Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 18/05/2023

  • |
T5g.org.vn - Thiếu nhiều vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng: Công tác đấu thầu, mua sắm gặp vướng; Cựu Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức bị đề nghị truy tố; Giữ nhịp thở cho những trẻ sinh non; TP.HCM chỉ đạo khẩn tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại…

 

Thiếu nhiều vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng: Công tác đấu thầu, mua sắm gặp vướng

Những ngày qua, một số loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) ở nhiều điểm tiêm chủng trên địa bàn TPHCM đã “cạn”. Do quá lo lắng nhiều phụ huynh đã bỏ số tiền không nhỏ đưa con đi tiêm vaccine dịch vụ.

Mòn mỏi chờ vaccine

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đến hết ngày 15-5, các cơ sở tiêm chủng tại thành phố đã hết hoàn toàn vaccine 5 trong 1 DPT-VGB-HiB (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib) và vaccine 3 trong 1 DPT (phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván hấp phụ). Bên cạnh đó, các loại vaccine khác trong chương trình TCMR sẽ hết trong vài tháng tới nếu không được cung cấp thêm như: vaccine viêm gan B, viêm não Nhật Bản, lao (BCG), bại liệt (bOPV), sởi, uốn ván (VAT) và vaccine sởi và rubella (MR).

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu vaccine, PGS-TS Tăng Chí Thượng cho biết, ngày 3-4-2023, Bộ Y tế có ban hành văn bản về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu y tế - dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên. Theo đó, từ năm 2023, Bộ Tài chính không bố trí ngân sách trung ương cho Bộ Y tế mua vaccine cho chương trình TCMR, vitamin A cho trẻ em dưới 5 tuổi, thuốc kháng HIV (ARV), thuốc chống lao cho các đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế... mà đề nghị thực hiện theo quy định về phân cấp ngân sách. Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác để triển khai mua sắm, cung ứng thuốc, vaccine nêu trên.

“Sở Y tế đã chuẩn bị nguồn lực và xây dựng kế hoạch cung ứng vaccine trong Chương trình TCMR tại TPHCM năm 2023. Tuy nhiên, đến ngày 12-5-2023, Sở Y tế TPHCM lại nhận được công văn hỏa tốc của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về việc lập dự trù vaccine Chương trình TCMR trong những tháng còn lại của năm 2023 và dự trữ trong 6 tháng đầu năm 2024 để được cung ứng trở lại như trước. Sở Y tế đã lập danh sách nhưng đến nay vẫn chưa nhận được vaccine”, PGS-TS Tăng Chí Thượng thông tin. Trước đó, Sở Y tế TPHCM đã nhiều lần gửi văn bản “cầu cứu” các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế phân bổ vaccine trong chương trình TCMR. Tuy nhiên, việc cấp vaccine cũng theo tình trạng “nhỏ giọt” khiến công tác tiêm chủng không đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại TP Hà Nội. Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ tháng 4 tới nay, nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố rơi vào tình trạng thiếu vaccine “5 trong 1” và vaccine “3 trong 1” cũng còn rất ít do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cung ứng đủ đáp ứng đến hết tháng 4. Không chỉ thiếu vaccine trong Chương trình TCMR mà vaccine dịch vụ tại một số nơi cũng “khan hiếm”. Tại đơn vị tiêm chủng dịch vụ của CDC Hà Nội phải tạm dừng hoạt hoạt động nhiều tháng, trong khi trước đó mỗi ngày có hàng trăm người tới tiêm dịch vụ.

Trước tình trạng nhiều địa phương thiếu vaccine trong Chương trình TCMR, mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Y tế trên cơ sở cân đối nguồn vaccine viện trợ, xem xét có phương án thực hiện đặt hàng hoặc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá để các địa phương có căn cứ mua sắm, không để thiếu vaccine cho TCMR.

Theo PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nguyên nhân của tình trạng thiếu vaccine tiêm chủng do Bộ Tài chính không bố trí ngân sách trung ương để Bộ Y tế mua vaccine cho Chương trình TCMR. Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế đang quyết liệt triển khai và phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng và thẩm định giá theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10-4-2019 của Chính phủ.

Gần đây, Bộ Y tế nhận được ý kiến của một số địa phương đề nghị “Bộ Y tế thực hiện việc đấu thầu tập trung mua sắm các loại vaccine trong chương trình TCMR, các thuốc ARV, vitamin A hoặc thực hiện đàm phán giá”, tuy nhiên việc này là không khả thi do Chương trình mục tiêu y tế - dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên từ năm 2023. Đối với đề xuất “Bộ Y tế tổ chức đấu thầu tập trung các vaccine sản xuất trong nước cho TCMR”, hiện nay các đơn vị sản xuất vaccine trong nước là đơn vị trực thuộc Bộ Y tế nên không bảo đảm tư cách hợp lệ để tham gia đấu thầu.

Đối với việc đặt hàng vaccine sản xuất trong nước cho TCMR, hiện chưa có quy định của pháp luật cho phép Bộ Y tế đặt hàng tập trung để ký thỏa thuận khung, xác định giá thống nhất và các địa phương ký hợp đồng. Do đó, Bộ Y tế đề nghị các sở y tế khẩn trương xác định nhu cầu, lập kế hoạch cung ứng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; báo cáo UBND bố trí kinh phí địa phương và tổ chức mua sắm theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm không để thiếu thuốc, vaccine cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Sẽ đưa việc thiếu vaccine ra Quốc hội

Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, việc chuyển đấu thầu vaccine TCMR về cho các sở y tế địa phương là không đúng chủ trương đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Cụ thể, với các mặt hàng có tỷ trọng sử dụng nhiều như vaccine TCMR, nếu đấu thầu cấp quốc gia sẽ giúp giá thành, cũng như các chi phí phát sinh giảm so với việc đấu thầu các gói nhỏ ở các tỉnh, thành. Bên cạnh đó, việc đấu thầu riêng từng tỉnh cũng sẽ dẫn đến khả năng giá trúng thầu sai lệch, các loại vaccine có thể khác nhau.

Điều này sẽ dẫn đến tình huống mỗi tỉnh có thể sẽ tiêm 1 loại vaccine khác nhau. Ngoài ra, bản chất của vaccine TCMR có rất ít nhà thầu tham dự. Do đó, Bộ Y tế lấy phương diện quốc gia đứng ra đấu thầu như trước là phù hợp, khả năng đảm bảo nguồn, giá và cung ứng an toàn hơn. “Việc gián đoạn, thiếu hụt vaccine TCMR đang gây bức xúc ở nhiều địa phương. Tôi sẽ đưa vấn đề này ra diễn đàn Quốc hội”, bà Phạm Khánh Phong Lan khẳng định. (Sài Gòn giải phóng, trang 9; Lao động, trang 1).

 

Cựu Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức bị đề nghị truy tố

Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã ban hành kết luận vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức, Công ty CP Công nghệ Việt Á (gọi tắt Công ty Việt Á) và Công ty TNHH Thiết kế xây dựng TM & DV Nam Phong (gọi tắt Công ty Nam Phong).

Đồng thời, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM cũng chuyển hồ sơ tới Viện KSND TPHCM đề nghị truy tố bị can Nguyễn Minh Quân (cựu Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; Bị can Phạm Vũ Phong (cựu Giám đốc Công ty Nam Phong) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ”; Bị can Trương Thị Bảo Trân (cựu nhân viên Phòng vật tư trang thiết bị y tế Bệnh viện TP Thủ Đức) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Nhận hối lộ”.

Kết luận điều tra thể hiện, cuối năm 2020 và đầu năm 2021, bị can Quân với vai trò là Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM) đã chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa hồ sơ nhằm thanh toán số lượng kit xét nghiệm Covid-19 cho Công ty Việt Á, Công ty Nam Phong cung cấp trước đó.

Việc cung ứng kit xét nghiệm này không có việc thực hiện xem xét năng lực, kinh nghiệm nhà thầu, thực hiện đấu thầu theo quy định. Hành vi của bị can Quân gây thiệt hại cho Bệnh viện TP Thủ Đức gần 8 tỷ đồng.

Bị can Trân được xác định là người soạn thảo, hoàn thiện thủ tục chỉ định thầu sai quy định để bệnh viện thanh toán tiền mua kit xét nghiệm Covid-19 gây thiệt hại cho bệnh viện.

Kết luận điều tra cũng thể hiện, Công ty Nam Phong không đủ tính hợp lệ với tư cách pháp nhân của nhà thầu nhưng bị can Phong vẫn sử dụng công ty này nhằm thực hiện hành vi thông thầu, gian dối trong đấu thầu liên quan đến Bệnh viện TP Thủ Đức gồm: 1 gói thầu chào hàng cạnh tranh, 4 gói chỉ định thầu rút gọn, 33 gói chỉ định thầu mua kit xét nghiệm Covid-19 do Công ty Việt Á sản xuất từ Công ty Nam Phong gây thiệt hại cho bệnh viện.

Bên cạnh đó, thông qua nhân viên Công ty Việt Á, bị can Phong đã đưa gần 1 tỷ đồng cho nhân viên Bệnh viện TP Thủ Đức để chi hoa hồng việc hoàn thiện hồ sơ để Bệnh viện TP Thủ Đức thanh toán tiền mua kit xét nghiệm Covid-19 cho Công ty Nam Phong. (Sài Gòn giải phóng, trang 9; Thanh niên, trang 4).

 

Giữ nhịp thở cho những trẻ sinh non

Được xem là nơi có môi trường làm việc khắc nghiệt ở các bệnh viện sản - nhi, nhiều năm qua, các điều dưỡng Khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh luôn nỗ lực, tận tình chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng, mắc các bệnh lý nghiêm trọng. Bằng trái tim của những người mẹ, các điều dưỡng nơi đây đã chăm sóc tận tình, góp phần giữ lại sinh mệnh cho hàng ngàn đứa trẻ.

Canh giấc ngủ, giữ từng nhịp thở 

Đang thay tã cho bé gái sinh non, nhẹ cân ở giường số 4, tín hiệu báo động vang lên, điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Thắm bỏ dở công việc đến ngay giường số 6 để xử lý. Bé trai giường số 6 bị tuột dây ống thở. Bằng động tác nhanh nhất, chị đặt lại ống dẫn thở cho trẻ. Ổn định xong, chị quay trở lại giường số 4 tiếp tục công việc. Cứ thế, suốt ca trực, hầu như chị Thắm không ngơi tay. 

Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm chia sẻ: "Thời gian đầu vào đây, em run lắm, không biết làm sao bởi các con nhỏ quá, chỉ việc tìm mạch máu để tiêm, truyền cũng là một thử thách, các bé luôn trong tình trạng nguy hiểm, khi có vấn đề xảy ra là mình phải xử lý ngay, nhiều khi các chị em trong Khoa không kịp ăn cơm, uống nước".

Chị Lê Ngọc Ánh, Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức sơ sinh cho biết, Khoa có 40 giường bệnh tiếp nhận trẻ sơ sinh nhẹ cân, non tháng, mắc các bệnh lý bẩm sinh nguy hiểm như: tim mạch, hở thành bụng, thoát vị rốn, teo đường thở, teo thực quản, trẻ sinh non có cân nặng dưới 1 kg… được chuyển từ các bệnh viện tuyến dưới lên hoặc các đơn vị phụ sản chuyển đến. Nhiệm vụ của Khoa là hồi sức đến khi trẻ ổn định mới chuyển lên Khoa Sơ sinh điều trị tiếp. Toàn bộ hoạt động chăm sóc bệnh nhi ở đây đều do các điều dưỡng phụ trách. Mỗi ngày, người thân của các bé chỉ được vào thăm từ 5 - 10 phút. 

Hiện đơn vị có 41 điều dưỡng phân công chăm sóc trẻ theo "3 ca, 4 kíp". Ở các nước tiên tiến, mỗi điều dưỡng hồi sức sơ sinh chỉ phụ trách từ 1 - 2 trẻ. Tuy nhiên ở đây, mỗi người phải đảm nhiệm việc chăm sóc từ 4 - 5 bé. Hầu hết các ca bệnh đều từ nặng đến rất nặng, công việc của điều dưỡng rất vất vả.

Nhiều người gọi điều dưỡng ở Khoa Hồi sức sơ sinh là những "siêu nhân" bởi áp lực công việc nơi đây rất lớn. Không chỉ phải đảm nhiệm chăm sóc nhiều bệnh nhi cùng lúc mà các kỹ năng chăm sóc, kỹ thuật tiêm truyền… luôn đòi hỏi ở mức cao. Theo chị Ánh, lãnh đạo Bệnh viện và Khoa luôn yêu cầu các điều dưỡng phải thật sự tỉ mỉ, cẩn trọng trong việc thực hiện y lệnh của bác sĩ và chăm sóc trẻ. Bởi vì, những trẻ sơ sinh non tháng, mắc bệnh lý phức tạp chỉ cần một chút sơ sẩy là có thể nguy hiểm đến tính mạng. Một số điều dưỡng không chịu nổi áp lực đã phải rời đi chỉ sau vài tuần làm việc. Cứ thế, trong hàng chục năm qua, nhiều đứa trẻ được chăm sóc và thoát khỏi cửa tử nhờ vào bàn tay của các điều dưỡng nơi đây.

Trái tim những người mẹ

Công tác trong lĩnh vực hồi sức nhi ở Bệnh viện Nhi đồng 2 vừa tròn 30 năm cũng là ngần ấy thời gian chị Lê Ngọc Ánh chứng kiến không biết bao nhiêu trường hợp thương tâm. Mỗi lần tiếp nhận trẻ mới, chị Ánh đều không khỏi xót xa: "Trẻ đến với chúng tôi đều mắc bệnh rất nặng. Thương lắm, chúng tôi chỉ mong làm sao chăm sóc, điều trị thật tốt để trẻ có thể vượt qua giai đoạn mong manh này, trở về với gia đình". Nhiều lần trái tim chị Ánh như thắt lại bởi không thể cứu được bệnh nhi, đành bất lực nhìn trẻ ra đi. Cũng không biết bao lần, nước mắt chị Ánh đã rơi khi chứng kiến giây phút "tử biệt" của trẻ và gia đình. Chị tâm sự: "Các con vẫn còn bé lắm, sinh ra đã phải rời gia đình đến bệnh viện điều trị, vậy mà chỉ sống thêm được 4-5 ngày, cuộc đời của các con ngắn quá, nghĩ thôi mà cũng đã đứt ruột".

Lúc còn rất trẻ (23 năm trước), chị Ánh được phân công chăm sóc một bé gái mới chỉ hơn 1 tháng tuổi bị teo thực quản rất nặng, tưởng chừng như không qua khỏi. Nhờ  được các bác sĩ điều trị và sự tận tình chăm sóc của các điều dưỡng, bé đã được phẫu thuật và khỏe mạnh trở về nhà. Nhớ về trường hợp này, chị Lê Ngọc Ánh kể lại: "Con bé rất ngoan. Mỗi lần mình chăm sóc, bé nằm im, giương mắt nhìn, cười với mình, sau đó lại có những cử chỉ rất dễ thương nên mình mến lắm". Từ đó, chị và bé trở nên thân thiết. Nhiều khi dù đã hết ca trực, chị vẫn nán lại chăm sóc, ẵm, bồng, chơi đùa cùng bé. Sau này, gia đình trẻ mong muốn nhận chị Ánh là mẹ nuôi. Giờ đây, con gái nuôi của chị đã trưởng thành, ra nước ngoài định cư nhưng vẫn luôn nhớ về mẹ Ánh. Thỉnh thoảng, con lại gọi điện tâm sự, ghé thăm mẹ mỗi lần về nước.

Chị Ánh cho biết thêm, mỗi điều dưỡng tại Khoa Hồi sức sơ sinh là một người mẹ của các bệnh nhi. Bởi vì, nhiều em vừa sinh ra, chưa được ba mẹ ẵm bồng đã phải vào bệnh viện. Lúc này, các điều dưỡng là những người trực tiếp chăm lo cho trẻ từng miếng ăn, giấc ngủ, canh giữ từng nhịp thở. Chỉ cần nhịp thở của trẻ nhanh hơn hay chậm hơn một chút, các điều dưỡng đều thấy lo lắng. Như những người mẹ, niềm vui lớn nhất của các điều dưỡng nơi đây là được nhìn thấy trẻ tiến triển tốt hơn mỗi ngày. Trẻ ổn định, nghĩa là các con có cơ hội sống tiếp, có thể trở về với gia đình, người thân.

Làm việc tại Khoa, chị Nguyễn Thị Hồng Thắm nhiều lúc ngỡ ngàng khi có người nhận ra chị giữa đám đông. Đó là những phụ huynh có con đã từng được chị chăm sóc hoặc phụ huynh đưa con tái khám, trở lại thăm các bác sĩ, điều dưỡng của Khoa. "Ngày gặp lại, các con đã lớn, hoạt bát, nhanh nhẹn, có bé đã có thể chào hỏi, ngoan ngoãn, lễ phép, tôi vui lắm. Nhìn những đứa trẻ mình từng chăm sóc tưởng không qua khỏi nay có thể tiếp tục sống khỏe mạnh, những vất vả cực nhọc trong công việc vì thế cũng tiêu tan", qua lớp khẩu trang, ánh mắt chị Thắm ánh lên niềm hạnh phúc.

Với chị Ánh và 40 điều dưỡng của Khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 2, chăm sóc, hồi sức cho trẻ sơ sinh mắc bệnh lý hiểm nghèo không đơn thuần chỉ là công việc mà còn là một sứ mệnh. Không kể ngày đêm, bước chân của các điều dưỡng nơi đây vẫn thoăn thoắt đi khắp các phòng bệnh, thực hiện sứ mệnh canh giữ từng nhịp thở, đưa các con thoát khỏi bờ vực tử thần. (Sức khỏe & Đời sống, trang 8).

 

TP.HCM chỉ đạo khẩn tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại

UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn chỉ đạo các sở và UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức thực hiện tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại trên địa bàn.
UBND TP.HCM cho biết, số liệu thống kê trong vòng 5 năm qua trên cả nước cho thấy, bệnh dại đã làm chết 410 người, trên 2,7 triệu người phải điều trị dự phòng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Hiện nay, nguy cơ bệnh dại tiếp tục xảy ra và gây tử vong rất cao trên người.

Do vậy, UBND TP.HCM giao Sở Y tế chỉ đạo cơ quan y tế phối hợp với cơ quan thú y kịp thời thông tin ngay khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cắn.

Tăng cường giám sát bệnh dại trên người với sự tham gia của cộng đồng dân cư theo hướng tiếp cận "Một sức khỏe", có sự phối hợp chặt chẽ của ngành thú y và y tế, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, bảo đảm việc tiếp cận vaccine phòng bệnh dại cho người, phổ biến địa chỉ các điểm tiêm phòng bệnh dại và truyền thông hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời.

UBND TP.HCM cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện rà soát, thống kê đàn chó, mèo 2 lần/ năm nhằm quản lý chặt chẽ tình hình biến động đàn, làm cơ sở để triển khai công tác tiêm phòng đạt hiệu quả.

Đặc biệt, thực hiện công tác tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo hằng năm, tập trung tiêm phòng vào tháng 3-4 và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi cho chó, mèo trên địa bàn thành phố theo đúng quy định.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người nuôi chó, mèo có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó, không để chó chạy rông… Tổ chức tập huấn chuyên môn cho cán bộ thú y nâng cao kỹ năng giám sát, đánh giá nguy cơ, điều tra và xử lý ổ dịch liên quan đến bệnh dại; tiếp tục tập huấn cho nhân sự của UBND phường, xã trong công tác bắt chó thả rông trên địa bàn.

UBND TP.HCM cũng giao Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tổ chức rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó, mèo ở từng khu vực dân cư; hướng dẫn, yêu cầu các hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, kê khai hoạt động chăn nuôi; chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh, tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định.

Các địa phương cũng được giao nhiệm vụ thành lập và có cơ chế cho các đội xử lý chó thả rông, thực hiện công tác bắt chó thả rông trên địa bàn. (Sức khỏe & Đời sống, trang 8).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang