Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 1/9/2015

  • |
T5g.org.vn - Bàn giao Bệnh viện ung thư Đà Nẵng về Sở Y tế; Cứu thai phụ ngưng tim 7 lần khi sinh con; Ma trận nguyên liệu bánh Trung thu

Bàn giao Bệnh viện ung thư Đà Nẵng về Sở Y tế

Chiều 31-8, đã diễn ra lễ bàn giao Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng từ Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh về Sở Y tế để thành lập Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Chiều 31-8, tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng (P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã diễn ra lễ bàn giao Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng từ Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng về Sở Y tế TP Đà Nẵng để thành lập Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Theo đó, bàn giao nguyên trạng tổ chức bộ máy, người lao động, trụ sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc và vật tư y tế, tài chính, tài sản…

Tại buổi lễ bàn giao, ông Trần Chí Thành, phó chủ tịch, phụ trách Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng, cho biết sau hơn 32 tháng hoạt động bệnh viện đã miễn giảm cho 4.400 bệnh nhân với tổng kinh phí 5 tỉ đồng. Về phía tiếp nhận, bà Ngô Thị Kim Yến, giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho hay sau khi thành lập bệnh viện công lập với tên gọi mới là Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng vẫn tiếp tục thực hiện mục tiêu nhân đạo miễn giảm viện phí cho bệnh nhân ung thư nghèo đến chữa trị tại bệnh viện.

Ngoài ra, tiếp tục nhiệm vụ vận động tài trợ cho bệnh viện, duy trì bếp ăn từ thiện, chỗ ở miễn phí cho người nhà bệnh nhân như mục tiêu ban đầu. “Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì các mặt của bệnh viện từ chuyên môn cho đến tính nhân văn”, bà Yến nói. Riêng về chế độ chính sách cho cán bộ, công nhân viên bệnh viện, theo bà Yến, sẽ vẫn giữ nguyên như cũ. Các bệnh nhân đang được điều trị tại thời điểm chuyển giao bệnh viện vẫn tiếp tục được điều trị, chăm sóc bình thường, không có gì thay đổi.

Trước đó, như Tuổi Trẻ đã có bài “Bệnh viện từ thiện gặp khó” phản ánh về việc Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng được coi là mô hình bệnh viện lý tưởng, nhất là với bệnh nhân nghèo nhưng sau hơn hai năm hoạt động, số bệnh nhân vào điều trị tại đây rất ít ỏi. Số bệnh nhân của cả bệnh viện chỉ bằng đúng số người đang điều trị tại khoa ung bướu của Bệnh viện Đà Nẵng trong khi bệnh viện này có tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng (vốn ngân sách hơn 1.200 tỉ đồng, còn lại là nguồn vận động tài trợ) (Tuổi trẻ trang 2, Tiền phong trang 4).

Cứu thai phụ ngưng tim 7 lần khi sinh con

Ngày 31.8, TS.BS. Hoàng Thị Diễm Tuyết- giám đốc Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM cho biết các bác sỹ bệnh viện đã cứu sống một thai phụ bị thuyên tắc tuyến ối khi sinh con. Đó là chị Triệu Thị T. 38 tuổi, quê ở Yên Sơn, Tuyên Quang. Trong thời gian mang thai lần thứ ba này, chị được theo dõi tại khoa sản Bệnh viện Hùng Vương và được chỉ định sinh mổ vì bị ra huyết âm đạo, có nhau tiền đạo, thai nhi 36 tuần tuổi, ngôi ngang. Hai lần sinh trước chị T đều sinh thường và không bị mắc bệnh tim (Tuổi trẻ trang 14).

Thí sinh đạt 26,5 điểm trượt ĐH được vào học

Tối 31/8, ông Nguyễn Xuân An Việt, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã trực tiếp chỉ đạo lãnh đạo Trường ĐH Y dược Cần Thơ tạo điều kiện tốt nhất để thí sinh Trần Văn Sâm, người đạt 26,5 điểm nhưng đã không đỗ ĐH được vào học. rước đó, theo thông tin phản ánh của báo chí, thí sinh Trần Văn Sâm ôm trước ngực tấm bảng đề nội dung: “Thi 26,5 điểm nhưng vẫn không được đến trường. Xin hãy giúp em!”. Thí sinh Sâm (Bình Thuận) được Sở Y tế Bình Thuận cử  đi thi hệ liên thông ngành y đa khoa tại Trường ĐH Y dược Cần Thơ  (ĐH YD CT). Thí sinh Sâm đã đạt được 26,5 điểm, cao nhất trong số gần 100 thí sinh do Sở Y tế Bình Thuận cử đi thi. Nhưng khi thí sinh này đến ĐH YD CT làm thủ tục nhập học thì thấy không có tên mình trong số  thí sinh ở Bình Thuận trúng tuyển mặc dù Sâm đạt điểm cao nhất. Nguyên nhân là do thí sinh này không phải là viên chức Nhà nước nên bị loại. Thí sinh này có thể thừa đến 2,5 điểm nếu đăng ký là thí sinh tự do của kỳ thi tuyển sinh liên thông năm 2015.

Sau đó, Sở Y tế Bình Thuận đã có văn bản gửi Trường ĐH YD CT xin đính chính lại thông tin của thí sinh Trần Văn Sâm có sai lệch là do cập nhật nhầm và khi Sâm đưa đơn chuyển sang diện thí sinh tự do, nhà trường vẫn không nhận hồ sơ. Ông An Việt cho biết, ngay sau khi kết thúc cuộc họp Chính phủ, chiều 31/8, nhận được thông tin thí sinh Trần Văn Sâm đạt 26,5 điểm nhưng không đỗ ĐH, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã trực tiếp gọi điện thoại cho lãnh đạo Trường ĐH YD CT và chỉ đạo nhà trường xem xét vụ việc, tạo điều kiện tốt nhất để nhận thí sinh này vào học (Tiền phong trang 6).

Ma trận nguyên liệu bánh Trung thu

Trong khi phong trào làm bánh Trung thu tại nhà tiếp tục phát triển, việc bánh có đảm bảo an toàn thực phẩm thì không ai dám chắc khi nguyên liệu bị thả nổi, còn việc thanh, kiểm tra chỉ như: cưỡi ngựa xem hoa.

Ngày 26/8, lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy gần 1 tấn nhân bánh Trung thu, không rõ nguồn gốc, thu được tại nhà kho 84 Phú Viên, quận Long Biên, Hà Nội. Trước đó, đêm 23/8, Đội quản lý thị trường số 11 Hà Nội phối hợp cùng Cục Cảnh sát Môi trường và Công an quận Tây Hồ thu giữ 2.000 kg nhân bánh không rõ xuất xứ…

Nhan nhản nguyên liệu không nguồn gốc

Tại phố Hàng Buồm, con phố sầm uất chuyên bán rượu bánh, đồ khô, nay cũng bán thêm nguyên liệu làm bánh. Cửa hàng số 84 Hàng Buồm, toàn bộ nguyên liệu được bày công khai ngoài vỉa hè. Trên các can nhựa ghi các dòng chữ viết bằng bút dạ: Nước đường bánh nướng, nước đường bánh dẻo, nước hoa bưởi… Chủ cửa hàng cho biết, nước đường bán giá 60.000 đồng/kg, mỗi ki-lô-gam nước đường có thể làm được khoảng 30 bánh. Bày la liệt phía dưới là những túi ni lông trong suốt, buộc chun ghi nhãn viết tay, không hạn sử dụng. Ở đây có đầy đủ các loại nhân như: hạt dưa, hạt sen, đậu xanh, trứng muối…

Tại chợ Đồng Xuân, có nhiều cửa hàng bán nguyên liệu làm bánh hơn. Một chủ ki-ốt cho biết: Năm nay, ngoài nhân khô, cửa hàng mới nhập thêm các loại nhân đóng gói sẵn loại 2 kg, 5 kg, như sen nhuyễn, trà xanh, khoai môn, đậu xanh, sữa dừa. Các loại nhân  đậu xanh, mè đen, trà xanh, mãng cầu… có giá khoảng 40.000 đồng/kg, đắt nhất là nhân thập cẩm, giá 180.000 đồng/kg. Ở đây cũng bày bán một loạt các loại khay, túi, hộp, nhãn… để người làm bánh có thể hoàn thiện sản phẩm. Hộp giấy đựng bánh có giá từ 10.000 đồng, tới 90.000 đồng/hộp; khay túi dao động từ 70.000 - 90.000 đồng/100 bộ. Khi được hỏi về chất lượng các loại nhân bánh, bà chủ ki ốt xuề xoà: “Mỗi năm chị bán cả trăm triệu tiền hàng, các cửa hàng lớn còn nhập, không phải lo!”.

Năm nay, mạng xã hội cũng tích cực tham gia vào công đoạn cung cấp nguyên liệu cho bánh Trung thu “handmade”. Chị Thu Hà, chủ một gian hàng trực tuyến tại phố Kim Ngưu cho biết, mỗi ngày cửa hàng bán được gần 30 kg bột các loại, còn nhân thì nhiều hơn. Chị Hà cho biết, giới trẻ thường thích nhân có vị ngọt vừa, chứ không ngọt đậm như loại chợ hay bán. “Càng ngọt thì càng dễ bảo quản, còn nhân ngọt vừa thì ít chất bảo quản hơn”, chị Hà nói. Tuy nhiên khi được hỏi về nguồn gốc các sản phẩm chế biến, chủ hàng chỉ nói rằng đây là “hàng nhập”.

Trao đổi với Tiền Phong, bác sỹ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng cho biết, bánh Trung thu là một sản phẩm có đa dạng các loại thực phẩm, các loại gia vị, phụ gia thực phẩm (chất tạo mầu, chất bảo quản, chất chống mốc)... Mỗi loại nguyên liệu đều có nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao. Trong khi chế biến nếu không đảm bảo quy trình vệ sinh: từ sơ chế nguyên liệu, nơi chế biến, dụng cụ chế biến, vệ sinh và sức khỏe của người chế biến cũng có thể làm sản phẩm mất an toàn. Bs Tiến cho biết, để bảo đảm an toàn thực phẩm bánh trung thu, người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm, nhà sản xuất, nơi bảo quản và nơi bán sản phẩm của cơ sở kinh doanh và khi sử dụng bánh.

Kiểm tra kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”?

Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cho biết, thời điểm này bắt đầu vào mùa sản xuất cao điểm của các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh bánh Trung thu. Cũng như mọi năm, vấn đề chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là mối quan tâm của người dân và cơ quan chức năng. “Hiện các đoàn kiểm tra các sở, ngành liên quan đang tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh. Nội dung kiểm tra chủ yếu là nguồn gốc xuất xứ của phụ gia thực phẩm, nguyên liệu để sản xuất bánh Trung thu. Ngoài ra kiểm tra các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh phụ gia thực phẩm, nguyên liệu, bao bì bánh Trung thu”, ông Cường cho biết.

Theo cơ quan chức năng, vì lợi nhuận nên xảy ra tình trạng các cơ sở sản xuất vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thậm chí có cơ sở cố tình vi phạm. Do đó năm nay, các đoàn kiểm tra sẽ tập trung vào các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các làng nghề truyền thống như Xuân Đỉnh, Xuân Tảo (Bắc Từ Liêm); La Phù (Hoài Đức); Liên Ninh (Thanh Trì) và các nhà hàng, khách sạn có sản xuất bánh Trung thu cũng như các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh phụ gia thực phẩm, nguyên liệu, bao bì bánh Trung thu.

Trao đổi với phóng viên, ông Tô Sơn Hồng, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 24 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) cho biết, các nguyên liệu đầu vào của các cơ sở sản xuất bánh Trung thu như phụ gia thực phẩm, nguyên liệu, bao bì…, nhập lậu hay không rõ nguồn gốc phải được xử lý và bắt từ khâu vận chuyển, khi đã vào thị trường, vào cơ sở sản xuất thì không biết đâu mà lần.

“Chỉ riêng địa bàn huyện Hoài Đức có trên 10 cơ sở sản xuất bánh Trung thu. Chúng tôi đề nghị các cơ sở sản xuất này phải ký cam kết về nguyên liệu đầu vào của sản phẩm mình sản xuất. Nhưng thực tế họ sản xuất như thế nào là chuyện khác”, ông Hồng nói.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, khi sản xuất hàng hóa phát triển đa dạng quyền lựa chọn thuộc về khách hàng. Tuy nhiên, riêng mặt hàng bánh Trung thu người tiêu dùng khó có thể thông thái được. “Cứ đến hẹn lại lo về chất lượng sản phẩm bánh Trung thu trên thị trường. Việc này tồn tại kéo dài nhiều năm nay chưa được giải quyết là có cái lý của nó. Chúng ta không kiểm soát ngay từ đầu vào nguyên liệu, điều kiện sản xuất, hệ thống phân phối của các cơ sở sản xuất này, giao dịch mua bán không có hóa đơn chứng từ. Trong khi các cơ quan quản lý như y tế, Công Thương…, chỉ khi đến dịp lễ mới đi kiểm tra thì không ổn. Hàng nghìn cơ sở sản xuất, còn địa điểm bán không đếm xuể mà chỉ có vài đoàn kiểm tra dịp cao điểm thì chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa” thôi”, ông Phú nói (Tiền phong trang 10).

Công tác y tế phục vụ lễ mít tinh diễu hành ngày 2-9: Chu đáo và sẵn sàng

Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 sẽ có khoảng 30.000 người tham gia, vì thế, công tác y tế phục vụ cho sự kiện này đã được Bộ Y tế chuẩn bị rất chu đáo. Sẽ có khoảng 500 y bác sĩ sẵn sàng cho sự kiện trọng đại này... Các Tổ y tế trực cấp cứu sẽ làm nhiệm vụ tại quảng trường Ba Đình, dọc đường diễu binh, diễu hành từ 3h sáng đến 12h ngày 2/9. Khoảng 500 cán bộ y tế của gần 20 BV trên địa bàn Hà Nội sẽ phục vụ công tác y tế trong ngày 2/9. Mỗi Tổ y tế có ít nhất 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng cùng đủ loại thuốc, trang thiết bị cần thiết và xe cứu thương. Ngoài ra, các BV đều phải bố trí các chuyên gia đầu ngành, các giáo sư, bác sĩ giỏi thường trực tại BV thường trực, để hỗ trợ cùng với thuốc, trang thiết bị và sẵn sàng 3-5 giường bệnh để cấp cứu tại BV, và đội cấp cứu lưu động.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết thêm, tất cả các cơ sở KCB tham gia phục vụ đều phải thường trực 24/24, đồng thời bố trí tổ trực cấp cứu tại nơi diễn ra lễ kỷ niệm 70 năm với đủ thuốc men, dịch truyền, nhân lực để tiếp nhận bệnh nhân. Các BV ngoài công lập cũng phải tham gia cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi cần thiết.

Là đơn vị được giao chăm sóc y tế cho các đại biểu ở khán đài A, BV Bạch Mai đã thành lập một tổ gồm 2 bác sĩ và 2 điều dưỡng giỏi chuyên môn và có kinh nghiệm phục vụ y tế trong các sự kiện lớn trong nước và quốc tế. BS. Nguyễn Thị Lan Anh, Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp, cho biết: Do thường xuyên nằm trong số BV được huy động phục vụ các sự kiện, nên BV có sẵn 5 đội cấp cứu ngoại viện với đủ trang thiết bị, thuốc men, có thể lên đường bất cứ lúc nào.

Tổ y tế của BV E sẽ đảm nhiệm việc chăm sóc sức khỏe cho các đại biểu ở khán đài A2. Ths. Nguyễn Xuân Huyến, Phó Trưởng khoa Thần kinh, Tổ trưởng Tổ  y tế, chia sẻ cảm xúc trước khi bước vào nhiệm vụ: Đã từng tham gia phục vụ nhiều sự kiện quốc tế như APEC, ASEM, Olimpic Hóa họcvv… nhưng nhận nhiệm vụ ở một sự kiện lớn của đất nước, tôi vẫn thấy vinh dự hơn và cũng lo hơn, bởi tính chất công việc khác hoàn toàn các sự kiện khác. Tuy nhiên, chúng tôi đã chuẩn bị hết sức chu đáo...

Là đơn vị nằm sát ngay khu vực diễn ra lễ mít tinh, nên công tác chuẩn bị cho buổi lễ của BV Xanh Pôn cũng rất khẩn trương. BV Xanh Pôn đã lựa chọn các bác sĩ có chuyên môn cao, kinh nghiệm tốt về cấp cứu nội khoa, tim mạch, từng phục vụ trong các sự kiện lớn như Seagame, 1.000 năm Thăng Long –Hà Nội, đồng thời, tập huấn 4-5 buổi/tuần để cấp cứu thành thục. Vì thế, trong lễ tổng duyệt, các bác sĩ của BV Xanh Pôn đã cứu chữa kịp thời nhiều trường hợp say nắng, nóng vv… Các tình huống xử lý y tế đều đã được Sở Y tế Hà Nội cùng Ban Giám đốc BV dự liệu để luôn làm chủ tình hình (Công an nhân dân (trang 4).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang