Tích hợp nguyên lý y học gia đình vào y tế cơ sở
Việt Nam có mạng lưới y tế tuyến xã rộng khắp, nhiều năm qua đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu với việc tham gia vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, phòng, chống kiểm soát dịch bệnh tại cộng đồng… Tuy nhiên, trước hiện tượng mô hình bệnh tật đang có nhiều thay đổi, đòi hỏi y tế tuyến xã cũng cần thay đổi cho phù hợp với vai trò mới.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, với 11.162 trạm y tế xã, phường, thị trấn, Việt Nam là một trong số ít những nước có hệ thống mạng lưới y tế rộng khắp, đến sát với người dân, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nhưng mô hình bệnh tật hiện nay đã có sự thay đổi. Nếu trước đây chủ yếu là các bệnh truyền nhiễm, thì đến nay chủ yếu chuyển sang các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, huyết áp, tim mạch… đòi hỏi người bệnh cần tuân thủ đúng hướng dẫn của thầy thuốc.
Tại Nghị quyết số 20 của Hội nghị T.Ư 6, khóa XII về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đã nhấn mạnh việc tăng cường y tế cơ sở để quản lý, điều trị các bệnh mãn tính. Bộ Y tế cũng ban hành gói dịch vụ cơ bản với mục tiêu giúp người dân tiếp cận mạng lưới y tế có chất lượng ở nơi mình sinh sống. Để đạt mục tiêu đó, một trong những giải pháp quan trọng được ngành y tế xác định là tích hợp nguyên lý y học gia đình (YHGĐ) vào mạng lưới y tế tuyến xã, triển khai phát triển mô hình bác sĩ gia đình ở cộng đồng. Nguyên lý YHGĐ là chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục, định hướng dự phòng cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng. Việc tích hợp nguyên lý này theo nguyên tắc: Triển khai ngay tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã có bác sĩ đa khoa... Trường hợp trạm y tế vùng sâu, vùng xa không có bác sĩ đa khoa thì các sở y tế xem xét bố trí bác sĩ lâm sàng khác tham gia.
Bộ Y tế xác định, cùng với việc xây dựng phòng khám bác sĩ gia đình chuẩn như các nước tiên tiến trên thế giới (tập trung ở phòng khám đa khoa khu vực, tư nhân) thì tích hợp nguyên lý YHGĐ vào trạm y tế là phù hợp thực tế và dễ triển khai. Các chuyên gia quốc tế khi nghiên cứu về y tế cơ sở đã đánh giá: Mạng lưới trạm y tế tuyến xã của Việt Nam làm tới 80% khối lượng công việc của bác sĩ gia đình. Do vậy, việc tích hợp nguyên lý bác sĩ gia đình vào hoạt động các trạm y tế trước tiên là tập trung đào tạo, tăng cường trình độ chuyên môn YHGĐ cho các bác sĩ hiện đang công tác tại trạm y tế tuyến xã. Việc tăng cường chuyên môn theo hướng bổ sung kiến thức từ các chương trình ngắn hạn (dưới ba tháng). Kết thúc từng khóa đào tạo, sẽ cấp các chứng chỉ và gộp nhiều chứng chỉ sẽ hoàn thành chương trình đào tạo chuyên sâu về YHGĐ. Đây là sự khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ các trạm y tế có thể tham gia đầy đủ, hiệu quả chương trình đào tạo.
Bộ Y tế cũng sẽ nghiên cứu, xây dựng các trung tâm đào tạo theo khu vực, sau đó xuống đến các tỉnh, thành phố. Bộ Y tế chịu trách nhiệm đào tạo các giảng viên, sau đó giảng viên về đào tạo cán bộ y tế tuyến xã. Như vậy vừa tiết kiệm chi phí, có tính khả thi cao và nhanh đạt mục tiêu. Mặt khác sẽ huy động lực lượng là chuyên gia từ các bệnh viện tuyến trung ương, các trường đại học về tổ chức tập huấn cán bộ y tế tuyến xã tại trung tâm các huyện. Các bác sĩ tuyến xã trước đây chỉ tập trung vào vấn đề y tế công cộng, dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu… khi được bồi dưỡng thêm kiến thức mới, sẽ nhanh chóng tiếp cận, nắm bắt được chuyên môn… Trong thời gian trước mắt tập trung đào tạo cán bộ y tế của các trạm y tế vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; đồng thời cử các bác sĩ ở tuyến trên về hỗ trợ cho bác sĩ tại trạm y tế để nhanh chóng giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại.
Khi triển khai mô hình bác sĩ gia đình tại tuyến xã sẽ giúp người dân quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục. Khi công tác quản lý được triển khai tốt thì chính người dân được hưởng lợi, nhất là những người có bệnh di truyền. Họ sẽ thường xuyên được tư vấn, khuyến cáo khi có những dấu hiệu bất thường. Đây là giải pháp hiệu quả trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho toàn dân, kiểm soát được bệnh tật, giảm tỷ lệ mắc, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Theo Kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình giai đoạn 2016- 2020 đã được Bộ Y tế phê duyệt, đến năm 2020 có 80% số tỉnh, thành phố triển khai mô hình này để cung cấp dịch vụ y tế cơ bản, toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm quá tải bệnh viện. (Nhân dân, trang 5)
Liên tiếp nhiều trẻ nhỏ xuất huyết não vì thiếu vitamin K
Như ANTĐ đã đưa tin, chỉ trong vài ngày trở lại đây, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận liên tiếp 3 trẻ (ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Nam Định, Hà Nam) nhập viện do xuất huyết não, cả 3 cháu đều mới hơn 1 tháng tuổi. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được xác định là do thiếu vitamin K.
Trước thực trạng này, Vụ Sức khỏe bà mẹ, trẻ em - Bộ Y tế vừa có công văn gửi các đơn vị liên quan yêu cầu tăng cường phòng chống xuất huyết não, màng não ở trẻ em. Theo Bộ Y tế, qua công tác theo dõi, giám sát tại địa phương cũng như báo cáo của một số đơn vị, Bộ nhận thấy một số cơ sở y tế chưa thực hiện nghiêm túc việc tiêm Vitamin K1 cho trẻ sơ sinh ngay sau sinh/sau mổ lấy thai dẫn đến hậu quả một số trẻ bị xuất huyết não, màng não do thiếu Vitamin K.
Để phòng chống xuất huyết não, màng não ở trẻ sơ sinh, Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo các đơn vị y tế chỉ đạo triển khai dịch vụ đỡ đẻ (kể cả các bệnh viện ngoài công lập) thực hiện nghiêm túc việc tiêm Vitamin K1 cho trẻ sơ sinh. Việc này thực hiện theo đúng Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt.
Cụ thể, trẻ cần được cung cấp vitamin K ngay sau sinh theo phương pháp tiêm (bắp), tiêm cho tất cả trẻ mới sinh một mũi vitamin K1: 1mg (với trẻ nặng trên 1,5kg) và 0,5mg (với trẻ dưới 1,5 kg), hoặc vitamin K3: 2mg.
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, có thể bổ sung vitamin K cho trẻ qua đường uống bằng cách cho tất cả trẻ mới sinh uống vitamin K1 với liều lượng 2mg, uống thành 3 lần. Lần một: sau khi sinh, lần hai: 7 ngày tuổi và lần ba: 1 tháng tuổi. (An ninh thủ đô, trang 6; Gia đình & Xã hội, trang 7).
Kiểm soát an toàn thực phẩm: Còn nhiều khó khăn
Trong năm 2017, các ngành chức năng của TP Hà Nội đã tăng cường kiểm soát chất lượng nông sản trên địa bàn, đồng thời xây dựng chuỗi liên kết, nhận diện sản phẩm nhằm cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô. Tuy nhiên, do sản xuất vẫn nhỏ lẻ, số lượng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ít... nên công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều khó khăn.
Nỗ lực tạo niềm tin
Qua rà soát của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 18.031 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông sản có đăng ký kinh doanh; ngoài ra còn có 210.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông sản nhỏ lẻ. Trong đó, cấp thành phố quản lý 1.230 cơ sở (đã cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 1.702 lượt cơ sở); cấp huyện quản lý 16.801 cơ sở (6.504 cơ sở đã được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh); cấp xã quản lý 210.500 cơ sở nhỏ lẻ...
Để nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ cơ sở và tuyên truyền tới cộng đồng, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã tổ chức khoảng 500 hội nghị, hội thảo, tập huấn kiến thức, pháp luật về: An toàn thực phẩm; chương trình quản lý chất lượng tiên tiến; quy trình giết mổ gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh thú y; kỹ thuật canh tác, thực hành an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế rau an toàn; quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng; quy định của Nhà nước về kinh doanh giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón...
Đánh giá công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho biết: Nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở về quản lý giết mổ, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trên địa bàn thành phố đã hình thành một số điểm bán nông sản (rau, thịt) an toàn được kiểm soát theo chuỗi và truy xuất nguồn gốc bằng mã Qrcode, có chỉ dẫn địa lý tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Công tác thanh, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, ngoài ra cơ quan chức năng còn kiểm tra đột xuất các nhóm sản phẩm, khâu có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm.
Qua đó, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm gây mất an toàn thực phẩm, ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt. Số lượng cơ sở giết mổ có kiểm soát tăng lên so với năm 2016 là 40 cơ sở; số điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ đã giảm đáng kể; tỷ lệ sản phẩm gia súc, gia cầm được kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y tăng từ 48% năm 2016 lên 54,4% năm 2017.
Siết chặt quản lý
Hiện công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố đã được phân cấp và triển khai, tuy nhiên việc thực hiện ở cấp huyện còn chậm và chưa thật sự quyết liệt. Từ ngày 1-7-2016, Luật Thú y có hiệu lực, bãi bỏ kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nội tỉnh, vì vậy việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ, một số hoạt động sản xuất, kinh doanh theo mùa vụ, thường xuyên biến động, số lượng cơ sở áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến: GMP, SSOP, HACCP còn ít cũng gây khó khăn cho công tác kiểm soát an toàn thực phẩm.
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung cho biết: Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn huyện nhiều nhưng chủ yếu là nhỏ lẻ, trong khi đó cán bộ ở cơ sở vừa thiếu và yếu. Kinh phí dành cho kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm thiếu, ý thức chấp hành của một bộ phận người dân chưa cao, vẫn sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm.
Để từng bước siết chặt công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông sản, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với sở, ngành liên quan và các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người sản xuất, kinh doanh tuân thủ quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, thuốc thú y, kháng sinh trong chăn nuôi, chất bảo quản, phụ gia... và bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện quy hoạch nhằm giảm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, tăng số lượng cơ sở giết mổ tập trung.
Cùng với đó, rà soát, bổ sung quy hoạch vùng trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường lấy mẫu kiểm định giám sát chất lượng nông sản về số lượng mẫu và chất lượng kiểm nghiệm; thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi để truy xuất nguồn gốc xuất xứ; tuyên truyền, vận động người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm chất lượng, an toàn, không mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, nên mua những sản phẩm đã được kiểm tra, chứng nhận, bảo đảm an toàn... (Hà nội mới, trang 5).