Cần những giải pháp nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe tâm thần
Sức khỏe tâm thần là một trong ba yếu tố hình thành nên sức khỏe của mỗi con người. Tại Việt Nam, có khoảng 15 triệu người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, tuy nhiên mạng lưới cơ sở y tế cũng như đội ngũ cán bộ y tế chuyên ngành sức khỏe tâm thần đang rất thiếu, đòi hỏi các cấp, ngành liên quan cần có những giải pháp để công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần ngày càng được cải thiện.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, “sức khỏe là trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không chỉ đơn thuần là không có bệnh tật hay ốm đau”; “không có sức khỏe nếu không có sức khoẻ tâm thần”. Như vậy, vấn đề sức khỏe tâm thần chiếm một nửa trong định nghĩa về sức khỏe, cho thấy vai trò rất quan trọng của chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Hiện nay mô hình bệnh tật đang thay đổi. Bên cạnh các bệnh truyền nhiễm thì các bệnh không lây nhiễm cũng là gánh nặng bệnh tật lên tất cả các nước trên thế giới. Hằng năm các ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 74% các ca tử vong chung trên toàn thế giới.
Trong các bệnh không lây nhiễm thì vấn đề rối loạn tâm thần là rất phổ biến, đang có chiều hướng gia tăng và là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác. Năm 2019, Tổ chức Y tế thế giới ước tính cứ 8 người thì có 1 người đang sống chung với rối loạn tâm thần, trong đó rối loạn lo âu và trầm cảm là phổ biến nhất.
Đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng cấp tính, mạn tính và phá hủy sức khỏe tâm thần của hàng triệu người.
Mặc dù các dịch vụ phòng ngừa và điều trị hiệu quả sẵn có tại các cơ sở, nhưng nhiều người bị rối loạn tâm thần không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc hiệu quả, làm gia tăng khoảng trống điều trị cho các vấn đề sức khỏe tâm thần. Chỉ khoảng 29% số người bị rối loạn tâm thần và chỉ 1/3 số người bị trầm cảm được chăm sóc sức khỏe tâm thần chính thức.
Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, đây là hậu quả trực tiếp của tình trạng đầu tư dưới mức cơ bản, bởi vì các quốc gia chi trung bình chỉ khoảng 2% ngân sách y tế cho sức khỏe tâm thần.
Trong khi đó, trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao, khoảng 5-6% số dân, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác... Ở trẻ em, các vấn đề sức khỏe tâm thần vào khoảng 12%, tương đương hơn ba triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Đáng chú ý, theo các bác sĩ, ai cũng có thể mắc rối loạn tâm thần, ít nhất là ở một giai đoạn, thời điểm nào đó của cuộc đời.
Thời gian qua, mặc dù ngành y tế và các các địa phương đã có nhiều nỗ lực, nhưng công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần trong cả nước hiện có hai bệnh viện tâm thần ở tuyến trung ương (Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2) cùng với Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia.
Tại tuyến tỉnh, hiện 43 tỉnh, thành phố có bệnh viện tâm thần, số còn lại là khoa tâm thần trong bệnh viện đa khoa và trung tâm phòng chống bệnh xã hội của tỉnh. Tại tuyến quận, huyện có nhiều bác sĩ được tập huấn về công tác sức khỏe tâm thần. Tuyến xã, phường tập trung nhiều vào quản lý danh sách người bệnh tâm thần, chủ yếu là cấp thuốc điều trị tâm thần theo chỉ định của tuyến trên, không thực hiện công việc khám, chẩn đoán, kê đơn điều trị rối loạn tâm thần.
Bác sĩ Lê Minh Sang, chuyên gia y tế cao cấp (Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) chia sẻ, mặc dù Việt Nam có hơn 11.000 trạm y tế xã, phường nhưng chỉ 49% số trạm thực hiện được 80% danh mục chuyên môn kỹ thuật; các trạm y tế chỉ cấp thuốc miễn phí cho người bệnh tâm thần phân liệt, động kinh và trầm cảm; không thực hiện được các dịch vụ khác như sàng lọc, trị liệu, phòng tái phát hay phục hồi chức năng; trạm y tế dựa hoàn toàn vào trung tâm y tế huyện để duy trì dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Đối với ngành bảo trợ xã hội thì mới triển khai chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi dựa vào cộng đồng cho người rối loạn tâm thần; mặt khác gặp thách thức trong điều phối đa ngành cũng như khó tiếp cận đối với người bị rối loạn tâm thần ở nông thôn. Tất cả học sinh có bảo hiểm y tế nhưng không tiếp cận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần phù hợp.
Theo nghiên cứu của PGS, TS Nguyễn Văn Tuấn và Thạc sĩ, bác sĩ Lê Công Thiện (Bộ môn Tâm thần, Trường đại học Y Hà Nội), hiện nay nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe tâm thần trong cả nước thiếu về số lượng; chất lượng chưa cao; phân bổ không đều, tập trung nhiều ở vùng đồng bằng sông Hồng và Thành phố Hồ Chí Minh, còn khu vực miền núi phía bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ rất ít...
Mục tiêu chung của kế hoạch là “tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị các bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”.
Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng đề án “Tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần” để trình Chính phủ phê duyệt làm cơ sở triển khai công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trong giai đoạn sắp tới. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, chăm sóc sức khỏe tâm thần là vấn đề của toàn xã hội, không của riêng ai và không của riêng cấp bậc hành chính nào.
Chính vì vậy, phòng ngừa và nâng cao sức khỏe tâm thần là trách nhiệm của mỗi người dân, gia đình, cộng đồng, chính quyền và các ban, ngành đoàn thể từ trung ương đến địa phương, cùng các tổ chức xã hội, thông qua các giải pháp như nâng cao nhận thức, thực hiện các hành vi lành mạnh ở mỗi cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, dự phòng và xử lý tốt các thiên tai, thảm họa... Khi đã gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần thì trách nhiệm chủ yếu của y tế và xã hội nhằm giảm nhẹ, tiến tới điều trị khỏi hoàn toàn cho người bệnh. (Nhân dân, trang 8).
Ngăn chặn dịch sốt xuất huyết từ những “điểm nóng”
Tại thành phố Hà Nội, dịch sốt xuất huyết đang diễn biến hết sức phức tạp với số ca mắc và ổ dịch ở mức cao. Các địa phương có nhiều "điểm nóng" về sốt xuất huyết đã và đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch...
Tình hình dịch diễn biến phức tạp
Ngõ 205 và ngõ 207 đường Xuân Đỉnh (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) có nhiều ngách, hẻm nhỏ với nhiều nhà cho thuê trọ, công trình xây dựng đang thi công. Hiện nơi đây ghi nhận nhiều ca mắc sốt xuất huyết. Tổ trưởng tổ dân phố Xuân Nhang 1 (phường Xuân Đỉnh) Nguyễn Tuyết Thanh cho biết, ca sốt xuất huyết đầu tiên được ghi nhận ở tổ là từ khu nhà trọ và 1 công trình xây dựng có tầng hầm để đọng nước...
Đoạn mương lộ thiên ở ngõ 323 đường Xuân Đỉnh cũng là nơi phát sinh nhiều ổ muỗi gây bệnh. Cộng dồn từ đầu năm 2023, quận Bắc Từ Liêm ghi nhận 90 ổ dịch sốt xuất huyết. Đến ngày 4-10-2023, còn 18 ổ dịch đang hoạt động, trong đó ghi nhận 5 ổ dịch mới tại các phường Đức Thắng, Liên Mạc, Phúc Diễn, Tây Tựu, Xuân Tảo.
Theo thống kê, toàn quận Tây Hồ có 320 khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch sốt xuất huyết (công trình xây dựng, đình, đền, chùa, khu đất trống, khu nhà trọ). Trong đó, các phường có số ca mắc nhiều nhất là Xuân La, Yên Phụ, Thụy Khuê, Quảng An. Hiện số ca bệnh trên địa bàn quận tăng gấp 3,9 lần so với cùng kỳ năm 2022 (106 ca/14 ổ dịch), không có ca tử vong.
Tại quận Cầu Giấy, Dịch Vọng Hậu là phường có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất, với tổng số ca bệnh lũy tích đến ngày 5-10-2023 là 215 ca, 13 ổ dịch. Nhiều địa điểm trên địa bàn phường đã căng biển “khu vực đang có ổ dịch sốt xuất huyết hoạt động” nhằm khuyến cáo người dân tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. Phường Dịch Vọng Hậu còn công khai số điện thoại của lãnh đạo Trạm y tế, UBND phường để người dân liên hệ khi phát hiện ca mắc sốt xuất huyết.
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu Nguyễn Thị Ngọc Ánh, không chỉ những khu vực ẩm thấp, đọng nước, vệ sinh kém mới phát sinh ổ dịch mà ngay cả những nơi cao ráo, khô thoáng như chung cư, ký túc xá... dịch sốt xuất huyết cũng bùng phát.
Chị N.T.T (chung cư Mipec, phường Dịch Vọng Hậu) cho biết, lúc bị ốm, chị cứ nghĩ mình bị sốt vi rút, chứ không nghĩ là sốt xuất huyết vì nhà chị ở tầng cao của chung cư. Khi được cán bộ y tế phường giải thích có thể mắc sốt xuất huyết ở nơi khác, chị đã thực hiện các biện pháp tăng cường bảo vệ sức khỏe theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Tăng cường các biện pháp phòng, chống
Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu Nguyễn Thị Ngọc Ánh cho biết, nhiều ổ dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, kéo dài do ý thức người dân chưa cao, chưa chủ động thực hiện tốt các hướng dẫn phòng, chống sốt xuất huyết. Hoạt động xử lý ổ dịch chưa triệt để, bỏ sót ổ bọ gậy, bể nước hở. Lực lượng làm vệ sinh môi trường thiếu kỹ năng... Tỷ lệ người dân hưởng ứng phun hóa chất không cao.
Bên cạnh đó, do nguồn kinh phí hỗ trợ đội ngũ cộng tác viên, đội xung kích, tổ giám sát phòng, chống sốt xuất huyết còn hạn hẹp nên gặp khó khăn trong việc huy động nhân lực tham gia hưởng ứng dọn dẹp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy. UBND phường thường xuyên tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về cách phòng, chống dịch sốt xuất huyết, vận động người dân tích cực tham gia vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại cộng đồng. Đến nay, có 10 ổ dịch đã được "dập tắt".
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương, thời gian tới, UBND quận tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch sốt xuất huyết, qua đó chủ động chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Quận yêu cầu, các phường tổ chức chiến dịch cao điểm tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức về biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Chủ tịch UBND các phường phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác này. Đối với người mắc bệnh sốt xuất huyết cần được giám sát sức khỏe thường xuyên, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất nguy cơ chuyển nặng và tử vong tại nhà. Bên cạnh đó, quận vận động lực lượng hành nghề y dược ngoài công lập chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc men, phát hiện sớm, tư vấn, điều trị cho bệnh nhân theo đúng phác đồ và tuyệt đối không để xảy ra tử vong tại nhà.
Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lê Thị Thu Hương cho biết, thực hiện cao điểm truyền thông về phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, quận Bắc Từ Liêm đang tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Chủ động phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm giai đoạn 2020-2023” tại các phường; thường xuyên thực hiện công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm đầy đủ các điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, nhân lực phòng, chống dịch trong mọi tình huống; nâng cao ý thức của người dân, tránh tình trạng lơ là, mất cảnh giác, chủ quan với dịch bệnh. (Hà Nội mới, trang 6).
Bộ Y tế đề xuất gói BHYT bổ sung: Quy định thế nào, ai được tham gia?
Gói bảo hiểm y tế (BHYT) bổ sung là BHYT tự nguyện, áp dụng cho những người đã tham gia BHYT bắt buộc. Doanh nghiệp tham gia cung cấp gói bảo hiểm này không được lựa chọn đối tượng, quy định loại trừ người bệnh, không chỉ chọn người khỏe ký hợp đồng mà là tất cả người dân có điều kiện, có nhu cầu.
ThS Trần Thị Trang - Quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) nhấn mạnh nội dung trên tại tọa đàm về chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) bổ sung trong dự án luật BHYT sửa đổi do Bộ Y tế phối hợp Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức hôm nay - 10/10.
BHYT bổ sung là BHYT tự nguyện, nhà nước sẽ quy định nguyên tắc xây dựng mức phí để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh
Theo ThS Trần Thị Trang, loại hình BHYT đang thực hiện là chính sách BHYT an sinh xã hội, bảo hiểm bắt buộc do Nhà nước đảm bảo để nâng cao chăm sóc sức khỏe toàn dân.
"Chúng ta đang hướng tới bao phủ BHYT toàn dân. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn phát triển BHYT bổ sung, dự kiến đề xuất thực hiện liên kết giữa BHYT xã hội và cơ sở kinh doanh BHYT thương mại để người dân có thêm lựa chọn"- ThS Trần Thị Trang thông tin.
Nhấn mạnh chính sách BHYT bổ sung là một trong những điểm quan trọng trong Nghị quyết 20, đảm bảo tính tiên tiến, hội nhập quốc tế trong xây dựng chính sách, ThS Trần Thị Trang cho hay, gói BHYT bổ sung nhằm xây dựng các gói quyền lợi y tế ngoài phạm vi chi trả của BHYT, tăng quyền lợi, giảm chi từ "tiền túi" của người bệnh.
Dự kiến gói BHYT bổ sung này là BHYT tự nguyện, người dân có mong muốn tham gia, trên cơ sở đã tham gia BHYT bắt buộc. Gói BHYT bổ sung sẽ bao phủ chi trả giá trị tăng thêm như phần đồng chi trả, quyền lợi tăng thêm mà người bệnh có nhu cầu, dịch vụ tăng thêm so với các dịch vụ đang được BHYT cung cấp.
"Về mức phí cho BHYT bổ sung, hiện nay sẽ do phía đơn vị kinh doanh bảo hiểm quy định. Tuy nhiên, Nhà nước sẽ quy định nguyên tắc xây dựng mức phí để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, phạm vi chi trả không được trùng lắp với BHYT bắt buộc"- ThS Trang nêu rõ.
Doanh nghiệp tham gia cung cấp gói bảo hiểm này không được lựa chọn đối tượng, không được có quy định loại trừ người dân, không chỉ chọn người khỏe ký hợp đồng mà là tất cả người có điều kiện, có nhu cầu.
Để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia, doanh nghiệp sử dụng kết quả giám định của cơ quan bảo hiểm xã hội để xác định chi phí phù hợp, đúng quy định. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ đề xuất cơ chế pháp lý rõ ràng để giám sát việc thực hiện BHYT bổ sung.
Quyền lợi BHYT bổ sung thế nào?
Chia sẻ tại tọa đàm, ThS Hoàng Trung Tuấn - Vụ BHYT cho biết: Việc phối hợp giữa BHYT và bảo hiểm thương mại sẽ kết hợp nguồn tài chính từ quỹ BHYT xã hội với nguồn tài chính từ các doanh nghiệp bảo hiểm thương mại thông qua liên kết giữa hai loại hình bảo hiểm để bảo vệ tài chính cho người tham gia bảo hiểm trong sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Mục đích của gói BHYT bổ sung là xây dựng các gói quyền lợi y tế ngoài phạm vi chi trả của BHYT.
Phạm vi chi trả của gói không trùng lặp với phạm vi được hưởng và mức hưởng của BHYT bắt buộc. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân mua, hỗ trợ mua BHYT bổ sung, khuyến khích các tổ chức thực hiện BHYT bổ sung theo nguyên tắc phi lợi nhuận.
Cũng theo ông Tuấn, Quỹ BHYT bổ sung là quỹ tài chính nằm ngoài ngân sách nhà nước hình thành từ nguồn đóng BHYT bổ sung và các nguồn thu hợp pháp khác, được sử dụng để chi trả chi phí y tế bổ sung ngoài phạm vi thanh toán của BHYT bắt buộc cho người tham gia BHYT bổ sung và các chi phí khác theo quy định của pháp luật về BHYT và pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
Theo TS Nguyễn Khánh Phương, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế, hướng tới bao phủ BHYT toàn dân, cần huy động đủ nguồn tài chính đáp ứng yêu cầu người dân được chăm sóc sức khoẻ khi có nhu cầu, đồng thời, phải bảo giảm chi trực tiếp từ tiền túi cho chăm sóc sức khoẻ, hạn chế rào cản tài chính trong tiếp cận chăm sóc sức khoẻ của người dân; tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực cho chăm sóc sức khoẻ...
"Việc thực hiện gói BHYT bổ sung sẽ góp phần tăng số người tham gia BHYT bắt buộc, tăng số người tham gia BHYT bổ sung, tạo công bằng, thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT, nâng cao hiệu quả hoạt động của tuyến y tế cơ sở, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và quản lý, sử dụng quỹ BHYT..."- TS Khánh Phương nói.
BHYT bổ sung cũng giúp tăng tiếp cận dịch vụ y tế bao gồm cả dịch vụ theo yêu cầu, kỹ thuật cao (có mức đồng chi trả lớn)…
Chuyên gia khuyến nghị gì khi thực hiện BHYT bổ sung?
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong triển khai gói BHYT bổ sung, ông Xia Hao- Phó Giám đốc tiếp cận thị trường toàn cầu của công ty MSD cho biết: Tại Trung Quốc, BHYT bổ sung (SMI) là một tầng mới nằm giữa BHYT cơ bản và bảo hiểm sức khỏe thương mại, được quản lý bởi Chính phủ và vận hành bởi các công ty BH thương mại. BHYT bổ sung là danh cho các bệnh lý y khoa nghiêm trọng (bệnh hiếm, bệnh ung thư,…). BHYT bổ sung sẽ chi trả các quyền lợi mà BHYT cơ bản chưa chi trả (ví dụ như các thuốc phát minh, các dịch vụ kỹ thuật cao,…).
Nhấn mạnh vai trò của Chính phủ là chìa khóa quyết định thành công của chính sách BHYT bổ sung, ông Xia Hao cho biết: Mức độ tham gia của Chính phủ là chìa khóa để thành công. Chính phủ xây dựng nguyên tắc thực hiện BHYT bổ sung: gói quyền lợi, khoảng phí bảo hiểm, tỷ lệ tổn thất. Việc xây dựng các gói BHYT bổ sung cần bảo đảm việc thiết kế gói quyền lợi cần theo sát đặc điểm của dân số địa phương. BHYT bổ sung nên tập trung cho các chi tiều y tế lớn (như các bệnh lý đặc biệt nghiêm trọng hay bệnh hiếm).
ThS Trần Thị Trang cho biết, Bộ Y tế đang nghiên cứu việc đa dạng hóa các gói BHYT phù hợp với mức đóng. Điều này nhằm chi trả cho một số dịch vụ chưa được BHYT chi trả như gói khám sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người già, khám, chẩn đoán sàng lọc phát hiện sớm một số bệnh… giảm chi phí người dân bỏ ra cho việc chi trả dịch vụ y tế.
Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng cho rằng có thể thu thêm một khoản phí để phục vụ việc khám, chẩn đoán, phát hiện sớm một số bệnh như ung thư. Những bệnh này nếu để đến giai đoạn nặng mới phát hiện, điều trị thì hiệu quả thấp, giảm thời gian sống, tăng nguy cơ tử vong, tốn kém chi phí điều trị (tiền thuốc, tiền giường…). (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).
TP.HCM: Vắc xin tiêm chủng mở rộng chỉ đủ dùng 2 tuần
Hiện nguồn vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng tại TP.HCM đang cạn dần. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM dự báo số vắc xin trong chương trình này chỉ đủ tiêm trong 2 tuần nữa.
Chiều 11-10, Sở Y tế TP.HCM thông báo: theo thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, khả năng cao đến cuối tháng 12 mới có lại nguồn cung ứng vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng.
Tại TP.HCM, nguồn vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng đang cạn dần, cụ thể như: vắc xin DPT-VGB-Hib (vắc xin 5 trong 1) chỉ còn khoảng 3.000 liều, vắc xin ngừa sởi - rubella còn 2.300 liều, vắc xin ngừa sởi còn 660 liều, vắc xin ngừa uốn ván còn 600 liều, vắc xin ngừa viêm gan siêu vi B còn 89 liều...
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) dự báo số vắc xin này chỉ đủ tiêm trong vòng 2 tuần nữa.
Thực trạng trên là lo lắng gần đây của cử tri TP khi biết tình hình một số trạm y tế thông báo không còn vắc xin 5 trong 1 khi các bậc phụ huynh đưa trẻ đến tiêm chủng theo lịch.
Trước tình hình này, ngành y tế TP.HCM tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo đẩy nhanh lộ trình cung ứng vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng.
HCDC tiếp tục điều phối hợp lý nguồn vắc xin còn lại giữa các địa phương trên địa bàn TP; hướng dẫn các trạm y tế phường, xã rà soát và quản lý chặt chẽ danh sách trẻ đến lượt tiêm mới, tiêm nhắc lại để kịp thời nhắc và triển khai tiêm sớm nhất khi có nguồn vắc xin được cung ứng trở lại.
Riêng nguồn vắc xin 5 trong 1 thuộc nguồn dịch vụ, hiện nay vẫn có. Trong trường hợp cần thiết, các bậc phụ huynh có thể cân nhắc đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm vắc xin theo nhu cầu.
Sở Y tế TP.HCM cho biết thêm, từ nhiều năm qua, việc cung ứng vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng do Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đảm trách (chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia).
Tuy nhiên kể từ năm 2022 cho đến nay, việc cung ứng vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng bị gián đoạn do thay đổi về cơ chế mua sắm vắc xin sau khi kết thúc chương trình mục tiêu y tế - dân số.
Điều này đã làm gián đoạn cung ứng một số vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn TP trong một khoảng thời gian nhất định, trong đó có vắc xin sởi, bạch hầu - ho gà - uốn ván và vắc xin 5 trong 1. (Tuổi trẻ, trang 4).
Tràn lan thông tin chữa bệnh đau mắt đỏ phản khoa học
Dịch đau mắt đỏ đang lây lan mạnh tại Hà Nội và nhiều địa phương trong cả nước từ tháng 8 tới nay khiến nhiều người phải nhập viện, không ít người bị biến chứng viêm loét giác mạc, viêm giác mạc có giả mạc do tự ý điều trị, trong đó có những biện pháp phản khoa học.
Đặc biệt, từ khi dịch bùng phát, trên các trang mạng như Facebook, Tik Tok xuất hiện nhiều “bài” điều trị đau mắt đỏ như: Nhỏ nước tiểu, nhỏ sữa, xông lá trầu không, đắp nha đam, đắp rau diếp cá, nhỏ nước Smart A và thấm nước này vào bông tẩy trang đắp lên mắt…
Theo Bệnh viện Mắt Hà Nội, thời gian gần đây, mỗi ngày bệnh viện thường xuyên khám và điều trị khoảng 400 bệnh nhân mắc các bệnh lý về mắt, trong đó 30% là mắc bệnh đau mắt đỏ. Với gần 30 bệnh nhân thường xuyên điều trị nội trú, đã có đến gần 20% bệnh nhân nặng viêm kết mạc biến chứng. Theo thống kê, trong 25 ngày của tháng 9, đã có 1.211 trường hợp đau mắt đỏ đến khám và điều trị tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, trong đó có 437 trường hợp là trẻ em.
Còn tại Bệnh viện Mắt Trung ương, trung bình mỗi ngày bệnh viện có từ 1.200-1.600 người tới khám, trong đó 12-17% trường hợp là đau mắt đỏ. Có mặt ở đây, chúng tôi chứng kiến khá nhiều ca bệnh biến chứng phải bóc giả mạc do tự ý điều trị. Nhiều người dân khi bị đau mắt đã ra hiệu thuốc mua thuốc về nhỏ, chủ yếu là các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid dễ gây biến chứng nguy hiểm. Hơn thế nữa, trên các trang mạng xã hội, Tik Tok đưa nhiều chia sẻ “choáng” với cách chữa đau mắt đỏ.
Điển hình là cách chữa đau mắt đỏ bằng nước tiểu trên một tài khoản T.N lan truyền ở nhiều hội nhóm: “Em chia sẻ phương pháp chữa đau mắt đỏ bằng cách dùng nước tiểu trẻ em nhỏ vào mắt 3 giọt, 3-6 lần/ngày. Anh chị em mình nếu chưa làm theo, đừng vội phán xét. Thuốc nhỏ mắt nhãn hiệu nào cũng nhiều corticoid nhỏ nhiều gây hại gan, thận à nha”.
Ngoài ra, còn có các thông tin chia sẻ trị đau mắt đỏ bằng cách nhỏ sữa mẹ, hay xông, đắp lá trầu không, diếp cá… Thậm chí ở một số hội nhóm còn chia sẻ nhỏ nước Smart A vào mắt, thấm nước nước này vào bông tẩy trang, tối đắp lên 2 mắt đi ngủ, sau vài ngày là khỏi mà không cần phải đi viện cho tốn kém…
Đau mắt đỏ đã trở thành chủ đề được quan tâm đặc biệt trong 2 tháng qua. Có 32.000 cuộc thảo luận và 24.500 bài đăng chia sẻ các phương pháp phòng và điều trị đau mắt đỏ. Trong đó, hơn 15.000 cuộc thảo luận và 7.000 bài đăng lan truyền về các phương pháp tự điều trị phản khoa học, chưa được kiểm chứng, chiếm gần 47%.
Theo BS Hoàng Cương, Phó trưởng Ban Truyền thông, Bệnh viện Mắt Trung ương, chưa có nghiên cứu khoa học, hay bài thuốc nào chứng minh rằng nước tiểu dùng để “chữa” đau mắt đỏ. Đây là thông tin phi khoa học. Chưa kể, thành phần của nước tiểu là urê, muối, đặc biệt vi khuẩn. Việc dùng nước tiểu để nhỏ mắt đang viêm giác mạc cấp sẽ càng khiến bội nhiễm nặng hơn do nhiễm khuẩn.
Bên cạnh đó, chữa đau mắt đỏ bằng cách nhỏ sữa mẹ, hay xông, đắp lá trầu không, diếp cá, dùng nước smart A nhỏ vào mắt… cũng phản khoa học, người bệnh cần tránh xa các thông tin trên mạng xã hội. Phân tích việc dùng lá trầu không để xông khi bị đau mắt đỏ, TS.BS Đặng Xuân Nguyên, Hội Nhãn khoa Việt Nam cho hay: Cách này có thể khiến người bệnh sẽ có cảm giác dễ chịu vì tinh dầu nóng có trong loại lá này. Tuy nhiên, sau đó mắt sẽ càng phù nề do đang tổn thương lại thêm hơi nóng, có thể gây bỏng giác mạc, loét giác mạc, khiến nhiễm khuẩn nặng hơn. Tương tự, đắp nha đam, lá diếp cá vào mắt có thể làm dịu mát hơn, nhưng không thể lường trước có loại vi khuẩn trong đất nếu thâm nhiễm, sẽ gây bội nhiễm. Thực tế, đã có nhiều trường hợp gặp biến chứng, khó phục hồi.
Bệnh đau mắt đỏ hiện nay đang bùng phát thành dịch, tác nhân gây bệnh thường do các chủng virus như Adenovirus, Enterovirus, virus Coxsackie gây ra, lây lan qua đường hô hấp và qua tiếp xúc như tay bẩn, dụng cụ đồ chơi có dính rỉ mắt của người bệnh. Biểu hiện của bệnh có thể dễ nhận biết như mắt đỏ, sưng tấy, mắt có nhiều rỉ gèn, rất khó chịu.
Theo khuyến cáo của BSCKII Nguyễn Thị Mai Hương, Khoa Chấn thương mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương, có nhiều bệnh nhân tự điều trị khi đau mắt đỏ đã gặp biến chứng loét giác mạc, có giả mạc, thậm chí giảm thị lực, nguy cơ mù… Vì vậy, khi bị đau mắt đỏ, người bệnh không tự ý nhỏ thuốc hay sử dụng phương pháp “mẹo” dân gian, cách chữa phản khoa học trên mạng, mà hãy đến cơ sở y tế có chuyên khoa mắt thăm khám, sử dụng thuốc theo đơn và hướng dẫn của bác sĩ. (Công an Nhân dân, trang 7).