Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 17/1/2018

  • |
T5g.org.vn - Trời nồm ẩm, ghi nhận 3 ca bệnh sởi đầu tiên trong năm 2018; Tiêm nhiều loại vắc-xin trong một buổi có an toàn cho trẻ?; Bệnh nhân ung thư máu không bị gián đoạn điều trị do thiếu thuốc viện trợ

 

Trời nồm ẩm, ghi nhận 3 ca bệnh sởi đầu tiên trong năm 2018

Ngày 16-1, theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 8-1 đến 14-1), trên địa bàn thành phố ghi nhận 7 trường hợp sốt phát ban, trong đó có 3 trường hợp dương tính với sởi. Đây cũng là 3 trường hợp mắc bệnh sởi đầu tiên trong năm 2018.

Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trong công tác phòng dịch bệnh mùa đông - xuân năm 2018, thành phố đặt mục tiêu không để dịch bệnh sởi bùng phát như dịch sốt xuất huyết trong năm 2017.

Để đạt mục tiêu này, cần phải đẩy mạnh công tác tiêm chủng. Hiện nay, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã đã chỉ đạo trạm y tế các xã, phường, thị trấn tiếp tục tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ 9 tháng đến dưới 5 tuổi, đồng thời tổ chức tốt việc tiêm chủng thường xuyên theo quy định. (Hà nội mới, trang 1).

 

Tiêm nhiều loại vắc-xin trong một buổi có an toàn cho trẻ?

Theo lịch tiêm chủng cho trẻ em, một số loại vắc-xin được tiêm chủng trong cùng một buổi tiêm chủng hoặc do trì hoãn tiêm chủng theo lịch, một số trẻ được chỉ định tiêm bù, có thể dùng từ hai loại vắc-xin trong một buổi tiêm chủng. Một số cha mẹ bày tỏ băn khoăn khi cùng lúc dùng nhiều vắc-xin.

Tiêm chủng đầy đủ để trẻ được bảo vệ

Mới đây, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia có nhận được phản ánh từ một số cha mẹ về việc con của họ được uống vắc-xin bại liệt chung với vắc-xin “5 trong 1” Quinvaxem. Ý kiến có nêu: “Tôi cảm thấy băn khoăn vì cùng lúc nhiều vắc-xin như vậy có làm tăng nguy cơ phản ứng, sốt cao hơn cho con của mình?”.

Về vấn đề nêu trên, chuyên gia Dự án Tiêm chủng mở rộng (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) chia sẻ, theo lịch tiêm chủng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, trẻ khi đủ 2, 3, 4 tháng tuổi sẽ được uống vắc-xin bại liệt và được tiêm vắc-xin phối hợp phòng 5 bệnh là bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan b - Hib (“vắc-xin 5 trong 1”) trong buổi tiêm chủng thường xuyên hàng tháng. Việc tiêm chủng nhiều loại vắc-xin trong cùng một buổi không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ cũng như khả năng sinh miễn dịch của mỗi vắc-xin. Việc tiêm chủng nhiều loại vắc-xin trong cùng một buổi tiêm chủng cho trẻ sẽ giảm số lần cha mẹ phải đưa trẻ tới điểm tiêm chủng và đảm bảo cho trẻ được tiêm chủng đúng lịch, hạn chế tình trạng tiêm muộn, bỏ mũi do cha mẹ quên lịch hoặc trẻ bị ốm.

Các chuyên gia tiêm chủng cho hay, cũng có trường hợp khi 2 tháng tuổi trẻ mới được gia đình đưa đi tiêm phòng lao. Lúc này, cán bộ tiêm chủng tư vấn: cùng với tiêm vắc-xin lao, bé cần tiêm thêm mũi vắc-xin “5 trong 1 Quinvaxem” và uống vắc-xin bại liệt.

Với các trường hợp tiêm nhiều như vậy, các gia đình thường băn khoăn, lo ngại về nguy cơ gia tăng các phản ứng không mong muốn. Về vấn đề này, Dự án Tiêm chủng mở rộng - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, theo lịch tiêm chủng, trẻ cần được tiêm vắc-xin phòng lao (BCG) lúc sơ sinh. Trẻ 2 tháng tuổi cần được uống vắc-xin bại liệt và tiêm vắc-xin phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - Hib (vắc-xin “5 trong 1”). Với trẻ 2 tháng tuổi nếu chưa tiêm chủng các loại vắc-xin trên thì cần được tiêm chủng trong buổi tiêm chủng thường xuyên; tiêm chủng các loại vắc-xin đó trong cùng một buổi tiêm chủng là đúng. Chuyên gia cũng lưu ý thêm “Việc tiêm chủng nhiều loại vắc-xin trong cùng một buổi tiêm chủng không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Với trẻ 2 tháng tuổi nêu trên, sau lần tiêm chủng đó, trẻ cần tiếp tục được tiêm chủng lần 2 và lần 3 vắc-xin bại liệt và vắc-xin “5 trong 1” cách nhau 1 tháng”. Lưu ý, cần tiêm ở những vị trí khác nhau với trẻ tiêm chủng nhiều mũi trong một buổi tiêm chủng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 12).

 

Bệnh nhân ung thư máu không bị gián đoạn điều trị do thiếu thuốc viện trợ

Thông tin thiếu thuốc viện trợ Glivec 100mg phục vụ cho công tác điều trị ung thư máu của các bệnh nhân tại một số cơ sở y tế phía Nam và phía Bắc đã và đang gây lo lắng cho người bệnh. Tuy nhiên, theo thông tin phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống tìm hiểu thì hiện vấn đề này đã có những giải pháp tháo gỡ

Xin phương án điều chuyển thuốc BHYT sang dùng tạm thời

Liên quan đến thông tin tại Viện Huyết học – Truyền máu TW cùng một số cơ sở y tế khác đang thiếu thuốc  Glivec 100mg và Tasigna 200mg  cho người điều trị ung thư máu, chiều ngày 16/1, TS.Bạch Quốc Khánh- Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu  TW cho biết, hiện tại  đang có khoảng 400- 500 bệnh nhân ung thư điều trị bằng thuốc Glivec 100mg và Tasigna 200mg tại Viện Huyết học - Truyền máu TW.

Hiện các bệnh nhân này duy trì thuốc Glivec 100mg và Tasigna 200mg điều trị ung thư  bằng hai nguồn khác nhau là nguồn viện trợ và nguồn từ Quỹ BHYT. Hiện nay nguồn thuốc viện trợ tạm thời đang hết. Để phục vụ nhu cầu điều trị của bệnh nhân, Viện vẫn duy trì để bệnh nhân sử dụng thuốc bằng nguồn BHYT, tuy nhiên liều có ít hơn liều thường ngày.

“Chúng tôi khẳng định không có chuyện bệnh nhân bị đứt đoạn điều trị do thiếu thuốc bởi hiện nay chúng tôi vẫn còn thuốc BHYT”- TS. Bạch Quốc Khánh nói

Theo thông tin của TS Bạch Quốc Khánh: Hiện Viện Huyết học –Truyền máu TW đã trao đổi với lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Vụ Bảo hiểm y tế, Cục Quản lý Dược của Bộ Y tế để có phương án xử lý điều chỉnh thuốc từ nguồn BHYT sang thuốc viện trợ, nhằm phục vụ nhu cầu điều trị của bệnh nhân. Khi có thuốc viện trợ về, lại chuyển từ nguồn đó sang bù cho thuốc BHYT.

TS Bạch Quốc Khánh cũng cho biết thêm, hiện Viện Huyết học –Truyền máu TW đã nhận được  văn bản thông báo Nghị quyết số 05/NQ-CP về việc phê duyệt tiếp nhận thuốc viện trợ Glivec do Công ty Novartis Pharma Service AG – Thụy Sĩ cung cấp do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký ban hành.  Theo Nghị quyết của Chính phủ, Viện Huyết học - Truyền máu TW được tiếp nhận 247.440 hộp Glivec.

Đồng thời, Viện cũng đã nhận được các hướng dẫn cụ thể của Cục Quản lý Dược, do đó chúng tôi đang nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để tiếp nhận nguồn thuốc viện trợ nhanh nhất.

Tại Bệnh viện K, theo thông tin mà phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống có được chiều ngày 16/1 thì nguồn thuốc  viện trợ Glivec  vẫn đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân.

Chính phủ đồng ý nhập thuốc điều trị ung thư viện trợ theo quy định cũ

Về phía Cục Quản lý Dược, trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống, lãnh đạo Cục Quản lý Dược cho biết, ngày 12/1, Chính phủ đã có Nghị quyết đồng ý cho bốn viện/bệnh viện được tiếp nhận thuốc viện trợ Glivec với hồ sơ nhập khẩu thực hiện theo quy định cũ.

Theo Nghị quyết số 05 của Chính phủ Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký ban hành và gửi hỏa tốc cho các thành viên Chính phủ, Bộ Y tế và các viện/bệnh viện có liên quan, Chính phủ đồng ý cho bốn viện/bệnh viện được tiếp nhận thuốc viện trợ Glivec (Công ty Novartis Pharam Service AG- Thụy Sĩ cung cấp) với hồ sơ nhập khẩu thực hiện theo quy định cũ là quy định tại thông tư 47/2010/TT-BYT  của Bộ Y tế (hướng dẫn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thuốc và bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc).

Cụ thể, Viện Huyết học -  Truyền máu TW được tiếp nhận 247.440 viên (tương đương với 247.440 hộp); Bệnh viện Chợ Rẫy 1.888 hộp, Bệnh viện Ung bướu TP.Hồ Chí Minh 1.603 hộp và Bệnh viện Truyền máu-huyết học TP.Hồ Chí Minh 4.804 hộp.

Phó thủ tưởng cũng yêu cầu Bộ Y tế và bốn viện/bệnh viện nói trên chịu trách nhiệm giám sát quá trình nhập khẩu, kiểm dịch, thử nghiệm chất lượng, thực hiện hậu kiểm lô thuốc; chất lượng, an toàn và hiệu quả của thuốc khi sử dụng.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Lãnh đạo Cục Quản lý Dược cũng khẳng định: Ngày 16/1, Cục Quản lý Dược đã gửi công văn hỏa tốc số 765/QLD-KD đến Sở Y tế TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và các viện/bệnh viện liên quan (4 viện/bệnh viện trên) đề nghị khẩn trương lập hồ sơ đề nghị nhập khẩu  thuốc viện trợ Glivec gửi cơ quan có thẩm quyền, theo quy định tại Thông tư 47 để được xem xét đối với các lô thuốc viện trợ Glivec.

Công văn của Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu Sở Y tế hai thành phố trên khẩn trương giải quyết hồ sơ đề nghị nhập khẩu thuốc viện trợ đối với các lô thuốc Glivec; giám sát việc nhập khẩu lô thuốc trên và tiến hành hậu kiểm khi đưa vào sử dụng.

Công văn của Cục Quản lý Dược cũng nêu rõ: Đối với thuóc có hạn dùng còn lại ngắn hơn 12 tháng, Cục Quản lý Dược đồng ý để bệnh viện được tiếp nhận sau khi được Sở Y tế cấp phép nhập khẩu.

Về phía các bệnh viện phải chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn, hiệu quả của thuốc và chỉ đưa vào sử dụng những thuốc còn hạn dùng và đảm bảo chất lượng. Bệnh viện phải có kế hoạch sử dụng và điều chuyển giữa các đơn vị tham gia Chương trình hỗ trợ thuốc Glivec, Tasigna cho người bệnh có thẻ BHYT giai đoạn 2015-2019 đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt, tránh để thuốc hết hạn sử dụng gây lãng phí. (Sức khỏe & Đời sống trang 3).

 

Thay chỏm quay nhân tạo cứu chức năng vận động của người bệnh

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, BV Việt Đức cho biết, trong các trường hợp chấn thương vỡ nát chỏm xương quay phức tạp, không thể đặt lại xương, cố định lại bằng kim hoặc vít, bác sĩ bắt buộc phải lấy bỏ chỏm xương quay bị vỡ, bệnh nhân có nguy cơ mất vững khớp khuỷu, khiến cho việc cầm, nắm, nâng vật khó khăn, co duỗi khuỷu hoặc sấp ngửa bàn tay không được như bình thường.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, BV Việt Đức cho biết, chỏm quay tuy nhỏ nhưng là một khớp độc lập, rất quan trọng ở khớp khuỷu tay, chức năng của chỏm quay là quay xung quanh xương trụ, giúp khuỷu tay có thể quay, co duỗi, lật sấp ngửa, đồng thời góp phần tạo nên lực của cánh tay.  Trong nhiều trường hợp chấn thương, hay tai nạn bệnh nhân thường bị vỡ, hoặc rạn xương khớp ở khu vực này. Với mức độ nhẹ, bác sĩ thường chỉ định cố định, kết hợp xương hoặc đặt lại xương bằng các dụng cụ. Tuy nhiên với các ca bệnh nặng, chỏm xương quay bị vỡ thành nhiều mảnh, không có khả năng kết hợp hoặc đặt lại xương, bác sĩ chỉ còn cách duy nhất là lấy các mảnh vỡ ra khỏi khớp của bệnh nhân bởi nếu không các mảnh  vỡ sẽ bị kẹt trong khớp khiến bệnh nhân vận động khó khăn, cứng khớp, nặng sẽ bị đau khớp.

Gãy chỏm quay – chấn thương thường gặp

PGS Khánh  cho biết, bệnh nhân tên là Nguyễn An V,. 24 tuổi, ở tại phố 6 Bình Phú, Thạch Thất, Hà Nội, nhập viện vì tai nạn xe máy với nhiều tổn thương: chấn thương hàm mặt, gãy răng cửa, gãy chỏm xương quay tay phải phức tạp độ 4 và gãy đầu dưới xương quay.  Bố của bệnh nhân V. – ông Nguyễn Phi Hùng cho biết, khi bị tai nạn, V. được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện huyện Thạch Thất, sau đó được chuyển lên BV Việt Đức. Khi tai nạn xảy ra, khuỷu tay cháu rất đau, sưng, sau khi chiếu chụp, bác sĩ cho biết cháu bị gãy 2 chỗ ở tay rất  phức tạp và có chỉ định phẫu thuật.

PGS  Khánh – người đã trực tiếp tiến hành ca phẫu thuật chia sẻ, đây là một bệnh nhân trẻ tuổi, lại bị tai nạn bên tay thuận, tương lai còn rất dài phía trước, nên các bác sĩ cố gắng hết sức phục hồi chức năng vận động của bệnh nhân. Khi mổ ra, riêng phần chỏm quay, bác sĩ đã lấy được 6 mảnh vỡ, khả năng ghép xương, đặt lại xương là điều không thể  vì mỗi mảnh vỡ ở chỏm quay có kích thước rất nhỏ 0,5cm (5mm), không thể đặt bằng kim. Các bác sĩ đã tiến hành thay khớp chỏm quay cho bệnh nhân V.  Qua trao đổi với phóng viên, người nhà bệnh nhân V cho biết, đến thời điểm này, bệnh nhân đã có thể co hết, duỗi, úp và ngửa tay được.

Cũng bị chấn thương nặng do tai nạn, nhưng phức tạp hơn,  bệnh nhân Phạm Văn H. , 25 tuổi, ở Khánh Thiện, Yên Khánh, Ninh Bình nhập viện trong tình trạng vỡ mỏm khuỷu, vỡ mỏm vẹt nhỏ, vỡ trật phức tạp chỏm xương quay độ 4, PGS Khánh cho hay. Nguyên nhân là do bệnh nhân bị ngã ở độ cao 2m trong khi đang lao động. Với trường hợp này nếu chỉ lấy bỏ mỏm khuỷu bị vỡ, mỏm vẹt không có khả năng cứu chữa, chắc chắn khớp khuỷu của bệnh nhân sẽ mất vững, khớp có xu hướng bị trật. Đây là bệnh nhân thương tổn rất nặng, các bác sĩ phải đồng thời tiến hành 3 kỹ thuật thay chỏm quay nhân tạo, cố định mỏm khuỷu, đặt lại khớp khuỷu và cố định lại.

Thay  chỏm quay  nhân tạo trong các trường hợp gãy chỏm quay phức tạp

PGS Khánh cho biết, chấn thương khớp khuỷu với tổn thương gãy chỏm quay là chấn thương thường gặp, tuy nhiên tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ cho chỉ định phù hợp. Với gãy chỏm quay mức độ nhẹ, độ 1, 2 có chỉ định đặt lại xương, cố định bằng kim, vít… Với trường hợp gãy vụn, gãy phức tạp thì  bắt buộc phải lấy bỏ chỏm quay. Trước đây, trong những trường hợp vỡ nát chỏm xương quay, bác sĩ chỉ có thể lấy các mảnh vỡ ra khỏi khớp của người bệnh, nếu không các mảnh khớp bị kẹt trong khớp sẽ càng khiến bệnh nhận vận động khó khăn. Khi lấy bỏ chỏm quay,  nguy cơ bệnh nhân sẽ bị cứng khớp hoặc hạn chế gấp duỗi khớp khuỷu, mất vững thậm chí có thể gây trật khớp.

PGS Khánh chia sẻ, thời gian trước do kỹ thuật chưa đáp ứng, trang thiết bị chưa có, nên chúng ta chưa thực hiện các ca phẫu thuật như vậy. Tuy nhiên, đến nay, Bệnh viện Việt Đức đã tiến hành những ca thay chỏm quay nhân tạo đầu tiên, dự kiến kỹ thuật này sẽ được thực hiện thường xuyên tại bệnh viện. Mỗi phẫu thuật thay chỏm quay nhân tạo chỉ mất khoảng 20 phút, với các vật liệu khớp nhân tạo trơ sinh học, sau ghép bệnh nhân không phải dùng thuốc chống thải ghép vì khớp không gây phản ứng thải ghép. Kỹ thuật thay chỏm quay nhân tạo được đưa vào thực hiện sẽ  đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh,  giúp người bệnh phục hồi chức năng vận động của khớp khuỷu tay trong các trường hợp chấn thương ở vùng chỏm quay. (Sức khỏe & Đời sống, trang 4).

 

Tiếp nhận hơn 255.000 viên thuốc trị ung thư từ nguồn viện trợ

Cục Quản lý dược đồng thời cũng yêu cầu Sở Y tế hai thành phố Hà Nội, TP.HCM khẩn trương giải quyết hồ sơ các BV đề nghị nhập khẩu thuốc viện trợ đối với các lô thuốc Glivec...

Ngày 16.1, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã gửi công văn hỏa tốc đến Sở Y tế TP.Hà Nội, Sở Y tế TP.HCM và các bệnh viện (BV): Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, BV Chợ Rẫy, BV Ung bướu TP.HCM và BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM, đề nghị các đơn vị này khẩn trương lập hồ sơ đề nghị nhập khẩu thuốc viện trợ Glivec gửi cơ quan có thẩm quyền để được xem xét đối với các lô thuốc viện trợ Glivec.

Cục Quản lý dược đồng thời cũng yêu cầu Sở Y tế hai thành phố trên khẩn trương giải quyết hồ sơ các BV đề nghị nhập khẩu thuốc viện trợ đối với các lô thuốc Glivec; giám sát việc nhập khẩu lô thuốc trên và tiến hành hậu kiểm khi đưa vào sử dụng. Các BV phải chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn, hiệu quả của thuốc.

Cục này lưu ý các BV phải có kế hoạch sử dụng và điều chuyển giữa các đơn vị tham gia Chương trình hỗ trợ thuốc Glivec, Tasigna cho người bệnh có thẻ BHYT giai đoạn 2015 - 2019 đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt, tránh để thuốc hết hạn sử dụng gây lãng phí. Trước đó, Chính phủ đã đồng ý cho 4 BV được tiếp nhận hơn 255.000 viên thuốc viện trợ Glivec (Công ty Novartis Pharam Service AG - Thụy Sĩ cung cấp).

Hai thuốc trên được hỗ trợ cho người bệnh điều trị ung thư là bạch cầu tủy. Quỹ BHYT thanh toán 40% chi phí thuốc, nhà sản xuất thuốc hỗ trợ người bệnh 60% chi phí theo liệu trình điều trị. Đối tượng được hưởng là người bệnh tham gia BHYT liên tục hơn 36 tháng. Do thuốc Glivec viện trợ hết từ mấy ngày qua đã khiến hàng ngàn bệnh nhân điều trị ung thư ở các BV TP.HCM bị ảnh hưởng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 5).

 

Cứu sống người bệnh mang khối u gan nặng 2,5 kg

Ngày 15-1, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội) cho biết, các bác sĩ Khoa Ngoại Gan mật tụy của bệnh viện này đã phẫu thuật bóc tách khối u gan trái nặng khoảng 2,5kg cho người bệnh Bùi Tiến D. (45 tuổi, quê ở Thái Nguyên). Người bệnh nhập viện ngày 27-12-2017 trong tình trạng đau tức vùng bụng. Chụp cắt lớp ổ bụng, các bác sĩ xác định có u gan đa ổ (hàng chục khối) ở gan trái và một phần gan phải. Nhận thấy khối u với kích thước quá lớn và có thể gây nguy hiểm tính mạng người bệnh, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật để loại bỏ hoàn toàn khối u.

Sau gần 4 giờ thực hiện, kíp mổ cắt gan trái và một phần thùy trước theo phương pháp Tôn Thất Tùng, lấy hai nhân phân thùy sau gan phải. Hiện sức khỏe người bệnh ổn định. (Nhân dân, trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang