Cắt giảm tối đa thủ tục đăng ký thuốc
Bộ Y tế vừa ký ban hành Thông tư 08/2022/TT-BYT quy định về việc đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc thay thế Thông tư số 32/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018.
Thông tư này đã đơn giản hoá thủ tục hành chính hơn nhiều so với thông tư trước đó, để đảm bảo người dân được tiếp cận thuốc sớm và tránh việc kéo dài thời gian cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Điểm mới của Thông tư 08 không quy định xác thực 100% các hồ sơ mà chỉ quy định xác thực các trường hợp nghi ngờ cần xác thực trước khi cấp phép.
Thông tư cũng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp như: bỏ mẫu thư uỷ quyền, chỉ quy định nội dung phải có trong thư uỷ quyền để có cơ sở xem xét; cho phép nộp hồ sơ theo hình thức cuốn chiếu, không bắt buộc nộp phiếu kiểm nghiệm, tiêu chuẩn chất lượng và phương pháp kiểm nghiệm có xác nhận bởi Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và Sinh phẩm y tế… nhằm giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi giấy tờ, rút ngắn thời gian xem xét…
Đối với hồ sơ đề nghị gia hạn giấy đăng ký lưu hành, Thông tư 08 đã cắt giảm tối đa để đáp ứng với yêu cầu của Luật Dược… (Công an nhân dân, trang 1).
Không tự ý truyền dịch tại nhà
Dù được cảnh báo rất nhiều, nhưng không ít người đã và đang sử dụng biện pháp truyền dịch tại nhà mỗi khi ốm, sốt hoặc cơ thể mệt mỏi. Hậu quả là đã có không ít trường hợp gặp tai biến vì lạm dụng, tự ý truyền dịch. Người dân không nên tự ý làm việc này mà cần đến cơ sở y tế để được thăm khám sức khỏe và có sự chỉ định của bác sĩ.
Không phải cứ ốm, sốt… là truyền dịch
Chỉ cần lên mạng gõ từ khóa “Dịch vụ truyền dịch tại nhà” lập tức cho ra hàng trăm địa chỉ, số điện thoại cung cấp dịch vụ này. Thậm chí, trên mạng xã hội (Zalo, Facebook…) cũng có rất nhiều tài khoản cá nhân nhận truyền dịch tại nhà. Phóng viên Báo Hànộimới đã liên hệ đến một số tài khoản cá nhân trên Facebook và tất cả đều sẵn sàng đến tận nhà phục vụ mà không cần hỏi thêm bất cứ thông tin gì. Đơn cử như tài khoản N.H.N sẵn sàng đến tận nhà truyền dịch cho người bệnh. Không chỉ truyền nước biển, muối, đường, đạm…, tài khoản cá nhân này còn nhận truyền cả vitamin B, C, vitamin tổng hợp và truyền trắng để làm đẹp.
Kỹ thuật truyền dịch tưởng đơn giản, nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây tai biến. Mới đây, Bệnh viện Thanh Nhàn đã cấp cứu cho một bệnh nhân 31 tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Trước đó, do bị sốt nên bệnh nhân này đã sử dụng dịch vụ truyền dịch và tiêm vitamin tổng hợp tại nhà. May mắn, sau khi được lọc máu, áp dụng các phác đồ điều trị của Bộ Y tế, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội truyền nhiễm thành phố Hồ Chí Minh, trong truyền dịch có những vấn đề đáng lo ngại, như: Người bệnh bị sốc phản vệ, tử vong; tim của người bệnh không tải nổi lượng dịch, truyền quá tốc độ sẽ gây suy tim, tử vong; không thải được dịch, người sẽ phù lên… Do đó, việc truyền dịch thường được chỉ định trong bệnh viện với những quy định rất rõ ràng, chặt chẽ, như: Truyền chất gì, lượng bao nhiêu, tốc độ ra sao, dịch đó có phù hợp với người bệnh không, người bệnh có suy thận, suy tim không…
“Không phải cứ ốm, sốt… là cần được truyền dịch. Những người bị mất nước mà không đưa nước vào được bằng đường miệng hoặc người bị mất nước nặng, nhiều mà bổ sung nước bằng đường miệng không kịp thì mới chỉ định truyền dịch. Ngoài ra, những người quá suy kiệt, ăn uống không được thì sẽ truyền các chất bị thiếu vào cơ thể”, bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý.
Với tình trạng lạm dụng việc truyền dịch tại nhà như hiện nay, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cảnh báo, việc tự ý truyền dịch tại nhà rất nguy hiểm. Nếu xảy ra sốc phản vệ, thì điều kiện cấp cứu tại nhà không thể tốt và đầy đủ như ở bệnh viện. Ngoài ra, khi truyền dịch tại nhà, điều kiện về sát khuẩn có thể không bảo đảm bằng ở các cơ sở y tế, do đó, việc nhiễm khuẩn trong khi thao tác truyền rất dễ xảy ra.
Cần nghe tư vấn của bác sĩ
Theo các chuyên gia y tế, dịch truyền cũng được coi là một loại thuốc, vì vậy, liều dùng phải do bác sĩ chỉ định. Trước khi truyền, bệnh nhân cần phải khám tim, phổi, đo mạch… Ngoài ra, để đề phòng rủi ro, trước khi truyền, nhân viên y tế cần kiểm tra kỹ chất lượng dịch truyền, đồng thời lắc chai thuốc kiểm tra xem có vẩn đục hay không và chỉ dùng những chai thuốc trong suốt. Chỉ được truyền chai thuốc còn hạn dùng, thuốc đã mở nắp phải dùng ngay. Trong quá trình truyền dịch, người bệnh cần được theo dõi liên tục để đề phòng các tai biến xảy ra. Một số trường hợp chống chỉ định truyền dịch, như: Người bị suy thận cấp, suy thận mãn, suy gan, viêm gan nặng, chấn thương sọ cấp...
Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội tổng quát, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) khuyến cáo, không nên lạm dụng và tùy tiện thực hiện truyền dịch. Nếu cơ thể mất nước mà vẫn ăn uống được, thì truyền dịch không tốt hơn là mấy so với việc bù nước qua đường uống. Mọi người có thể bù nước bằng cách thông thường như với tỷ lệ 5g đường/100ml dung dịch, thì việc truyền cho trẻ một chai Glucose 5% chỉ tương đương với việc cho trẻ uống gần một thìa cà phê đường. Hay truyền một chai dung dịch muối 9% chỉ như uống một bát canh nhạt.
Thời điểm hiện nay, khi dịch sốt xuất huyết đang gia tăng, nhiều người khi mắc bệnh cảm thấy mệt mỏi, sốt cao, không thể ăn uống... cũng đã tự ý truyền dịch. Tuy nhiên, vào đầu tháng 7-2022, vụ việc một phụ nữ mắc sốt xuất huyết bị tử vong sau khi truyền dịch ở một phòng khám tư tại quận Bình Tân (thành phố Hồ Chí Minh) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm khi lạm dụng truyền dịch.
Bác sĩ Thân Mạnh Hùng lưu ý, trong những ngày đầu khi mắc sốt xuất huyết (thường là 4 ngày), người bệnh có thể được chỉ định truyền dịch. Đến khi bệnh nhân bắt đầu bước vào trạng thái thoát dịch, tăng tính thấm thành mạch, lúc này, truyền dịch không kiểm soát có thể gây tràn dịch màng phổi, tim, bụng dẫn đến suy hô hấp, tuần hoàn. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để khám, chẩn đoán và nghe tư vấn của bác sĩ nếu muốn truyền dịch, không tự ý truyền tại nhà. (Hà Nội mới, trang 5).
Số ca mắc Covid-19 giảm còn 1.643, có 3 bệnh nhân tử vong
Chiều 11-9, theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 1.643 ca mắc Covid-19 (giảm 855 ca so với ngày hôm qua). Ngoài ra, trong ngày có 113 bệnh nhân đang thở ô xy (tăng 5 ca so với ngày trước đó) và có thêm 3 ca tử vong tại Hải Phòng và Tây Ninh.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.439.613 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.256 ca nhiễm).
Về tình hình điều trị, có thêm 34.860 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 10.322.003. Ngoài ra, hiện có 113 bệnh nhân đang thở ô xy (tăng 5 ca so với ngày trước đó), trong đó có 104 ca thở ô xy qua mặt nạ, 2 ca thở ô xy dòng cao HFNC, 2 ca thở máy không xâm lấn và 5 ca thở máy xâm lấn.
Về số bệnh nhân tử vong, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 3 ca tử vong, trong đó có 1 ca tại Hải Phòng và 2 ca tại Tây Ninh.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.129 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Về tình hình tiêm chủng, đến nay, theo Bộ Y tế, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 258.597.170 liều, trong đó, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 219.803.744; tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi là 22.679.343 liều và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là 16.114.083 liều. (Hà Nội mới, trang 7).
Bệnh nhân ung thư dạ dày ngày càng trẻ hóa
Ung thư dạ dày là căn bệnh nguy hiểm, dễ di căn và đứng hàng đầu về tỉ lệ mắc. Hiện nay, bệnh có dấu hiệu trẻ hóa khi nhiều trường hợp phát hiện ung thư chỉ mới ngoài 20 tuổi.
Bệnh nhân Đ.T.L. (25 tuổi, ở Hà Nội) uống rượu bia nhiều trong thời gian dài và chế độ ăn uống không hợp lí. Khi đi khám bệnh ở những tuyến dưới, anh L. không phát hiện ra bệnh. Khi bệnh trở nặng, anh đi khám nội soi, phát hiện ra viêm loét dạ dày nặng có chuyển biến xấu. Bác sĩ Phí Thị Quang, chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa MEDLATEC, người trực tiếp thăm khám, cho biết: “Độ tuổi mắc các bệnh về đường tiêu hóa ngày càng trẻ hóa. Chuyên khoa Tiêu hóa của MEDLATEC đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân còn rất trẻ, chỉ mới hơn 23-24 tuổi, mắc các bệnh ung thư dạ dày, ung thư trực tràng”.
PGS.TS Phạm Hoàng Hà, Trưởng Khoa Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức, cho biết, ung thư dạ dày là một trong những bệnh có tỉ lệ mắc và tử vong cao ở nước ta và đang có xu hướng trẻ hóa. Tại bệnh viện, các bác sĩ đã điều trị cho khá nhiều trường hợp dưới 45 tuổi, thậm chí có bệnh nhân dưới 30 tuổi, nhưng điều đáng mừng là tỉ lệ phát hiện bệnh sớm ở người trẻ khá cao.
Theo PGS Hà, ung thư dạ dày là một trong những bệnh lí ác tính phổ biến, dễ di căn. Có một tỉ lệ lớn bệnh nhân mắc ung thư dạ dày trước đó có tiền sử mắc các bệnh về dạ dày như: viêm loét dạ dày, nhiễm vi khuẩn HP... Bệnh ở giai đoạn sớm không có biểu hiện gì đáng kể, người bệnh chỉ cảm thấy đau nhẹ vùng thượng vị, kèm ợ hơi, ợ chua, các triệu chứng này thường mọi người không quan tâm đến. Ở giai đoạn tiến triển, biểu hiện của bệnh rầm rộ hơn: đau bụng thượng vị, đầy bụng, ăn uống kém, chán ăn, gầy sút cân. Giai đoạn muộn, người bệnh suy kiệt, nôn nhiều (hẹp môn vị), nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen (xuất huyết tiêu hóa), viêm phúc mạc do thủng dạ dày…
“Có nhiều người bị các bệnh lí về dạ dày, trong đó có ung thư dạ dày thường kể dấu hiệu của bệnh không rõ ràng, rất mơ hồ. Đó là cảm giác đầy bụng, khó tiêu, ăn nhanh no, cảm giác luôn no, chán ăn, ợ nóng... Đây chính là những dấu hiệu chỉ điểm để có thể phát hiện bệnh sớm. Nhiều người đến bệnh viện khi xuất hiện tình trạng nôn ra máu, đi ngoài phân đen... Lúc này có thể bệnh đã ở giai đoạn muộn”, PGS Hà lưu ý.
Yếu tố lối sống
Hiện nay, người trẻ tiếp xúc với yếu tố nguy cơ và tích lũy các yếu tố này sớm hơn, như uống rượu bia sớm, hút thuốc lá, ăn những đồ ăn nhanh (khoai tây chiên, đồ rán…). Do đó, quá trình tích lũy, biến đổi xảy ra sớm hơn so với trước đây. Điều này sẽ thúc đẩy tế bào ung thư phát triển sớm hơn so với tuổi.
Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I Bệnh viện K, nhận định: “Nhiều người làm việc ở văn phòng ngồi nhiều, ít vận động. Buổi tối, họ cũng dành thời gian thức khuya xem điện thoại, ti vi... Việc đi ngủ quá muộn sẽ ảnh hưởng tới cơ thể, thay đổi nội tiết. Điều này khiến cho các phản ứng sinh hóa trong cơ thể không được diễn ra cân bằng, hoàn chỉnh dẫn tới biến đổi ADN, từ đó sinh ra ung thư”. Một nguyên nhân khác được bác sĩ Nam đề cập tới khiến cho ung thư tới gần hơn với người trẻ là lối sống ít vận động.
Theo bác sĩ Nam, các bạn trẻ cần có lối sống lành mạnh, tăng cường vận động và dinh dưỡng cân bằng. Hạn chế ăn đồ ăn mặn cũng như các đồ ăn hun khói, nướng, chiên nhiều dầu mỡ, từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia và các chất kích thích; tích cực bổ sung chất dinh dưỡng hợp lí, thức ăn chế biến từ các thực phẩm chứa nhiều vitamin A, B, C, E; có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lí, điều độ. (Tiền phong, trang 6).