Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 17/4/2018

  • |
T5g.org.vn - Văcxin ComBE Five: an toàn hơn?; Chủ tịch Hà Nội yêu cầu làm rõ vụ bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn bị đánh; Giới bác sĩ phẫn nộ trước nạn bạo hành y tế; Thay vaccin Quinvaxem cùng 2 loại vaccine khác trong tiêm chủng mở rộng; Siết chặt kiểm tra để ngừa thuốc giả

 

Văcxin ComBE Five: an toàn hơn?

Từ tháng 6-2018, văcxin 5 trong 1 mới ComBE Five - do Công ty Biological, Ấn Độ sản xuất - được sử dụng tại Việt Nam thay thế văcxin Quinvaxem đã ngưng sản xuất, Bộ Y tế thông báo trong ngày 16-4.

Đã có 300 triệu liều văcxin ComBE Five được sử dụng ở 43 nước trên thế giới. Việt Nam là nước thứ 44 và sẽ sử dụng khoảng 5 triệu liều/năm. Rất nhiều câu hỏi được gửi đến Bộ Y tế và Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, tại cuộc họp báo ngày 16-4 về chuyển đổi văcxin, trong đó có ComBE Five. Quan tâm lớn nhất là: tính an toàn của văcxin ComBE Five.

Độ an toàn ra sao?

Theo ông Trần Như Dương - phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, ComBe Five được phát triển từ những năm 1980. Bước tiến của văcxin này là năm 2010, khi Biological phát triển và đăng ký thành công ComBE Five 5 thành phần dung dịch toàn phần tại Ấn Độ.

Ông Dương cho hay năm 2012, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tiền thẩm định văcxin dạng dung dịch, nhà sản xuất này cũng đã trúng thầu cung cấp ComBE Five cho chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng thông thường tại trên 40 quốc gia.

Tuy nhiên báo giới rất e ngại về tính an toàn, nhất là khi văcxin mới ComBE Five có thành phần tương tự văcxin Quinvaxem, tức là có thành phần ho gà toàn tế bào, có đường dùng, cách đóng gói, chỉ định tiêm giống Quinvaxem.

Theo ông Dương, ở thời điểm Ấn Độ sử dụng được 40 triệu liều ComBE Five, báo cáo ghi nhận có 11 ca phản ứng nặng sau tiêm. Trong số này có 5/11 sốt cao, co giật, khó thở... nhưng được cấp cứu kịp thời, không để lại di chứng, 6/11 bé tử vong, nhưng qua khảo sát cho thấy có 1 bé viêm phổi, 1 nhiễm trùng huyết, 1 gặp hội chứng tử vong đột ngột ở trẻ sơ sinh... Tức là chưa có bằng chứng liên quan giữa văcxin và các trường hợp tử vong.

Tại VN, văcxin này đã được sử dụng thí điểm nhóm nhỏ ở bốn huyện Bình Lục, Kim Bảng, Thanh Liêm và Lý Nhân (tỉnh Hà Nam). Kết quả theo dõi 28 ngày sau tiêm cho thấy 70-86,7% các cháu có đau chỗ tiêm; 35,7-39,3% có bị đỏ và quầng đỏ ở vị trí tiêm; 34,4-39,1% các cháu có sốt; 8,9-24% các cháu có bỏ bú, bỏ ăn... "Không ghi nhận phản ứng nặng sau tiêm" - ông Dương nói.

Làm gì để bảo đảm an toàn?

Theo báo cáo của Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, năm 2017 có 27 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng tại 19 tỉnh thành. 

Tính theo số loại văcxin sử dụng cho thấy có 5 ca phản ứng sau dùng văcxin BCG phòng bệnh lao, 6 ca sau dùng văcxin viêm gan B, 2 ca sau dùng văcxin viêm gan B và BCG, 1 ca sau dùng văcxin Quinvaxem, 8 ca sau dùng Quinvaxem và OPV phòng bại liệt, 1 trường hợp vừa dùng Quinvaxem, OPV và BCG, 3 ca sau dùng văcxin ngừa uốn ván, 1 ca sau dùng văcxin viêm não Nhật Bản.

Mặc dù qua đánh giá nguyên nhân, có tới 14 trường hợp chưa rõ, 9 cháu liên quan đến phản ứng của văcxin (phản ứng quá mẫn, sốc phản vệ) và 4 cháu là do bệnh trùng hợp, nhưng số liệu này cho thấy số trường hợp phản ứng nặng liên quan đến văcxin Quinvaxem, tức là loại văcxin tương tự ComBE Five, là cao nhất. Điều đó cho thấy khi chuyển đổi văcxin, rất cần những biện pháp để bảo đảm an toàn.

Theo ông Trần Minh Điển - phó giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, khám sàng lọc trước tiêm thật kỹ lưỡng để có chỉ định hoàn tiêm, ngừng tiêm các cháu đang có ốm, sốt, có bệnh sẵn có... là biện pháp bảo đảm an toàn quan trọng nhất.

Theo ông Điển, "trước khi đưa con đi tiêm chủng, bà mẹ cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, phiếu tiêm chủng và theo dõi sức khỏe của trẻ, thông báo với cán bộ y tế về tiền sử bệnh tật, việc dùng thuốc và các phản ứng sau tiêm ở những lần trước". Còn cán bộ y tế khai thác kỹ tiền sử bệnh tật, sử dụng thuốc, tiền sử tiêm chủng và phản ứng sau tiêm, khám sàng lọc kỹ lưỡng, hướng dẫn bà mẹ cách theo dõi trẻ...

Với những trẻ có bệnh lý, ông Điển hướng dẫn gia đình nên đưa trẻ đến các phòng tiêm của bệnh viện chuyên khoa để có bác sĩ chuyên khoa khám sàng lọc và chỉ định tiêm hay hoãn tiêm chủng cho trẻ.

Có nguy cơ dịch bệnh nếu không tiêm

Có một vòng luẩn quẩn của tiêm chủng được ông Trần Minh Điển nêu tại họp báo: khi có tai biến sau tiêm thì các gia đình e ngại, không đưa con đi tiêm chủng, nhưng khi tỉ lệ tiêm giảm xuống thì dịch lại bùng lên. Ở Nhật Bản cuối thập niên 1990 từng có 2 trẻ tử vong sau tiêm văcxin có thành phần ho gà, tỉ lệ tiêm ngừa giảm xuống và năm sau đó dịch xuất hiện ở nhiều tỉnh thành.

"Từ đầu năm đến nay có gần 40 trẻ mắc ho gà, khoảng 50 trẻ mắc sởi vào viện, nhiều cháu mắc ho gà gặp tình trạng tăng áp lực động mạch phổi rất nguy hiểm tới tính mạng" - ông Điển cho hay. Thống kê của Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng cho biết số trường hợp mắc ho gà năm 2017 tăng so với 2016, cao nhất là tại Hà Nội, Quảng Ninh, Yên Bái, Đắk Lắk, Hải Dương, TP.HCM và đã có 2 trẻ tử vong.

Qua phân tích các ca mắc, xấp xỉ 40% các cháu chưa được tiêm chủng, trên 13% chưa được tiêm đủ mũi, nhưng cũng có 8% các cháu là đã tiêm đủ 3 mũi vẫn mắc bệnh.

Là văcxin có số lượng sử dụng lớn nhất trong các văcxin tham gia chương trình tiêm chủng mở rộng, với khoảng 5 triệu mũi Quinvaxem và tới đây là ComBE Five được sử dụng mỗi năm, tương ứng với số văcxin này là nỗi lo lắng của 1,7 triệu gia đình có con được tiêm văcxin này. Tháng 5 này ComBE Five sẽ được dùng tiếp ở 4 tỉnh trước khi mở rộng ra toàn quốc vào tháng 6.

Và tính an toàn đang được quan tâm hàng đầu.

Ngành y tế nói chất lượng, các bà mẹ vẫn lo

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM), văcxin ComBE Five có độ an toàn, hiệu quả cao như Quinvaxem nên các bà mẹ đưa con đi chích ngừa hãy yên tâm.

Điều mà các nhà quản lý và người làm chuyên môn lo nhất là người dân băn khoăn vì sao mới phải đổi văcxin Quinvaxem, từ đó lo lắng về loại văcxin mới thay thế, không đưa con đi tiêm văcxin sẽ làm dịch bệnh quay lại.

GS.TS Nguyễn Thị Kê, nguyên viện trưởng Viện Văcxin và sinh phẩm y tế (IVAC), cho biết văcxin ComBE Five được đưa về VN và được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học của Bộ Y tế cho phép tiến hành thử nghiệm lâm sàng. 

Kết quả nghiệm thu cho thấy văcxin đạt tiêu chuẩn an toàn và khả năng tạo đáp ứng miễn dịch. Ngoài ra, loại văcxin này cũng được sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành tốt trong sản xuất) của WHO.

Trước thông tin trong tháng 6 Bộ Y tế sẽ dùng văcxin mới ComBE Five thay cho Quinvaxem, một số bà mẹ mới sinh con được 1-2 tháng tuổi tỏ ra phân vân khi cho con tiếp cận văcxin mới. Chị N.T.A. (33 tuổi, ngụ ở Q.Gò Vấp, tp.hcm) cho biết sẽ tìm hiểu thêm rồi mới quyết định có tiêm ngừa cho con.

Còn chị Đ.N.T. (28 tuổi, ngụ ở Q.Phú Nhuận) cho biết trước đây đọc những ca tai biến về văcxin Quinvaxem cũng hơi lo, nay có văcxin mới thay thế nhưng chị cũng chưa thật sự yên tâm. Chị nói sẽ theo dõi thêm để quyết định tiêm loại văcxin này hay văcxin dịch vụ tương đương cho con (Tuổi trẻ, trang 2).

 

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu làm rõ vụ bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn bị đánh

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Công an TP làm rõ việc bác sĩ V.H.C ở Bệnh viện Xanh Pôn bị người nhà bệnh nhân đánh. Trong văn bản truyền đạt ý kiến của UBND TP Hà Nội hôm nay 16-4, ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu giám đốc Công an TP báo cáo vụ việc này với lãnh đạo TP trước 25-4.

Cùng lúc đó, chiều 16-4, khoa phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn cho hay đang có nhiều thông tin không đúng sự thật về căn nguyên dẫn đến việc bác sĩ C. bị đánh. 

"Đã có tin trên báo chí nêu nguồn tin từ cơ quan công an, cho rằng bác sĩ đã 'nguyên tắc' áp dụng quy trình đóng viện phí trước khi điều trị, trong khi người nhà bệnh nhân lại sốt ruột vì vết thương của con mình nên muốn được khâu ngay, bố cháu bé thấy thế là 'cứng nhắc' nên không kiềm chế đã đánh bác sĩ. Việc bố cháu bé bỏ ví lên bàn như trong clip cũng được cho là để chứng minh có thể chi trả viện phí", lãnh đạo khoa phẫu thuật tạo hình cho biết.

Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo này, bác sĩ C. và người nhà bệnh nhân mới chỉ trao đổi về khâu thẩm mỹ và khâu thường, việc có để lại sẹo hay không, thời gian trao đổi giữa hai bên rất ngắn và bác sĩ hầu như chưa kịp nói gì đã bị đánh.

"Khoa cũng không cứng nhắc trong việc đóng tiền mới điều trị. Những thông tin như kể trên là không chính xác", lãnh đạo khoa phẫu thuật tạo hình nói. 

"Chúng tôi rất bức xúc về những thông tin bị bóp méo như vậy. Bác sĩ C. là bác sĩ nội trú, giỏi chuyên môn, sống tử tế, nhân viên của khoa hiện rất hoang mang" (Tuổi trẻ, trang 4).

 

Giới bác sĩ phẫn nộ trước nạn bạo hành y tế

Chỉ trong vòng 10 ngày đã có 3 vụ bạo hành nhân viên y tế tại các bệnh viện. Mới đây nhất là đêm 13/4, người nhà bệnh nhân đã tấn công bác sĩ V.H.C, Khoa Phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Đa khoa Saint Paul). GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình cho biết, khoảng 23h30 ngày 13/4, Khoa Phẫu thuật tạo hình tiếp nhận một cháu bé tầm 7 tuổi có vết thương trên trán. Người đàn ông đi cùng bệnh nhi này yêu cầu các bác sĩ trực xử lý vết thương cho bệnh nhân. Lúc đó là ca trực, nên bác sĩ V.H.C, 29 tuổi trực tiếp nhận bệnh nhân. Trong lúc ngồi trao đổi về hướng xử lý vết thương, người này nói và hỏi liên tục rồi bất ngờ đứng dậy, xông tới đấm vào mặt bác sĩ C. 2 phát.

Theo hình ảnh ghi lại từ camera đặt trong phòng khám cấp cứu của Khoa Phẫu thuật tạo hình cho thấy người đàn ông này sấn sổ đấm vào mặt bác sĩ, trong lúc đó bác sĩ C. vô cùng bất ngờ vì bị tấn công. Người đàn ông với rất nhiều hình xăm trổ trên cánh tay dù đã được nhân viên bảo vệ mặc thường phục can ngăn nhưng vẫn cố tìm cách lao vào đánh bác sĩ C. Anh ta chỉ dừng lại khi lực lượng bảo vệ cử thêm người và Công an phường Điện Biên (quận Ba Đình) có mặt.

Trong lúc lực lượng chức năng tới đưa bác sĩ C. và nhân viên bệnh viện ra ngoài, người đàn ông ở lại một mình trong phòng còn lấy hết tiền trong ví ra vứt lên bàn làm việc tạo hiện trường giả rằng phải “lót tay” bác sĩ.

GS.TS Trần Thiết Sơn cho biết, sự việc xảy ra khiến toàn bộ nhân viên y tế của khoa Phẫu thuật tạo hình rất sốc và hoang mang. Bản thân bác sĩ C. cũng có dấu hiệu sang chấn tâm lý, tinh thần bất ổn. Bác sĩ C. được đồng nghiệp trong khoa  và các đồng nghiệp trong ngành cũng như bạn bè học chung đánh giá là hiền lành, không bao giờ to tiếng với ai.

Quá trình làm việc tại khoa, bác sĩ C. luôn hết mình vì công việc. Được biết bác sĩ C. mới tốt nghiệp bác sĩ nội trú chuyên ngành phẫu thuật tạo hình được nửa năm, rất nhiệt tình trong công việc và có chuyên môn tốt. GS Sơn khẳng định, quá trình làm việc của bác sĩ C. không có sai sót và rất chu đáo.

Sự việc các bác sĩ và nhân viên y tế liên tiếp bị hành hung khiến người làm trong ngành Y lo lắng và bất an. PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cảm thán: “Tháng 4 mới đi được một nửa đã có 3 vụ hành hung nhân viên y tế mà không hề có “lửa khói” gì. Từ bệnh viện hạng 3 đến bệnh viện hạng 1, từ tỉnh nghèo Bắc Kạn, Hà Tĩnh đến thủ đô Hà Nội đâu đâu cũng đánh bác sĩ. Chắc cần một hiệu ứng mạnh hơn cho một xã hội rất đặc biệt này, như một cú “sốc điện” mà chúng tôi phải sử dụng khi tính mạng người bệnh ngàn cân treo sợi tóc. Tôi tự hỏi vào một ngày đẹp trời sẽ có bao nhiêu người nắm tay nhau trên đường để bảo vệ một môi trường y tế bình an”?

Đáp lại lời chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, một đồng nghiệp của anh cho rằng: “Cần có làn sóng mạnh hơn nữa để luật pháp bảo vệ các bác sĩ và ngành Y của chúng ta cũng như may ra soi rọi được vào nhận thức u mê của nhiều kẻ ngang ngược”. Trước những ý kiến cho rằng ngành Y nên đình công 1 ngày để phản đối tình trạng bạo hành nhân viên y tế, TS Hiếu nhìn nhận: “Đình công sẽ gây nhiều hệ luỵ, diễu hành sẽ là bước tốt hơn để thể hiện sự đồng lòng của những người có lương tri không chỉ là nhân viên y tế”.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) đưa ra ý kiến trên mạng xã hội cho rằng, cần 1 buổi diễu hành xuống đường phản đối nạn bạo hành y tế và pháp luật phải có khung hình phạt thích đáng cho những kẻ bạo hành y tế.

GS.TS Trần Thiết Sơn băn khoăn, với những vụ việc như vừa xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Saint Paul, nếu kẻ hành hung bác sĩ không bị xử lý thích đáng thì hệ luỵ sẽ là rất nhiều bác sĩ và nhân viên y tế từ bỏ bệnh viện công, nơi họ thấy môi trường làm việc bất an, để đến với các bệnh viện tư (Tiền phong, trang 6).

 

Thay vaccin Quinvaxem cùng 2 loại vaccine khác trong tiêm chủng mở rộng

Chiều 16-4, Bộ Y tế và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã tổ chức hội thảo truyền thông về việc đưa một số loại vaccine mới vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2018.

Theo GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, 3 loại vaccine mới được đưa vào sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2018 là  vaccine phòng bệnh Sởi – Rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất, vaccine Bại liệt tiêm (IPV) do Sanofi, Pháp sản xuất và vaccine “5 trong 1” ComBe Five do Ấn Độ sản xuất.

Tất cả 3 loại vaccine này đều đã đạt thẩm định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Trước khi được đưa vào sử dụng trên diện rộng, các loại vaccine mới này đều đã được thử nghiệm tại nhiều địa phương với độ an toàn cao, hiệu quả phòng bệnh đảm bảo yêu cầu đề ra. Đề cập tới vaccine “5 trong 1” ComBe Five do Ấn Độ sản xuất, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, loại vaccine ComBe Five sẽ được dùng để thay thế cho vaccine “5 trong 1” Quinvaxem vì hiện nay nhà sản xuất Berna Biotech, Hàn Quốc đã ngừng sản xuất vaccine Quinvaxem.

Vaccine “5 trong 1” ComBe Five có thành phần và tác dụng tương tự như Quinvaxem phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib.

Vaccine ComBe Five đã đạt các tiêu chuẩn về kiểm định của WHO và được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam từ tháng 5-2017.

Đáng chú ý, trước khi được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, vaccine này đã được sử dụng tại hơn 43 quốc gia trên thế giới với trên 400 triệu liều được tiêm bảo đảm an toàn và đây cũng là vaccine được UNICEF cung ứng cho nhiều quốc gia trên thế giới.

PGS.TS Trần Như Dương cũng cho biết thêm, tính an toàn của vaccine ComBe Five tương tự như các vaccine “5 trong1” cùng thành phần. Qua thử nghiệm loại vaccine này tại 4 huyện của tỉnh Hà Nam chỉ ghi nhận một số phản ứng thông thường xuất hiện vào ngày thứ nhất sau tiêm vaccine, bao gồm phản ứng tại chỗ tiêm đau quầng đỏ với tỷ lệ 5-15%, sốt với tỷ lệ 34-39% và không ghi nhận bất kỳ phản ứng nghiêm trọng nào sau tiêm chủng.

Dự kiến việc chuyển đổi sử dụng vaccine ComBe Five thay thế Quinvaxem sẽ được triển khai trên toàn quốc trong tháng 6 và 7-2018.

Trước khi triển khai trên toàn quốc, dự án tiêm chủng mở rộng sẽ triển khai trước tại 4 tỉnh Hà Nam, Bình Định, Kon Tum và Đồng Tháp sau đó mới triển khai tại 11.000 điểm tiểm chủng trong toàn quốc. Lịch tiêm chủng vaccine ComBe Five cũng giống với vaccine Quinvaxem.

Đối với vaccine vaccine Sởi – Rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất được dùng thay thế cho vaccine Sởi- Rubella do Ấn Độ sản xuất. Bắt đầu từ tháng 4-2018, vaccine MRVAC đã được sử dụng trên quy mô toàn quốc cho trẻ từ 18 tháng tuổi trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Đến nay đã có 19 tỉnh thành trong toàn quốc tổ chức tiêm vaccine MRVAC cho trên 50.000 trẻ từ 18-24 tháng tuổi, với kết quả không ghi nhận bất kỳ trường hợp phản ứng nặng nào sau tiêm.

Đối với vaccine bại liệt tiêm (IPV), Bộ Y tế cho biết, để tiếp tục duy trì thành quả thanh toán bại liệt đạt được, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, cùng với tiếp tục cho trẻ 2,3,4 tháng tuổi uống 3 liều vaccine bại liệt OPV (vaccine bại liệt 2 tuýp) thì cần sử dụng thêm 1 liều vaccine bại liệt tiêm IPV cho trẻ dưới 1 tuổi trong lịch tiêm chủng thường xuyên.

Vaccine bại liệt IPV do hãng Sanofi, Pháp sản xuất và được cấp phép lưu hành ở nước ta. Đây là loại vaccine được Liên minh toàn cầu vaccine và tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ và được cung ứng bởi UNICEF. 

Nhân dịp này, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo các bậc cha mẹ tiếp tục đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

 

Siết chặt kiểm tra để ngừa thuốc giả

Chiều 16-4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc họp với lãnh đạo Bộ Y tế, Công an và các bộ, ngành liên quan về vấn đề thuốc giả, thực phẩm chức năng giả đang gây bất an thời gian qua. Sau phản ánh sản phẩm “Vinaca ung thư Co3.2” của Công ty TNHH Vinaca được làm từ bột tre và báo cáo của Công an TP Hải Phòng, Tổng cục Cảnh sát đã cử lực lượng chức năng phối hợp với công an TP Hải Phòng tổ chức điều tra, kết luận làm rõ và bước đầu xác định cơ sở sản xuất này sản xuất thực phẩm chức năng không có giấy phép.

Không loại trừ việc sản phẩm này đã được vận chuyển đi tiêu thụ ở các địa phương trên cả nước. Bộ Y tế cũng đã vào cuộc và xác định đây là sản phẩm thực phẩm chức năng giả.

Trên nhãn sản phẩm này có ghi hỗ trợ điều trị ung thư gây ảnh hưởng nghiêm trọng và hoang mang cho người dân. Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân không sử dụng sản phẩm này và cho biết đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Tổng Cục Cảnh sát cũng cho biết, sau khi có kết quả điều tra, cơ quan này sẽ thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh thành, các sở y tế, các đơn vị chức năng xử lý nghiêm minh vụ việc này và các vụ việc tương tự theo đúng quy định của pháp luật. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm tới vụ việc này.

Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tất cả các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, thực phẩm giả liên quan tới sức khỏe con người đều cần phải lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm theo pháp luật.

Trong đó chú trọng đặc biệt tới các sản phẩm liên quan tới việc điều trị, hỗ trợ điều trị các căn bệnh nan y như ung thư. “Bất kỳ vụ việc nào liên quan tới những căn bệnh như ung thư, người dân đều rất bức xúc, do đó các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm xử lý hết sức nghiêm minh”, Phó Thủ tướng nói.

Về giải pháp lâu dài, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục khẩn trương, nỗ lực triển khai đề án quản lý tất cả các nhà thuốc trên toàn quốc bằng kết nối mạng, yêu cầu truy xuất đến tận cùng các sản phẩm.

Hiện tại đề án này đã được triển khai thí điểm tại Phú Thọ, Hưng Yên và một số địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu phải triển khai đồng loạt trong năm 2018 bởi đây là giải pháp lâu dài, căn bản để giúp người dân nhận biết thuốc, thực phẩm chức năng tin được, đâu là thật, đâu là giả. Đối với việc trao các giải thưởng, chứng nhận của các tổ chức cho các sản phẩm, thương hiệu liên quan tới dược phẩm mà không lấy ý kiến chuyên môn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu để đưa ra giải pháp xử lý vấn đề này, tránh việc người dân lầm tưởng là sản phẩm thật, sản phẩm tốt (Sài Gòn giải phóng, trang 3). 

 

Nội soi qua mũi loại bỏ u não ở nền sọ

Ngày 16-4, Bệnh viện (BV) K Hà Nội cho biết, các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi qua đường mũi để loại bỏ khối u não ở nền sọ của một nam bệnh nhân 37 tuổi. Bệnh nhân là anh Nguyễn Q.B. (ngụ tỉnh Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng đau đầu, dùng thuốc kéo dài không hiệu quả.

Theo người nhà bệnh nhân, anh B. đã đau đầu nhiều tháng nay nhưng không thăm khám mà chỉ uống thuốc. Đến khi bệnh nhân bị đau đầu thường xuyên hơn thì mới nhập viện. Sau khi khám và làm các chỉ định tại BV K, kết quả cho thấy có khối u não kích thước lớn 3cm x 4cm ở nền sọ vùng dốc nền.  

Các bác sĩ quyết định thực hiện phương pháp phẫu thuật nội soi qua mũi, nhằm đảm bảo lấy tối đa khối u và an toàn cho người bệnh. Ca phẫu thuật kéo dài suốt 4 giờ. Khối u được loại bỏ hoàn toàn mà không làm tổn thương cấu trúc não và động mạch cũng như các dây thần kinh sọ, không để lại sẹo mổ trên da đầu. Đến nay, bệnh nhân đã tỉnh táo và tiếp xúc tốt với mọi người (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang