Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 15/12/2017

  • |
T5g.org.vn - Sữa Pháp nhiễm khuẩn vẫn rao bán tại Việt Nam; Nguyên Giám đốc Sở Y tế Long An bị khởi tố; Bộ Y tế mở cao điểm thanh tra thực phẩm cuối năm; Dùng thuốc, chuyện không nhỏ

 

Sữa Pháp nhiễm khuẩn vẫn rao bán tại Việt Nam

Hãng sản xuất sữa Lactalis của Pháp vừa tuyên bố thu hồi sản phẩm trên toàn cầu, do lo ngại tình trạng nhiễm khuẩn salmonella trong gần 7.000 tấn nguyên liệu sữa đã xuất xưởng của hãng. Mặc dù Cục ATTP đã có thông báo yêu cầu dừng bán, song một số các sản phẩm bị thu hồi, trong đó có cả sữa Celia vẫn được rao bán rất nhiều tại Việt Nam.

Mua dễ dàng

Ngay lập tức, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có thông cáo xác nhận thông tin trên đồng thời cho biết đang tích cực rà soát và chỉ đạo kiểm nghiệm chỉ tiêu Salmonella Agona đối với các sản phẩm theo cảnh báo. Trong thời gian chờ kết quả kiểm nghiệm, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các tổ chức, cá nhân tạm thời ngừng tiêu thụ và sử dụng các sản phẩm. Thế nhưng, tại TPHCM, chúng tôi vẫn dễ dàng tìm mua được sản phẩm này.

Tại trang mua sắm trực tuyến Adayroi.com, chúng tôi dễ dàng tìm sản phẩm sữa dành cho trẻ em hiệu Picot của công ty Lactalis. Nhân viên tổng đài cho biết nhãn hàng này được khá nhiều khách hàng tin dùng, đặt mua. Sản phẩm trên website là hàng nhập khẩu chính hãng nên khách yên tâm. Khi tôi thắc mắc sản phẩm này đang bị thu hồi, nhân viên nhắc lại rằng hàng này đảm bảo chất lượng nên cứ yên tâm mua dùng.

Liên hệ với công ty TNHH TM-DV-XNK NUTRI Miền Nam (P. Tân Hưng Thuận, Q.12), nhân viên giới thiệu sữa Celia Mama dành cho mẹ bầu và mẹ cho con bú, giá 252.000 đồng/hộp. “Công ty em phân phối độc quyền sản phẩm này tại miền Nam, nhập khẩu chính hãng nên chị cứ yên tâm về chất lượng. Nhiều người đã mua dùng rồi và đều phản hồi tốt” - cô nhân viên quảng cáo. Tôi yêu cầu mua nguyên thùng 12 lon, công ty đều sẵn có. Tuy nhiên, khi tôi lo ngại vì sữa này đang trong diện có nguy cơ nhiễm khuẩn, nhân viên này liền khẳng định: “Sữa bị thu hồi là sữa ở nước ngoài, công ty em đã mời người ở Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Bộ Y tế lấy mẫu đi kiểm nghiệm. Chắc vài ngày nữa sẽ có kết quả. Còn từ trước giờ bên em bán sản phẩm này đều không có vấn đề gì”.

Nhiều website bán hàng dành cho mẹ và bé đều có quảng cáo rất nhiều sản phẩm sữa hiệu Lactalis của Pháp như Tuticare, Bibomart, Kid Plaza… với nhiều công dụng, tính năng tốt dành cho trẻ. Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ thì đều trả lời rằng không bán sản phẩm này (?!).

Theo giới chuyên doanh sữa, có thể những nơi này nghe thông tin cảnh báo hai sản phẩm Celi Expert và Celi Mama nhiễm khuẩn, tạm ngưng lưu thông nên “án binh” xuống các mặt hàng này để tránh cơ quan chức năng kiểm tra, thu hồi. Tại các trang sua.vn, Shopee Mall... cùng một sản phẩm Celia Mama hộp 400 gr nhưng có đến ba mức giá: 180.000 đồng, 217.000 đồng, 220.000 đồng...

Nhiều nguy cơ

Theo các chuyên gia y tế, các triệu chứng nhiễm khuẩn Salmonella bao gồm tiêu chảy nặng, đau bụng, buồn nôn và đau sốt, gây ra bởi một loại vi khuẩn đường ruột truyền từ gia súc. Khuẩn Salmonella gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ và người già vì nguy cơ mất nước.

Ông Nguyễn Văn Bách – Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết: “Hiện nay Chi cục chưa nắm được thông tin này. Tuy nhiên, chúng tôi thường xuyên kiểm tra các mặt hàng nhập khẩu, kể cả sữa bán tại các cửa hàng ở TPHCM. Tuy nhiên, đối với các trường bán online thì cũng rất khó quản lý”. Ông Bách cũng cho biết đơn vị kiểm tra, giám sát tất cả sản phẩm lưu thông trên thị trường, kể cả online.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho hay: “Chúng tôi sẽ nắm thông tin và phối hợp với Quản lý thị trường rà soát lại sản phẩm được cảnh báo đã được nhập về đơn vị nào, số lượng bao nhiêu, đưa ra thị trường chưa và tạm ngưng lưu thông, nếu các đơn vị nhập khẩu vi phạm tiếp tục bán sản phẩm nhiễm khuẩn, chúng tôi sẽ xử phạt theo quy định. Đặc biệt, không loại trừ nguồn hàng trôi nổi, xách tay, chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ” (Tiền phong, trang 6).

 

Nguyên Giám đốc Sở Y tế Long An bị khởi tố

Chiều 14.12, ông Lê Thanh Nghiêm, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Long An cho biết, sau khi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can (cho tại ngoại) đối với ông Lê Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Sở Y tế để làm rõ hành vi 'cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng', Cơ quan điều tra đã chính thức thông báo việc khởi tố ông Liêm đến Ban thường vụ Tỉnh ủy.

Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Long An nói thêm, cùng với thông tin khởi tố, Cơ quan điều tra cũng có văn bản gửi Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh đề nghị tạm thời đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với ông Liêm do bị can đã bị khởi tố.

Trao đổi qua điện thoại, ông Liêm cũng cho biết sáng cùng ngày, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) - Công an tỉnh Long An đã mời ông đến trụ sở công an để tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Theo thông tin ban đầu, hành vi sai phạm của ông Liêm được xác định liên quan đến gói thầu lắp đặt camera tại công trình tòa nhà 4 cơ quan gồm Trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm mỹ phẩm, Trung tâm giám định y khoa, Trung tâm giám định pháp y, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm do Sở Y tế Long An làm chủ đầu tư tại P.3, TP.Tân An.

Theo kết luận thanh tra, tháng 4.2014, Công ty TNHH TM-DV Đông Nam Á (P.6, TP.Tân An) đề xuất gói thầu lắp đặt thiết bị xuất xứ Nhật Bản, hiệu Sony với giá 1,92 tỉ đồng tại tòa nhà 4 cơ quan trên và đã trúng thầu. Sở Y tế Long An ký kết hợp đồng thi công với Công ty Đông Nam Á trong thời hạn 60 ngày.

Tuy nhiên, đến tháng 7.2014, Công ty Đông Nam Á xin thay đổi xuất xứ các thiết bị và thời hạn lắp đặt cũng bị kéo dài lên 150 ngày.

Qua quá trình thẩm định giá, Thanh tra tỉnh Long An phát hiện Sở Y tế Long An đã có các sai sót trong hồ sơ yêu cầu, đánh giá hồ sơ đề xuất như cán bộ thẩm định giá không làm rõ nhiều tiêu chí đánh giá về năng lực và kinh nghiệm, dẫn đến việc xét trúng thầu đối với Công ty Đông Nam Á không đủ năng lực tài chính và phải điều chỉnh thời gian kéo dài để công ty này thực hiện. Sau đó, Sở Y tế Long An đồng ý cho thay đổi xuất xứ, ký phụ lục hợp đồng không điều chỉnh giá đã không thực hiện hết vai trò trách nhiệm, dẫn đến thanh toán cho nhà thầu cao hơn thực tế chênh lệch số tiền gần 700 triệu đồng.

Trước đó, ngày 8.4, ông Liêm ra sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) làm thủ tục đi du lịch ở Nhật thì bị lực lượng chức năng sân bay không cho xuất cảnh, theo đề nghị từ Công an tỉnh Long An.

Về vấn đề này, Công an tỉnh Long An nêu lý do là cơ quan điều tra đang thụ lý 2 vụ việc liên quan đến ông Liêm là công tác đấu thầu thuốc tại Long An vào năm 2010 - 2011 và lắp camera tại tòa nhà 4 cơ quan như đã nêu trên.

Ngày 25.10, Công an tỉnh Long An cho biết đã có văn bản gửi Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an đề nghị dỡ bỏ biện pháp ngăn chặn cấm xuất cảnh đối với ông Liêm. Lý do, hai vụ việc liên quan đến ông Liêm mà cơ quan điều tra thụ lý hiện đã tạm dừng điều tra (Thanh niên, trang 5).

 

Bộ Y tế mở cao điểm thanh tra thực phẩm cuối năm

Ước tính trong hơn 2 tháng cuối năm 2017, đầu 2018, nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng thực phẩm tại Hà Nội sẽ tăng đột biến 30-50%. Lượng sản phẩm tràn ra thị trường ồ ạt kéo theo nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cũng gia tăng.

Mở cao điểm thanh tra, kiểm tra

Ngay từ đầu tháng 12-2017, tức còn khoảng 2 tháng nữa mới tới Tết nguyên đán 2018, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 6986/BYT-ATTP về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ATTP dịp cuối năm. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố nhanh chóng triển khai hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã được phê duyệt.

Cùng đó, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra đột xuất và xử lý vi phạm ATTP theo Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP và Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương bắt đầu từ tháng 12-2017, phải khẩn trương tiến hành xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra về ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và lễ hội xuân 2018.

Tại Hà Nội, các cơ quan chức năng dự báo, mỗi dịp Tết Nguyên đán đến nhu cầu tiêu dùng thực phẩm đều tăng lên đột biến, nhiều loại hàng hóa thực phẩm tiêu dùng tăng 30-50. Vì thế, nguy cơ các loại sản phẩm không đảm bảo ATTP, hàng giả, sản phẩm không nguồn gốc, xuất xứ tràn ra thị trường vào dịp này rất cao.

Bởi vậy, nhằm đảm bảo ATVSTP cho người dân dịp Tết Nguyên đán 2018, ngay từ thời điểm này, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với các ngành chức năng đã đẩy mạnh kiểm tra, tuyên truyền vận động các cơ sở kinh doanh và người dân tham gia đảm bảo ATVSTP.

Được biết, 9 tháng đầu năm 2017, toàn thành phố đã kiểm tra 95.172 cơ sở, phát hiện 17.822 cơ sở vi phạm về ATTP, xử lý 21.705 cơ sở, trong đó phạt cảnh cáo 533 cơ sở, phạt tiền 6.948 cơ sở với số tiền phạt: 33 tỷ đồng, hủy nhiều sản phẩm không bảo đảm ATTP.

Theo Sở Y tế Hà Nội, công tác bảo đảm ATTP thời gian qua vẫn gặp nhiều khó khăn như: một số nội dung trong văn bản quy phạm pháp luật chưa thống nhất và chưa đầy đủ; phòng kiểm nghiệm tuyến thành phố chưa đáp ứng việc phân tích một số chỉ tiêu hóa lý, chất cấm, chất tồn dư có nguy cơ cao trong thực phẩm nông lâm thủy sản; đa phần cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh có quy mô nhỏ lẻ, thường xuyên biến động...

Lo nhất các mặt hàng nông sản, gia súc gia cầm

Bên cạnh mặt hàng bánh kẹo và bia, rượu, nước giải khát thì các loại nông sản như thịt, cá, trứng, sữa, rau quả... chính là mặt hàng thực phẩm có nhu cầu tiêu dùng gia tăng mạnh nhất mỗi dịp cuối năm.

Vì thế, đảm bảo ATTP với các mặt hàng này luôn là nỗi lo lớn, đặc biệt với Hà Nội bởi hiện thành phố mới chỉ tự cung cấp được khoảng 60% nhu cầu, 40% còn lại phải nhập từ các tỉnh về.

Theo ước tính của cơ quan chức năng, lượng gia súc, gia cầm ra vào địa bàn Hà Nội thời điểm từ tháng 12-2017 đến tháng 3-2018 tới đây sẽ tăng 30% so với trung bình các tháng khác. Trước thực trạng trên, để đảm bảo ATVSTP, bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời không để dịch bệnh gia súc gia cầm xảy ra, Sở NN&PTNT Hà Nội đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể một cách quyết liệt.

Dự kiến từ nay đến đầu năm 2018, Hà Nội sẽ đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền để người dân cùng chung tay phòng chống dịch bệnh cho người và gia súc, gia cầm. Riêng ngành thú y sẽ triển khai tập huấn và xác nhận kiến thức ATVSTP cho gần 200 người hiện đang hoạt động trong các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm.

Cùng đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra ATVSTP trong lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ được tăng cường, đặc biệt tập trung vào các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các chợ đầu mối nông sản,… Đặc biệt, trong dịp tết này, trong quá trình kiểm tra, Hà Nội sẽ huy động xe chuyên dụng và dụng cụ chuyên ngành, test thử nhanh để kiểm tra chất cấm, chất tạo nạc, tồn dư kháng sinh trong nông sản nhằm xử lý vi phạm và cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng.

Được biết, từ đầu năm 2017 đến nay, ngành thú y Hà Nội phối hợp với các ngành liên quan đã tiến hành 4.933 buổi kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, gia súc gia cầm, với số cơ sở được kiểm tra là 18.496. Đã xử lý vi phạm 1.530 trường hợp (tăng 9,4% so với năm 2016), trong đó phạt tiền 846 trường hợp với tổng số tiền phạt lên tới trên 2,5 tỷ đồng (An ninh thủ đô, trang 6).

 

Dùng thuốc, chuyện không nhỏ

Mới đây, một phụ nữ cao tuổi được đưa vào bệnh viện cấp cứu vì mắc nghẹn ở cổ, bệnh viện nội soi phát hiện viên thuốc còn nằm trong vỉ nhôm dính mắc ở thực quản.

Đây là tình trạng xảy ra khá phổ biến ở người cao tuổi tự dùng thuốc, do trí tuệ giảm sút, thay vì bấm viên thuốc ra khỏi vỉ nhôm trước khi uống, lại nuốt viên thuốc còn nguyên vỉ và cạnh nhọn của vỉ làm thuốc dính mắc lại thực quản. Hoặc có người cao tuổi tự uống thuốc bisphosphonat trị loãng xương và uống không đúng cách, không uống thuốc với nhiều nước, uống thuốc xong nằm ngay nên thuốc dính lại ở thực quản gây tác dụng phụ có hại là loét thực quản rất trầm trọng.

Tai biến do... thuốc

Người cao tuổi chiếm tỉ lệ không lớn trong dân số (12%) nhưng số lượng thuốc dùng cho nhóm người này lại không nhỏ (50% thuốc nói chung, trong đó được bác sĩ chỉ định 1/3 lượng thuốc thuộc loại kê đơn). Đặc biệt, tỉ lệ tai biến gây ra do thuốc thường gặp ở người cao tuổi nhiều hơn so với lứa tuổi trẻ hơn.

Các biểu hiện lâm sàng thường gặp ở người cao tuổi do tác dụng phụ của thuốc - ADR (rất dễ tưởng lầm là do bệnh) hoặc té ngã, trầm cảm, lú lẫn, rối loạn nhận thức, táo bón, tiểu tiện không kiểm soát, hội chứng thần kinh ngoại tháp, rối loạn hoạt động tình dục, mất ngủ...

Một số nguyên nhân dẫn đến tai biến hoặc tăng tỉ lệ ADR ở người cao tuổi khi dùng thuốc là:

- Thường hay đau ốm, không phải một mà là bị nhiều bệnh cùng một lúc, do đó thường phải dùng nhiều thuốc hơn người trẻ tuổi.

- Có thể đi khám ở hai bác sĩ trong thời gian rất ngắn và bác sĩ thứ hai không biết bác sĩ trước đã chỉ định dùng những thuốc gì để khuyên ngưng dùng, tránh tương tác bất lợi với thuốc mới.

- Do mắc nhiều bệnh, không chỉ bệnh cấp tính mà bị bệnh gọi là mãn tính mà các bệnh này nhiều khi lại đòi hỏi sử dụng nhiều loại thuốc có tác dụng mạnh, khoảng cách an toàn trong điều trị hẹp, dễ gây ADR.

- Quá lo lắng về sức khỏe của mình, muốn mau hết bệnh nên thường dùng thêm thuốc ngoài thuốc đã được chỉ định, hoặc có người không đau ốm gì vẫn dùng thuốc gọi là để "đề phòng". Thậm chí không tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, hoặc tăng liều thuốc hoặc kéo dài thời gian dùng thuốc, đưa đến bị quá liều gây ngộ độc.

- Ngược lại, có người cao tuổi lại sợ dùng thuốc do nghĩ là thuốc luôn gây hại. Có người tự ý giảm liều, có người giảm số lần dùng thuốc trong ngày, có người ngưng bỏ thuốc giữa chừng. Sự ngưng dùng thuốc sớm có thể đưa đến tai biến do ngưng dùng thuốc.

- Ở người lớn tuổi do trí tuệ giảm sút, thường hay nhầm lẫn trong sử dụng thuốc, đặc biệt về liều lượng, số lần dùng thuốc, cách dùng thuốc. Trong trường hợp này, cần có người thân trẻ tuổi theo dõi sát việc dùng thuốc, không để người cao tuổi tự dùng thuốc.

Các nguyên tắc dùng

Để dùng thuốc ở người cao tuổi hiệu quả và an toàn, cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

- Cần biết tiền sử dùng thuốc của người cao tuổi khi khám bệnh (bác sĩ nên hỏi kỹ họ đã dùng thuốc gì, kể cả có dùng dược thảo, thực phẩm chức năng hay không).

- Thầy thuốc chỉ chỉ định dùng thuốc khi thật cần thiết và sau khi chẩn đoán chính xác.

- Ở người cao tuổi nên bắt đầu bằng liều dùng thấp nhất có hiệu lực, và nên kéo dài nhịp dùng thuốc trong ngày thích hợp (như đối với người trẻ tuổi dùng 3 lần/ngày thì đối với người cao tuổi có thể dùng 2 lần/ngày).

- Lưu ý các điều kiện thuận lợi cho việc tuân thủ dùng thuốc (chọn dạng thuốc thích hợp là thuốc lỏng nếu có như dung dịch uống, hay thuốc dùng ít lần trong ngày là thuốc dạng phóng thích thuốc kéo dài uống 1 lần/ngày...)

- Hướng dẫn kỹ các chỉ dẫn dùng thuốc một cách nhẹ nhàng, rõ ràng. Ở nhà thuốc, cần quan tâm người mua thuốc là người cao tuổi, phải dặn dò thật kỹ, nếu cần nên ghi lời dặn trên giấy, thuyết phục người cao tuổi dùng thuốc có người thân trẻ tuổi theo dõi.

- Theo dõi sát trong thời gian dài sự đáp ứng đối với tác dụng của thuốc ở người cao tuổi.

- Lưu ý các thuốc tránh dùng cho người cao tuổi nói chung và người cao tuổi đang mắc một bệnh lý nào đó (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Thực hiện nghiêm việc tiêm vitamin K phòng xuất huyết não cho trẻ sơ sinh

Bộ Y tế vừa có chỉ đạo về phòng chống xuất huyết não, màng não ở trẻ em. Theo đó, qua theo dõi tại một số địa phương, Bộ Y tế nhận thấy, một số cơ sở y tế chưa thực hiện nghiêm việc tiêm vitamin K cho trẻ sơ sinh ngay sau sinh, sau mổ lấy thai dẫn đến hậu quả một số trẻ bị xuất huyết não, màng não do thiếu vitamin K. Trước thực trạng trên, Bộ Y tế yêu cầu nghiêm túc thực hiện việc tiêm vitamin K cho trẻ sơ sinh với liều lượng: Trẻ trên 1.500 gram liều tiêm bắp 1mg vitamin K1, đối với trẻ dưới hoặc bằng 1.500 gram liều tiêm bắp 0,5% mg vitamin K. Việc tiêm vitamin K thực hiện ngay sau khi trẻ được chăm sóc thiết yếu sau đẻ/mổ lấy thai.
Trước đó, chỉ trong 2 ngày, Bệnh viện Nhi trung ương đã tiếp nhận 3 trẻ sơ sinh bị xuất huyết não vì thiếu vitamin K. Theo nghiên cứu, 90% trẻ xuất huyết não do thiếu vitamin K thường xảy ra khi 30-40 ngày tuổi. Trẻ bị bệnh dù được điều trị tích cực nhưng tỷ lệ tử vong hoặc để lại di chứng vẫn còn cao (tỷ lệ tử vong là 25-40%, di chứng là 40-50%). Các di chứng hay gặp nhất là teo não, não úng thủy, não bé, động kinh, bại não hoặc dị tật về phát triển tâm thần vận động (Hà Nội mới, trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang