Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 17/3/2023

  • |
T5g.org.vn - Tìm cách gỡ vướng việc chỉ định thầu thiết bị, vật tư y tế; Sửa đổi quy định về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập; Nếu không có Nghị quyết 30, bệnh viện khó xoay xở trong 2 tháng tới; Bệnh viện Việt Đức đủ vật tư, hoá chất mổ phiên trở lại bình thường; 1.127 người đã được ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy…

 

Tìm cách gỡ vướng việc chỉ định thầu thiết bị, vật tư y tế

Theo Chủ tịch Quốc hội, chúng ta cứ lẩn tránh, nói là biệt dược nên toàn lao vào đàm phán giá chứ không đấu thầu, trong khi thực tế đấu thầu rất hiệu quả.
Ngày 15-3, tại phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã xem xét, cho ý kiến về nhiều dự án luật, trong đó đáng chú ý là dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Lo quy định về “chỉ định thầu” bị lạm dụng

Theo đó, trong bối cảnh hiện nay khi tình trạng thiếu thuốc, hóa chất xét nghiệm, vật tư y tế đang diễn ra tại nhiều bệnh viện, gồm cả các bệnh viện tuyến cuối thì một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của dự án luật này là quy định về đấu thầu thuốc, vật tư y tế.

Cụ thể, Điều 23 dự thảo luật quy định cho phép chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị y tế, xây lắp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của người dân.

Ngoài ra, Điều 28 về hình thức đàm phán giá được quy định áp dụng riêng đối với các gói thầu mua biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu; thuốc, dược liệu chỉ có 1-2 nhà sản xuất và trường hợp đặc thù khác.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho hay quá trình thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo luật bổ sung nhiều trường hợp chỉ định thầu, giảm trường hợp đấu thầu là không phù hợp. Về lâu dài sẽ không tạo ra tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch của thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ xảy ra tiêu cực.

“Cần quy định chặt chẽ, chỉ áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách và quy định tiêu chí cụ thể, tránh lạm dụng” - cơ quan thẩm tra dự án luật nêu quan điểm.

Phát biểu sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng băn khoăn quy định chỉ định thầu với gói thầu phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay có thể bị lạm dụng trong thực tế.

Để bảo vệ người quyết định gói thầu, phòng ngừa lạm dụng và đạt mục tiêu phòng, chống dịch cấp bách, bà Thúy Anh đề nghị nghiên cứu giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện về dịch bệnh, yêu cầu về giá tối thiểu và tham khảo cũng như thành phần tham gia, trong đó nên có đại diện của cơ quan bảo vệ pháp luật.

Rà soát kỹ, tránh luật ban hành lại than “vướng”

Nêu ý kiến, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng việc mua vaccine phòng dịch COVID-19 vừa qua là trường hợp “đặc biệt của đặc biệt”. Do vậy, ông đề nghị dự thảo luật phải quy định thế nào để sau này Chính phủ và Thủ tướng vận hành được, không phải ban hành nghị quyết như với trường hợp mua vaccine phòng dịch COVID-19.

Người đứng đầu QH cũng lưu ý việc đàm phán giá và đấu thầu đối với biệt dược cần được quy định cụ thể. Theo đó, trường hợp nào đàm phán giá, trường hợp nào đấu thầu phải được quy định rõ hoặc giao Chính phủ hướng dẫn để thực hiện, nếu không sẽ rất khó.

“Chúng ta cứ lẩn tránh, nói là biệt dược nên toàn lao vào đàm phán giá chứ không đấu thầu, mà thực tế đấu thầu rất hiệu quả” - Chủ tịch QH nói và cho rằng biệt dược là chỉ có một loại mà chỉ có một nhà đầu tư, trường hợp này phải đàm phán. Còn nếu có hai nhà sản xuất hoặc có thuốc thay thế thì không nên đàm phán giá mà phải đấu thầu.

Liên quan đến các quy định về trang thiết bị, vật tư y tế trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chủ tịch QH đề nghị Bộ Y tế phối hợp với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra rà soát kỹ. Tránh trường hợp bắt đầu bấm nút ban hành rồi lại bảo phần này vướng mắc trong ngành nên không thực hiện. “Lúc đó sẽ là lỗi và trách nhiệm của các đồng chí” - Chủ tịch QH nhấn mạnh.•

“Chúng ta cứ lẩn tránh, nói là biệt dược nên toàn lao vào đàm phán giá chứ không đấu thầu, mà thực tế đấu thầu rất hiệu quả” - Chủ tịch QH nói và cho rằng biệt dược là chỉ có một loại mà chỉ có một nhà đầu tư, trường hợp này phải đàm phán. Còn nếu có hai nhà sản xuất hoặc có thuốc thay thế thì không nên đàm phán giá mà phải đấu thầu.

Liên quan đến các quy định về trang thiết bị, vật tư y tế trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chủ tịch QH đề nghị Bộ Y tế phối hợp với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra rà soát kỹ. Tránh trường hợp bắt đầu bấm nút ban hành rồi lại bảo phần này vướng mắc trong ngành nên không thực hiện. “Lúc đó sẽ là lỗi và trách nhiệm của các đồng chí” - Chủ tịch QH nhấn mạnh. (Pháp luật TP. HCM, trang 3).

 

Sửa đổi quy định về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 06/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 15/2019/TT-BYT về việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.
Theo Thông tư, gói thầu thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị có thể có một hoặc nhiều thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị với thuốc biệt dược gốc hoặc sinh phẩm tham chiếu, mỗi thuốc là một phần của gói thầu.

Các thuốc tại gói thầu thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị đáp ứng các tiêu chí: Thuộc danh mục thuốc biệt dược gốc, thuốc tương đương điều trị với thuốc biệt dược gốc và sinh phẩm tham chiếu do Bộ Y tế công bố, trừ thuốc biệt dược gốc thuộc Danh mục thuốc áp dụng hình thức đàm phán giá do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành và đã được công bố kết quả đàm phán giá. Được sản xuất toàn bộ tại các nước thuộc danh sách SRA hoặc EMA; hoặc được sản xuất một, một số công đoạn tại Việt Nam và các công đoạn còn lại được sản xuất tại các nước thuộc danh sách SRA hoặc EMA; hoặc được sản xuất toàn bộ công đoạn tại Việt Nam; hoặc được cơ quan quản lý dược các nước thuộc danh sách SRA hoặc EMA cấp phép lưu hành.

Theo quy định tại Thông tư 15, khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đơn vị phải tham khảo giá thuốc và dược liệu trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các cơ sở y tế do Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) công bố trên trang thông tin điện tử để làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng thuốc, dược liệu. Cụ thể: tham khảo giá thuốc và dược liệu trúng thầu trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược, của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng thuốc theo nguyên tắc: giá kế hoạch của từng thuốc, dược liệu không được cao hơn giá trúng thầu cao nhất của thuốc, dược liệu đó trong mỗi nhóm tiêu chí kỹ thuật đã được công bố. Đối với  thuốc, dược liệu chưa có giá trúng thầu được công bố hoặc giá tại thời điểm lập kế hoạch cao hơn giá trúng thầu được Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) công bố trong vòng 12 tháng trước đó, cơ sở y tế phải tham khảo báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của ít nhất 3 đơn vị cung cấp trên thị trường tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu; đồng thời bảo đảm giá kế hoạch do cơ sở đề xuất không vượt giá bán buôn kê khai, kê khai lại còn hiệu lực của thuốc đã tham khảo (trừ dược liệu và vị thuốc cổ truyền). Những thuốc, dược liệu có ít đơn vị cung cấp, không đủ 3 báo giá hoặc hóa đơn bán hàng, Thủ trưởng cơ sở y tế căn cứ vào báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của nhà cung cấp, giải trình và chịu trách nhiệm về giá kế hoạch do cơ sở đề xuất là phù hợp với giá thuốc, dược liệu đó trên thị trường tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Tại Thông tư 06, việc sửa đổi như sau: Khi lập kế hoạch chọn nhà thầu, đơn vị tham khảo một trong các thông tin tài liệu sau đây để làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng thuốc, dược liệu, vị thuốc cổ truyền. Giá thuốc, dược liệu, vị thuốc cổ truyền trúng thầu theo nhóm tiêu chí kỹ thuật của các cơ sở y tế hoặc trúng thầu tập trung cấp địa phương trong vòng 12 tháng trước hoặc trúng thầu tập trung cấp Quốc gia, đàm phán giá còn hiệu lực của thỏa thuận khung được công bố trên trang Thông tin điện tử của Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền). 

Trường hợp chưa được công bố trên trang Thông tin điện tử của Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền), căn cứ quyết định trúng thầu hoặc thông báo trúng thầu hoặc thông tin công khai theo quy định tại khoản 6 Điều 20 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. 

Việc báo giá hoặc hóa đơn bán hàng được quy định cụ thể như sau: Đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, vaccine, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền: tham khảo 3 báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của các nhà cung cấp khác nhau tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Trường hợp thuốc không đủ 3 báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của các nhà cung cấp khác nhau, Thủ trưởng đơn vị căn cứ vào ít nhất 1 báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của nhà cung cấp tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, giải trình, chịu trách nhiệm về giá kể hoạch đề xuất và bảo đảm không vượt giá bán buôn kê khai, kê khai lại còn hiệu lực của thuốc đã tham khảo. 

Đối với dược liệu và vị thuốc cổ truyền: tham khảo 3 báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của các nhà cung cấp khác nhau tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Trường hợp dược liệu và vị thuốc cổ truyền không đủ 3 báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của các nhà cung cấp khác nhau, Thủ trưởng đơn vị căn cứ vào ít nhất 1 báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của nhà cung cấp tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, giải trình và chịu trách nhiệm về giá kế hoạch đề xuất là phù hợp với giá được liệu, vị thuốc cổ truyền trên thị trường tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Đồng thời, Thông tư cũng sửa đổi các nội dung liên quan đến gói thầu thuốc dược liệu, thuốc có thành phần dược liệu phối hợp với dược chất hóa dược, thuốc cổ truyền; gói thầu vị thuốc cổ truyền; nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; trách nhiệm trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu...

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 27/4/2023. Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu trong Thông tư này bị thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì áp dụng theo văn bản đã được thay thế hoặc văn bản đã được sửa đổi, bổ sung đó. (Công an nhân dân, trang 1; Lao động, trang 1).

 

Nếu không có Nghị quyết 30, bệnh viện khó xoay xở trong 2 tháng tới

Nhiều lãnh đạo bệnh viện trên cả nước bày tỏ vui mừng khi Nghị định 07/NQ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ ra đời đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế cho các cơ sở y tế.
Những ngày qua, Nghị định 07/NQ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ ra đời bước đầu đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế cho các cơ sở y tế trên cả nước trong công tác mua sắm, đấu thầu, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Bệnh nhân N.T.T (74 tuổi, Hải Phòng) bị viêm mủ đốt sống ngực, vỡ do mủ và màng tủy gây chèn ép tủy sống, làm liệt hoàn toàn hai chân. Gia đình đã đưa bệnh nhân đi khám qua nhiều bệnh viện tại Hải Phòng nhưng chưa được phẫu thuật do thiếu vật tư y tế chuyên sâu và nẹp vít cố định cột sống.

Mới đây, bệnh nhân được gia đình đưa đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Rất may, tại đây bệnh nhân T. đã được các bác sĩ can thiệp kịp thời, phẫu thuật cấp cứu, cố định cột sống, giải phóng chèn ép, làm sạch tổ chức viêm.

Theo BS Nguyễn Văn Thường – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, nhờ có kế hoạch trong thực hiện đấu thầu, đảm bảo dự trữ thuốc, vật tư y tế trong cho công tác phòng chống dịch COVID-19 nên 3 năm nay, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang vẫn đáp ứng đủ thuốc và vật tư y tế trong khám chữa bệnh cho người bệnh. Tuy nhiên với lượng bệnh nhân như hiện nay, nếu không có Nghị định 07 và Nghị Quyết 30 của Chính phủ được ban hành bệnh viện cũng sẽ khó xoay xở trong 2 tháng tới.

"Trong mấy năm dịch chúng tôi đã dự trù đầy đủ, vì thời điểm dịch số lượng bệnh nhân giảm, còn hiện tại số lượng bệnh nhân đông hơn nên số lượng hóa chất, vật tư y tế được sử dụng trong năm nay vẫn được đảm bảo. Nhưng nếu tình trạng này còn kéo dài thêm một vài tháng nữa thì sẽ khó khăn hơn.

Từ trước khi có Nghị định 07/NQ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP ra đời, bệnh viện cũng đã họp và rà soát rất nhiều. Tất cả những gì đúng thủ tục thì chúng tôi vẫn tiến hành đấu thầu bình thường để đảm bảo hóa chất, vật tư điêu trị cho bệnh nhân, chưa đủ thì sẽ đợi tiếp văn bản cụ thể. Hiện tại, Nghị quyết 30 và Nghị định 07 ra đời đã giúp chúng tôi tháo gỡ rất nhiều…", Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chia sẻ.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, 70% máy xét nghiệm của bệnh viện là máy đặt, mượn. Sau khi BHYT dừng thanh toán đối với những máy này, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã phải thuê hệ thống xét nghiệm nước tiểu để đảm bảo xét nghiệm tối thiểu cho người bệnh.

Tuy nhiên, vì máy thuê thì chỉ xét nghiệm được những chỉ số cơ bản, còn xét nghiệm nâng cao thì phải gửi mẫu sang bệnh viện khác nên bệnh viện thực sự gặp khó khăn trong công tác khám và điều trị bệnh cho người dân.

Ông Nguyễn Bá Việt – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: "Nghị định 07/NQ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP đã giúp tháo gỡ cho chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi có thể tiếp tục được đấu thầu hóa chất, tạo điều kiện cho bệnh viện không phải dành nguồn kinh phí rất lớn để mua sắm trang thiết bị".

Tuy nhiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cũng bày tỏ lo lắng, hiện tại sẽ không cần phải có đủ 3 báo giá trong quy trình đấu thầu hóa chất, thiết bị, nhưng khi không có giá tham chiếu thì các doanh nghiệp độc quyền có thể sẽ đẩy giá hóa chất, thiết bị lên cao. Chính vì vậy, ông mong muốn Bộ Tài chính sẽ giám sát kỹ lưỡng về giá của các hãng. Khi các hãng gửi báo giá là giá đã được kiểm soát, không bị quá cao so với thị trường. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Bệnh viện Việt Đức đủ vật tư, hoá chất mổ phiên trở lại bình thường

Sau khi được gỡ vướng 'nút thắt' về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, lịch mổ phiên tại bệnh viện ngoại khoa lớn nhất cả nước đã trở lại bình thường...
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, sau 2 tuần gián đoạn các ca mổ phiên, chỉ ưu tiên ca cấp cứu do thiếu vật tư, hoá chất, bệnh viện đã mổ trở lại như bình thường. Hiện tại bệnh viện đã hoạt động bình thường, người dân có thể yên tâm đến khám chữa bệnh với đầy đủ phương tiện.

Theo GS.TS Trần Bình Giang, Nghị định 07 về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết 30 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế của Chính phủ đã tháo gỡ được nhiều 'nút thắt', giải quyết được các vấn đề mua sắm, đấu thầu trang thiết bị của bệnh viện. Ngay khi được tháo gỡ, bệnh viện đã đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư, hoá chất...

Một bác sĩ phẫu thuật của Bệnh viện Việt Đức cho biết: "sau 2 tuần tạm dừng mổ phiên, hôm qua, Khoa tôi đã tiến hành phẫu thuật cho 20 bệnh nhân. Bác sĩ vui mừng mà người bệnh cũng phấn khởi và yên tâm".

Theo thống kê của Bệnh viện Việt Đức, năm 2022, Bệnh viện Việt Đức đã mổ gần 80.000 ca mổ phiên và mổ cấp cứu, tương ứng mỗi ngày khoảng 210 ca mổ. Đây là bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt có số lượng ca mổ nhiều nhất cả nước.

Trước đó, cuối tháng 2/2023, do thiếu vật tư, hoá chất, Bệnh viện Việt Đức thông báo từ 1/3/2023 tạm hoãn mổ phiên, chỉ ưu tiên mổ cấp cứu, bệnh nhân nặng. Tuy nhiên, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết 30 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, Bệnh viện đã tổ chức thực hiện các quy định tại các văn bản này. 

Không chỉ tại Bệnh viện Việt Đức mà ngay sau khi Nghị định 07 và Nghị quyết 30 được ban hành giúp tháo gõ nhiều 'nút thắt', điểm nghẽn, tại nhiều bệnh viện khác cũng đã bắt tay ngay vào việc triển khai 2 văn bản để nhanh chóng tiến hành mua sắm đấu thầu trang thiết bị y tế, vật tư, hoá chất phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

1.127 người đã được ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Sau 30 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên, đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy đã ghép được cho 1.127 trường hợp. Bệnh viện cũng là đơn vị tiên phong triển khai các giải pháp để mở rộng nguồn thận hiến. Sáng 16-3, Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức kỷ niệm 30 năm ghép thận và Hội thảo khoa học bệnh viện. TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, sau 30 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên, đến nay, bệnh viện đã ghép được cho 1.127 trường hợp.

Bệnh viện cũng là đơn vị tiên phong triển khai các giải pháp để mở rộng nguồn thận hiến, như: ghép thận từ người cho chết não (ngày 23-4-2008); từ người cho tim ngừng đập (18-6-2015), ghép đối chéo người cho (11-1-2017) và ghép không tương hợp nhóm máu ABO (29-12-2021)...

Theo TS-BS Nguyễn Tri Thức, khi có chỉ định của một bệnh nhân ghép tạng, có nguồn tạng, bệnh viện sẽ khởi động cả một hệ thống để nhanh chóng lấy được tạng, nhanh chóng ghép cho người bệnh, đảm bảo không để lãng phí nguồn tạng hiến. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã phối hợp tốt với các đơn vị chuyên môn y tế, Hãng hàng không quốc gia, Công an TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu để vận chuyển nguồn tạng hiến trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Bệnh viện cũng đã phát triển chương trình ghép gan, ghép tim, giác mạc, tuỷ, ghép da và hiện tại đang chuẩn bị phát triển các kỹ thuật ghép phổi. Để phát triển nguồn thận ghép, tạo sự công bằng trong ghép tạng, từ năm 2014 Bệnh viện Chợ Rẫy thành lập Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người. Trong đó phát triển Đơn vị ghép thận trở thành một trong những trung tâm ghép thận hàng đầu của cả nước.

“Bệnh viện đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới nhằm nâng cao chất lượng điều trị như phẫu thuật nội soi, phẫu thuật nội soi có sự hỗ trợ của robot trong lấy thận, ghép thận đón đầu (trước đây chạy thận nhân tạo), ghép ở các đối tượng có nguy cơ miễn dịch cao... Đồng thời, xây dựng các quy trình trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân sau ghép”, TS-BS Nguyễn Tri Thức thông tin và cho biết, bệnh viện cũng hợp tác với nhiều trung tâm ghép tạng trên thế giới, đồng thời hỗ trợ hơn 10 trung tâm trong nước phát triển về ghép thận.

Phát biểu tại buổi lễ, GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết, ngày 28-2-1992 Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện ca ghép thận đầu tiên với sự hỗ trợ của các giáo sư đầu ngành và các chuyên gia trong và ngoài nước. Từ đó bệnh viện đã tập trung phát triển ghép thận là một trong những mũi nhọn của bệnh viện, triển khai nghiên cứu thành công nhiều đề tài các cấp và đã được chấp nhận, đưa ghép thận trở thành phẫu thuật thường quy.×

Sau 30 năm, đã có 1.127 trường hợp được ghép thận tại đây, trong đó có khoảng 70 ca ghép thận từ người hiến chết não, tim ngừng đập.

“Việc hiến mô tạng cho những người suy tạng là một món quà vô giá. Đó không chỉ là nghĩa cử cao đẹp, mà còn nối dài sự sống cho những người bệnh tưởng chừng như tắt hết hy vọng với cuộc đời. Với tinh thần nhân ái, sẻ chia nhiều người đã quyết định hiến tạng góp phần thay đổi cuộc sống của những người bệnh kém may mắn đang chờ đợi nguồn tạng hiến”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Dịp này, UBND TPHCM đã trao tặng bằng khen cho các cá nhân vì có công lao đặt nền móng cho sự nghiệp ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Sẽ luôn cất cao tiếng hát để "trả nợ ân tình" với cuộc đời

Tại lễ kỷ niệm, NSND Minh Vương cho biết, 11 năm trước ông nằm trong số bệnh nhân suy thận được may mắn ghép thận. Việc có thận ghép là "món quà vô giá" mà chàng trai 34 tuổi chết não đã hiến tặng cho mình.

"Minh Vương xin biết ơn tất cả, nếu kiếp này tôi không trả được thì xin hẹn kiếp sau tôi trả nợ ân tình” NSND Minh Vương xúc động nói.

Ông kể, năm 2012, Minh Vương bị suy thận khiến chân sưng, việc tiểu tiện trở nên khó khăn. Những ngày ấy ông phải chạy thận, sức khỏe giảm sút, ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động nghệ thuật. Việc hiến ghép tạng là một việc làm đáng quý, đáng trân trọng, ông sẽ luôn cất cao tiếng hát của mình để "trả nợ ân tình" với cuộc đời này. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang