Ứng dụng sóng cao tần trong điều trị ung bướu giáp nhân
Tính đến ngày 17/11/2016, Khoa Lồng ngực Mạch máu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD) đã ứng dụng thành công phương pháp điều trị bướu giáp nhân bằng sóng cao tần (RFA) cho hơn 50 người bệnh. Kỹ thuật điều trị tiên tiến RFA mở ra nhiều cơ hội cho các đối tượng người bệnh có bướu giáp lành tính nhưng điều trị nội khoa không hiệu quả, ngại phẫu thuật, hoặc đã điều trị (nội khoa, phẫu thuật) nhưng bị tái phát. Theo ThS BS. Trần Thanh Vỹ – Trưởng khoa Lồng ngực Mạch máu BV ĐHYD, tùy theo kích thước khối bướu mà bác sĩ sẽ chỉ định số lần điều trị khác nhau. Ưu điểm vượt trội của phương pháp này giúp điều trị bệnh triệt để hơn, không để lại biến chứng nặng, không ảnh hưởng lên mô giáp bình thường nên vẫn bảo toàn chức năng tuyến giáp, người bệnh phục hồi nhanh, có thể xuất viện ngay 1 – 2 tiếng sau can thiệp, giảm chi phí nằm viện, có tính thẩm mỹ cao, không để lại sẹo,.. (Tuổi trẻ, trang 14).
Chị tử vong, em nguy kịch nghi ngộ độc thực phẩm
Khoa Hồi sức cấp cứu (BV Đa khoa tỉnh Đắk Nông) vừa tiếp nhận hai bệnh nhi nhập viện cấp cứu do ngộ độc thức ăn. Trong đó, bé gái tám tuổi đã tử vong ngoại viện do ngộ độc quá nặng. Nạn nhân là hai chị em ruột Nguyễn Thị Thùy Trang (SN 2008) và Nguyễn Giác Sang (SN 2012), trú thôn 2, xã Đức An, huyện Đắk Song, Đắk Nông.
Hai cháu bé được chuyển lên từ BV Đa khoa huyện Đắk Song vào sáng 15-11 trong tình trạng bị ngộ độc nguy kịch. Trong đó, cháu Trang đã tử vong ngoại viện.
BS Nguyễn Y Đông, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, cho biết cháu Sang nhập viện có triệu chứng ngộ độc, không ăn uống được mà phải truyền dinh dưỡng tĩnh mạch.
Theo người nhà nạn nhân, sáng 14-11, cháu Trang và Sang được mẹ mua cho bánh mì kẹp thịt ăn sáng. Buổi chiều hai cháu tự nấu mì tôm để ăn, sau đó có biểu hiện đau bụng, buồn nôn và được gia đình đưa vào viện cấp cứu. (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trang 13), Tuổi trẻ, trang 14).
Phụ nữ VN mắc ung thư phổi cao do hút thuốc thụ động
Tại Việt Nam, tỉ lệ phụ nữ hút thuốc khoảng 2% nhưng tỉ lệ phụ nữ mắc bệnh ung thư phổi lại cao, chỉ đứng sau ung thư cổ tử cung và ung thư vú”. Bà Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Healthbridge Canada, cho biết ngày 16-11 tại hội thảo cung cấp thông tin về thực thi nhà hàng không khói thuốc. Theo bà Hoàng Anh, số phụ nữ Việt Nam mắc ung thư phổi cao cho thấy tỉ lệ phơi nhiễm của phụ nữ với hút thuốc thụ động là rất lớn.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho rằng một trong những giải pháp giảm thiểu tác hại do khói thuốc đối với những người không hút thuốc là xây dựng các mô hình trường học, công sở, nhà hàng… không khói thuốc. (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trang 13).
Việt Nam là vùng trũng của vi khuẩn kháng thuốc
Ngày 17.11, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe TP.HCM tổ chức tọa đàm chuyên đề: “Mối nguy hiểm của kháng thuốc”, hưởng ứng tuần lễ phòng chống kháng thuốc (từ ngày 16 - 22.11) năm 2016. PGS-TS Lê Tiến Dũng, Trưởng khoa Hô hấp - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết các nghiên cứu trên thế giới cảnh báo tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ở các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam rất trầm trọng. Việt Nam là vùng trũng vi khuẩn kháng thuốc cao trên thế giới.
Lý giải tại sao vi khuẩn gây ra kháng thuốc nhiều ở Việt Nam, theo ông Dũng là do sử dụng kháng sinh quá nhiều cho vật nuôi, khi người ăn phải thức ăn có dư lượng kháng sinh nhiều, kháng sinh sẽ đi vào cơ thể.
Thứ hai, người dân tiếp cận kháng sinh quá dễ dàng, họ tự chỉ định và ra nhà thuốc mua kháng sinh hoặc nhà thuốc tự bán kháng sinh cho người bệnh sử dụng. Thứ ba, xuất phát từ cơ sở y tế điều trị - bác sĩ cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh nhiều khi cũng không đúng, sử dụng không đúng liều, không đúng thời gian. (Thanh niên, trang 2).
Chồng chéo trong quản lý an toàn thực phẩm
Sau khi Luật An toàn thực phẩm (ATTP) có hiệu lực năm 2010, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật vẫn còn nhiều vướng mắc, chủ yếu do các quy định vẫn chưa thống nhất, công tác quản lý chồng chéo, đội ngũ cán bộ mỏng…
Còn nhiều vướng mắc
Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật An toàn thực phẩm sáng 17-11, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong 5 năm triển khai Luật ATTP, 3 ngành NN&PTNT, Y tế và Công Thương đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm.
Đồng thời, các ngành đã tăng cường tuyên truyền pháp luật về ATTP cho công dân biết và thực hiện. Đến nay, Sở Công Thương đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho hơn 2.100 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn; cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP cho tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm với tổng số hơn 16.000 người.
Nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật ATTP, đại diện Phòng Kinh tế các quận, huyện thuộc Hà Nội cho rằng, việc phân công quản lý về ATTP còn chồng chéo nên khi triển khai xuống các cơ sở còn gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, cán cán bộ tham gia quản lý công tác ATTP đa số còn kiêm nhiệm, chưa được đào tạo, chưa có chức danh. Ngoài ra, một số hàng hóa, sản phẩm dù tham gia ký cam kết nhưng công tác thanh tra, kiểm tra gần như không có dẫn đến không biết doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thực hiện không.
Tại nhiều địa phương, đa phần các cơ sở sản xuất, kinh doanh là nhỏ lẻ, manh mún, vì vậy việc truy xuất nguồn gốc rất khó khăn. Đại diện doanh nghiệp lại cho rằng, trong quá trình thực hiện Luật, nhiều thủ tục còn bất cập khiến doanh nghiệp phải đi lại nhiều, trong khi cán bộ hướng dẫn doanh nghiệp còn chưa thống nhất, không có cán bộ chuyên trách và có kiến thức về ATTP…
Quy định “đá” nhau
Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Vân, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội, việc thực hiện Luật còn chồng chéo là do nhiều quy định hiện nay vẫn còn “đá” nhau. Cụ thể, tại Khoản 5, Điều 19, Nghị định 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Đảm bảo nguyên tắc 1 cửa, 1 sản phẩm, 1 cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của 1 cơ quan quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, Điều 20, 21, 22 của Nghị định này quy định trách nhiệm quản lý của từng Bộ lại phân định theo nhóm sản phẩm. Nếu cơ sở sản xuất nhiều nhóm sản phẩm, trong đó có sản phẩm thuộc quản lý của cả 3 Bộ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13.
Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý, phân định trách nhiệm quản lý giữa các cơ quan và gây khó khăn cho cơ sở khi thực hiện quy định của pháp luật về ATTP. Một cơ sở hàng năm phải chịu sự hậu kiểm của ít nhất 2 cơ quan với nhiều nội dung trùng lắp trong công tác ATTP.
Về việc các quy định chưa thống nhất, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay 3 Bộ quản lý ATTP đang phối hợp, họp bàn với nhau để có thể ban hành một Nghị định thay thế Nghị định 38/NĐ-CP để thống nhất trong việc quản lý ATTP. (An ninh Thủ đô, trang 7).
100% mẫu sản phẩm của Suntory Pepsico VN đạt chuẩn sau kiểm nghiệm
Kết quả thanh tra toàn diện của Bộ Y tế cho thấy, 100% mẫu sản phẩm được kiểm nghiệm từ Suntory PepsiCo Việt Nam đều đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.
Sau 45 ngày làm việc, Bộ Y tế đã chính thức công bố kết quả thanh tra toàn diện theo kế hoạch tại Công ty TNHH Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam (SPVB).
Kết quả cho thấy toàn bộ 107/107 (100%) các mẫu, bao gồm thành phẩm, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm và bao bì, được lấy từ Suntory PepsiCo Việt Nam để kiểm nghiệm đều đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, cũng như phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng mà công ty đã công bố.
Suntory PepsiCo Việt Nam đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về an toàn thực phẩm, công bố hợp quy, nguyên liệu, kho bảo quản, dây chuyền sản xuất, xử lý nguồn nước, ghi nhãn và quảng cáo. Vì vậy, tất cả sản phẩm thuộc các nhãn hiệu của công ty bao gồm Pepsi, Sting, Tea+ Plus Ô Long, Tea+ Plus Matcha, Aquafina, Tropicana Twister, Mirinda, 7Up, Revive, Mountain Dew, Lipton, Evervess đều tuyệt đối an toàn cho người sử dụng. Cũng theo kết luận thanh tra, công ty đã thực hiện kiểm nghiệm sản phẩm định kỳ nhưng chưa đầy đủ. Điều này là do việc chưa có đủ hiểu biết về thủ tục kiểm nghiệm sản phẩm định kỳ. Công ty thực hiện kiểm nghiệm một bao bì đại diện cho các sản phẩm có cùng công thức thay vì kiểm nghiệm toàn bộ bao bì khác nhau của cùng loại sản phẩm đó. Việc này không ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Theo quy trình chuẩn của Tập đoàn Suntory và PepsiCo toàn cầu, mỗi lô hàng sản xuất bởi SPVB, từ nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm đầu ra đều phải trải qua quy trình kiểm nghiệm, được kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt tại phòng thí nghiệm nội bộ của công ty. Sau khi nhận được hướng dẫn chi tiết từ Bộ Y tế, công ty đã kiểm tra định kỳ bổ sung đầy đủ và các kết quả kiểm nghiệm đều 100% đạt yêu cầu. (An ninh Thủ đô, trang 7).
Hơn 6.000 người đăng ký hiến tạng sau khi chết
Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể - Bộ Y tế cho biết, trong 2 năm gần đây số người đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết đã tăng lên rất nhanh, đến nay đã có trên 6.100 người đăng ký. Trong đó có một tỉ lệ không nhỏ trong số trên sẵn sàng hiến tặng mô tạng ngay nếu có người bệnh phù hợp cần được ghép. Tuy nhiên, nhu cầu ghép mô, tạng hiện nay ở VN là rất lớn và đang gia tăng nhanh chóng. Theo thống kê sơ bộ, có hơn 6.000 người bị suy thận mãn cần được ghép, khoảng 300.000 người bị mù do các bệnh lý giác mạc và trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc, hàng trăm người đang chờ được ghép tim, phổi. (Lao động, trang 3).
Việt Nam đã thực hiện thành công gần 1.400 ca ghép tạng
Trong những năm qua, ghép tạng là một trong những thành tựu quan trọng của ngành y tế trong việc chữa bệnh, đặc biệt là đối với những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, hiểm nghèo do các mô tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục được.
Hiện nay, trên cả nước đã có 17 cơ sở ghép tạng. Qua hơn 20 năm từ khi thực hiện ca ghép tạng đầu tiên tính đến cuối tháng Sáu vừa qua, Việt Nam thực hiện được 1.281 ca ghép thận, 54 ca ghép gan, 16 ca ghép tim, 8 ca ghép tủy, 1 ca ghép thận-tụy...
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường nhấn mạnh trong chương trình “Khi sự sống được sẻ chia,” do Bộ Y tế tổ chức tối 16/11, tại Hà Nội.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Lê Quang Cường cho hay tổng số ca ghép tạng đã thực hiện trong thời gian qua là con số còn quá ít so với tiềm năng hiện có. Bởi trình độ ghép tạng của đội ngũ bác sỹ Việt Nam hiện nay được đánh giá ngang tầm khu vực và quốc tế. Ghép tạng đã và đang là một trong những niềm tự hào của ngành y tế Việt Nam, góp phần đưa ngành y tế hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới. ... (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Công ty Pepsico Việt Nam bị phạt 25 triệu đồng
Thanh tra Bộ Y tế đã ban hành quyết định xử phạt Công ty TNHH Suntory Pepsico Việt Nam do vi phạm thực hiện kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm nhưng chưa đầy đủ theo quy định (công ty chỉ thực hiện kiểm nghiệm định kỳ mang tính đại diện cho các dạng bao gói sản phẩm có cùng công thức và nội dung công bố).
Thanh tra Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 104/QĐ-XPVPHC xử phạt Công ty TNHH Suntory Pepsico Việt Nam (Cao ốc Sheraton, số 88 đường Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) 25 triệu đồng do vi phạm thực hiện kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm nhưng chưa đầy đủ theo quy định (công ty chỉ thực hiện kiểm nghiệm định kỳ mang tính đại diện cho các dạng bao gói sản phẩm có cùng công thức và nội dung công bố).
Ngoài ra, Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu Công ty TNHH Suntory Pepsico Việt Nam chấm dứt hành vi vi phạm trên. Đồng thời, tiến hành kiểm nghiệm định kỳ đối với tất cả sản phẩm của công ty theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, Thanh tra Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 153/QĐ-TTr ngày 6/9/2016, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam. Theo quyết định, thời hạn thanh tra là 45 ngày, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra (ngày 7/9). Thời kỳ thanh tra từ 1/1/2015 đến hiện nay và các thời kỳ trước có liên quan. Trong thời gian thanh tra, Đoàn sẽ tiến hành thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về việc đảm bảo an toàn thực phẩm của công ty; kiểm tra, xác minh trực tiếp một số cơ sở phân phối các sản phẩm của công ty; cơ sở cung cấp nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, bao bì,…Trường hợp phát hiện vi phạm tùy theo tính chất, mức độ, để xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo quy địnhk của pháp luật.
Cũng liên quan đến công ty TNHH Suntory Pepsico Việt Nam, Thanh tra Bộ Y tế cũng đã công bố kết luận về việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của Công ty này.
Kết luận của Thanh tra Bộ cho thấy, Công ty có đầy đủ Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các nhà máy sản xuất thực phẩm theo quy định. Các sản phẩm do Công ty đang sản xuất, kinh doanh đã công bố sản phẩm thực phẩm theo quy định, các giấy tiếp nhận công bố hợp quy/giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm còn hiệu lực; hồ sơ công bố sản phẩm được bảo quản theo đúng yêu cầu. Nhãn của 51/51 sản phẩm của công ty đang lưu hành có nội dung phù hợp với nhãn đã công bố…
Nguyên liệu, phụ gia thực phẩm dùng cho sản xuất thực phẩm được công bố theo quy định, có nguồn gốc rõ ràng, có hóa đơn chứng từ đầy đủ; được kiểm nghiệm định kỳ, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm theo quy định, kết quả kiểm tra đạt yêu cầu. Tại thời điểm thanh tra không phát hiện trong kho có nguyên liệu, phụ gia thực phẩm nằm ngoài danh mục của Bộ Y tế hoặc hết hạn hoặc hỏng mốc.
Tuy nhiên, kết luận của Thanh tra Bộ cũng nói rõ, qua kiểm tra thực tế ghi nhận công ty có thực hiện kiểm nghiệm định kỳ cho mỗi loại sản phẩm, tuy nhiên việc thực hiện kiểm nghiệm định kỳ chưa đầy đủ theo từng loại bao bì của sản phẩm. Đối với các sản phẩm có cùng công thức và cùng nội dung công bố được đóng gói ở các dạng khác nhau (lon hoặc chai PET hoặc chai thủy tinh), khi kiểm nghiệm định kỳ, Công ty mới thực hiện kiểm nghiệm định kỳ đối với 1 trong các dạng bao bì trên, chưa kiểm nghiệm tất cả các dạng đóng gói.
Thanh tra Bộ Y tế cũng kiến nghị Công ty TNHH NGK Suntory Pepsico Việt Nam thường xuyên tự kiểm tra, giám sát, thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm
Trước đó, theo kế hoạch thanh tra năm 2016 đã được lãnh đạo Bộ Y tế phê duyệt từ cuối năm 2015, trong năm 2016, Thanh tra Bộ Y tế sẽ tiến hành thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm tại 4 công ty sản xuất, kinh doanh nước giải khát: Công ty TNHH nước giải khát Coca Cola Việt Nam; Công ty TNHH Suntory Pepsico Việt Nam; Công ty TNHH URC Việt Nam; Công ty cổ phần thực phẩm Quốc tế Wonderfarm. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Bất cập trong hệ thống chính sách, pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ở Việt Nam: Xóa tan nghi ngại trong việc phân phối mô, tạng hiến tặng
Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể - Bộ Y tế giữa vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng và thiết yếu trong hệ thống tư vấn, điều phối lấy và ghép mô, tạng ở nước ta hiện nay, bảo đảm tính khả thi, hệ thống, công khai và minh bạch trong hoạt động hiến, lấy, ghép mô, tạng, đây cũng là quy định về mô hình hoạt động hiệu quả trong hệ thống pháp luật của các nước trên thế giới. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Hôn mê, suy tạng vì nhiễm liên cầu lợn từ bát tiết canh
Mặc dù được các bác sĩ không ngừng cảnh báo việc ăn tiết canh lợn, vịt, ngan rất nguy hiểm, song lời cảnh báo của bác sĩ về nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng không thể giúp nhiều người từ bỏ món ăn khoái khẩu này, để rồi khi nhập viện có người đã ở trong tình trạng hôn mê, sốc nhiễm khuẩn do nhiễm khuẩn máu. (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).
Phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì bằng sữa mẹ
Theo WHO/UNICEP (2016), nếu trẻ được bú mẹ từ lúc mới sinh đến 23 tháng tuổi thì hàng năm có thể cứu sống được 800 nghìn trẻ dưới 5 tuổi bị tử vong. Hiện nay trên toàn cầu chỉ có khoảng 38% trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Ở VN, tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu còn thấp, chiếm khoảng 20%. (Sức khỏe & Đời sống, trang 12).
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh - Hiệu quả từ Đề án bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816: Tuyến dưới đã làm chủ nhiều kỹ thuật phức tạp
Nhiều BV sản nhi tuyến tỉnh dù mới được thành lập, hạn chế cả về số lượng lẫn chuyên môn nhưng nhờ được các bác sỹ tuyến trên “cầm tay chỉ việc”, đào tạo tận tình đã thực hiện được hàng chục ca phẫu thuật phức tạp. (Gia đình & Xã hội, trang 7).
BVĐK Thiện Hạnh (Đắc Lắc): Cứu sống trẻ sinh non 900 gam nguy kịch
Lọt lòng mẹ ở tuần thai thứ 28 với cân nặng chỉ 900 gram và nhiều triệu chứng nguy kịch, bé trai con chị Lương Thị Vân (thôn 5A, xã Ea Wy, huyện Ea H’leo) đã được các bác sĩ khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh cứu sống và nuôi dưỡng. Đến nay bé đã được hơn 3 tháng tuổi, hồng hào, khỏe mạnh, cân nặng 2.800 gram. Bác sĩ Hoàng Minh Ngọc, khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh, người trực tiếp tham gia nuôi dưỡng cháu bé cho biết, bé trai chào đời vào ngày 7-8-2016 tại bệnh viện trong tình trạng non tháng, nhẹ cân, thể trạng tím tái, không thở, không khóc và ngưng tim, tiên lượng nguy cơ tử vong cao. Ngay sau đó bé được các y bác sĩ của khoa hồi sức tích cực, có nhịp thở trở lại và chuyển sang chăm sóc đặc biệt tại đơn nguyên sơ sinh. Với sự nỗ lực chăm sóc, điều trị hết mình của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng khoa sản, trong hơn 3 tháng qua, cháu bé đã tăng từ 900 gram lên 2,8 kg với tình trạng sức khỏe tốt. Ngày 12-11 vừa qua, cháu bé đã được xuất viện về với gia đình.
Được biết, từ đầu năm đến nay, đây là trường hợp thứ 3 sinh non tháng, cân nặng dưới 1 kg được các bác sĩ khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh cứu sống và nuôi dưỡng thành công. (Tuổi trẻ, trang 14).
Cứu sống người có khối u quái 7 kg trong ngực
Ngày 16/11, GS.TS Lê Ngọc Thành - Giám đốc Bệnh viện E (Hà Nội) - cho hay các bác sĩ Trung tâm Tim mạch thuộc bệnh viện vừa phẫu thuật, cứu sống thành công một bệnh nhân nam 18 tuổi (quê Diễn Châu, Nghệ An) có khối u nặng gần 7 kg trong lồng ngực.
Đây là khối u đặc biệt với đường kính rất lớn 12x15x17 cm. Sau khi giải phẫu bệnh, các bác sĩ xác định là khối u quái thuần thục, có mức độ biệt hóa cao. Nhưng may mắn, khối u này có tỷ lệ ác tính thấp.
Các bác sĩ đánh giá mức độ nguy hiểm của khối u quái phát triển với kích thước lớn như vậy có nguy cơ gây chèn ép tim, phổi của người bệnh, gây nên tình trạng khó thở, đau ngực…
Cách đây một tháng, bệnh nhân có đau tức lồng ngực dữ dội, khó thở dẫn đến tím tái, và xuất hiện những cơn ho kéo dài.
Bệnh nhân khám tại Bệnh viện Phổi trung ương, và được các bác sĩ chụp CT xác định khối u có kích thước lớn chèn ép thất phải, nhĩ phải và gây xẹp phổi phải.
Nam thanh niên này phải ngồi ngủ vì khối u quá lớn, gây nên tình trạng khó thở. Do đó, các bác sĩ Bệnh viện Phổi trung ương đã chuyển bệnh nhân sang Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E.
GS.TS Lê Ngọc Thành cùng các bác sĩ Trung tâm Tim mạch quyết định cần mổ gấp để cắt bỏ khối u quái khổng lồ này trong lồng ngực cho bệnh nhân.
GS.TS Lê Ngọc Thành cho biết: "Đây là ca bệnh khó, vì khối u có kích thước quá lớn. Nguy hiểm hơn, khối u này lại nằm ngay tại lồng ngực và sát tim cùng với các mạch máu lớn. Nếu không mổ, cắt bỏ, khối u sẽ chèn ép tim, phổi của bệnh nhân và có nguy cơ tử vong".
Ca mổ kéo dài hơn 3 giờ. Khối u đươc phẫu thuật cắt nhỏ và được đưa qua đường rạch bên phải dài khoảng 15 cm ra khỏi cơ thể bệnh nhân.
Trong ca phẫu thuật cắt bỏ, nguy cơ bệnh nhân bị chảy máu do mạch máu lớn vỡ hoặc dính màng tim là rất lớn.
Hiện tại sức khỏe của bệnh nhân đã dần bình phục với các chỉ số sinh tồn được kiểm soát tốt. Bệnh nhân dự kiến được xuất viện trong vài ngày tới. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).