Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 16/1/2018

  • |
T5g.org.vn - Không lơ là với dịch bệnh dịp tết; Những dòng họ hiến máu ở Bắc Giang; Bóc tách thành công khối u nặng 2kg; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu

 

Không lơ là với dịch bệnh dịp tết

Trước diễn biến bất thường của thời tiết mùa Đông - Xuân, các chuyên gia y tế cảnh báo TPHCM và các tỉnh khu vực Nam bộ cảnh giác với các dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu…

Đặc biệt, có nguy cơ dịch bệnh bùng phát và lây lan trong giai đoạn cận tết, do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.

Nhiều dịch bệnh gia tăng

Thông tin từ các khoa hô hấp của Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 và BV Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, thời gian gần đây liên tục gia tăng số lượng trẻ nhập viện do các bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính như: viêm hô hấp trên, viêm mũi, viêm họng, viêm tai giữa, viêm phổi. Bên cạnh đó là các bệnh dị ứng đường hô hấp như viêm mũi dị ứng, viêm xoang dị ứng và hen suyễn…

Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp - BV Nhi đồng 1, thống kê trong một tháng qua có trên 200 trẻ mắc bệnh hô hấp phải điều trị tại khoa. Tương tự, có khoảng 500 trẻ nhập viện do các bệnh hô hấp được ghi nhận tại các Khoa Hô hấp 1 và Hô hấp 2 của BV Nhi đồng 2.

Trong khi đó, thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM trong năm 2017 cho thấy, các dịch bệnh chủ yếu tại TPHCM vẫn là các bệnh lưu hành từ nhiều năm trước như sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu… Cụ thể, số ca sốt xuất huyết nhập viện là 19.745 ca, giảm 11% so với cùng kỳ 2016, nhưng trong số đó có đến 6 ca tử vong. Bên cạnh đó có 4.907 trường hợp nhập viện vì bệnh tay chân miệng, 61 trường hợp phát ban nghi sởi, 5 trường hợp viêm não Nhật Bản…

Một số dịch bệnh có dấu hiệu gia tăng số ca mắc, đáng chú ý là 12 ca mắc liên cầu lợn. Cùng với đó là bệnh quai bị với 396 người mắc, tăng 6% so với năm 2016; bệnh ho gà ghi nhận 14 ca, tăng gấp đôi so với năm trước; một chùm ca bệnh cúm B gồm 3 ca trong một gia đình ở quận Gò Vấp, với 1 trường hợp tử vong. Đặc biệt, có sự gia tăng đột biến của bệnh thủy đậu với 459 ca mắc, tăng 46% so với năm 2016.

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, các bệnh có dấu hiệu gia tăng chủ yếu vẫn là các bệnh có vaccine, có thể phòng ngừa chủ động nếu tiêm vaccine đầy đủ. Điều này cho thấy ý thức về tiêm chủng phòng bệnh của người dân vẫn còn hạn chế.

Chủ động phòng chống

Năm 2017 là năm đầu tiên ngành y tế TPHCM triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát dịch bệnh như báo cáo trực tuyến, phần mềm tích hợp bản đồ thông tin địa lý (GIS) và cơ bản đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, trong bối cảnh thời tiết có những diễn biến bất thường như hiện nay, cần cảnh giác cao độ với dịch bệnh. Cảnh giác nhất là bệnh sốt xuất huyết, bởi căn cứ vào diễn biến của năm 2017 cho thấy dịch bệnh này đang có những dấu hiệu bất thường như đến sớm, kết thúc muộn.

Để kiểm soát dịch bệnh sốt xuất huyết, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng yêu cầu các cơ sở cần thực hiện điều tra, xử lý ca bệnh truyền nhiễm đúng quy trình; phát huy các tiện ích như báo cáo trực tuyến, phần mềm GIS để phát hiện sớm sự xuất hiện các ca bệnh, ổ dịch; phát triển các công cụ tiện ích trên các phần mềm, ứng dụng sẵn có, phục vụ cho việc phát hiện, theo dõi, xử lý ca bệnh, ổ dịch.

Ngoài ra, một vấn đề mà trong 2 năm qua TPHCM đã bước đầu áp dụng thực hiện, đó là xử phạt theo Nghị định 176 đối với các vi phạm trong lĩnh vực y tế. Cụ thể, xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với các tập thể, cá nhân gây phát sinh ổ dịch trong khu vực mình quản lý. Năm 2017, toàn TPHCM đã thực hiện xử phạt 390 trường hợp, tăng gấp 2,7 lần so với năm 2016.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng đánh giá: “Việc tăng cường xử phạt đã góp phần giải quyết được những khó khăn trước đây trong công tác phòng chống dịch, nhất là sự chuyển biến trong ý thức của người dân”.
Theo Sở Y tế TPHCM, để phòng ngừa dịch bệnh bùng phát, trong thời gian tới, sở sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên ngành đẩy mạnh công tác phòng chống dịch, ban hành cẩm nang kiểm soát dịch, thành lập đội cộng tác viên phòng chống dịch mở rộng ở các địa bàn quận huyện... để kịp thời khống chế tình hình khi dịch bùng phát (Sài Gòn giải phóng, trang 3).


Những dòng họ hiến máu ở Bắc Giang

Ở xã Tiên Lục (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) có một phong trào đã hình thành gần chục năm nay. Phong trào ấy không có người lĩnh xướng nhưng có hàng trăm người ủng hộ, không có quy định văn bản nhưng mọi người tự giác làm theo, không có phần thưởng nhưng mọi người đều cảm thấy như mình đang được thưởng… Đó là phong trào hiến máu tình nguyện trong các dòng họ nơi đây.

Vui như được… hiến máu

Ông Lê Văn Phùng, thành viên Hội đồng gia tộc họ Lê ở Tiên Lục cười sảng khoái khi chúng tôi hỏi về việc hiến máu. “Vừa mới đây thôi, gia tộc đứng ra tổ chức một bữa gọi là liên hoan. Tôi mời hết tất thẩy những người đã tham gia hiến máu trong họ đến cũng được gần chục mâm (mỗi mâm 6 người – PV), cả nam cả nữ. Vui lắm!”.

Không chỉ như thế, việc hiến máu còn là một trong những phần quan trọng trong báo cáo về những việc mà họ làm được trong năm. Cứ vào ngày giỗ họ, ông trưởng tộc đứng lên trước toàn họ dõng dạc đọc báo cáo về những công việc tiêu biểu của cả dòng họ thì bao giờ cũng có một phần nói về… hiến máu. Không nêu cụ thể là bao nhiêu người đi hiến máu, hiến được bao nhiêu đơn vị máu nhưng luôn có lời động viên những người tích cực nhất, hiến được nhiều lần nhất. Những ánh mắt của cả họ dồn về những con người ấy cùng những câu chúc mừng như một phần thưởng vô giá mà những người hiến máu nhận được. Linh thiêng và trang trọng!

Gia tộc họ Lê có hơn 200 năm định cư ở Tiên Lục, đây cũng là một trong những dòng họ lớn nhất của xã với khoảng gần 300 hộ gia đình sống rải rác ở khắp các làng trong xã. Có gia đình trong họ đã ở đây đến đời thứ 11. Phong trào hiến máu tình nguyện tuy chỉ mới bắt đầu được 8 năm trong dòng họ nhưng đã mang lại những hiệu ứng không ngờ. Ông Phùng nhớ lại thời điểm ban đầu khi mọi người còn chưa hiểu gì về hiến máu và thường cho rằng, mất một giọt máu là phải ăn… mấy bát cơm mới bù lại được. Ông tìm hiểu qua báo chí thì thấy rằng hiến máu không những không ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn có thể giúp được nhiều người trong lúc hoạn nạn. Vậy là ông tham gia ngay khi Hội chữ Thập đỏ của xã phát động. Cũng từ đó, ông tích cực vận động mọi người cùng tham gia hiến máu. Bắt đầu từ chính những người trong gia đình ông, cả một người con trai và hai cô con gái của ông cũng nhiệt tình hưởng ứng. Câu chuyện hiến máu đã trở thành đề tài thường xuyên trong nhà ông và lan dần sang các gia đình khác trong dòng họ. “Sống ở trên đời chẳng ai có thể khẳng định mình sẽ không bao giờ gặp phải hoạn nạn. Đặc biệt, đối với những người tai nạn, đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết thì những giọt máu tuy nhỏ nhưng lại có giá trị cứu mạng sống cho người bệnh”, ông Phùng chia sẻ.

Hiến máu để… khẳng định sức khỏe

 Trưởng công an xã Tiên Lục Nguyễn Đình Lâm vẫn nhớ như in những năm 2008 khi đang tập huấn công an xã ở thành phố Bắc Giang thì có đợt hiến máu tình nguyện, ban đầu ông cũng hơi nghi ngại. Nhưng sau đó được giải thích, ông tham gia ngay. Thật lạ, sau đó ông như cảm thấy… khỏe hơn, người khoan khoái hơn và đặc biệt là niềm vui, niềm hạnh phúc khi nghĩ tới những giọt máu của mình sẽ được mang đi để cứu sống những người khác đang trong lúc nguy cấp. Khi trở về với công việc cũ, ông cứ đều đặn mỗi năm hai lần tham gia vào các đợt hiến máu tình nguyện được tổ chức tại địa phương. Đến năm nay, đã có 17 lần những giọt máu của ông được truyền đi để góp phần mang đến cuộc sống cho những bệnh nhân thiếu máu.

Nhưng ông Lâm chỉ là người thứ hai trong dòng họ Nguyễn Đình tham gia hiến máu. Người đầu tiên tham gia hiến máu là ông Nguyễn Đình Phúc, hiện là giáo viên dạy tiếng Anh ở trường Tiên Lục và đã tham gia hiến máu từ những năm 2005.

Vì sao người dân ở một vùng quê heo hút này, cuộc sống cũng không có gì dư dả, kinh tế phụ thuộc chính vào làm nông nghiệp nhưng lại sẵn sàng hi sinh những giọt máu quý giá của mình cho đồng loại? Mang băn khoăn này hỏi anh Lâm thì anh chỉ cười: “Người dân trong dòng họ tôi đi hiến máu không phải vì tiền đâu mà trước hết là ủng hộ phong trào, thứ hai là để kiểm tra và chứng tỏ sức khỏe của mình còn rất tốt. Bên cạnh đó, cuối năm họp họ, những người hiến máu sẽ được tuyên dương trước toàn họ. Đây chính là những động viên lớn cho những người hiến máu trong dòng họ và lan tỏa tinh thần tình nguyện hiến máu của những người còn lại”, ông Lâm cho biết.

Chia sẻ những yêu thương, gắn kết dòng họ

Ông Lê Văn Phùng cho biết, cách thức tuyên truyền trong dòng họ về hiến máu cũng rất đơn giản. Trong những buổi họp họ, những đám cưới, đám giỗ, lên nhà mới… của các thành viên trong họ thì bản thân những người đã hiến máu lại trở thành những “tuyên truyền viên” tích cực cho phong trào này. Họ thường nói về hiến máu như là một việc “được” ở nhiều thứ: được kiểm tra sức khỏe, được biết sức khỏe tốt hay xấu, được phong trào, được gắn kết dòng họ, gắn kết công việc, có nhiều lợi ích thiết thực với người đi hiến máu.  

Theo anh Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hội chữ Thập Đỏ xã Tiên Lục, cả xã có đến 4 dòng họ hiến máu. Những dòng họ này dường như đang có một cuộc “chạy đua ngầm” với nhau rất đáng trân trọng theo tinh thần: Dòng họ nào có càng nhiều người đi hiến máu thì dễ chứng tỏ nhất là dòng họ đó có nhiều người khỏe mạnh, ít bệnh tật. Một điều dễ nhận thấy từ những người dân chân chất trong xã Tiên Lục là họ tự giác tham gia một cách vô tư nhất.  Mỗi lần đi hiến máu, dòng họ Lê bỏ tiền ra thuê xe cho các thành viên đi lại. Còn anh Nguyễn Đình Lâm thì dùng ngay chiếc xe nhà mình để chuyên chở người hiến máu. Được một chút tiền hỗ trợ người hiến máu, họ lại đóng góp để cùng nhau ăn một bữa cơm vui vẻ, đầm ấm. Ngoài câu chuyện về công việc, con cái, gia đình… thì câu chuyện hiến máu luôn trở thành đề tài được quan tâm nhất. Cũng từ đó lan tỏa mãi những tấm lòng nhiệt huyết để thắp lên ngọn lửa của tình người cao đẹp (Tiền phong, trang 7).


Bóc tách thành công khối u nặng 2kg

Bệnh viện Nhân dân 115 vừa phẫu thuật bóc tách khối u kích thước 20cm x 12cm, nặng 2kg trong cơ thể bệnh nhân T.T.T.V. (53 tuổi, ngụ TPHCM), bị đau dạ dày nhiều năm. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị sốt kèm lạnh run, đi cầu phân đen, nôn ra máu. Sau khi khám lâm sàng và chụp CT, các bác sĩ phát hiện trong ổ bụng của bệnh nhân có khối u rất lớn ở cạnh bờ cong lớn của dạ dày, kèm theo nhiều hạch ở vùng rốn lách và thân tụy, nên chỉ định phẫu thuật. Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Quang Huy, Trưởng khoa Ngoại tổng quát - phẫu thuật viên chính của ca mổ, đây là một trường hợp u Gist dạ dày (Gastrointestinal Stromal Tumor) - là một loại u trung mô, chiếm khoảng 1% - 3% các loại u của đường tiêu hóa. Các triệu chứng hay gặp trong u Gist dạ dày là có khối u có thể sờ được khi khám bụng bệnh nhân, đau bụng, sụt cân, ăn uống kém, xuất huyết tiêu hóa biểu hiện bằng ói ra máu hoặc đi cầu phân đen. Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính trong trường hợp này (Sài Gòn giải phóng, trang 3).


Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu

UBND TPHCM vừa có yêu cầu chủ đầu tư dự án xây dựng Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 tại quận 9 gấp rút đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; Sở Tài nguyên và Môi trường được giao khảo sát vị trí đấu nối xả thải, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Cùng với đó, UBND TP cũng yêu cầu UBND quận 9 phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 mở rộng khu trung tâm và dân cư phường Tân Phú, để điều chỉnh chức năng từ đất giáo dục sang đất y tế.

Ban quản lý Đầu tư xây dựng các công trình thuộc Sở Y tế được giao làm chủ đầu tư, lập báo cáo chủ trương đầu tư dự án san lấp mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất 2,7ha mở rộng của Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (Sài Gòn giải phóng, trang 3).


Bác sĩ “dỏm” khám bệnh bán thuốc

Ngày 15-1, ông Trần Trường Chinh, phó chánh Thanh tra Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết đơn vị này vừa phát hiện một trường hợp dùng bằng bác sĩ giả, giấy phép khám chữa bệnh giả để hành nghề khám chữa bệnh. Qua phản ảnh của người dân, vào cuối tháng 12-2017 trạm Y tế phường Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) đã đến kiểm tra điều kiện hành nghề y dược tư nhân tại "Phòng khám chuyên khoa nội tổng hợp" của ông Nguyễn Hoàng Ân tại khu vực Trường Thọ 1 phường Tân Lộc.

Do nghi ngờ ông này sử dụng các giấy tờ, bằng cấp giả để hành nghề khám chữa bệnh, các cán bộ trạm y tế đã lập biên bản thu giữ các giấy tờ liên quan như bằng bác sĩ đa khoa (ký tại Trường Đại học Y dược Cần Thơ), chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, giấy phép hoạt động khám chữa bệnh…báo về Sở Y tế Cần Thơ để làm rõ.

Sau đó Thanh tra Sở Y tế đã trực tiếp đến kiểm tra tại địa điểm khám chữa bệnh của ông Ân. Thời điểm kiểm tra, tại đây có 2 bệnh nhân đến khám chữa bệnh đau nhức xương khớp. Bên ngoài có treo bảng hiệu bác sĩ Nguyễn Hoàng Ân khám ngoài giờ, các bệnh: tiêu hóa, cơ xương khớp, tim mạch, hô hấp; đồng thời bên trong khu vực khám có trữ nhiều loại thuốc chích, thuốc tân dược.

Thanh tra Sở đã lập biên bản, niêm phong dụng cụ, thuốc và yêu cầu cam kết ngưng hoạt động tại phòng khám, mời ông Ân đến làm việc.

Theo trình bày của Nguyễn Hoàng Ân, các giấy tờ liên quan đến việc hành nghề bác sĩ đều do ông này tự ký và làm giả, kể cả bằng bác sĩ.

Ân từng học một ngành học khác tại Đại học Cần Thơ, có theo học ngành Dược nhưng bỏ dở nửa chừng. Để kiếm sống Ân đã về quê mở phòng khám chữa bệnh từ đầu năm 2016 đến nay.

Thanh tra Sở Y tế đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với Nguyễn Hoàng Ân về hành vi: khám chữa bệnh và kinh doanh thuốc tân dược không có giấy phép, số tiền phạt là 50 triệu đồng.

Đồng thời Sở Y tế TP. Cần Thơ cũng đã có công văn khẳng định không hề cấp các giấy tờ trên cho ông Ân, chuyển toàn bộ hồ sơ cho Công an TP Cần Thơ để tiếp tục điều tra làm rõ (Tuổi trẻ, trang 14).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang