Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 15/6/2018

  • |
T5g.org.vn - "Hành trình đỏ 2018" tiếp nhận khoảng 30 nghìn đơn vị máu; Liên tục ghi nhận các ca nhiễm cúm A/H1N1 trên nhiều địa phương

 

"Hành trình đỏ 2018" tiếp nhận khoảng 30 nghìn đơn vị máu

“Giọt hồng Đất Mũi” là chương trình hiến máu đầu tiên của "Hành trình đỏ 2018" được tổ chức ngày 14-6, đã tiếp nhận được 611 đơn vị máu.

Với thông điệp “Kết nối dòng máu Việt”, Hành trình đỏ lần thứ VI/2018 diễn ra từ ngày 13-6 đến 15-7 tại 28 tỉnh, thành phố trên cả nước. Khởi động đầu tiên tại đất mũi Cà Mau, "Hành trình đỏ" diễn ra nhiều hoạt động nhân ái, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong nhiều tầng lớp nhân dân. 

“Giọt hồng Đất Mũi” là chương trình hiến máu đầu tiên của "Hành trình đỏ 2018" được tổ chức ngày 14-6, đã tiếp nhận được 611 đơn vị máu. Đây là lần thứ tư Cà Mau được chọn là địa phương mở màn của Hành trình đỏ. Trong 10 năm (2008-2017) Cà Mau đã tiếp nhận được trên 60 nghìn đơn vị máu (riêng năm 2017 tiếp nhận được trên 11 nghìn đơn vị).

Song song với ngày hội "Giọt hồng Đất Mũi", sáng 14-6 tại Trường Đại học Y dược Hải Phòng cũng diễn ra ngày hội hiến máu "Giọt hồng đất Cảng", dự kiến chương trình tiếp nhận 8.000 đơn vị máu.

TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Trưởng Ban tổ chức "Hành trình đỏ 2018" cho biết, Hành trình đỏ năm nay được Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện chỉ đạo tổ chức sớm hơn vào đúng dịp tôn vinh người hiến máu (14-6) nhằm khắc phục tình trạng khan hiến máu trầm trọng vẫn diễn ra vào tháng 6. Chương trình có sự tham gia của khoảng 7 nghìn tình nguyện viên.

Qua 5 năm tổ chức, "Hành trình đỏ" đã trở thành chương trình hiến máu lớn với sự xuyên suốt chiều dài đất nước cùng sự vào cuộc và tham gia tích cực của nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Tổng lượng máu tiếp nhận được từ "Hành trình đỏ" trong 5 năm qua là 120 nghìn đơn vị, góp phần tích cực vào công tác cấp cứu, điều trị bệnh. Không chỉ vận động hiến máu tình nguyện, "Hành trình đỏ" còn tuyên truyền về căn bệnh tan máu bẩm sinh đến với cộng đồng.

"Hành trình đỏ 2018" dự kiến tiếp nhận 30 nghìn đơn vị máu, trong đó nhiều địa phương triển khai ngày hội hiến máu tại các huyện nhằm lan tỏa hiệu ứng của chương trình đến mọi tầng lớp nhân dân.

Ngày hội hiến máu cuối cùng cũng là điểm hội quân "Hành trình đỏ" “Giọt hồng tri ân” diễn ra tại thủ đô Hà Nội vào ngày 15-7. (Công an nhân dân, trang 1; Tiền phong, trang 7).

 

Liên tục ghi nhận các ca nhiễm cúm A/H1N1 trên nhiều địa phương

Thời gian gần đây, trên địa bàn các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên rải rác ghi nhận các ca nhiễm cúm A/H1N1. Mặc dù, cúm A/H1N1 đã lưu hành như cúm mùa thông thường, nhưng vẫn ghi nhận trường hợp tử vong.

Đã có ca tử vong và xuất hiện nhiều chùm ca bệnh

Cuối tháng 5 vừa qua, TP.HCM đã ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do cúm A/H1N1. Bệnh nhân là một phụ nữ 26 tuổi, có thể trạng béo phì. Lúc khởi phát bệnh, người bệnh tự điều trị tại nhà, đến ngày 30/5 được đưa vào BV quận Thủ Đức cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp nặng. Đến chiều 30/5, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và tử vong cùng ngày. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1.

Bên cạnh đó, tại BV Chợ Rẫy cũng tiếp nhận một bệnh nhân nam bị nhiễm cúm A/H1N1 trong tình trạng nguy kịch sau cả tuần tự trị bệnh tại nhà. Bệnh nhân 48 tuổi, hành nghề lái xe và đang mắc bệnh đái tháo đường, nhập viện trong tình trạng sốt, ho, khó thở, suy hô hấp, viêm phổi nặng.

Còn tại Đăk Lăk, chị T. vào BV Từ Dũ (TP.HCM) điều trị bệnh và có tiếp xúc với bệnh nhân khác nhiễm A/H1N1 nên được lấy mẫu xét nghiệm. Sau khi từ BV Từ Dũ về Đăk Lăk thì sáng ngày 3/6, chị T. có triệu chứng quay cuồng, liên tục nôn ói, rối loạn tiêu hóa, đại tiện ra máu nên nhập viện ở BVĐK tỉnh Đăk Lăk. Chiều cùng ngày, BV Từ Dũ thông báo cho BVĐK Đăk Lăk, chị T. đã nhiễm cúm A/H1N1.

Sau gần 2 tuần cách ly và điều trị tích cực tại Đăk Lăk, bệnh nhân Kim T. ổn định sức khỏe, không truyền bệnh cho người khác. Khi xuất hiện, trong người chị T. đã không còn cúm A/H1N1 nên không thể lây truyền cho cộng đồng.

Cách TP. HCM không xa, tại Bà Rịa Vũng Tàu cũng ghi nhận bệnh nhân đầu tiên mắc cúm A/H1N1 (kết quả xét nghiệm ngày 8/6). Bệnh nhân là nam, 54 tuổi vào BV Bà Rịa trong tình trạng ho, sốt cao, sổ mũi, rát họng, người mệt mỏi, chán ăn. Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhân này có đưa vợ đi khám và điều trị tại BV Từ Dũ (nơi có ổ cúm A/H1N1.

Tương tự, tại BVĐK TP. Cần Thơ, ngày 12/6 đã tiến hành cách ly 3 nhân viên y tế nghi nhiễm cúm A/H1N1 từ bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1. Bệnh nhân 84 tuổi nhập viện ngày 8/6, kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1. Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng của Khoa Tim mạch - những người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân đã có triệu chứng nghi lây nhiễm cúm A/H1N1.

Tại Vĩnh Long cũng ghi nhận 2 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1. Một trường hợp khi đang điều trị bệnh mạn tính thì có biểu hiện ho, sốt cao nên được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với cúm A/H1N1; một trường hợp khác được chuyển sang BVĐK TP. Cần Thơ cũng dương tính với cúm A/H1N1. Ngành y tế Vĩnh Long đã thực hiện khử trùng, cách ly bệnh nhân và dự phòng cho nhân viên y tế đúng quy định.

Cúm A/H1N1 chuyển nặng với người có bệnh mạn tính

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virut cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Cúm A/H1N1 có biểu hiện giống với triệu chứng cúm thông thường, chỉ có thể phát hiện bệnh bằng cách xét nghiệm dịch mũi, họng tại các cơ sở y tế. Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày.

Tuy nhiên, với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch..., bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, khi nghi ngờ bị cúm A/H1N1 bệnh nhân phải đến ngay bệnh viện khám và điều trị kịp thời, phòng tránh trường hợp biến chứng có thể dẫn tới tử vong.

Cúm A/H1N1 cũng như các loại cúm mùa thông thường, tiến triển thường lành tính và không cần điều trị cũng có thể khỏi. Song, bệnh cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch, hô hấp, tăng huyết áp, phổi, thận, rối loạn chuyển hóa, thiếu máu hoặc người bị suy giảm miễn dịch, người già và phụ nữ có thai. (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang