Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 14/3/2022

  • |
T5g.org.vn - Kit xét nghiệm của Việt Á giờ ở đâu?; Cách hết chức vụ trong Đảng đối với giám đốc CDC Bình Phước; 10 bác sĩ được nhận giải thưởng Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu; Bình tĩnh khi trẻ em mắc Covid-19 tăng cao; Ðừng nghĩ "ai rồi cũng nhiễm"

 

Kit xét nghiệm của Việt Á giờ ở đâu?

Công ty Việt Á đã cung ứng lượng khủng kit xét nghiệm cho trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) và các cơ sở y tế của 62 tỉnh, thành trên cả nước, với doanh thu khoảng gần 4.000 tỷ đồng. Vậy số kit mà các địa phương đã mua của Việt Á hiện đang ở đâu?

Tham nhũng “quanh” bộ kit xét nghiệm

Tại giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, năm 2020, Bộ KHCN tổ chức họp báo công bố kết quả nghiên cứu chế tạo bộ kit test (xét nghiệm) COVID -19 do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) thực hiện. Đây được coi là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, được cấp tổng kinh phí gần 19 tỷ đồng từ ngân sách sự nghiệp khoa học. Tại thời điểm đó, việc cho ra đời bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus Corona mới 2019 (2019-nCoV) được xem là niềm tự hào của doanh nghiệp trong nước, bởi sản phẩm được khẳng định là kết quả của khoa học, công nghệ Việt Nam. Tuy nhiên, những góc khuất xung quanh “đề tài khoa học” nêu trên dần bị phanh phui, bắt đầu từ vụ thổi giá kit xét nghiệm của Công ty Việt Á, đến hành vi tham nhũng tham ô tài sản của vị chủ nhiệm đề tài, câu chuyện nhận hối lộ của một số giám đốc CDC các địa phương…

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho biết Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á) đã “bắt tay” với các đối tác để nâng khống giá kit xét nghiệm khoảng 45%. Đặc biệt, số tiền mà Công ty Việt Á chi “hoa hồng” cho các “đối tác” lên tới gần 800 tỷ đồng.

Đáng chú ý, theo Tổng cục Hải quan, từ tháng 9-12/2021, Công ty Việt Á nhập khẩu 3 triệu bộ kit của Trung Quốc, giá khai báo 0,955 USD/bộ (khoảng 21.560đ/bộ ), tổng trị giá 64,7 tỷ đồng. Và dư luận từng “ngã ngửa” bởi xưởng sản xuất kit xét nghiệm Covid-19 lớn nhất cả nước của Việt Á chỉ rộng 10m2

Nhiều địa phương đã sử dụng hết

Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, Bình Dương là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề khi ghi nhận số ca mắc và tử vong chỉ sau TP.HCM. Vào thời điểm “nước sôi lửa bỏng”, Bộ Y tế đã giới thiệu cho các tỉnh, trong đó có Bình Dương, danh sách các doanh nghiệp bán kit xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2, trong đó có Công ty Việt Á.

Sau khi Bộ Y tế phân bổ cho Bình Dương 5.000 kit xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất, CDC Bình Dương đã mua 3 lần với tổng số lượng 72.000 bộ kit xét nghiệm do Việt Á sản xuất với đơn giá 470.000 - 509.250 đồng/bộ. Ngoài ra, CDC Bình Dương còn phê duyệt Công ty Việt Á trúng thầu chỉ định gói 6,9 tỷ đồng, cung cấp 50.000 kit từ một hãng sản xuất của Mỹ với giá 250.000 đồng/test. Tổng số tiền phải trả cho các gói thầu với Việt Á tại Bình Dương hơn 40 tỷ đồng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương cho biết, thời điểm địa phương mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á, tình hình dịch bệnh phức tạp nên mua bao nhiêu hết bấy nhiêu. Do đó, trước khi Việt Á bị Bộ Công an điều tra, kit xét nghiệm của doanh nghiệp này ở Bình Dương không còn.

Tại Thanh Hoá, để đáp ứng nhu cầu chống dịch, tháng 8/2021, Sở Y tế đã trình UBND tỉnh cho phép mua vật tư, sinh phẩm, hóa chất phòng chống COVID-19, trong đó có sinh phẩm xét nghiệm Real-time RT-PCR. Sau đó, tỉnh này đã chi 28,2 tỷ đồng để mua 60.000 kit (giá 470.000 đồng/ bộ ) do Công ty Việt Á sản xuất. Ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hoá cho biết, số sinh phẩm mà Thanh Hoá đã mua của Công ty Việt Á đã được sử dụng hết cách đây nhiều tháng.

Ông Nguyễn Phúc Thiện - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hải Dương cho biết, thời điểm cơ quan công an điều tra vụ thổi giá kit xét nghiệm liên quan Công ty Việt Á, đơn vị đã sử dụng cơ bản gần hết các thiết bị, sinh phẩm liên quan. Từ đó đến nay, cơ quan điều tra cũng chưa có quyết định nào về việc thu hồi, niêm phong những thiết bị y tế còn lại của công ty này. Được biết, Công ty Việt Á đã bán kit xét nghiệm COVID-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng.

Trước câu hỏi của phóng viên về số lượng kit xét nghiệm của Công ty Việt Á mà CDC Đắk Lắk và Bắc Giang mua trước đây hiện đang ở đâu, đã sử dụng, cho tặng ai hay nộp cho cơ quan điều tra? Lãnh đạo Sở Y tế Bắc Giang và Đắk Lắk đều từ chối thông tin vì vụ việc đang được cơ quan điều tra làm rõ. Theo tài liệu của phóng viên, CDC Đắk Lắk từng mua khoảng 20.000 kit xét nghiệm của Công ty Việt Á, mỗi kit xét nghiệm trị giá khoảng 367.000 đồng, tổng tiền khoảng 7 tỷ đồng; còn CDC Bắc Giang mua kit xét nghiệm COVID-19 do Công ty Việt Á sản xuất, tổng giá trị hơn 148 tỷ đồng.

Không đủ cung ứng?

Qua khảo sát của PV Tiền Phong trên địa bàn một số tỉnh như: Hà Nội, Thanh Hoá, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Đắk Lắk….cho thấy thị trường kit xét nghiệm COVID-19 chủ yếu là hàng nhập từ Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Rất ít nơi bán sản phẩm do Việt Nam sản xuất.

Trong 5 cửa hàng thuốc được khảo sát tại Bắc Giang, chỉ có một cửa hàng bán sản phẩm do Việt Nam sản xuất, các cửa hàng còn lại bán sản phẩm có xuất xứ nước ngoài.

“Trước chúng tôi cũng có mua dụng cụ xét nghiệm COVID-19 của một công ty trong nước sản xuất. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng của thị trường rất lớn, trong khi mặt hàng “Made in Viet Nam” lại sản xuất không cung ứng đủ. Mặt khác, giá cả hàng nội còn biến động, không ổn định, vì vậy chúng tôi không nhập mặt hàng nội địa nữa”, ông Phan Thành Trinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược-Vật tư Y tế Đắk Lắk cho biết, thời gian qua, công ty chủ yếu nhập dụng cụ kit xét nghiệm COVID-19 từ nước ngoài.

Liên quan đến việc mua sắm kit xét nghiệm, vừa qua, UBND tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho Sở Y tế với 6 gói thầu mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất phòng chống dịch, nhưng đến nay chưa duyệt được kết quả vì chờ giá kê khai. Vì vậy, UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế sớm có hướng dẫn tỉnh này giải quyết những khó khăn, vướng mắc về giá cả kê khai trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế (Tiền phong, trang 11).


Cách hết chức vụ trong Đảng đối với giám đốc CDC Bình Phước

Chiều 13/3, đại diện UBND tỉnh Bình Phước cho Tiền Phong hay, hiện ông Nguyễn Văn Sáu vẫn đang giữ chức vụ Giám đốc CDC Bình Phước và đang đi làm bình thường. Theo vị này, Sở Y tế Bình Phước là đơn vị sẽ tổ chức họp để thống nhất về chức vụ giám đốc đối với ông Nguyễn Văn Sáu, sau đó trình UBND tỉnh. “Khi cá nhân vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật cách hết chức vụ trong Đảng thì khó xứng đáng để lãnh đạo về mặt chính quyền”, nguồn tin chia sẻ thêm. Trước đó Tiền Phong đã phản ánh, tại phiên họp thứ 19, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước khóa XI đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy bộ phận CDC Bình Phước và ông Nguyễn Văn Sáu, Đảng ủy viên Đảng ủy Sở Y tế, Bí thư Đảng ủy bộ phận, Giám đốc CDC Bình Phước.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước nhận thấy, Đảng ủy bộ phận CDC Bình Phước đã buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra, giám sát để một số cán bộ, nhân viên trung tâm vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc mua vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Ông Nguyễn Văn Sáu với vai trò là Đảng ủy viên Đảng ủy Sở Y tế, Bí thư Đảng ủy bộ phận, Giám đốc CDC Bình Phước cùng chịu trách nhiệm về những khuyết điểm, vi phạm của Đảng ủy bộ phận. Ngoài ra, trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, ông Nguyễn Văn Sáu còn vi phạm Quy định số 37 của Ban Chấp hành Trung ương quy định về những điều đảng viên không được làm. Những vi phạm nêu trên là rất nghiêm trọng, làm mất uy tín của bản thân và tổ chức đảng nơi ông Sáu công tác.

Từ đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước quyết định thi hành kỷ luật Đảng ủy bộ phận CDC Bình Phước, nhiệm kỳ 2020-2022 bằng hình thức khiển trách và ông Nguyễn Văn Sáu bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng.

Trước đó, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, CDC Bình Phước đã mua của Công ty Việt Á khoảng 87.392 kit test và 47.900 kit tách chiết với tổng số tiền là 41,5 tỷ đồng. Sau các đợt mua thiết bị kể trên, đến đầu tháng 12/2021, đại diện của Công ty Việt Á đã đến tặng “quà” cho ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc CDC Bình Phước.

Khoảng 1 tháng sau khi nhận quà, ông Nguyễn Văn Sáu xin trả lại quà cho Công ty Việt Á. Tuy nhiên, toàn bộ tài liệu, quà biếu liên quan đến Công ty Việt Á tại CDC Bình Phước sau đó bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an niêm phong. Sau đó, ông Sáu và một số thuộc cấp liên tục nhiều ngày phải làm việc với điều tra viên của Bộ Công an (Tiền phong, trang 11).

 

10 bác sĩ được nhận giải thưởng Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vừa công bố danh sách 10 bác sĩ được nhận giải thưởng Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu lần thứ X, năm 2021. Với chủ đề “Thầy thuốc trẻ trên mặt trận phòng, chống đại dịch Covid-19”, giải thưởng nhằm kịp thời biểu dương những điển hình thầy thuốc trẻ có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch. 

10 gương mặt nhận giải thưởng gồm có các bác sĩ: Nguyễn Đăng Quang (Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM), Lê Tuấn Thành (Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành), Lê Xuân Tùng (Bệnh viện Nhi Trung ương), Đặng Văn Hòa (Bệnh viện tỉnh Bắc Giang), Đặng Thị Yến Vy (Bệnh viện Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương), Lê Thị Lan (Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2), Lê Minh Ngọc (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), Lò Thị Thanh Hợp (Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) và Thượng úy Nguyễn Đức Tiến (Bệnh viện 19-8 Bộ Công an), Thiếu tá Vũ Sơn Giang (Bệnh viện Quân y 175).

Giải thưởng Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu là giải thưởng thường niên do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Bộ Y tế phối hợp tổ chức.

Sau 9 lần tổ chức, giải thưởng đã vinh danh 200 gương mặt thầy thuốc trẻ có nhiều đóng góp và cống hiến trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân (Sài Gòn giải phóng, trang 1; Công an nhân dân, trang 1).

 

Bình tĩnh khi trẻ em mắc Covid-19 tăng cao

Những ngày qua, các bệnh viện nhi đồng của TPHCM quá tải do nhiều phụ huynh đưa trẻ em đến khám Covid-19. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, cần bình tĩnh, không quá lo lắng và hạn chế đổ xô đến bệnh viện khám bệnh. 

Lập đường dây nóng hỗ trợ 

Đa số các bệnh nhi đến khám đều có triệu chứng nhẹ, không phải nhập viện, được chỉ định theo dõi, điều trị tại nhà. Những bệnh nhi được chỉ định phải nhập viện thường có bệnh nền kèm theo. 

Tại khu khám sàng lọc Covid-19 BV Nhi đồng 1 có 4 bàn khám hoạt động 24/24  giờ để tiếp nhận trẻ em mắc Covid-19 hoặc có dấu hiệu nghi ngờ. Trung bình mỗi ngày một bàn khám tiếp nhận hơn 100 bệnh nhi. Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm, cho biết, có những ngày BV tiếp nhận hơn 500 trẻ đến khám.

Tương tự, tại BV Nhi đồng 2, trong tổng số 400-800 trẻ đến khám mỗi ngày có khoảng 80% trẻ mắc Covid-19, tăng 4-5 lần so với thời điểm trẻ chưa đến trường học. Hiện BV điều trị nội trú cho 140 trẻ mắc Covid-19, trong đó có hơn 10 trẻ có triệu chứng nặng. BV Nhi đồng 2 đã chuẩn bị phương án trưng dụng giường tại Khoa Hô hấp trong tình huống số trẻ mắc Covid-19 nhập viện tăng trong thời gian tới.

BV Nhi đồng Thành phố cũng ghi nhận có từ 500-600 bệnh nhi có triệu chứng nghi ngờ đến khám mỗi ngày. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV, số bệnh nhi có kết quả dương tính với Covid-19 chiếm khoảng 50% tổng số trẻ có triệu chứng nghi ngờ. BV Nhi đồng Thành phố đã bố trí thêm nhiều bàn khám, tạo đường link kết nối online, lập đường dây nóng hỗ trợ phụ huynh điều trị trẻ tại nhà...

Vaccine - Chìa khóa bảo vệ trẻ

Dù số lượng trẻ mắc Covid-19 tại TPHCM tăng cao trong những ngày gần đây nhưng nhiều phụ huynh vẫn e ngại việc tiêm vaccine cho trẻ. Một số phụ huynh cho rằng, biến chủng Omicron gây bệnh nhẹ trên trẻ em, việc để trẻ nhiễm bệnh tự nhiên tương đương như vaccine, vì thế việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ là không cần thiết. 

Phản biện ý kiến này, bác sĩ CK2 Nguyễn Thị Thanh Thùy, Phó Trưởng Khoa Sức khỏe trẻ em, Phòng khám chất lượng cao, BV Nhi đồng 2, cho rằng, hiệu quả của việc tiêm vaccine cao hơn hẳn so với khi cơ thể mắc Covid-19 tự nhiên. Khi vaccine vào cơ thể sẽ giúp hệ thống miễn dịch “xây dựng lực lượng, tạo tuyến phòng thủ vững chắc một cách bài bản, đón đầu và xử lý hiệu quả khi bị virus SARS-CoV-2 tấn công”. Nếu cơ thể bị mắc bệnh tự nhiên, hệ thống miễn dịch có thể phản ứng một cách hoảng loạn, do đó việc bảo vệ cơ thể bị hạn chế; đồng thời khả năng ghi nhớ miễn dịch cũng mau phai khi không được xây dựng bài bản. Điều này khiến hiệu quả bảo vệ về sau thường chỉ bằng hoặc thấp hơn việc tiêm một mũi vaccine. Thực tế tại BV Nhi đồng 2, một số trẻ nhỏ dưới 11 tuổi mắc Covid-19 có triệu chứng nặng như co giật, tổn thương phổi. Đối chiếu với trẻ trên 12 tuổi đã được tiêm vaccine thì triệu chứng nhẹ hơn, không sốt quá cao, thường 3 ngày sau trẻ đã khỏe lại. 

Chung nhận định, TS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương,  cho biết: Dù ở thời điểm hiện tại trẻ em mắc Covid-19 thường diễn biến nhẹ nhưng không có nghĩa ở giai đoạn sau trẻ sẽ an toàn. Do đó, lứa tuổi này vẫn phải tiêm vaccine Covid-19. Trước đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không khuyến cáo tiêm cho lứa tuổi 5-11, bởi vì người lớn - những người nguy cơ, người cao tuổi chưa được bao phủ vaccine, trong khi nguồn lực vaccine hạn chế. Thế nhưng, hiện nay nguồn vaccine đã dồi dào hơn, tỷ lệ bao phủ nhóm ưu tiên đã gần như tuyệt đối nên tiêm vaccine cho trẻ em là hoàn toàn phù hợp. 

Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi tiêm vaccine, Bộ Y tế hướng dẫn: Trẻ có bệnh nền mãn tính, bẩm sinh sẽ được tiêm tại các BV đa khoa có chuyên khoa nhi hoặc ở các BV chuyên khoa nhi. Riêng trẻ có phản ứng phản vệ với vaccine hoặc bất kỳ thành phần nào trong vaccine được chỉ định không tiêm vaccine (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

 

Ðừng nghĩ "ai rồi cũng nhiễm"

Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 6,1 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 41 nghìn trường hợp tử vong.

Dịch vẫn đang tiếp tục gia tăng ở mức rất cao với trung bình gần 163 nghìn ca/ngày (trong bảy ngày qua), chỉ tính trong khoảng một tháng trở lại đây (từ 13/2 đến 13/3), số ca mắc tăng từ 2,51 triệu lên hơn 6,1 triệu ca. Tuy số mắc tăng rất cao nhưng chủ yếu là các ca bệnh mức độ nhẹ, trung bình và được điều trị, cách ly tại nhà; tỷ lệ người chết/số ca mắc trên phạm vi toàn quốc giảm.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đánh giá, dịch Covid-19 cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.

Số mắc tăng cao, trong khi số ca nặng và tử vong giảm xuống mức thấp, cho nên đâu đó đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, thậm chí nhiều người cho rằng "ai rồi cũng nhiễm". Nhưng theo các chuyên gia, quan điểm đó là hoàn toàn sai lầm, bởi sẽ góp phần làm số ca mắc càng tăng cao và kéo theo nguy cơ gia tăng số bệnh nhân nặng, tử vong, gây quá tải cho hệ thống y tế.

Có khoảng 95 đến 97% số ca mắc Covid-19 hiện nay là thể nhẹ, nhưng tỷ lệ 3 đến 5% còn lại vẫn là khá nhiều, bởi tổng số ca nhiễm là rất lớn. Thực tế cho thấy vẫn còn khoảng 4.000 người bệnh nặng đang phải điều trị tại các cơ sở y tế. Ðáng lưu ý, những người khỏe khi nhiễm Covid-19 và trở thành nguồn lây cho những người yếu thế (người già, người mắc bệnh nền hay trẻ em, phụ nữ mang thai) thì sẽ nguy hiểm vì đây đều là đối tượng nguy cơ gây bệnh nặng, thậm chí tử vong. Do đó, người dân cần loại bỏ tâm lý ai rồi cũng mắc Covid-19, để hạn chế đến mức thấp nhất trở thành nguồn lây cho những người chung quanh.

Bên cạnh đó, một số người dân có tâm lý rằng đã tiêm đủ liều vaccine thì bệnh sẽ nhẹ, rồi buông xuôi, thả lỏng. Nhưng đây cũng là suy nghĩ sai lầm, cần phải thay đổi. vaccine giúp giảm nguy cơ lây lan và giảm nguy cơ bệnh diễn biến nặng nhưng nó không hoàn toàn chống lại được virus SARS-CoV-2.

Dịch Covid-19 tại Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ đại dịch sang dịch và "bệnh lưu hành". Tỷ lệ mắc chưa ổn định và có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương, trong khi virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới. Cho nên, vẫn cần tiếp tục theo dõi, đánh giá; đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Nguyên tắc phòng, chống dịch của Việt Nam hiện nay chưa có sự thay đổi, đó là "5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân". Như vậy, bên cạnh các biện pháp chuyên môn, như tăng độ phủ của vaccine, nâng cao năng lực điều trị để kéo giảm ca chuyển nặng và tử vong… thì người dân vẫn cần nâng cao cảnh giác, không lơ là trong phòng, chống dịch. Không riêng gì F0 hay F1, mà tất cả mọi người đều cần tuân thủ tốt 5K, hạn chế đi lại, tiếp xúc nhiều...

Thực hiện đúng tinh thần "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", các địa phương cần thường xuyên cập nhật đánh giá cấp độ dịch Covid-19 tại địa bàn, từ đó xây dựng phương án phù hợp cho từng loại hình hoạt động, từ sản xuất, kinh doanh đến du lịch, dạy và học, lễ hội (Nhân dân, trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang