Bệnh viện Việt Đức khánh thành nhà nghỉ trọ cho người nhà bệnh nhân
Ngày 16-5, Bệnh viện Việt Đức đã khánh thành công trình đường trên cao có mái che và nhà nghỉ trọ cho người nhà bệnh nhân, nhằm góp phần nâng cao chất lượng phục vụ việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân.
Theo Giáo sư Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, 2 công trình này có tổng kinh phí đầu tư hơn 10 tỷ đồng, được lấy từ nguồn tiền của Bệnh viện. Hai công trình giá trị vật chất tuy không lớn nhưng rất có ý nghĩa khi tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân đi lại và người nhà họ được nghỉ ngơi với giá rẻ.
Giáo sư Trần Bình Giang cho hay, mỗi ngày Bệnh viện có khoảng 10.000 người đến khám, chữa bệnh, làm việc, gồm cả người bệnh và người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế. 90% bệnh nhân ở đây là có thẻ bảo hiểm y tế. Hầu hết người bệnh đều có hoàn cảnh khó khăn, nhất là ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng cao, nên việc thuê trọ ở bên ngoài mỗi ngày vài trăm ngàn là quá khả năng của nhiều người, khiến không ít người phải sống vạ vật trong thời gian chăm sóc người thân nằm viện.
Vì thế, mặc dù Bệnh viện còn chật chội, nhưng để giảm bớt khó khăn cho người nhà người bệnh, nhất là những người ở các tỉnh xa về chăm sóc bệnh nhân, lãnh đạo Bệnh viện đã quyết định đầu tư hơn 3 tỷ đồng để xây nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân trên khu đất có diện tích 400 mét vuông.
Khu nhà nghỉ trọ được xây 2 tầng với hơn 220 giường. Bệnh viện chỉ thu phí 15.000 đồng/1 người/ngày để hỗ trợ một phần chi phí tiền điện, nước, dọn vệ sinh môi trường, còn lại Bệnh viện sẽ bù lỗ. Khu nhà này sẽ giúp nhiều người nhà bệnh nhân có chỗ ăn ở ổn định, đảm bảo an ninh, không phải vạ vật do không có tiền thuê trọ và yên tâm chăm sóc người bệnh.
Công trình đường trên cao dài 135 mét, rộng hơn 3 mét, được xây dựng bằng thép vững chãi, có kinh phí hơn 7 tỷ đồng. Đường có mái che nối từ tầng 2 các khoa điều trị đến khu mổ và ghép tạng, giúp cho người bệnh và nhân viên y tế đi lại thuận lợi, đặc biệt là phục vụ việc vận chuyển bệnh nhân nhanh chóng, an toàn, bất kể trời nắng hay mưa. Bệnh nhân không phải nằm trên cáng che áo mưa để đến phòng chiếu chụp như trước.
Việc khánh thành 2 công trình có ý nghĩa rất thiết thực này nằm trong chủ trương không ngừng nâng cao chất lượng điều trị của Bệnh viện, đặc biệt là hướng tới sự hài lòng người bệnh bằng sự phục vụ chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn cao của thầy thuốc và trang thiết bị y tế hiện đại. (Công an nhân dân, trang 1; Gia đình & xã hội, trang 4).
Xét xử vụ tai biến chạy thận tại Hòa bình: Xuất hiện nhân chứng mới
Sau 2 lần triệu tập tại phiên sơ thẩm (đã hoãn vào ngày 7.5) và phiên sơ thẩm diễn ra vào ngày 15.5, ông Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc BV đa khoa tỉnh Hoà Bình có đơn vắng mặt. Đến ngày 16.5, đại diện uỷ quyền cho ông Trương Quý Dương đã xuất hiện.
Thư ký của hội đồng xét xử cho biết, người đại diện của ông Trương Quý Dương là luật sư Đỗ Quốc Quyền thuộc Đoàn luật sư TP. Hà Nội.
Luật sư Đỗ Quốc Quyền cho hay, ngày 15.5, ông mới nhận được văn bản ủy quyền của ông Trương Quý Dương tham dự phiên toà.
Ngay sau khi nhận được uỷ quyền của ông Trương Quý Dương, luật sư Đỗ Quốc Quyền đã làm thủ tục báo cáo với tòa về sự có mặt của mình với tư cách là đại diện ông Trương Quý Dương.
"Trong những ngày tới, ông Dương chưa có mặt tại Việt Nam, tôi sẽ đại diện để làm việc bình thường”, luật sư ông Quyền cho hay.
Với tư cách là người đại diện, uỷ quyền của ông Trương Quý Dương, luật sư Đỗ Quốc Quyền sẽ trả lời những nội dung nắm được, nội dung nào chưa rõ cần có sự hội ý của người ủy quyền thì sẽ gửi văn bản trả lời sau.
Tại phiên toà sơ thẩm, thông tin ông Trương Quý Dương vắng mặt được hội đồng xét xử đưa ra nhưng không nói lý do. Tuy nhiên, theo những thông tin từ gia đình, ông Dương đã sang Canada từ cuối tháng 4.2018 vì gia đình có việc riêng. Dự kiến, ông Dương sẽ về Việt Nam trong tháng 6.2018.
Ông Trương Quý Dương là người đại diện cho BV đa khoa tỉnh Hoà Bình ký gói thầu với Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn. Sau đó, Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn chuyển gói thầu cho Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh là công ty chuyên xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp tham gia sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế thiết bị y tế tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình.
Sự cố xảy ra do nước dùng lọc thận nhiễm hoá chất dẫn đến cái chết của 8 bệnh nhân chạy thận. Trong cáo trạng, Viện Kiểm sát nhân dân cho rằng không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự với cả ông Trương Quý Dương lẫn Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn.
Tuy nhiên, tại phiên sơ thẩm, nhiều luật sư yêu cầu ông Trương Quý Dương phải có mặt và là người chịu trách nhiệm trong vụ tai biến chạy thận. Hợp đồng giữa BV đa khoa tỉnh Hoà Bình và Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn do ông Dương ký. Do đó, ông Dương cần có mặt để trả lời những câu hỏi của hội đồng xét xử về trách nhiệm của mình. (Lao động, trang 2; Sài Gòn giải phóng, trang 11; Gia đình & Xã hội, trang 7).
Hà Nội phát hiện 2.108 vi phạm an toàn thực phẩm, đình chỉ, đóng cửa 40 cơ sở
Ngày 16-5, thông tin từ Sở Y tế Hà Nội – cơ quan thường trực Ban chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, hơn 700 đoàn thanh tra, kiểm tra của thành phố trong Tháng hành động vì ATTP năm 2018 (từ 15-4 đến 15-5) đã kết thúc hoạt động thanh, kiểm tra.
Phát hiện thịt gà, thịt lợn nhiễm khuẩn salmonella
Hôm qua, 15-5, cũng là ngày cuối cùng trong Tháng hành động vì ATTP năm nay, đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP số 1 TP Hà Nội do ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm Trưởng đoàn đã kiểm tra và làm việc với quận Thanh Xuân.
Bà Lê Mai Trang, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn quận đã kiểm tra, giám sát 1.985 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, xử phạt 88 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 186 triệu đồng. Riêng đợt cao điểm Tháng hành động, quận đã kiểm tra 645 cơ sở, xử phạt 45 trường hợp.
Trước đó, cũng đoàn liên ngành số 1 đã tiến hành kiểm tra và làm việc trực tiếp với Ban Chỉ đạo ATVSTP của nhiều quận, huyện khác. Chẳng hạn, tại quận Hai Bà Trưng, theo báo cáo của UBND quận, từ đầu năm đến ngày 8-5 đã tiến hành kiểm tra được 955 lượt cơ sở, xử phạt 148 cơ sở, tiêu huỷ 17 tấn thực phẩm không bảo đảm an toàn và dừng hoạt động 39 cơ sở.
Hay tại Quận Tây Hồ, qua kiểm tra và nghe báo cáo từ UBND quận cho thấy, trong Tháng hành động vì ATTP năm nay, quận đã kiểm tra 50 cơ sở, qua kiểm tra đã xử lý vi phạm hành chính 9 cơ sở vi phạm, đình chỉ hoạt động của 1 cơ sở dịch vụ kinh doanh ăn uống vì không có giấy tờ pháp lý theo quy định…
Tính chung trên toàn thành phố, trong Tháng hành động vì ATTP từ 15-4 đến 15-5 năm nay, đã có tổng cộng 700 đoàn thanh tra, kiểm tra ATTP (từ cấp thành phố đến xã phường) được thành lập.
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, các đoàn của thành phố đã tiến hành kiểm tra 12.552 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong 1 tháng qua. Trong đó, phát hiện 2.108 cơ sở, vụ việc vi phạm và xử phạt hành chính 670 cơ sở với số tiền hơn 2 tỷ đồng, đồng thời đình chỉ, đóng cửa 40 cơ sở.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định, không có giấy khám sức khỏe định kỳ, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, vi phạm về nhãn hàng hóa, không lưu mẫu theo quy định, sử dụng phụ gia thực phẩm hết hạn sử dụng, điều kiện vệ sinh cơ sở không bảo đảm...
Đặc biệt, các đoàn kiểm tra đã lấy rất nhiều mẫu thực phẩm để gửi kiểm nghiệm. Chỉ tính riêng đoàn liên ngành do Sở NN&PTNT chủ trì đã tiến hành lấy 171 mẫu nông, lâm thủy sản trong quá trình kiểm tra để làm kiểm nghiệm.
Đến nay, đã có kết quả 83 mẫu, trong đó phát hiện 4 mẫu vi phạm gồm 2 mẫu thịt gà, 1 mẫu thịt lợn bị nhiễm vi khuẩn salmonella, 1 mẫu thủy sản có dư lượng chloramphenicol…
“Điểm nóng” về ATTP
Qua thực tiễn thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về ATVSTP trong Tháng hành động vừa qua, với việc hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh bị phát hiện có vi phạm, hàng chục cơ sở bị đình chỉ, phải đóng cửa cũng cho thấy, đảm bảo ATTP vẫn là nỗi lo lớn.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung đánh giá, dù thành phố đã kiên trì trong công tác quản lý, bảo đảm ATTP suốt nhiều năm qua song do địa bàn có số lượng cơ sở rất lớn, phần đa quy mô nhỏ lẻ trong khi nhân lực chuyên trách quản lý ATTP còn hạn chế nên Hà Nội luôn là địa bàn “nóng” với nhiều nguy cơ mất ATTP tiềm ẩn.
Theo ông Chung, so với trước đây, nhận thức về vấn đề ATTP của người kinh doanh, sử dụng thực phẩm trên địa bàn thành phố đã tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, qua thực tiễn kiểm tra, ở nhiều cơ sở từ nhận thức đến hành động vẫn còn khoảng cách xa.
Bên cạnh những cơ sở sản xuất chui, kinh doanh không có đầy đủ giấy phép theo quy định thì đáng chú ý, không ít cơ sở giấy tờ pháp lý đầy đủ nhưng thực tế sản xuất kinh doanh lại có vi phạm khá nghiêm trọng. Nói cách khác là vì lợi nhuận mà nhiều cơ sở vẫn bất chấp quy định pháp luật, vẫn cố tình vi phạm.
Ông Chung cho biết thêm, ở Tháng hành động vì ATTP năm 2018, công tác thanh, kiểm tra ATTP của thành phố Hà Nội được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, nghiêm túc từ TP tới quận, huyện, thị xã đến xã, phường, thị trấn. Công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức cũng được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm ở tuyến xã, phường, thị trấn vẫn chủ yếu là nhắc nhở nên chưa đủ sức răn đe, các vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn. (An ninh thủ đô, trang 7).