Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 18/2/2020

  • |
T5g.org.vn - Giúp đỡ nhau lúc khó khăn, không kỳ thị trong phòng chống dịch Covid 19; Hà Nội sẽ cử bác sỹ vào tâm dịch ở Vĩnh Phúc để thu thập thông tin, kinh nghiệm phòng chống dịch

Giúp đỡ nhau lúc khó khăn, không kỳ thị trong phòng chống dịch Covid 19

Chiều 17/2, chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam là điểm đến an toàn và khẳng định, Chính phủ không chọn giải pháp dễ là đóng cửa mọi thứ mà thay vào đó, có giải pháp khó hơn, tức là làm sao vẫn duy trì điều kiện đi lại cho người dân, du khách, tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, thương mại nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho người dân.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong lịch sử, năm 2003, chỉ sau 45 ngày có dịch SARS, Việt Nam đã được WHO công nhận là quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS.

Theo Thủ tướng, ở thời điểm này, chúng ta càng tự tin hơn với các phương tiện và quyết tâm hiện có. Trên thực tế, Việt Nam đã và đang làm rất tốt nhờ sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành y tế cả nước.

Không chỉ phòng và chống rất tốt, đến nay, chúng ta đã chữa, không để một trường hợp nào nhiễm Corona rơi vào tình trạng nguy hiểm và đã chữa khỏi, cho ra viện 7 người trên 16 trường hợp mắc, Thủ tướng nói.

Tại thời điểm hiện nay, chúng ta tiếp tục đề cao cảnh giác với dịch bệnh nhưng phải bình tĩnh, bảo đảm cuộc sống bình thường và lo làm ăn kinh tế, giữ vững ổn định xã hội.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia, tính đến 11h ngày 17/2/2020, ghi nhận 71.332 trường hợp mắc COVID-19 (nCoV) tại 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó tại Trung Quốc đã ghi nhận 70.548 trường hợp mắc tại 31/31 tỉnh, thành phố.

Thế giới ghi nhận 1.775 trường hợp tử vong, trong đó tại Trung Quốc đại lục 1.770 trường c)hợp; Philippines, Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản, Pháp, Đài Loan (Trung Quốc) mỗi nơi có 1 trường hợp tử vong.

Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn các địa phương công bố hết dịch đối với các tỉnh đã bảo đảm điều kiện như Khánh Hòa (đã qua 30 ngày không phát hiện thêm trường hợp bệnh), Thanh Hóa (đã qua 23 ngày không phát hiện thêm trường hợp bệnh).

Sau khi nghe một số ý kiến, kết luận cuộc họp, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi “chúng ta sẽ tiếp tục công bố số người ra viện trong thời gian tới, nhiều tỉnh sẽ công bố hết dịch theo quy định, nhiều địa phương như Vĩnh Phúc có nhiều cố gắng trong chỉ đạo, khoanh vùng, nhiều giải pháp mạnh mẽ với sự vào cuộc của ngành y tế, công an, quốc phòng”.

Thủ tướng khẳng định: Việt Nam không chỉ là điểm đến an toàn vì những nỗ lực phòng chống dịch rất hiệu quả mà Việt Nam còn an toàn một cách tự nhiên, nhờ vào điều kiện thời tiết sẽ sớm ấm áp trên cả nước, thời tiết ở miền Trung, miền Nam hiện nay rất thuận lợi. Các bãi biển nắng ấm, không khí rất tốt. Khách du lịch có thể đến Việt Nam không chỉ để an toàn, để khỏe mạnh hơn mà còn có trải nhiệm thú vị.

“Việt Nam có môi trường du lịch, môi trường kinh doanh và môi trường sống an toàn, hấp dẫn và cũng có nhiều tiềm năng cho những trải nghiệm cũng như cho sự nghiệp kinh doanh ở phía trước”, Thủ tướng nói.

“Trong nỗ lực phòng chống dịch vừa qua, Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của các cấp Trung ương, các địa phương và đặc biệt là trong nhân dân, có thể thấy được một tinh thần quyết tâm hành động trong phòng và chống dịch Corona”, Thủ tướng nhấn mạnh và chúc mừng đội ngũ y bác sĩ, ngành y tế nói chung về những gì đạt được. Chính phủ cũng chia sẻ với nhiều gia đình trên khắp cả nước đã phải xoay sở, thu xếp cuộc sống vì con em của chúng ta trải qua kỳ nghỉ học dài ngày.

“Như tôi đã nói, phòng chống virus Corona không khó bằng phòng chống loại virus của sự trì trệ còn lây nhiễm đâu đó trong hệ thống của chúng ta. Tại cuộc họp, chúng tôi muốn nhấn mạnh ý này”, Thủ tướng chỉ rõ. “Phải chống bằng được loại virus này. Điều rất đáng mừng mà Chính phủ ghi nhận thấy là, vừa qua không có bất kỳ nơi đâu có biểu hiệu trên nóng dưới lạnh, hay trên nóng, dưới nóng, ở giữa lạnh”.

Nhấn mạnh tinh thần phòng chống dịch COVID-19 là phải bình tĩnh đương đầu và vượt qua, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp trong cả nước và người dân phải có phương án thúc đẩy, giữ nhịp điệu sản xuất, kinh doanh. “Khi chúng ta nói hy sinh một phần tăng trưởng để bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho người dân nhưng Chính phủ cũng không chọn giải pháp dễ là đóng cửa mọi thứ. Thay vào đó, chúng ta chọn giải pháp khó hơn, tức là làm sao vẫn duy trì điều kiện đi lại cho người dân, du khách, tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, thương mại nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho người dân”.

Thủ tướng đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia và Ban chỉ đạo các địa phương kiểm soát dịch bệnh nhưng chỉ đẩy lùi được dịch thì mới thành công một nửa. Yêu cầu lớn hơn của Chính phủ là phải giảm thiểu tác động đến đời sống người dân và nền kinh tế, kiên quyết giữ vững và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đề ra. Như vậy mới gọi là thành công trọn vẹn.

“Chúng ta thấy trong xã hội, có những người hoang mang, lo lắng quá không cần thiết, án binh bất động, không làm việc, không hoạt động nhưng cũng có một bộ phận chủ quan, coi thường, không thực hiện đúng yêu cầu của ngành y tế trong phòng chống dịch”, Thủ tướng nói và mong muốn người dân yên tâm, tin tưởng, đặt niềm tin và ủng hộ Chính phủ trong cuộc chiến chống dịch bệnh này. Hơn ai hết, cuộc chiến chống dịch cũng như chống giặc, nếu không có sự ủng hộ, đồng lòng hợp tác của người dân thì sẽ thất bại. Chính phủ mong muốn người dân hãy ủng hộ và hợp tác có trách nhiệm với Chính phủ trong cuộc chiến này.

Thủ tướng cũng đề nghị người dân phát huy phẩm chất quý báu của dân tộc, tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, không kỳ thị, xa lánh; hỗ trợ và giúp đỡ bạn bè quốc tế lúc khó khăn; xây dựng hình ảnh người Việt Nam mến khách, nghĩa hiệp.

Thủ tướng nhấn mạnh, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp yên tâm với kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Chính phủ bảo đảm không chỉ môi trường sản xuất, kinh doanh tốt nhất mà còn môi trường sống tốt nhất cho người dân, nhà đầu tư đến Việt Nam. Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động đón đầu để không bỏ lỡ cơ hội tăng tốc. Chính phủ sẽ có các kịch bản tăng trưởng, các chính sách phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất kinh doanh.

Mọi cấp, mọi ngành dành thời gian cho chống dịch, cách ly đối tượng nghi nhiễm, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ biên giới. Các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, thúc đẩy cải cách hành chính mạnh mẽ.

Thủ tướng đề nghị 1 tuần 2 lần, Thường trực Chính phủ nghe Ban chỉ đạo quốc gia báo cáo, còn 2 ngày 1 lần, Ban chỉ đạo quốc gia họp về phòng chống dịch. (Công an nhân dân, trang 1).

 

Hà Nội sẽ cử bác sỹ vào tâm dịch ở Vĩnh Phúc để thu thập thông tin, kinh nghiệm phòng chống dịch

Tiếp tục các biện pháp chủ động phòng dịch, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Y tế cử bác sỹ vào tâm dịch ở Vĩnh Phúc để thu thập kinh nghiệm về cách phát hiện, xử lý với các trường hợp nhiễm Covid- 19...

Chiều 17-2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung - Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona  (Covid-19) đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các quận huyện về tình hình dịch bệnh và công tác chủ động phòng, chống dịch.

Hà Nội được xét nghiệm sàng lọc Covid - 19

Báo cáo Chủ tịch UBND TP, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, đến nay, Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp dương tính với Covid – 19. Số trường hợp giám sát tại bệnh viện là 68. Trong đó có 7 trường hợp đến từ Vũ Hán; 9 trường hợp đến từ Bình Xuyên, Vĩnh Phúc; 39 người đến từ các vùng khác của Trung Quốc; 13 trường hợp có tiếp xúc gần với người Trung Quốc hoặc người đi về từ Trung Quốc có biểu hiện nghi mắc bệnh.

Số trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid – 19 là 66; còn 2 trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm và tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ (1 ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, 1 ở Bệnh viện Đống Đa).

Hà Nội hiện đang giám sát theo dõi sức khỏe 1.857 trường hợp đi về từ vùng dịch tại cộng đồng. Các trường hợp này được cách ly y tế tại nơi ở, nơi lưu trú. Hiện còn 336 người phải tiếp tục cách ly theo dõi sức khỏe.

Ngành Y tế đã phối hợp với CATP Hà Nội bố trí khu vực cách ly công dân Việt Nam đi về từ vùng có dịch. Hiện Bệnh viện CATP đang cách ly 55 người trở về từ Trung Quốc (không có trường hợp từ Hồ Bắc). Trong 55 người được cách ly, có 17 trường hợp là người Hà Nội, còn lại là ở các tỉnh thành khác.

Thời gian qua, Hà Nội đã tích cực chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch như: chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất; giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh; vệ sinh khử khuẩn 3 lần tại các trường học; các cơ quan, công sở, xí nghiệp, nhà chung cư, hộ gia đình, cơ sở lưu trú, bến xe, ga tầu, phương tiện công cộng cũng được vệ sinh, khử khuẩn đầy đủ...

Cục Quản lý thị trường và CATP đã kiểm tra xử lý 174 vụ đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh; thu giữ 678.788 chiếc khẩu trang và 7.161 chai dung dịch sát trùng rửa tay. CATP cũng đã lập hồ sơ xử lý 11 trường hợp đăng tin, bài sai sự thật về dịch bệnh lên trang Facebook các nhân, gây hoang mang dư luận.

"Bộ Y tế đã đồng ý để Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP tiến hành xét nghiệm sàng lọc. Kết quả sẽ có trong 24 tiếng. Với các trường hợp dương tính, Hà Nội sẽ phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để kiểm tra, xác nhận", ông Hạnh cho biết.

Vệ sinh, khử khuẩn trường học lần thứ tư

Sau khi nghe các quận huyện báo cáo về công tác phòng chống dịch, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung ghi nhận nỗ lực của các đơn vị trong việc triển khai tốt nhiều giải pháp phòng dịch; tuyên truyền hiệu quả, không để tình trạng kỳ thị người đến từ vùng dịch. “Đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của các quận huyện, sở ngành”, Chủ tịch UBND TP cho biết.

Nhắc nhở các đơn vị không thể chủ quan, bởi địa bàn Thủ đô có nhiều nguy cơ lây nhiễm, Chủ tịch UBND TP lưu ý một số nước như Nhật Bản, Singapore hiện vẫn chưa xác định được nguồn lây nhiễm và giao Sở Y tế chủ trì, chọn các bác sỹ có năng lực triển khai thâm nhập, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn chống dịch ở vùng dịch tại Vĩnh Phúc; tìm hiểu nguyên nhân, cách phát hiện…

Chủ tịch UBND TP yêu cầu, các đơn vị cần tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế; trong đó quan trọng số một là tuyên truyền vận động; làm sao để người dân đi qua vùng dịch, hoặc từ vùng dịch tự thấy các dấu hiệu của dịch bệnh (nếu có) để thông tin, phối hợp với các cơ quan chức năng chủ động phòng dịch.

“Các đơn vị cần thực hiện tốt biện pháp cách ly với các trường hợp nghi nhiễm nhưng không nên quá cứng rắn về pháp luật, có thể sử dụng các thiết chế làng xóm, dòng họ để vận động người dân; cách ly là biện pháp cuối cùng”, Chủ tịch UBND TP nói.

Sở Y tế chủ trì cùng Sở GD&ĐT tuyên truyền để tất cả giáo viên trên địa bàn TP nắm rõ về dịch bệnh, công tác vệ sinh khử khuẩn, quản lý học sinh cũng như quy trình ứng xử khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu của dịch bệnh; phải đo thân nhiệt cho các em học sinh trước khi vào lớp và khi ra về…

Trong trường hợp thời tiết tốt lên, không còn mưa lạnh, dù tuần sau học sinh có đi học trở lại hay không, các quận huyện cần chỉ đạo tất cả trường học cần tiếp tục vệ sinh khử khuẩn lần thứ tư…

“Sở Y tế phải cập nhật thường xuyên các thông tin về dịch bệnh trên thế giới, trong nước và Hà Nội. Báo cáo lãnh đạo TP 5 lần/ngày. Phát ngôn chính thức để bác bỏ tin đồn trên mạng”, Chủ tịch UBND TP yêu cầu. (An ninh thủ đô, trang 4).

 

Vĩnh Phúc sắp có 2 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên được chữa khỏi ở tuyến huyện

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Thanh Hải xác nhận, hai bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở huyện Bình Xuyên đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện này đã xét nghiệm 2 lần âm tính với virus corona.

Sáng nay, 17-2, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Thanh Hải cho biết, hai bệnh nhân nhiễm viêm phổi cấp do virus corona (Covid-19) kể trên dự kiến sẽ sớm được xuất viện. Theo đó, Vĩnh Phúc sẽ là tỉnh đầu tiên trong cả nước điều trị thành công bệnh nhân Covid-19 tại y tế cơ sở (tuyến huyện).

Cụ thể, trường hợp thứ nhất là bệnh nhân P.T.B, 42 tuổi, ở xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Bà B. là chị họ và có đến chơi, chúc Tết gia đình bệnh nhân N.T.D - nữ công nhân 23 tuổi mắc Covid-19 do đi tập huấn từ Vũ Hán trở về, được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và đã ra viện.

Ngày 4-2, bệnh nhân N.T.B được công bố là ca bệnh thứ 10 nhiễm Covid-19 tại Việt Nam. Nữ bệnh nhân được điều trị tại Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà, thuộc Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đến nay bệnh nhân này đã trải qua 2 lần xét nghiệm âm tính với Covid-19.

Trường hợp thứ hai là chị N.T.N., 29 tuổi, quê ở xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, đây là ca nhiễm Covid-19 thứ 13 tại Việt Nam. Bệnh nhân N.T.N. chính là thành viên trong đoàn 8 công nhân Công ty Nihon Plast ở khu công nghiệp Bình Xuyên đi tập huấn từ Vũ Hán trở về.

Trước đó, bệnh nhân N.T.N được cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc), sau khi có kết quả xác định dương tính với Covid-19 thì được chuyển xuống huyện Bình Xuyên điều trị. 

Tính đến sáng 17-2, có 5 trường hợp mắc Covid-19 được cách ly, điều trị tại Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà (ở huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). An ninh thủ đô (trang 4)

 

Người lao động bị cách ly vì COVID-19 có thể được được hưởng chế độ ốm đau

Để bảo đảm quyền lợi của người lao động, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề xuất Bộ Y tế và Bộ LĐ-TB&XH cho người bị cách ly do dịch COVID-19 được hưởng chế độ ốm đau.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Y tế về việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động bị buộc thực hiện biện pháp cách ly y tế phòng dịch Covid-19 (nCoV).

Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng và các quy định pháp luật, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất Bộ LĐ-TB&XH đồng ý cho các trường hợp bắt buộc phải cách ly nhưng không bị mắc bệnh truyền nhiễm được hưởng chế độ ốm đau theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Đối với các trường hợp cách ly tại nhà, trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi người lao động cư trú, căn cứ danh sách trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà được trưởng ban chỉ đạo chống dịch cấp xã phê duyệt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất Bộ Y tế đồng ý hướng dẫn cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội để làm căn cứ giải quyết chế độ ốm đau.

Trước đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng có văn bản gửi cơ quan bảo hiểm xã hội các địa phương trên cả nước về việc phối hợp thanh toán chi phí điều trị bệnh nhân nghi ngờ nhiễm Covid-19.

Cơ quan này yêu cầu các đơn vị chủ động phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tạo điều kiện tối đa cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế được kịp thời khám chữa bệnh hoặc chuyển tuyến khi nghi nhiễm Covid-19. (An ninh thủ đô, trang 6).

 

Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại ngoại thành Hà Nội: Vẫn còn tình trạng lơ là

Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh do Covid-19, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội liên tục chỉ đạo các cấp, ngành trên địa bàn triển khai các giải pháp để phòng, chống dịch bệnh. Công tác chỉ đạo, triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh của thành phố rất thường xuyên, quyết liệt, nhưng thực tế vẫn xuất hiện tình trạng một số cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn và một bộ phận người dân còn lơ là trước vấn đề này.

Nơi quyết liệt, chỗ lơ là!

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại huyện Thanh Oai, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp phòng dịch bệnh do Covid-19, huyện đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành liên tục kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh. Ông Nguyễn Khánh Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết: Đến ngày 15-2, huyện đã tổ chức 3 đợt vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng tại tất cả trường học, nhóm lớp tư thục, chợ dân sinh… 100% xã, thị trấn dừng tổ chức lễ hội, 100% trạm y tế các xã, thị trấn hoàn thành việc bố trí phòng cách ly, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân.

Tương tự, từ ngày 5-2 đến nay, người dân các xã, phường trên địa bàn thị xã Sơn Tây phối hợp lực lượng đoàn viên, thanh niên tiến hành tổng vệ sinh môi trường; thị xã liên tục thực hiện khử khuẩn tại 202 điểm công cộng và trường học trên địa bàn. Còn tại huyện Ba Vì - địa phương có nhiều người đi lao động, công tác tại Trung Quốc trở về nên việc cách ly tại nhà; thực hiện khử khuẩn tại các địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống dịch bệnh được huyện chú trọng... Tính đến ngày 14-2, trên địa bàn huyện có 19/29 trường hợp đi từ vùng dịch về đã hết thời gian theo dõi 14 ngày, còn 10 trường hợp đang được cách ly, theo dõi tại cộng đồng.

Trong khi đó, tại huyện Hoài Đức, từ ngày 31-1 đến nay, 20/20 xã, thị trấn thường xuyên tuyên truyền thông tin liên quan đến dịch bệnh, cách phòng ngừa 3 lần/ngày trên hệ thống đài truyền thanh, phát 100.000 tờ rơi cho các cơ quan, đơn vị, các hộ dân. Còn tại huyện Quốc Oai, nhiều xã đã mua khẩu trang, xà phòng, nước rửa tay khô cấp cho các phòng, ban, cơ quan, trường học, đồng thời yêu cầu cán bộ UBND xã phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người dân.

Mặc dù phần lớn các huyện, thị xã đã triển khai tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, nhưng trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng "trên nóng, dưới nguội". Cụ thể, vẫn còn một số xã, phường, thị trấn, cơ quan chức năng và người dân ở nhiều địa phương còn thờ ơ trước việc phòng, chống dịch bệnh. Đơn cử, mục sở thị tại huyện Thường Tín, 10h sáng 11-2, tại trụ sở UBND huyện, cả hai nhân viên bảo vệ đều không dùng khẩu trang khi tiếp xúc với công dân. Nhân viên bộ phận hành chính Phòng Y tế huyện cũng không đeo khẩu trang.

Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Tín, ngoại trừ nhân viên y tế, hầu hết bệnh nhân và người nhà đều không đeo khẩu trang. Ở một số cửa hàng bán đồ ăn quanh thị trấn Thường Tín, khách khá đông, song từ nhân viên bán hàng đến thực khách, không mấy người quan tâm đến việc đeo khẩu trang.

Tại một số xã ở các huyện: Ba Vì, Hoài Đức, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Chương Mỹ… mặc dù công tác phòng, chống dịch bệnh do Covid-19 được các huyện triển khai rất bài bản, luôn khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa, song ghi nhận thực tế cho thấy rất ít người dân thực hiện. 

Khắc phục ngay những bất cập

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Cần, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Vì thừa nhận vẫn còn tình trạng một bộ phận người dân chưa thực hiện đúng khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh do Covid-19 như không đeo khẩu trang tại nơi đông người.

Còn ông Nguyễn Hữu Cương, Chủ tịch UBND xã Kim Chung (huyện Hoài Đức) cho biết, khó nhất hiện nay là khẩu trang y tế chất lượng khó được kiểm soát, đối với nước rửa tay khô, dung dịch sát khuẩn giá cũng cao gấp 3-4 lần so với bình thường nên nhiều người không thể mua để sử dụng.

Ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng phòng Y tế thị xã Sơn Tây cho hay: Mặc dù Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các xã, phường thường xuyên khuyến cáo tiểu thương đeo khẩu trang khi bán hàng và rửa tay thường xuyên, nhưng nhiều người vẫn không chấp hành.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng phòng Y tế huyện Hoài Đức cho biết: Để công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, chúng tôi tiếp tục tham mưu UBND huyện đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng sớm có biện pháp khắc phục tình trạng khan hiếm, tăng giá khẩu trang, dung dịch rửa tay khô, dung dịch sát khuẩn để mọi người dân đều mua được và sử dụng. Đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác rà soát, cách ly những trường hợp đi qua vùng dịch, tiếp xúc với người nghi nhiễm hoặc người bị bệnh.

Nhấn mạnh quyết tâm phòng, chống dịch bệnh, phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh do Covid-19 thành phố vừa diễn ra, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch  bệnh do Covid-19 lưu ý: Hà Nội tiếp giáp Vĩnh Phúc nên vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lây nhiễm. Vì vậy, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục chủ động, tăng cường rà soát, khoanh vùng để giám sát, cách ly những trường hợp nghi nhiễm; nâng cao tinh thần kiểm soát, không bỏ qua bất cứ nguy cơ nào có thể xảy ra trên địa bàn.

Hy vọng, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh do Covid-19 thành phố và nỗ lực của các huyện, thị xã, những tồn tại trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại một số địa phương sớm được khắc phục. (Hà Nội mới, trang 6).

 

Chuyển giao kỹ thuật ngành tim mạch cho các bệnh viện vệ tinh

Chiều 17-2, tại Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức lễ khai giảng Khóa đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo Đề án Bệnh viện vệ tinh chuyên ngành tim mạch, năm 2020, với sự tham gia của gần 60 học viên đến từ 16 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Phát biểu tại lễ khai giảng, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, Nguyễn Quang Tuấn cho biết, thực hiện kế hoạch đào tạo năm 2020, Bệnh viện Tim Hà Nội sẽ tổ chức mở 32 khóa đào tạo tập trung (chuyển giao kỹ thuật pha 1) về các kỹ thuật thuộc lĩnh vực Nội tim mạch; phẫu thuật mạch và can thiệp mạch vành, cho 16 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trong đó, có 27 khóa đào tạo tập trung tại Bệnh viện Tim Hà Nội; 5 khóa đào tạo tập trung tại các bệnh viện vệ tinh. Dự kiến chuyển giao kỹ thuật (pha 2) tại địa phương, với 52 cuộc, gồm bảy gói kỹ thuật theo đề xuất của các bệnh viện vệ tinh. Ngoài ra, bệnh viện còn mở các khóa đào tạo liên tục theo nhu cầu thuộc các lĩnh vực: nội tim mạch, siêu âm tim, can thiệp tim… cho các địa phương

Các học viên tham dự các khóa đào tạo sẽ được cung cấp kiến thức, chuyển giao các kỹ thuật về tim mạch, như: siêu âm tim trong bệnh tim bẩm sinh; cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn điều trị rối loạn nhịp chẩm; siêu âm tim qua thực quản; siêu âm tim gắng sức; siêu âm mạch máu cơ bản; điều trị suy tĩnh mạch bằng sóng cao tần radio và laser nội mạch; phẫu thuật tim mạch lồng ngực cơ bản; hồi sức ngoại khoa tim mạch cơ bản; chuẩn bị và phụ giúp can thiệp tim mạch cơ bản; chuẩn bị dụng cụ trong phẫu thuật tim mạch…

Đáng mừng, qua ý kiến phản hồi từ các học viên, lãnh đạo các bệnh viện vệ tinh đều có chung nhận xét, học viên tham gia các khoa đào tạo trước đây do Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức, đều được học tập và thực hành tại môi trường chuyên nghiệp; kết nối được với các thầy, cô chuyên môn cao đã hỗ trợ đắc lực trong quá trình công tác tại địa phương. Các khóa học đều đạt và vượt mục tiêu đề ra; sau khi học, học viên được nâng cao năng lực chuyên môn, bước đầu áp dụng các kỹ thuật được chuyển giao tại đơn vị mình và đã thu được những kết quả đáng khích lệ… Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Quang Tuấn cho biết thêm.

Được học tập tại Bệnh viện Tim Hà Nội, đây là dịp để các học viên đến từ 16 tỉnh, thành phố trong cả nước được các thầy, cô truyền đạt kỹ năng, kinh nghiệm lâm sàng, định hướng phát triển chuyên môn, các kỹ thuật hiện đại trong điều trị các bệnh tim mạch… Với những kiến thực được lĩnh hội, các học viên không chỉ nâng cao trình độ chuyên môn của bản thân mình, mà sẽ được áp dụng một cách hiệu quả tại đơn vị mình công tác. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn. (Nhân dân, trang 5).

 

Phòng chống Covid-19: Chuẩn bị tốt nhất các phương án cách ly

Trước tình hình Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ngoài khu cách ly tập trung đặt tại Bệnh viện dã chiến ở Củ Chi, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TPHCM đã yêu cầu mỗi quận huyện phải có một khu cách ly để thực hiện phương châm 5 tại chỗ trong phòng chống dịch. 

Đến nay, cơ bản các quận huyện đã chủ động thành lập từng khu cách ly riêng, sẵn sàng chăm sóc đối tượng cách ly nghi nhiễm Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Tăng cường giám sát, cách ly

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, đến chiều 17-2, hiện trên địa bàn thành phố có 24 trường hợp đang được cách ly tại Bệnh viện dã chiến (huyện Củ Chi). Tổng số người được cách ly tại các điểm cách ly tập trung của quận huyện là 51 trường hợp (trong đó có 28 người hết thời gian theo dõi, còn 23 người đang tiếp tục được theo dõi).

Tổng số người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 2.928 người; hiện đã có 2.091 người hết thời gian theo dõi, còn 837 người đang tiếp tục được theo dõi. Tất cả các trường hợp được cách ly theo dõi đều chưa phát hiện dấu hiệu mắc bệnh.

Hiện đã có 20 quận huyện hoàn thành thiết lập cơ sở cách ly tập trung, có khả năng tiếp nhận cách ly theo dõi cho hơn 570 người; gồm các quận 3, 4, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Thủ Đức, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú và 5 huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh.

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM, việc giám sát người tự cách ly không được đi khỏi nơi cư trú như nhà ở, khách sạn thuộc thẩm quyền chính quyền địa phương, còn cơ quan y tế chỉ thực hiện vai trò giám sát về y tế.

Ngành y tế sẽ cập nhật danh sách những người tự cách ly về quận huyện, phường xã. Chính quyền địa phương bố trí nhân sự theo dõi và giám sát họ. Cơ quan y tế phường xã sẽ đến nơi ở của người tự cách ly để đo nhiệt độ hàng ngày, nhằm sớm phát hiện các dấu hiệu nhiễm bệnh.

Đối tượng cách ly bao gồm những người sống trong cùng nhà, nơi lưu trú với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh (sau đây gọi tắt là 2 trường hợp nêu trên); cùng làm việc với 2 trường hợp nêu trên; cùng nhóm du lịch, đoàn công tác, nhóm vui chơi với 2 trường hợp nêu trên. Những người có tiếp xúc gần trong vòng 2m với 2 trường hợp nêu trên; ngồi cùng hàng hoặc trước sau 2 hàng ghế trên cùng một chuyến xe, toa tàu, máy bay với 2 trường hợp nêu trên.

Bên cạnh đó, những người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam từ Trung Quốc hoặc từng đi qua Trung Quốc (trừ tỉnh Hồ Bắc) cũng phải cách ly trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

“Những người cách ly tại các khu cách ly sẽ được nhân viên y tế thăm khám 2 lần/ngày. Việc tiếp tục theo dõi hay kéo dài thời gian giám sát phụ thuộc vào sức khỏe người bị cách ly. “Những người tự cách ly sau 14 ngày nếu không có dấu hiệu phát hiện bệnh sẽ được đi lại như bình thường”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin

Không để người cách ly ra khỏi khu vực cách ly

Mới đây, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ sở y tế về việc chấn chỉnh công tác quản lý người bệnh nghi ngờ và người nhiễm Covid-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Công văn nêu rõ, để quản lý chặt chẽ các trường hợp bệnh trên, giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; giám đốc sở y tế, y tế ngành nghiêm túc thực hiện và chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh rà soát công tác tiếp nhận, phân loại người bệnh theo 3 nhóm trường hợp bệnh (bệnh nghi ngờ, bệnh có thể, bệnh xác định), thu dung cách ly và quản lý chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế được phân công theo đúng quy định của các địa phương trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, các cơ sở khám chữa bệnh nghiêm túc quản lý tất cả các người bệnh thuộc cả 3 nhóm trường hợp bệnh (bệnh nghi ngờ, bệnh có thể, bệnh xác định). Cơ sở y tế cần kết hợp với chính quyền địa phương và cơ quan công an trên địa bàn để quản lý chặt chẽ người bệnh; tuyệt đối không để người bệnh ra khỏi khu vực cách ly y tế khi chưa được phép xuất viện và sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm khi để người bệnh ra khỏi khu vực cách ly y tế.

Trước thông tin nhiều người dân lo ngại khi người trong đối tượng cách ly bỏ trốn, hoặc tự ý ra khỏi khu vực cách ly, luật sư Trần Duy Hưng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng Điều 6 Nghị định 176/2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế nêu rõ: cá nhân nào phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm nhưng không khai báo sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng.

Ngoài mức phạt cho hành vi không khai báo bệnh, mức độ nặng hơn nữa là hành vi che giấu bệnh dịch của mình hoặc người khác. Khoản 2 Điều 6 Nghị định 176/2013 quy định cá nhân che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A (các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh) sẽ bị xử phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng.

Trong trường hợp người bệnh từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sẽ bị phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng, theo Điều 10 của Nghị định 176/2013. (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Nhiều tỉnh sắp công bố hết dịch Covid-19

Chiều 17.2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19.

Chưa có ca nào lây trong môi trường y tế

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã cập nhật nhiều thông tin tích cực mà buổi sáng cùng ngày, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã thảo luận và thống nhất. Theo đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như bạn bè quốc tế đánh giá Việt Nam làm rất tốt trong kiểm soát dịch bệnh.

Từ 13.2 đến nay không phát sinh ca bệnh Covid-19 mới, kể cả tại “tâm dịch” là xã Sơn Lôi (H.Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Bên cạnh đó, việc điều trị tất cả các ca bệnh nhiễm Covid-19 đều tiến triển rất khả quan. “Trong số 16 ca mắc bệnh thì 7 bệnh nhân đã khỏi và xuất viện; còn lại 9 người, tình hình điều trị cũng rất khả quan”, ông Tuyên nói.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết thêm, cháu bé 3 tháng tuổi đang điều trị tại BV Nhi T.Ư khi xét nghiệm lần thứ nhất đã cho kết quả âm tính với Covid-19. Đặc biệt, người mẹ cũng không bị lây nhiễm Covid-19.

“Điều quan trọng nữa là, Việt Nam chưa có trường hợp nào lây lan trong môi trường y tế - nghĩa là chưa có ca nào lây cho cán bộ y bác sĩ điều trị người bị bệnh”, ông Đam nhấn mạnh.

“Tại Khánh Hòa, đã qua 30 ngày không phát hiện thêm ca nhiễm mới, là đã đủ điều kiện tuyên bố hết dịch. Hay như Thanh Hóa, cũng đã qua 23 ngày không xuất hiện thêm ca nhiễm, và các thủ tục sẽ được chuẩn bị để trong 5 ngày tới có thể công bố hết dịch theo quy định”, Phó thủ tướng nói thêm. Bên cạnh đó, theo ban chỉ đạo, Việt Nam cũng đang kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh; việc cách ly, khoanh vùng dập dịch Covid-19 được thực hiện nghiêm theo quy định; hệ thống xét nghiệm, phát hiện bệnh cũng hoạt động nhuần nhuyễn và nhanh hơn.

Không chủ quan, tiếp tục đề cao cảnh giác

Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Không chỉ phòng và chống rất tốt, đến nay, chúng ta đã chữa, không để một trường hợp nào nhiễm Corona rơi vào tình trạng nguy hiểm”. Thủ tướng đã biểu dương, cảm ơn sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành y tế.

“Chúng ta sẽ tiếp tục công bố số người ra viện trong thời gian tới; nhiều tỉnh sẽ công bố hết dịch theo quy định. Tuy nhiên, chúng ta không chủ quan, tiếp tục đề cao cảnh giác với dịch bệnh nhưng phải bình tĩnh, bảo đảm cuộc sống bình thường và lo làm ăn kinh tế, giữ vững ổn định xã hội”, Thủ tướng yêu cầu.

Nhắc lại dịch SARS năm 2003, người đứng đầu Chính phủ cho biết chỉ sau 45 ngày có dịch, Việt Nam đã được WHO công nhận là quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS, và ở thời điểm này, chúng ta càng tự tin hơn với các phương tiện và quyết tâm hiện có.

Mới thành công một nửa

Dù vậy, Thủ tướng lưu ý rằng, “đẩy lùi được dịch thì mới thành công một nửa”. Yêu cầu lớn hơn của Chính phủ là phải giảm thiểu tác động đến đời sống người dân và nền kinh tế.

“Không vì chống dịch mà ngừng trệ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Phải giữ nhịp điệu sản xuất, đi lại của người dân; kiên quyết giữ vững và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đề ra. Như vậy mới gọi là thành công trọn vẹn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng cho rằng, khi nói “hy sinh một vài lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho người dân”, Chính phủ không chọn giải pháp dễ là đóng cửa mọi thứ. “Thay vào đó, chúng ta chọn giải pháp khó hơn, tức là làm sao vẫn duy trì điều kiện đi lại cho người dân, du khách, tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, thương mại nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho người dân”, Thủ tướng nói và đánh giá cao những ngành, những doanh nghiệp đã “chuyển nguy thành cơ”, như: xử lý tốt ứ đọng nông sản (trái thanh long; nhiều chuyến hàng xuất khẩu nông sản bằng đường biển, đường bộ được khơi thông)...; nhiều doanh nghiệp có cách làm sáng tạo để đảm bảo quá trình sản xuất, kinh doanh bình thường.

Người đứng đầu Chính phủ phát đi thông điệp mạnh mẽ “Việt Nam có môi trường kinh doanh, du lịch và môi trường sống an toàn, hấp dẫn”. “Việt Nam không chỉ là điểm đến an toàn vì những nỗ lực phòng chống dịch rất hiệu quả, mà còn an toàn một cách tự nhiên, nhờ vào điều kiện thời tiết sẽ sớm ấm áp trên cả nước”, Thủ tướng nói và đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động đón đầu để không bỏ lỡ cơ hội tăng tốc. Chính phủ sẽ có các kịch bản tăng trưởng, các chính sách phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất kinh doanh.

Yêu cầu đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Liên quan đến việc đảm bảo phát triển kinh tế, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương.

Theo đó, Bộ KH-ĐT được giao hoàn thiện các kịch bản tăng trưởng theo các diễn biến tình hình dịch; riêng với kịch bản tăng trưởng GDP theo chỉ tiêu đã đề ra (6,8%) cần xác định rõ các mức phấn đấu cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực trong mỗi quý và có những giải pháp, đối sách kịp thời.

Thủ tướng yêu cầu có kế hoạch tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại thị trường, đa dạng hóa, mở rộng thị trường quốc tế, tận dụng tốt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; đồng thời đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa. Lập phương án nhập khẩu nguyên liệu; thúc đẩy sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng; kiểm soát tốt thị trường, giá cả. Đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp để phát triển du lịch, dịch vụ… và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng xem xét, quyết định; đề xuất các giải pháp, chính sách về thuế, phí, lệ phí, giảm chi phí sản xuất kinh doanh để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. (Thanh niên, trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang