Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 01/6/2017

  • |
T5g.org.vn - Bộ trưởng Y tế: 'Chúng ta thành thật, cầu thị về sự cố y khoa này'; Giám sát chính là khâu dễ để lọt sai sót nhất trong quy trình chạy thận; Tai biến y khoa nghiêm trọng ở Hòa Bình: Bệnh viện làm đúng quy trình, tại sao 7 bệnh nhân tử vong?; “Nghi án” lạm dụng, trục lợi BHYT tại PKĐK Tâm Đức: BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế vào cuộc thanh tra; ...

 

Bộ trưởng Y tế: 'Chúng ta thành thật, cầu thị về sự cố y khoa này'

Ngày 31/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nói như vậy khi cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã lên Hoà Bình làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và Sở Y tế tỉnh về sự cố y khoa hi hữu vừa xảy ra khiến 7 bệnh nhân tử vong do sốc phản vệ trong quá trình chạy thận nhân tạo. Đoàn đã đến thắp hương và chia buồn với gia đình bà Nguyễn Thị Minh (65 tuổi), bà Lê Thị Chung 61 tuổi, chị Đinh Thị Thu Hằng (34 tuổi), đều ở thành phố Hoà Bình. Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình 3 bệnh nhân tử vong và khẳng định Bộ Y tế sẽ chỉ đạo Sở Y tế, Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Hoà Bình phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Công an tỉnh Hoà Bình để sớm tìm ra nguyên nhân vụ việc. Ngay sau đó, Bộ trưởng đã đến thăm bệnh nhân Nguyễn Thị Bích Nguyên (45 tuổi) là bệnh nhân nặng cuối cùng của sự cố y khoa này hiện đang nằm điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu (BV đa khoa tỉnh Hòa Bình). Được tăng cường từ Hà Nội lên, bác sĩ Phạm Cơ Thạch, Khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai) cho biết, sức khỏe của bệnh nhân Nguyên đang có dấu hiệu tốt lên, hệ thống Ecmo của BV Bạch Mai đã được mang lên cùng với các trang thiết bị y tế chuyên dụng khác để phục vụ tốt nhất công tác điều trị cho bệnh nhân.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Y tế tỉnh và BV đa khoa tỉnh Hoà Bình, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo Sở Y tế thành lập Hội đồng chuyên môn mời các chuyên gia đầu ngành để sớm tìm ra nguyên nhân để ổn định tình hình và sớm thiết lập lại hoạt động của khoa Thận nhân tạo của BV. “Tôi chia sẻ với đồng nghiệp về sự cố này. Chúng ta cần phối hợp với cơ quan chức năng để sớm làm rõ nguyên nhân. Chúng ta thành thật, cầu thị về sự cố y khoa này. Quy trình đã ban hành, tự chúng ta biết quy trình của chúng ta chỗ nào cần khắc phục… để việc tìm nguyên nhân nhanh hơn, công bố nguyên nhân cho gia đình bệnh nhân, cho công luận để giảm bớt áp lực cho BV, sớm ổn định tình hình hoạt động của BV”, Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng, về quy trình của Bộ Y tế đã ban hành theo chuẩn y tế thế giới, mỗi năm có hàng triệu người chạy thận an toàn. “10 năm nay các đồng chí báo cáo vẫn vận hành bình thường, giờ không bình thường, chắc chắn phải có sự cố ở một khâu nào đó”, Bộ trưởng nhận định.

Trước mong muốn của Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình Trần Quang Khánh về việc sớm khôi phục lại hoạt động của khoa Thận nhân tạo để hơn 100 bệnh nhân suy thận không phải vất vả di chuyển lên Hà Nội chạy thận, Bộ trưởng Y tế cho biết: “Hiện giờ rất khó khăn về mặt pháp lý bởi mọi hồ sơ, dụng cụ đang niêm phong chúng ta không thể vào được. Vì thế, để 100 bệnh nhân được quay lại, không phải tốn kém vất vả, ổn định BV thì phải nhanh chóng làm rõ nguyên nhân, để cuộc điều tra chấm dứt, công bố nguyên nhân, công khai trước dư luận”.

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hoà Bình Trần Quang Khánh, hiện Sở Y tế tỉnh đã thành lập Hội đồng Chuyên môn gồm lãnh đạo BV Đa khoa Hòa Bình, bác sĩ điều trị, đại diện Sở Y tế, Phòng nghiệp vụ Y Dược; đồng thời mời 4 chuyên gia đầu ngành để xác định rõ nguyên nhân (Tiền phong, trang 6; Sài Gòn giải phóng, trang 11; Gia đình & Xã hội, trang 4).

 

Tai biến y khoa nghiêm trọng ở Hòa Bình: Bệnh viện làm đúng quy trình, tại sao 7 bệnh nhân tử vong?

Làm việc với Sở Y tế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình về sự cố chạy thận sáng 31-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến truy vấn: bệnh viện nói nhân viên y tế tuân thủ theo quy trình, vậy tại sao xảy ra chuyện? Tính đến chiều 31-5, 10 bệnh nhân gặp sự cố chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai đều đã ổn định, trong khi bệnh nhân nặng nhất phải giữ lại điều trị tại Hòa Bình vì không đủ điều kiện chuyển đi cũng đã có tiến triển.

Bệnh viện phải trung thực, lỗi đến đâu xác minh đến đó

Sáng 31-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có mặt tại Hòa Bình thăm hỏi, động viên gia đình có bệnh nhân chạy thận vừa qua đời và làm việc với Sở Y tế địa phương liên quan đến sự cố 18 bệnh nhân chạy thận sốc phản vệ, 7 người tử vong. Tại buổi làm việc này, sau khi nghe lãnh đạo Sở Y tế Hòa Bình báo cáo các nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã tuân thủ đúng quy trình chạy thận, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến truy vấn: “Đồng chí Giám đốc Sở Y tế có nói nhân viên y tế tuân thủ theo quy trình. Vậy tại sao xảy ra chuyện?”.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết bà chia sẻ với các đồng nghiệp vì sự cố quá lớn, khiến các y bác sĩ đau đớn, hoang mang, song cũng đề nghị: “Tôi mong muốn các đồng chí trung thực, cầu thị để cơ quan điều tra sớm kết thúc, khoa sớm trở lại hoạt động, phục vụ bệnh nhân. Nếu không đẩy nhanh tốc độ sẽ càng áp lực cho y bác sĩ”.

Theo ông Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế Hoà Bình, hiện Sở đã thành lập Hội đồng chuyên môn để xem xét, truy tìm nguyên nhân sự cố nghiêm trọng vừa qua, gồm lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, bác sĩ điều trị, đại diện Sở Y tế, ngoài ra đã mời 4 chuyên gia đầu ngành tham gia. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Hội đồng chuyên môn này phải hoạt động tích cực, khách quan để sớm tìm ra nguyên nhân và ổn định tình hình, lỗi bệnh viện đến đâu phải xác minh rõ đến đó.

Trước mong muốn của Sở Y tế Hòa Bình về việc sớm khôi phục lại hoạt động của Khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện Đa khoa tỉnh để hơn 100 bệnh nhân suy thận không phải vất vả di chuyển về Hà Nội chạy thận, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, muốn Khoa trở lại hoạt động, bệnh viện phải nhanh chóng làm rõ nguyên nhân, để cuộc điều tra chấm dứt, công bố nguyên nhân, công khai dư luận. 

Hiện tại, 10 bệnh nhân chạy thận được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai đều đã ổn định. Bệnh nhân nặng cuối cùng trong sự cố này là bà Nguyễn Thị Bích Nguyên (45 tuổi), hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (do không đủ điều kiện sức khỏe để chuyển xuống Bệnh viện Bạch Mai), tính đến sáng 31-5, sức khỏe đang có những diễn tiến thuận lợi. Dù vậy, bệnh nhân vẫn đang phải hồi sức bằng thở máy, lọc máu liên tục, truyền thuốc co mạch, trợ tim...

Đã kiểm thảo, xem xét 4 nguyên nhân 

Theo bác sĩ Hoàng Công Tình, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, Bệnh viện đã tiến hành kiểm thảo, xem xét lại 4 nguyên nhân chính có thể gây ra tai biến. Đầu tiên về quy trình, tuy nhiên trong 7 năm qua bệnh viện vẫn vận hành như vậy mà không xảy ra vấn đề gì. Hơn nữa, nếu quy trình sai, máy móc sẽ không thể vận hành. Thứ hai, nếu quả lọc không đảm bảo cũng có thể gây tai biến cho người bệnh.

Tuy nhiên trong 18 bệnh nhân chạy thận sáng 29-5 thì có 1/3 số bệnh nhân sử dụng quả lọc mới cũng xuất hiện triệu chứng tương tự. Nguyên nhân thứ ba có thể do dịch lọc. Song dịch lọc cho 18 bệnh nhân này vẫn còn nguyên đai nguyên kiện nhận về từ phòng vật tư và số dịch lọc này trước đó đã tiến hành lọc thận cho các bệnh nhân mà không xảy ra tai biến. Thứ tư có thể là do hệ thống nước đi qua dịch lọc. Dù vậy, trước sự cố 1 ngày, hệ thống nước đã được bảo trì.

Ông Hoàng Đình Khiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện, Phụ trách đơn nguyên thận - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, hệ thống nước lọc thận được bệnh viện bảo trì ngày 28-5, khi không có bệnh nhân chạy thận. Việc bảo trì do phòng vật tư và một công ty tại Hà Nội phụ trách. Sau khi bảo trì xong họ đã bàn giao, có biên bản ký nhận đảm bảo chất lượng. Ông Khiếu nêu rõ, việc bảo trì này là thường quy. Sau khi được bàn giao, vào ca chạy thận, bác sĩ kiểm tra máy, chuẩn bị bệnh nhân đủ điều kiện đưa vào lọc máu. Suốt từ khi thành lập đến nay, quy trình này vẫn đảm bảo và không gây tai biến gì cho đến trước khi xảy ra sự cố vào sáng 29-5 (An ninh Thủ đô, trang 4).

 

Giám sát chính là khâu dễ để lọt sai sót nhất trong quy trình chạy thận

rả lời phỏng vấn Báo ANTĐ liên quan đến sự cố chạy thận tại Hòa Bình, chiều 31-5, ông Hà Huy Thắng, Giám đốc Bệnh viện Thận Hà Nội cho biết, quy trình chạy thận đã có nhưng giám sát quy trình mới là khâu dễ lọt sai phạm nhất.

- PV: Hiện Bệnh viện Thận Hà Nội đã tiếp nhận bao nhiêu bệnh nhân chạy thận từ Hòa Bình chuyển xuống và những bệnh nhân này được hỗ trợ như thế nào?

Ông Hà Huy Thắng, Giám đốc Bệnh viện Thận Hà Nội: Đến thời điểm này chúng tôi đã tiếp nhận 20 bệnh nhân chạy thận đầu tiên từ Hòa Bình chuyển xuống. Các bệnh nhân được đón tiếp chu đáo, khám sàng lọc để phân loại và được bệnh viện bố trí 2 buồng bệnh với 20 máy chạy thận, ưu tiên chạy thận ngay. Trong trường hợp có thêm các bệnh nhân chạy thận khác từ Hòa Bình chuyển xuống, bệnh viện vẫn có khả năng tiếp nhận thêm, sẵn sàng hỗ trợ Hòa Bình để đảm bảo quyền lợi cho các bệnh nhân.

Chúng tôi đã lên phương án đầy đủ, có thể tiếp nhận tối thiểu 50 bệnh nhân từ Hòa Bình chuyển về. Nếu quá tải hơn thì với chức năng chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực chạy thận của Hà Nội, chúng tôi sẽ điều phối người bệnh tới các bệnh viện khác của thành phố có đơn nguyên chạy thận.

Được biết, tính đến chiều 31-5, ngoài 20 bệnh nhân từ Hòa Bình đã chuyển xuống Bệnh viện Thận Hà Nội, có thêm 10 bệnh nhân khác được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai (nâng số bệnh nhân chuyển đến đây lên 20 ca), 35 bệnh nhân khác chuyển tới Bệnh viện Nông nghiệp 1 (tại Hà Nội). Như vậy đã có tổng cộng 75 bệnh nhân chạy thận từ Hòa Bình được chuyển xuống Hà Nội để duy trì chạy thận.

Xin ông cho biết, khâu nào là khâu dễ xảy ra sai sót có thể dẫn tới các tai biến trong quy trình chạy thận nhân tạo hiện nay?

Quy trình chạy thận đã có, các đơn vị chạy thận đều phải thực hiện, song điều quan trọng là quy trình này phải thường xuyên được giám sát. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chất lượng giám sát, bao gồm nhân sự giám sát và công cụ giám sát, tiêu chí giám sát rất quan trọng và đây cũng chính là khâu dễ để lọt sai phạm nhất. Nếu giám sát không tốt, hoặc giám sát đã chỉ ra các tồn tại, sai phạm của đơn vị chạy thận nhưng bệnh viện không khắc phục tốt các tồn tại này thì tai biến có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Trong giám sát, cần có giám sát độc lập và giám sát của các chuyên gia đầu ngành. Những đơn vị chạy thận cần tập trung giám sát là những đơn vị mới đi vào hoạt động, các đơn vị đã hoạt động lâu và sau một thời gian hoạt động đã xuống cấp, thêm nữa là các đơn vị có sự gia tăng số bệnh nhân, máy móc. Chẳng hạn với Bệnh viện Thận Hà Nội, hiện bệnh viện xây dựng tới 5 bảng biểu giám sát, thường xuyên cập nhật thêm các tiêu chí giám sát cho phù hợp với tình hình (An ninh Thủ đô, trang 4).

 

 “Nghi án” lạm dụng, trục lợi BHYT tại PKĐK Tâm Đức: BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế vào cuộc thanh tra

BHXH Việt Nam vừa có Công văn số 1986/BHXH-CSYT gửi Bộ Y tế đề nghị thanh tra công tác KCB BHYT tại Phòng khám đa khoa (PKĐK) Tâm Đức, tỉnh Bình Phước. Công văn của BHXH Việt Nam nêu rõ: Trong các buổi 6 giờ sáng ngày 20/5/2017, 13 giờ trưa và 7 giờ tối ngày 21/5/2017, chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) liên tục phản ánh về việc PKĐK Tâm Đức (tỉnh Bình Phước) thực hiện KCB BHYT chưa đúng quy định.

BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH tỉnh Bình Phước báo cáo cụ thể tình hình, qua đó cho thấy phòng khám này có một số nội dung thực hiện chưa đúng quy định. Cụ thể, Phòng khám không đủ điều kiện để được cấp Giấy phép hoạt động là PKĐK: Năm 2016, phòng khám có 13 bác sĩ đăng ký hành nghề KCB, trong đó chỉ có 5 bác sĩ đăng ký hành nghề KCB toàn thời gian (cơ hữu), bằng 38% tổng số bác sĩ đăng ký hành nghề tại phòng khám. Tỉ lệ này không đủ để được cấp “Giấy phép hoạt động Phòng khám đa khoa” theo quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 24 Thông tư 41/2011/TT-BYT của Bộ Y tế và quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 25 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở KCB.

Phòng khám không đủ điều kiện là cơ sở đăng ký KCB BHYT ban đầu: Năm 2017, phòng khám không có bác sĩ chuyên khoa ngoại đăng ký hành nghề KCB tại đó, mà phân công bác sĩ đa khoa thực hiện KCB về ngoại khoa. Việc KCB như vậy là hành vi bị cấm quy định tại Khoản 3 Điều 6 Luật KCB. Đồng thời, phòng khám không đủ điều kiện là cơ sở đăng ký KCB BHYT ban đầu theo quy định tại Khoản 5, Điều 7 Thông tư 40/2014/TT-BYT của Bộ Y tế.

Các bác sĩ đăng ký hành nghề KCB ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ tại phòng khám chỉ ghi chung thời gian là “Ngoài giờ, ngày ra trực, thứ 7, chủ nhật”, mà không ghi cụ thể từ giờ nào đến giờ nào trong ngày và ngày nào trong tuần. Điều này không đúng quy định về đăng ký hành nghề KCB tại Nghị định số 109/2016/NĐ-CP.

Trong thực hiện KCB về chuyên khoa Y học cổ truyền: Phòng khám có 1 bác sĩ đăng ký hành nghề KCB “ngoài giờ hành chính, ngày ra trực, thứ 7, chủ nhật”; tuy nhiên bác sĩ này đã thực hiện ký toàn bộ hồ sơ KCB đối với người bệnh đến KCB trong giờ hành chính do các bác sĩ chưa có chứng chỉ hành nghề KCB tại đó chỉ định và thực hiện. Đồng thời, phòng khám sử dụng y sĩ đa khoa để KCB về y học cổ truyền là trái với quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Phòng khám không được cấp phép hoạt động KCB về chuyên khoa Phục hồi chức năng, nhưng Sở Y tế vẫn phê duyệt cho thực hiện một số DVKT phục hồi chức năng, không đúng quy định.

Phòng khám thực hiện miễn cùng chi trả cho người bệnh đến KCB BHYT, nhằm thu hút người có thẻ BHYT đến KCB, tạo nhu cầu KCB giả tạo; nhiều người không có nhu cầu đi KCB nhưng do đến KCB không mất tiền nên đã tranh thủ đến KCB để kiểm tra sức khỏe.

Do vậy, để công tác KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT thực hiện đúng quy định, ngăn chặn kịp thời tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT (nếu có), BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức thanh tra việc KCB BHYT năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017 tại PKĐK Tâm Đức.

Theo BHXH Việt Nam, việc BHXH tỉnh Bình Phước tạm dừng hợp đồng KCB BHYT với PKĐK Tâm Đức là đúng quy định bởi đây mới chỉ là tạm dừng thực hiện hợp đồng nhằm ngăn ngừa không tiếp tục phát sinh những tiêu cực (nếu có) chứ không phải là chấm dứt hợp đồng KCB.

Ngày 22/5/2017, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 1955/BHXH-CSYT yêu cầu BHXH tỉnh Bình Phước tạm dừng hợp đồng KCB BHYT với PKĐK Tâm Đức để các cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ. Đồng thời, yêu cầu BHXH tỉnh Bình Phước có trách nhiệm hướng dẫn người có thẻ BHYT hiện đăng ký KCB BHYT ban đầu tại PKĐK Tâm Đức chuyển đến KCB tại các cơ sở KCB tuyến huyện, tuyến xã trên địa bàn tỉnh để đảm bảo quyền lợi về KCB BHYT (Tiền phong, trang 12).

 

Yêu cầu báo cáo trung thực về vụ bảy người chết khi chạy thận nhân tạo

Ngày 31-5, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Hòa Bình và đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ, xác định nguyên nhân sự cố y khoa khiến bảy người chết khi chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình ngày 29-5 vừa qua. Chia sẻ với nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, Bộ trưởng Y tế cho rằng, đây là vụ việc đau lòng, không mong muốn và đề nghị, với lương tâm người thầy thuốc, các cán bộ, bộ phận liên quan phải báo cáo trung thực, khách quan, dám làm, dám chịu trách nhiệm; phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để làm rõ nguyên nhân.

Bộ trưởng đánh giá cao sự giúp đỡ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình, Công an và các ngành chức năng liên quan về xử lý sự cố. Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi thắp hương, thăm hỏi một số gia đình có người nhà bị chết trong sự cố nêu trên.

* Sáng 31-5, một kíp bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai gồm mười bác sĩ giỏi tiếp tục đến tỉnh Hòa Bình để hỗ trợ điều trị cho người bệnh nặng còn lại tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Đoàn mang theo thuốc và máy tim phổi nhân tạo (ECMO). Với những biện pháp hồi sức tích cực, huyết động cũng như các chỉ số cơ bản trong máu của người bệnh đã tương đối ổn định... Trước đó, người bệnh đã ngừng tuần hoàn hai lần.

Tình hình sức khỏe của anh Nguyễn Văn Thiều, người bệnh nặng nhất trong số mười người được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai (đêm 29-5) cũng tiến triển tốt. Người bệnh đã được ngừng lọc máu liên tục và có thể chuyển về chế độ lọc máu chu kỳ thường quy trong một vài ngày tới. Những người bệnh còn lại sức khỏe ổn định, ăn uống và đi lại bình thường, các biểu hiện dạng sốc đã hết và không còn dấu hiệu bất thường (Nhân dân, trang 8; Hà Nội mới, trang 1).

 

Chết yểu những “siêu” dự án bệnh viện

Những “siêu” dự án xây dựng bệnh viện (BV) hoành tráng, quy mô triệu đô và nghìn giường bệnh tại các cửa ngõ Thủ đô đang bị kéo dài nhiều năm chưa biết bao giờ sẽ hoàn thành. Khu đất rộng vốn được quy hoạch làm dự án BV Quốc tế Hà Đông bị “treo” gần chục năm qua, nay chính thức được Hà Nội điều chỉnh quy hoạch tổng thể, với việc gắn thêm nội dung xây trung tâm thương mại (TTTM).

“Cắt đất” dự án BV làm trung tâm thương mại

Dự án nằm tại phường Dương Nội (quận Hà Đông), với tổng diện tích khoảng 16,65 ha, nay được điều chỉnh diện tích để xây BV Quốc tế Hà Đông chỉ khoảng 7,1 ha (với quy mô tối đa 600 giường bệnh); chiếm gần 43% tổng diện tích khu đất. Phần lớn diện tích đất còn lại của dự án được dành để xây TTTM trên 9,5 ha.

Dự án Liên hợp BV Quốc tế Hà Đông được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Cty TNHH đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (BIM Group) từ tháng 6/2008. Sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, nó được kỳ vọng là dự án BV tầm cỡ quốc tế ở cửa ngõ phía Tây Thủ đô. Ngày 29/9/2011, UBND TP Hà Nội cho phép lập điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/500 và yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhưng đến năm 2014, dự án vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Và gần đây Công ty Aeon Việt Nam đã ký thoả thuận hợp tác với BIM Group để phát triển trung tâm mua sắm thứ 2 tại quận Hà Đông. Thông tin từ lễ ký kết hợp tác giữa hai bên cho biết, Aeon Mall Hà Đông sẽ nằm trên khu đất 16,6ha do BIM Group làm chủ đầu tư. Trong đó, Aeon Mall có tổng diện tích 9,5 ha, tương đương với diện tích đất công cộng đô thị 95.370m2 theo quyết định Hà Nội điều chỉnh quy hoạch của Hà Nội.

Những dự án BV 1.000 giường “đắp chiếu”

Năm 2011, mặc dù phải cắt giảm nhiều dự án đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ song Hà Nội vẫn tập trung nguồn vốn để đầu tư cho các dự án dân sinh, trong đó có việc triển khai các dự án BV nghìn giường ở các cửa ngõ Thủ đô. Bốn dự án BV lớn (quy mô mỗi nơi 1.000 giường) sẽ được khởi công xây dựng tại 4 huyện ngoại thành nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Theo văn bản chỉ đạo năm 2011 của UBND TP Hà Nội, 4 BV quy mô 1.000 giường sẽ nằm về 4 phía, gồm: BV đa khoa phía Bắc được đặt tại xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh), dự kiến khởi công tháng 9/2011, khai thác sử dụng từ tháng 6/2013;  BV thứ 2 ở phía Tây, đặt tại huyện Đan Phượng hoặc Thạch Thất với diện tích khoảng 10ha, cũng dự kiến khởi công tháng 9/2011; BV thứ 3 phía Đông sẽ đặt tại huyện Gia Lâm và BV thứ 4 phía Nam được xây dựng tại huyện Phú Xuyên. Lãnh đạo thành phố Hà Nội đã giao Sở KH&ĐT chuẩn bị nguồn vốn ngân sách để đầu tư cho các dự án và dự thảo các văn bản xin cơ chế đặc thù để các dự án được thực hiện nhanh.

Trong các dự án BV 1.000 giường trên, dự án BV đa khoa 1.000 giường đặt tại huyện Mê Linh cửa ngõ phía Bắc Thủ đô được sốt sắng thực hiện nhất với tham vọng đạt tiêu chuẩn quốc gia tiến tới tiêu chuẩn quốc tế, nhằm giảm mật độ số giường bệnh của các BV trong nội đô, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân các huyện, các tỉnh lân cận... Hàng loạt văn bản liên quan đến dự án BV 1000 gường Mê Linh đã được ra đời nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể khởi công xây dựng. Từ năm 2011, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chấp thuận phê duyệt chủ trương thành lập BV đa khoa 1.000 giường Mê Linh trực thuộc Sở Y tế. Tiếp đến năm 2012, Hà Nội có quyết định thu hồi hơn 95.700 m2đất và giao hơn 111.300 m2 đất tại xã Tam Đồng và xã Đại Thịnh huyện Mê Linh để thực hiện GPMB cho dự án này.

Năm 2013, TP Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư BV đa khoa 1.000 giường huyện Mê Linh giao cho Sở Xây dựng làm chủ đầu tư với tổng mức gần 2.700 tỷ đồng. Theo như lời lãnh đạo Sở Y tế lúc bấy giờ, dự án này đạt tiêu chuẩn quốc gia, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân các huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Đan Phượng và các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Phú Thọ.... Giai đoạn 1 phấn đấu đến năm 2013 đưa vào hoạt động một số khoa cơ bản như khám chữa bệnh, cấp cứu, kỹ thuật nghiệp vụ, chuyên khoa ung bướu, nội, phụ sản. Giai đoạn 2 đến năm 2015 sẽ đưa toàn bộ bệnh viện vào hoạt động. 

Trao đổi với PV về dự án này, lãnh đạo huyện Mê Linh cho biết, dự án nằm trong khuôn viên của BV đa khoa huyện Mê Linh hiện nay với quy mô tổng cộng là 12 ha. Sau khi thành phố có quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng công trình BV 1.000 giường, BV đa khoa huyện cũng đã tiến hành xây trụ sở mới để di dời, nhường đất cho dự án. “Hiện BV đa khoa huyện đang chuyển sang địa điểm mới, còn dự án BV 1.000 giường không biết khi nào thực hiện. Chúng tôi cũng mong mỏi dự án này từ lâu vì nó là một dự án lớn trên địa bàn huyện hiện nay”, lãnh đạo huyện Mê Linh nói. 

Tại buổi làm việc giữa Bộ Y tế với UBND TP Hà Nội về công tác y tế của Thủ đô mới đây, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, Chính phủ đã nhất trí về việc xây dựng cơ sở 2 của BV trung ương như: BV Nhi;  Phụ sản tại huyện Quốc Oai và đang chủ trương xây cơ sở 2 của các BV Mắt, Răng hàm mặt tại ngoại thành Hà Nội. Do vậy, Hà Nội cần xem xét lại việc quy hoạch xây dựng các BV Nhi, Phụ sản, Mắt, Răng hàm mặt của thành phố để tránh chồng chéo lãng phí. Điều này cũng được lãnh đạo TP Hà Nội thừa nhận, những điểm gì mà các BV tuyến T.Ư đã làm tốt thì Hà Nội không nên đầu tư. Đặc biệt, theo lãnh đạo Hà Nội vấn đề quy hoạch BV không nhất thiết phải xây dựng BV quy mô lớn. BV có thể quy mô nhỏ, nhưng phân bố đều trong các khu dân cư, để người dân có thể đến BV nhanh nhất (Tiền phong, trang 14).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang