Nhiều bệnh nhân bỏ BHYT để đến Bệnh viện Chợ Rẫy
Dù BV Chợ Rẫy kê thêm giường ngoài hành lang nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu BN, do vậy giải pháp là hợp tác với các BV để giảm tải nhưng phải đúng pháp luật, an toàn cho người bệnh. Tại Hội nghị mô hình hợp tác giảm tải của Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy với 12 BV khác trên địa bàn TP.HCM ngày 11.8, bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Chợ Rẫy, cho hay BV có 1.800 giường kế hoạch nhưng bệnh nhân (BN) thực nằm lên đến 2.600 - 2.700 người, có lúc lên đến 2.900 BN.
Theo bác sĩ Việt, nhiều người bệnh chấp nhận bỏ BHYT để đến BV Chợ Rẫy điều trị (đi trái tuyến). “Dù BV kê thêm giường ngoài hành lang nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu BN, do vậy giải pháp là hợp tác với các BV để giảm tải nhưng phải đúng pháp luật, an toàn cho người bệnh”, bác sĩ Việt nói. PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, nói thêm: “Nhân viên BV Chợ Rẫy luôn trong tình trạng quá tải”.
Từ năm 2010 đến nay, BV Chợ Rẫy đã ký kết với 12 BV để giảm tải cho BV Chợ Rẫy - giảm 76.000 lượt BN chuyển lên BV này. Giảm nhiều nhất là các chuyên khoa: chấn thương sọ não (chiếm 35%), chấn thương chỉnh hình (23%), tim mạch can thiệp 36%.
Tuy vậy, theo bác sĩ Việt, mô hình giảm tải này cũng gặp không ít khó khăn trong việc chuyển viện giữa BV Chợ Rẫy với các BV (giảm tải cho Chợ Rẫy), phải làm giấy chuyển tuyến theo đúng quy định của bảo hiểm y tế (BHYT), nếu không sẽ bị BHYT xuất toán...
Tại hội nghị, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, chỉ đạo các BV phải công khai danh mục kỹ thuật, nhân lực, hợp tác với nhau trong giảm tải (Thanh niên, trang 4).
Cần quyết liệt hơn trong ngăn chặn dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội
Dù thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt dập dịch sốt xuất huyết nhưng hiện dịch vẫn bùng phát mạnh, số người mắc liên tiếp tăng trong hai tuần vừa qua và có khả năng tiếp tục tăng trong những tuần tiếp theo. Trước tình hình này, Bộ Y tế đã họp khẩn đề nghị Hà Nội quyết liệt hơn, nhằm khống chế dịch bệnh sốt xuất huyết. |
Mỗi tuần có thêm 1.000 người sốt xuất huyết Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát tại Hà Nội. Mặc dù ngành y tế Hà Nội đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, tuy nhiên dịch bệnh lây lan nhanh. Trong những tuần gần đây, mỗi tuần có thêm khoảng 1.000 người bị SXH, đưa tổng số người bị mắc SXH trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay lên đến 13.982 người, tăng hơn mười lần so với cùng kỳ năm 2016, trong đó đã có bảy người chết. Trước tình hình dịch SXH diễn biến phức tạp tại Thủ đô, Bộ Y tế đã họp khẩn Ban chỉ đạo phòng chống dịch. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến truy vấn lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội: "Vì sao Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, xử phạt các cơ sở sản xuất, kinh doanh để nước đọng sinh ra muỗi, nhiều nơi tiến hành phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng; tiền để mua sắm hóa chất, sinh phẩm, vật tư và máy móc, thiết bị đủ cả, mà số người mắc mới vẫn tăng, số người nhập viện vẫn tăng?". Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Ðức Hạnh cho rằng, tình hình SXH tại Hà Nội năm nay nằm trong bối cảnh chung của thế giới, cũng như ở Việt Nam. Theo dõi của ngành y tế trong mười năm qua cho thấy SXH vẫn lưu hành ở Hà Nội. Vào năm 2009, Hà Nội có hơn 16 nghìn người mắc, trong đó có bốn người chết; năm 2015 có hơn 15 nghìn người mắc, không có trường hợp nào tử vong. Từ đầu năm 2017 đến nay, số người bị SXH tăng mạnh do thời tiết mưa nhiều, môi trường ẩm ướt. Ðáng lo ngại là những năm trước, tại Hà Nội chỉ có hai tuýp gây bệnh SXH là vi-rút Dengue tuýp 1 và tuýp 2, nhưng hiện nay đã xuất hiện thêm vi-rút Dengue tuýp 3 và tuýp 4, người mắc bệnh do vi-rút tuýp này gây ra vẫn có thể mắc bệnh do vi-rút tuýp khác ở lần sau. Hơn nữa, chưa có biện pháp đặc hiệu như vắc-xin hay thuốc điều trị. Biện pháp phòng SXH hiện nay là dựa vào cộng đồng để diệt muỗi, bọ gậy, tuy nhiên vẫn chưa triệt để, do người dân vẫn chưa ý thức dọn vệ sinh các dụng cụ chứa nước có bọ gậy sinh nở và phối hợp với ngành y tế khi phun hóa chất diệt muỗi. Khẩn trương dập dịch Trước tình hình khẩn cấp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị thành phố phải huy động thêm máy phun công suất lớn từ các tỉnh, có thể mượn máy phun từ Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái. Bộ trưởng chỉ đạo: "Trước mắt phải tập trung phun thuốc trong nhà người dân, trong trường học, bệnh viện, công trình xây dựng… Ðồng thời dùng máy phun công suất lớn phun ngoài đường. Hà Nội mới có hai xe phun thuốc thì chưa đáp ứng nhu cầu trong lúc này. Tôi đề nghị phải có 20 xe. Lãnh đạo Bộ sẽ đi kiểm tra xem có đủ xe, đủ máy không và phải phun đúng kỹ thuật". Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng đã thành lập ba đội chống dịch cơ động ứng phó với dịch bệnh SXH. Bên cạnh đó, thiết lập văn phòng đáp ứng khẩn cấp về phòng chống dịch bệnh. Thành phố Hà Nội đã thành lập các đội xung kích diệt bọ gậy. Mỗi đội phụ trách từ 30 đến 50 hộ gia đình, khu công trường, cơ quan, xí nghiệp, trường học, khu công cộng để đốc thúc, kiểm tra việc diệt bọ gậy. Ðến ngày 10-8, 25 quận, huyện trong tổng số 30 quận, huyện, thị xã của thành phố, 308 xã, phường trong tổng số 584 xã, phường đã thành lập đội xung kích này. Giám sát hoạt động của đội ngũ này là lãnh đạo thôn, tổ dân phố. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, tất cả các bệnh viện trên toàn thành phố được yêu cầu tăng giờ khám, tăng bàn khám, mở rộng các khu điều trị, sắp xếp lại các phòng làm việc. Những khoa ít bệnh nhân sẽ điều động nhân lực để hỗ trợ khoa đông bệnh nhân với tinh thần cao nhất, quyết tâm tốt nhất, điều trị nhanh nhất cho bệnh nhân. Tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai, PGS,TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV đã chỉ đạo các đơn vị, khoa, phòng dành mọi sự hỗ trợ về thuốc, dịch, nhân lực, vật lực cho Khoa Truyền nhiễm - nơi chuyên điều trị các bệnh nhân SXH, được hoạt động tốt nhất. Khoa Da liễu bố trí một cơ số buồng bệnh để luân chuyển bệnh nhân từ Khoa Truyền nhiễm về điều trị. Bên cạnh đó, BV cũng thay đổi thời gian làm việc từ 7 giờ đến 17 giờ; yêu cầu bác sĩ, điều dưỡng viên đi làm cả ngày thứ bảy và chủ nhật để tập trung chống dịch. BV Bệnh nhiệt đới Trung ương đã đưa vào sử dụng Trung tâm chăm sóc ban ngày ngay tại Hội trường BV với 20 giường bệnh nhằm giảm tải cho các phòng điều trị. Giám đốc BV Nguyễn Văn Kính cho biết, hơn một tháng qua, mỗi ngày đơn vị tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh SXH. Cao điểm, có ngày tiếp nhận từ 800 đến 1.200 bệnh nhân, chủ yếu là bệnh nhân ở Hà Nội. BV Ða khoa Ðống Ða là đơn vị tiếp nhận nhiều bệnh nhân SXH nhất trong số các BV của Hà Nội, với khoảng 400 - 500 bệnh nhân/ngày, trong đó 20% số bệnh nhân phải nhập viện. Tại Khoa Cấp cứu của BV, suốt từ tháng 5 đến nay, hai bác sĩ, ba điều dưỡng viên khám cho 150 bệnh nhân/ngày. Phòng làm việc của bác sĩ cũng được kê thêm giường gấp để bệnh nhân nằm truyền dịch. BV đã phải huy động thêm bác sĩ, điều dưỡng viên từ các khoa khác để hỗ trợ. Sở Y tế cũng đã tổ chức tập huấn hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh SXH cho hơn 100 bác sĩ của các bệnh viện công lập, ngoài công lập, trưởng phòng khám đa khoa các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và cán bộ phụ trách chuyên môn các phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn thành phố. Lãnh đạo Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện phân loại bệnh nhân ngay từ "đầu vào" cũng như thực hiện đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, các bệnh viện được yêu cầu thành lập đội xung kích vệ sinh môi trường diệt bọ gậy. Ðội xung kích kiểm tra, hướng dẫn và cùng cán bộ các khoa, phòng xử lý triệt để các dụng cụ chứa nước, đồ vật có khả năng chứa nước, các ổ bọ gậy trong khuôn viên bệnh viện. Lãnh đạo Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện phải làm tốt công tác phân loại bệnh nhân ngay từ đầu, thực hiện đúng yêu cầu về phân luồng điều trị; theo dõi chặt chẽ tình trạng người bệnh, khi phát hiện có dấu hiệu tiến triển nặng, vượt quá khả năng chuyên môn của đơn vị phải kịp thời chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Ðối với bệnh viện có nhiều bệnh nhân SXH đến khám và điều trị phải bố trí khu vực khám riêng bệnh nhân SXH. Ngày 11-8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung đã ký ban hành Văn bản số 3905/UBND-KGVX yêu cầu các đơn vị tăng cường biện pháp phòng, chống SXH. Lãnh đạo thành phố yêu cầu, 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố huy động toàn bộ hệ thống chính trị, các đoàn thể và toàn thể người dân tham gia vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phòng chống dịch SXH vào sáng 12-8. Chiến dịch sẽ duy trì thường xuyên, liên tục vào các tuần tiếp theo, cho đến ngày 4-9. UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thành lập ngay các đội xung kích diệt bọ gậy và Tổ giám sát phòng, chống SXH; duy trì thường xuyên, liên tục các hoạt động điều tra, xử lý ổ dịch, tổ chức kiểm tra lại các ổ dịch đã xử lý. Bố trí đủ kinh phí cho hoạt động phòng, chống SXH. Kiên quyết xử phạt các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện hoặc không hợp tác thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH. Hằng tuần tổ chức giao ban Ban Chỉ đạo, đánh giá tình hình, đề xuất giải pháp xử lý, bảo đảm khống chế hiệu quả dịch SXH tại địa phương. Hỗ trợ các địa phương hóa chất, dụng cụ phòng, chống sốt xuất huyết Ngày 11- 8, Bộ Y tế cho biết: Bộ đã cấp gần 11.000 lít hóa chất diệt muỗi; 3.250 bộ trang phục phòng, chống dịch; 500 hộp hóa chất diệt ấu trùng và 160 bộ dụng cụ điều tra côn trùng cho các địa phương trong phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH). Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng đã thành lập ba đội chống dịch cơ động ứng phó với dịch bệnh SXH để kịp thời hỗ trợ các địa phương khi cần thiết... Theo dự báo, thời gian tới dịch bệnh SXH tiếp tục diễn biến phức tạp, do vậy Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu ngành y tế các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nhất là xác định các điểm nóng, khu vực có nguy cơ bùng phát dịch để xử lý triệt để. Thí điểm các biện pháp mới trong phòng, chống SXH như phun tồn lưu, phun mù nóng; khôi phục hoạt động của mạng lưới cộng tác viên. Phối hợp chặt chẽ các ngành xây dựng; tài nguyên và môi trường; giáo dục và đào tạo và chủ đầu tư các công trình xây dựng có trách nhiệm kiểm tra, xử lý các ổ đọng nước tại các công trình công cộng, công trường xây dựng. Huy động giáo viên, học sinh, sinh viên các trường tham gia tích cực vào chiến dịch diệt muỗi, diệt bọ gậy tại gia đình, ký túc xá, nhà trọ, nhất là trong dịp tựu trường sắp tới… (Nhân dân, trang 8).
Sở Y tế Hà Nội lý giải vì sao chưa công bố dịch sốt xuất huyếtÔng Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, dù chưa công bố dịch sốt xuất huyết (SXH) song Hà Nội đã thực hiện quyết liệt, đầy đủ cả 2 yếu tố quan trọng nhất là công khai tình hình dịch và tập trung nguồn lực chống dịch giống như quy trình xử lý khi đã công bố dịch. Tính đến thời điểm này, cả nước đã ghi nhận khoảng 80.555 ca mắc SXH, cao gần gấp 3 lần số mắc trong cả năm 2016. Dù vậy, cả nước mới chỉ có duy nhất tỉnh Hà Nam công bố có dịch sốt xuất huyết (SXH). Đáng chú ý, Hà Nam là địa phương có số mắc SXH không nhiều nếu so sánh với các địa phương khác. Trong khi TPHCM và Hà Nội là 2 địa phương có số ca mắc SXH cao nhất và đang gia tăng nhanh nhất nhưng chưa địa phương nào công bố dịch SXH. Trả lời trên báo chí về vấn đề này, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội lý giải, việc công bố dịch bệnh truyền nhiễm nhằm 2 mục đích. Thứ nhất, công khai tình hình dịch bệnh để nhân dân biết. Thứ hai, là huy động nguồn lực để làm tốt công tác phòng, chống dịch. Cụ thể, Thành uỷ Hà Nội đã có chỉ đạo, UBND TP.HN đã có chỉ thị, các đoàn thể, cơ sở y tế đã vào cuộc. Kinh phí cho công tác phòng, chống SXH đã lên tới gần 20 tỷ đồng, các địa phương cũng trích ngân sách cho công tác phòng, chống SXH… Như vậy, cả 2 yếu tố công khai dịch bệnh và huy động nguồn lực Hà Nội đã làm quyết liệt và đầy đủ” – ông Hoàng Đức Hạnh phân tích. Cũng theo đại diện ngành y tế Hà Nội, dù thành phố đã vào cuộc rất quyết liệt song do tình hình SXH hiện nay đang diễn biến phức tạp nên các đơn vị liên quan đang theo dõi chặt chẽ. Trong tình hình cụ thể, Hà Nội sẽ cân nhắc và đề xuất việc công bố dịch SXH sao cho phù hợp. Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cũng cho biết, việc công bố dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định của luật là thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương song điều quan trọng nhất không phải là công bố dịch hay không mà là đáp ứng phòng chống dịch đến đâu. Trong khi đó, sáng qua, 10-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã trực tiếp đi thị sát, kiểm tra công tác phòng chống dịch SXH ở trọng điểm dịch bệnh này tại quận Hoàng Mai, kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân SXH tại Bệnh viện Thanh Nhàn và chỉ đạo công tác phòng chống dịch SXH của thành phố. Cũng trong chiều qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trực tiếp làm việc với TP Hà Nội và các bệnh viện trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội về tình hình dịch SXH và công tác phòng chống dịch bệnh này. Bộ trưởng nhấn mạnh, tiền chống dịch của Hà Nội không thiếu, máy móc không thiếu, chiến dịch diệt loăng quăng cũng đã tổ chức rồi... nhưng dịch vẫn tăng, do vậy đòi hỏi thành phố phải quyết liệt hơn nữa, có các giải pháp hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng chống dịch SXH (An ninh Thủ đô, trang 3).
Hà Nội bắt đầu chiến dịch phòng chống sốt xuất huyết diện rộng Toàn thành phố Hà Nội sẽ ra quân thực hiện chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi diện rộng, kết hợp tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết... Ngày 11-8, UBND TP Hà Nội ban hành Công văn số 3905/UBND-KGVX về tiếp tục tăng cường biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết. Hiện nay, tình hình dịch sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng nhanh trên địa bàn Hà Nội. Số mắc tăng cao so với cùng kỳ năm 2016 và đã ghi nhận 7 trường hợp tử vong. Để tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn TP, UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai quyết liệt các biện pháp đồng bộ. Cụ thể, toàn thành phố ra quân thực hiện chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi diện rộng, kết hợp tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết; thời gian thực hiện từ hôm nay 12-8 (thứ Bảy) và duy trì thường xuyên, liên tục các tuần làm việc cho đến ngày 4-9-2017. UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thành lập ngay các Đội xung kích diệt bọ gậy và Tổ giám sát phòng, chống sốt xuất huyết; duy trì thường xuyên, liên tục các hoạt động điều tra, xử lý ổ dịch, tổ chức kiểm tra lại các ổ dịch đã xử lý; Bố trí đủ kinh phí cho hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết (kinh phí từ nguồn phòng, chống dịch, kinh phí dự phòng của địa phương và các nguồn lực khác…). Các cấp chính quyền huy động sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, các đoàn thể và toàn thể người dân tham gia phòng, chống sốt xuất huyết. Phải kiên quyết xử phạt hành chính các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện hoặc không hợp tác thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết tại địa phương đúng quy định pháp luật. Hàng tuần, tổ chức giao ban Ban Chỉ đạo, đánh giá tình hình, đề xuất giải pháp xử lý, bảo đảm khống chế hiệu quả tình hình sốt xuất huyết tại địa phương. Sở Y tế cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp chuyên môn kỹ thuật; giám sát, điều tra, thành lập bộ phận thường trực, tổ chức cập nhật, hàng ngày nắm chắc số liệu, ổ dịch tại cộng đồng, xử lý và hướng dẫn các địa phương, đơn vị xử lý triệt để ổ dịch, lựa chọn hóa chất, cách pha đúng tỷ lệ, nồng độ quy định và khuyến cáo của nhà sản xuất, áp dụng phương pháp, thời gian và lưu lượng thuốc phun phù hợp đặc điểm sinh lý, sinh thái của muỗi, bọ gậy… bảo đảm số lượng hoạt chất, liều phun quy định không gây độc hại và lãng phí thuốc. Phải thực hiện tốt công tác cấp cứu, điều trị và phân tuyến điều trị cho người bệnh mắc sốt xuất huyết để hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong…; đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế cho công tác phòng chống sốt xuất huyết. Cùng đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống sốt xuất huyết với các hình thức đa dạng, phong phú theo khuyến cáo của Bộ Y tế để người dân nhận thức đúng về dịch bệnh, về nguồn gốc, quá trình hình thành, phát triển, quy luật của loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, từ đó, nâng cao ý thức, chủ động phối hợp và thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết cho gia đình và cộng đồng. UBND TP yêu cầu Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc những nội dung trên. Sở Y tế (là thường trực) tổ chức giao ban Ban Chỉ đạo, hàng ngày, hàng tuần tổng hợp thông tin về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống sốt xuất huyết, báo cáo Thành ủy, UBND TP Hà Nội và Bộ Y tế. Ở Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 100.000 ca mắc sốt xuất huyết. Năm nay, đến nay, cả nước đã có gần 80.555 ca mắc và 24 người bệnh tử vong. Tính từ đầu năm 2017, Hà Nội đã có trên 13.000 ca mắc sốt xuất huyết, số mắc cao gấp 17 lần so với cùng kỳ, nhiều quận huyện số mắc vượt 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái (An ninh Thủ đô, trang 3; Công an Nhân dân, trang 1).
Hà Nội huy động xe phun thuốc muỗi từ các tỉnh Ngày 11/8, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc sở Y tế Hà Nội cho biết, ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu khẩn cấp tìm đủ 20 xe phun thuốc muỗi để “hạ hoả” dịch sốt xuất huyết (SXH), Sở đã mượn được 9 máy phun thuốc muỗi từ các địa phương lân cận như Hoà Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Thanh Hoá. Ông Hạnh cho hay, đây là những máy phun có vòi khổng lồ để diệt muỗi trưởng thành tại các công trường, chợ, bệnh viện, trường học, nơi đang được coi là ổ muỗi gây bệnh SXH. Dự kiến, hôm nay (12/8), các máy phun thuốc diệt muỗi sẽ về đến Hà Nội. Trong thời gian tới để lo đủ 20 máy phun thuốc khổng lồ, Hà Nội sẽ nhờ sự hỗ trợ của các tỉnh thành khác và Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế). Trước đó tại cuộc họp khẩn về phòng chống dịch SXH ngày 10/8, Bộ trưởng Y tế yêu cầu dùng máy phun khổng lồ diệt muỗi với tần suất 3 lần/ tháng. Hiện Hà Nội có 2 xe và 2 máy phun hóa chất, Bộ trưởng cho rằng như thế là quá ít do đó cần tăng lên 20 xe và tăng thêm máy phun cỡ lớn. Về nhân lực phun hóa chất và máy phun sương nếu thiếu quá thì huy động các tỉnh. Bộ trưởng yêu cầu ngay trong ngày 11 và 12/8 phải huy động được thêm xe và máy phun đặc hiệu, đồng thời đích thân Bộ trưởng sẽ đi kiểm tra việc thực hiện yêu cầu này. Ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, đến thời điểm này Hà Nội đã ghi nhận hơn 13.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có 7 trường hợp tử vong. Số ca mắc tại Hà Nội tăng dần theo từng tuần. Sở Y tế Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch, hiện có 308 xã phường trong tổng số hơn 584 phường đã thành lập đội diệt bọ gậy phòng chống SXH, thành lập 150 đội phun hoá chất. Để phòng chống dịch SXH, Hà Nội đã phun cả hóa chất bằng ô tô và phun nhiều điểm với. Qua giám sát của các viện đầu ngành cho thấy năm nay số lượng bọ gậy tăng và có hơn 30 tác nhân chứa nước là nguyên nhân gây ra lăng quăng, bọ gậy. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng nêu rõ, qua giám sát cho thấy ở tuyến trung ương, tuyến tỉnh huyện rất sát sao nhưng tuyến cơ sở một số nơi vẫn chưa sâu sát. Nhiều người dân vẫn còn thờ ơ với công tác phòng chống dịch, khi qua kiểm tra cho thấy trong khuôn viên nhà ở vẫn còn nhiều tác nhân chứa lăng quăng, bọ gậy. Trước khó khăn của Bệnh viện bệnh nhiệt đới T.Ư về nhân lực với gần 700 giường bệnh nhưng chỉ có gần 300 cán bộ y tế, Bộ trưởng yêu cầu bệnh viện làm đề xuất để tạo điều kiện cho bệnh viện được tuyển nhân lực hợp đồng (Tiền phong, trang 10).
Xây dựng bệnh viện cho người cao tuổi Sở Y tế Hà Nội vừa tổ chức hội thảo góp ý đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2025”. Theo kết quả điều tra sơ bộ của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội tại 30 quận, huyện, thị xã năm 2016, Hà Nội có gần 960 nghìn người từ 60 tuổi trở lên (chiếm 12,7% dân số), trong đó số người từ 80 tuổi trở lên khoảng 180 nghìn. Mặc dù tuổi thọ ngày càng tăng nhưng gánh nặng bệnh tật vẫn đè nặng lên người cao tuổi.Trước thực tế nêu trên, việc xây dựng và triển khai thực hiện đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2025” là hết sức cần thiết. Theo dự thảo, đề án chia 2 giai đoạn, tập trung vào việc xây dựng bệnh viện cho người cao tuổi, mở rộng thêm khoa lão tại các bệnh viện, đào tạo bác sĩ chuyên về lão khoa; xây dựng thí điểm các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng. (Hà Nội mới, trang 3). Phòng chống sốt xuất huyết - Phun hóa chất đủ nhưng chưa đúng |
Dù đã kéo giảm được đà tăng của sốt xuất huyết (SXH) nhưng hiện công tác phòng chống dịch SXH vẫn chưa mang lại hiệu quả cao, trong đó có một phần nguyên nhân là phun hóa chất không đúng cách, nhiều dụng cụ trong gia đình mà người dân không lưu tâm đã tạo điều kiện cho muỗi đẻ lăng quăng. Đó là nhận định là PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí do Bộ Y tế tổ chức tại TPHCM chiều 11-8.
Trước thắc mắc của các phóng viên về thông tin hiện nay muỗi Aedes truyền bệnh đã kháng với các loại hóa chất khiến cho công tác phòng chống dịch chưa hiệu quả, PGS-TS Phan Trọng Lân cho biết, các hóa chất đưa vào phòng chống dịch hàng năm bắt buộc phải thử thực địa ở các địa phương và cho hiệu quả tốt thì mới đưa vào đấu thầu. Do đó, thông tin muỗi Aedes đã kháng hóa chất là không đúng. “Việc đánh giá muỗi có kháng hóa chất hay không cần phải đánh giá bài bản dựa trên cơ sở khoa học và việc phun xịt hóa chất trên diện rộng vẫn phải triển khai để hạ hỏa dập dịch”, PGS-TS Phan Trọng Lân cho hay.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Phan Trọng Lân, hiện nay việc phun hóa chất chưa đúng khiến cho công tác phòng chống dịch chưa hiệu quả, điển hình như phun hóa chất không đúng giờ, phun vào thời điểm muỗi đi ngủ hoặc vào thời điểm nhiệt độ quá nóng, có nơi thậm chí phun hóa chất vào 2 giờ chiều lúc nhiệt độ trên 300C thì không thể diệt muỗi.
Bên cạnh đó, nhiều cán bộ y tế pha hóa chất không đúng kỹ thuật, phun không đúng, không trúng mục tiêu. Và nhiều nơi chỉ phun hóa chất mà không diệt lăng quăng thì chỉ 6 - 7 ngày sau lăng quăng sẽ nở ra muỗi và mật độ muỗi lại dày đặc như cũ. Do đó, cần phải thực hiện phun hóa chất một cách triệt để, cứ sau 1 - 2 tuần phải tiến hành phun trở lại thì số muỗi mới sinh ra mới được diệt hết. Ngoài ra, một biện pháp quan trọng khác là phải tìm ra các ổ lăng quăng, bọ gậy nguồn và loại bỏ chúng (Sài Gòn giải phóng, trang 1).
Cứu bệnh nhi bị viêm xoang gây biến chứng khối áp xe khổng lồ ở mắt
Bệnh viện Tai-Mũi-Họng (TP Hồ Chí Minh) vừa tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho bé trai 16 tháng tuổi bị viêm xoang biến chứng tích tụ khối áp xe khổng lồ ở mắt phải. Đây là trường hợp viêm xoang có biến chứng nặng và phức tập nhất 10 năm qua được ghi nhận tại bệnh viện.
Bé trai 16 tháng tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Thuận được mẹ đưa đến Bệnh viện Mắt (TP Hồ Chí Minh) vào ngày 5-8 trong tình trạng mắt phải sưng phù. Khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân mắt sưng có liên quan đến bệnh lý viêm xoang nên chuyển người bệnh qua Bệnh viện Tai-Mũi-Họng để kiểm tra.
Tại Bệnh viện Tai-Mũi-Họng, bệnh nhi được bác sĩ Nguyễn Minh Hảo Hớn - Phó trưởng khoa Mũi-Xoang thăm khám. Bác sĩ nhận định bệnh nhi bị viêm xoang dẫn đến biến chứng ở hốc mắt giai đoạn 4, nếu không mổ dẫn lưu trong vòng 24-48 giờ, sẽ khiến bé bị mù. Ngoài ra, khối mủ áp xe có thể tấn công lên não gây viêm não. Bệnh nhi được bác sĩ chỉ định mổ cấp cứu ngay trong ngày 5-8. Các bác sĩ đã dẫn lưu khối mủ áp xe ra ngoài qua đường xoang. Ê kíp phẫu thuật đã rút được khoảng 100cc mủ từ hốc mắt và mí mắt của cháu bé. Sau 1 tuần phẫu thuật, mắt cháu bé hồi phục tốt, trở lại trạng thái ban đầu. Tuy nhiên, bé cần tiếp tục điều trị bằng kháng sinh sau đó mới được xuất viện.
Bác sĩ Nguyễn Minh Hảo Hớn cho biết: “Ca phẫu thuật cho cháu bé gặp nhiều khó khăn, do cháu bé còn quá nhỏ, tế bào xoang hình thành chưa ổn định. Do đó khi phẫu thuật bào xoang, dẫn lưu mủ ra ngoài gặp nhiều trở ngại. Nhưng may mắn ca phẫu thuật thành công, đưa vùng hốc mắt và thị lực cháu bé trở lại bình thường”.
Bác sĩ Hảo Hớn nhận định, trẻ em bị viêm xoang dễ có biến chứng áp xe ở mắt vì mô xoang xung quanh còn lỏng hẻo, khi tắc nghẽn mủ sẽ tràn ra xung quanh, tấn công lên khu vực mắt. Một số trường hợp trẻ bị tấn công lên não gây biến chứng viêm não.
Theo thống kê của Bệnh viện Tai-Mũi-Họng, trong 10 năm trở lại đây, có 36 trường hợp bệnh nhân bị viêm xoang gây biến chứng áp xe ở mắt. Trường hợp bé trai 16 tháng tuổi vừa được phẫu thuật là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất được phát hiện. Người bệnh lớn tuổi nhất là cụ bà đã 101 tuổi, vẫn được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật để dẫn lưu mủ ra ngoài (Sài Gòn giải phóng, trang 3).