Vụ 4 trẻ ngộ độc tại Cao Bằng: 1 tử vong, 2 trẻ hôn mê sâu gia đình xin về
Ngày 13/6, Sở Y tế tỉnh Cao Bằng đã có báo cáo gửi Bộ Y tế và UBND tỉnh Cao Bằng về tình trạng bệnh của bốn trẻ tại xóm Lũng Khỉnh, xã Đa Thông, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng bị ngộ độc khiến 1 trẻ tử vong.
Theo đó, khoảng 8 giờ ngày 8/6 tại xóm Lũng Khỉnh, xã Đa Thông, huyện Thông Nông có 4 trẻ là Lý Văn Thắng (13 tuổi), ba trẻ cùng một gia đình gồm Lý Thị Hoa (10 tuổi); Lý Thị Mái (9 tuổi); Lý Văn Trường (7 tuổi) cùng rủ nhau đi lấy thức ăn cho trâu bò, hái và ăn quả vải địa phương tại vườn gần nhà. Sau khi ăn, đến 12 giờ đêm cùng ngày Lý Văn Thắng có triệu chứng đau đầu, buồn nôn, nôn, đau bụng, mệt. Đến sáng 9/6 trẻ nôn ra máu đã tử vong tại nhà vào hồi 15 giờ cùng ngày.
Anh Lý Văn Dẩu, bố của ba bệnh nhi cho biết, ngày 8/6 vợ chồng anh đi làm nương, đến chiều tối hôm đó đi làm về, thấy các con có dấu hiệu đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi nhưng anh nghĩ các con bị cảm thông thường. Đến sáng hôm sau, các con đều có dấu hiệu nặng hơn nên vợ chồng anh mới đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thông Nông cấp cứu. Khoảng 10h ngày 9/6 hai cháu Lý Thị Hoa và Lý Thị Mái đều xuất hiện buồn nôn, nôn, đau đầu, mệt, được Bệnh viện Đa khoa huyện Thông Nông điều trị bằng truyền dịch, thở oxy. Do tình trạng nặng, Bệnh viện Đa khoa huyện Thông Nông cử nhân viên y tế và bố trí xe cứu thương để chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng vào hồi 18giờ cùng ngày.
Bệnh nhi Lý Văn Trường được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa Thông Nông lúc 8h ngày 10/6 trong tình trạng tỉnh, buồn nôn, mệt và được Bệnh viện Đa khoa huyện Thông Nông chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào hồi 10h ngày 10/6.
Sau khi nhận được tin báo Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh huy động các phương tiện hiện có và thuốc cấp cứu, điều trị cho các trường hợp này. Chiều ngày 13/6, bác sĩ Hoàng Văn Kiền, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng cho biết, bệnh nhi Lý Thị Mái, nhập viện tỉnh trong tình trạng hôn mê sâu, da tái, chi lạnh, hai tay duỗi cứng, không rõ liệt đồng tử hai bên đều, mạch 160 lần/phút, huyết áp không đo được, tim nhanh đều, nghe phổi có ít ran ứ đọng, bụng mềm gan lách không to.
Chẩn đoán sơ bộ bệnh nhi bị suy hô hấp cấp tiến triển, hạ đường máu/viêm não - màng não. Đến 12 giờ ngày 13/6, mặc dù được điều trị tích cực nhưng tiên lượng bệnh nhân nặng thêm nên gia đình xin về. Bệnh nhân Lý Thị Hoa vào viện trong tình trạng hôn mê, thở đều, da toàn thân lạnh, mạch 130 lần/phút, huyết áp tụt, tim nhanh đều, nghe phổi có ít ran ứ đọng, bụng mềm không phản ứng, cổ cứng không rõ ràng.
Chẩn đoán sơ bộ trẻ bị viêm não - màng não/ hạ đường máu. Bệnh nhi phải thở máy, hôn mê sâu, huyết áp không ổn định. Đến 12 giờ ngày 13/6, gia đình xin cho bệnh nhân về nhà. Bệnh nhân Lý Văn Trường, nhập viện ngày 10/6 trong tình trạng sốt nóng, khó chịu, mệt, ăn uống kém, tiếp xúc được. Điều trị tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hiện tại ổn định, ăn uống được.
Thể theo nguyện vọng của gia đình cháu bé, bệnh viện đã cho 1 xe cấp cứu có nhân viên y tế đi cùng để bóp bóng cho các cháu với hy vọng các cháu giữ được hơi ấm cơ thể khi về đến nhà (Tiền phong, trang 9; Công an Nhân dân, trang 8; Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Tuổi trẻ, trang 14).
Bỏ ngỏ công tác 'gác cổng' chống sốt rét
Trong khi Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương phải tập trung nhân lực để giám sát và điều trị sốt rét đang quay trở lại, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM lại “thanh lọc” gần như hầu hết nhân lực khoa sốt rét của mình.
Trên chỉ đạo, dưới chẳng quan tâm
Đầu tháng 5, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế có chỉ đạo tới ngành y tế dự phòng tại các địa phương cần phải hết sức cảnh giác với dịch sốt rét có thể quay trở lại. Công văn nêu rõ, nhiệm vụ của ngành trong năm 2015-2020 là phải phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét, đồng thời yêu cầu các địa phương không được lơ là căn bệnh này.
Giữa tháng 5, Viện Sốt rét ký sinh trùng T.Ư tiếp tục có công văn gửi các trung tâm y tế dự phòng, tỉnh thành yêu cầu tập trung tuyên truyền cho người dân về phòng chống sốt rét và tập trung nhân lực để điều trị và dự phòng. Những dẫn chứng từ Viện này cho thấy, vừa phát hiện ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc ở các tỉnh. Trong khi đó, trong năm 2016, Việt Nam phát hiện hơn 4 nghìn ký sinh trùng sốt rét ngoại lai đến từ các nước châu Phi và hai nước láng giềng là Lào và Campuchia. Cũng trong năm này, toàn quốc phát hiện hơn 4.100 trường hợp mắc sốt rét, trong đó tại khu vực miền Nam chiếm hơn 30% số ca.
Theo Viện Sốt rét ký sinh trùng T.Ư, qua công tác giám sát về sốt rét các tháng cuối 2016 và đầu năm 2017 đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong tại TPHCM do sốt rét gây ra. Từ đầu năm 2017 tới nay, tại thành phố này cũng có 6 trường hợp người dân mắc bệnh sốt rét phải nhập viện. Tình hình báo động là vậy, nhưng khoa Sốt rét - Ký sinh trùng của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, nơi đang giám sát và theo dõi cho hơn 12 triệu dân lại hoạt động một cách “được chăng hay chớ”.
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, khoa Sốt rét - Ký sinh trùng của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM số người theo biên chế đề án qui hoạch nhân sự từ 10 người, tuyển dụng và làm việc theo qui hoạch này có 9 người nhưng nay thực chất hoạt động chỉ còn 3 người. Theo bác sĩ Lê Phi Hiền, làm việc ở khoa này thì ngoài 2 người lãnh đạo trưởng và phó khoa ra, 2 người bị chuyển vị trí, 5 người còn lại thì 2 người đang bị bệnh ung thư ác tính và vừa phải can thiệp tim mạch vì nhồi máu cơ tim cấp.
Trong khi đơn vị này phải đảm nhiệm công tác khảo sát muỗi định kì tại phường xã trọng điểm và thực hiện hàng loạt các công tác nghiệp vụ liên quan đến sốt rét cho toàn bộ 24 quận huyện...
Kêu cứu vì sốt rét
Bức xúc vì bỏ ngỏ chức năng khoa sốt rét, các bác sĩ ở đơn vị này đứng đơn cầu cứu lên lãnh đạo TPHCM yêu cầu cứu xét. Bác sĩ Lê Phi Hiền cho rằng việc giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tuyên bố trước giao ban cán bộ chủ chốt của Trung tâm là giải tán khoa này làm cho anh em trong khoa vô cùng hoang mang.
“Ngoài điều động ông Phạm Lê Quốc Hưng sang nơi khác đồng thời giám đốc Trung tâm lại ký quyết định điều động 2 nhân sự khác của khoa là ông Đường Trung Tín và Trương Vũ Bá Thi của khoa về phòng Tổ chức - Hành chính nên khoa Sốt rét bị thiếu nhân sự”- bác sĩ Hiền nói. Vị bác sĩ này cho biết, khoa Sốt rét hiện nay có 5 nhân viên trong đó 2 người bị bệnh nặng không thể làm việc được. Về thiết bị, có 1 máy vi tính đã cũ. Các bác sĩ khoa này nhận định với nhân sự và trang thiết bị như thế thì khoa Sốt rét không thể hoàn thành nhiệm vụ từ giám sát dịch tễ, điều trị. “Nếu có dịch bệnh xảy ra chắc chắn sẽ không đáp ứng được nhu cầu chống dịch”- một bác sĩ nói (Tiền phong, trang 10).
Quan hệ bất chính với nữ y tá: Phó giám đốc bệnh viện bị cách hết chức vụ
Chiều 13/6, ông Đỗ Xuân Nam - Bí thư Huyện ủy Thường Xuân (Thanh Hóa) xác nhận ông Trần Văn Minh (43 tuổi) - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện miền núi Thường Xuân (Thanh Hóa) vừa bị cách hết các chức vụ trong Đảng vì có quan hệ bất chính với bà Nguyễn Thị Lý (34 tuổi, y tá bệnh viện này).
Ông Trần Văn Minh được bổ nhiệm phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân năm 2012. Còn bà Nguyễn Thị Lý vừa được TAND huyện Thường Xuân xử ly hôn với chồng (là giáo viên) ngày 15/5/2017.
Theo ông Đỗ Xuân Nam, tại phiên họp ban thường vụ huyện ủy Thường Xuân sáng 13/6 để xử lý những vi phạm của ông Trần Văn Minh - phó bí thư đảng bộ, phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân, đã có 10/11 phiếu đề nghị cách hết các chức vụ trong Đảng (gồm bí thư chi bộ khoa sản, phó bí thư đảng bộ Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân) đối với vị phó giám đốc này. Hội đồng kỷ luật của Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cũng đã thống nhất cách chức phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân đối với ông Trần Văn Minh. Hiện nay, ông Minh chỉ còn là đảng viên, nhân viên bệnh viện.
Nội dung kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Thường Xuân cho thấy: Từ năm 2011, ông Minh có mối quan hệ tình cảm quá mức bình thường với bà Nguyễn Thị Lý, như hay nhắn tin có nội dung tình cảm cho nhau, hay đi chơi cùng nhau, quan tâm nhau hơn những đồng nghiệp khác. Cuối năm 2015, lúc bà Lý đang học ở Hải Phòng, ông Minh học ở Hà Nội đã nhiều lần về Hải Phòng đi chơi cùng với bà Lý, giới thiệu với bạn bè bà Lý là chồng của bà Lý và ngủ cùng phòng với nhau.
Cũng theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Thường Xuân: lúc khoảng 22h30 phút ngày 26/1/2017, ông Minh đang trong phiên trực chính (trực lãnh đạo tại bệnh viện) nhưng đã bỏ trực để ra ngoài, đến phòng trọ của bà Lý ở khu 3, thị trấn Thường Xuân. Theo quy định là người trực chính, ông Minh phải ở bệnh viện 24/24 giờ, nhưng ca trực đêm 26/1, ông Minh bỏ ra ngoài đã vi phạm quy định về thời gian trực của ngành y tế. Ngày 30/1/2017, ông Minh đến cơ quan có giành điện thoại và ôm cổ bà Lý, gây xô xát với nhân viên, là hành động gây mất an ninh trật tự trong cơ quan, không đúng với hành động của cán bộ lãnh đạo đơn vị. Qua xác minh video cảnh hai người có quan hệ tình dục bất chính với nhau, ông Minh và bà Lý đều xác nhận đó là hình ảnh của hai người quan hệ với nhau trong một đêm trực tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân vào giữa năm 2015 (Tiền phong, trang 11).
Vấn đề “nóng” dành cho Bộ trưởng Bộ y tế” Phải quản lý được giá thuốc
Cùng một loại thuốc, nhà sản xuất, cung cấp… nhưng giá bán lại khác nhau. Không chỉ thuốc thông thường mà cả biệt dược gốc, thuốc điều trị ung thư cũng rơi vào tình trạng loạn giá. Đơn cử, thuốc Simulect dùng trong điều trị thải ghép, theo giá kê khai tại Bộ Y tế là 29,7 triệu đồng/lọ nhưng giá bán tại các nhà thuốc là 31,5 triệu đồng/lọ (chênh gần 2 triệu đồng); Thuốc Herceptin (thuốc bột pha tiêm) 440mg dùng trong điều trị ung thư vú di căn có giá kê khai tại Bộ Y tế là 45,6 triệu đồng/hộp, nhưng giá tại đại lý bán ra 49 triệu đồng.
Gần đây, Sở Y tế Hà Nội tiến hành thanh tra Trung tâm dược phẩm Hapulico - một điểm buôn bán thuốc lớn của Hà Nội và tại Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội đã xảy ra nghịch lý: Giá thuốc bán buôn đắt hơn giá bán lẻ. Theo kết quả kiểm tra, loại thuốc thông dụng như Augmentin 500mg (thuốc kháng sinh điều trị viêm nhiễm) giá bán buôn của Công ty dược phẩm Bông Sen Vàng tại Trung tâm buôn bán thuốc tân dược Hapulico đắt hơn giá bán lẻ của Bệnh viện Xanh Pôn là 3.000 đồng/hộp, giá buôn là 274 ngàn đồng/hộp, giá bán lẻ là 271 ngàn đồng/hộp.
Chưa hết, giá thuốc còn phi mã nhanh đến chóng mặt mà cả người bán lẫn người bệnh phải cuốn theo. Chị Thanh Hiệp, chủ cửa hàng thuốc tại khu đô thị Dịch Vọng, quận Cầu Giấy kể: Vừa rồi, giá thuốc tăng cao, nhiều khách hàng đã phát hiện ra “bất thường” về giá thuốc và thắc mắc. Khi nhập hàng, chúng tôi cũng không khỏi giật mình. Khách hàng hay phải sử dụng thuốc cũng có nhiều thắc mắc nhưng giờ giá nhập tăng nên phải bán giá tăng theo".
Chị Hiệp đưa ra một số loại thuốc tăng giá chóng mặt như Efferalgan 150mg tăng từ 47.000 lên 80.000 đồng/hộp; Efferalgan 250mg tăng từ 54.000 lên 120.000 đồng/hộp; thuốc Solmux Broncho siro (trị ho có đờm) từ 25.000 lên 80.000 đồng/lọ; thuốc Bricanyl (điều trị co thắt trong hen phế quản và trong viêm phế quản mãn) tăng từ 28.000 lên 95.000 đồng/lọ…
Các công ty dược trong nước cũng đã tăng giá thuốc từ cuối năm 2016, sang đầu năm 2017 vẫn tăng giá một loạt. Các công ty nước ngoài thì đưa ra lý do tăng giá thuốc do hàng hết lô đăng ký, trong khi chưa xin được cấp phép buộc phải tăng giá. Người bán hàng thường phải "lái" cho khách dùng hàng trong nước, tuy có tăng giá nhưng không nhiều hoặc chỉ tăng một số mặt hàng.
Cơ quan chức năng hứa “kìm cương” giá thuốc
Hiện mạng lưới cung cấp thuốc, các tầng nấc trung gian quá nhiều (lên tới 2.000 công ty phân phối) khiến người dân phải mua thuốc với giá cao bất hợp lý.
Ông Nguyễn Tất Đạt, Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, thời gian tới sẽ quản lý giá thuốc bằng nhiều biện pháp như: Kê khai, kê khai lại giá thuốc; niêm yết giá thuốc, quy định về thặng số bán lẻ của các cơ sở bán lẻ trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đấu thầu mua thuốc, đàm phán giá thuốc và các biện pháp bình ổn giá thuốc…, theo Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược đã được Chính phủ ban hành. Trong đó, đáng chú ý là quy định cụ thể về các biện pháp quản lý giá thuốc.
Tại nghị định cũng nêu rõ, cơ sở kinh doanh dược không được bán thuốc khi chưa có giá kê khai, kê khai lại được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế do chính cơ sở sản xuất hoặc cơ sở đặt gia công, cơ sở nhập khẩu thuốc đó đã kê khai, kê khai lại. Cơ sở kinh doanh dược không được bán buôn, bán lẻ thuốc cao hơn mức giá kê khai, kê khai lại được công bố.
“Đáng chú ý, nghị định cũng nêu rõ, lợi nhuận bán lẻ từ 2-15%. Về thặng số bán lẻ của cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được quy định: Giá bán lẻ = Giá mua vào + Mức thặng số bán lẻ (%) × Giá mua vào.
Mức thặng số bán lẻ của các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được cao hơn mức thặng số bán lẻ tối đa như sau:
Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất nhỏ hơn hoặc bằng 1.000 đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 15%: Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 1.000 đồng đến 5.000 đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 10%; Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 5.000 đồng đến 100.000 đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 7%; Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 100.000 đồng đến 1 triệu đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 5%; Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất trên 1 triệu đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 2%”, ông Đạt cho hay.
Liệu giá thuốc có được bán đúng, hợp lý khi Nghị định có hiệu lực từ ngày 1.7 tới? (Lao động, trang 3)
Dịch sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng tại các quận nội thành Hà Nội
Ngày 13-6, ông Hoàng Đức Hạnh –Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, số người mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội vẫn tiếp tục gia tăng. Theo đó, từ ngày 5-6 đến nay, đã có thêm 276 trường hợp, nâng số người mắc sốt xuất huyết trong 6 tháng đầu năm 2017 lên 1.575 trường hợp và đã có một người tử vong. Các quận có số người mắc sốt xuất huyết cao là Đống Đa (458 người), Hoàng Mai (312 người), Hai Bà Trưng (123 người).
Theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, dịch bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng tại các quận nội thành Hà Nội như Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông... Bệnh vốn lưu hành tại Hà Nội, lại thêm thời tiết đang vào mùa mưa là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh phát triển, nên dịch bệnh càng dễ bùng phát. Cùng với nguyên nhân khách quan là do thời tiết mưa, nắng thất thường khiến bệnh sốt xuất huyết lan rộng, còn có yếu tố chủ quan là chính quyền địa phương nhiều nơi còn chưa coi trọng công tác phòng, chống dịch; ý thức người dân chưa cao.
Vì thế, khi cán bộ y tế đến nhà phun hóa chất diệt muỗi, một số người dân không hợp tác, không mở cửa cho phun, thậm chí có những hành động, lời nói cản trở cán bộ y tế thực hiện công tác phòng chống dịch. Tình trạng phế thải như lọ hoa, bể cá, chai lọ chứa nước lâu ngày không được dọn khá phổ biến. Mà đây là điều kiện cho muỗi vằn sinh sôi, phát triển làm dịch bệnh khó kiểm soát. Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, bên cạnh sốt xuất huyết, thời tiết hiện nay cũng thuận lợi để tác nhân gây bệnh viêm não Nhật Bản phát triển. Các đối tượng có nguy cơ cao bị mắc bệnh là những người chưa được tiêm hoặc tiêm không đầy đủ vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản. Vì vậy, khuyến cáo người dân tiêm vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản, để ngăn chặn dịch bệnh. giảm số mắc và tử vong.
Vì vậy, Sở Y tế đang chỉ đạo các đơn vị y tế quận và huyện chủ động phòng chống dịch với việc tiếp tục triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, đồng thời đề nghị các cấp chính quyền và đoàn thể cần vào cuộc. Đặc biệt, tuyên truyền để nâng cao ý thức chủ động phòng chống dịch bệnh của người dân.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đang cùng các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra công tác chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết tại các quận, huyện; phun hóa chất diện rộng phòng chống sốt xuất huyết tại tất cả các nơi ghi nhận có bệnh nhân và ổ dịch. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng chỉ đạo điều tra xử lý tại cộng đồng các ca bệnh được phát hiện mới như sốt xuất huyết, sốt phát ban nghi sởi, ho gà, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản (Công an Nhân dân, trang 6; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).