Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 17/6/2021

  • |
T5g.org.vn - 31 triệu liều vaccine Pfizer về Việt Nam trong năm 2021; Sẽ thí điểm cách ly F1 tại nhà; Chiều tối 16-6, cả nước thêm 155 ca mắc Covid-19, riêng TPHCM có 45 ca; TPHCM bảo vệ 'thành lũy'; Bệnh nhận COVID-19 nguy kịch hồi phục ngoạn mục

31 triệu liều vaccine Pfizer về Việt Nam trong năm 2021

Đó là khẳng định của GS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. 31 triệu liều vaccine Pfizer sẽ được cung cấp cho Việt Nam trong năm 2021; 3 triệu liều đầu tiên sẽ về trong quý III/2021. Ông cho biết: Vaccine COVID-19 có thời hạn sử dụng rất ngắn, chỉ khoảng 6 tháng, trong khi thời gian từ cơ sở sản xuất đến Việt Nam mất khoảng 2 tháng nên chỉ còn 3-4 tháng để triển khai tiêm. Bộ Y tế sẽ phối hợp với các đơn vị Bộ Quốc Phòng trên cả nước để đảm bảo việc bảo quản, vận chuyển vaccine đến các điểm tiêm trong thời gian ngắn nhất.

Lô vaccine Pfizer đầu tiên sẽ về Việt Nam trong tháng 7.2021

Bộ Y tế cho biết, đã đàm phán mua 31 triệu liều Pfizer và lô vaccine đầu tiên có thể về Việt Nam trong thời gian từ nay đến tháng 7.2021.

Thông báo của hãng Pfizer, trong quý III/2021 hãng này có thể chuyển về Việt Nam 3 triệu liều vaccine phòng COVID-19, số còn lại sẽ tập trung trong quý IV. Đáng chú ý là điều kiện bảo quản vaccine này phải ở nhiệt độ âm sâu -70 độ C, nếu ở nhiệt độ 2-8 độ C chỉ được dùng trong 1 tháng, vì vậy thời gian tới Bộ Y tế sẽ phối hợp với các đơn vị Bộ Quốc Phòng trên cả nước để đảm bảo việc bảo quản, vận chuyển vaccine đến các điểm tiêm trong thời gian ngắn nhất.

Trước đó, ngày 12.6, Bộ Y tế đã có quyết định phê duyệt vaccine phòng COVID-19 Cominarty của Pfizer/BioNtech cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Vaccine của Pfizer-BioNtech là vaccine ngừa COVID-19 thứ 4 được nhập khẩu vào Việt Nam, sau vaccine AstraZeneca của Anh, vaccine Sputnik V của Nga và vaccine của Công ty Sinopharm (Trung Quốc). Đây cũng là loại vaccine được quan tâm nhiều nhất hiện nay và được sử dụng nhiều tại Mỹ và Châu Âu.

GS-TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - cho biết, theo thông báo của hãng Pfizer, trong quý III/2021 hãng này có thể chuyển về Việt Nam 3 triệu liều vaccine phòng COVID-19, số còn lại sẽ tập trung trong quý IV. "Tuy nhiên thời gian và số lượng cụ thể cung ứng vaccine phòng COVID-19 về Việt Nam có thể thay đổi do phụ thuộc tình hình thế giới vì họ cung ứng vaccine cho cả thế giới"- GS Đặng Đức Anh nói.

Theo GS Đặng Đức Anh, vaccine COVID-19 có thời hạn sử dụng rất ngắn, chỉ khoảng 6 tháng, trong khi thời gian từ cơ sở sản xuất đến Việt Nam mất khoảng 2 tháng nên chỉ còn 3-4 tháng để triển khai tiêm. Đặc biệt với Pfizer, điều kiện bảo quản phải ở nhiệt độ âm sâu -70 độ C, nếu ở nhiệt độ 2-8 độ C chỉ được dùng trong 1 tháng, vì vậy thời gian tới Bộ Y tế sẽ phối hợp với các đơn vị Bộ Quốc Phòng trên cả nước để đảm bảo việc bảo quản, vận chuyển vaccine đến các điểm tiêm trong thời gian ngắn nhất.

Thông tin chi tiết về hơn 120 triệu liều vaccine phòng COVID-19 (đã bao gồm 31 triệu liều Pfizer) sẽ có tại Việt Nam trong năm 2021, Bộ Y tế cho hay ngoài vaccine AstraZeneca, trong năm nay Việt Nam đã đàm phán để có thêm vaccine của Moderna (5 triệu liều) và 20 triệu liều vaccine Sputnik V. Riêng về vaccine Pfizer, tháng 10.2020, khi vaccine đang thử nghiệm lâm sàng, Bộ Y tế đã làm việc với Pfizer đàm phán mua 31 triệu liều. Ngày 20.5.2021, Bộ Y tế ký hợp đồng mua vaccine. Bộ Y tế cũng cho hay tiến độ cung ứng của vaccine này dự kiến trong quý III/2021 là 15,5 triệu liều, quý IV/2021 sẽ có 15,5 triệu liều.

Chuyển trực tiếp từ Bỉ về Việt Nam

Tại buổi tập huấn cùng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), sáng 16.6, ông Join Paul Pullicino - đại diện hãng dược Pfizer - đơn vị sản xuất và phân phối vaccine Pfizer cho biết, hiện tại hãng dược phẩm này đang chốt các kế hoạch vận chuyển và cung cấp vaccine cho Việt Nam trong quý III và quý IV/2021.

“Việc đảm bảo cung cấp các liều vacine chính thống hiệu quả và an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng là điều quan trọng hàng đầu đối với Pfizer và đối với cộng đồng. Trong bối cảnh này, chúng tôi đảm bảo cung cấp vaccine thông qua các nguồn hợp pháp và được phê duyệt từ Chính phủ các nước. Song, thật không may, thời gian vừa quan, chúng tôi đã ghi nhận nhiều vaccine Pfizer giả ở trên thế giới. Tại Việt Nam, chúng tôi đã ghi nhận sự việc các cá nhân tự nhận mình có quyền tiếp cận nguồn vaccine Pfizer. Cho đến nay, không có một nguồn vaccine tư nhân nào là hợp pháp” - ông Join Paul Pullicino khẳng định.

Bà Vanessa Piepenburg - đại diện Đội an ninh toàn cầu của Pfizer tại Singapore cho biết, hiện tại, vaccine chưa được bán thương mại, bất kỳ các giao dịch thương mại nào đều là sản phẩm giả mạo hoặc không chính hãng. Đáng chú ý, theo chuyên gia này, vaccine Pfizer chỉ được vận chuyển từ Bỉ, không vận chuyển từ Trung Quốc, Ấn Độ, không vận chuyển theo liều riêng lẻ.

Pfizer công bố chỉ làm việc, trao đổi vaccine trực tiếp với Chính phủ. Tuy nhiên, trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay - khi nhiều doanh nghiệp có ý kiến cần phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và các kênh khác nhau tiếp cận vaccine về Việt Nam. Vì vậy, những doanh nghiệp đối tác từ trước tới nay Pfizer hoặc các công ty tương tự có thể đàm phán trực tiếp phân phối vaccine?

Trả lời câu hỏi này, ông Join Paul Pullicino cho rằng: Vấn đề nhập khẩu vaccine Pfizer theo Nghị định về buôn bán vaccine được ký kết đã thống nhất để phục vụ vaccine cho Việt Nam thì xưởng sản xuất vaccine tại Bỉ là xưởng duy nhất của Pfizer và sẽ chuyển trực tiếp từ Bỉ sang Việt Nam. Tất nhiên, việc quá cảnh qua một quốc gia khác là có, nhưng hiện nay, vấn đề này chưa được quy định rõ. Việc thống nhất đường bay và điểm quá cảnh sẽ sớm được thông báo đến Việt Nam.

Còn nội dung các doanh nghiệp có được tiếp cận vaccine Pfizer không, ông Join Paul Pullicino khẳng định: Hiện nay, Pfizer nhận được rất nhiều yêu cầu tiếp cận vaccine của các bên khác nhau, từ các tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ, đến các doanh nghiệp tư nhân, tổ chức đa quốc gia.

Tuy nhiên, kể từ khi dịch bùng phát đến nay, Pfizer chỉ cung cấp vaccine thông qua các thoả thuận, làm việc trực tiếp với các cơ quan Chính phủ, các tổ chức liên kết nhiều quốc gia, hoặc thông qua các tổ chức phân phối Covax (tổ chức được điều động bởi WHO, Liên minh Vaccine Toàn cầu và Liên minh Đổi mới Sẵn sàng vì Dịch bệnh với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, Unicef)... Bên cạnh đó, còn phân phối theo kênh phân phối vaccine từ Chính phủ tới Chính phủ thông qua chương trình quyên góp, viện trợ (Lao động, trang 7).

 

Sẽ thí điểm cách ly F1 tại nhà

Về cách ly F1 tại nhà, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn hôm qua cho biết, Bộ Y tế đang có kế hoạch thí điểm một số nơi. Tuy nhiên, khi bước vào triển khai các nơi cách ly phải đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí về y tế; không thể cách ly tập trung ở nhà trọ, hoặc các dãy nhà ống có nhiều người đi lại. “Bộ Y tế đang giao Cục Quản lý môi trường lập bản dự thảo. Từ đợt dịch thứ 4, Bộ Y tế đề xuất cho trẻ em dưới 15 tuổi được tổ chức cách ly tại nhà để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo và dễ dàng chăm sóc. Theo kế hoạch, hình thức này sẽ được thí điểm tại một số khu vực ở TPHCM thời gian tới”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết.

Chiều 16/6, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TPHCM chống dịch COVID-19 họp dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn. Ông Sơn cho biết, TPHCM đã được phân bổ 800.000 liều vắc-xin, với các kho chứa của Viện Pasteur TPHCM đảm bảm sức chứa, bảo quản và phân phối tiêm chủng.

Về đối tượng tiêm, ngoài các lực lượng ưu tiên theo quy định, thời gian tới sẽ tập trung tiêm vắc-xin cho công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, ông nói. Chiều qua, Bộ Y tế làm việc với Công ty Cổ phần Vắc-xin Việt Nam (VNVC) thống nhất phân bổ lô hàng 288.100 liều vắc-xin mà VNVC đã nhận được từ AstraZeneca, theo đó sẽ ưu tiên cho các địa phương đang có dịch COVID-19. Trong đợt dịch thứ 4, Việt Nam ghi nhận 8.261 ca ghi nhận trong nước tại gần 40 tỉnh, thành phố. Bắc Giang, Bắc Ninh, TPHCM, Hà Nội là 4 địa phương ghi nhận số ca mắc cao nhất.

Bộ Y tế cho biết, ngày 16/6, Việt Nam ghi nhận 423 ca mắc COVID-19. Trong đó có 9 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 414 ca ghi nhận trong nước, tại Bắc Giang (279), TPHCM (99), Bắc Ninh (27), Hà Tĩnh (4), Nghệ An (3), Hà Nam (1), Bắc Kạn (1). Cùng ngày, 47 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Sáng cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đến kiểm tra và làm việc với Viện Pasteur TPHCM. GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cho biết, Viện đang hỗ trợ ngành Y tế thành phố thực hiện 3.000 mẫu xét nghiệm mỗi ngày. Viện đã xây dựng các kịch bản để sẵn sàng huy động, nâng cao công suất xét nghiệm.

Ông Sơn đánh giá cao những nỗ lực, hiệu quả công tác của Viện và giao Viện phối hợp, hỗ trợ TPHCM sớm triển khai các biện pháp test nhanh cho các đối tượng tiếp xúc ngay khi xuất hiện các ca dương tính nhằm nhanh chóng phân nhóm nguy cơ, để triển khai biện pháp phòng chống dịch phù hợp với từng nhóm. Bên cạnh đó, Viện cần phối hợp ngành Y tế TPHCM nhanh chóng thực hiện các biện pháp xét nghiệm toàn diện hơn khi cần thiết nhằm phục vụ kịp thời công tác truy vết, điều tra dịch tễ…

Bác bỏ thông tin TPHCM có biến chủng mới

Tính đến chiều 16/6, sau 22 ngày bùng dịch, TPHCM ghi nhận 1.015 ca mắc COVID-19, trong đó có nhiều trường hợp chưa điều tra được nguồn lây. Do dịch có tốc độ lây lan quá nhanh, xuất hiện thông tin chủng SARS-CoV-2 lây truyền tại TPHCM là biến chủng mới. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định, thông tin này không chính xác. Các kết quả giải trình tự gien ca bệnh trên địa bàn đều là chủng B.1617.2 nguồn gốc từ Ấn Độ (có tên gọi mới là chủng Delta). “Chủng này có khả năng phát tán nhanh hơn chủng Anh và độc lực có xu hướng tăng lên”, ông Sơn nói. Ông cho hay, đợt dịch lần này tại TPHCM có nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, chứng tỏ không tập trung vào 1 nguồn duy nhất mà từ nhiều nguồn khác nhau (Tiền phong, trang 4).

 

Chiều tối 16-6, cả nước thêm 155 ca mắc Covid-19, riêng TPHCM có 45 ca

Chiều tối 16-6, Bộ Y tế cho biết, trong 6 giờ qua, cả nước có thêm 155 ca mắc mới Covid-19 (từ ca bệnh 11.481-11.635), trong đó có 6 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Tây Ninh (2), Kiên Giang (2), Quảng Nam (1), Khánh Hòa (1). 149 ca ghi nhận trong nước tại: Bắc Giang (90), TPHCM (45), Bắc Ninh (10), Nghệ An (2), Hà Nam (1), Bắc Kạn (1); trong đó 135 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả. 149 ca ghi nhận trong nước, gồm:

Bệnh nhân (BN) 11.481-BN 11.512, BN 11.514-BN 11.532, BN 11.534, BN 11.536-BN 11.538, BN 11.540, BN 11.542-BN 11.544, BN 11.546, BN 11.548, BN  11.550, BN 11.552-BN 11.553, BN 11.555-BN 11559, BN 11.561-BN 11.563, BN 11.565-BN 11.580, BN 11.582, BN 11.584 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các khu công nghiệp. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Bệnh nhân 11.513 ghi nhận tại tỉnh Hà Nam: nam, 41 tuổi, địa chỉ tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam; được phát hiện trong khu phong tỏa. Kết quả xét nghiệm ngày 16-6 dương tính với SARS-CoV-2.

Bệnh nhân 11.533 ghi nhận tại tỉnh Bắc Kạn: nữ, 25 tuổi, địa chỉ tại huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn; liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Quang Châu, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 15-6 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn.

Bệnh nhân 11.541, BN 11.545, BN 11.547, BN 11.549, BN 11.551, BN 11.554, BN 11.560, BN 11.564, BN 11.583, BN 11.585 ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh: 4 ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Quế Võ, 2 ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Khắc Niệm, 2 ca liên quan đến ổ dịch Tiên Sơn, 2 ca liên quan đến ổ dịch Đại Phúc. Kết quả xét nghiệm ngày 16-6 dương tính với SARS-CoV-2.

Bệnh nhân 11.588-BN 11.632 ghi nhận tại TPHCM: 26 ca là các trường hợp F1, 5 ca liên quan đến Nhóm truyền giáo Phục Hưng, 2 ca liên quan đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, 12 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Bệnh nhân 11.633-BN 11.634 ghi nhận tại tỉnh Nghệ An: là F1 của BN 11.440. Kết quả xét nghiệm ngày 16-6 dương tính với SARS-CoV-2.

Tính đến chiều tối cùng ngày, Việt Nam có tổng cộng 9.980 ca mắc Covid-19 ghi nhận trong nước và 1.655 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-4 đến nay là 8.410 ca, trong đó có 1.816 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 24 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Tây Ninh, Gia Lai, Bạc Liêu, Điện Biên, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Trà Vinh, Đà Nẵng) đã qua hơn 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

Về công tác điều trị, cả nước có thêm 47 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số người khỏi bệnh lên 4.590 người (Sài Gòn giải phóng, trang 9).

 

TPHCM bảo vệ 'thành lũy'

Trước việc có thêm nhiều nhân viên y tế mắc COVID-19 với nguồn lây từ bên ngoài vào bệnh viện, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM chỉ đạo thực hiện xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 định kỳ đối với nhân viên y tế, người bệnh, thân nhân; siết chặt công tác phân luồng, sàng lọc người bệnh đến thăm khám, điều trị…

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, chỉ đạo thực hiện xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 định kỳ đối với nhân viên y tế, người bệnh và thân nhân, đặc biệt ở các khoa, phòng nguy cơ cao để phát hiện sớm nguồn lây nhiễm. Đối với nhân viên điều trị người bệnh COVID-19, sẽ ở khu riêng, không tiếp xúc nhân viên y tế khác, thực hiện chế độ làm việc luân phiên, mỗi kíp làm việc liên tục trong 4-5 tuần rồi đổi ca. Sở Y tế yêu cầu nhân viên y tế sau giờ làm không tụ tập bạn bè hoặc người thân (không ở cùng gia đình) để sinh hoạt, ăn uống; nghỉ ngơi và làm việc tại nhà, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh; không đi đến những nơi đông người nếu không thật sự cần thiết.

Theo GS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cả nước có hàng ngàn bệnh viện và dù có nhiều nỗ lực nhưng nguy cơ lây nhiễm chéo vẫn có thể xảy ra. Điều này đặt ra nhiệm vụ tối quan trọng cho các bệnh viện là phải tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn. “Với dịch COVID-19, chỉ cần lơ là một chút, bỏ qua khâu phòng hộ một chút... là có thể xảy ra nhiễm chéo giữa bệnh nhân với bệnh nhân, giữa bệnh nhân với nhân viên y tế, bệnh nhân với người nhà. Do đó, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện lúc nào cũng phải “lên dây cót” cho công tác phòng dịch trong bệnh viện”, ông Khuê lưu ý.

Ngày 16/6, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM phát hiện hai ca nghi mắc COVID-19 là một bệnh nhân khám ngoại trú cùng vợ là nhân viên khoa Thần kinh của bệnh viện. Trước đó, một bệnh nhân nam đến khám có triệu chứng sốt, ho, được sàng lọc, chuyển vào khu vực khám riêng biệt và cách ly, kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2 và được chuyển đến Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi. Do được phát hiện ngay tại khu sàng lọc, không vào khuôn viên bệnh viện nên không ảnh hưởng đến hoạt động bệnh viện. “Vợ của người bệnh ngoại trú nói trên là nhân viên bệnh viện làm việc tại Khoa Thần kinh, kết quả xét nghiệm cũng dương tính. Nhân viên này đã được tiêm vắc-xin COVID-19 mũi một vào ngày 5/5, kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ virus thấp, khả năng lây lan thấp. Nhân viên này đã được chuyển đến Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ”, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thông tin. Ngay sau đó, bệnh viện cô lập Khoa Thần kinh, lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR tất cả nhân viên y tế, người bệnh và người nuôi bệnh tại Khoa. Tất cả mẫu xét nghiệm của Khoa đều âm tính. Bệnh viện đã thông báo tạm ngừng hoạt động khám chữa bệnh từ ngày 16/6 để phục vụ công tác phòng chống COVID-19. Gần đây, TPHCM liên tục ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 là nhân viên y tế. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Nhân dân, Gia Định, Nhi đồng 1, Bệnh viện quận Tân Phú và Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn có nhân viên mắc COVID-19. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới ghi nhận 60 ca nhiễm, nhiều nhất trong số các viện. Bệnh viện đã phong tỏa từ chiều 12/6, phun khử khuẩn toàn bệnh viện. Bệnh viện vẫn duy trì hoạt động xét nghiệm chẩn đoán RT-PCR và điều trị bệnh nhân COVID-19 (Tiền phong, trang 4).

 

Bệnh nhận COVID-19 nguy kịch hồi phục ngoạn mục

Chiều 16/6, thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, bệnh nhân COVID-19 rất nặng với nhiều bệnh lý nền đã được xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định. Trước đó bệnh nhân N.V.H, (57 tuổi, ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc) có tiền sử bệnh tai biến mạch máu não năm 2019, uống rượu nhiều năm, sau khi có xét nghiệm khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.

Bệnh nhân được chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư ngày 7/5/trong tình trạng tiếp xúc được, yếu ½ người do tai biến cũ (đang dùng thuốc theo đơn). Sau 2 ngày nhập viện, bệnh nhân tiến triển nặng, có tình trạng sảng, nói nhảm; sốt cao liên tục 39-40 độ, rối loạn đông máu nặng Ddimer 1902 ng/ml. Bác sĩ cho bệnh nhân thở oxy, sử dụng kháng sinh, thuốc tăng cường miễn dịch, chống đông máu, nuôi dưỡng tĩnh mạch.

Sau 9 ngày, bệnh nhân có chuyển biến xấu hơn không đáp ứng với thở oxy lưu lượng cao HFNC, chức năng phổi rất tệ với chỉ số P/F: 83, phổi thông khí kém. Bệnh nhân đã được can thiệp đặt ống nội khí quản và thông khí nhân tạo xâm nhập ngày 16/5/2021, sử dụng thuốc vận mạch nâng huyết áp đảm bảo tưới máu tổ chức.

Sau đặt nội khí quản, bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực ngày 16/5. Vào khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân ngay lập tức được can thiệp đặt catheter động mạch theo dõi huyết động liên tục, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm 3 nòng duy trì thuốc vận mạch, an thần, giảm đau, và theo dõi đánh giá áp lực tĩnh mạch trung tâm, áp dụng chiến lược thở máy mode PRVC, Peep 10, FIO2 100%, MV 13, Ppeak 30, SPO2 đạt được 93 %, PO2 đạt được 78; đánh giá điểm Sofa, Murray hàng ngày.

Mặc dù được can thiệp tích cực, nhưng tình trạng bệnh không cải thiện rõ. Căn cứ các đánh giá chuyên môn, bác sĩ chỉ định can thiệp lọc máu hấp phụ độc tố Cytokin bằng quả lọc Oxiris. Sau 08 ngày thở máy, hồi sức điều trị, chăm sóc tích cực, kết hợp 2 lần lọc máu hấp phụ độc tố, đến ngày 26/5/2021 bệnh nhân có chuyển biến hết sức tích cực, chức năng phổi P/F từ 83 tăng ngoạn mục lên 274.

Đến ngày 26/5 bệnh nhân được chuyển thở máy sang chế độ tự thở một phần. Do bệnh nhân có cơ địa bệnh nền, sức khỏe yếu, khả năng ho khạc kém, bác sĩ chỉ định mở khí quản vào ngày 30/5/2021, chăm sóc hô hấp tích cực cho bệnh nhân, kết hợp bồi dưỡng nâng cao thể trạng, điều trị tình trạng sảng.

Ngày 9/6 bệnh nhân được rút ống thở thành công, tập vận động phục hồi chức năng tại giường, cơ lực khá, kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính 3 lần liên tiếp. Bệnh nhân chính thức được xuất viện và trở về gia đình ngày hôm nay 16/6.

Bác sĩ Võ Đức Linh, Khoa Hồi sức tích cực cho biết: "Trước sự cố gắng của thể y bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân đã hồi phục ngoạn mục. Đây là ca khỏi bệnh thứ 2 trên cơ địa bệnh nhân có bệnh nền nặng, trong tổng số 11 ca bệnh đã xuất viện tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư". "Chiều nay Khoa bố trí một điều dưỡng đưa bệnh nhân về trở về gia đình. Đây là những thành quả của chúng tôi khi bệnh nhân chiến thắng SARS-CoV-2 trên một cơ địa bệnh nền nặng nề...", bác sĩ Linh chia sẻ (Tiền phong, trang 5).

 

Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt để mua vắc-xin AstraZeneca

Thường trực Chính phủ đồng ý chủ trương thực hiện phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt để mua vắc-xin AZD1222 do AstraZeneca sản xuất, của Công ty cổ phần Vắc-xin Việt Nam (VNVC). Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc Công ty cổ phần Vắc-xin Việt Nam- VNVC mua vắc-xin AZD1222 do AstraZeneca sản xuất.

Thông báo nêu rõ, Thường trực Chính phủ đã thống nhất, đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế về chủ trương thực hiện phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt được quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với việc mua vắc-xin AZD1222 do AstraZeneca sản xuất của VNVC với các điều kiện đặc thù đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định tại văn bản số 3118/BKHĐT-QLĐT ngày 25/5/2021.

Thủ tướng giao Bộ Y tế khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp, ý kiến bằng văn bản của các cơ quan liên quan, ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 3118/BKHĐT-QLĐT để hoàn thiện hồ sơ trình xin ý kiến thành viên Chính phủ (tờ trình, phiếu xin ý kiến và dự thảo Nghị quyết của Chính phủ); báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi Nghị quyết của Chính phủ được ban hành, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế dự thảo Quyết định phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương cân đối, cấp bổ sung vắc-xin phòng COVID-19 cho các địa phương gồm Bắc Giang, Bắc Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh để tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo quy định.

Đồng thời, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong tháng 6/2021 ban hành văn bản bổ sung các đối tượng được ưu tiên tiêm vắc-xin phòng dịch COVID-19 theo đúng nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 8/6/2021 và Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021; báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để chỉ đạo và quyết định theo thẩm quyền về Đề án "Nhập khẩu, sản xuất, tổ chức chiến dịch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 và bố trí huy động nguồn lực để thực hiện" (Tiền phong, trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang