Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 19/1/2018

  • |
T5g.org.vn - Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra đột xuất ATTP: Kiên quyết không để các sản phẩm không bảo đảm lưu thông trên thị trường; Sôi nổi Ngày hội “Giọt máu nghĩa tình vì đồng đội thân yêu”...

 

Sôi nổi Ngày hội “Giọt máu nghĩa tình vì đồng đội thân yêu”

Ngày 18-1, Đoàn thanh niên Cảnh sát PCCC TP Hà Nội phối hợp với Trung tâm Huyết học truyền máu - Bệnh viện 198 (Bộ Công an) tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện đợt 1, năm 2018 với chủ đề “Giọt máu nghĩa tình vì đồng đội thân yêu”.

Chương trình hiến máu tình nguyện với chủ đề “Giọt máu nghĩa tình vì đồng đội thân yêu” đã được Đoàn Thanh niên đơn vị triển khai nhiều năm nay, thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên, cán bộ chiến sĩ tham gia hiến máu.

Thông qua hoạt động, nhằm khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, nghĩa tình vì đồng đội trong mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát PCCC Thủ đô sẵn sàng chia sẻ, hiến máu của mình để cứu giúp đồng chí, đồng đội và nhân dân.

Với gần 250 đơn vị máu thu được, sau khi sàng lọc tại Trung tâm Huyết học truyền máu - Bệnh viện 198 sẽ nhanh chóng được lưu trữ phục vụ công tác cứu chữa bệnh cho cán bộ chiến sĩ trong CAND và nhân dân. (Công an Nhân dân trang 1)

 

Bé gái nguy kịch nghi do uống trà sữa

Sáng 18-1, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1-TP.HCM vẫn đang chăm sóc tích cực cho bé gái T.U. (14 tuổi, quê xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) bị nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa. Nguyên nhân từ nhiễm trùng đường tiêu hoá gây tổn thương trầm trọng đa cơ quan trên bệnh cảnh lâm sàng ở bệnh nhi này cho tới hiện nay vẫn đang được các Chuyên gia tìm hiểu.

Các bác sĩ Nhi Đồng 1 mới chỉ đặt nghi vấn bé T.U do uống trà sữa mà bị như vậy. Trước mắt, Khoa cấp cứu ở BV nhi đồng 1 TP.HCM vẫn chăm sóc hết sức chặt chẽ để cứu cô bé.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa cấp cứu BV nhi đồng 1 TP. HCM cho hay, em T.U. được chuyển từ BVĐK địa phương tới BV này vào sáng sớm 18-1 trong tình trạng suy hô hấp, tổn thương gan thận, cơ thể tím tái, và đã được đặt nội khí quản.

Người nhà chỉ kể, cách đây khoảng 1 tuần, em có triệu chứng sốt, đau bụng, nôn ói dữ dội, đi tiêu chảy trên 10 lần. Nhưng kết quả xét nghiệm mẫu phân không xác định được bị nhiễm khuẩn gì, nên BV địa phương chuyển lên Nhi Đồng 1 - TP. HCM. Tại tuyến trước do thấy tình hình em nguy kịch nên đã cho đặt nội khí quản và cho lọc máu.

Kết quả khám và xét nghiệm tại Nhi Đồng 1 nhận thấy, em T.U bị viêm phổi nặng, sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng hiểm từ đường tiêu hóa, gây tổn thương gan và thận. Tại Nhi Đồng 1 đã cho thở máy và làm thêm các xét nghiệm để có phương pháp điều trị tiếp theo.

 

Hiện các bác sĩ đang phối hợp với các Chuyên gia dịch tễ tìm hiểu nguyên nhân vì đâu vi trùng xâm nhập từ đường tiêu hóa vào máu ở bệnh nhi này. Một số trường hợp trước đây bị tương tự cũng không tìm ra được nguyên nhân.

Cũng theo lời mẹ bệnh nhi nói, trước khi có các triệu chứng ói, sốt phải nhập viện, bé T.U. có uống trà sữa, ngoài ra không ăn thêm một thứ thức ăn nào. (Công an Nhân dân trang 7)

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ trtang 14: “Bệnh nhi nghi ngộ độc trà sữa vẫn thở máy”

 

Bệnh viện Đông Anh lên tiếng về vụ tiêm nhầm thuốc

Chiều ngày 18-1, tại buổi gặp gỡ báo chí, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đông Anh (Hà Nội) khẳng định đã tiêm nhầm thuốc khiến bé 8 tháng tuổi nguy kịch.

Bà Đinh Thị Hồng Hoa, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Đông Anh cho hay, bệnh nhi vào viện 18h15' ngày 15-1-2018, vào viện trong tình trạng sốt cao, nôn, tiêu chảy.

Quá trình trẻ sốt cao liên tục, 39-40ººC, sốt rét run, không có co giật, ho khúc khắc, ăn gì nôn đấy 3-4 lần kèm theo phân lỏng, có nhầy. Tại nhà bệnh nhi đã được uống kháng sinh aumentin và hạ sốt nhưng không đỡ, gia đình đưa vào viện.

Tại bệnh viện trẻ được khám khi vào viện cho thấy trẻ tỉnh táo, mệt nhiều, mắt khô trũng… rét run, nổi vân tím, hạch ngoại vi không sờ thấy.

Bệnh nhi được chẩn đoán tiêu chảy, viêm họng cấp theo dõi tim bẩm sinh, tiên lượng bệnh nặng, đã giải thích tình trạng cho gia đình.

Bà Hoa cho biết: “Bệnh nhân đã được truyền dịch kháng sinh, hạ sốt, bù nước đường uống, theo dõi và giải thích gia đình tình trạng bệnh. Đến 22h52' phút trẻ mệt, khát nước, mắt trũng nhẹ, thở nhanh đều 48/phút, bụng mềm còn chướng, chẩn đoán tiêu chảy cấp có mất nước, vẫn viêm họng cấp”.

Bệnh nhi bị tiêm nhầm thuốc đường uống thành tiêm đã được xử trí truyền glucose, truyền tĩnh mạch, theo dõi sát toàn trạng, dấu hiệu mất nước, chướng bụng. 23h, trẻ mệt, 38ºC, không nôn thêm, chưa đi ngoài lần nào, môi nhẹ mắt trũng nặng, thở đều, dấu hiệu mất nước, bụng chướng, tim đều rõ, mạch quay rõ, chỉ định kaliclorit 10%/5ml x 1 ống, uống ½ ống/lần, theo dõi toàn trạng, dấu hiệu mất nước và bụng chướng.

Đến 23h10', sau khi điều dưỡng thực hiện y lệnh, bố bệnh nhân gọi bác sĩ khám lại. Lúc này, trẻ co cứng người, 37º5, môi da tím, SPO2 không có ôxy 70%; thở nhanh TS 56 lần/phút, không rút lõm ngực, phổi ran ngáy 2 bên, tim nhanh đều….

Theo bà Hoa tình trạng bệnh nhi Tr. diễn biến xấu là do điều dưỡng Trang dùng Kali tiêm tĩnh mạch cho trẻ.

“Ngay sau khi xảy ra sự cố, bệnh viện đã xử trí theo quy trình báo cáo y khoa sự cố nhầm lẫn đường dùng thuốc. Mời hỗ trợ cấp cứu hồi sức tích cực, chẩn đoán tiêu chảy cấp mất nước, nhiễm khuẩn huyết, theo dõi ngộ độc kali; xử trí phác đồ cấp cứu, thải kali, theo dõi sát toàn trạng. Mạch STO2, xét nghiệm CTM”, bà Hoa nói.

Sau khi xử trí cấp cứu trẻ thở ôxy, thở đều, trương lực bình thường, tim nhanh đều, 170-180 lần/phút, phổi thông khí đều 2 bên, tần số thở 50 lần/phút, tiểu thêm 1 lần. Đến 23h50', hội chẩn báo cáo tuyến trên, chuyển viện an toàn lúc 23h5'.

Bà Hoa cho biết thêm: “Việc thực hiện sai quy trình chuyên môn trong sử dụng thuốc liên quan đến 5 đúng, thực hiện sai đường dùng là tiêm tĩnh mạch thay cho đường uống theo y lệnh. Ngay sau khi phát hiện nhầm lẫn xảy ra kíp trực đã tiến hành xử lý ngay các vấn đề cấp cứu bệnh nhân khẩn trương, kịp thời”.

Về phía bệnh viện, đang thành lập hội đồng chuyên môn xem xét việc thực hiện sai quy trình chuyên môn và Hội đồng kỷ luật ra quyết định kỷ luật, đình chỉ công tác 30 ngày với điều dưỡng Hoàng Thu Trang; Rà soát lại việc thực hiện các quy trình quy chế, quản lý sự cố y khoa, quy định tránh nhầm lẫn thuốc…

Trước đó, đêm ngày 15-1 bé N.H.Tr (8 tháng tuổi, Đông Anh, Hà Nội) sốt cao nên được gia đình đưa vào bệnh viện Đa khoa Đông Anh điều trị. Tại đây, bé Tr. được chẩn đoán sốt nhiễm khuẩn. Tới 22h cùng ngày, sức khỏe của bé Tr. đã tạm ổn, mẹ cháu chị Trịnh Thanh Hải (34 tuổi) nhờ bà nội trông và đi ra ngoài ăn.

Tuy nhiên, vừa đi được vài phút chị nhận được tin mẹ chồng gọi gấp nói con bị bác sĩ tiêm nhầm thuốc, lên cơn co giật. Khi chị Hải lên tới phòng bệnh bé Tr. người cứng đờ, tim đã ngừng đập. Chị Hải nghe được bác sĩ nói chuyện với nhau về việc tiêm nhầm thuốc cho bé Tr.

Tới 1h sáng 16-1, cháu được đưa vào bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu, lúc này cháu đã trong tình trạng hôn mê, nguy kịch đến tính mạng. (Công an Nhân dân trang 8)

Cùng chủ đề báo An ninh Thủ đô trang 9: “Đình chỉ công tác điều dưỡng viên tiêm nhầm thuốc cho trẻ 8 tháng tuổi”; Báo Hà Nội mới trang 7: “Bé 8 tháng tuổi bị tiêm nhầm thuốc đường uống vào tĩnh mạch: Đình chỉ công tác chuyên môn đối với điều dưỡng”; Báo Tuổi trẻ trang 14: “Đình chỉ công tác điều dưỡng tiêm nhầm cho bé 8 tháng tuổi”

 

Sắc màu dấu yêu và sự sẻ chia

Chủ Nhật Đỏ - Ngày hội hiến máu cứu người mới đó đã 10 năm. Hơn 3.600 ngày đã qua, hành trình thiện nguyện vì cộng đồng do báo Tiền Phong khởi xướng đã được xã hội đón nhận, mong chờ và ngày càng lan tỏa. Bởi lẽ, sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt đối với nhiều sinh mạng vào thời điểm thiêng liêng trong đời sống văn hóa Việt: Dịp cận Tết.

Lần đầu tiên đáng nhớ…

Nhiều năm được Ban Biên tập giao nhiệm vụ theo dõi lĩnh vực y tế, tôi có dịp tiếp xúc với hàng trăm bệnh nhân và những mảnh đời cơ cực nơi bệnh viện. Hình ảnh những cô bé, cậu bé đầu không còn sợi tóc, đôi má phúng phính vì truyền hóa chất điều trị ung thư máu xói vào lòng niềm đau không dễ xoa dịu. Nhưng nỗi đau ấy còn nhân lên gấp bội nơi cha mẹ của những đứa trẻ không may mắc bệnh, bởi có những thời điểm kho máu của bệnh viện không còn nguồn máu để truyền. Những cơ thể nhỏ bé ấy đuội dần trong cơn “đói” máu…

Một ngày mùa đông cuối năm 2008, trong cuộc họp giao ban đề tài hàng ngày tại tòa soạn, tôi trình bày với Ban Biên tập về việc các bệnh viện lớn đều cạn máu dịp cận Tết, và vì thế có quá nhiều nỗi buồn sẽ đến với bệnh nhân khi họ không đủ máu để truyền những mong có sức khỏe để về nhà ăn tết cùng gia đình.

Ngay lập tức ý tưởng về một ngày Chủ nhật mang tính nhân văn, đem lại cơ hội sống, niềm vui cho người bệnh được nhà báo Đoàn Công Huynh, nguyên Tổng Biên tập báo Tiền Phong đưa ra: “Chúng ta cần phải làm gì đó để giải quyết phần nào vấn đề khan hiếm máu”. Và cũng ngay lập tức ý kiến đó nhận được sự ủng hộ của mọi người trong tòa soạn. Với trách nhiệm của một phóng viên y tế, tôi được Ban Biên tập giao nhiệm vụ kết nối với Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư để hai bên cùng nhau xây dựng chương trình hiến máu tình nguyện này. GS.TS Nguyễn Anh Trí, khi đó là Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư hào hứng đón nhận ý tưởng ấm tình người của báo Tiền Phong bởi từ đó đến nay, Tiền Phong là tờ báo duy nhất thực hiện công việc thiện nguyện này.

Ngày Chủ Nhật Đỏ đầu tiên đã ra đời trong bối cảnh như thế, đi cùng với đó sự hồi hộp và đầy âu lo của những người tổ chức chương trình, bởi Ngày Chủ nhật 18/1/2009 rơi vào ngày 23 tháng Chạp. Thông thường, những ngày giáp Tết Nguyên đán, các cơ quan, gia đình đang kết thúc công việc và chuẩn bị sắm Tết. Và báo Tiền Phong mạnh dạn xông vào một việc hết sức vất vả. Ngày Chủ Nhật Đỏ lần thứ nhất, báo Tiền Phong đã nhấn mạnh thông điệp nhân văn trong chủ đề “Tiếp sức cho người nghèo, tiếp máu cho người khổ” trong những ngày cuối cùng của năm âm lịch.

Khi đó, thạc sĩ, bác sĩ Ngô Mạnh Quân, Trưởng Khoa vận động và Tổ chức hiến máu đề xuất với Ban tổ chức, sẽ cố thu gom được 90 đơn vị máu. Nhưng để đạt được con số đó cần có hơn 100 người đăng ký tham gia hiến máu vì không phải ai cũng đủ điều kiện để hiến. Thời gian quá gấp gáp, tìm nguồn hiến máu thực sự khó khăn. Ngày Chủ Nhật Đỏ đầu tiên diễn ra tại khuôn viên của Nhà văn hóa học sinh sinh viên, bờ hồ Thiền Quang, gần trụ sở báo Tiền Phong. Không gian ấy, ngày hôm đó trở nên chật hẹp bởi đội ngũ tình nguyện viên tham gia vận động hiến máu và những người đến hiến máu đông hơn dự kiến. Cuối cùng Chủ Nhật Đỏ đầu tiên đáng nhớ ấy cũng hoàn thành mục tiêu đặt ra với 96 đơn vị máu thu được. Những đơn vị máu quý giá đó đã tiếp thêm sức khỏe cho hơn 100 bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi T.Ư để về nhà ăn tết thay vì ở lại viện để truyền máu cầm chừng, duy trì sự sống. Những người tham gia tổ chức chương trình thở phào nhẹ nhõm vì dù chưa nhiều nhưng số máu đó đã góp phần mang lại niềm hạnh phúc khôn nguôi cho những đứa trẻ.

Ấm áp những tấm lòng

Mười năm gắn bó với chương trình Chủ Nhật Đỏ là 10 mùa giá rét nhưng để lại trong tôi tình cảm ấm áp của biết bao người đăng ký hiến máu. Họ là cô bé sinh viên rơi những giọt nước mắt khi không đủ cân nặng để hiến máu, là cậu nam sinh viên hào hứng đến hiến máu thì nhận được thông tin bác sĩ nói huyết áp thấp, không hiến máu được. Tôi nhìn thấy trong ánh mắt họ sự tiếc nuối vì bỏ lỡ cơ hội giúp đỡ những người khổ vì bệnh.

Nhưng chừng đó năm, ám ảnh nhất trong tôi vẫn là hình ảnh người phụ nữ với gương mặt khắc khổ, đôi bàn tay chai sạn, dáng người nhỏ bé gồng mình đạp xe chở 2 sọt rau đến khu vực trước Công viên Thống Nhất, dựa chiếc xe cồng kềnh sát vỉa hè rồi chị dè dặt bước vào hỏi thủ tục đăng ký hiến máu. Hôm ấy chị kể, trước ngày diễn ra Chủ Nhật Đỏ khi đang bán rau cho mấy bạn sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội chị thấy các bạn nói với nhau về việc hiến máu tình nguyện Chủ Nhật Đỏ nên tò mò hỏi. Vậy là sáng đó, chị tranh thủ ghé vào hiến máu trước khi ra chợ bán 2 sọt rau. Đôi mắt đã nhiều nếp nhăn nhưng nụ cười tươi và ấm áp của chị như khỏa lấp sự vất vả bởi niềm vui nhỏ bé được hiến máu cứu người.

Và nhiều nữa những bạn trẻ hết lần này đến lần khác tham gia các đợt hiến máu tình nguyện. Cả những nữ sinh viên gạt đi nỗi sợ kim tiêm và máu để hiến những giọt máu đào của mình với hy vọng đem lại sức khỏe, sự sống của nhiều bệnh nhân cần máu…

Những lần Chủ Nhật Đỏ tiếp sau, có khi trời ảm đạm, mưa phùn, rét căm căm nhưng cùng với băng rôn đỏ rực, những gương mặt trẻ đầy nhiệt huyết và, hơn tất cả, là những tấm lòng chân thành giữa người với người đã khiến ngày Chủ Nhật Đỏ ấm áp và rạng rỡ lạ thường. Bằng sự kiện này, báo Tiền Phong cũng hy vọng sẽ cổ vũ lòng nhân ái, tình yêu thương của đồng bào trong cả nước với phương châm: “Góp sức cho người nghèo, góp máu cho người khổ”. Và thật sự điều ấy đã được lan tỏa trong suốt những mùa Chủ Nhật Đỏ vừa qua và sẽ còn được tiếp nối mãi sau này…

Lớn mạnh theo tháng năm

Mười năm - 10 lần tổ chức, năm sau cao hơn năm trước, đến hết mùa Chủ Nhật Đỏ thứ 9,  hơn 70 ngàn đơn vị máu đã được tiếp vào cơ thể bệnh nhân. Từ một điểm hiến máu duy nhất năm 2009, đến năm 2018 này đã có hơn 60 điểm tiếp nhận máu tại 31 tỉnh thành phố trên cả nước. Tổ chức chương trình này, báo Tiền Phong truyền đi thông điệp: “Là con người, chúng ta muốn chia sẻ nỗi khó khăn của con người. Là cơ quan truyền thông, chúng tôi muốn loan truyền và cổ súy thông điệp nhân đạo Hiến máu cứu người. Chúng tôi coi đó là bổn phận cá nhân và của cơ quan truyền thông”.

Ngày 21/1 tới đây, Chủ Nhật Đỏ lần thứ X diễn ra ngày chính hội, đánh dấu chặng đường tròn thập niên thiện nguyện do báo Tiền Phong khởi xướng. Trên con đường đầy ắp tình nhân ái đó những giọt máu đưa con người trở về từ cõi chết, giúp hồi phục sức khỏe, cũng có nghĩa là đưa niềm vui, niềm hạnh phúc trở lại với biết bao bệnh nhân, biết bao gia đình. Đó thực sự là những giọt máu hồi sinh. Chỉ người trong cuộc mới thấu, Tết đến, là dịp đoàn tụ, có những giọt máu vô danh lưu chuyển trong cơ thể mình, cho mình cơ hội để mỉm cười đoàn viên trong hơi xuân nồng ấm, thì sâu thẳm, giọt máu mang gương mặt trái tim ấy vẫn lên tiếng, rằng có gì lớn hơn sự sống và tình người... (Tiền phong trang 1)

 

Muôn kiểu “trục lợi” Quỹ Bảo hiểm Y tế: Bài cuối:Kéo giảm bội chi không chỉ có trách nhiệm một ngành

Tình trạng trục lợi Quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT) diễn ra phổ biến, các cơ quan, đơn vị đều nắm được. Tuy nhiên, để giảm bội chi giúp Quỹ BHYT an toàn và bền vững cần sự vào cuộc có trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương, các bệnh viện (BV), và từng người dân.

Tất cả đều biết

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm RTCCD đánh giá, rõ ràng quy định pháp luật về quản lý, sử dụng Quỹ BHYT còn nhiều kẽ hở. Từ đó, cơ sở y tế cũng tìm cách trục lợi, người bệnh có thẻ BHYT cũng tìm cách khám thật nhiều để lấy thuốc đem bán hưởng lợi. “Ngành y tế muốn tốt cho người bệnh, tốt cho BV, ngành bảo hiểm muốn quản lý Quỹ chặt chẽ để sử dụng bền vững. Những phát sinh do quy định pháp luật cần cơ quan ban hành giám sát, sửa đổi kịp thời, để người bệnh và bác sĩ đều yên tâm, Quỹ BHYT cũng được sử dụng hiệu quả”, ông An nói.

Trao đổi với Tiền Phong, Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm cho rằng, việc tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT chủ yếu do điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế. Cùng đó, người dân cũng có điều kiện hơn trong tiếp cận các dịch vụ y tế nên lượng người đi khám chữa bệnh bằng BHYT tăng. Đồng thời, việc thông tuyến huyện, giúp người dân tới các cơ sở y tế thuận lợi hơn trước; các dịch vụ kỹ thuật hiện đại đã được chuyển giao rộng rãi hơn tới các BV tuyến dưới, nên dịch vụ kỹ thuật cũng được áp dụng rộng rãi hơn…

Tuy vậy, ông Khảm thừa nhận, cũng có trường hợp cơ sở y tế chỉ định các dịch vụ kỹ thuật quá mức cần thiết, sử dụng thuốc chưa hợp lý, thuốc đắt tiền. Ngoài ra, có BV chỉ định rộng rãi bệnh nhân vào điều trị nội trú, thời gian điều trị kéo dài không cần thiết, một số người dân lợi dụng thông tuyến để khám và lấy thuốc tại nhiều nơi… chi phí do BHYT chi trả. Theo đại diện Bộ Y tế, hiện cũng có một số dịch vụ kỹ thuật đang quy định giá chưa sát thực tế. “Ngành y tế sẽ xem xét lại để ban hành khung giá dịch vụ khám chữa bệnh mới sát thực tế hơn trong thời gian sớm nhất có thể”, ông Khảm nói.

Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện Chính sách BHYT (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho biết, việc tăng giá dịch vụ y tế từ năm 2016 đã làm Quỹ BHYT tăng chi hơn 10.500 tỷ đồng mỗi năm. Cụ thể, chỉ riêng quy định tính ngày điều trị theo công thức mới (ngày ra viện trừ ngày vào viện cộng thêm 1 ngày) đã làm tăng chi Quỹ BHYT hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, một số dịch vụ y tế quy định giá cao hơn thực tế, như tiền giường bệnh, nội soi tai mũi họng, các dịch vụ phục hồi chức năng, y học cổ truyền; BV thống kê sai chủng loại dịch vụ kỹ thuật, áp giá thanh toán không đúng quy định để tăng thanh toán chi phí từ Quỹ BHYT… “Tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT diễn ra tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, như việc dùng nhiều thuốc bổ trợ gây lãng phí...”, ông Phúc nói. Vị này dẫn chứng, thống kê 5 BV trung ương tại TPHCM, riêng 2 loại thuốc bổ trợ acid amin và albumin đã chiếm tới 8,5% tổng tiền thuốc tân dược của các BV này.

Đã làm hết trách nhiệm?

Về trách nhiệm của ngành y tế trong chi tiêu Quỹ BHYT, ông Lê Văn Khảm cho biết, ngành này luôn có ý thức phòng chống các hành vi lạm dụng Quỹ BHYT, như có nhiều văn bản, quy định để phòng chống, xử lý vi phạm. Đồng thời, ngành y tế phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện kiểm tra, giám sát tại các cơ sở y tế. “Nhưng việc xử phạt lạm dụng Quỹ BHYT còn ít, chủ yếu khi phát hiện BV thực hiện chưa đúng, cơ quan bảo hiểm từ chối thanh toán. Đó cũng được xem như một hình thức xử phạt với các BV. Sau đó chúng tôi có cảnh báo, hướng dẫn các BV thực hiện cho đúng”, ông Khảm nói.

Còn ông Lê Văn Phúc thẳng thắn, để xảy ra tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT trách nhiệm trước hết thuộc ngành y tế - đơn vị quản lý BV và ban hành các quy định sử dụng BHYT. Ông Phúc dẫn chứng, ngành y tế ban hành một số chính sách giá dịch vụ cao hơn thực tế, nên các BV lạm dụng, chỉnh định quá mức để thu lợi; thiếu các quy trình chuyên môn kỹ thuật, hướng dẫn điều trị. Cùng đó, ngành y tế xử lý chưa nghiêm tình trạng lạm dụng Quỹ BHYT, công tác tuyên truyền, giáo dục về y đức với nhân viên y tế còn hạn chế. “Chỉ qua thanh tra mới được xử phạt các vi phạm, trục lợi BHYT, nhưng chức năng này thuộc về ngành y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội không được trao quyền thực hiện”, ông Phúc nói.

Đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng thừa nhận có phần trách nhiệm của ngành. Như cơ quan bảo hiểm tại một số địa phương kiểm tra, giám sát chưa chặt chẽ. Đặc biệt, thời điểm trước khi có Hệ thống thông tin giám định BHYT điện tử (trước tháng 6/2016), việc kiểm soát khám chữa bệnh thông tuyến, thống kê sai dịch vụ y tế gặp nhiều khó khăn. Hiện Hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối hơn 12.000 cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc, nên việc giám sát đã có bước tiến bộ. Ngoài ra, theo ông Phúc, hiện chính quyền địa phương cũng chưa vào cuộc quyết liệt để chấn chỉnh công tác khám chữa bệnh BHYT; chưa xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT…

Để đảm bảo quyền lợi của người bệnh và ổn định Quỹ BHYT, theo ông Phúc, cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn đối với các trường hợp nợ đóng, trốn đóng BHYT. Cùng đó là xây dựng lộ trình tăng mức đóng BHYT phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ; sớm xây dựng và ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản. Ngoài ra, ông Phúc cho rằng, cần xây dựng chính sách cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư y tế đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và an toàn. Đặc biệt, phải từng bước loại khỏi danh mục thanh toán BHYT các loại thuốc không có tác dụng điều trị rõ rệt, thuốc bổ trợ; tăng cường phối hợp giữa ngành y tế và bảo hiểm, nâng cao trách nhiệm chính quyền địa phương trong quản lý Quỹ BHYT… “Thuốc và vật tư y tế chiếm 50% tổng chi phí khám, chữa bệnh BHYT (khoảng 35.000 tỷ đồng/năm). Để đạt được mục tiêu giảm giá thành thuốc từ 10-15% so với hiện nay, ngoài đấu thầu thuốc tập trung, cần loại khỏi danh mục mua sắm các loại thuốc có hàm lượng không phổ biến, thuốc bổ trợ với giá cao”, ông Phúc nói. (Tiền phong trang 14)

 

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến cơ sở

Thời gian qua, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã tập trung giảm tải tại các bệnh viện tuyến cuối; phòng, chống dịch, bệnh; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh theo phương châm lấy người bệnh làm trung tâm. Hệ thống bệnh viện (BV) ở thành phố không ngừng nỗ lực vươn lên đạt chuẩn chất lượng quốc tế theo từng chuyên ngành và lĩnh vực...

Mô hình "Phòng khám đa khoa vệ tinh của BV quận đặt tại trạm y tế" tại quận Thủ Ðức và quận Tân Phú đã phát huy hiệu quả, tạo niềm tin và thu hút người bệnh đến khám, chữa bệnh ngày càng đông. Mô hình này xuất phát từ nhu cầu thực tế khi BV quận Thủ Ðức, BV quận Tân Phú bị quá tải, trong khi các trạm y tế của hai quận này thì rất ít người bệnh đến khám, chữa bệnh.

Sau gần hai năm triển khai thí điểm, đến nay, tại quận Thủ Ðức, trung bình mỗi ngày đã có khoảng 100 người bệnh đến khám tại Trạm Y tế phường Bình Chiểu, ngày cao nhất lên đến 150 người bệnh; tại Trạm Y tế phường Hiệp Bình Chánh, trung bình có 150 người bệnh/ngày, ngày cao điểm lên đến 180 người bệnh. Còn tại quận Tân Phú, trung bình có 30 người bệnh mỗi ngày, cao điểm lên đến 50 người bệnh /ngày đến khám, chữa bệnh tại Trạm Y tế phường Tây Thạnh. Mô hình có nội dung đưa bác sĩ, trang thiết bị y tế của BV tuyến quận về phường, thanh toán khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế tại phường, giúp giảm tải hiệu quả cho BV quận.

Thời gian qua, người bệnh tin tưởng hơn và đã đến khám, chữa bệnh ở tuyến quận, huyện nhiều hơn thay vì đến BV tuyến cuối. Ðến nay, trên địa bàn thành phố có 10 trong số 23 BV quận, huyện có hơn 1.000 lượt người bệnh đến khám mỗi ngày. Trong đó, BV quận Thủ Ðức có hơn 5.000 lượt người đến khám/ngày; BV quận Bình Thạnh có hơn 3.000 lượt/ngày; BV quận Gò Vấp và BV quận Tân Phú có hơn 2.000 lượt người bệnh đến khám bệnh mỗi ngày. Tổng số lượt khám, chữa bệnh tại các BV quận, huyện tăng dần mỗi năm, năm 2017 tăng 14,5% số lượt khám ngoại trú và tăng 15% số lượt điều trị nội trú so với năm 2016.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng, kết quả nêu trên có được là từ sự nỗ lực phát triển nguồn nhân lực, danh mục kỹ thuật y tế đáp ứng mô hình bệnh tật, cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh của các BV tuyến huyện; của chương trình luân phiên bác sĩ, khoa vệ tinh, sự chuyển giao kỹ thuật của các BV thành phố cho BV quận, huyện và sự liên thông trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến huyện trên địa bàn thành phố.

Năm 2017, BV huyện Củ Chi đã thu hút và tiếp nhận được 40 bác sĩ mới, giải quyết căn bản tình trạng thiếu bác sĩ kéo dài nhiều năm liền. Nếu như đầu năm 2016, cả BV huyện Củ Chi chỉ có 13 bác sĩ thì đến nay đã có 53 bác sĩ. Ðây là kết quả từ sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo huyện Củ Chi trong việc tạo điều kiện và chế độ đãi ngộ thu hút cán bộ y tế; sự nỗ lực của lãnh đạo BV huyện Củ Chi trong việc chủ động tìm nguồn nhân lực ở khắp nơi và sự hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật của các BV thành phố.

BV quận Thủ Ðức là BV tuyến huyện đầu tiên của cả nước đã triển khai thành công phẫu thuật tim hở. Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV quận Thủ Ðức nhớ lại: "Sau khi triển khai thành công can thiệp mạch vành trong năm 2015, dưới sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật của Viện tim, năm 2017, BV quận Thủ Ðức đã triển khai phẫu thuật tim hở. Sau hơn một tháng triển khai, đã có bốn người bệnh tim bẩm sinh (ba thông liên nhĩ và một thông liên thất) được phẫu thuật tim hở thành công. Ðó là kết quả của cả quá trình đầu tư nguồn nhân lực chuyên sâu, cơ sở vật chất và trang thiết bị chuyên dụng của lãnh đạo và tập thể y, bác sĩ của BV quận Thủ Ðức, quyết tâm phát triển BV quận theo hướng trở thành BV đa chuyên khoa...

Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh - GS, TS Nguyễn Tấn Bỉnh, cho biết, bên cạnh việc không ngừng phát triển chuyên môn kỹ thuật chuyên sâu, các BV đa khoa quận, huyện, các BV chuyên khoa tuyến cuối và BV tư nhân của thành phố đã không ngừng nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn chất lượng quốc tế từng chuyên ngành và lĩnh vực theo định hướng phát triển của ngành y tế, hướng đến hội nhập quốc tế. Mục đích chung của hệ thống y tế thành phố là không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng tốt hơn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong hoạt động khám, chữa bệnh, hạn chế thấp nhất người dân ra nước ngoài chữa bệnh và thu hút ngày càng nhiều người bệnh từ các nước trong khu vực đến khám, chữa bệnh. (Nhân dân chuyên trang TPHCM)

 

Bảo đảm quyền lợi cho người bệnh khi thẻ bảo hiểm y tế hết hạn sử dụng

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa ban hành Công văn 5917/BHXH-CSYT về việc bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của người bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) khi đang điều trị nhưng thẻ BHYT hết hạn sử dụng. Theo đó, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các địa phương thực hiện một số nội dung:

Đối với trường hợp người bệnh đang điều trị nội trú nhưng thẻ BHYT hết hạn ngày 31-12-2017: Cơ quan BHXH phối hợp với cơ sở khám, chữa bệnh rà soát, lập danh sách người bệnh; kiểm tra, xác định lý do người bệnh chưa có thẻ BHYT giá trị sử dụng từ 1-1-2018. Trường hợp chưa có thẻ BHYT do khâu lập danh sách đề nghị cấp thẻ không kịp thời (trừ nhóm đối tượng có mã HC, DN) thì tạm thời giải quyết hưởng BHYT đến hết đợt điều trị.

Trường hợp cơ quan, đơn vị, hộ gia đình đã tham gia BHYT nhưng chưa kịp nhận thẻ: Cơ quan BHXH cấp cho người bệnh hoặc thân nhân người bệnh Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả hoặc biên lai thu tiền đóng BHYT do đại lý thu cấp, trong đó ghi rõ mã thẻ BHYT cũ để sử dụng thay thế thẻ BHYT.

Trường hợp cơ quan, đơn vị chưa tham gia BHYT cho người lao động: Cơ quan BHXH thông báo để chủ sử dụng lao động biết và nêu rõ người bệnh sẽ không được hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh khi thẻ BHYT hết hạn sử dụng.

Đối với nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình: Cơ quan BHXH phối hợp với cơ sở khám, chữa bệnh nơi người bệnh đang điều trị hướng dẫn người bệnh (hoặc thân nhân) đến địa phương nơi phát hành thẻ BHYT (bao gồm đại lý thu đã tham gia BHYT trước đó hoặc cơ sở khám, chữa bệnh có ký hợp đồng làm đại lý thu hoặc cơ quan BHXH) làm thủ tục tiếp tục tham gia BHYT để hưởng quyền lợi.

Các đối tượng tham gia BHYT đang trong đợt điều trị ngoại trú nhưng thẻ BHYT hết hạn thì được hưởng quyền lợi BHYT cho lần điều trị ngoại trú đó. ( Hà Nội mới trang 7)

 

Bệnh viện đa khoa thu không đủ bù chi

Sáng 16-1, Ban Văn hóa Xã hội HĐND TPHCM đã có buổi giám sát việc triển khai tổ chức thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Phát biểu tại buổi làm việc, TS.BS Phan Văn Báu, Giám đốc BV Nhân dân 115 cho biết, đơn vị là Bệnh viện (BV) đa khoa hạng 1 trực thuộc Sở Y tế TPHCM với quy mô 1600 giường nội trú. Mỗi ngày BV điều trị gần 2000 bệnh nhân nội trú, tiếp nhận trên 300 bệnh nhân cấp cứu, khám và điều trị cho hơn 3200 bệnh nhân điều trị ngoại trú,… đây là một áp lực không nhỏ lên cơ sở vật chất, máy móc kỹ thuật, cũng như công việc của các cán bộ nhân viên, y bác sĩ.

Những năm qua, thực hiện tự chủ một phần, thành phố chỉ cấp cho bệnh viện 10% ngân sách nhưng bắt đầu từ tháng 10-2017, BV đã thực hiện tự chủ hoàn toàn và phải gồng mình cân đối về tài chính.

Cũng theo TS.BS Phan Văn Báu, vì là BV đa khoa tuyến cuối nên chi phí điều trị của bệnh nhân rất cao trong khi giá dịch vụ y tế ban hành cho tất cả các cơ sở y tế cùng hạng là chưa phù hợp, nhiều dịch vụ kỹ thuật BV trang bị nhưng thu không đủ bù chi như: giá thu dịch vụ kỹ thuật thấp hơn chi phí bồi dưỡng thủ thuật, giá dịch vụ kỹ thuật thu không đủ giá mua các vật tư y tế…

Mặc dù BV tự chủ là về mặt chi thường xuyên, nhưng giá thì lại không tính vào việc khấu hao tài sản, cho nên BV gặp nhiều khó khăn trong việc tái đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, thu nhập của viên chức bệnh viện còn thấp, trung bình 14,5 triệu/tháng nên đời sống còn nhiều khó khăn, dẫn đến nhiều nhân viên nghỉ việc tại đây, đi làm cho các BV tư.

Ghi nhận những ý kiến của lãnh đạo bệnh viện, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TPHCM cho rằng, cần phải phát huy mô hình viện - trường tại bệnh viện, là nơi thực hành cho sinh viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và đào tạo nguồn nhân lực y tế hiệu quả cho thành phố.

Thời gian tới, BV cần có những chương trình xã hội hóa các dịch vụ để tăng thu nhập cho cán bộ nhân viên, đồng thời giảm áp lực làm việc cho cả y bác sĩ và làm hài lòng người bệnh. (Sài Gòn giải phóng trang 2)

 

10 sự kiện tiêu biểu của ngành y tế năm 2017

Nghị quyết của Trung ương về công tác chăm sóc sức khỏe, công tác dân số trong tình hình mới; Việt Nam tự chủ được vắc-xin sởi - Rubella; nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng thành công trong lĩnh vực ghép tạng; nhiều bác sĩ bị hành hung khi đang làm nhiệm vụ... là những sự kiện tiêu biểu của ngành y tế trong năm 2017.

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới.

2. Đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tăng tỷ lệ bảo hiểm y tế đạt gần 86%.

3. Đổi mới, sắp xếp hệ thống y tế theo hướng tinh gọn bộ máy trên cơ sở sáp nhập các trung tâm y tế không có giường bệnh thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố.

4. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng thành công trong lĩnh vực ghép tạng.

5. Lập hồ sơ sức khỏe cá nhân tại trạm y tế xã và triển khai đề án tăng cường y tế cơ sở.

6. Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia được đưa vào sử dụng.

7. Đấu thầu thuốc tập trung quốc gia giúp giảm chi phí thuốc, tiết kiệm ngân sách.

8. Việt Nam tự chủ sản xuất vắc-xin sởi - Rubella.

9. Sự cố hy hữu xảy ra khi chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình.

10. Nhiều vụ hành hung, tấn công thầy thuốc khi làm nhiệm vụ. (Sức khỏe & Đời sống trang 2)

 

Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra đột xuất ATTP: Kiên quyết không để các sản phẩm không bảo đảm lưu thông trên thị trường

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc các đoàn kiểm tra đồng loạt ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) đợt này nhằm loại bỏ thực phẩm "bẩn", không an toàn để người dân được sử dụng thực phẩm an toàn, yên tâm trong dịp tết.

Sáng ngày 18/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và đoàn kiểm tra liên ngành đã đi kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại Hà Nội.

Tại cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo truyền thống Tôn Cù ở ngõ 1, phường Xuân Tảo, Quận Bắc Từ Liêm chuyên sản xuất các loại mứt như mứt bí đao, mứt cà rốt, mứt lạc, mứt gừng..., khi Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn kiểm tra đến kiểm tra thì có khoảng 5-7 công nhân đang tiến hành các công đoạn của quy trình sản xuất mứt bí. Các bể rửa bí, các bồn ngâm bí cũng như các chảo bí đang được đảo, mẹt bí  phơi sấy cũng như đường, lạc... tràn ngập ở khu vực tầng 1 và tầng 2 của cơ sở này.

Bà Đỗ Thị Phượng-  chủ cơ sở cho biết, tất cả các nguyên liệu phục vụ cho sản xuất các loại mứt bí đều được cơ sở lấy ở một số tỉnh thành trong nước như bí đao lấy tại Tây Ninh, lạc lấy tại Sóc Sơn, gừng lấy ở Sơn La và đường lấy tại công ty có thương hiệu ở Đồng Nai. Tại đây, Bộ trưởng và các thành viên trong đoàn đã kiểm tra qui trình sản xuất mứt phục vụ Tết Nguyên đán 2018. Qua kiểm tra cho thấy, cơ sở có đủ các giấy tờ xác nhận mứt sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm…Các công đoạn của quy trình sản xuất đều được các công nhân của xưởng thực hiện bằng điện (từ khâu rửa bí, đảo bí với đường, sấy mứt bí ngay tại xưởng...) thay cho thủ công như đảo bí trên bếp than, phơi sấy bí ngoài trời như trước... Đoàn kiểm tra đã lấy các mẫu mứt bí và cà rốt để kiểm nghiệm

Tại Công ty cổ phần sô-cô-la Belcholat (khu công nghiệp Nam Thăng Long), đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra và lấy mẫu nguyên liệu làm sô-cô-la của công ty. Đây là công ty chuyên sản xuất, cung cấp sô-cô-la lâu năm. Đoàn kiểm tra chưa phát hiện được thực phẩm không bảo đảm ATTP tại đây.

Báo cáo với Bộ trưởng Bộ Y tế tại buổi kiểm tra, ông Trần Văn Chung- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong đợt cao điểm kiểm tra thực phẩm tết nguyên đán Mậu Tuất, các đoàn kiểm tra của Hà Nội đã kiểm tra được 6.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đã phát hiện 1.200 cơ sở có các lỗi sai phạm. Cơ quan chức năng đã xử phạt 400 cơ sở với số tiền trên 3 tỷ đồng, đồng thời tiêu hủy một số sản phẩm thực phẩm không đảm bảo ATTP

Bộ trưởng Bộ Y tế cùng các thành viên đoàn kiểm tra ATTP liên ngành kiểm tra các giấy tờ liên quan đến sản xuất mứt của cơ sở Tôn Cù

Qua kiểm tra 2 cơ sở sản xuất mặt hàng phụ vụ Tết Nguyên đán 2018, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, các cơ sở sản xuất đã tiến bộ hơn trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm, bảo đảm ATTP, chế biến theo qui trình cải tiến hơn để phục vụ nhu cầu thực phẩm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng yêu cầu thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở sản xất/kinh doanh các mặt hàng dự báo tiêu thụ nhiều trong dịp tết/lễ hội như: bánh kẹo, giò chả, mứt, các loại thực phẩm tươi sống, như thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, phụ gia thực phẩm... “Việc kiểm tra nhằm phát hiện và kịp thời loại các sản phẩm không bảo đảm ATTP, không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác lưu thông trên thị trường”- Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Bộ trưởng cũng yêu cầu: Không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không bảo đảm ATTP tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện các biện pháp khắc phục có hiệu quả. Đồng thời, địa phương cần tăng cường tập huấn cho chủ các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ về ATTP; về các chứng nhận cần có để sản xuất thực phẩm bảo đảm vệ sinh...

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm của các đoàn kiểm tra là lấy mẫu các sản phẩm thường sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán để kiểm tra về ATTP và cảnh báo ngay đến người dân. Do đó, các cơ sở kiểm nghiệm chuyên ngành phải ưu tiên nguồn lực để kiểm nghiệm các mẫu thực phẩm do các đoàn thanh tra gửi đến để có kết quả sớm, thông báo công khai tới người dân cơ sở làm đạt chất lượng, cơ sở chưa đạt an toàn thực phẩm để người dân biết và lựa chọn. Tuyệt đối không để tình trạng lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm trước Tết song ra Tết mới công bố kết quả kiểm nghiệm.

Bên cạnh đó, các đoàn thanh kiểm tra cũng phải công bố cả những đơn vị, cơ sở thực hiện tốt và đơn vị chưa tốt để người dân biết thông tin mà lựa chọn sử dụng thực phẩm an toàn, bảo đảm sức khỏe; khuyến khích người Việt dùng hàng Việt.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin, để đảm bảo chất lượng ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Ban chỉ đạo liên ngành TW về vệ sinh ATTP đã triển khai Kế hoạch bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội Xuân 2018. Theo đó, Ban chỉ đạo đã thành lập 6 đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố (Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Ninh, Sơn La, Hòa Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cà Mau, Kiên Giang, Lạng Sơn và Cao Bằng) từ ngày 20/1/2018 đến 5/2/2018.

Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã ban hành chỉ thị 09 về đảm bảo ATTP dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và lễ hội xuân 2018, trong đó chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra ATTP  tại các tỉnh/ thành trọng điểm về ATTP, nhất là các cửa khẩu.

Đối tượng thanh tra, kiểm tra chủ yếu là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố; tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Mậu Tuất và các lễ hội. (Sức khỏe & Đời sống trang 3)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang