Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 13/6/2023

  • |
T5g.org.vn - Bộ trưởng Đào Hồng Lan làm Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện; Hàng loạt bác sĩ, nhân viên y tế bị bắt trong vụ trục lợi bảo hiểm đối diện hình phạt nào?; Thiếu trầm trọng vaccine tiêm chủng mở rộng: Nguy cơ dịch bệnh trở lại, gia tăng gánh nặng bệnh tật’; Bộ Y tế khẩn cấp yêu cầu giảm tối đa tử vong do dịch tay chân miệng…

 

Bộ trưởng Đào Hồng Lan làm Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan làm Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện; Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa làm Phó Trưởng ban Thường trực...
Chiều 12-6, Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện đã tổ chức hội nghị công bố quyết định về việc thay đổi, bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan làm Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện.

Theo đó, tại Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 19-4-2023 về việc thay đổi, bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký ban hành, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan làm Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện.

Bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo. Ông Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ lập kế hoạch và chỉ đạo triển khai công tác vận động hiến máu tình nguyện để bảo đảm máu cho nhu cầu điều trị, cứu chữa người bệnh trên toàn quốc; đề xuất, tham gia xây dựng các chính sách về vận động hiến máu tình nguyện; tổ chức các hoạt động cấp quốc gia và khu vực về vận động hiến máu tình nguyện… (An ninh Thủ đô, trang 2).

 

Hà Nội dự báo dịch sốt xuất huyết năm nay sẽ diễn biến phức tạp

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đánh giá, bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang có xu hướng gia tăng và dự báo tình hình dịch năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp…

Ngày 12-6, UBND TP Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND huyện Hoài Đức tổ chức phát động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết (15-6) năm 2023.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, năm 2022, toàn thành phố đã có hơn 19.000 trường hợp mắc bệnh, 25 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh SXH.

Trong năm 2023, tính từ đầu năm đến ngày 6-6, thành phố đã ghi nhận 357 trường hợp SXH tại 28/30 quận, huyện, thị xã (tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022).

Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng, quá trình đô thị hóa, cộng với điều kiện khí hậu nắng và mưa nhiều tạo thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh là muỗi vằn sinh sôi, phát triển.

Thêm nữa, tình trạng xả rác thải bừa bãi, phế liệu chưa được thu gom, tích trữ nước mưa, nước sinh hoạt, trồng cây cảnh, hòn non bộ… tạo ra các vật dụng chứa nước là môi trường cho muỗi truyền bệnh đẻ trứng và bọ gậy phát triển.

Trong khi đó, việc huy động cộng đồng, nhân lực cho các hoạt động diệt bọ gậy, phun hóa chất tại nhiều nơi còn nhiều khó khăn, dẫn đến việc xử lý ổ dịch chưa triệt để.

Sở Y tế Hà Nội nhận định, bệnh SXH đang có xu hướng gia tăng và dự báo tình hình dịch năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp.

Vì thế, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đề nghị các quận, huyện, thị xã chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH; giám sát chặt các khu vực nguy cơ cao; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân duy trì hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy… (An ninh Thủ đô, trang 2).

 

Hàng loạt bác sĩ, nhân viên y tế bị bắt trong vụ trục lợi bảo hiểm đối diện hình phạt nào?

Vụ hàng loạt bác sĩ, nhân viên y tế bị bắt trong vụ trục lợi bảo hiểm mới đây khiến dư luận phẫn nộ. Nhiều người đề nghị cần xử lý nghiêm những cá nhân có hành vi trục lợi…

5 bác sĩ, 14 nhân viên y tế và người môi giới đã bị CATP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ra quyết định khởi tố về hành vi làm giả giấy tờ, trục lợi bảo hiểm xã hội, y tế với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Các bị can gồm 3 bác sĩ là các trưởng phòng khám đa khoa Long Bình Tân, Tân Long và Hiền Phước; 2 bác sĩ là Phó phòng khám đa khoa Tam Đức và chuyên khoa tại Phòng khám đa khoa Mỹ Đức. Số còn lại là dược sĩ, nhân viên y tế và người chuyên môi giới làm giả giấy tờ tại các phòng khám.

Nhóm bị can đã tham gia làm giả 130.000 giấy chứng nhận nghỉ bệnh để trục lợi bảo hiểm; bán hơn 400 giấy khám sức khỏe khống cho công nhân quyết toán chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Với sự tiếp tay của các đối tượng này, nhiều công nhân đã giả vờ bị bệnh rồi mua "giấy xác nhận bệnh" của các phòng khám trên, nộp cho công ty, gửi cho bảo hiểm xã hội để được chi trả 75% lương, gây thất thoát không nhỏ cho ngân sách Nhà nước.

Phân tích hành vi trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi trên có dấu hiệu của Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan.

Điều 341 BLHS 2015 quy định, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; 2 lần trở lên; Làm từ 2-5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; Thu lợi bất chính 10- dưới 50 triệu đồng…thì bị phạt tù từ 2-5 năm.

Trường hợp làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên hoặc thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù 3-7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng.

Cũng theo luật sư Lê Hồng Vân, khi xác định con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức có bị làm giả hay không phải căn cứ vào con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức là con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ có thật.

Với hành vi sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân cũng tương tự như đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, song khác ở chỗ, người có hành vi sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân không nhằm chiếm đoạt tài sản mà nhằm mục đích khác như dùng bằng tốt nghiệp giả để xin việc, dùng giấy xác nhận có bệnh rởm gửi BHXH để lĩnh tiền.

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành cơ bản của phạm tội này, nhưng hậu quả lại là tình tiết định khung hình phạt. Về mặt chủ quan, người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cỗ ý. Họ có thể là người có chức vụ, quyền hạn có trách nhiệm trong việc khắc con dấu, trong việc quản lý con dấu, tài liệu, giấy tờ của cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức.

Đối với vụ hàng loạt bác sĩ, nhân viên y tế bị bắt do làm giả giấy tờ, trục lợi bảo hiểm ở Đồng Nai, cơ quan chức năng sẽ làm rõ hậu quả của, tính chất của hành vi từ đó xác định khung hình phạt đối với từng đối tượng – luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh. (An ninh Thủ đô, trang 2).

 

Thiếu trầm trọng vaccine tiêm chủng mở rộng: Nguy cơ dịch bệnh trở lại, gia tăng gánh nặng bệnh tật

Với nhiều loại vaccine được tiêm miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), đến nay, Việt Nam đã phòng ngừa được 12 bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm như lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi, viêm màng não...

Tuy nhiên, thời gian qua, do những thay đổi chính sách và vướng mắc cơ chế đấu thầu, mua sắm nên một số loại vaccine chưa được cung ứng.

Lỡ cơ hội phòng bệnh cho trẻ

Mới đây, anh Nguyễn Quốc Ngọc (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) đưa con đến Trạm y tế phường Bình Chiểu để tiêm vaccine “5 trong 1” (ngừa 5 bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan siêu vi B - viêm màng não mủ do Hib) trong chương trình TCMR. Tuy nhiên, anh Ngọc được nhân viên y tế thông báo đã hết vaccine “5 trong 1” và khuyên nếu có điều kiện thì nên tiêm ngừa đúng lịch cho con bằng vaccine dịch vụ (vaccine “6 trong 1” Infanrix hexa) với giá hơn 1 triệu đồng/mũi. Kinh tế khó khăn, cùng với đồng lương hạn hẹp của 2 vợ chồng phải chật vật trang trải cuộc sống nên anh Ngọc đành phải đưa con về.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Mỹ, Trưởng trạm Y tế phường Bình Chiểu, thông tin, đã 5 tháng qua, trạm không còn vaccine “5 trong 1” miễn phí để tiêm cho trẻ. Từ cuối tháng 4-2023, vaccine PDT (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván) tiêm cho các trẻ từ 18-24 tháng tuổi cũng đã hết. Trạm y tế đã tư vấn phụ huynh đưa con em đi tiêm dịch vụ, dù tốn kém nhưng không để lỡ các mũi tiêm cho trẻ. “Những trường hợp gia đình không có điều kiện thì mình sẽ cho uống vaccine OPV (phòng bại liệt) trước để phòng ngừa. Trong thời gian chờ đợi, nếu có thuốc và các cháu vẫn trong thời gian độ tuổi tiêm thì sẽ tiến hành tiêm, bởi các mũi tiêm chỉ cách nhau khoảng một tháng, đồng thời cũng tiêm các mũi khác theo phác đồ”, bác sĩ Nguyễn Ngọc Mỹ cho biết.

Theo chương trình TCMR quốc gia, tình trạng thiếu một số loại vaccine bắt đầu từ giữa năm 2022 và kéo dài tới nay khiến nhiều trẻ nhỏ không được tiêm phòng đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thống kê năm 2022 cho thấy, chỉ có 3/20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi; tỷ lệ tiêm chủng chung toàn khu vực chỉ đạt 79,5% do thiếu vaccine TCMR. Cùng với đó, tình trạng thiếu vaccine cũng diễn ra tại nhiều địa phương như TPHCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Hà Nam, Cần Thơ, An Giang...

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM, thành viên Hội đồng đánh giá tiêm chủng quốc gia, cho biết, trong 2 năm đầu đời, hệ miễn dịch tự nhiên của trẻ còn non yếu. Do đó, việc tiêm ngừa là giải pháp hữu hiệu để phòng bệnh cho trẻ trước một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và để lại di chứng nặng nề. “Vaccine “5 trong 1” thuộc chương trình TCMR có một loại khá quan trọng là viêm gan siêu vi B. Nếu trẻ tiêm không đủ loại này thì sẽ không giảm được tỷ lệ viêm gan siêu vi B trong cộng đồng. Nếu bỏ tiêm thời gian dài, không tiêm đủ 3-4 mũi thì rất nguy hiểm, nguy cơ bệnh sẽ quay lại. Còn vaccine ngừa bạch hầu - uốn ván - ho gà (DPT), nếu không tạo được miễn dịch nền trước 6 tháng cho trẻ nhỏ thì dễ bị lây bệnh”, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, phải tìm cách nhanh chóng tháo gỡ thiếu vaccine trong chương trình TCMR, nếu không thì nguy cơ dịch bệnh sẽ lây lan và gia tăng gánh nặng bệnh tật cho cộng đồng.

Dịch bệnh có thể bùng phát trở lại

Trước tình trạng thiếu nhiều loại vaccine TCMR khiến trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ, nhiều chuyên gia y tế đã cảnh báo, thời gian tới nguy cơ có thể xảy ra các dịch bệnh truyền nhiễm trên phạm vi lớn. Không chỉ vậy, một số dịch bệnh mà chúng ta đã khống chế được như bại liệt, ho gà, sởi, rubella, bạch hầu… có thể bùng phát trở lại, khiến thành quả của chương trình TCMR mà ngành y tế cùng các địa phương đã nỗ lực đạt được hơn 40 năm qua bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp nguy cơ bại liệt quay trở lại Việt Nam từ mức thấp nhất lên mức trung bình cao.

Theo bác sĩ Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ em cần được tiêm đầy đủ vaccine phòng một số bệnh truyền nhiễm cơ bản, như cúm, sởi, quai bị, thủy đậu, tiêu chảy do Rota virus, viêm não Nhật Bản, viêm phổi… “Để phòng ngừa các dịch bệnh truyền nhiễm, tiêm phòng vaccine là biện pháp tối ưu nhất. Trong trường hợp vaccine TCMR đang thiếu thì các gia đình cần quan tâm hơn trong việc bảo vệ sức khỏe cho trẻ, phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, cho trẻ đeo khẩu trang khi tới nơi đông người. Cùng với đó, các gia đình có điều kiện nên đưa trẻ đi tiêm các loại vaccine dịch vụ tương đương với những vaccine TCMR đang bị thiếu”, bác sĩ Lê Kiến Ngãi thông tin.

Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, trong trường hợp “bất khả kháng” do hết vaccine TCMR, phụ huynh cần cho con ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để có được một nền sức khỏe tốt; hệ thống miễn dịch khỏe thì khả năng mắc bệnh sẽ thấp và nếu có mắc, việc điều trị cũng dễ dàng hơn. “Hiện bệnh cúm xuất hiện rải rác, vì thế khi gia đình có người bị bệnh thì cần cách ly tương đối em bé ra khỏi môi trường có thể lây nhiễm. Ngoài ra, bệnh tay chân miệng cũng đang rất nguy hiểm, lây qua đường tiếp xúc nên các gia đình cần vệ sinh thân thể cho bé và cả môi trường sống”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.

Bà TRẦN THỊ NHỊ HÀ, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội: TP Hà Nội sắp cạn vaccine tiêm chủng mở rộng

Hiện nay, trên địa bàn thành phố, vaccine phòng bệnh sởi, bại liệt, bạch hầu, ho gà đang rất thiếu; đặc biệt là vaccine “5 trong 1” Quinvaxem (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib) đã hết sạch. Sở Y tế đã kiến nghị Bộ Y tế có kế hoạch phân bổ vaccine đến các địa phương, trong đó có Hà Nội, để đảm bảo tỷ lệ bao phủ tiêm chủng. Và nếu Bộ Y tế không cấp thì chỉ trong khoảng 3 tháng nữa, Hà Nội cũng cạn kiệt vaccine tiêm chủng mở rộng.

Bác sĩ NGUYỄN HOÀI NAM, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM: TPHCM cần hơn 600.000 liều vaccine

Việc thành phố thiếu nhiều vaccine TCMR đã diễn ra trong thời gian dài. Sở Y tế TPHCM đã tính toán và gửi lượng vaccine TCMR dự trù cần dùng trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Theo đó, năm 2023, TPHCM cần 672.526 liều vaccine trong chương trình TCMR (gồm 12 loại/nhóm loại), trong đó vaccine DPT-VGB-Hib (vaccine “5 trong 1”) cần nhiều nhất với 123.070 liều. Dự kiến, trong 6 tháng đầu năm 2024, thành phố cũng cần khoảng hơn 880.000 liều vaccine các loại cho TCMR.

Tại cuộc họp diễn ra vào cuối tuần qua để giải quyết tình trạng vaccine TCMR đang thiếu trầm trọng hiện nay, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Y tế trên cơ sở cân đối nguồn vaccine viện trợ, tìm phương án đặt hàng hoặc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đàm phán về giá. Các địa phương căn cứ vào đó để mua sắm, chấm dứt tình trạng thiếu vaccine đang diễn ra. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ động, khẩn trương chỉ đạo thực hiện ngay các giải pháp phù hợp để kịp thời khắc phục tình trạng thiếu vaccine trước ngày 24-6. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

Bộ Y tế khẩn cấp yêu cầu giảm tối đa tử vong do dịch tay chân miệng

Ngày 12-6, Bộ Y tế có công văn khẩn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố và các bệnh viện trong cả nước về việc tăng cường công tác điều trị dịch bệnh tay chân miệng.
Theo đó, để hạn chế đến mức thấp nhất số tử vong do tay chân miệng (TCM), Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương kiểm tra, đánh giá về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại cơ sở khám chữa bệnh bảo đảm sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân TCM; tăng cường công tác theo dõi người bệnh TCM đang nằm nội trú tại cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời khi ca bệnh có diễn biến nặng lên; phát hiện sớm, tổ chức hội chẩn và chuyển tuyến kịp thời khi người bệnh có diễn biến bất thường.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện tăng cường các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm trong bệnh viện, phân tuyến điều trị, tổ chức sàng lọc, phân loại người bệnh điều trị ngoại trú và điều trị nội trú theo lưu đồ xử trí bệnh TCM và củng cố nguồn lực cho đơn vị hồi sức bệnh TCM.

Đối với các bệnh viện, như: Bệnh nhiệt đới Trung ương, Nhi Trung ương, Đa khoa Trung ương Huế, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng TPHCM, Bệnh nhiệt đới TPHCM… rà soát các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại các đơn vị điều trị bệnh TCM để tiếp nhận các ca bệnh nặng từ các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh và các tỉnh khác chuyển đến; tăng cường chỉ đạo tuyến, tập huấn và tổ chức các kíp thường trực cấp cứu sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các tỉnh theo địa bàn đã được phân công và khi có yêu cầu hỗ trợ.

Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tính đến tháng 6-2023, cả nước ghi nhận khoảng 9.000 trường hợp mắc TCM, trong đó có 3 ca tử vong tại Đắk Lắk, Kiên Giang và Long An. So với cùng kỳ 2022, số mắc giảm 28%, tử vong tăng 2 ca. Trong đó, tại miền Nam ghi nhận hơn 6.200 ca mắc và 2 ca tử vong. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).


Bộ Y tế khuyến cáo không sử dụng thực phẩm "độc, lạ"

Để phòng chống ngộ độc thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không thu hái, sử dụng nấm độc, côn trùng lạ, cá nóc, trứng cóc...

Trước tình hình ngộ độc thực phẩm có chiều hướng gia tăng do thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh và độc tố tự nhiên trong nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã khuyến cáo các địa phương tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa Hè và mùa bão, lụt.

Theo Cục An toàn thực phẩm, nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của động thực vật chứa độc tố tự nhiên; ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, thực phẩm không qua gia nhiệt, thức ăn đường phố, nước giải khát, nước đá tăng cao ở cả gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, du lịch...

Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Quản lý An toàn thực phẩm các tỉnh/TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan trên địa bàn khẩn trương xây dựng kế hoạch công tác bảo đảm an toàn thực phẩm mùa Hè và mùa bão, lụt trên địa bàn quản lý; 

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào cơ sở sản xuất thực phẩm ăn ngay, các cơ sở kinh doanh nước giải khát, nước đá, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể tại các trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khu chế xuất… 

Phát hiện sớm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm và công khai các vi phạm trên phương tiện thông tin để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm để nâng cao trách nhiệm chuyển đổi hành vi mất an toàn thực phẩm, tập trung vào một số nội dung sau:

- Tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn. Đối với các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão, lụt cao cần theo dõi các dự báo, diễn biến tình hình bão, lụt trên địa bàn và chủ động kế hoạch dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin, thuốc men, các hoá chất sát khuẩn của ngành y tế.

- Tuyên truyền để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết bệnh, chết không rõ pnguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; thực hiện ăn chín, uống chín, nước sử dụng để ăn uống, chế biến thực phẩm phải khử trùng, đặc biệt là trong thời gian bão, lụt xảy ra.

- Tuyên truyền để người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các động thực vật độc như nấm độc, côn trùng lạ, độc, cá nóc, so biển, ốc lạ, cây, quả lạ...; chú ý bảo đảm an toàn trong chế biến và sử dụng thịt cóc. Tập trung chú trọng đối với đồng bào vùng ven biển, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

- Phổ biến các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố tại các trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khu chế xuất… Yêu cầu các cơ sở tuyệt đối không sử dụng các nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm thực phẩm đã bị ôi thiu, hỏng, mốc, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng để chế biến, kinh doanh.

- Tiếp tục triển khai các nội dung tại Công văn của Cục An toàn thực phẩm số 278/ATTP-NĐTT ngày 15/02/2023 về việc tăng cường công tác phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên và Công văn số 643/ATTP-NĐTT ngày 29/3/2023 về việc tăng cường công tác phòng chống ngộ độc do Clostridium botulinum.

Cục An toàn thực phẩm đề nghị các đơn vị chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với các cơ sở y tế dự phòng, các cơ sở điều trị và các đơn vị liên quan tăng cường công tác giám sát ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tại cộng đồng. Phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm các loại lương thực, thực phẩm, nước uống do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt nhằm đảm bảo không để các sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng… đến tay người dân.

Bên cạnh đó, chủ động dự trữ thuốc men, hoá chất, phương tiện, nhân lực, phương án sẵn sàng phối hợp hoặc chủ động xử lý, khắc phục khi có ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh dịch liên quan đến thực phẩm xảy ra, không để lan rộng trong cộng đồng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

'Bằng mọi giải pháp, phải sớm có đủ vaccine tiêm cho trẻ'

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn liên quan đến mua sắm vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
“Bằng mọi giải pháp, phải sớm có đủ vaccine tiêm cho trẻ.” Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp với một số bộ, ngành, địa phương về thực hiện mua sắm vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, sáng 10/6, tại Trụ sở Chính phủ.

Đề xuất, trao đổi phương án thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong thời gian qua, thực hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế được giao mua vaccine và cấp phát cho các địa phương theo Quyết định số 1125/QĐ-TTg về Chương trình mục tiêu Y tế-Dân số giai đoạn 2016-2020 (Quyết định 1125).

Từ năm 2020, các nội dung liên quan đến thực hiện Chương trình mục tiêu phải hoạt động lồng ghép vào nội dung chi của các chương trình mục tiêu quốc gia hoặc chương trình chi thường xuyên khác.

Để tránh chuyển giai đoạn đột ngột khi chương trình mục tiêu y tế - dân số kết thúc, năm 2021, Quốc hội đã ban hành Quyết định 129/2020/QH14 về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021. Theo đó, Bộ Y tế được giao dự toán từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện mua sắm để cung ứng vaccine cho tiêm chủng mở rộng và một số thuốc khác như ARV, vitamin A... nên đảm bảo đủ cho năm 2021 và 2022.

“Để triển khai trong năm 2023, Bộ Y tế mong muốn tiếp tục thực hiện việc mua vacicne tiêm chủng mở rộng vì đây là chương trình hiệu quả, thể hiện tính an sinh xã hội đối với trẻ em và phụ nữ, hơn nữa, giữa Bộ Y tế và các địa phương có sự phối hợp nhịp nhàng từ việc mua cung ứng, bảo quản, tổ chức tiêm...” - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã làm việc với một số bộ, ngành, địa phương để đề xuất, trao đổi các phương án mua sắm tập trung, đấu thầu, đàm phán giá, đặt hàng, tổ chức thực hiện... vaccine và một số loại thuốc. 

Phát biểu trực tuyến tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Dũng nêu những khó khăn liên quan đến vấn đề pháp lý. Theo đó, các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đều thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia nên địa phương không có cơ chế thực hiện tự đấu thầu.

Ông Nguyễn Anh Dũng cho biết, nếu để các địa phương tự đấu thầu thì thời điểm có vaccine sẽ khác nhau, người dân có thể đưa con em từ địa phương này sang địa phương khác để tiêm, ảnh hưởng đến khả năng dự trù của các địa phương. Sự dịch chuyển này sẽ ảnh hưởng đến định hình, lên kế hoạch tiêm chủng.

Bộ trưởng Bộ Y tế: Đã có giải pháp đảm bảo nguồn cung các loại vaccine

“Phương án khả thi nhất là Trung ương cấp ngân sách để Bộ Y tế đấu thầu và phân bổ vaccine. Theo đó, chỉ 1-2 tháng là có vaccine, đáp ứng được nhu cầu và giải quyết tình trạng hiện nay,” ông Nguyễn Anh Dũng bày tỏ.

Tương tự, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, đến nay, thành phố đã hết một số loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. “Địa phương không thiếu kinh phí, không sợ trách nhiệm nhưng đang thiếu cơ chế mua sắm,” bà Trần Thị Nhị Hà cho biết và kiến nghị tiếp tục thực hiện cơ chế Bộ Y tế mua sắm, đấu thầu tập trung vaccine và phân bổ, điều phối cho các địa phương.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi đang thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng.

Phát biểu trực tuyến tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Dũng nêu những khó khăn liên quan đến vấn đề pháp lý. Theo đó, các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đều thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia nên địa phương không có cơ chế thực hiện tự đấu thầu.

Ông Nguyễn Anh Dũng cho biết, nếu để các địa phương tự đấu thầu thì thời điểm có vaccine sẽ khác nhau, người dân có thể đưa con em từ địa phương này sang địa phương khác để tiêm, ảnh hưởng đến khả năng dự trù của các địa phương. Sự dịch chuyển này sẽ ảnh hưởng đến định hình, lên kế hoạch tiêm chủng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang