Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 13/10/2023

  • |
T5g.org.vn - Hơn 1.000 thuốc được gia hạn số đăng ký; Ăn thịt cóc - bổ ít hại nhiều!; Bộ Y tế hướng dẫn thanh toán thuốc, vật tư... mua từ nguồn ngân sách cho khám, chữa bệnh BHYT…

 

Việt Nam sẽ tham gia tiêm thử nghiệm vắc xin phòng sốt xuất huyết

Bên lề hội nghị khoa học nghiên cứu và ứng dụng trong y học do Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức vào ngày 12-10, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ tham gia tiêm thử nghiệm vắc xin sốt xuất huyết của Nhật Bản.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sốt xuất huyết được xếp vào 10 thách thức y tế toàn cầu, có đến 40% dân số trên thế giới sống trong vùng nguy cơ nhiễm sốt xuất huyết Dengue. Đây là một trong những bệnh lây lan nhanh nhất do muỗi truyền, phổ biến ở các vùng nhiệt đới. Ước tính, sốt xuất huyết gây ra khoảng 20.000 trường hợp tử vong trên toàn thế giới mỗi năm.

Bệnh sốt xuất huyết do 4 tuýp huyết thanh của vi rút Dengue (DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4) gây ra, trong đó, DEN-1 và DEN-2 chiếm 90%. Người bệnh nhiễm chủng vi rút nào thì có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng vi rút đó, nhưng vẫn có nguy cơ mắc các chủng khác. Đáng lưu ý, sốt xuất huyết tái nhiễm lần hai rất nguy hiểm do tình trạng bệnh thường nặng hơn lần đầu.

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 90.000 ca mắc sốt xuất huyết, 26 trường hợp đã tử vong. Trong đó, Hà Nội là một trong những điểm nóng của cả nước khi số ca sốt xuất huyết liên tục tăng. Tuần đầu tháng 10 vừa qua, thành phố cũng đã ghi nhận gần 2.600 ca mắc. Từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội có 17.974 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022); trong đó có 3 ca tử vong.

Điều đáng nói, trong đợt dịch sốt xuất huyết năm nay, thành phố Hà Nội cũng ghi nhận nhiều ca bệnh nặng. Vì vậy, các chuyên gia y tế nhấn mạnh đến vai trò vô cùng quan trọng của vắc xin trong việc phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, trong đó có sốt xuất huyết.

Trước đây, một số quốc gia thử nghiệm và cấp phép lưu hành với một loại vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn, nhất là với vi rút Dengue tuýp 2 - tuýp vi rút gây bệnh sốt xuất huyết phổ biến hiện nay.

Tuy nhiên, vừa qua, Nhật Bản đã sản xuất 1 loại vắc xin phòng bệnh và bước đầu thử nghiệm cho thấy hiệu quả phòng bệnh đối với cả 4 tuýp vi rút Dengue gây bệnh sốt xuất huyết. Vắc xin này sử dụng cùng một liều, có thể chỉ định cho cả người lớn và trẻ nhỏ.

Để có đánh giá kỹ về tác động của vắc xin, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính nhấn mạnh, cần phải thử nghiệm trước khi áp dụng rộng rãi trên cộng đồng. (Hà Nội mới, trang 5).

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 6: “Sẽ tiêm thử nghiệm vắc xin sốt xuất huyết”.

 

Ăn thịt cóc - bổ ít hại nhiều!

Mặc dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo rất nhiều lần, song các vụ ngộ độc do ăn thịt cóc vẫn xảy ra liên tiếp trong thời gian qua.

Mới đây, việc một thanh niên tử vong sau khi ăn thịt cóc một lần nữa cho thấy, người dân không nên chế biến thịt cóc để ăn, tránh những hậu quả đáng tiếc.

Tỷ lệ tử vong do ngộ độc thịt cóc rất cao

Mới đây, vào ngày 2-10, sau khi làm thịt cóc và ăn khoảng 30 phút, anh D.T.Đ (24 tuổi, ở thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, nôn, mệt mỏi... và đã đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới để khám. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, mạch chậm, đau bụng.

Tại đây, các y bác sĩ đã tích cực cấp cứu, truyền dịch, rửa dạ dày, đặt máy tạo nhịp tim... Nhưng tình trạng ngộ độc quá nặng, người bệnh không qua khỏi. Bác sĩ xác định, nguyên nhân khiến nam bệnh nhân tử vong là do ngộ độc thịt cóc.

Trước đó, vào tháng 7-2023, hai bà cháu bệnh nhân N.T.C (58 tuổi, ở huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) đã ăn thịt cóc và trứng cóc. Sau khi ăn khoảng 1 giờ, hai bà cháu có biểu hiện ngộ độc, như: Nôn, đau bụng, tức ngực, đi ngoài… Ngay sau đó, người cháu được chuyển đến Bệnh viện Sản nhi Phú Thọ, còn bà được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Tại bệnh viện, sau 5 giờ cấp cứu, bệnh nhân C qua cơn nguy kịch, kiểm soát được nhịp tim và huyết áp ổn định. Sau 3 ngày theo dõi và điều trị tích cực, người bệnh đã tỉnh táo, không còn đau ngực, nhịp tim, huyết áp bình thường, sức khỏe dần hồi phục.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ) cho biết, cóc chứa chất độc bufodienonid và bufotoxin trên toàn bộ da, tuyến nước bọt - mang tai, nội tạng và trứng. Cóc có thể gây ngộ độc trong toàn bộ vòng đời của chúng, từ trứng, nòng nọc cho đến cóc con, cóc trưởng thành. Nọc độc của cóc có thể gây nên các triệu chứng nguy hiểm trên hệ tiêu hóa, hô hấp, thần kinh và đặc biệt là hệ tim mạch.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) lưu ý thêm, độc tố của cóc là hợp chất bufotoxin có tác động đến tim mạch, gây ảo giác, gây hạ huyết áp... Thành phần độc tố thay đổi tùy theo loài cóc. Khi xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa, độc tố này gây ra ngộ độc cấp tính. Độc tố hấp thu qua da gây ra dị ứng, bỏng rát ở mắt...

Các tuyến trên da cóc bài tiết ra chất nhầy màu trắng, dính keo, dân gian gọi là “nhựa cóc”. Đây là hỗn hợp độc tố có khả năng gây ảo giác, nghẽn mạch và tăng áp suất máu. Ngoài ra, một số loài cóc còn chứa cả độc tố tetrodotoxin (có ở cá nóc) thông qua cơ chế cộng sinh với một số vi khuẩn.

Đề cập đến các loại độc tố có trong cóc, các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng cũng cho rằng, thịt cóc là thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng chứa bufotoxin - một chất cực độc, bền với nhiệt. Độc tố này không bị nhiệt phân hủy trong quá trình nấu ăn và có thể gây chết người trong thời gian rất ngắn. Ước tính, lượng bufotoxin trong 1 con cóc có thể gây tử vong cho 4-5 người khỏe mạnh.

Thêm vào đó, độc tố tetrodotoxin có trong nọc cóc làm co mạch máu, tăng huyết áp, tim đập nhanh hoặc chậm... Do đó, tỷ lệ tử vong do ngộ độc cóc rất cao. Có người qua được cơn nguy kịch thì bị suy thận, vô niệu...

Bên cạnh đó, cóc còn rất bẩn, chứa nhiều giun sán, ký sinh trùng, vì vậy, nên tránh sử dụng do không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Tuyệt đối không chế biến làm thức ăn

Theo bảng thành phần dinh dưỡng Việt Nam của Viện Dinh dưỡng quốc gia, thịt cóc chỉ giàu đạm và kẽm chứ không có gì đặc biệt hơn. Cụ thể, trong 100gram bột cóc ăn được có 55,4gram đạm và 65 hàm lượng (mg) kẽm. So với thịt cóc, hàm lượng đạm trong thịt heo, thịt gà, thịt ếch cũng không kém. Thế nhưng, nhiều người vẫn tin theo quan niệm dân gian cho rằng, ăn thịt cóc giúp bồi bổ sức khỏe, điều trị suy dinh dưỡng. Điều đáng nói là trong quá trình sơ chế rất dễ nhiễm các độc tố có trong con cóc vào thịt cóc gây ngộ độc.

Các bác sĩ khuyến cáo, giá trị dinh dưỡng mà thịt cóc mang lại cũng không có sự khác biệt so với các loại thịt khác. Chính vì vậy, người dân không nên chế biến cóc làm thức ăn vì nọc độc của cóc có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Triệu chứng ngộ độc độc tố cóc biểu hiện cấp tính, xuất hiện từ 1 đến 2 giờ sau khi ăn (có thể sớm hơn nếu uống rượu, bia), với các dấu hiệu: Bị chướng bụng, đau bụng trên rốn kèm theo nôn mửa dữ dội, có thể bị tiêu chảy.

Ngoài ra, còn có các triệu chứng khác, như: Hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh… Tiếp đến là loạn nhịp tim, rung thất, block nhĩ - thất, trụy tim mạch, huyết áp lúc đầu cao sau đó tụt; rối loạn cảm giác (đau như kim chích ở đầu ngón tay, chân, tê môi), chóng mặt, ảo giác, vã mồ hôi lạnh, tăng tiết nước bọt, có thể khó thở, ngừng thở, ngừng tim. Sau đó, bí đái, thiểu niệu, vô niệu và nặng dẫn đến suy thận cấp.

Khi có biểu hiện ngộ độc sau khi ăn thịt cóc, cần nhanh chóng gây nôn để loại bỏ tối đa độc tố trong cơ thể và chuyển ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu, cấp cứu kịp thời.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cũng đưa ra khuyến cáo, người dân không nên mạo hiểm ăn thịt cóc vì nghĩ bổ. Thực tế, thịt cóc cũng như các loại thịt khác, đều có hàm lượng dinh dưỡng nhất định, nhưng ăn lại nguy hiểm hơn. Nọc độc cóc chứa rất nhiều chất độc, có thể tiết qua hạch bạch huyết truyền đi khắp da, mủ, trứng và gan. Thịt, mỡ cóc không có độc nhưng nếu không cẩn thận trong khi chế biến vẫn có thể dính độc.

Để đề phòng ngộ độc do ăn thịt cóc, người dân nên sử dụng những sản phẩm của cóc đã qua chế biến dưới dạng thực phẩm, thuốc đã được các cơ quan chức năng cho phép lưu hành chứ không nên tự ý chế biến vì nguy cơ nhiễm độc rất cao. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Bệnh truyền nhiễm gia tăng trở lại

Hội nghị khoa học 2023 với chủ đề 'Nghiên cứu và ứng dụng trong y học' đã được Tổng hội Y học VN tổ chức ngày 12.10 tại Hà Nội.

Các chuyên gia đầu ngành về bệnh truyền nhiễm, ung bướu, gien đã cùng trao đổi về ứng dụng, cập nhật các phương pháp chẩn đoán, điều trị, bao gồm các bệnh hiếm và bệnh hiểm nghèo như ung thư; có các khuyến cáo, đánh giá về dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh mới nổi và chia sẻ về các giải pháp phòng chống, kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm trên cơ sở các nghiên cứu đánh giá mới nhất về sự biến đổi của vi rút và các véc tơ truyền bệnh; phát triển vắc xin.

Tại hội nghị, GS Nguyễn Văn Kính, Phó chủ tịch thường trực Tổng hội Y học VN, cho rằng riêng bệnh truyền nhiễm, tại một số nước đang gia tăng trở lại các ca bệnh bại liệt, sởi; báo động về dịch đậu mùa khỉ và bệnh tả. Các ca bệnh đậu mùa khỉ ghi nhận trong cộng đồng và đây là bệnh mới nổi cần được giám sát, phát hiện sớm, cách ly y tế để ngăn chặn lây lan.

TS Kính cũng lưu ý về xuất hiện dịch bạch hầu tại một số tỉnh phía bắc như Hà Giang, Điện Biên trong thời gian gần đây, ghi nhận 4 ca tử vong. Một trong các nguyên nhân dịch bạch hầu xuất hiện sau thời gian dài không ghi nhận là do tỷ lệ tiêm chủng giảm, nguồn cung vắc xin gián đoạn.

Chuyên gia bệnh truyền nhiễm lưu ý với những người đi du lịch quốc tế về 5 bệnh lây nhiễm trong năm 2023 là: bạch hầu ở Guinea; sốt xuất huyết ở châu Phi, châu Mỹ, châu Á, quần đảo tây Thái Bình Dương và vùng trung cận đông; nhiễm trùng do nấm sau khi đặt các thiết bị ngoại khoa ở Mexico; bệnh sởi, Chikungunya ở Paraguay. (Thanh niên, trang 15).

 

Bộ Y tế hướng dẫn thanh toán thuốc, vật tư... mua từ nguồn ngân sách cho khám, chữa bệnh BHYT

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh chỉ được thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội và thu số tiền cùng chi trả của người bệnh có thẻ BHYT đối với các thuốc, vật tư, sinh phẩm thuộc danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán thuộc phạm vi được hưởng của người có thẻ BHYT theo đúng các quy định.

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Y tế các Bộ ngành hướng dẫn áp dụng Nghị quyết số 129/NQ-CP liên quan đến BHYT.

Theo Bộ Y tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 129/NQ-CP về việc điều chuyển thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn ngân sách Nhà nước cho phòng, chống dịch COVID-19 sang nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Ngày 21/9/2023, Bộ Y tế đã có Công văn số 6037/BYT- KHTC về việc triển khai Nghị quyết số 129/NQ-CP của Chính phủ. Để làm rõ thêm việc áp dụng liên quan đến BHYT, Bộ Y tế hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về việc thanh quyết toán đối với thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn ngân sách nhà nước cho phòng chống dịch COVID-19 khi sử dụng cho khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh có thẻ BHYT, cụ thể:

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội và thu số tiền cùng chi trả của người bệnh có thẻ BHYT đối với các thuốc, vật tư, sinh phẩm thuộc danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán thuộc phạm vi được hưởng của người có thẻ BHYT theo đúng các quy định của pháp luật về BHYT. Giá thanh toán thuốc, vật tư, sinh phẩm, thời điểm áp dụng giá thanh toán được thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Công văn số 6037/BYT-KHTC của Bộ Y tế.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm tổng hợp chi phí tiền thuốc, vật tư, sinh phẩm thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT vào bảng tổng hợp đề nghị thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT hằng tháng; tổng hợp báo cáo quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT hàng quý, gửi cơ quan bảo hiểm xã hội để thanh toán, quyết toán theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật BHYT.

Số tiền thu được do quỹ BHYT chỉ trả và số tiền cùng chỉ trả của người bệnh có thẻ BHYT cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nộp ngân sách nhà nước theo quy định.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Y tế các Bộ ngành phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện việc thanh toán, quyết toán và nộp ngân sách nhà nước số tiền thu được theo đúng quy định; đồng thời bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

 

Hơn 1.000 thuốc được gia hạn số đăng ký

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa công bố quyết định gia hạn giấy đăng ký lưu hành hơn 1.000 loại thuốc sản xuất trong nước phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch. Hiện nước ta có khoảng hơn 22.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành với khoảng 800 hoạt chất các loại...

TS Vũ Tuấn Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế vừa ký quyết định công bố gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc sản xuất trong nước. Theo đó trong số 1.017 thuốc được gia hạn số đăng ký lần này có 918 sản phẩm gia hạn 5 năm, 99 sản phẩm còn lại gia hạn trong thời gian 3 năm.

Trao đổi với Sức khỏe & Đời sống, đại diện Cục Quản lý Dược cho biết, các sản phẩm thuốc được gia hạn số đăng ký lần này khá đa dạng về nhóm tác dụng dược lý gồm các thuốc điều trị ung thư, tim mạch, đái tháo đường, thuốc kháng virus cũng như các thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, kháng viêm thông thường khác... và các loại vaccine, sinh phẩm có nhu cầu sử dụng nhiều để phục vụ khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh.

Cục Quản lý Dược yêu cầu cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc có trách nhiệm sản xuất thuốc theo đúng các hồ sơ, tài liệu đã đăng ký với Bộ Y tế và phải in số đăng ký được Bộ Y tế Việt Nam cấp lên nhãn thuốc. Chỉ được sản xuất, đưa ra lưu hành các thuốc kiểm soát đặc biệt khi có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược phạm vi kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở đáp ứng quy định tại khoản 5 Điều 143 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.

Thực hiện việc cập nhật tiêu chuẩn chất lượng của thuốc theo quy định tại Thông tư số 11/2018/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Cập nhật nhãn thuốc, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc theo quy định tại Thông tư số 01/2018/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc trong thời hạn theo quy định.

Cục Quản lý Dược nêu rõ, các thuốc được gia hạn giấy đăng ký lưu hành lần này được tiếp tục sử dụng số đăng ký đã cấp trước khi gia hạn trong thời hạn tối đa 12 tháng kể từ ngày được cấp số đăng ký gia hạn.

Cũng theo đại diện Cục Quản lý Dược, cùng với việc nhiều lần thực hiện cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành có hiệu lực 3 năm hoặc 5 năm theo quy định của Luật Dược 2016 cho nhiều mặt hàng thuốc, để thực hiện Nghị quyết số 80 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về gia hạn sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024, Bộ Y tế đã nhiều lần công bố Danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine, sinh phẩm có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 80. Tính đến nay Bộ Y tế đã có hơn 10 đợt công bố.

Tổng số thuốc, nguyên liệu làm thuốc ở nước ta còn hiệu lực tại thời điểm hiện nay khoảng trên 22.000 loại khác nhau. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang