'Lương y chui' phán bệnh, moi tiền
Không chứng chỉ hành nghề, không giấy phép hoạt động…, ở quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) vẫn ngang nhiên đón người bệnh tới điều trị mỗi ngày. “Lương y” chữa bệnh bằng tay không này là ông Lê Duy Long, trú đường Phước Mỹ 1 (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà).
“Vẽ” bệnh cho người lành
Ngày 6/3, chúng tôi tìm đến nhà của “lương y” Long, căn nhà nằm ngay mặt tiền, không treo bất cứ bảng hiệu gì liên quan khám chữa bệnh. Bên trong có nhiều người ngồi chờ tới lượt. Ông Long tiếp bệnh nhân với bộ dạng xuề xòa, quần lửng, áo thun xoắn tít lên tận bụng tại phòng khách.
Trong lúc chờ khám, bà D.T.L. (55 tuổi, quê Quảng Nam) kể rằng bị thoái hóa cột sống, đã đi chữa nhiều nơi nhưng không thuyên giảm. “Nghe mấy người trong quê mách thầy Long chữa hay lắm nên tui biểu con chở ra đây từ sáng sớm”, bà nói. Sau khi hỏi qua bệnh tình, xem phim X-quang của bà L., ông Long đưa giấy thỏa thuận với nhiều mức kinh phí chữa trị khác nhau: vùng cột sống cổ và vai từ C1 đến C7 hết gần 3 triệu đồng; vùng cột sống ngực từ T1 đến T2 mỗi lần chữa 1 triệu đồng…Ông nhiệt tình tư vấn thêm nếu “chữa khoán” với giá 7 triệu đồng, trả trong vòng 3 ngày thì được tái khám miễn phí trong 60 ngày. Còn trả sau thời hạn trên, thì những lần tái khám sau phải trả tiền, tổng chi phí lên tới 11 triệu đồng. Trước số tiền “khủng” này, bà D. do dự một hồi lâu rồi quyết không ký ngay, mà xin tờ giấy thỏa thuận về để bàn bạc lại.
Thỏa thuận chữa bệnh cột sống với nhiều mức giá cho người bệnh lựa chọn. Ảnh: T.T.
Ngày 9/3, chúng tôi trong vai là người té xe, bị đau vùng lưng, đứng ngồi làm việc khó khăn nên đến nhờ “thầy” Long chữa trị. Lần này, ông dẫn thẳng chúng tôi vào phòng trong để kiểm tra. Căn phòng chừng hơn chục mét vuông, đặt hai tấm sạp giường, bên trên trải chiếu và quăng đầy gối, nệm, màn rèm nhếch nhác. “Lương y” yêu cầu chúng tôi nằm úp xuống, vén áo và đưa tay nắn vùng thắt lưng. Được vài giây, ông “tuyên” bệnh: “Lồi cột sống! Có hiểu không?, cột sống của mình tới đoạn thắt lưng này thì lõm vô, tạo một cái khe, còn đây nó lồi lên, không có khe rãnh gì hết!”, nói rồi ông nằm úp xuống, vén áo lên để chứng minh “cột sống lõm” là có khe như trên lưng ông. “Bị lồi rồi, xương chậu cũng bị lệch, vậy nên mới đi chân cao chân thấp! Sau này còn khó sinh đẻ nữa”. Trong chưa đầy một phút, chúng tôi từ khỏe mạnh bình thường, đi đứng thẳng thớm bỗng trở thành bệnh nhân lồi cột sống, lệch xương chậu và… cà thọt (?!). Ông đe thêm nếu không chữa sớm thì sau này có đổ bao nhiêu tiền vào cũng không hết bệnh. Để khách tin tưởng, “lương y” yêu cầu chúng tôi đi chụp phim theo các hướng chụp và địa chỉ ông ghi sẵn. “Cứ về chuẩn bị hơn 10 triệu, đem phim tới đây tôi chữa cho”, ông dứt khoát.
Tay không “đuổi bệnh”, bảo hành 2 tháng
Thuyết phục người bệnh chữa ở nhà mình, ông Long tự tin sẽ không dùng thuốc, không châm cứu, không ấn huyệt, chỉ dùng tay không và gót chân để chỉnh sửa các vùng bị sai lệch. Phương pháp nghe rất mơ hồ này được ông khẳng định sẽ giải phóng bệnh cột sống.
Hỏi về cách dùng tay để chỉnh xương có đau không, ông nhất nhất bảo không sao, mỗi ngày chữa một lần là vừa sức. “Làm xong bớt liền, bớt từng ngày, tại chỗ, em sẽ khỏe lên. Bây giờ cứ đi châm cứu và uống thuốc là không được. Cứ phải làm cả đời. Khi điều trị họ tiêm thuốc giảm đau, em cảm thấy mất bệnh nhưng bệnh còn nguyên”. Ông nói thêm về kinh phí, mức cao nhất 1 triệu/ lần sẽ rút ngắn thời gian chữa trị lại. “Mức thấp thì giống như trả góp ý mà, nhiều thì nhanh khỏi hơn, tiền nào của đó mà. Làm giá thấp mất công, lâu khỏi như đi châm cứu. Ở đây không làm giá 1 - 200 ngàn đâu, phải 300 ngàn mỗi lần trở lên mới làm”, ông gạ. Tất cả các mức đưa ra đều được ông cam kết khỏi đến 80%.
Trường hợp “lồi cột sống, lệch xương chậu” của chúng tôi, ông điềm nhiên: “Chữa tốc hành sẽ khỏi nhanh trong nửa tháng, đạt kết quả tối đa 80%. Anh còn lịch bảo hành và tái khám miễn phí. Bảo hành tới hai tháng cho ổn định”. Chúng tôi hỏi nếu đau lại thì sao?, ông đáp tỉnh queo: “Anh chỉ bảo hành trong hai tháng thôi. Về nhà thì anh hướng dẫn cho tránh bị lại. Không cần dùng thuốc”.
Vài ngày sau, chúng tôi đưa hình chụp phim tới, dù trước đó yêu cầu phải chụp 3 kiểu nhưng thực tế chúng tôi chỉ chụp hai kiểu, ông vẫn không thắc mắc gì. Cầm phim chưa kịp nóng tay, ông gọn tưng: “Muốn hết nhanh hay chậm?”. Thấy chúng tôi lớ ngớ, ông đinh ninh “xương sống lồi rồi”! Chúng tôi nói ông chỉ đoạn lồi trên phim để được thấy rõ, ông không chỉ được, quay lại gắt: “Hôm nọ nằm xuống so sánh thấy khác nhau rồi. Có rãnh là bình thường, không có là bệnh. Chứ còn phim thì giáo sư, bác sĩ cũng bó tay. Phim chỉ để xem đốt sống có mòn vẹt hay không, có bị ung thư xương hay không, nhưng đây không bị. Còn đau là do bị lồi. Giờ không phân tích bằng hình ảnh, về nhà cũng không phân tích bằng hình ảnh nữa mà bằng thực tế, cứ nằm xuống vén áo so lưng là biết. Lồi trên lưng chứ không ở phim (?!). Giáo sư bác sĩ nhìn vào đây cũng kết luận không cho thấy tổn thương xương, cho đi uống thuốc, thế là xong!”.
Ông dịu giọng lại đưa tờ thỏa thuận, nhấn nhá đây là các em tự nguyện chứ anh không ép, rồi khuyên chúng tôi nên chọn mức “chữa khoán” 7 triệu cho 7 ngày liên tục, mỗi ngày chữa một lần khoảng 15 phút. Nếu đóng toàn bộ trong 3 ngày đầu thì được hưởng ưu đãi tái khám miễn phí. “Trải qua 2 ngày là bệnh đỡ rồi, cứ trả hết đi anh chữa nhanh cho, bảo hành lên tới 60 ngày”, ông kì kèo. Chúng tôi tiếp tục gặng hỏi, nếu sau 60 ngày mà đau lại, bệnh không khỏi thì sao? Ông trả lời qua loa “đã được rồi thì đa số khỏi luôn, không đau lại đâu…”.
Bằng những lời có cánh như vậy, không ít người bệnh nhẹ dạ cả tin mắc bẫy, ôm tiền đến chữa bệnh cột sống. Chị L.M. Đ (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) chìa tờ thỏa thuận ra trước mặt chúng tôi và chỉ rõ mức phí của mình là 1 triệu đồng/lần/ngày. Chị thở dài: “Tui lặn lội từ trong quê ra, mất rất nhiều tiền với ông Long này vì nghe trên mạng nói chữa bệnh cột sống giỏi. Tới giờ là hơn chục triệu rồi mà bệnh chẳng thuyên giảm!”. Trong khi đó, một bệnh nhân thoái hóa cột sống ngoài 40 tuổi sau khi chữa “trọn gói” ở “thầy” Long với mức 500.000đồng/lần cũng rơi vào cảnh tiền mất mà tật vẫn mang.
Bị đình chỉ vẫn tỉnh bơ
“Lương y” này trở nên nổi tiếng khiến người dân Đà Nẵng và các tỉnh lân cận liên tục đổ về nhờ một số tờ báo mạng viết bài ca tụng, thông tin ông có phương pháp…kỳ diệu có thể điều trị hết bệnh cột sống cho hàng ngàn bệnh nhân. Mặc nhiên không có bất kỳ ý kiến xác thực, kiểm định từ bất cứ cơ quan chức năng nào. Trong khi đó, theo tìm hiểu của Tiền Phong, một số người từng chữa trị ở đây cho hay cách chữa của ông là xoa nắn, có khi dùng chân đạp vào lưng, chừng 5, 10, hoặc lâu hơn thì 15, 20 phút. Mỗi lần như vậy ít nhất 300 ngàn đồng, còn không là 1 triệu đồng.
Điện thoại cho ông theo số 0913.765.863, số này ông cho người tới khám chữa liên lạc, và cũng đăng rất nhiều trên các tờ báo mạng, trang tin. “Phủ đầu” ông không có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh, sao vẫn trị bệnh cho người ta?, ông lắp bắp: “Người dân đọc báo biết được chỗ của tôi nên tìm tới nhờ tôi chữa giúp thôi. Tiền tôi nhận được là công sức chữa cho họ chứ không phải chi phí thuốc men gì cả”. Sau đó, ông Long tháo gỡ bảng phòng kỹ thuật, hộp đèn xem phim X-quang trong nhà, ngoài cổng treo bảng “Thầy Long đã nghỉ chữa bệnh, rất mong mọi người thông cảm”. Tuy nhiên tất cả chỉ để ngụy trang, ông vẫn tiếp tục đón người tới khám chữa. “Đấy, tôi treo bảng nghỉ rồi, mà giờ người bệnh tìm tới không lẽ mình không ra tay chữa giúp. Cũng như các em vậy, các em tự tìm tới đây thì tôi phải giúp thôi”, ông nói.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho hay hiện tại ông Lê Duy Long không có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, giấy đăng kí kinh doanh, giấy phép hoạt động khám chữa bệnh. Trước đó ông đã từng bị xử lý do khám chữa bệnh chui, và Sở Y tế đã giao cho UBND, phòng Y tế quận Sơn Trà phải theo dõi và xử lý trường hợp này nếu tái phạm. (Tiền phong, trang 15)
Lên non cao chữa bệnh cho dân nghèo
Rời Thủ đô, tình nguyện lên Mường Nhé (Điện Biên) công tác, hành trình của bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Hiếu như một câu chuyện cổ tích ấm áp yêu thương giữa đời thường về tình người và y đức. Anh vừa được bình chọn là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2017.
Thương bệnh nhi như con ruột
Quãng đường từ huyện Mường Lay tới Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé - nơi bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu đang cứu chữa bệnh cho các em nhỏ và người dân, hơn 100km đi mất gần 7 tiếng đồng hồ. Đường hẹp và rất xấu. Những đoạn sạt lở nghiêm trọng từ đợt lũ quét mấy tháng trước vẫn còn ngổn ngang bung bét trên con đường đã xuống cấp. Chúng tôi tới thị trấn Mường Nhé lúc tối mịt.Thị trấn nhỏ chưa có khách sạn. Nhà chị chủ quán cơm bình dân Nguyệt Đồng Quán mở thêm mấy phòng nghỉ kinh doanh. Hỏi chuyện về bác sỹ Hiếu, chị cười tươi nói: “Bác sĩ Hiếu từ Hà Nội lên chứ gì. Bác sĩ khám nhi. Người tốt đấy. Quý trẻ con lắm. Còn mua quần áo mới cho các cháu đến khám chữa bệnh…”. Ở đây ai cũng biết bác sĩ Hiếu. Ngày nào anh cũng xách làn đi chợ mua đồ về tự nấu ăn. Có ai biếu con cá, con gà bác sĩ đều trả lại, vì ăn chay.
Gặp bác sĩ Hiếu ngay tại phòng điều trị bệnh nhi, anh bảo chúng tôi phải đợi sau khi khám xong cho các bệnh nhân mới có thể trò chuyện. Có nhiều bệnh nhân đang chờ tới lượt khám, chúng tôi có cơ hội được quan sát anh làm việc.
“Cháu thế nào rồi? Đã chịu bú chưa?” - bác sĩ Hiếu ân cần hỏi thăm cặp vợ chồng trẻ ở bản Na Cô Sa 1 (xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ) có con 30 tháng tuổi bị bệnh tiêu chảy. Dỗ dành các cháu nhỏ và dùng ống nghe để kiểm tra đánh giá tim, phổi xong, anh quay sang dặn dò kỹ lưỡng nữ y tá trẻ cách thức chăm sóc các bệnh nhi.
Sang phòng thứ 2, anh bước vội tới giường bệnh góc trong cùng, nơi bé gái 18 tháng tuổi Giàng Thị Du Lăm mới được bố mẹ đưa vào trung tâm lúc 2 giờ sáng. Bị tiêu chảy, mất nước, cộng với sương đêm vì bố chở bằng xe máy từ bản Chuyên Gia 1 (xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé) đã khiến bé hạ nhiệt độ rất nguy hiểm. Ngay lúc mới nhập viện, bác sĩ Hiếu đã ủ ấm cho cháu bé bằng máy sưởi và theo dõi sát sao. Thăm khám cho bé Lăm xong, bác sĩ Hiếu quay sang chúng tôi tươi cười nói: “Cháu đỡ dần rồi anh ạ. Đêm qua ai cũng lo cho cháu…”. Cứ thế, hàng chục bệnh nhân đang điều trị nội trú hôm đó đều được bác sĩ Hiếu trực tiếp thăm khám tận tình. Anh luôn dỗ dành các bệnh nhi và động viên người thân các cháu.
“Nơi nào dân sống được thì tôi sống được”
Có tiền sử hút thuốc nhiều năm, cụ Lù Văn Xám (88 tuổi, người dân tộc Kháng, ở xã Mường Toong, huyện Mường Nhé) sống chung với căn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, suy tim nhiều năm nay. Thường xuyên phải vào trung tâm trong tình trạng khó thở, tức ngực, cụ Xám luôn được bác sĩ Hiếu và các đồng nghiệp chăm sóc tận tình. Chị Lù Thị Tiền, con gái cụ Xám tâm sự: “Bác sĩ Hiếu tốt lắm, không cáu với bệnh nhân bao giờ. Mỗi khi ông cụ bị đau, dù đang ngủ thì bác sĩ cũng thức dậy kiểm tra sức khỏe cho bố tôi. Mỗi lần ông cụ được về nhà, bác sĩ lại dặn là phải ăn nhiều rau, thịt chứ không được ăn cá vì sẽ gây ho”.
Sau khi đi theo bác sĩ Hiếu “điểm danh” tại tất cả các giường bệnh, chúng tôi được trò chuyện với anh trên chiếc ghế băng ở hành lang cạnh khoa Nội - Nhi, giữa cái mùi hăng hắc thuốc men, bông gạc y tế. Anh tốt nghiệp bác sĩ đa khoa Đại học Y Hà Nội năm 2014, sau đó trúng tuyển vào Bệnh viện Thanh Nhàn.Khi biết thông tin về dự án bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn (Dự án 585 của Bộ Y tế), Hiếu xung phong ngay. “Tôi tình nguyện đi bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam. Nơi nào dân sống được thì tôi cũng có thể sống được”, Hiếu khẳng định trong lá đơn tình nguyện.
Sau hai năm đào tạo chuyên khoa 1 chuyên ngành nhi khoa, tháng 8/2017, Hiếu đặt chân lên Mường Nhé - huyện nghèo nhất của tỉnh Điện Biên, nhận công tác. Ba tháng một lần, anh phải đi nhiều chặng xe, vượt quãng đường 800 cây số về thăm vợ và hai con nhỏ mới 21 tháng và 4 tháng tuổi. Khó khăn, thiếu thốn tình cảm vợ chồng, nhưng bác sĩ Hiếu không lúc nào quên sứ mệnh y đức mà anh đã nhận lãnh với đồng bào biên giới. Tranh thủ những lúc khám bệnh, anh lại tập nói tiếng dân tộc từ chính các bệnh nhân và người nhà họ. Kiên trì nhiều tháng, anh đã có vốn từ tiếng Mông (người Mông chiếm tỷ lệ hơn 65% dân số ở Mường Nhé) đủ giúp mình có thể giao tiếp thông thường. Các bệnh nhân càng thêm quý trọng anh bởi một người dưới xuôi lên không chỉ chữa bệnh mà còn biết nói tiếng của họ.
Bác sĩ Hiếu phụ trách khoa Nội- Nhi, nhưng do trung tâm đang thiếu bác sĩ, anh còn đảm nhiệm vai trò của một bác sĩ đa khoa. Hiện anh còn đang làm chủ nhiệm đề tài “Mô hình bệnh tật tại khoa Nội - Nhi, Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé”. “Phần thưởng lớn nhất đối với tôi là các cháu mau khỏi bệnh, khỏe mạnh khi ra viện. Đêm trước hôm lên đường đi Mường Nhé, hai vợ chồng tôi tâm sự mãi, bảo nhau là chuyến đi này dù dài, dù khó khăn cũng gắng đến đích. Đi để tình nguyện đóng góp cho nơi đang cần mình. Cứu người còn hơn xây tháp cơ mà”, bác sĩ Hiếu chia sẻ.
Lúc chia tay chúng tôi, bác sĩ Hiếu bộc bạch về một dự định đặc biệt: đưa cả gia đình lên gắn bó lâu dài với mảnh đất Tây Bắc có đại ngàn trùng sơn gió mát. Nơi đây dù còn nghèo khó, nhưng anh đã cảm nhận được tình người chân thật cùng sự thanh thản kỳ lạ trong tâm hồn... (Tiền phong, trang 7)
Tang thương vì rượu
3 người chết, hơn 20 người nhập viện, trong đó nhiều người nguy kịch với các triệu chứng của ngộ độc. Vụ việc gây chấn động Quảng Nam.
Ngày 12/3, Bnướch Chưm (SN 1962, thôn Pà Pằng, xã Cà Dy, huyện Nam Giang) cùng một nhóm người trong thôn mua rượu ở tiệm tạp hóa về nhậu. Sau cuộc nhậu, khuya ông mới về nhà ngủ. Nhưng đến sáng ngày 14/3, người nhà thấy ông vẫn nằm li bì, không ăn uống gì. “Lúc dậy đi vệ sinh thì gục luôn ở sau nhà. Sau đó người nhà đưa xuống bệnh viện thì ông bị co giật và tử vong lúc 22h ngày 13/3” - Chị Zơrâm Khâm (31 tuổi), con dâu ông Bnướch Chưm kể lại.
Cùng nhậu hôm đó, còn có Alăng Minh (SN 1975), A Viết Giang (SN 1982), Hôi Nhân (SN 1994), Bnươch Gheo (SN 1982). Ông Minh và Giang sau đó cũng tử vong tại bệnh viện, còn Nhân và Gheo đang trong tình trạng nguy kịch.
Ông Hôi Nhiếp - Trưởng thôn Pà Păng cho hay, ngoài 5 người nói trên có hơn 20 người khác trong làng, chủ yếu là thanh niên đã phải nhập viện khám và cấp cứu vì có các triệu chứng ngộ độc như đau đầu, đau bụng, nôn mửa, cao huyết áp...
Ông Hôi Nhiếp cho hay lâu nay người dân trong thôn vẫn mua rượu ở các tiệm tạp hóa về uống. Tại thôn có 1 hộ nấu rượu, và khoảng 5 - 6 tiệm tạp hóa có bán rượu. “Vụ việc quá kinh hoàng, người dân rất hoang mang, chờ cơ quan chức năng vào cuộc kết luận về vụ việc” – ông Nhiếp nói.
Bà Bnướch Chớơch thẫn thờ ngồi bên chiếc quan tài của con trai. Alăng Minh, con trai bà năm nay 42 tuổi. Minh vốn là người hiền lành, chăm chỉ làm lụng. Hôm đó, thanh niên trong làng tổ chức đá bóng giao lưu, sau đó ngồi lại chuyện trò và mua rượu về uống. Đến hôm sau Minh nói rất mệt, liên tục nôn ói, xây xẩm, mắt đỏ và lồi ra. Cả nhà hoảng hốt đưa Minh lên bệnh viện. Nhưng mọi việc đã quá trễ. Các bác sỹ chẩn đoán anh bị ngộ độc rượu. “Bình thương nó hiền lành, tu chí làm ăn. Nếu có vui cũng chỉ vài chén với anh em bạn bè trong làng. Vậy mà...sao lại thế này con ơi” – bà Bnướch Chớơch nói trong nước mắt.
Trong lễ tang của anh Minh, nhiều người vẫn mang rượu đến viếng. Theo trưởng thôn Nhiếp, thì tập tục của người dân địa phương lâu nay khi đi đám tang thường đưa rượu đến viếng. Tuy nhiên sau sự việc, thôn đã quán triệt người dân không được đưa rượu đến viếng, và không uống rượu tại lễ tang. Cách nhà bà Bnướch Chớơch khoảng 500 mét là ngôi nhà ông Bnướch Chưm. Ngôi nhà nhỏ căng lều bạt, chiếc bàn thờ nhỏ đặt ở góc nhà. Trên sân đất kê vài bộ bàn ghế để người dân đến thăm viếng.
Bồng trên tay đứa con 3 tuổi đang say sưa ngủ, chị Zơrâm Khâm mệt mỏi, đôi mắt nặng trĩu, bần thần. Mấy ngày nay Khâm vừa lo chuyện mai táng cho ba, lại lo chuyện nhập viện cho chồng khiến cô như muốn kiệt sức. Chồng Khâm là Bnướch Chuột (29 tuổi) cũng đang phải nhập viện để theo dõi vì có biểu hiện triệu chứng của ngộ độc rượu.
“Sáng nay mấy thanh niên trong xã giúp đưa ảnh xuống Trung tâm y tế huyện để khám, nhưng họ nói phải chuyển xuống bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Nam dưới Đại Lộc. Cũng chưa biết kết quả thế nào, tôi lo quá” – chị Khâm quệt nước mắt. (Tiền phong, trang 11)
Hà Nội lên kế hoạch ứng phó với nguy cơ dịch bùng phát
Những tháng đầu năm 2018, Hà Nội đã xuất hiện nhiều người mắc cúm mùa và sốt xuất huyết, hơn nữa, ở một số nơi, số người mắc cúm gia tăng, khiến người dân lo ngại.
Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho hay, biện pháp phòng chống dịch lâu dài và hiệu quả là tiêm vaccine phòng bệnh với những bệnh có vaccine phòng. Do đó, công tác tiêm chủng các loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng được đẩy mạnh, nhất là tiêm vaccine phòng 10 bệnh truyền nhiễm với mục tiêu đạt tỷ lệ trên 95%.
Hiện nay, ngành y tế Hà Nội đã tổ chức tiêm chủng ở các trạm y tế hằng tuần thay vì tiêm chủng hằng tháng như trước. Lịch thay đổi này dù khiến nhân viên y tế vất vả hơn, nhưng lại giúp cho trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, để tăng miễn dịch tại cộng đồng.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho hay, Trung tâm chủ động phối hợp với các đơn vị để đẩy mạnh việc truyền thông và khuyến cáo người dân khi có dấu hiệu bệnh nặng phải đến các cơ sở y tế. Khi phát hiện chùm ca bệnh, y tế cơ sở phải triển khai các biện pháp bao vây, khoanh vùng, xử lý ngay, để không lây lan thành những ổ dịch lớn hơn...
Cảnh giác trước các bệnh cúm gia cầm độc lực cao có thể vào Việt Nam, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã tổ chức kiểm dịch y tế quốc tế tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài với hệ thống máy đo thân nhiệt, nhằm phát hiện sớm người mang bệnh xâm nhập. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tăng cường giám sát bệnh tại cộng đồng và tại cơ sở y tế, tổ chức các xét nghiệm để phát hiện sớm.
Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ngành y tế Thủ đô cũng phối hợp chặt chẽ với ngành thú y để giám sát ngay từ khi dịch trên gia cầm, đồng thời, phát hiện sớm những bệnh nhân đầu tiên mắc cúm, điều trị tích cực để giảm tử vong, không để bệnh lây lan thành dịch.
Hiện đang là mùa lễ hội, nhu cầu đi lại của người dân và du khách tăng cao, nhất là khi trên địa bàn Hà Nội có nhiều điểm du lịch, lễ hội lớn thu hút đông du khách thập phương như chùa Hương, chùa Đậu, chùa Tây Phương, Phủ Tây Hồ… sẽ càng làm tăng nguy cơ mắc dịch bệnh, nên Sở Y tế Hà Nội đã và đang chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa xuân, nhất là ở các khu vực lễ hội, điểm văn hóa tâm linh.
Dự báo mùa hè năm nay thời tiết tiếp tục có những diễn biến phức tạp nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết tiềm ẩn, Sở Y tế Hà Nội đã chủ động các biện pháp phòng chống. Từ kinh nghiệm của vụ dịch năm 2017, Sở Y tế sẽ tái lập mạng lưới cộng tác viên phòng chống sốt xuất huyết, cũng như tiếp tục duy trì đội xung kích diệt bọ gậy, phát động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy.
Trước tình hình có nhiều người mắc sốt xuất huyết và sởi những tháng qua, ông Ngô Văn Quý Phó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các ngành và quận, huyện tăng cường phòng chống dịch mùa xuân hè và lễ hội năm 2018, hạn chế thấp nhất số mắc và tử vong.
Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh mùa hè trên địa bàn.
UBND TP yêu cầu Hà Nội cũng Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường các biện pháp giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng, xử lý triệt để các ổ dịch, không để bùng phát lan rộng; giám sát chặt chẽ công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch tại các lễ hội, đảm bảo đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ quy mô ở xã, phường.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội cần chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện thường trực cấp cứu, tổ chức sàng lọc, phân luồng, phát hiện kịp thời các trường hợp mắc dịch bệnh ngay tại khu vực tiếp nhận ban đầu; tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh sởi, cúm và các dịch bệnh khác, các khuyến cáo phòng chống dịch bệnh và lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh. Triển khai các biện pháp giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu hàng không quốc tế Nội Bài. (Công an Nhân dân, trang 6)
Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Chủ động phòng chống SXH, dịch bệnh mùa hè”
Còn ai đứng ngoài tai biến chạy thận tại Hoà Bình...
Theo cơ quan điều tra, đối với bị can Lương, là người được đào tạo kỹ thuật lọc máu, được trưởng khoa giao trách nhiệm phụ trách chuyên môn và các hoạt động tại đơn nguyên thận nhân tạo.
Ngày 20.4.2017, bị can Lương thừa lệnh trưởng khoa ký đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 và biết rõ việc sửa chữa, khử trùng hệ thống nước RO số 2 vào ngày 28.5. Cơ quan tố tụng cho rằng, với trình độ, nhận thức và vai trò, trách nhiệm được giao, bị can Hoàng Công Lương buộc phải biết rõ quy định nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng theo quy định và thuộc trách nhiệm của trưởng khoa.
Tuy nhiên, sáng 29.5.2017, khi mới chỉ nghe điều dưỡng viên nói về việc Trần Văn Sơn gọi điện thông báo hệ thống nước RO đã sửa xong và có thể hoạt động bình thường thì bị can Lương đã chủ quan, không kiểm tra lại và cũng không báo cáo với trưởng khoa theo chức trách, nhiệm vụ được giao mà vẫn ra y lệnh điều trị cho các bệnh nhân và để cho hoạt động lọc máu diễn ra bình thường.
Đến thời điểm này, Bộ Y tế chưa lên tiếng về việc BS Hoàng Công Lương bị truy tố. Tuy nhiên, một lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng: Thời điểm xảy ra vụ việc, cơ quan chức năng đã ban bố quyết định tạm giam BS Hoàng Công Lương để phục vụ công tác điều tra. Sau đó, các cơ quan chuyên môn, gia đình các nạn nhân đã viết đơn kiến nghị cho BS Lương được tại ngoại. BS Lương được thay đổi biện pháp ngăn chặn, được tại ngoại không có nghĩa là không bị truy tố. Việc phân xử có tội hay không sẽ do toà án phán xử, chúng tôi không can thiệp sâu vào nội bộ xử lý.
Tuy nhiên, BS Lương là người có nhiệt huyết, năng lực chuyên môn tốt nếu đưa ra xét xử có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Cơ quan xét xử cần xem xét cả tình tiết cụ thể phản ánh trung thực vụ án, xác định đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, con gái một trong 8 nạn nhân tử vong trong vụ tai biến chạy thận cho biết: Các gia đình nạn nhân đã nhận được thông báo của VKS đã chuyển vụ việc sang toà án chờ xét xử. Các gia đình đã từng làm đơn tại ngoại cho BS Hoàng Công Lương sau khi vụ việc xảy ra. Hiện chúng tôi mong toà án xử đúng người, đúng tội. Sau khi sự cố đau lòng xảy ra, gia đình BS Hoàng Công Lương có đến thăm hỏi, chia buồn với gia đình các nạn nhân.
TS Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng khoa Thận, BV Bạch Mai (Hà Nội) - cho biết: Ông cũng biết thông tin BS Hoàng Công Lương bị khởi tố qua báo chí. Theo quan điểm cá nhân của mình, TS Dũng cho rằng: Lọc máu là một quy trình gồm nhiều công đoạn. Mỗi cơ sở y tế có một năng lực riêng và vận hành theo khả năng. Do đó, mỗi cơ sở y tế sẽ có quy trình quản lý, vận hành phù hợp với điều kiện của mình. Do đó, dịch, máy móc, nguồn nước… nhập về phải từ công ty có đủ năng lực, bệnh viện chịu trách nhiệm giao cho từng bộ phận trong bệnh viện rồi phân cho các cấp. BS Lương chỉ chịu trách nhiệm nhỏ trong việc này chứ không phải toàn bộ trách nhiệm. Cần xem xét cụ thể để có phán quyết đúng đắn.
Việc bàn giao thiết bị máy móc trước và sau khi sửa chữa bảo dưỡng trên giấy tờ chỉ là bàn giao về số lượng, chủng loại thiết bị… Nguồn nước khi được bàn giao cho nhân viên y tế để sử dụng, thực hiện kỹ thuật lọc máu cho người bệnh đương nhiên là đã đảm bảo chất lượng. Vì vậy, BS Lương không biết chất lượng có đảm bảo hay không mà vẫn đưa vào sử dụng gây tử vong cho bệnh nhân là không thuyết phục.
BS Lương cho chỉ định lọc máu theo chương trình, sau khi được bàn giao qua điện thoại của người có trách nhiệm (nhân viên phòng vật tư của bệnh viện) là hợp lý, nếu chờ đợi bàn giao bằng văn bản sẽ mất thời gian và lỡ kế hoạch đã đề ra. Sai sót của BS Lương là thiếu sót về thủ tục hành chính.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam - người nhận trách nhiệm bào chữa miễn phí cho BS Hoàng Công Lương cho rằng cần xem xét kỹ lưỡng hành vi khách quan và cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” truy tố đối với bác sĩ Lương. Đặc biệt là các tài liệu chứng cứ chứng minh một bác sĩ điều trị bình thường trong khoa như Lương có chức vụ, quyền hạn và phải chịu trách nhiệm về việc bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị y tế, về chất lượng nước RO chạy thận sau khi sửa chữa hay không?
Đồng thời cũng cần đánh giá các tài liệu, chứng cứ về vai trò, trách nhiệm của các chủ thể khác liên quan đến giao kết, triển khai thực hiện hợp đồng, trách nhiệm về quản lý, sửa chữa vật tư kỹ thuật trong bệnh viện, báo cáo của bộ phận vật tư sau sửa chữa, kết quả xét nghiệm bắt buộc đối với tồn dư hóa chất sau sửa chữa, cũng như các vấn đề về chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu, vấn đề giao thầu cho đối tác khác không có trong hợp đồng... Bác sĩ chỉ có trách nhiệm khám bệnh, chịu trách nhiệm về chuyên môn điều trị của mình. Tuy nhiên, trong vụ án này, nguyên nhân dẫn đến tử vong của 8 nạn nhân là do tồn dư hóa chất trong nước RO sau sửa chữa nên không có mối quan hệ nhân quả với trách nhiệm của bác sĩ điều trị.
Một số giáo sư, chuyên gia y tế cho rằng: Nguồn nước khi được bàn giao cho nhân viên y tế để sử dụng, thực hiện kỹ thuật lọc máu cho người bệnh đương nhiên là đã đảm bảo chất lượng. Vì vậy, cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đưa ra kết luận BS Lương không biết chất lượng có đảm bảo hay không mà vẫn đưa vào sử dụng gây tử vong cho bệnh nhân là không thuyết phục.
Cơ quan điều tra cho rằng, trong quá trình điều tra, xác định không đủ căn cứ để xử lý về trách nhiệm hình sự một số cá nhân... (Lao động, trang 3)
Lợi ích từ bệnh viện tự chủ tài chính ở Nghệ An
Sau một năm thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, tám bệnh viện (BV) của tỉnh Nghệ An đã giải được bài toán nhân lực và chất lượng khám, chữa bệnh; đồng thời giúp tỉnh Nghệ An tiết kiệm được 165 tỷ đồng/năm, giảm biên chế hơn 4.300 người… Tuy vậy, quá trình thực hiện tự chủ cũng bộc lộ một số vướng mắc cần được tháo gỡ.
Ðổi mới toàn diện
Do có bước "chạy đà" tự chủ một phần từ năm 2006, khi thực hiện tự chủ toàn bộ, BV Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An đã có nhiều thay đổi, là "cánh chim đầu đàn" của ngành y tế tỉnh. Các khu điều trị được xây dựng khang trang, hiện đại.
BV cũng đang triển khai xây dựng khu điều trị theo tiêu chuẩn khách sạn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh. Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, BV Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An Nguyễn Viết Bình khẳng định, tự chủ tài chính đã giúp BV chủ động thực hiện các kế hoạch, nhất là tuyển dụng nhân sự, thành lập các phòng, khoa mới theo yêu cầu; hợp đồng thuê chuyên gia, bác sĩ đầu ngành tuyến Trung ương để đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cao. Hiện nay, BV có đội ngũ bác sĩ được đào tạo bài bản, trong đó, gần 50% có trình độ sau đại học, làm chủ nhiều kỹ thuật chuyên môn cao. Năm 2017, BV đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao như: Phẫu thuật tim mạch, thụ tinh nhân tạo, cắt thanh quản toàn phần trong điều trị ung thư… Ðây là các điều kiện thuận lợi để BV phấn đấu trở thành BV hạng I ở khu vực Bắc Trung Bộ trong thời gian tới.
Nhờ thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, BV đa khoa TP Vinh đã có bước đổi mới toàn diện, từ nâng cấp các khu điều trị, phòng khám, phòng cấp cứu đến đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại như: La-bô xét nghiệm, hệ thống máy chạy thận nhân tạo, hệ thống công nghệ thông tin để quản lý BV, lưu trữ, chuyển tải hình ảnh… Giám đốc BV đa khoa TP Vinh Nguyễn Hồng Trường cho biết, đơn vị đã đạt năm trong bảy nhóm tiêu chí của BV thông minh. Ðáng chú ý, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong khám, điều trị và chăm sóc người bệnh, chất lượng chẩn đoán, điều trị được nâng cao; thời gian, khám, điều trị cho người bệnh được rút ngắn. Phần mềm lưu trữ và chuyển tải hình ảnh PACS được ứng dụng, tạo sự tương tác giữa bác sĩ lâm sàng và bác sĩ chẩn đoán hình ảnh; tạo thuận lợi trong hội chẩn với BV tuyến trên. Thời gian thực hiện các kỹ thuật chụp X-quang, MR, CT được rút ngắn, không phải in phim và thời gian lưu giữ phim lâu dài nhờ áp dụng phim điện tử. BV chủ động định hướng phát triển nguồn nhân lực, có chính sách thu hút bác sĩ giỏi. BV cử nhiều bác sĩ đi đào tạo, nâng cao trình độ và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật mới, chuyên sâu tại các bệnh viện tuyến trung ương ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh theo hình thức cầm tay chỉ việc. Ðến nay, BV đã làm chủ nhiều kỹ thuật chuyên sâu như: Thay khớp háng toàn phần, bán phần; nội soi tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ; cắt phì đại tiền liệt tuyến bằng dao mổ lưỡng cực… Qua đó, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên một bước, số người bệnh trong và ngoài tỉnh đến khám và điều trị ngày càng đông. Nếu năm 2016, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 lượt người đến khám, điều trị thì năm 2017 đã tăng lên khoảng 1.700 lượt. Người bệnh đến khám tăng giúp BV có nguồn thu ổn định để tiếp tục đầu tư, nâng cấp trang thiết bị hiện đại, cải thiện thu nhập cho y, bác sĩ, nhân viên y tế.
Theo Giám đốc BV Sản Nhi Nghệ An Phan Văn Tư, nhờ tự chủ tài chính, BV đã "giải" được vấn đề mấu chốt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu như trước đây, BV luôn gặp nhiều rào cản trong việc xin chế độ hợp đồng đối với các y, bác sĩ, thì đến nay có thể tuyển thêm hàng trăm người, trong đó ưu tiên cán bộ có trình độ và kinh nghiệm. Có cán bộ tay nghề cao, BV đã thực hiện được nhiều kỹ thuật cao trong điều trị các bệnh mà trước đây người bệnh phải chuyển lên các bệnh viện tuyến Trung ương như: Tim bẩm sinh, hồi sức tim phổi, lọc máu, bơm rửa phế quản...
PGS, TS Dương Ðình Chỉnh, Quyền Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, từ năm 2017, tỉnh Nghệ An thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại tám BV trên địa bàn. Sau một năm triển khai cho thấy các đơn vị có nhiều chuyển biến rõ rệt, được cán bộ, người dân đánh giá cao, nhất là tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng khám, chữa bệnh. Công tác tổ chức nhân sự, bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Các BV chủ động phối hợp các BV tuyến Trung ương triển khai các kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu, cũng như chủ động phát triển các kỹ thuật tiên tiến như: Ghép thận, phẫu thuật can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim hở, phẫu thuật cắt thanh quản toàn phần; đầu tư hệ thống các xét nghiệm mới; sử dụng rô-bốt định vị hỗ trợ trong điều trị ung thư phổi bằng sóng cao tần... Tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục triển khai tự chủ tài chính giai đoạn 2018 - 2020 cho bảy đơn vị, trong đó có các BV đa khoa tuyến huyện, với mục tiêu giảm chi ngân sách gần 100 tỷ đồng và giảm biên chế thêm 2.000 người.
Những rào cản cần tháo gỡ
Trong quá trình thực hiện tự chủ tài chính, các đơn vị cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Có lẽ vướng mắc lớn nhất là các văn bản hướng dẫn chi tiết, đầy đủ về thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị ngành y tế chưa được ban hành, dẫn đến quá trình vừa làm, vừa tìm tòi, nghiên cứu. Kinh phí hoạt động của các BV chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thu khám, chữa bệnh dịch vụ, nhưng thủ tục thanh toán tiền khám, chữa bệnh từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế còn chậm, không kịp thời, đã ảnh hưởng không nhỏ đến chi tiêu của các BV, nhất là chi trả tiền lương, tiền phẫu thuật cho cán bộ, nhân viên và trả tiền thuốc, vật tư tiêu hao cho các nhà thầu. Ðối với một số đơn vị sự nghiệp y tế thuộc nhóm III và nhóm IV, việc hỗ trợ kinh phí ban đầu cho các đơn vị thực hiện tự chủ, bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên chưa được thực hiện… Ngoài ra, các BV còn gặp khó khăn do thiếu nguồn nhân lực trình độ cao; cơ sở hạ tầng đã xuống cấp…
Cơ chế tự chủ tài chính bước đầu cho thấy đã góp phần quan trọng giúp ngành y tế Nghệ An nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh theo hướng công bằng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân. Chính vì vậy, thời gian tới, tỉnh Nghệ An cần sớm tổng kết, rút kinh nghiệm, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập để hoàn thành kế hoạch đề ra. (Nhân dân, trang 1)
Những thầy thuốc hết lòng vì người bệnh
Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm (LSCBTN), Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 (Bộ Quốc phòng) là cơ sở thực hành tuyến cuối toàn quân, có nhiệm vụ khám bệnh, thu dung, cấp cứu điều trị các bệnh truyền nhiễm và chuyển giao kỹ thuật chuyên ngành cho bệnh viện tuyến trước; đào tạo sau đại học về chuyên ngành truyền nhiễm... Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ của viện luôn hết lòng vì người bệnh.
Có mặt tại viện vào đầu giờ làm việc, chúng tôi được chứng kiến cảnh các cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên tất bật chăm sóc, điều trị cho bộ đội và nhân dân. Ðại tá, TS Nguyễn Ðăng Mạnh, Viện trưởng Viện LSCBTN cho biết: Tháng 3 là thời điểm giao mùa, thường xuất hiện các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp như: nhiễm vi-rút cấp đường hô hấp, sởi, viêm màng não mô cầu... Viện có 110 giường, nhưng số bệnh nhân điều trị nội trú tại đây có lúc quá tải. Với tinh thần hết lòng vì người bệnh, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên của viện nêu cao trách nhiệm trong khám, cứu chữa, chăm sóc và điều trị cho người bệnh.
Nhiều ngày chăm sóc người thân nằm điều trị tại đây, bà Ðỗ Hồng Tiến, 53 tuổi, nhà ở TP Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) bộc bạch: Chồng tôi bị bệnh viêm não vi-rút rất nặng đưa vào viện cấp cứu, điều trị. Hằng ngày, các bác sĩ, y tá, điều dưỡng thăm hỏi, khám, điều trị rất tận tình. Cùng chung tâm sự, ông Dương Văn Chững, 63 tuổi, quê ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội) chia sẻ: Tôi bị bệnh sốt mò, vào viện cấp cứu trong tình trạng sốt cao, hôn mê. Ðược các thầy thuốc và nhân viên ở đây chăm sóc, cứu chữa kịp thời, coi như người thân trong gia đình. Sau hai tuần điều trị, đến nay đã khỏi bệnh, tôi và gia đình rất phấn khởi, cảm ơn cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên của viện rất nhiều.
Khi vào mùa dịch, lượng người bệnh tăng đột biến, nên việc thu dung, cấp cứu tại viện gặp không ít khó khăn. Song những năm qua, Viện LSCBTN luôn chủ động làm tốt công tác dự báo, có phương án, kế hoạch và hiệp đồng các đơn vị liên quan khi có tình huống dịch bệnh xảy ra. Hằng năm, có hơn 5.000 người bệnh điều trị nội trú, hơn 38.000 người bệnh điều trị ngoại trú.
Ðáng chú ý, năm 2017, khi dịch sốt xuất huyết (SXH) bùng phát trên địa bàn Hà Nội và một số địa phương, lượng người bệnh tăng nhanh. Có ngày, Viện LSCBTN khám từ 300 đến 500 người bệnh. Viện đã chủ động kê thêm giường, điều trị lên đến hơn 200 người/ngày. Khi số lượng người bệnh tăng cao, khả năng điều trị nội trú có hạn, viện chủ động đề xuất Ban Giám đốc triển khai khu vực "dã chiến điều trị bệnh SXH" tại sảnh phòng chờ Khoa khám bệnh, với 30 đến 50 giường bệnh; huy động 20 bác sĩ, 40 điều dưỡng thay nhau trực cả ngày lẫn đêm, cứu chữa kịp thời người bệnh. Nhiều cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên của viện vừa trực chuyên môn tại khoa, vừa đảm nhiệm trực ca tại khu dã chiến; trong đó, có bác sĩ mang thai bốn tháng, hoặc có người thân đang nằm viện nhưng vẫn tham gia cấp cứu, điều trị, chăm sóc bệnh nhân.
Trong đợt dịch SXH, viện phối hợp các phòng, khoa chuyên môn của Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 thu dung, điều trị hơn 4 nghìn người bệnh. Thành tích này đã được lãnh đạo, chỉ huy các cấp, Y tế Hà Nội, Bảo hiểm Y tế Việt Nam, cùng đông đảo người bệnh hết lòng khen ngợi, đánh giá cao. (Nhân dân, trang 3)
Truy tố ba bị can vụ chạy thận nhân tạo làm tám người chết
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình vừa quyết định truy tố ba bị can về các tội “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong sự cố y khoa về chạy thận nhân tạo tại Hòa Bình khiến tám người tử vong xảy ra vào ngày 29-5-2017. Ba bị can là Bùi Mạnh Quốc (sinh năm 1986, thường trú tại khu 6, phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh; Trần Văn Sơn (sinh năm 1990, thường trú tại tổ 5, phường Hữu Nghị, TP Hoà Bình, tỉnh Hòa Bình), cán bộ Phòng vật tư, trang thiết bị y tế, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Cả hai bị can này đều đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình; Hoàng Công Lương (sinh năm 1986; hộ khẩu thường trú tại Quốc Oai, Hà Nội; đang ở: xóm 9, xã Sủ Ngòi, TP Hoà Bình, Hòa Bình, bác sĩ Khoa hồi sức tích cực - Đơn nguyên thận nhân tạo - Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Hiện bị can đang chấp hành theo lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.
Cả ba bị can đều bị truy tố về các tội “Vô ý làm chết người” và tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình, đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều người, do vụ án có tính chất phức tạp, cơ quan tố tụng ở tỉnh mất nhiều thời gian, đồng thời phải phối hợp nhiều cơ quan đơn vị có liên quan để làm rõ vụ án. (Nhân dân, trang 8)
Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 6: “Truy tố 3 bị can trong vụ 8 bệnh nhân chạy thận ở Hòa Bình tử vong”; Báo An ninh Thủ đô, trang 13: “Truy tố 3 bị can trong vụ 8 bệnh nhân chạy thận tử vong ở Hòa Bình”
Chủ động đối phó với dịch sởi
Từ đầu tháng 3 đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội ghi nhận trung bình từ 3 đến 6 ca bệnh sởi/tuần. Thời tiết chuyển mùa như hiện nay tạo điều kiện thuận lợi để bệnh sởi bùng phát. Để chủ động đối phó với căn bệnh này, giải pháp quan trọng nhất là tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Coi chừng biến chứng
Những ngày qua, tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội như Đa khoa Xanh Pôn, Nhi trung ương, Bạch Mai… đã ghi nhận rải rác các ca bệnh sởi. Riêng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi trung ương) từ đầu năm 2018 đến nay đã tiếp nhận 44 bệnh nhân nhập viện điều trị sởi, trong đó, bệnh nhi nhỏ tuổi nhất mới được 2 tháng, số còn lại từ 3 đến 5 tuổi.
Bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, Khoa Truyền nhiễm, cho biết, trong số những bệnh nhi mắc sởi, nhiều trường hợp chưa được tiêm phòng vắc xin, bị lây nhiễm từ chính người thân trong gia đình.
Có mặt tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi trung ương) những ngày này, dễ dàng cảm nhận nỗi lo về nguy cơ quay trở lại của bệnh sởi là có cơ sở. Bà Nguyễn Thị Đ (huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên), người đang chăm sóc cháu gái Ngọc H (12 tháng tuổi) điều trị bệnh sởi tại khoa cho biết: “Cả tháng nay gia đình tôi tất bật ra vào viện. Bé H lây bệnh từ người anh trai 4 tuổi. Cách đây gần 1 tháng, anh trai cháu cũng điều trị tại đây và được chẩn đoán mắc bệnh sởi. Do thể trạng yếu lại bị bệnh viêm phổi trước đó nên anh trai cháu đã qua đời. Giờ chỉ mong sao cháu H. chóng khỏe”.
Nằm bên cạnh cháu H. là giường của chị Nguyễn Thị Y. (Hà Nội), người có con gái nhỏ cũng đang điều trị bệnh sởi tại đây. Khi được hỏi bé đã được tiêm phòng chưa, chị Y. nghẹn ngào nói: “Cứ đến lịch tiêm là bé nhà tôi lại ốm, quấy khóc nên không tiêm được. Đến lúc sức khỏe bé ổn định thì bố mẹ lại bận. Vì cơ thể yếu, sức đề kháng kém và chưa được tiêm phòng nên vi rút sởi đã tấn công rất nhanh”.
Theo bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, sởi là bệnh do vi rút gây ra, thường gặp ở người chưa được tiêm phòng hoặc chưa tiêm đủ mũi, chưa mắc bệnh sởi lần nào và có tiếp xúc với bệnh nhân sởi. Bệnh lây lan rất nhanh trong không khí khi người mang mầm bệnh hắt hơi hoặc ho. Trước khi phát ban vài ngày, người mắc sởi đã phát tán vi rút ra môi trường xung quanh. Việc phát tán vi rút còn kéo dài 5-7 ngày sau khi bệnh nhân phát ban. Nhiều người vẫn quan niệm sởi là căn bệnh thông thường, lành tính nên chủ quan.
Tuy nhiên, trên thực tế, những biến chứng viêm não, viêm cơ tim, viêm phổi, viêm phế quản, viêm thanh quản, viêm tai giữa, tiêu chảy… hoàn toàn có thể xảy ra, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, nhất là trẻ nhỏ.
“Không chỉ những bệnh nhân có bệnh lý nền, thể trạng không tốt mà ngay cả người hoàn toàn khỏe mạnh cũng có thể gặp nguy hiểm với diễn tiến bất ngờ của bệnh. Chúng tôi đã tiếp nhận không ít trường hợp nhập viện khi bệnh đã ở giai đoạn nặng, có biến chứng nên phải can thiệp thở máy”, bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga nói.
Không được chủ quan
Tính từ đầu năm đến ngày 15-3, Hà Nội đã ghi nhận 28 ca bệnh sởi. Dù các ca bệnh mới chỉ xuất hiện rải rác và vẫn trong tầm kiểm soát nhưng không ai dám chủ quan. Chu kỳ dịch sởi đã rút ngắn lại - khoảng 4-5 năm/lần (trước đây là 9-10 năm/lần). Hơn nữa, cách đây hơn 4 năm, vụ dịch sởi năm 2014 bắt đầu từ những ca mắc lẻ tẻ, sau đó đã bùng phát mạnh khiến hơn 100 trẻ tử vong.
Bài học từ vụ dịch sởi năm 2014, TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, với địa bàn rộng, dân cư đông như Hà Nội thì không thể chủ quan. Ngay từ đầu năm 2018, công tác phòng, chống dịch sởi trên địa bàn thành phố đã được triển khai đồng bộ, mục tiêu là phát hiện sớm ca bệnh, khống chế kịp thời, không để dịch lớn xảy ra.
Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã phối hợp với các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, các bệnh viện trong và ngoài công lập triển khai gần 700 điểm giám sát dịch bệnh.
Theo TS Nguyễn Nhật Cảm, yếu tố thuận lợi cho việc bùng phát trở lại của bệnh sởi và nhiều bệnh khác còn xuất phát từ “khoảng trống” tiêm chủng trong nhiều năm qua. Vì vậy, Hà Nội đã tăng tần suất tiêm chủng tại các trạm y tế từ 1 lần/tháng lên 4 lần/tháng, trải đều trong các tuần, phòng trường hợp trẻ đến lịch tiêm nhưng phải hoãn vì ốm thì sẽ được tiêm bổ sung ngay trong tuần sau.
Để tránh lây nhiễm chéo, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các bệnh viện thực hiện tốt việc tổ chức phân tuyến điều trị, thiết lập khu vực riêng để khám, điều trị bệnh nhân mắc sởi. Hiện các bệnh viện đã tổ chức khám phân loại bệnh nhân ngay từ phòng khám.
TS Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo, khi trẻ mắc sởi, người dân hãy đưa con em đến các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu. Những cơ sở này đủ khả năng khám, điều trị cho bệnh nhân sởi. Nếu bệnh nhẹ mà đổ dồn lên tuyến trên thì sẽ gây quá tải bệnh viện, tăng nguy cơ lây nhiễm chéo. (Hà Nội mới, trang 5)
Lần đầu ghép phổi thành công từ nguồn tạng người cho chết não
Bệnh nhân nam (54 tuổi, ở Nam Định) trở thành người đầu tiên tại Việt Nam được ghép phổi từ người cho chết não. Đây là kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng.
Ông Trần Ngọc Hanh (54 tuổi, Nam Định) trở thành người đầu tiên tại Việt Nam được ghép phổi từ người cho chết não. 20 ngày được ghép phổi từ phòng bệnh qua cầu truyền hình trực tuyến, ông Hanh cho biết sức khỏe của ông đã “khá hơn”. Hiện ông đã tự thở không cần hỗ trợ của máy thở, đã tự đi lại trong phòng, xét nghiệm ổn định, khí phổi và khí máu ổn định, đã ăn được cháo.
Ca ghép phổi này được thực hiện tại Bệnh viện TW Quân đội 108. Thành công của ca ghép phổi này đã thêm một lần nữa nhân lên kỳ tích của y học Việt Nam nói chung và chuyên ngành ghép tạng nói riêng bởi ghép phổi là kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng vì sự phức tạp, khẩn trương, chuyên sâu, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ từ các khâu, các công đoạn trong quy trình kỹ thuật.
Kỳ tích của các thầy thuốc quân đội
Cuối tuần qua, Bệnh viện TW Quân đội 108 đã tổ chức gặp mặt báo chí thông tin về ca ghép phổi lấy từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam và thành công của Đề án ghép mô, bộ phận cơ thể người tại bệnh viện này trong hai năm qua. GS.TS. Trung tướng Mai Hồng Bàng - Giám đốc Bệnh viện TW Quân đội 108 - tổng chỉ huy ca ghép phổi cho biết, trước khi được thực hiện ghép phổi, bệnh nhân Hanh được chẩn đoán bị suy hô hấp nặng do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối. Tình trạng của bệnh nhân rất nghiêm trọng, có thể tử vong bất cứ lúc nào. Ông Hanh đã đi thăm khám nhiều nơi, đã sử dụng nhiều loại thuốc nhưng vẫn thường xuyên phải nhập viện điều trị, thậm chí phải thở máy, thở ôxy. Tại Bệnh viện TW Quân đội 108, các thầy thuốc đã đưa ra quyết định ghép phổi là cơ hội duy nhất để giành lại sự sống cho ông Hanh.
Quyết định là thế, xong các thầy thuốc của bệnh viện cũng trăn trở nguồn phổi của người hiến tặng từ đâu ra? Rồi đến khi đã có nguồn tạng từ người cho chết não và mặc dù đã được trau dồi, học tập về chuyên môn và có cả các chuyên gia hàng đầu về gây mê hồi sức và ghép phổi của Pháp, Bỉ cùng đồng hành nhưng ghép phổi được đánh giá là một trong những kỹ thuật khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng, kể cả với những nước có nền y học tiên tiến trên thế giới…
do đó, để chuẩn bị cho ca ghép lịch sử này, cùng với việc suốt hơn 40 giờ đồng hồ hội chẩn liên viện, hội chẩn quốc tế, Bệnh viện TW Quân đội 108 đã huy động lực lượng hùng hậu lên đến 60 người thuộc Ban Chỉ đạo, Ban Điều phối - Thư ký, Đơn vị ghép phổi của Trung tâm Ghép tạng bệnh viện cùng tham gia.
Tại Bệnh viện TW Quân đội 108, những việc ghép thận, ghép tim, ghép giác mạc… đã trở thành thường quy từ nhiều năm nay. Nhưng ghép phổi thì đây là lần đầu tiên. Các điều kiện cho ca ghép phổi đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, các phương án - kịch bản cho nhiều tình huống được đưa ra với quyết tâm chính trị cao nhất của các chiến sĩ áo trắng - cố gắng tối đa để tiến hành ca ghép tốt đẹp nhất. 10 giờ sáng ngày 26/2, tất cả êkíp bước vào “trận địa” tiến hành ghép phổi cho bệnh nhân Trần Ngọc Hanh.
Ca ghép kéo dài suốt 8 tiếng đồng hồ. Bệnh nhân Trần Ngọc Hanh sau khi ghép phổi được điều trị tích cực, có sự phối hợp nhiều chuyên khoa. Một tuần sau ca ghép, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tốt. Đến nay đã 20 ngày sau ca ghép phổi, bệnh nhân Hanh đã tự vận động đi lại trong phòng, tự thở, xét nghiệm ổn định, khí phổi và khí máu ổn định, bệnh nhân đã ăn được cháo.
Từ nguồn tạng của người cho chết não hiến tặng: 6 người khác được trao sự sống
Chia sẻ thêm về ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam từ nguồn hiến người cho chết não, GS.TS. Mai Hồng Bàng cho biết, ghép phổi là kỹ thuật khó, so với ghép từ người cho sống thì ghép phổi từ người cho chết não khó hơn rất nhiều. Đó là bởi, với người cho sống, các bác sĩ hoàn toàn có thể chuẩn bị kế hoạch như một cuộc mổ phiên. Việc lấy cũng chỉ một thùy hoặc một phân thùy để ghép cho bệnh nhân được chỉ định. Còn với người cho chết não thì khó hơn nhiều. Người cho lúc này bị mất não, chỉ còn tim, phổi sống hoàn toàn phụ thuộc vào máy thở và thuốc. Mọi công đoạn tiến hành đều phải rất khẩn trương, nhanh chóng. Khi xác định được người có chỉ định ghép thì phải tìm ngay người nhận tương ứng (đồng nhóm máu, tương thích mới nhận phổi được). Song song với đó, các kíp phải triển khai một loạt công việc từ chuẩn bị phòng mổ, trang thiết bị, hội chẩn các kíp ghép để xác định bệnh nhân có ghép được hay không. Đặc biệt nhất là công đoạn hồi sức chết não, bởi quan trọng nhất là giữ phổi cùng các tạng nguyên vẹn để ghép được. Đây là ca lấy, ghép đa tạng nên càng khó.
Trung tướng Mai Hồng Bàng cho biết, người hiến tạng là một nam giới 45 tuổi chết não. Nghĩa cử cao đẹp và đầy nhân văn của gia đình người hiến tặng đã giúp 6 cuộc đời mắc bệnh trọng được hồi sinh sự sống. Theo đó, ngoài tặng phổi cho bệnh nhân của ca ghép này là bệnh nhân Trần Ngọc Hanh, còn có 2 người được ghép giác mạc, một người được ghép tim, 2 người được ghép thận. Trong đó, tim và một quả thận được vận chuyển xuyên Việt để ghép cho bệnh nhân ở phía Nam.
Để thực hiện được 6 ca ghép gần như cùng lúc, kíp phẫu thuật lấy và ghép tạng của Bệnh viện TW Quân đội 108 đã lấy tim, gan, phổi, giác mạc, thận của người hiến, phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức, Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia để điều phối các ca ghép. Để có trái tim và một quả thận hiến tặng vào được TP.Hồ Chí Minh kịp thực hiện hai ca ghép ở Bệnh viện Chợ Rẫy là cuộc chạy đua với thời gian của các bác sĩ. “Việc phối hợp phải được tính toán từng phút vì tim và phổi không để quá 6 giờ sau khi lấy khỏi cơ thể người hiến. Thận để được lâu hơn nhưng không quá 18 giờ. Sự chuẩn bị chu đáo, đồng bộ tất cả các khâu, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị, bệnh viện trên nền tảng chuyên môn kỹ thuật cao đã tạo nên một dấu ấn quan trọng trong chuyên ngành ghép tạng của bệnh viện, cứu sống nhiều bệnh nhân”- Trung tướng Mai Hồng Bàng cho biết. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).