm 2016, tại một hội nghị được tổ chức ở Hà Nội, Tổ chức Y tế thế giới cho biết sự tiến triển cũng như thành quả về y học trong nâng cao sức khỏe người dân ở các quốc gia phương Tây trong
50 năm qua, không phải chỉ đơn thuần là phát triển của y tế chuyên sâu mà quan trọng nhất là phòng, chống thuốc lá. Chính việc bỏ thuốc lá làm tăng tuổi thọ, sức khỏe con người”, GS Bỉnh nói. Ông cũng thông tin thêm TP.HCM sẽ tăng cường truyền thông phòng ngừa, đầu tư máy móc, nguồn lực, cơ sở vật chất để chẩn đoán sớm ung thư. (Thanh niên, trang 1)
Ngộ độc thực phẩm sau tiệc cưới: Bao giờ mới hết?
Mới đây, sau khi ăn cỗ cưới tại nhà một hộ dân, 24 người ở Đăk Lăk đã có triệu chứng nôn mửa, đau bụng, đi ngoài nhiều lần phải nhập viện cấp cứu.
Ngộ độc thực phẩm không chỉ xảy ra ở thức ăn đường phố, ở bếp ăn khu công nghiệp, khu chế xuất… mà ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra ở cả những bữa tiệc cỗ cưới vui vẻ. Rất nhiều người sau khi ăn tiệc đám cưới đã phải nhập viện thăm khám và điều trị chỉ vì bị ngộ độc thực phẩm. Mới đây nhất sau khi ăn cỗ cưới tại nhà một hộ dân, 24 người ở Đăk Lăk đã liên tiếp có triệu chứng nôn mửa, đau bụng, đi ngoài nhiều lần phải nhập viện cấp cứu, trước đó tại Lào Cai, Quảng Bình, Ninh Thuận, Hà Giang… cũng có nhiều người phải nhập viện sau khi ăn cỗ đám cưới.
Ngày 29/11, BS. Y Nhân M’lô - Giám đốc BVĐK thị xã Buôn Hồ (Đăk Lăk) cho biết, đơn vị đã tiếp nhận và điều trị cho 24 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn tiệc đám cưới. “Sau 2 ngày điều trị, 16 bệnh nhân sức khỏe ổn định đã được xuất viện, còn lại 8 bệnh nhân đang được điều trị, theo dõi”, BS. Y Nhân cho hay.
Theo một số bệnh nhân, vào trưa ngày 26/11, có khoảng gần 700 người tham dự tiệc cưới của gia đình bà Lê Thị Lợi (tại tổ dân phố 6, phường Đoàn Kết, thị xã Buôn Hồ). Sau khi ăn tiệc về, có 24 người dân tại tổ dân phố 5 và 6 phường Đoàn Kết đã bị đau bụng, đi ngoài kèm nôn mửa nên đã được người thân đưa đi nhập viện. Các bệnh nhân nhập viện được các y, bác sĩ BVĐK thị xã Buôn Hồ sơ cứu ban đầu, truyền dịch, lấy máu xét nghiệm.
Có "bảo bối" này thì không còn lo suy thận, chạy thận Sau 2 tuần Đờm (đàm) Ho giảm hẳn, sau 3 tháng cơn Hen biến mất! Tôi Mừng lắm!!!
Sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, Chi cục VSATTP Đăk Lăk đã tiến hành kiểm tra đột xuất về an toàn vệ sinh thực phẩm của cơ sở gia chánh Thành Tâm và ghi nhận cơ sở này chưa đáp ứng các điều kiện an toàn thực phẩm để kinh doanh dịch vụ ăn uống. Đồng thời, Đoàn cũng tiến hành lấy 1 mẫu thịt dê tái chanh (mẫu thức ăn đang lưu tại cơ sở) để kiểm nghiệm tìm nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc thực phẩm.
Trước đó, vào cuối tháng 9/2017, tại xã Na Hối, huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm sau khi các nạn nhân đi ăn đám cưới tại nhà ông Lừu Văn Thắng, ở thôn Na Áng A và ông Thèn Tờ Chải, ở thôn Dì Thàng 2. Đã có 73 người bị ngộ độc thực phẩm trong tổng số 1.280 người dự tiệc cưới. Trong số 73 người bị ngộ độc có 41 người nhập viện, trong đó có 23 trẻ em từ 15 tuổi trở xuống, không có trường hợp tử vong.
Ông Lừu Văn Thắng - chủ tiệc cưới cho biết, thực đơn bữa ăn gồm các món: bột mỳ rán, thịt lợn tần, sườn xào, cơm tẻ, khẩu nhục, rượu trắng, dưa hấu, canh phiển (gồm dạ dày, tim gan, giò, trứng chim cút, nấm...), bánh dày, giò.
Theo đại diện Chi cục ATVSTP tỉnh Lào Cai, nhiều khả năng nguyên nhân gây ra ngộ độc xuất phát từ món bánh dày bởi một số người không đi ăn cưới nhưng ăn bánh do người nhà mang về đã bị ngộ độc. Sau khi xảy ra ngộ độc tập thể, Chi cục đã lấy mẫu thực phẩm đưa về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lào Cai kiểm nghiệm. Được biết, cơ sở cung cấp thực phẩm này thuộc xã Phố Lu, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.
Sau bữa ăn tiệc cưới tại nhà ông Máu Văn Say ở thôn Ma Trai, xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận đã có đến 180 người (chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai), trong đó có nhiều trẻ em, được đưa vào BVĐK Ninh Thuận cấp cứu với các triệu chứng ngộ độc thực phẩm như đau đầu, chóng mặt và nôn ói.
Theo đó, sau khi xảy ra ngộ độc tập thể, Chi cục ATVSTP Ninh Thuận đã lấy mẫu thực phẩm và mẫu bệnh phẩm gửi Viện Pasteur Nha Trang kiểm nghiệm, phát hiện tác nhân gây ngộ độc là vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureur) sinh độc tố ruột của tụ cầu (Staphylococcal enterotoxin) có trong thức ăn (thịt gà luộc) gây ra.
Sau tiệc cưới tại gia đình ông M.V.T (thôn Cửa Thôn, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh) với khoảng 200 khách tới dự tiệc đã có một số người có dấu hiệu đau bụng, buồn nôn, sốt cao... và phải nhập viện cấp cứu. Theo chủ nhà, toàn bộ các suất ăn trong đám cưới được đặt tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống Toàn Dịu với tổng cộng 11 món ăn trên khoảng 22 mâm.
Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Bình cho biết đã yêu cầu cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống Toàn Dịu (thôn Hiển Trung, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh) tạm ngừng hoạt động và phối hợp với các cơ quan chức năng khắc phục sự cố ngộ độ thực phẩm. (Sức khỏe & Đới sống, trang 12)
Bộ Y tế trao danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và Nhà giáo Ưu tú cho 17 thầy, cô giáo
Chiều 30/11 tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân" và "Nhà giáo ưu tú" lần thứ 14 năm 2017 của Chủ tịch nước cho 17 nhà giáo thuộc các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trao danh hiệu Nhà giáo nhân dân cho 10 nhà giáo, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường trao danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho 7 nhà giáo
Nhiệt liệt chúc mừng các nhà giáo vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú" - danh hiệu cao quý của Nhà nước dành cho người thầy giáo, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, các thầy, cô giáo trong ngành y tế mang trên vai niềm tự hào hai người thầy là thầy giáo của các thầy thuốc và thầy thuốc. Các thầy/các cô đã cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp trồng người của ngành y và là những tấm gương tiêu biểu cho sự đam mê, cống hiến, tâm huyết với nghề, tận tụy, yêu thương học trò; là biểu tượng của sự hiểu biết và phẩm hạnh; là người truyền cảm hứng, thắp lên ngọn lửa đam mê học tập, tìm kiếm, khám phá tri thức, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước.
Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ, Nghị quyết số 20- NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới xác định “Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”.
Trong thời điểm hiện tại, khi ngành y tế triển khai thực hiện Nghị quyết số 20- NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, trong đó các cơ sở đào tạo nhân lực y tế cần phải đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo nhân lực y tế nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
"Chính các thầy là nguồn động lực, thắp sáng niềm tin để cho các thế hệ học trò học tập và noi theo. Bởi vậy tôi cũng đề nghị các đơn vị tiếp tục quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục; tạo điều kiện tốt nhất để các thầy giáo, cô giáo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẻ vang của mình", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
Năm 2017, Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú" cấp Bộ Y tế đã đã tiếp nhận 18 hồ sơ đề nghị của 6 đơn vị, gồm 10 hồ sơ đề nghị "Nhà giáo nhân dân" và 8 hồ sơ đề nghị "Nhà giáo ưu tú". Căn cứ quy định của Chính phủ, Hội đồng đã thẩm định hồ sơ một cách chính xác, bảo đảm tính trung thực, khách quan theo đúng quy định và trình Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú" cấp Nhà nước 10 hồ sơ đề nghị "Nhà giáo nhân dân" và 7 hồ sơ đề nghị "Nhà giáo ưu tú". Tất cả các nhà giáo của Bộ Y tế đều được phong tặng danh hiệu trong đợt xét tặng này. (Sức khỏe & Đới sống trang 2)
Cùng chủ đề Báo Nhân dân trang 5: “17 cán bộ y tế nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú”
Cứu sống nam thanh niên có khối u bất thường nặng 3 kg
Chiều 30-11, Bệnh viện K Trung ương cho biết, các bác sĩ bệnh viện này vừa phẫu thuật thành công cứu sống bệnh nhân nam 25 tuổi mang trong mình một khối u bất thường, nặng tới 3kg, chiếm toàn bộ khoang lồng ngực trái…
Bệnh nhân là T.N.L. (25 tuổi, ở xã Hoằng Anh, TP Thanh Hóa), nhập viện trong tình trạng ho khan, khó thở kèm theo dấu hiệu tức ngực trái. Qua khai thác nhanh bệnh sử, người nhà bệnh nhân cho biết, trước đây anh T.N.L. đã chụp phim tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và được phát hiện có khối u lớn.
Tại Bệnh viện K, sau khi làm các thủ tục chụp chiếu, xét nghiệm, bệnh nhân L. được chẩn đoán có khối u thần kinh trung thất trên trái, đường kính lớn 20 x 16 cm, hoại tử một số vùng. Kết quả sinh thiết kim chẩn đoán giải phẫu bệnh kết luận đây là u xơ thần kinh lành tính. (An ninh Thủ đô trang 2)
Cùng chủ đề Báo Tiền phong trang 6: “Bóc tách khối u bất thường nặng 3kg”