Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 17/11/2017

  • |
T5g.org.vn - Vụ 8 bệnh nhân chạy thận tử vong tại Hòa Bình: Vẫn nhùng nhằng trong việc bồi thường; Nguy cơ dịch bệnh bùng phát sau mưa, lũ; Nguy cơ bùng phát dịch sởi từ hàng chục ngàn trẻ chưa được tiêm phòng; Lần đầu tại Việt Nam ghép thành công tế bào gốc không cùng huyết thống; ...

 

Vụ 8 bệnh nhân chạy thận tử vong tại Hòa Bình: Vẫn nhùng nhằng trong việc bồi thường

Liên quan đến việc bồi thường cho các nạn nhân bị tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (bệnh viện), trao đổi với báo chí, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang cho biết, nếu bệnh viện và các gia đình nạn nhân không thỏa thuận dân sự được, việc đền bù sẽ dựa trên phán quyết của tòa án, nhưng tòa án lại phải dựa vào kết luận của cơ quan điều tra.

Tạm ứng 50 triệu là quá nhỏ

Theo Sở Y tế Hòa Bình, hiện tại, bệnh viện dự kiến tạm ứng hỗ trợ trước mỗi gia đình 50 triệu đồng để lo các chi phí. Còn lại phải chờ phán quyết của tòa án. Về vấn đề này, Luật sư Lê Văn Trung (Cty Luật hợp danh Đông Nam Á) cho hay, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1, Điều 591, Bộ luật Dân sự và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Theo luật sư Trung, trách nhiệm của gia đình là liệt kê và chi tiết hóa những khoản thiệt hại mà gia đình đã bỏ ra như: Tiền áo quan, tiền hương, tiền nến, tiền khăn tang, tiền đào huyệt, tiền thuê xe chở đi chôn… Đây chỉ là khoản tiền mà gia đình muốn phía bệnh viện khắc phục trước. Luật sư Trung cho rằng, theo quy định tại khoản 1, Điều 585 về nguyên tắc bồi thường thiệt hại: “Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Do hiện nay giữa các gia đình và phía bệnh viện chưa thống nhất được số tiền bồi thường mà phải chờ tòa án giải quyết nên phải chờ phán quyết để làm căn cứ bồi thường.

Cũng theo vị luật sư này, luật không có quy định cụ thể việc tạm ứng hỗ trợ trước mỗi gia đình. Nhưng số tiền tạm ứng đưa ra 50 triệu đồng là quá nhỏ so với thiệt hại mà các gia đình phải gánh chịu, số tiền này mới chỉ tương đương với số tiền mai táng.

Ai phải chịu trách nhiệm bồi thường?

Cũng liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Cty Luật TNHH Trường Lộc) cho biết, theo quy định tại khoản 2, Điều 24, Nghị định 27/2012/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức: Viên chức khi thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được phân công có lỗi gây thiệt hại cho người khác thì đơn vị sự nghiệp công lập phải bồi thường thiệt hại do viên chức thuộc quyền quản lý gây ra theo quy định của pháp luật dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; Viên chức có lỗi gây thiệt hại cho người khác mà đơn vị sự nghiệp công lập đã bồi thường phải có nghĩa vụ hoàn trả cho đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định này.

Trao đổi với báo chí, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang cho biết, nếu bệnh viện và các gia đình nạn nhân không thỏa thuận dân sự được, việc đền bù sẽ dựa trên phán quyết của tòa án, nhưng tòa án lại phải dựa vào kết luận của cơ quan điều tra. Nếu thực hiện theo trình tự này, thời gian đền bù cho gia đình các nạn nhân sẽ kéo dài và như vậy hai bên rất nên thỏa thuận dân sự. Điểm vướng mắc nhất dẫn đến thỏa thuận không thành (cho đến thời điểm này) là mức bồi thường. Ông Nguyễn Huy Quang cho rằng, việc bệnh viện đã chủ động thỏa thuận mức hỗ trợ, đến phúng viếng tại đám tang nạn nhân là thể hiện thiện chí và việc đề nghị mức bồi thường tùy tình hình từng nạn nhân là phù hợp.

Tuy nhiên, rất khó đánh giá mức bồi thường nào phù hợp, khi tai biến làm cho 8 gia đình nạn nhân mất đi người thân, tổn thất tinh thần là rất khó đánh giá (Lao động, trang 4).

 

Trách nhiệm bồi thường vụ chạy thận tử vong ở Hòa Bình?

iên quan tới việc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình chưa bồi thường cho 8 gia đình nạn nhân chạy thận nhân tạo tử vong xảy ra 6 tháng trước, trao đổi với Tiền Phong ngày 16/11, luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Công ty Luật TNHH Trường Lộc cho biết, theo quy định tại khoản 2, Điều 24, Nghị định 27/2012/NĐ-CP Quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức: Viên chức khi thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được phân công có lỗi gây thiệt hại cho người khác thì đơn vị sự nghiệp công lập phải bồi thường thiệt hại do viên chức thuộc quyền quản lý gây ra theo quy định của pháp luật dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng;

Viên chức có lỗi gây thiệt hại cho người khác mà đơn vị sự nghiệp công lập đã bồi thường phải có nghĩa vụ hoàn trả cho đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định này.

Trước đó, ngày 13/11 xuất hiện thông tin cả 8 gia đình có nạn nhân chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình tử vong nhưng chưa được nhận tiền bồi thường sau gần 6 tháng xảy ra sự cố với lý do gia đình chưa thể xuất trình hóa đơn tài chính việc ma chay.

Theo các gia đình nạn nhân, mức bồi thường 250 triệu đồng bao gồm hỗ trợ tổn thất tinh thần, chi phí mai táng. Những gia đình có con dưới 18 tuổi sẽ tính khoản riêng.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đưa ra các mức đền bù khác nhau, thấp nhất trên 136 triệu đồng, cao nhất 242 triệu đồng kèm theo yêu cầu các gia đình phải cung cấp những hóa đơn cùng với chi phí mai táng. Tuy nhiên, gia đình nạn nhân không đồng ý với cách tính này bởi mọi người mất là như nhau, không thể căn cứ vào độ tuổi, tình trạng bệnh để tính toán mức đền bù.

Tiếp đó, phía bệnh viện đề nghị hỗ trợ trước phí mai táng, còn các khoản khác tính sau. Gia đình các bệnh nhân không đồng ý, với lý do “các khoản kia biết đến bao giờ mới được lấy?”. Hiện nay gia đình 8 nạn nhân tiếp tục gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Theo Sở Y tế Hòa Bình, hóa đơn ở đây không phải là hóa đơn đỏ, chỉ là chứng từ hoặc giấy tờ vì nếu không có bệnh viện khó quyết toán số tiền này vì không có cơ sở. Trước mắt, bệnh viện dự kiến tạm ứng hỗ trợ trước mỗi gia đình 50 triệu đồng để lo các chi phí này. Còn lại phải chờ phán quyết của tòa án (Tiền phong, trang 4).

 

Nguy cơ dịch bệnh bùng phát sau mưa, lũ

Bão số 12 và đợt lũ lụt trên diện rộng đi qua không chỉ để lại những thiệt hại nặng về người, tài sản mà hiện nay, các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ đang phải đối mặt với nguy cơ bùng phát các dịch bệnh sau mưa, lũ. Đầu giờ sáng, tại Trạm y tế xã Hành Tín Đông (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) đã có hàng chục người dân đang đợi đến lượt khám và cấp thuốc để điều trị các bệnh liên quan sau mưa, lũ. Bác sĩ Nguyễn Văn Hải, Trạm trưởng y tế xã Hành Tín Đông cho biết: Hiện nay, hầu hết người dân trên địa bàn đến trạm khám, chữa bệnh trong những ngày qua đều liên quan đến những bệnh thường gặp sau mưa, lũ như: bệnh đường hô hấp, đau mắt đỏ, nước ăn chân, ghẻ lở… với trung bình mỗi ngày khoảng hơn 30 người. Bên cạnh khám, chữa bệnh cho người dân tại trạm, Trạm y tế xã Hành Tín Đông còn thường xuyên cử cán bộ y tế xuống tới các thôn, xóm khám và cấp thuốc điều trị cho người dân mắc các bệnh ngoài da, đường tiêu hóa; đồng thời phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia công tác vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước bị ô nhiễm, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau mưa, lũ tại cộng đồng một cách có hiệu quả và kịp thời…

Đánh giá về công tác phòng, chống dịch bệnh sau mưa, lũ, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi Nguyễn Tấn Đức cho biết: Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trong đợt lũ, lụt vừa qua, toàn tỉnh có gần 14 nghìn nhà dân, 1.016 giếng nước bị ngập; hơn tám nghìn nhà tiêu bị ngập và hư hỏng. Do vậy, để chủ động phòng, chống dịch bệnh, ngành y tế tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc phương châm “Nước rút đến đâu, xử lý môi trường đến đó”. Hiện nay, hệ thống y tế tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương xuống các vùng bị ngập lụt để xử lý rác, xác súc vật chết sau khi bị nước lũ cuốn trôi, tập trung, thu gom và xử lý gọn để tránh dịch bệnh xảy ra. Cử cán bộ y tế thôn đi xuống tận nhà người dân cấp phát Cloramin B và hướng dẫn người dân cách khử trùng nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm; đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, tránh những bệnh truyền nhiễm như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp cấp, cảm cúm… Đồng thời, Trung tâm y tế tỉnh đã cấp được gần 200 cơ số thuốc điều trị đối với các bệnh ngoài da, tiêu hóa, đau mắt đỏ... để các trạm y tế kịp thời cấp phát cho người dân phòng, chống dịch bệnh sau lũ lụt.

Cũng nằm trong vùng thiệt hại do bão, ngành y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế đang huy động lực lượng cùng các cơ quan, đơn vị và người dân chung tay để khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra, trong đó trọng tâm là công tác vệ sinh môi trường, phòng ngừa bệnh dịch có nguy cơ xảy ra trên địa bàn. Phó Giám đốc Trung tâm y tế thị xã Hương Trà, bác sĩ chuyên khoa II Lê Đức Thịnh cho biết: Những trận mưa lớn liên tiếp trong những ngày qua gây ngập hơn hai phần ba số xã, phường trên địa bàn thị xã Hương Trà, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đây là thời điểm các vi sinh vật, rác, chất thải theo dòng nước tràn ra, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Do vậy, khi mưa, lũ chưa qua, đơn vị đã cắt cử cán bộ về những địa bàn nước lũ đã rút để vận động người dân vệ sinh môi trường; phối hợp tiêu độc khử trùng các khu vực có nguy cơ cao nhằm khống chế dịch bệnh…

Theo Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế, tiến sĩ Nguyễn Đình Sơn: Công tác cấp cứu và điều trị cho người bệnh sau mưa, lũ được các đơn vị y tế tại Thừa Thiên - Huế chú trọng từ nhân lực, thuốc men, bố trí giường bệnh, đến các điều kiện cần thiết để đáp ứng tốt nhất nhu cầu cấp cứu, điều trị cho người dân, nhất là những trường hợp bị tai nạn do mưa, lũ. Sở Y tế Thừa Thiên - Huế đã cấp 20 cơ số thuốc, 100 nghìn viên Cloramin B, 100 chiếc áo phao... cho tuyến y tế cơ sở để phòng, chống dịch bệnh sau mưa, lũ…

Cũng như các địa phương khác, sau khi bão số 12 đi qua, ngành y tế tỉnh Quảng Nam đã chủ động phối hợp chính quyền ở các địa phương, nhất là những vùng ngập sâu, vận động người dân ra quân dọn vệ sinh môi trường; triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam Trần Văn Hoàn cho biết, trước đợt lũ, ngành y tế đã đưa xuống cơ sở khoảng 1.600 kg Cloramin B để giúp các địa phương trong tỉnh có đủ lượng thuốc phục vụ cho việc khử khuẩn nguồn nước, vệ sinh môi trường sau mưa, lũ. Mới đây nhất, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đề nghị Viện Pasteur Nha Trang cấp thêm một tấn Cloramin B, 100 lít hóa chất diệt côn trùng, 100 nghìn viên Aquatabs khử khuẩn nước và 50 cơ số thuốc phòng bệnh mùa bão lụt. Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tổ chức đội phun thuốc sát trùng tại những khu vực chăn nuôi hộ gia đình; chợ mua bán gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm; nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm; hướng dẫn người dân các bước thực hiện trước khi phun hóa chất theo đúng quy trình mà cơ quan chuyên môn đề ra…

Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết: Trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau mùa mưa, lũ, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị y tế cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng và người dân tổ chức vệ sinh môi trường, với phương châm “nước rút tới đâu - vệ sinh môi trường tới đó”; tiến hành phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại những vùng có nguy cơ, nhất là tổ chức giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa, lũ, ngập lụt. Cấp hóa chất, hướng dẫn người dân triển khai thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt bằng Cloramin B, Aquatabs, hoặc những hóa chất khử khuẩn khác tại các vùng bị ngập lụt; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau mưa, lũ mà ngành y tế đã đưa ra…

Ngoài ra, Bộ Y tế đã kịp thời hỗ trợ một số địa phương các cơ số thuốc phòng, chống lụt, bão; Cloramin B khử khuẩn, bộ dụng cụ phòng, chống lụt bão ... Đồng thời, yêu cầu các địa phương tổng hợp, báo cáo thiệt hại về cơ sở, vật chất, trang thiết bị; nhu cầu thuốc, Cloramin B khử trùng nước sinh hoạt, hóa chất phòng chống dịch bệnh, để Bộ Y tế có phương án hỗ trợ các địa phương trong thời gian sớm nhất (Nhân dân, trang 8).

 

Nguy cơ bùng phát dịch sởi từ hàng chục ngàn trẻ chưa được tiêm phòng

Hiện nay, số người mắc sởi ngày càng tăng, cả trẻ em và người lớn, trong đó, chủ yếu là những người sống ở địa bàn Hà Nội và đã có 1 ca tử vong. Theo ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, bệnh sởi thường phát triển mạnh vào mùa đông – xuân, nhưng năm nay lại bùng phát nhanh ngay ở thời điểm mùa thu. Dịch đang diễn biến phức tạp, khi đã xuất hiện tại 25 quận, huyện, tập trung chủ yếu ở nội thành. Trẻ nhỏ từ 9-18 tháng tuổi chưa được tiêm phòng sởi đầy đủ có nguy cơ mắc bệnh rất cao.

“Điều đáng lo ngại là dù tỷ lệ tiêm chủng ở Hà Nội luôn đạt trên 95%, song trong 5 năm qua vẫn có tới 14.370 trẻ dưới 1 tuổi và 18.265 trẻ từ 1- 2 tuổi chưa được tiêm vaccine phòng sởi. Như vậy, hiện nay toàn thành phố Hà Nội đang có khoảng 32.000 trẻ có nguy cơ mắc sởi cao" - ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết. Theo ông Nguyễn Khắc Hiền- Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện nay số mắc sốt phát ban nghi sởi và số dương tính với sởi tăng nhiều so với cùng kỳ 2016. Trước diễn biến khó lường của dịch sởi, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Trung tâm y tế các quận, huyện ưu tiên nguồn lực cho công tác tiêm chủng tại thời điểm này.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết thêm, để ngăn chặn bùng phát bệnh sởi, Sở Y tế đã có công văn khẩn gửi các đơn vị ngành y tế, cả trong và ngoài công lập, yêu cầu tăng cường công tác khám và điều trị bệnh sởi. Đặc biệt, toàn thành phố đã tăng tần suất tiêm chủng tại các trạm y tế từ 1 lần/tháng lên 4 lần/tháng, trải đều trong các tuần để phòng những trường hợp trẻ đến lịch nhưng chưa tiêm được do ốm hay những lý do khách quan, sẽ được tiêm bổ sung ngay tuần sau, để giảm tình trạng quá tại tại các điểm tiêm vào ngày 4,5 hàng tháng như trước đó. Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tổ chức giám sát chặt chẽ, nhằm phát hiện sớm trường họp bệnh tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế; tổ chức cách ly, điều trị kịp thời tránh lây lan, đồng thời xử lý triệt để khu vực phát sinh bệnh nhân, ổ dịch".

Theo các chuyên gia, bệnh sởi thường bắt đầu với một cơn sốt khá nhẹ, kèm theo những triệu chứng như ho, chảy mũi, mắt đỏ và đau cổ họng. Khoảng 2, 3 ngày sau, đốm Koplik nổi lên-đây là dấu hiệu đặc biệt của bệnh sởi. Sau đó, bệnh nhân có thể bị sốt cao cùng với những mảng đỏ nổi lên, thường ở trên mặt, theo đường tóc và sau tai. Những vết đỏ hơi ngứa có thể dấn lan xuống ngực, lưng và cuối cùng xuống tới đùi và bàn chân. Khoảng một tuần sau, những vết nhỏ này sẽ nhạt dần, vết nào xuất hiện trước sẽ hết trước (Công an nhân dân, trang 2).

 

Lần đầu tại Việt Nam ghép thành công tế bào gốc không cùng huyết thống

Ngày 16-11, Bệnh viện (BV) Truyền máu – Huyết học TPHCM thông tin, vừa thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc (TBG) tạo máu từ máu ngoại vi không cùng huyết thống đầu tiên tại Việt Nam. Đây là một bước tiến vượt bậc trong công tác điều trị, mở ra hướng đi mới và hy vọng chữa khỏi bệnh cho người bệnh mắc các bệnh lý ác tính không tìm được người cho tế bào gốc cùng huyết thống phù hợp.

Trước đó, ngày 15-5, BV Truyền máu – Huyết học TPHCM đã tiếp nhận điều trị cho anh Q.D.A., (25 tuổi, ngụ tại Cà Mau), được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy mono bào (JMML), không tìm được người cho tế bào gốc thuận hợp (HLA) hoàn toàn có cùng huyết thống.

Ngày 1-7, BV đã khởi động chương trình tìm người hiến tế bào gốc tại Trung tâm Tzu Chi (lãnh thổ Đài Loan) và đến ngày 14-7, Trung tâm Tzu Chi thông báo đã tìm được người đồng ý hiến tế bào gốc có HLA phù hợp hoàn toàn với người bệnh.

Ngày 20-9, BV  đã thực hiện ca ghép tế bào gốc tạo máu từ máu ngoại vi không cùng huyết thống đầu tiên tại Việt Nam cho anh Q.D.A, với mẫu tế bào gốc được cung cấp bởi Trung tâm Tzu Chi. Diễn tiến cuộc ghép được theo dõi sát bởi đội ngũ chuyên gia có hơn 20 năm kinh nghiệm ghép tế bào gốc tạo máu của BV Truyền máu - Huyết học TPHCM.

Hiện tại, người bệnh đã bước sang ngày thứ 57 của quá trình ghép, sức khỏe anh Q.D.A., dần ổn định, kết quả xét nghiệm xác định tỉ lệ mọc mảnh ghép (Chimerism) cho thấy 100% tế bào là của người hiến tặng tế bào gốc.

Theo BS-CKII Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TPHCM, Hiện nay, có một số bệnh lý Huyết học ác tính (ung thư) chỉ có phương pháp duy nhất để điều trị hiệu quả và có thể hết bệnh là dị ghép tế bào gốc tạo máu từ người cho khỏe mạnh.

Kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu có 2 phương pháp chính: Tự ghép TBG, nghĩa là thu thập TBG của bệnh nhân sau lui bệnh, hoặc đáp ứng tốt với hóa trị, ghép tươi hoặc lưu trữ và tiến hành ghép trả lại cho bệnh nhân. Phương pháp này chỉ áp dụng cho một số bệnh nhân và có nguy cơ tái phát sau này; Dị ghép TBG hay ghép đồng loại nghĩa là ghép tế bào gốc tạo máu của người khác phù hợp với kháng nguyên hòa hợp tổ chức (HLA) với bệnh nhân. Phương pháp này chỉ áp dụng cho những bệnh lý ác máu tính có nguy cơ cao hoặc bệnh tái phát kháng trị và các bệnh lý về máu lành tính, di truyền.

BV Truyền máu – Huyết học đã triển khai thành công kỹ thuật dị ghép tế bào gốc tạo máu (ghép đồng loại) từ năm 1995. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là nhiều trường hợp người bệnh không tìm được người cho tế bào gốc phù hợp HLA đồng huyết thống. Trong khi đó, cho đến nay, tại Việt Nam vẫn chưa có Ngân hàng tế bào gốc từ nguồn người hiến tình nguyện. Do đó, một số trường hợp người bệnh phải ra nước ngoài để tìm nguồn tế bào gốc phù hợp.

Nhằm mở rộng nguồn tìm kiếm mẫu tế bào gốc phục vụ cho việc điều trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu, BV Truyền máu - Huyết học TPHCM đã làm việc với một số đối tác là các Ngân hàng tế bào gốc lớn ở nước ngoài, trong đó có Trung tâm ghép Tzu Chi (Đài Loan). Trung tâm ghép Tzu Chi (Đài Loan) là một trong những Trung tâm lưu trữ tế bào gốc lớn nhất ở Châu Á. Trung tâm này đã cung cấp tế bào gốc cho các cơ sở điều trị ở 30 quốc gia trên thế giới với tổng số người bệnh được nhận tế bào gốc là 4.498 người. Nhận thấy đây là một đối tác phù hợp và tiềm năng nên ngày 15-4-2016, BV.TMHH đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác với Trung tâm ghép Tzu Chi. Theo thỏa thuận, Trung tâm Tzu Chi sẽ thực hiện xét nghiệm HLA để tìm được người cho thuận hợp HLA hoàn toàn và cung cấp mẫu tế bào gốc cho BV Truyền máu - Huyết học TPHCM thực hiện kỹ thuật ghép đồng loại (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang