Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 19/12/2017

  • |
T5g.org.vn - Yêu cầu tiêm đầy đủ vitamin K cho trẻ sơ sinh; Người già, trẻ nhỏ đổ bệnh vì rét; Bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam áp dụng xạ trị cho bệnh nhi ung thư

 

Yêu cầu tiêm đầy đủ vitamin K cho trẻ sơ sinh

Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc tiêm vitamin K cho trẻ sơ sinh theo đúng hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt. 

Bộ Y tế vừa có công văn gửi giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố, giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, thủ trưởng các đơn vị thuộc Cục Quân y Bộ Quốc phòng, Cục Y tế Bộ Công an và giám đốc các bệnh viện trực thuộc, kể cả bệnh viện ngoài công lập, yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc tiêm vitamin K cho trẻ sơ sinh theo đúng hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt.

Theo đó, Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể, với trẻ em trên 1.500g, liều tiêm bắp 1mg vitamin K1; đối với trẻ dưới hoặc bằng 1.500g, liều tiêm bắp 0,5mg vitamin K1. Việc tiêm vitamin K1 thực hiện ngay sau khi trẻ được chăm sóc thiết yếu sau đẻ/mổ lấy thai. 

Theo Bộ Y tế, qua theo dõi, giám sát tại địa phương cũng như qua báo cáo của một số đơn vị, Bộ Y tế nhận thấy một số cơ sở y tế chưa thực hiện nghiêm túc việc tiêm vitamin K1 cho trẻ sơ sinh ngay sau sinh, sau mổ lấy thai dẫn đến hậu quả một số trẻ bị xuất huyết não, màng não do thiếu vitamin K.

Mới đây nhất, Bệnh viện Nhi trung ương đã phải tiếp nhận 3 trẻ sơ sinh bị xuất huyết não rất nguy hiểm tới tính mạng vì thiếu vitamin K. (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

 

Người già, trẻ nhỏ đổ bệnh vì rét

Những ngày gần đây, nhiệt độ ở các tỉnh phía Bắc xuống thấp, trời rét đậm đã ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe con người, nhất là những người có sức đề kháng kém như người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai… Tại các bệnh viện lớn bắt đầu tăng số lượng bệnh nhân nhập viện do thời tiết lạnh.

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, nhiệt độ xuống quá thấp là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người mắc bệnh, chủ yếu là bệnh viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi. Những ngày này trẻ em là đối tượng nhạy cảm dễ đổ bệnh nhất do trọng lượng cơ thể thấp, khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể cũng hạn chế nên càng dễ bị các biến chứng do nhiễm lạnh. Người cao tuổi do hệ miễn dịch suy giảm cũng dễ mắc các bệnh lý đường hô hấp.

Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, tại khu khám bệnh, số trẻ chờ khám chưa trong tình trạng quá tải, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận gần 2.000 trường hợp tới khám, điều trị. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Minh Điển cho hay, kinh nghiệm cho thấy thời tiết tiếp tục có rét đậm trong những ngày tới, lượng bệnh nhi đến khám sẽ tăng. Đa số trẻ tới khám vì mắc các bệnh về viêm đường hô hấp. Đặc biệt, nguy cơ mắc tiêu chảy ở trẻ em cũng tăng cao khi thời tiết quá lạnh.

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, số trẻ nhập viện do các bệnh liên quan đến rét có dấu hiệu nhích lên.  Trong đó, đáng chú ý nhất là tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp khiến trẻ bị viêm họng, viêm xoang, viêm amidan, viêm phổi. Đây là nguyên nhân khiến trẻ bị suy hô hấp dễ dẫn đến tử vong.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, nên cho trẻ vui chơi nơi kín gió, chú ý môi trường thông thoáng đề phòng virus gây bệnh hô hấp phát tác. Không nên cho trẻ ra ngoài chơi khi nền nhiệt ngoài trời dưới 15 độ C, có gió, mưa ẩm hay buốt giá. Khi nhiệt độ ngoài trời cao hơn, có thể cho trẻ chơi ngoài trời nhưng chỉ chơi khoảng 9 -10 giờ sáng hoặc 14 - 15 giờ chiều vì lúc đó nhiệt độ thường cao nhất trong ngày và không quá lạnh.

Tại Bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2, trong vòng 3 ngày trở lại đây, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến bệnh lý tim mạch gia tăng. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 1.000 - 1.200 bệnh nhân. Trong số đó, đối tượng là người già chiếm phần lớn, nhiều bệnh nhân mắc bệnh do thời tiết lạnh. Bệnh viện đã phải bố trí thêm ghế lưu động cho người bệnh ngồi chờ, các phòng điều trị không còn chỗ trống.

Nhiệt độ thấp, biến chứng sức khỏe tăng

Rét đậm kéo dài  khiến nhiều người nhầm lẫn giữa cảm lạnh và cảm cúm vì đều do virus gây ra. Trên cơ địa của những người già, phụ nữ có thai hoặc trẻ con nhỏ còn bú, nếu mắc bệnh xuất hiện biến chứng sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Thời tiết không phải là căn nguyên gây các biến chứng ở người bệnh cao huyết áp, nhưng là yếu tố khiến mạch máu co lại, huyết áp tăng và các biến chứng xuất hiện. Các bệnh nhân phình tắc động mạch chủ sẽ có biểu hiện cây động mạch chủ bị xé, nếu vết xé lớn bệnh nhân có thể tử vong, trường hợp nhẹ hơn có thể đột quỵ hoặc hôn mê.

Do đó trong những ngày trời rét bác sĩ khuyến cáo người bệnh cao huyết áp cần giữ ấm cơ thể. Ngoài mặc đủ ấm, người bệnh cần được bổ sung nhiệt bằng các biện pháp như sưởi ấm, cung cấp đủ dinh dưỡng. Người bệnh cao huyết áp cần uống thuốc đều đặn và đo huyết áp thường xuyên. Ngoài ra, cần đảm bảo cho người già và trẻ nhỏ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nước uống nên pha thêm nước nóng để tan giá, tránh ra ngoài đường khi không cần thiết. (Tiền phong, trang 6).

 

Bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam áp dụng xạ trị cho bệnh nhi ung thư

Với việc đưa vào sử dụng phương pháp xạ trị proton và hạt nặng trong điều trị ung thư, Bệnh viện K đã chính thức có phương pháp xạ trị đầu tiên áp dụng cho nhi khoa. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, cũng như ở Đông Nam Á áp dụng phương pháp xạ trị hiện đại này.

Sáng nay, 18-12, chia sẻ với báo chí bên lề Hội thảo khoa học “Ứng dụng xạ trị proton và hạt nặng trong điều trị ung thư” do Bệnh viện K tổ chức, PGS.TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K cho biết, trong các phương pháp chữa trị xạ trị, phương pháp chữa trị xạ trị proton và hạt nặng trong điều trị ung thư là phương pháp tiến tiến và hiện đại đã phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.

Tại châu Á, gần đây nhất có Hàn Quốc, Nhật Bản đã áp dụng. Tuy nhiên ở khu vực Đông Nam Á, hiện chưa có nước nào được trang bị và áp dụng phương pháp chữa trị xạ trị tiên tiến này.

PGS.TS Trần Văn Thuấn phân tích, ưu điểm của xạ trị proton và hạt nặng trong điều trị ung thư là phương pháp này cho phép xạ trị những khối u kháng với xạ trị khác như xạ trị Cobalt, xạ trị gia tốc. Đặc biệt, với phương pháp này, thời gian xạ trị được rút ngắn hơn rất nhiều. Nếu trước đây, một khối u ở phổi xạ trị gia tốc thông thường phải mất 4-5 tuần thì với phương pháp mới, chỉ một lần (khoảng 10 phút) là tan.

Vì thời gian nhanh hơn, nên phương pháp này vừa tăng tỷ lệ chữa khỏi ung thư cho bệnh nhân, vừa giảm tải được lượng bệnh nhân xạ trị. Qua nhiều nghiên cứu, ứng dụng lâm sàng, tỷ lệ bệnh nhân điều trị bằng ion nặng có kích thước khối u giảm hoặc không tăng lên sau 3 năm rất khả quan. Cụ thể, với ung thư phổi không tế bào nhỏ, tỷ lệ là trên 90%; con số này với ung thư gan là 80-90%; gần 100% ung thư tiền liệt tuyến.

Điều này sẽ giúp kéo dài thời gian sống thêm của bệnh nhân ung thư. Trong đó, tỷ lệ sống thêm sau 3 năm của ung thư phổi giai đoạn I & II là 86%; ung thư gan là 72%; sống thêm sau 2 năm của ung thư tụy là 36%; sống thêm trung bình sau 5 năm của ung thư tiền liệt tuyến là 99%; ung thư trực tràng là 53%; ung thư đầu cổ: 74%.

Về chỉ định áp dụng phương pháp này, theo PGS Thuấn, phương pháp áp dụng rất hiệu quả cho điều trị ung thư đầu cổ, tiền liệt tuyến, nhi khoa mà rất ít tác dụng phụ. “Do ưu điểm tác dụng phụ hầu như không có, khác với các phương pháp xạ trị thông thường, nên đây là phương pháp xạ trị đầu tiên áp dụng cho nhi khoa” – PGS.TS Trần Văn Thuấn nói.

Giám đốc Bệnh viện K thông tin thêm, hiện Bệnh viện K đang làm đề án trình Bộ Y tế, trình Chính phủ về việc thành lập Trung tâm Xạ trị proton và hạt nặng tại Bệnh viện này. Do chi phí thực hiện phương pháp khá cao nên Bệnh viện K cũng mong muốn BHXH, BHYT sẽ chi trả một phần chi phí cho người bệnh để nhiều người bệnh ung thư được thụ hưởng. (An ninh thủ đô, trang 8; Gia đình & Xã hội, trang 7; Nhân dân, trang 5; Hà nội mới, trang 5).

 

Tổng đài 111 bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại, bạo hành: Chuông điện thoại đổ liên hồi!

Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em với số điện thoại 111, giúp người dân dễ thuộc, dễ gọi đặc biệt trẻ em có thể ghi nhớ, sử dụng khi xảy ra tình huống khẩn cấp, để có sự hỗ trợ kịp thời.

Theo số liệu thống kê của Cục trẻ em, ở Việt Nam trung bình mỗi năm có hơn 2.000 trẻ bị bạo lực, bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng cần được can thiệp. Còn số liệu của Bộ Công an nghiên cứu trên 2.000 học viên các trường giáo dưỡng cho thấy khoảng 50% em có tuổi thơ từng sống trong tình trạng hà khắc của bố mẹ. Trong đó, số em bị bố đánh chiếm 23% , gấp 6 lần tỷ lệ bị mẹ đánh.

Máy bận liên tục

Tổng đài điện thoại bảo vệ trẻ em 111 được kết nối trên cả nước để tiếp nhận tất cả các thông tin tố giác hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em. Đường dây nóng 111 đặt trung tâm tiếp nhận, xử lý thông tin tại 3 địa phương: Hà Nội, Đà Nẵng và An Giang, hoạt động 24/24 giờ. Các cuộc gọi vào ca đêm ở Đà Nẵng và An Giang sẽ được tự động chuyển về 111 Hà Nội để xử lý, giải quyết.

Là một trong những người trực tiếp giữ đường dây nóng 111, chị Nguyễn Như Ý, nhân viên tư vấn tổng đài cho biết, ngay sau khi tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em với số điện thoại 111 chính thức kết nối trên cả nước đã nhận được nhiều sự quan tâm của người dân cả nước.

Năm nhân viên trực của đường dây thường phải làm việc liên tục, không phút nghỉ ngơi để nghe, trả lời và tư vấn cho các cuộc gọi đến. Trong những ngày đầu đi vào hoạt động, có không ít những cuộc gọi đến chỉ để “thử xem đường dây có hoạt động không”.

Trước khi được nâng cấp thành tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em là 18001567. Qua 13 năm hoạt động, đầu số này tiếp nhận trên 2,5 triệu cuộc gọi trong phạm vi cả nước.

Dù vậy, đa số những cuộc gọi này xin được tư vấn về các vấn đề về hỗ trợ học nghề, trẻ em vô gia cư, trẻ em sử dụng chất kích thích, trẻ em với vấn đề nhà trường,... Rất nhiều người chưa biết và sử dụng với mục đích phản ánh, tố giác về tình trạng bạo hành trẻ em.

Theo bà Nguyễn Thuận Hải, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn và dịch vụ truyền thông, Tổng đài 111, trước khi được nâng cấp, đường dây nóng 18001567 cũng đã tiếp nhận khá nhiều cuộc gọi đến, nhưng so với tình trạng bạo hành trẻ em trên cả nước thì không phải là lớn.

Theo khảo sát, rất nhiều người không biết đến đường dây 18001567, đặc biệt là người dân và trẻ em ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Do vậy, nhiều vụ bạo hành, xâm hại trẻ em chưa được phát hiện và can thiệp kịp thời.

Chủ động phương án hỗ trợ, bảo vệ trẻ em

Bà Nguyễn Thuận Hải chia sẻ: “Từ khi tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em đi vào hoạt động, chúng tôi nhận được nhiều cuộc gọi đến bày tỏ bức xúc liên quan đến các vụ việc “nóng” thời gian gần đây như trường hợp bà nội sát hại cháu mới 23 ngày tuổi, bé trai 10 tuổi bị bố và mẹ kế ngược đã gần 2 năm… Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy tổng đài 111 có sức lan tỏa trong dư luận xã hội”.

Nói về quy trình tiếp nhận, xử lý các cuộc gọi đến tố giác hành vi bạo hành trẻ em chị Nguyễn Như Ý chia sẻ, nếu đó là trường hợp báo tin trực tiếp khi phát hiện sự việc, nhân viên trực tổng đài phải gọi điện về cán bộ phụ trách trẻ em cấp xã, xác minh trường hợp bị bạo hành. Sau đó tìm cách hỗ trợ bảo vệ nạn nhân, đồng thời tư vấn cho gia đình về các thủ tục hành chính, tố tụng, báo cơ quan chức năng.

Đối với những vụ việc không phải được báo qua đường dây nóng mà qua “kênh” báo chí, mạng xã hội, như vụ việc bé Tr.N.K (10 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội), bé Tr.D.N (9 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) nhân viên trực tổng đài đã chủ động kết nối với cơ quan hữu quan của TP. Hà Nội, yêu cầu cử cán bộ xuống tìm hiểu và hỗ trợ cho nạn nhân. Đối với những vụ việc trên, quy trình của một ca tiếp nhận thông tin là kết nối với cán bộ làm công tác xã hội ở địa phương để cán bộ xuống nắm bắt tình hình, đánh giá mức độ tổn thương của trẻ, sau đó phối hợp với gia đình lên phương án hỗ trợ, bảo vệ trẻ như cách ly hoặc đưa trẻ đi điều trị tâm lý.

Theo thống kê của Cục trẻ em, mỗi năm đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em tiếp nhận khoảng 300.000 cuộc gọi đến. Có những vụ việc gây tổn thương nặng nề cho trẻ về thể chất, trường hợp bé N.T.N.L (sinh năm 2012) và Đ.T.N.C (sinh năm 2013) bị bố ruột là người nghiện ma túy, thường xuyên bạo hành đánh đập gây thương tích nặng.

Các bé thường bị bố dùng que sắt đánh, chọc vào người hoặc phạt ngồi ngoài sân giữa trưa nắng 38 độ, gây áp lực bắt ông bà cho tiền mua thuốc. Trường hợp bé N.V.T (sinh năm 2012, Bình Chánh, TP.HCM) bị cha dượng và mẹ đẻ bạo hành khiến trẻ bị gãy xương đùi, trên người có nhiều vết bầm tím, cháu phải nhập Viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM để điều trị…

Điều đáng nói là, các cuộc gọi đến chủ yếu từ người lớn, người thân, hàng xóm… còn bản thân nạn nhân thì lại rất ít, hầu như không có. Việc nâng cấp đường dây nóng 18001567 thành Tổng đài quốc gia 111 dễ nhớ, dễ thuộc như các cuộc gọi khẩn cấp thì sẽ tiếp cận đến người dân nhiều hơn, đặc biệt là trẻ em. Bởi chính trẻ em là nạn nhân hoặc có nguy cơ, hoặc là người tiếp cận với các vụ bạo hành nhanh nhất, nhiều nhất. (An ninh thủ đô, trang 8).

 

Xác định nguyên nhân làm chín học sinh có biểu hiện bất thường về sức khỏe

Tối 18-12, Đoàn bác sĩ của Viện Nhi T.Ư đã bước đầu xác định được nguyên nhân chín học sinh ở Điểm trường Nà Bản, xã Xuân Lạc có biểu hiện bất thường về sức khoẻ. Đoàn bác sĩ các chuyên khoa thần kinh, tâm lý, tư vấn trẻ vị thành niên, thể chất và ngộ độc của Bệnh viện Nhi T.Ư do Phó Giám đốc Bệnh viện, T.S Trần Minh Điển dẫn đầu, sau khi thăm khám cho chín học sinh Điểm trường Nà Bản, xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn có biểu hiện bất thường về sức khoẻ đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện đã có kết luận bước đầu. Cụ thể, chín học sinh được xác định bị rối loạn phân ly tập thể ở tuổi tiền dậy thì. Nguyên nhân là do môi trường xã hội bị thu hẹp.

Các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi T.Ư cũng đưa ra hướng điều trị, đó là tăng cường dinh dưỡng, cho các em vui chơi, hoạt động trong môi trường lành mạnh, tăng cường hoạt động thể lực. Sáng 19-12, Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn sẽ thực hiện điện tâm đồ, điện não cho các em, kê thuốc bổ và một, hai ngày tới chín học sinh có thể ra viện dần. (Nhân dân, trang 5).

 

Sở Y tế TP.HCM nhận hồ sơ trực tuyến, trả kết quả tại nhà

Ngày 18.12, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã triển khai chính thức nhắn tin báo kết quả xử lý hồ sơ dịch vụ công và hoàn thiện quy trình cung ứng dịch vụ công trực tuyến. Hiện nay, người dân có nhu cầu về dịch vụ công liên quan đến ngày y tế, có thể ngồi tại nhà nộp hồ sơ, chờ tin nhắn báo kết quả và nhận kết quả qua đường bưu điện… (Thanh niên, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang