Từ ngày 16-3: Hà Nội ra quân tổng rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu
Tại cuộc họp đánh giá tình hình triển khai các giải pháp khẩn cấp phòng chống ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) diễn ra sáng 15-3, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, từ ngày 16-3 đến 15-4, toàn thành phố sẽ ra quân đồng loạt tổng rà soát, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ rượu tại các cửa hàng, nhà hàng, quán nước… để bảo đảm an toàn cho sức khỏe người dân Thủ đô. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, từ ngày 22-2 đến 14-3, thành phố ghi nhận 25 ca ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp), trong đó 3 bệnh nhân đã tử vong, 4 bệnh nhân hiện đang được điều trị tại Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Số người ngộ độc rượu tập trung nhiều ở quận Đống Đa (10 ca) và Cầu Giấy (10 ca). Cơ quan chức năng đã tiến hành xét nghiệm nhanh 429 mẫu rượu, trong đó lấy 46 mẫu xét nghiệm tại Labo và kết quả có 5 mẫu có hàm lượng methanol vượt giới hạn cho phép. Ngoài ra, trong 2 tuần qua, các đoàn kiểm tra liên ngành từ thành phố đến quận/huyện đã tiến hành kiểm tra gần 1.600 cơ sở, niêm phong gần 20 nghìn lít rượu, tiêu huỷ 140 lít không rõ nguồn gốc và xử phạt 149 cơ sở với số tiền gần 500 triệu đồng.
Tại cuộc họp, các đại biểu thống nhất, cần quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, buôn bán cồn công nghiệp tại các cửa hàng, khu chợ... Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, kiểm soát việc tiêu thụ rượu tại các khu vực đông dân cư, trường đại học, công trường xây dựng và tại các quận như: Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Đống Đa bởi đây cũng là những địa bàn tập trung đông sinh viên, người lao động… Đại diện Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội) cho biết, sau khi xảy ra các vụ ngộ độc rượu, Giám đốc Công an TP đã chỉ đạo chuyển tất cả hồ sơ về các vụ ngộ độc rượu về phòng Cảnh sát hình sự để xem xét, nếu cần sẽ tiến hành khởi tố vụ án, xử lý những trường hợp liên quan đến rượu methanol.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu, từ ngày mai (16-3), toàn thành phố sẽ ra quân đồng loạt tổng rà soát, kiểm tra từ khâu sản xuất đến tiêu thụ rượu, các cửa hàng, nhà hàng, quán nước… Đợt ra quân này sẽ kéo dài trong 1 tháng (từ ngày 16-3 đến 15-4). Các sở, ngành, quận/huyện cũng phải tổ chức đoàn kiểm tra. Phó Chủ tịch UBND các quận/huyện/thị xã của thành phố phụ trách ATVSTP phải trực tiếp đi kiểm tra ít nhất 2 lần/ tháng; Chủ tịch UBND xã/phường/thị trấn phải đi kiểm tra ít nhất 1 lần/ tuần; Phó Chủ tịch UBND xã/phường/thị trấn phải trực tiếp đi kiểm tra ít nhất 2 lần/tuần, ghi rõ biên bản ngày giờ đi kiểm tra.
“Công tác kiểm tra không chỉ tiến hành trong giờ hành chính mà cả đêm, tối. Đích thân tôi sẽ kiểm tra đột xuất việc triển khai, xem các Chủ tịch, Phó Chủ tịch quận/huyện, xã/phường có đi kiểm tra hay không”, Phó Chủ tịch nhấn mạnh. Cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu, đợt ra quân lần này phải được thực hiện quyết liệt, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chỉ tập trung cao điểm trong những ngày đầu. Ngoài việc kiểm tra những cơ sở kinh doanh, sản xuất rượu thủ công, nhỏ lẻ, cần phải tăng cường quản lý các nhà máy sản xuất rượu, cơ sở sản xuất. Qua kiểm tra, nếu phát hiện cơ sở bán rượu không rõ nguồn gốc, nhãn mác, cơ quan chức năng phải tịch thu hết, gửi mẫu về Sở Y tế để kiểm nghiệm. Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu giao Sở Y tế, Sở Công thương xây dựng dự thảo chế tài quản lý rượu trên địa bàn, trình lãnh đạo thành phố trước ngày 31-3.
Cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký công văn hỏa tốc số 1136/UBND-KGVX về việc khắc phục hậu quả ngộ độc rượu và tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm gửi Giám đốc các sở, ban, ngành TP, Chủ tịch UBND các quận/huyện/thị xã. Theo đó, UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận/huyện/thị xã khẩn trương thực hiện nghiêm nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 371/CĐ-TTg về việc khắc phục hậu quả ngộ độc rượu và tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP Hà Nội tại Hội nghị giao ban chỉ đạo công tác ATVSTP (ngày 9-3). UBND TP Hà Nội giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các quận/huyện/thị xã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra toàn diện các cơ sở sản xuất, kinh doanh, xử lý nghiêm các vi phạm về sản xuất, kinh doanh rượu không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ. UBND TP cũng yêu cầu Công an TP Hà Nội tổ chức điều tra, làm rõ những trường hợp tử vong do ngộ độc rượu trong thời gian qua, đồng thời kết hợp tuyên truyền, vận động, ngăn chặn việc sản xuất, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. (Hà Nội mới, trang 1; An ninh thủ đô, trang 4; Nhân dân, trang 2; Gia đình & Xã hội, trang 7).
Kiểm tra an toàn thực phẩm tại 12 tỉnh, thành phố
Ngày 15-3, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã quyết định triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017 với chủ đề: Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; Kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu. Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm Trung ương giao các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành thanh tra tại 12 tỉnh, thành từ 15-4 đến15-5-2017 . Bên cạnh 6 Đoàn liên ngành Trung ương, các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương giao các đơn vị chức năng thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các tỉnh, thành phố nhằm triển khai hiệu quả Tháng hành động. Mục tiêu của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017 nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở các cấp, người quản lý; nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nói chung; đặc biệt là rượu, các sản phẩm tươi sống (rau, thịt, thủy sản) nói riêng (Sài Gòn giải phóng, trang 7; Công an nhân dân, trang 1).
70% thực phẩm tại TPHCM có xuất xứ từ các tỉnh, thành phố khác
Chiều 15-3, Đoàn giám sát của HĐND TPHCM về thực thi chính sách pháp luật về An toàn thực phẩm do đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Nông thôn TPHCM (NN&PTNT). Báo cáo tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Nhã Trúc, Phó Phòng Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Sở NN&PTNT cho biết, TPHCM hiện là đầu mối lưu thông và tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân TP với lượng tiêu thụ thịt hàng ngày từ 1.000 đến 1.200 tấn, thực phẩm đông lạnh nhập khẩu khoảng 264.000 tấn/năm, rau xanh 1 triệu tấn/năm và thủy sản khoảng 170.000 tấn/năm. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp tại TPHCM chỉ đáp ứng được khoảng 20-30% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh thành khác (chiếm đến 70%). Vì vậy, Sở gặp rất nhiều khó khăn trong việc giám sát, quản lý và truy xuất nguồn gốc khi có sự cố về ATTP nông, lâm thủy sản. Mặt khác, công tác quản lý ATTP giữa các tỉnh chưa đồng bộ và phối hợp chặt chẽ, quy định về giấy chứng nhận ATTP kèm theo lô hàng chưa có nên gây khó khăn cho TP khi phát hiện xử lý và truy nguyên nguồn gốc để kịp thời thu hồi và xử lý tận gốc. Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Đức Hải đánh giá cao những nỗ lực trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP trên địa bàn TP trong hai năm qua của Sở NN&PTNT.
Thông qua buổi làm việc, đồng chí Phạm Đức Hải cũng đề xuất Sở NN&PTNT cần đẩy mạnh hơn nữa liên kết với các tỉnh, TP thường xuyên cung cấp thực phẩm cho TPHCM để nắm chắc nguồn thực phẩm; yêu cầu 3 chợ đầu mối và siêu thị phải truy xuất được nguồn gốc, kiểm soát thực phẩm đang được bày bán; quảng bá nhiều hơn nữa các chuỗi cung cấp thực phẩm sạch trên địa bàn giúp người dân yên tâm lựa chọn và đẩy nhanh thực hiện quyết định của TP về quy hoạch giết mổ và phải đạt tiêu chuẩn chất lượng (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Những thách thức sau thông tuyến khám, chữa bệnh
Sau hơn một năm thực hiện chính sách thông tuyến huyện trong khám, chữa bệnh (KCB) mang lại nhiều lợi ích cho các bên: người bệnh được giảm bớt những thủ tục rườm rà, được lựa chọn cơ sở y tế tuyến huyện để KCB, chất lượng dịch vụ của các cơ sở y tế ngày càng tốt hơn, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) tăng cao. Tuy vậy, thông tuyến cũng bộc lộ những bất cập, đòi hỏi tập trung giải quyết, tạo đà cho thông tuyến tỉnh thời gian tới. |
Đánh giá những tác động tiêu cực của thông tuyến, Bộ Y tế cho rằng, do người bệnh lựa chọn tuyến huyện KCB, cho nên, số lượt KCB tại trạm y tế xã giảm nhiều. Năm 2015 có 32,7 triệu lượt KCB tại trạm y tế xã nhưng năm 2016 chỉ có khoảng 30,5 triệu lượt. Cả nước có 38 tỉnh giảm từ 10% đến 30% số lượt KCB tại trạm y tế xã. Thực tế này không chỉ ảnh hưởng đến chính sách hướng về y tế cơ sở của Chính phủ mà còn làm gia tăng chi phí KCB do tăng số lượt KCB ở tuyến trên nhưng chi phí tại tuyến xã không giảm, gây lãng phí nguồn lực của xã hội. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, đánh giá cơ chế thông tuyến tác động tiêu cực đến y tế tuyến xã là chưa toàn diện vì có nhiều tỉnh tăng số lượt KCB tuyến xã. Chính sách thông tuyến đã giúp bộc lộ sự yếu kém, không hợp lý ở y tế xã tại một số địa phương, qua đó giúp cơ quan quản lý và chính quyền địa phương có cơ sở để nghiên cứu, đưa ra cơ chế quản lý, đầu tư nhằm giúp trạm y tế ở các địa phương phát triển. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên cho rằng, Nhà nước cần đầu tư hỗ trợ y tế xã, cho phép các trạm y tế xã tự chủ thực hiện KCB BHYT, lồng ghép cơ chế quản lý sức khỏe gia đình vào y tế xã, coi y tế xã là nơi kiểm soát bệnh đầu tiên và từ đó có thể chuyển người bệnh lên tuyến chuyên môn hợp lý. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế đang nghiên cứu để đổi mới y tế cơ sở, nhằm thu hút người bệnh KCB ở tuyến xã. Đó là: điều chỉnh danh mục dịch vụ kỹ thuật và danh mục thuốc mở rộng cho tuyến xã , huyện để đáp ứng nhu cầu KCB, nhất là đối với các bệnh không lây nhiễm; triển khai mở rộng mô hình bác sĩ gia đình, quản lý sức khỏe cá nhân, áp dụng cơ chế chuyển tuyến từ y tế cơ sở, phòng khám bác sĩ gia đình đến các bệnh viện chuyên khoa tuyến trên, hoàn thiện gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả; điều chỉnh mức kinh phí dành cho trạm y tế xã phù hợp phạm vi, năng lực chuyên môn và nhu cầu KCB. Bộ Y tế cũng sẽ luân phiên cử cán bộ từ y tế tuyến huyện về trạm y tế xã và chuyển giao kỹ thuật để chất lượng dịch vụ tại trạm y tế xã được nâng cao. Việc tiếp tục đầu tư cho trạm y tế xã như vậy sẽ tạo gắn kết giữa người có thẻ BHYT với cán bộ y tế xã trong việc quản lý sức khỏe, khám chữa bệnh và tư vấn chuyển tuyến. Đáng chú ý, chính sách thông tuyến làm phát sinh tình trạng người bệnh đi khám nhiều lần để trục lợi quỹ BHYT và qua đó cũng thấy được bất cập về xử lý trách nhiệm của các bên liên quan. Số liệu thống kê trong tám tháng qua (từ tháng 7-2016 đến tháng 2-2017) của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, có hơn 1,2 triệu người tham gia BHYT đi KCB từ hai lần trở lên mỗi tháng, trong đó có hơn 83 nghìn người KCB hàng tuần. Có ba triệu lượt khám nhiều lần trong cùng ngày, nhiều lần trong tháng. Số tiền thuốc mỗi đối tượng đã lĩnh trung bình từ 400 nghìn đến 500 nghìn đồng/lần, đối tượng nhận nhiều nhất hơn 73 triệu đồng, ít nhất là 13 triệu đồng. Nguyên nhân do ý thức của người sử dụng thẻ BHYT chưa cao và một số cơ sở KCB chưa thực hiện nghiêm việc chuyển dữ liệu KCB cho cơ quan BHXH để kiểm soát và phát hiện kịp thời các trường hợp KCB nhiều lần. Hiện nay, đã có 99% số cơ sở KCB kết nối với hệ thống giám định BHYT điện tử nhưng có tới 40% số cơ sở KCB chưa chuyển dữ liệu KCB trong ngày để chia sẻ, sử dụng chung. Việc chậm chuyển thông tin, nhất là chuyển sau khi người bệnh đã ra viện khiến các cơ sở y tế khác và cơ quan BHXH không kiểm soát được người bệnh đó đi KCB ở đâu và khám bao nhiêu lần. Nhiều chuyên gia cảnh báo, nguy cơ KCB nhiều lần để trục lợi quỹ sẽ còn gia tăng, nhất là khi thực hiện thông tuyến tỉnh. Thế nhưng, hiện nay vẫn chưa có quy định để xử phạt những cơ sở y tế cố ý không chuyển thông tin KCB cho cơ quan giám định điện tử cũng như phạt người KCB nhiều lần để trục lợi quỹ BHYT. Để bảo vệ quỹ BHYT, cần thiết xem xét, bổ sung các quy định còn thiếu này. Theo lộ trình, từ 1-1-2021 sẽ thông tuyến tỉnh. Người bệnh sẽ được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú nếu KCB không đúng tuyến tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước. Với những kinh nghiệm đã có trong thông tuyến huyện thời gian qua, vấn đề rút ngắn thời gian thông tuyến tỉnh trước năm 2021 đã được đặt ra. Nhiều ý kiến cho rằng, do đã triển khai thông tuyến tại 11 nghìn cơ sở y tế tuyến huyện, xã thời gian qua thì việc triển khai thông tuyến tỉnh tại 572 cơ sở y tế trong cả nước sắp tới không quá khó khăn. Tuy vậy, BHXH Việt Nam dự báo, nguy cơ tăng số lượt điều trị nội trú tại tuyến tỉnh sẽ xảy ra, gây tình trạng quá tải và gia tăng chi phí y tế. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến khả năng cân đối quỹ BHYT. BHXH Việt Nam tính toán, nếu thực hiện thông tuyến tỉnh đồng thời trong năm 2016, quỹ BHYT có thể chi thêm khoảng hơn ba nghìn tỷ đồng. Mặt khác, khi số lượng người dân KCB gia tăng tại tuyến tỉnh, khó tránh tình trạng một bộ phận bác sĩ có chuyên môn tốt tại tuyến huyện dịch chuyển lên làm việc tại tuyến tỉnh, càng làm thiếu hụt nhân lực y tế tuyến cơ sở. Do đó ngay từ bây giờ, đòi hỏi ngành y tế cần có giải pháp thu hút người bệnh ở tuyến huyện, xã một cách thực chất, hiệu quả. Các bệnh viện tuyến tỉnh cần tập trung phát triển kỹ thuật chuyên khoa sâu, mũi nhọn để đáp ứng kịp thời nhu cầu người bệnh khi chính sách thay đổi (Nhân dân, trang 5). |
8 người nhập viện sau khi ăn thịt heo
Ngày 15.3, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thành Lãm, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa Phú Yên, cho biết khoa này đang tích cực điều trị 8 ca bị ngộ độc sau khi ăn thịt heo.
Các bệnh nhân trên đều ở xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa. Hiện sức khỏe của các bệnh nhân đã ổn định.
Trước đó, khoảng 16 giờ ngày 14.3, các bệnh nhân nhập viện với triệu chứng sốt cao, lạnh run, đau bụng, nôn, tiêu chảy...
Theo lời bệnh nhân, 8 gia đình mua chung một con heo và mổ thịt. Sau khi ăn món lòng heo luộc, 8 người bị đau bụng râm ran rồi hết. Đến sáng 14.3, những người này tiếp tục ăn món thịt heo luộc với bánh tráng, nửa giờ sau thì bị nôn, tiêu chảy và đến chiều 14.3 thì tất cả 8 người phải nhập viện.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Phú Yên, cho biết sau khi nhận được thông tin trên, cơ quan chức năng đã lấy mẫu thịt, lòng heo đưa đi kiểm nghiệm để xác định nguyên nhân (Thanh niên, trang 2).