Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 17/05/2023

  • |
T5g.org.vn - TP.HCM lại khan hiếm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng; Chờ Bộ Y tế giải cơn khát vắc xin; Bộ Y tế đỉnh chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô kem đánh răng kém chất lượng; Điểm chung của các ca mắc COVID-19 tử vong gần đây là gì?

 

TP.HCM lại khan hiếm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng

Ngày 16.5, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết tính đến ngày 15.5 các cơ sở tiêm chủng tại TP.HCM đã hết hoàn toàn 2 loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR).
Đó là vắc xin DPT-VGB-HiB (vắc xin 5 trong 1, phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib). Năm 2022, vắc xin này cũng từng hết và được cấp lại vào tháng 10, rồi lại hết vào tháng 3.2023. Loại thứ hai là vắc xin DPT (phòng 3 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván) đã hết từ đầu tháng 5.2023.

Ngoài ra, các loại vắc xin khác trong TCMR chỉ còn với số lượng rất hạn chế, dự kiến sẽ hết trong vài tháng tới nếu không được cung cấp thêm. Cụ thể, đến cuối tháng 5.2023, TP.HCM sẽ hết vắc xin viêm gan B, viêm não Nhật Bản; đến giữa tháng 6.2023 sẽ hết vắc xin lao (BCG); tháng 7.2023 sẽ hết vắc xin bại liệt (bOPV) và vắc xin sởi; tháng 8.2023 sẽ hết vắc xin uốn ván (VAT); tháng 9.2023 sẽ hết vắc xin sởi và rubella (MR).

Trước tình hình trên, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở TCMR trên địa bàn vẫn duy trì hoạt động thường xuyên theo lịch cố định để tiêm các loại vắc xin hiện còn; lập danh sách trẻ đến lịch tiêm chủng nhưng chưa được tiêm để mời tiêm ngay khi các vắc xin được cung ứng trở lại.

Theo Sở Y tế, ngày 3.4.2023, Bộ Y tế có ban hành văn bản về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu y tế, dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên. Theo đó, từ năm 2023, Bộ Tài chính không bố trí ngân sách T.Ư cho Bộ Y tế mua vắc xin cho TCMR, vitamin A cho trẻ em dưới 5 tuổi, thuốc kháng HIV (ARV), thuốc chống lao cho các đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế... mà đề nghị thực hiện theo quy định về phân cấp ngân sách. Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư bố trí ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác để triển khai mua sắm, cung ứng thuốc, vắc xin nêu trên (bao gồm cả việc cung ứng vắc xin phòng bệnh do vi rút Rota). Bộ Y tế yêu cầu UBND tỉnh, TP khẩn trương chỉ đạo sở y tế và các đơn vị liên quan chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai mua sắm, cung ứng thuốc, vắc xin... theo quy định, phục vụ công tác TCMR và phòng chống dịch, bệnh tại địa phương.

Trước tình hình mới này, Sở Y tế đã chuẩn bị nguồn lực và xây dựng kế hoạch cung ứng vắc xin trong TCMR tại TP.HCM năm 2023. Tuy nhiên, ngày 12.5, Sở Y tế TP.HCM nhận được công văn hỏa tốc của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đề nghị các sở y tế gửi dự trù vắc xin TCMR trong những tháng còn lại của năm 2023 và dự trữ trong 6 tháng đầu năm 2024 để được cung ứng trở lại như trước. Sở Y tế đã gửi văn bản đề xuất nhu cầu từ đây đến cuối năm cần hơn 762.000 liều vắc xin TCMR các loại và 6 tháng đầu năm 2024 là hơn 880.000 liều. Sở Y tế kiến nghị Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư sớm cung ứng trở lại các vắc xin thuộc TCMR.

Ngày 16.5, Viện Pasteur TP.HCM thông báo đã mở lại tiêm chủng dịch vụ cho người dân sau nhiều tháng gián đoạn. Trung tâm tiêm chủng VNVC cũng cho biết đơn vị có đầy đủ các loại vắc xin tiêm chủng cho trẻ em và người lớn. (Thanh niên, trang 15; Sài Gòn giải phóng, trang 2; Lao động, trang 1).

 

Chờ Bộ Y tế giải cơn khát vắc xin

Từ ngày 15/5, các cơ sở tiêm chủng tại TP. HCM hết hoàn toàn vắc xin “5 trong 1” trong chương trình tiêm chủng mở rộng DPT-VGB-HiB. Đây là vắc xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib (Chi tiết xem báo Tuổi trẻ, trang 1).

 

Bộ Y tế đỉnh chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô kem đánh răng kém chất lượng

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc đối với lô mỹ phẩm BIS UP ICE CARE TOOTHPASTE – Tuýp 100g (Số lô: OJ4B; NSX: 20/10/2020; HD: 19/10/2023) trên nhãn ghi thông tin: số GP CBMP 139040/20/CBMP-QLD; Nhà sản xuất: Green Wonil Co.,Ltd; Nhập khẩu và phân phối: Công ty cổ phần thương mại Imexco Việt Nam địa chỉ: Lô 02-04 cụm Tiểu thủ công nghiệp Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội do không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Cụ thể, trong văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công ty cổ phần thương mại Imexco Việt Nam (Địa chỉ trụ sở chính: Số 136, phố Kim Ngưu, Phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), Cục Quản lý Dược cho biết, mẫu kiểm nghiệm lô mỹ phẩm này do Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm TP Hồ Chí Minh tiến hành kiểm nghiệm cho thấy mẫu thử không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm theo quy định.

Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng lô sản phẩm BIS UP ICE CARE TOOTHPASTE – Tuýp 100g nêu trên và trả lại cơ sở cung ứng sản phẩm; tiến hành thu hồi lô sản phẩm vi phạm nêu trên; kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, yêu cầu Công ty cổ phần thương mại Imexco Việt Nam gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng lô sản phẩm BIS UP ICE CARE TOOTHPASTE – Tuýp 100g nêu trên; tiếp nhận sản phẩm trả lại từ các cơ sở kinh doanh, tiến hành thu hồi và tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm không đáp ứng quy định; gửi báo cáo thu hồi lô sản phẩm nêu trên về Cục Quản lý Dược trước ngày 10/6/2023.

Ngoài ra, đề nghị Sở Y tế TP Hà Nội kiểm tra Công ty cổ phần thương mại Imexco Việt Nam trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về nhập khẩu, kinh doanh mỹ phẩm; Giám sát công ty thực hiện thu hồi lô sản phẩm BIS UP ICE CARE TOOTHPASTE – Tuýp 100g không đáp ứng quy định; Xử lý, xử phạt vi phạm theo quy định hiện hành và báo cáo kết quả về Cục Quản lý Dược trước ngày 30/6/2023. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Điểm chung của các ca mắc COVID-19 tử vong gần đây là gì?

Từ giữa tháng 4/2023 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận một số ca tử vong do COVID-19. Khi xem xét, phân tích các ca này, chuyên gia nhận thấy những điểm chung.

Hầu hết ca tử vong do COVID-19 đều có bệnh nền, cao tuổi, hoặc bệnh khác kèm theo

Theo thống kê của Bộ Y tế từ khoảng giữa tháng 4/2023 - nay, nước ta ghi nhận một số ca tử vong do COVID-19. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày gần đây nhất - tính đến chiều 14/5 là 1 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.201 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. 

So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/50 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế cho biết, mặc dù giai đoạn khoảng giữa tháng tư và đầu tháng 5/2023, Việt Nam đã ghi nhận các ca bệnh tử vong do COVID-19. 

Khi xem xét, phân tích các ca bệnh tử vong này, các chuyên gia nhận thấy hầu hết các ca bệnh tử vong đều là những người bệnh có nguy cơ cao, bệnh nền, cao tuổi hoặc có nhiều bệnh kèm theo, và bản thân bệnh nhân cũng đã có tình trạng nặng từ trước. Không ghi nhận trường hợp nào mà tử vong ở trên người bệnh mà không có bệnh nền hay là người trẻ tuổi không có bệnh nền.

Trước đó, tại cuộc họp cách đây không lâu về công tác phòng chống dịch, các chuyên gia cũng đưa ra thông tin về trường hợp bệnh nhân tử vong do COVID-19 trên nền bệnh nền nhưng chưa tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 theo hướng dẫn.

"Cần nhấn mạnh rằng những bệnh nhân COVID-19 phải nằm viện có nghĩa là những bệnh nhân có bệnh nền, có triệu chứng nặng thì mới nhập viện. Những trường hợp nhẹ, hoặc triệu chứng chưa đến mức phải can thiệp y tế nhiều hầu hết là điều trị tại nhà hoặc là được theo dõi tại các cơ sở y tế mà không phải bệnh viện" - TS Nguyễn Trọng Khoa nói.

Theo ghi nhận của Bộ Y tế, tỉ lệ tử vong do COVID-19 ở Việt Nam từ trước đến nay ghi nhận ở mức thấp hơn nhiều tỷ lệ chung của thế giới là 0,99%. Đây là một số liệu thể hiện rất nhiều nỗ lực của hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Việt Nam trong công tác điều trị bệnh COVID-19 trong suốt 3 năm qua, với việc chuyển đổi rất kịp thời các hình thức từ cách ly tuyệt đối, điều trị 100% tại bệnh viện cho đến triển khai các cơ sở điều trị theo mô hình tháp ba tầng, và sau đó là triển khai điều trị, theo dõi, giám sát tại nhà.

Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa khẳng định: Đây là thành quả mà suốt một thời gian chúng ta đã thích ứng một cách rất linh hoạt đối với công tác điều trị COVID-19. Đồng thời, trong dịch COVID-19 năng lực chuyên môn của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng đã được nâng cao hơn. Rất nhiều bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh đã có thể quản lý điều trị được các trường hợp suy hô hấp nặng, triển khai được kỹ thuật cao nhất trong lĩnh vực hồi sức, cấp cứu.

Người thuộc đối tượng nguy cơ cao cần tiêm vaccine phòng COVID-19 tăng cường theo hướng dẫn

TS Khoa cho biết, để giảm tử vong do COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện các nội dung sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục cảnh giác với COVID-19, phát hiện sớm các trường hợp bệnh; các đơn vị hồi sức, đơn vị chạy thận, đơn vị có những bệnh nhân nặng đang điều trị ở bệnh viện phải theo dõi, giám sát chặt chẽ để sớm phát hiện những ca bệnh, cách ly ra khỏi khu vực đang điều trị, tránh để lây nhiễm vào các bệnh nhân đang điều trị cùng đơn vị. Bởi nếu xảy ra lây nhiễm, thường sẽ lây nhiễm vào bệnh nhân có bệnh nền, nguy cơ cao, như vậy tỉ lệ tử vong có thể gia tăng;

Thứ hai, tiếp tục tăng cường năng lực cho hồi sức cấp cứu. Bộ Y tế (Cục Quản lý khám, chữa bệnh) tiếp tục cập nhật kế hoạch, huy động sự hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức quốc tế để đào tạo, huấn luyện về hồi sức cấp cứu đối với điều trị COVID-19, đặc biệt là vấn đề thở máy, hệ thống oxy cho các cơ sở y tế.

Thứ ba, chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục theo dõi, giám sát và tăng cường hội chẩn với tuyến trên khi điều trị ca bệnh nặng, đảm bảo có sự liên thông chặt chẽ giữa các tuyến, chỉ chuyển tuyến trong trường hợp cần thiết và có sự liên hệ trước để có thể chủ động điều trị ca bệnh nặng, mang đến hiệu quả cao nhất; hạn chế chuyển tuyến trong trường hợp số ca bệnh tăng cao.

Đặc biệt, khi những bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM quá tải thì bắt buộc các tỉnh, địa phương phải giữ bệnh nhân lại điều trị.

Thứ tư, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm để hạn chế dịch bệnh lây lan trong bệnh viện; yêu cầu tất cả các cơ sở khám chữa bệnh nghiêm túc thực hiện cách ly những ca bệnh COVID-19, triển khai áp dụng mang khẩu trang cho tất cả các khu vực lâm sàng, khu vực có người bệnh phải tuân thủ tuyệt đối việc mang khẩu trang theo quy định;

Đặc biệt chú trọng bảo vệ đối tượng có nguy cơ cao; trong trường hợp đến khám có dấu hiệu, triệu chứng của COVID-19 phải tiến hành xét nghiệm bằng cả phương pháp khẳng định là PCR và dùng test nhanh để chẩn đoán sớm, cách ly ngay.

Thứ năm, theo dõi, đánh giá các ca lâm sàng COVID-19 phải nhập viện, một số trường hợp phải gửi xét nghiệm, giải trình tự gene để phát hiện sớm những biến thể mới của virus. Đặc biệt, các bệnh viện phải hết sức chú ý đến những trường hợp người bệnh nặng, người bệnh tử vong để có xét nghiệm giải trình tự gene, phát hiện sớm những biến thể.

Đặc biệt lưu ý những trường hợp không mắc bệnh nền mắc COVID-19 có dấu hiệu nặng, vì đây là những trường hợp đáng lo ngại, cần giám sát chặt chẽ để có thể phát hiện sớm những biến chủng gây gia tăng tình trạng nặng, như trước đây là chủng Delta.

Trước diễn biến số ca mắc COVID-19 ở nước ta thời gian gần đây vẫn ghi nhận tầm khoảng trên dưới 2.000 ca mắc / ngày, PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW khuyến cáo những người thuộc nhóm nguy cơ cao như có bệnh nền, suy giảm miễn dịch... cần chủ động đăng ký tiêm các mũi vaccine phòng COVID-19 tăng cường theo hướng dẫn để phòng bệnh. Thậm chí, người đã mắc bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục có mũi tiêm nhắc lại theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới.

Cùng đó, các chuyên gia cũng tiếp tục khuyến cáo vẫn cần duy trì 2K, vaccine, thuốc điều trị, công nghệ và ý thức người dân trong việc phòng, chống COVID-19 lâu dài. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Những nghiên cứu... cứu người

Trong số 10 công trình giành giải Nhất Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 23, hai đề tài của hai nhóm tác giả đến từ Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 và Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) đã được Hội đồng chuyên ngành Hậu cần - Y được đánh giá rất cao về hiệu quả ứng dụng thực tế.

Rút ngắn thời gian điều trị, giảm chi phí

Nhằm đem lại hiệu quả tối ưu trong điều trị, giảm thiểu độc tính trên thận và tai, góp phần giảm tình trạng đề kháng kháng sinh, nhóm nghiên cứu gồm 3 bóng hồng ở Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 đã dành thời gian hai năm để thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình giám sát sử dụng Vancomycin thông qua theo dõi nồng độ thuốc trong máu tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108”.

Đảm nhận vai trò thủ lĩnh của nhóm nghiên cứu, Thiếu tá Lê Thị Phương Thảo cho biết, công trình được chị và hai cộng sự cùng công tác tại khoa Dược (Thiếu tá Ngô Thị Xuân Thu và dược sĩ Lê Thị Mỹ) bắt tay nghiên cứu với mục đích góp phần tăng hiệu quả trong công tác cứu chữa người bệnh. Theo Thiếu tá Thảo, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cũng là bệnh viện đầu tiên trong Quân đội triển khai giám sát nồng độ vancomycin (kháng sinh được dùng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nghiêm trọng) trong máu dựa trên đo nồng độ thuốc trong 24 giờ trên nồng độ ức chế tối thiểu.

Theo Thiếu tá Ngô Thị Xuân Thu, trong quá trình nghiên cứu đã gặp phải một số khó khăn trong việc tuân thủ khoảng cách đưa liều trên thực hành lâm sàng. Lý giải về điều này, Thiếu tá Thu cho biết, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 là bệnh viện tuyến cuối, số lượng bệnh nhân ở mỗi khoa phòng rất đông, khối lượng công việc của bác sĩ và điều dưỡng rất lớn và có thể dùng không chính xác theo y lệnh của bác sĩ.

“Trong khi triển khai nghiên cứu, chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp sử dụng thuốc không đúng giờ, đặc biệt với chế độ liều mỗi 8 giờ. Điều này có thể ảnh hưởng rất lớn đến kết quả định lượng và hiệu chỉnh trên bệnh nhân. Việc dùng thuốc đúng trong giai đoạn đầu triển khai quy trình giám sát điều trị vancomycin là một nỗ lực rất lớn của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và nhóm nghiên cứu”, Thiếu tá Thu cho biết.

Giải quyết được việc lấy mẫu nồng độ chuẩn xác trong quá trình nghiên cứu đã giúp đội ngũ điều dưỡng hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc dùng thuốc đúng giờ và lấy mẫu theo đúng quy trình đã xây dựng. Nhờ đó, quá trình thử nghiệm đã cho những kết quả rất khả quan. Sau triển khai quy trình, thời gian nằm viện trung bình của bệnh nhân có xu hướng giảm (17 ngày so với 21 ngày). Cùng với đó, thời gian sử dụng vancomycin có xu hướng giảm, từ đó giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân.

Tăng cơ hội sống cho bệnh nhân ung thư

Nói về đề tài “Kỹ thuật xạ trị điều biến liều thích ứng 2 pha ở bệnh nhân ung thư đầu cổ tại Bệnh viện Quân y 103”, Chủ nhiệm đề tài, Thiếu tá Trần Văn Tôn (Bác sĩ điều trị thuộc khoa Vật lý xạ trị, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Quân y 103) chia sẻ, ung thư đầu cổ là một trong số những bệnh ung thư thường gặp tại Việt Nam. Việc điều trị căn bệnh này nhận được sự quan tâm lớn của các nhà chuyên môn cũng như cộng đồng.

Sau hơn một năm tìm hiểu, Thiếu tá Trần Văn Tôn và 4 cộng sự ở khoa Vật lý xạ trị nhận thấy kỹ thuật xạ trị thích ứng có thể giải quyết được những vấn đề này. Kỹ thuật này mới chỉ được triển khai ở một vài cơ sở xạ trị và dừng lại ở kinh nghiệm cá nhân của từng bác sĩ mà chưa có một nghiên cứu nào công bố chi tiết quy trình kỹ thuật, sự thay đổi các thông số thể tích điều trị cũng như hiệu quả kỹ thuật. Do đó, nhóm tác giả đã hình thành ý tưởng, xây dựng đề cương nghiên cứu và báo cáo đề xuất với lãnh đạo Trung tâm Ung bướu và Bệnh viện Quân y 103.

Theo Thiếu tá Tôn, công trình nghiên cứu của nhóm là kỹ thuật mới tại Việt Nam, trong nước chưa có báo cáo nào công bố sự thay đổi của các thể tích xạ trị cũng như giá trị, kết quả của kỹ thuật này. Đồng thời, quá trình thử nghiệm đã chỉ ra rằng đây là kỹ thuật an toàn, không có tai biến, biến chứng.

“Sau khi tiến hành nghiên cứu trên 27 bệnh nhân ung thư đầu cổ được áp dụng kỹ thuật đã cho thấy những kết quả bước đầu tích cực. Kỹ thuật này đã được nghiệm thu và được Học viện Quân y thông qua, triển khai thành thường quy cho tất cả các bệnh nhân ung thư đầu cổ tại Bệnh viện Quân y 103 từ tháng 1/2022. Đồng thời được lựa chọn để báo cáo tại Hội nghị phòng chống ung thư hàng năm của Hội Ung thư Việt Nam vào cuối năm 2022 và bước đầu chuyển giao cho một số cơ sở xạ trị trong nước”, Thiếu tá Tôn cho biết.

Trung úy Nguyễn Châu Phong (thành viên nhóm nghiên cứu) cho biết thêm, toàn bộ quy trình kỹ thuật này được bảo hiểm y tế chi trả, bệnh nhân không phát sinh thêm bất kỳ chi phí nào. Đặc biệt, kỹ thuật giúp tập trung liều cao vào các tổn thương đích cũng như giảm thiểu các tác dụng không mong muốn tại các tổ chức lành, tăng cường hiệu quả tiêu diệt tế bào ung thư, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư đầu cổ.

“Chúng tôi đang phát triển đề tài với số lượng bệnh nhân lớn hơn, thời gian theo dõi dài hơn để đánh giá hiệu quả lâu dài của kỹ thuật đối với bệnh nhân ung thư đầu cổ. Bên cạnh đó, chúng tôi còn triển khai 2 hướng nghiên cứu mới là áp dụng kỹ thuật xạ trị thích ứng cho các ung thư vùng lồng ngực và ung thư vùng tiểu khung với mục đích đem lại hiệu quả tốt hơn cho các bệnh nhân ung thư”, Trung úy Phong chia sẻ.

Thiếu tá Lê Thị Phương Thảo (khoa Dược, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108) tiết lộ, từ thành công của đề tài, nhóm nghiên cứu sẽ xây dựng quy trình giám sát nồng độ vancomycin trong máu trên các bệnh nhân đối tượng đặc biệt: bệnh nhân lọc máu (lọc máu liên tục và lọc máu ngắt quãng) và bệnh nhân nhi; triển khai giám sát nồng độ nhiều thuốc khác tại bệnh viện; triển khai thêm nhiều nghiên cứu dược lâm sàng khác tại bệnh viện, tập trung vào các chuyên khoa như truyền nhiễm, tim mạch và ung bướu nhằm hỗ trợ bác sĩ trong việc sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả và hợp lý trên người bệnh. (Tiền phong, trang 10).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang