TP. Hồ Chí Minh tập trung cải thiện dinh dưỡng trẻ em
TP. Hồ Chí Minh cần tập trung cải thiện dinh dưỡng trẻ em. Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu tại Hội nghị triển khai kế hoạch Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2017-2020 của TP. Hồ Chí minh diễn ra ngày 12.8.2017 …. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).
Căng mình với sốt xuất huyết
Dịch sốt xuất huyết (SXH) năm nay được ghi nhận là đợt dịch bùng phát dữ dội nhất trong nhiều năm trở lại đây. Phòng ngừa và ngăn chặn SXH ra sao cho có hiệu quả, trong điều kiện chưa có vắc-xin phòng căn bệnh này?
Toàn lực điều trị bệnh
Không khí ngột ngạt, những gương mặt bơ phờ… Khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện (BV) E Trung ương ngập trong bầu không khí mệt mỏi. Anh Ngô Minh Lý (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Con anh nhập viện trong tình trạng sốc, kèm theo tiểu cầu và bạch cầu đều giảm thấp. Các bác sĩ phải điều trị tích cực, chống sốc cho bệnh nhi. Đến ngày thứ tám, con của anh mới có dấu hiệu phục hồi. Anh lo lắng: “Cháu bị sốt, nhưng gia đình chủ quan chỉ đi khám bác sĩ tư. Bước sang ngày thứ ba, thấy người cháu yếu lắm, mới vội vàng cho con nhập viện”.
TS, BS Lương Thị Thu Hiền, Trưởng Khoa Nhi Tổng hợp, BV E trung ương thông tin: “Lượng bệnh nhi bị SXH đang gia tăng, có đêm Khoa Cấp cứu tiếp nhận sáu trẻ bị SXH. Hiện tại Khoa Nhi Tổng hợp có 18/42 bệnh nhi đang điều trị căn bệnh này, với nhiều bệnh nhân có biến chứng nặng”.
Nhiều BV khác ở Hà Nội, bệnh nhân SXH cũng nhập viện dồn dập. Tại BV Thanh Nhàn, mỗi ngày có khoảng 300 trường hợp đến khám SXH. BS Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc BV cho hay: BV đã tăng gấp đôi số giường bệnh, song vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu điều trị. Tại ba khoa của BV đã phải dồn phòng của nhân viên y tế, kê thêm giường bệnh, tăng cường bác sĩ trực cũng như triển khai thêm đơn vị điều trị SXH ban ngày theo dõi những bệnh nhân nhẹ.
BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện là cơ sở y tế có số bệnh nhân SXH đến khám và điều trị đông nhất miền bắc. Theo BS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của BV: Hiện mỗi ngày BV tiếp nhận 800 - 1.000 bệnh nhân SXH đến khám và điều trị, cao gấp năm lần so với bình thường và tăng khoảng 60% so với thời điểm cách đây hai tuần. “Toàn bộ nhân viên được huy động làm việc 24h/7 ngày. Tất cả bác sĩ, điều dưỡng đang đi học cũng được triệu tập quay lại BV để làm việc. Chúng tôi cũng phải rút hết phòng bác sĩ, điều dưỡng, giải tán toàn bộ hội trường để lấy khoảng trống kê thêm giường cho bệnh nhân điều trị ban ngày. BS phải ra hành lang làm việc”, BS Ninh nói.
Cũng theo BS Trần Thị Hải Ninh, những trường hợp có dấu hiệu cảnh báo nguy cơ biến chứng, bệnh vào ngày thứ ba thì được chỉ định nằm viện theo dõi. Các bệnh nhân còn lại được phân tuyến về các bệnh viện của Hà Nội, hoặc điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, các BV của Hà Nội như BV Đống Đa - tuyến điều trị bệnh truyền nhiễm cao nhất của thành phố, cũng đang rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng, không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân.
Cần quyết liệt phòng chống dịch
Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân SXH năm nay tăng cao đột biến là do dịch đến sớm hơn mọi năm, nắng nóng kỷ lục, kèm theo mưa kéo dài, cùng thời tiết mưa nắng thất thường, đã tạo điều kiện cho muỗi vằn đẻ trứng, sinh sôi. Bên cạnh đó là sự thờ ơ với dịch bệnh trong một bộ phận người dân, cũng như sự thiếu kiên quyết trong phòng chống dịch của một số địa phương cấp làng/tổ dân phố, xã/ phường. Ngoài ra, còn do một số trường hợp thiếu hiểu biết, khi bị bệnh đã tự điều trị tại nhà. Tại một số BV tuyến dưới còn gặp vấn đề chẩn đoán nhầm SXH với các bệnh khác như cúm, viêm phổi, hay sốt vi rút dẫn đến điều trị sai phác đồ, khiến tỷ lệ bệnh nhân bị nặng lên tăng cao.
Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh- Bộ Y tế, hiện nay, các ca mắc rơi chủ yếu vào lứa tuổi đang trong độ tuổi lao động. Số người cao tuổi mắc SXH dưới 5%, trẻ em cũng khoảng 5%. Việt Nam đang có những biện pháp khống chế được dịch bệnh, hạn chế tối đa tử vong.
Tuy nhiên, SXH vẫn là căn bệnh nguy hiểm, trước hết là vì tính chất dễ lây của nó. Đáng nói, năm nay đã ghi nhận có những ca biến chứng đáng sợ như xuất huyết cả não (một trong những biểu hiện của xuất huyết nội tạng) hay xuất huyết không cầm do gan bị tổn thương.
Thời điểm này mới là đầu mùa SXH, và phải xác định là đợt SXH này có thể kéo dài. Chính vì vậy, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế lưu ý: Nếu từ nay đến cuối năm các địa phương không thực hiện quyết liệt công tác phòng chống dịch thì tình hình dịch SXH vẫn sẽ diễn biến phức tạp. Trong khi vắc-xin phòng bệnh vẫn chưa thể lưu hành, ngành y tế và người dân vẫn chỉ có thể trông mong vào các biện pháp chủ động phòng ngừa.
Để phòng chống SXH hiệu quả, bên cạnh các chiến dịch phun hóa chất diệt bọ gậy quy mô lớn, cần tổ chức các chiến dịch nhỏ theo từng khu vực, thực hiện năm hành động để phòng chống dịch theo chỉ dẫn của Bộ Y tế. Cùng đó, cần tuyên truyền nâng cao kiến thức của người dân, cũng như giám sát phát hiện bệnh nhân nghi SXH tại cộng đồng. Các chuyên gia khuyến cáo: Khi có những dấu hiệu bị SXH, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý điều trị và truyền dịch khi chưa có sự chỉ định của thầy thuốc.
Tính đến ngày 8-8-2017, theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận 71.410 trường hợp mắc SXH, 19 ca tử vong, số người mắc tăng 24% so với cùng kỳ năm 2016. Tại khu vực phía bắc, Hà Nội vẫn là điểm nóng của SXH, tính đến nay toàn thành phố ghi nhận 11.751 trường hợp mắc bệnh (Nhân dân cuối tuần, trang 6).
Mở rộng can thiệp dự phòng HIV
Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) vừa công bố báo cáo mới nhất cho thấy: Các mục tiêu ứng phó với HIV trên toàn cầu đang được thúc đẩy mạnh mẽ; Nhiều người đã được cứu sống. Tuy nhiên, thế giới, trong đó có Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới có thể giảm đến mức thấp nhất số người mắc căn bệnh này.
Số người chết do AIDS giảm
Ngày 20-7 vừa qua UNAIDS công bố báo cáo mới cho thấy: Lần đầu trên toàn thế giới, hơn một nửa số người nhiễm (53%) đã được điều trị kháng HIV. Số người chết do AIDS đã giảm gần một nửa trong 10 năm qua. Đến cuối năm 2016, đã có 19,5 triệu người nhiễm HIV được điều trị. Số người chết do AIDS đã giảm từ 1,9 triệu năm 2005 xuống còn một triệu vào năm 2016. Nếu tiếp tục duy trì được tiến độ, thế giới sẽ đạt được mục tiêu đến năm 2020 về tăng tốc trong điều trị HIV.
Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tính đến cuối năm 2016 có hơn hai phần ba tổng số người nhiễm HIV biết được tình trạng sức khỏe của bản thân. Khoảng hai phần ba trong số người biết tình trạng nhiễm được điều trị. Cứ năm người tham gia điều trị, có bốn người đạt được tải lượng vi-rút dưới ngưỡng ức chế. Việc mở rộng điều trị kháng HIV đã giúp giảm gần một phần ba số người chết do AIDS trong khu vực kể từ năm 2010. Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể trong thành công đó.
Bà Marie-Odile Emond, Giám đốc UNAIDS Việt Nam cho biết: “Đến cuối năm 2016, một nửa số người nhiễm HIV ở Việt Nam đã được điều trị kháng HIV, ước tính số người chết do AIDS ở mức thấp nhất kể từ năm 2014. Số người nhiễm HIV mới cũng giảm dần trong những năm gần đây”. Có thể thấy, những bước tiến mạnh mẽ của Việt Nam trong việc mở rộng cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV đã tạo ra tác động rõ ràng trong việc khống chế dịch bệnh.
Nỗ lực cho mục tiêu 90 - 90 - 90
Việt Nam và toàn thế giới đã có những bước tiến tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu 90 - 90 - 90 (đến năm 2020 có 90% tổng số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân, 90% số người biết tình trạng nhiễm được điều trị kháng HIV và 90% số người tham gia điều trị kháng HIV đạt được tải lượng vi-rút dưới ngưỡng ức chế). Tuy nhiên, dịch AIDS vẫn chưa kết thúc, công việc phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm.
Báo cáo mới của UNAIDS cho thấy: Trên toàn thế giới, số người nhiễm HIV mới đang giảm dần, nhưng nếu với tốc độ như hiện nay thì vẫn không đủ để đạt được mục tiêu giảm số người nhiễm mới. Số người nhiễm HIV mới ở Việt Nam đã giảm từ 28 nghìn người mỗi năm vào đầu thập niên 2000 xuống còn khoảng 11 nghìn người vào năm 2016. Tuy nhiên, Việt Nam cần mở rộng nhanh hơn nữa các can thiệp dự phòng hiệu quả, đầu tư cho chương trình bơm kim tiêm và bao cao-su, để có thể thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về dự phòng lây nhiễm HIV.
Mặc dù, Việt Nam đã nỗ lực để phân cấp điều trị HIV xuống các tuyến cơ sở, cải thiện việc kết nối người bệnh từ xét nghiệm sang điều trị, cho phép điều trị ngay không phụ thuộc vào CD4 (tế bào bạch cầu được tạo do đáp ứng của hệ miễn dịch đối với các tác nhân vi sinh, bao gồm vi khuẩn, nấm…) cho người nhiễm HIV. Tuy nhiên, trong số 70% người nhiễm HIV ở Việt Nam đã biết tình trạng nhiễm của bản thân vẫn còn đến một phần ba chưa tham gia điều trị. Kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn còn là một trong những rào cản chính ngăn người bệnh tiếp cận các dịch vụ phòng, chống và tiếp tục làm suy yếu khả năng ứng phó với dịch HIV.
Số liệu mới nhất cho thấy các nguồn lực trong nước chiếm khoảng một phần ba tổng chi tiêu cho phòng, chống AIDS năm 2015, và con số này đang tăng lên. Bà Marie-Odile Emond đánh giá cao việc gia tăng đầu tư trong nước cho HIV từ nguồn bảo hiểm y tế và từ đóng góp của các địa phương là thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc duy trì bền vững ứng phó với HIV. Bà cũng nhấn mạnh: “Đầu tư đủ và thông minh cho phòng, chống AIDS ngay từ bây giờ, tối ưu hóa tất cả các nguồn lực về tài chính và con người ở tất cả các cấp, sẽ giúp Việt Nam tránh không để dịch HIV tiến triển phức tạp hơn, dẫn đến phải đầu tư nhiều hơn cho ứng phó với HIV trong tương lai, và có thể kết thúc được dịch AIDS vào năm 2030” (Nhân dân, trang 5).
Kiểm soát tình trạng lãng phí quỹ bảo hiểm y tế
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa cảnh báo sự gia tăng bất thường trường hợp kéo dài ngày điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh, gây lãng phí quỹ bảo hiểm y tế (BHYT). Một số giải pháp để kiểm soát tình trạng này đã được đưa ra nhưng việc triển khai vẫn còn khó khăn nếu chưa có quy trình khám, chữa bệnh chuẩn cũng như quy định thống nhất số ngày bình quân một đợt điều trị.
Một bà mẹ có con cắt amidan tại một bệnh viện chuyên khoa ở Hà Nội băn khoăn việc con mình và những người bệnh khác phải ở lại bệnh viện điều trị một tuần, trong khi đó, cắt amidan tại một bệnh viện khác, người bệnh chỉ ở lại điều trị hai, ba ngày và được kê đơn thuốc về nhà uống. Người mẹ không biết lý do vì sao có sự khác nhau này, nhưng chắc chắn tốn thời gian đi lại và chi phí chăm sóc người bệnh hơn. Trao đổi sự việc với một cán bộ giám định BHYT, chúng tôi được biết, tình trạng “vênh” nhau ngày điều trị giữa các cơ sở y tế đang gia tăng, gây khó khăn cho công tác giám định thanh toán BHYT.
Các bệnh viện chuyên khoa có xu hướng kéo dài ngày điều trị hơn các bệnh viện đa khoa. Chẳng hạn như, các trường hợp đẻ thường ở các trạm y tế xã, nhà hộ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản T.Ư thường nằm viện ba ngày, thì ở bệnh viện chuyên khoa sản nhi tại các tỉnh, thành phố: Sóc Trăng, Đà Nẵng, Yên Bái, Tiền Giang, Hải Phòng bác sĩ chỉ định nằm viện trung bình hơn năm ngày. Ngày điều trị bình quân tại các bệnh viện chuyên khoa lao toàn quốc là 17,2 ngày nhưng tại bệnh viện chuyên khoa lao các tỉnh Tuyên Quang, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Hà Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn gấp 1,5 đến hơn 2 lần...
Nguyên nhân gia tăng ngày nằm viện quá mức cần thiết như nêu trên, theo BHXH Việt Nam là do Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC điều chỉnh giá tiền giường tăng cao hơn so với trước đây, nhiều cơ sở y tế đã cho người bệnh điều trị dài ngày để được thanh toán nhiều tiền giường từ quỹ BHYT. Giá tiền giường tăng mức thấp nhất là 195%, cao nhất là 540% tùy các khoa. Không ít trường hợp bị bệnh bình thường vẫn được chỉ định nằm giường hồi sức tích cực vì đây là loại giường có mức tiền khá cao, từ hơn 200 đến 300 nghìn đồng/ngày. Những ngày điều trị cuối, người bệnh thường được sử dụng các thuốc bổ để “hợp lý hóa” thời gian điều trị. Thống kê của BHXH Việt Nam cho biết, trong sáu tháng đầu năm, quỹ BHYT chi tiền khám và tiền giường lên tới 9.214 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 740,7 tỷ đồng. Việc kéo dài ngày điều trị cho người bệnh không chỉ gây hao quỹ BHYT mà còn ảnh hưởng túi tiền của người bệnh vì một số nhóm người bệnh vẫn phải cùng chi trả 20% hoặc 5% trên tổng số chi phí khám, chữa bệnh.
Dù nhiều trường hợp kéo dài ngày điều trị đã được phát hiện nhưng khó khăn hiện nay là chưa thống nhất được ngày điều trị hợp lý giữa cơ quan BHXH và cơ sở y tế. Trả lời về trường hợp một số cơ sở y tế tuyến dưới kéo dài ngày điều trị bệnh lao so với tuyến trên, ông Lê Văn Hợi, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư cho biết, bệnh viện tuyến trung ương sau khi chẩn đoán bệnh lao thì cho phác đồ, chuyển về tuyến dưới điều trị. Chỉ những trường hợp tuyến dưới không điều trị được thì bệnh viện mới giữ lại. Thông thường, điều trị lao tại tuyến tỉnh, tuyến huyện khoảng hai tháng điều trị tấn công và bốn tháng điều trị duy trì, thậm chí có trường hợp tám, chín tháng tùy mức độ mắc bệnh và sự đáp ứng thuốc... Do đó, việc tuyến dưới điều trị dài hơn bệnh viện là điều bình thường.
Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Y tế cần ban hành đầy đủ quy trình kỹ thuật khám, chữa các loại bệnh. Hiện nay, Bộ Y tế mới chỉ ban hành được khoảng 30% quy trình kỹ thuật khám, chữa bệnh trong tổng số 17 nghìn dịch vụ kỹ thuật. Ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định và Thanh toán đa tuyến khu vực phía bắc cho rằng, trước đây, chỉ riêng trong dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng, Bộ Y tế ban hành Thông tư 11/2009/TT-BYT, trong đó, có quy định số ngày bình quân một đợt điều trị của một số bệnh, nhóm bệnh, rất thuận lợi cho thanh toán BHYT. Nhưng hiện nay, quy định đó không còn được áp dụng, bác sĩ được quyết định số ngày điều trị dẫn đến khó khăn cho việc quản lý quỹ BHYT. Trước mắt, khi chưa có quy trình kỹ thuật khám, chữa bệnh, BHXH Việt Nam sẽ kiểm tra mức bình quân điều trị nội trú các bệnh tại các cơ sở y tế so với mặt bằng chung trên toàn quốc, đối với từng độ tuổi, từ đó, chỉ thanh toán những ngày điều trị nội trú hợp lý và xuất toán các trường hợp bất thường. Phó Vụ trưởng Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) Phan Văn Toàn khẳng định, sắp tới, Bộ Y tế sẽ tổ chức hai đoàn công tác, cùng với cơ quan BHXH Việt Nam đi thẩm tra các trường hợp bị xuất toán để xác định nguyên nhân do lỗi kỹ thuật hay lạm dụng quỹ BHYT, trong đó, tập trung các trường hợp điều trị dài ngày.
Việc rút ngắn ngày điều trị trung bình là mục tiêu phấn đấu của ngành y tế. Cần chỉ ra các trường hợp cụ thể để phân tích nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm. Người bệnh cần được chỉ định khoa học, hợp lý để không ảnh hưởng đến sức khỏe, gây lãng phí thời gian, thu nhập của người nhà do phải chăm sóc người bệnh dài ngày (Nhân dân, trang 5).
Hà Nội xử lý nghiêm những ai không thực hiện phòng, chống sốt xuất huyết
Trực tiếp kiểm tra việc ra quân vệ sinh môi trường tại điểm nóng về sốt xuất huyết ở phường Quang Trung, Hà Đông, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh: Ra quân dọn dẹp, tuyên truyền mà không kiểm tra thì dịch bệnh sẽ sớm quay trở lại.
Từ sáng sớm, người dân, thanh niên cùng lực lượng cán bộ cơ sở đã tích cực tham gia tổng vệ sinh môi trường ở các con phố của Thủ đô. Cùng với đó, lực lượng y tế dự phòng cũng tổ chức phun thuốc diệt muỗi diện rộng toàn thành phố…. (An ninh Thủ đô, trang 2).
Ở nơi sốt xuất huyết “rình rập”... Bài đầu: Nỗi lo bệnh chồng… bệnh
Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp trên địa bàn Hà Nội (cũng như cả nước). Phóng viên Báo Hànộimới đã thực hiện "khảo sát" nơi thuê trọ của người bệnh, lao động ngoại tỉnh - vốn không bảo đảm vệ sinh môi trường nên nguy cơ bùng phát dịch lớn. Tại những nơi này, nhiều người chung nỗi lo: Dịch đang “rình rập”...
Ngay giữa lòng Thủ đô, con ngõ 121 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng) 21 năm nay vẫn được gọi bằng cái tên quen thuộc “xóm chạy thận”. Xóm trọ có khoảng 50 phòng trọ ẩm thấp, gắn bó với số phận của hơn 130 bệnh nhân đang từng ngày, từng giờ chống chọi với căn bệnh suy thận nguy hiểm. Tại thời điểm quận Hai Bà Trưng "lọt vào top các điểm nóng" về dịch sốt xuất huyết, những người bệnh này lại gánh thêm nỗi lo bệnh chồng… bệnh.
Mắc màn cả ngày lẫn đêm
Chiều 11-8, giữa cái nắng oi bức, ngột ngạt, chúng tôi tìm đến “xóm chạy thận”. Xóm trọ là những căn phòng xập xệ, ẩm thấp, nóng nực nằm san sát nhau và rộng chưa tới 10m2. Vì phòng ở quá chật hẹp, hành lang rêu mốc được tận dụng triệt để làm lối đi và nơi sinh hoạt. Đủ thứ, từ xe cộ, quần áo đến bếp, nồi xoong, chậu, giá đựng bát… để khắp nơi.
Chúng tôi được những cư dân trong xóm chào đón với thái độ thân thiện, cởi mở. Chị Lê Thị Ninh (44 tuổi, ở huyện Thạch Thất) dáng người gầy gò, khắc khổ, mời chúng tôi vào phòng và không ngần ngại chia sẻ cuộc sống của mình cũng như những bệnh nhân chạy thận nơi đây. Chị Ninh kể, hầu hết bệnh nhân ở đây đều suy thận nặng, phải lọc máu liên tục ở Bệnh viện Bạch Mai hoặc Bệnh viện Bưu điện để kéo dài sự sống. “Xóm chạy thận” ban đầu do “trưởng xóm” là anh Nguyễn Văn Tấn (quê tỉnh Bắc Giang) lập nên. Ngày đầu, ở đây có khoảng gần chục bệnh nhân, đến nay, số người chạy thận tập trung về lên đến hơn 130 người.
Mắc bệnh 11 năm, chị Ninh cũng có chừng ấy năm cư ngụ tại đây. Chị Ninh tâm sự, mỗi tuần bệnh nhân phải lọc máu 3 lần. Với những ai ở xa thì riêng việc tàu xe đi lại cũng mất đứt một ngày, nên việc thuê nhà trọ ở gần bệnh viện là giải pháp tối ưu. Đa số bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, họ chỉ đủ “sức” thuê những căn phòng nhỏ nhất, rẻ nhất để tiết kiệm tiền chữa bệnh.
Dù “xóm chạy thận” nằm trên địa bàn có dịch bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng, song may mắn chưa một bệnh nhân chạy thận nào ở đây mắc. Nhưng chị Lê Thị Ninh vẫn nơm nớp lo sợ bị sốt xuất huyết “tấn công”. Theo chị Ninh, mùa hè, tiết trời nóng ẩm là điều kiện lý tưởng cho muỗi sinh sôi, phát triển. Trong khi phòng trọ xuống cấp, điều kiện vệ sinh không bảo đảm, nhất là với người bệnh. Ngày nắng thì nóng như thiêu đốt, ngày mưa thì nước ngập, mưa dột tứ phía. Dù căn phòng trong ngày hè nóng như “lò bát quái”, nhưng chị Ninh vẫn phải mắc màn cả ngày lẫn đêm vì lo sợ bị muỗi đốt truyền bệnh sốt xuất huyết. “Người bệnh như “ngọn đèn trước gió”, bây giờ mắc thêm bệnh nữa thì không thể đủ sức chống chọi...” - chị Ninh than thở.
Ở cùng xóm trọ, chị Nguyễn Thị Thơm (ở huyện Ứng Hòa) lên chăm sóc mẹ chồng là bà Dư Thị Tân (sinh năm 1935) chạy thận 6 năm nay, cho hay trong xóm già có, trẻ có, tất cả đều giống nhau ở điểm là nghèo khó và bệnh tật. Sống nhiều năm trong cảnh tạm bợ nhưng họ vẫn phải chấp nhận bởi dù muốn cũng không có tiền đi thuê chỗ khác tốt hơn. Thậm chí, để có tiền trang trải cho sinh hoạt và thuốc men, người còn sức vẫn đi làm. Có những người vừa rút kim truyền, lại quay quắt đi kiếm sống. Một tuần ba lần vào bệnh viện, những ngày còn lại họ chọn những công việc để mưu sinh như: Bán nước, đánh giày, nhặt vỏ chai…
Tự phòng bệnh cho bản thân
Với những bệnh nhân nhiều tuổi, sau khi đã trải qua một hành trình dài mệt mỏi chạy thận, cái chết có lẽ như một sự giải thoát. Nhưng ở xóm chạy thận, có những người mới ngoài 20 tuổi, mọi thứ mới chỉ bắt đầu...
Chuẩn bị thỏa ước mơ trở thành cô giáo mầm non thì Vương Thị Hoàng Anh (ở Nam Sách, Hải Dương) đã phải gác lại để xuống Hà Nội chạy thận. Kéo cánh tay áo với chi chít vết tích của những lần mổ cầu tay, Vương Thị Hoàng Anh chia sẻ: Ban đầu khi biết bị bệnh, em đã sốc nặng, không còn thiết gì cả. Được gia đình động viên và luôn quan tâm chăm sóc, em đã cố gắng vượt qua. Tại xóm trọ, em đã gặp được “một nửa” của cuộc đời mình. Anh ấy cũng mắc bệnh thận và chúng em dọn về sống chung để nương tựa nhau chống chọi với bệnh tật. Căn phòng chật hẹp nóng như thiêu như đốt có hai cái quạt chạy liên tục vẫn không đủ mát, nên có hôm hai vợ chồng phải dắt nhau ra đầu ngõ ngồi đến nửa đêm cho thoáng. Những hôm mưa to, gió lớn dột khắp nhà, chồng thương vợ dậy che mưa, hứng nước…
Lo sợ cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi “xóm chạy thận” không bảo đảm vệ sinh, dễ phát sinh dịch bệnh, chính quyền địa phương đã thường xuyên tiến hành các đợt tổng vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt muỗi, diệt bọ gậy. Bệnh nhân nơi đây cũng được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về cơ chế lây bệnh, cách phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Chị Lê Thị Ninh cho biết, trước đây, khi còn trẻ, chị đã chủ quan trước bệnh tật. Chỉ đến khi mắc bệnh nặng, mới biết sức khỏe quý đến nhường nào.
Ở xóm trọ này, điều kiện sinh hoạt không được tốt, bữa cơm cũng chẳng đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng chống chọi bệnh tật. Vì vậy, khi biết dịch bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát ngay địa bàn sinh sống, chị Ninh và những người bệnh đã tự trang bị thêm kiến thức phòng bệnh. Dù xóm trọ thỉnh thoảng bị mất nước nên phải tích trữ nước để dùng, song những bệnh nhân nơi đây đã nhắc nhau thường xuyên vệ sinh, đậy kín và thay nước hằng tuần tất cả các vật dụng chứa nước để không cho bọ gậy, muỗi vằn sinh trưởng, chặn nguồn lây bệnh sốt xuất huyết…
“Xóm chạy thận” chứng kiến nhiều lớp người đến và đi. Đã đến đây là không hẹn ngày về, vì chẳng biết sẽ “ra đi” lúc nào. “Thôi còn ngày nào thì cố gắng ngày đó. Cũng có khi phải nhờ đến hàng xóm, láng giềng ở xóm trọ khi đau yếu. Mọi người sống như một gia đình, có miếng ngon sẵn sàng sẻ chia. Mọi người cũng ý thức cố gắng giữ gìn vệ sinh chung, nhất là trong thời điểm dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát như hiện nay” - chị Ninh nói trong nghẹn ngào (Hà Nội mới, trang 8).