Đường dây nóng bộ y tế thu phí 1.000đ/phút
Bộ Y tế ngày 16-7 xác nhận như trên sau khi có nhiều ý kiến chất vấn cước gọi đến đường dây nóng này tới 1.000 đồng/phút, cao hơn cước của nhiều loại dịch vụ viễn thông. Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, từ hơn 2 năm nay, Bộ Y tế thống nhất sử dụng một số điện thoại nóng chung cho toàn hệ thống y tế là 1900 9095. Hiện mỗi ngày trung bình có khoảng 200 cuộc gọi đến phản ánh những vấn đề người dân gặp phải khi đi khám chữa bệnh.
Ở giai đoạn đầu khi mở đường dây này, nhà cung cấp dịch vụ và Bộ Y tế đều không thông báo việc gọi đến đường dây để phản ánh những vấn đề của y tế là có thu phí. Vì thế trong những ngày gần đây, người dân bức xúc khi đường dây này thu phí cao. Thông cáo báo chí chính thức của Bộ Y tế sáng 16-7 cho biết việc thu phí nhằm “hạn chế các cuộc gọi có tính chất quấy rối, không đúng phạm vi. Để cán bộ nhân viên bệnh viện tập trung cho khám chữa bệnh”.
Về lý do vì sao quy định giá cước 1.000 đồng/phút, thông cáo này cho rằng đây là giá cước thấp nhất để đảm bảo cơ sở hạ tầng, đồng thời duy trì tổ trực điện thoại viên tiếp nhận phản ánh.
Thông cáo cũng cho biết một số đường dây nóng các bộ, ngành thu phí tới 2.000-3.000 đồng/phút, khi người dân gọi đến đường dây nóng y tế thì tổng đài cũng tự động thông báo giá cước là 1.000 đồng/phút kể từ khi gặp điện thoại viên.
Bộ Y tế bắt đầu thiết lập hệ thống đường dây nóng từ khoảng 3 năm nay, ban đầu rất nhiều người dân gọi đến và phản ánh nhiều vấn đề đa dạng như thái độ cán bộ nhân viên, cơ sở vật chất, thủ tục hành chính…
Gần đây số cuộc gọi đến có giảm nhưng cũng có những cuộc gọi đến không được tiếp nhận, xử lý hoặc gặp được điện thoại viên. Gần nhất là hôm 2-7 có cuộc gọi đến của người lái xe cấp cứu gặp rắc rối tại Bệnh viện nhi T.Ư (Tuổi trẻ trang 2, Hà Nội mới trang 7, Sài gòn giải phóng trang 1).
Bệnh vì bỏ cơm theo... sinh tố
Đứng trước thực trạng, nói đúng hơn, là thảm trạng an toàn vệ sinh thực phẩm ở nước ta, nhiều người không còn niềm tin vào thực phẩm nên quyết định thường xuyên dùng thuốc sinh tố (vitamin) để bớt ăn!
* Sinh tố là một trong các hoạt chất không thể thiếu nếu muốn khỏe mạnh. Thay vì ăn, có nên thay thế bằng cách bổ sung sinh tố mỗi ngày?
- BS Lương Lễ Hoàng: Sinh tố loại nào cũng thế, sở dĩ giữ vai trò quan trọng là do công năng xúc tác phản ứng hoặc sinh năng lượng, hoặc thúc đẩy tiến trình tổng hợp kháng thể, huyết cầu, nội tiết tố, cấu trúc khỏe mạnh của tế bào, vỏ bọc dây thần kinh, hoặc yểm trợ chức năng biến dưỡng, hoặc cả ba...
Sinh tố không đồng nghĩa với dưỡng chất cơ bản của cơ thể là chất đường, chất đạm, chất béo.
* Với chế độ dinh dưỡng thường ngày có dễ thiếu sinh tố?
- Thông thường khó thiếu sinh tố nếu thực phẩm “xanh” trong khẩu phần chiếm không dưới 50%.
Kẹt chính ở chỗ trong bối cảnh của cuộc sống tẩm đầy stress trong môi trường ô nhiễm tăng từng giờ, nhu cầu sinh tố ở thế kỷ này cao hơn đời xưa. Số cung không nhiều hơn bao nhiêu, nhưng số cầu về sinh tố tăng theo vật giá. Bệnh do thiếu sinh tố như beriberi vì thiếu B1, scorbut vì thiếu C không còn tồn tại nhưng đủ thứ bệnh khác, cả tâm lẫn thể, do thiếu nguồn dự trữ sinh tố, trong số đó quan trọng hàng đầu là sinh tố chống ung thư như tiền sinh tố A, sinh tố E, D, C...
Đó chính là vấn nạn khó gỡ của sức khỏe cộng đồng.
* Có ai tuy đủ ăn đủ mặc nhưng nguồn dự trữ sinh tố vẫn thiếu hụt?
- Có mới kẹt, có rất thường mới khổ. Nói chi đến chuyện kiêng cữ trật chìa, dù ăn đúng cách cơ thể vẫn có nhu cầu sinh tố cao hơn trong sách vở nếu gia chủ ngày đêm stress quá, nếu có bệnh. Khi đó vì tuyến thượng thận, tuyến giáp “rồ ga” tăng năng suất nên sinh tố hụt hàng!
Thêm vào đó, nên nhớ trẻ con rất cần sinh tố nếu sốt kéo dài, người lao động nặng, người già rất cần sinh tố nếu suy dinh dưỡng, thai phụ phải thêm sinh tố vì một người nuôi hai miệng ăn, có khi đến ba... nếu sinh đôi!
* Có trường hợp nào không bệnh nhưng vẫn dễ thiếu sinh tố?
- Không có sinh tố nằm sẵn trong cơ thể, thuốc không thể triển khai tác dụng. Ngược lại, càng uống nhiều thuốc, uống thuốc càng lâu, càng dễ thâm hụt sinh tố. Vì thế nhiều người than mệt khi phải uống nhiều thứ thuốc.
Thêm vào đó, dược phẩm sở dĩ dẫn đến phản ứng phụ là do thiếu loại sinh tố “bật mồi lửa” khiến phản ứng biến dưỡng thuốc không hoàn chỉnh như mong muốn. Đáng tiếc nếu thầy thuốc không kết hợp sinh tố dễ thiếu trong phác đồ điều trị.
Bản tóm lược kèm bài này giúp độc giả căn cứ vào đó để kịp thời bổ sung sinh tố cho cơ thể bị hành tội vì bệnh và vì... thuốc!
* Bác sĩ nghĩ sao về nước giải khát tăng lực có bổ sung sinh tố?
- Nước tăng lực phải chứa nhiều đường. Uống vào tất nhiên thấy khỏe vì đang mệt, đang tụt đường huyết. Nhưng cũng vì chất ngọt, chất tăng lực theo kiểu ăn xổi ở thì nên cơ thể phải cần nhiều sinh tố và khoáng tố. Hậu quả là người uống nước tăng lực quá thường, lại thêm bữa ăn thất thường vì cuộc sống không còn giờ để ăn tất nhiên dễ thiếu sinh tố do gậy ông đập lưng ông.
* Nếu tính điểm dựa trên hiệu năng thì cần sinh tố hóa chất tổng hợp hay hoạt chất thiên nhiên?
- Câu trả lời đã từ lâu rất rõ nhờ nhiều công trình nghiên cứu cho thấy sinh tố tổng hợp dù có y chang cấu trúc thiên nhiên vẫn không có tác dụng toàn diện như sinh tố trong thực phẩm, vì trong món ăn bên cạnh sinh tố còn nhiếu chất khác giúp sinh tố triển khai tác dụng tối ưu.
Chỉ trong trường hợp bệnh lý, do nhu cầu cơ thể bội tăng, do tác dụng đặc hiệu cần liều cao nên thầy thuốc phải dùng thuốc tổng hợp. Nói chung, cách tốt nhất là ăn sao cho đừng thiếu sinh tố, đừng đợi thiếu rồi nuốt thuốc thay cơm.
* Trong quá trình ngày nào cũng gặp bệnh nặng, bác sĩ có nhận xét nào tâm đắc về việc dùng sinh tố?
- Ông bà đã dạy “có ăn có chịu”. Có lời dạy nào của tiền nhân không mang nhiều ý nghĩa? Bằng chứng là thiếu gì kẻ mất chức vì ăn... hối lộ! Cũng đâu có sai với người chịu xơ gan do thích ăn... nhậu! Khi bàn về sinh tố, chữ “ăn” thường khi đồng nghĩa với uống... thuốc! Do đó, trong toa thuốc trị bệnh mãn tính của tôi ít khi thiếu sinh tố để vừa công vừa thủ. Tất nhiên mỗi người một vẻ về nhu cầu sinh tố. Bên cạnh đó, đừng quên thuốc làm mất sinh tố nhanh nhất, nhiều nhất là thuốc lá. Thức uống gây thất thoát sinh tố đến độ không ngờ là rượu bia.
Lời thật khó tránh trái tai. Kẹt ở chỗ xứ mình nhiều người thích nói, ít người muốn nghe! (Tuổi trẻ trang 9).
Vụ sơ sinh đa dị tật: Phòng khám Thảo Nguyên không đảm bảo chuyên môn
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai vừa ký văn bản kết luận phòng khám Thảo Nguyên (phường Tây Sơn, TP Pleiku) chưa đảm bảo chuyên môn về siêu âm, chẩn đoán hình thái học thai nhi, siêu âm sàng lọc các dị tật cho thai nhi. Giám đốc Sở Y tế giao trách nhiệm cho Thanh tra Sở tổ chức kiểm tra, xem xét về chuyên môn, năng lực của phòng khám Thảo Nguyên để đề xuất hướng xử lý.
Trước đó, khi mang thai đến tháng thứ ba, chị Trần Thị Phước Lộc (trú TP Pleiku) đều đặn đến siêu âm thai tại phòng khám Thảo Nguyên. Các lần thăm khám định kỳ, vợ chồng BS Lê Trọng Nguyên-Trần Thị Thảo (phó khoa Sản BV Đa khoa Gia Lai) đều nói thai nhi phát triển bình thường. Tuy nhiên, hài nhi Phan Anh chào đời bị hội chứng Treacher chollins. Đây là hội chứng rất hiếm gặp (tỉ lệ 1/10.000 đến 1/25.000 trường hợp), có các triệu chứng dị tật là hai khe mắt thai nhi xệ thấp, thiếu lông mi, cằm nhỏ tụt về phía sau, miệng to, chẻ vòm, tai nhỏ hoặc không có tai (Pháp luật TP. HCM trang 15).
Khánh thành và bàn giao trụ sở mới Trường ĐH Y tế công cộng
Ngày 16-7, tại phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), Bộ Y tế đã tổ chức lễ khánh thành và bàn giao dự án đầu tư xây dựng trụ sở mới Trường đại học Y tế công cộng theo hình thức hợp đồng xây dựng chuyển giao (BT). Đến dự có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý. Dự án đầu tư xây dựng trụ sở mới Trường đại học Y tế công cộng trên khu đất 8,8ha thuộc quận Bắc Từ Liêm và tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 100.000m2, đáp ứng quy mô đào tạo 6.000 sinh viên. Trong giai đoạn I, triển khai theo hình thức BT, xây dựng trên diện tích khoảng 5,7ha, tổng diện tích sàn xây dựng 40.000m2, đáp ứng quy mô đào tại khoảng 4.000 sinh viên. Giai đoạn I của dự án, các hạng mục công trình đáp ứng yêu cầu đào tạo độc lập của trường với các hạng mục công trình là Nhà Hiệu bộ, 2 tòa nhà giảng đường, 1 tòa nhà Labo - thực hành và các hạng mục công trình phụ trợ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu kết nối tốt với khu vực.
Để bảo đảm yêu cầu về kế hoạch tiến độ xây dựng chuyển giao - chuyển giao, nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest đã phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan chính thức triển khai khởi công dự án vào tháng 7-2015 và hoàn thành vào tháng 7-2016 theo đúng cam kết về tiến độ, chất lượng. “Chúng tôi xác định, đây là dự án có tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô Hà Nội. Trên tinh thần đó, nhà đầu tư đã triển khai đến tất cả các đơn vị liên quan, từ nhà tư vấn thiết kế, thi công, đến từng cá nhân cán bộ, kỹ sư, công nhân trong các đơn vị đang quản lý. Bên cạnh đó, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các đơn vị thi công đã ưu tiên bố trí nguồn lực tài chính, nhân lực tốt nhất để triển khai thực hiện quyết liệt, chất lượng, để bàn giao cho đối tác đúng tiến độ theo hợp đồng đã ký” - ông Tô Như Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest cho biết. Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế đã biểu dương nhà đầu tư và đơn vị liên quan, qua một năm triển khai xây dựng, dự án đầu tư xây dựng trụ sở mới Trường đại học Y tế công cộng hoàn thành tiến độ đúng kế hoạch. Trong quá trình triển khai luôn bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường, tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định về quản lý đầu tư xây dựng, bảo đảm tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. Bộ trưởng cho biết, đây là dự án di dời trường đại học đầu tiên của ngành y tế tại Hà Nội theo hình thức BT đạt hiệu suất cao, đúng thời hạn. Bộ Y tế đang khuyến khích các mô hình xã hội hóa nhằm tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở y tế, nhất là cơ sở khám chữa bệnh, qua đó, giảm tối đa đầu tư công. Bộ trưởng yêu cầu Trường đại học Y tế công cộng vận hành hiệu quả công trình nhằm phục vụ tốt nhất cho công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Với cơ sở vật chất xây dựng mới, Trường đại học Y tế công cộng hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và khu vực (Hà Nội mới trang 1).
Đảo đảm an ninh trật tự ở bệnh viện: Cần giải pháp đồng bộ Bài đầu: Một xã hội thu nhỏ
Có chuyên gia y tế cho rằng, BV chính là một xã hội thu nhỏ và có tính đặc thù. Đặc thù ở đây là bệnh nhân và thân nhân đến các cơ sở y tế dành toàn bộ tâm trí cho việc chữa bệnh. Còn thầy thuốc chỉ chú tâm vào cứu chữa cho bệnh nhân, không có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự (ANTT)(?). Có lẽ vì vậy mà tình trạng mất ANTT trong và ngoài BV ngày càng trở nên đáng lo ngại.
Bất an bên trong...
Đến nay, chưa có một thống kê đầy đủ nào về số vụ phá hoại tài sản, cò mồi, trộm cắp lừa đảo, hành hung nhân viên y tế..., xảy ra trong môi trường BV trên địa bàn Hà Nội. Nhưng thực tế, số vụ việc mất ANTT trong các cơ sở khám, chữa bệnh (từ tuyến trung ương tới cơ sở) vẫn rất phức tạp, mà quá tải bệnh nhân là một trong những nguyên nhân chính... Bạch Mai là BV đa khoa hạng đặc biệt, lớn nhất khu vực phía Bắc, nằm trên địa bàn phường Phương Mai (quận Đống Đa). BV có số lượng bệnh nhân tập trung rất đông, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 7.000 bệnh nhân điều trị nội trú, 4.000 bệnh nhân điều trị ngoại trú và có khoảng 2.000 giáo sư, bác sĩ, y tá, cán bộ công nhân viên y tế làm việc. Trung bình tại đây có trên 40.000 lượt người ra vào mỗi ngày. Do vậy, tình hình ANTT vô cùng phức tạp. Điển hình như ngày 25-11-2014, tại Khoa Cấp cứu tiếp nhận bệnh nhân Linh Thị Duyên ở Ninh Bình, sản phụ được BV Đa khoa tỉnh Ninh Bình chuyển lên trong tình trạng sốc phản vệ, tim mạch trong tình trạng nguy kịch. Do bức xúc từ BV tuyến dưới, nên hàng trăm người thân của sản phụ đã kéo đến Khoa Cấp cứu gây mất ANTT, buộc lực lượng công an (CA) và bảo vệ BV phải có biện pháp ngăn chặn, không để sự việc bùng phát phức tạp... Trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng bảo vệ của BV phối hợp với CA phường Phương Mai bắt quả tang 29 vụ phạm pháp hình sự và ngăn chặn được nhiều vụ trộm cắp tài sản của công dân...
Trong khi đó, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm hiện có 7 BV tuyến trung ương và thành phố, với hàng nghìn lượt người ra vào khám, chữa bệnh mỗi ngày, kéo theo nhiều vụ việc mất ANTT ở trong, ngoài BV. Theo Thiếu tá Tống Đăng Công - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự CA quận Hoàn Kiếm, do lưu lượng người ra vào các BV rất đông, kéo theo tình hình phạm pháp hình sự tại khu vực vô cùng phức tạp, tập trung chủ yếu vào các hành vi: Trộm cắp tài sản, lừa đảo, cò mồi... Thậm chí, tại BV Việt Đức, có nhóm đối tượng còn cản trở, hành hung cả lái xe cứu thương khi đang làm nhiệm vụ (năm 2015)... Hằng ngày các đối tượng thường tập trung tại các BV từ sáng sớm giả làm người đi khám bệnh, đứng xếp hàng lấy số khám sau đó thực hiện hành vi "cò mồi", mời chào, lôi kéo bệnh nhân và người nhà đi khám "dịch vụ nhanh" với giá từ 200.000 đến 300.000 đồng. Tại BV K và khu vực bãi gửi xe số 58 phố Hai Bà Trưng, mỗi khi bệnh nhân đến khám thường có nhiều đối tượng "cò mồi" tiếp cận, mời "thuê" người dẫn vào BV "khám nhanh". Mỗi lần như vậy, người khám bệnh phải trả cho các đối tượng số tiền 30.000 đồng.
… và bất ổn bên ngoài
Tuyến phố Tràng Thi lâu nay được nhiều người gọi bằng cái tên “phố BV”. Chỉ một quãng phố ngắn chừng vài trăm mét, từ ngã tư Tràng Thi - Triệu Quốc Đạt - Phủ Doãn đến ngã tư Tràng Thi - Quán Sứ nhưng tập trung đến 4 BV đầu ngành: Việt Đức, Phụ sản trung ương, K và Răng - Hàm - Mặt. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến Tràng Thi và các tuyến phố xung quanh thường xuyên phải “sống chung” với tình trạng lộn xộn, tắc nghẽn giao thông. Theo ước tính, mỗi ngày tại các BV này đón tiếp hàng nghìn lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Số lượng xe vận chuyển bệnh nhân (xe nhà nước) tại các BV rất ít, “cung" không đủ "cầu”, do vậy ngoài xe cấp cứu 115, xe cấp cứu BV, có rất nhiều hãng xe, taxi coi đây như một thị trường béo bở.
Mới 15h chiều, cả hai cổng ra vào BV Phụ sản trung ương phía Tràng Thi và Triệu Quốc Đạt đã liên tục bị bao vây bởi từng hàng taxi. Từ phố Tràng Thi rẽ vào Phủ Doãn đã bắt gặp hàng chục gánh hàng rong ngồi la liệt trên vỉa hè, ngay góc ngã tư. Vì vỉa hè trước cổng BV đã được trưng dụng làm điểm trông giữ xe máy nên người đi bộ buộc phải đi dưới lòng đường, lấn vào làn đường của các phương tiện giao thông. Do nhu cầu đi lại tại BV này rất lớn, khu vực đường Phủ Doãn luôn có hàng đoàn taxi nối đuôi nhau “đánh võng” qua cổng BV tìm khách khiến giao thông tại tuyến phố này luôn trong cảnh ùn tắc bất cứ lúc nào.
Vừa ra khỏi cổng BV, phóng viên Báo Hànộimới trong vai một người bệnh tỉnh xa về đã được một nam thanh niên dáng nhỏ thó, đầu đội mũ lưỡi trai nhảy xổ đến, chèo kéo: "Đi taxi giá rẻ không em?". Chúng tôi vờ hỏi: "Về trung tâm Hà Đông bao nhiêu anh?". "Thì em cứ lên xe đã, anh tính rẻ cho em, chỉ hơn hai trăm thôi". Thỉnh thoảng vẫn đi về quãng đường đó chỉ trên dưới 150.000 đồng, hôm nay vẻ "quê mùa" của chúng tôi đã khiến anh "cò xe" không ngần ngại đẩy giá lên hơn 50.000 đồng nữa...
Tình trạng không bảo đảm ANTT còn diễn ra ở nhiều BV khác trên địa bàn Hà Nội, như: Phụ sản trung ương, Xanh Pôn, Mắt trung ương, Nhi trung ương, Phụ sản Hà Nội, BV K, Đa khoa Hà Đông... Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế và gây tâm lý hoang mang lo lắng đối với cán bộ y tế. Sự bất ổn về tình hình ANTT trong BV cũng khiến người bệnh có cảm giác bất an, ảnh hưởng không tốt tới hiệu quả điều trị. Đây thực sự là một vấn nạn nhức nhối (Hà Nội mới trang 7).