Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 19/8/2017

  • |
T5g.org.vn - Hà Nội căng mình dập dịch sốt xuất huyết; Ổ dịch sốt xuất huyết từ những dòng kênh ô nhiễm; Dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội có xu hướng chững lại; Trẻ mắc động kinh ngang mức thế giới; Hà Nội chuẩn bị xây dựng bệnh viện riêng cho người cao tuổi; Liên thông kết quả xét nghiệm: Chưa phát huy hiệu quả; …

Hà Nội căng mình dập dịch sốt xuất huyết

Số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội từ đầu năm đến nay đã lên tới trên 17.365 trường hợp với 7 ca tử vong.

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận trên 90.626 trường hợp sốt xuất huyết (SXH) với 24 trường hợp tử vong. Trong đó, số trường hợp nhập viện là 76.846 người, so với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc tăng 67,8%, số ca tử vong tăng 7 trường hợp.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, số ca mắc SXH trên địa bàn thủ đô từ đầu năm đến nay đã lên tới trên 17.365 trường hợp với 7 ca tử vong.

Trong 3 tuần gần đây, số ca mắc mới SXH ở Hà Nội luôn ở mức trên 3.400 bệnh nhân, số nhập viện dao động từ 2.600 - 3.100 bệnh nhân. Trong 10 năm trở lại đây, số người mắc SXH Hà Nội đang ở mức cao nhất.

Qua giám sát tại Hà Nội có 12 quận/huyện có dịch SXH ở mức “báo động đỏ” gồm: Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Oai, Thường Tín, Ba Đình, Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Trì, Thanh Xuân.

Trước tình hình dịch SXH trên địa bàn Hà Nội vẫn rất căng thẳng, nóng bỏng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Sở Y tế Hà Nội tập trung chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện tốt việc phân loại bệnh nhân, giảm tình trạng quá tải, hạn chế thấp nhất tử vong do SXH.

Đồng thời tăng cường tập huấn, hỗ trợ điều trị cho các bệnh viện tuyến dưới, các trạm y tế trên địa bàn TP, chú trọng điều trị ngoại trú bệnh nhân SXH.

Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu Hà Nội cần lập bản đồ dịch tễ để chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi đảm bảo đầy đủ và thuận tiện cho việc kiểm tra, rà soát, phun lần sau.

Đội phun dịch cần có chuyên gia hướng dẫn, đảm bảo đầu phun, máy móc, kỹ thuật phun thuốc diệt muỗi phải chính xác. Các chiến dịch phun diệt muỗi phải lặp lại liên tiếp 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần. Cùng với đó, Hà Nội cũng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông để người dân hiểu rõ các biện pháp phòng chống muỗi.

PGS. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận không dưới 1.000 trường hợp SXH. Khu điều trị dã chiến tại hội trường sẽ trở thành phòng khám cho bệnh nhân ngoại trú, điều trị ban ngày, buổi tối về nhà.

Đây cũng là giải pháp để giảm tải bệnh nhân. Trong khi đó, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn bình quân mỗi ngày tiếp nhận trên 400 bệnh nhân SXH, bệnh viện cũng đã lập riêng biệt khu tái khám và điều trị ban ngày cho bệnh nhân, nhằm giúp bệnh nhân tái khám được khám, lấy máu xét nghiệm, truyền dịch tại chỗ (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

 

Ổ dịch sốt xuất huyết từ những dòng kênh ô nhiễm

Nước đen kịt, ô nhiễm, nguy cơ bùng phát các ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) luôn tiềm ẩn - đó là thực trạng đã và đang đi kèm với nhiều con kênh, mương trên địa bàn thành phố hiện nay.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng thành phố, hiện số ca mắc SXH đã vượt ngưỡng 14 ngàn trường hợp. Trong số này cũng đã có những trường hợp bị tử vong do bệnh nặng, không được cấp cứu kịp thời.

Thực tế dịch bệnh hoành hành là thế, song khi nhìn vào những gì đã và đang xuất hiện kèm với nhiều con kênh, mương ô nhiễm trên địa bàn hiện nay, nỗi lo bùng phát ổ dịch luôn hiện hữu. Chiều 17-8, chúng tôi đến con ngõ 105 Thụy Khuê (quận Tây Hồ). Chảy qua con ngõ nhỏ này là con mương Thụy Khuê đen kịt, mặt nước nhiều vị trí lềnh bềnh rác thải sinh hoạt.

Dọc hai bờ mương là vô số ống nước xả thải của các hộ dân sinh sống trên địa bàn. Mương nước ô nhiễm, mưa lớn gây ẩm thấp, do vậy ruồi, muỗi không ngừng bủa vây cuộc sống của người dân nơi đây. Nguy cơ phát sinh dịch bệnh SXH từ con mương ô nhiễm này theo đó luôn rình rập xảy ra.

Phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm là một trong những địa bàn đang “nóng” bởi dịch SXH. Thống kê của UBND phường Cổ Nhuế 1 cho thấy, trong đợt dịch vừa qua đã có 43 ca mắc SXH. Nguy cơ dịch bệnh SXH phát sinh trên diện rộng luôn tiềm ẩn nhất là khi những con mương chảy qua địa bàn đang bị ô nhiễm. Sáng 18-8, có mặt tại ngõ 581 Phạm Văn Đồng, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh con mương với dòng nước chảy đen kịt.

Hình ảnh dòng nước đen kịt, rác, phế thải bủa vây khiến ruồi, muỗi sinh sản, đe dọa lây lan dịch bệnh, trong đó có dịch SXH cũng xuất hiện ở con mương trong ngõ 145 đường Cổ Nhuế (phường Cổ Nhuế 2 – quận Bắc Từ Liêm), ngõ 115 Trần Cung (phường Nghĩa Tân – quận Cầu Giấy)…

Hiện tại, dịch SXH đang hoành hành. Số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố không ngừng gia tăng. Các quận, huyện đang khẩn trương triển khai hàng loạt biện pháp nhằm khống chế, dập dịch, ổn định cuộc sống người dân. Băng rôn, khẩu hiệu phòng chống dịch bệnh SXH được các địa phương căng, tuyên truyền một cách sâu rộng tới người dân.

Ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 2 cho biết, là địa bàn có 46 trường hợp mắc bệnh SXH, nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng luôn tiềm ẩn xảy ra nên cùng với công tác tuyên truyền, tổ chức ký cam kết cho các hộ dân về phòng, chống dịch SXH, UBND phường đã chủ động thành lập ở mỗi tổ dân phố từ 1-2 đội xung kích có nhiệm vụ dọn dẹp, vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, nhất là tại khu vực có kênh, mương, đồng ruộng…

Trở lại ổ dịch SXH rình rập từ những con kênh, mương đen qua địa bàn phường Cổ Nhuế 1, trao đổi với PV Báo CAND, ông Chu Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 1 cũng cho rằng, con mương có độ dài gần 400m qua địa bàn là một trong những vị trí được UBND phường xác định là trọng điểm trong việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh SXH.

Phường có hơn 2,4 vạn dân, trong đó có hơn 20 hộ sống ven con mương này, thế nên thời gian qua, UBND phường đã cắt cử các đội xung kích (gồm 3-5 thành viên) trực tiếp xuống địa bàn tổ chức ký cam kết, tuyên truyền người dân (bao gồm các hộ sống ven con mương) chủ động phòng, ngừa dịch bệnh SXH phát sinh như: diệt muỗi, đi ngủ phải mắc màn, mặc quần dài phòng muỗi đốt ban ngày, đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, lật úp các dụng cụ không chứa nước…

Cũng theo ông Chu Việt Dũng, UBND phường đã lên phương án và tới đây sẽ tăng cường tổ chức phun thuốc khử muỗi, diệt bọ gậy đối với trên 12km đường, ngõ, trong đó tập trung vào các khu vực có mương nước đen đi qua địa bàn (Công an nhân dân,  trang 7).

 

Ám ảnh vì sốt xuất huyết, nhiều người không mắc vẫn xin nhập viện

Theo báo cáo của Sở Y tế Hải Phòng, đến ngày 17-8, trên địa bàn thành phố đã có 209 ca sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 68 trường hợp dương tính với virus Dengue. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Y tế Phạm Thu Xanh cho biết, đó là con số thống kê được từ các bệnh viện và trung tâm y tế. Số người mắc SXH tại cộng đồng có thể cao hơn rất nhiều.

Hiện nay chỉ trừ huyện đảo Bạch Long Vỹ, 14/15 quận, huyện Hải Phòng đều đã xuất hiện ổ dịch, với tổng số 67 ổ dịch tại 53 xã, phường. Quận Lê Chân có số người mắc cao nhất, lên đến 30 trường hợp, rất may không có ai tử vong vì SXH.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp hiện đang trong tình trạng quá tải do số người bị SXH nhập viện ngày càng tăng. Khoa Bệnh nhiệt đới tiếp nhận khoảng 13-15 ca SXH mỗi ngày, số giường bệnh chật kín. Còn tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, tính đến nay đã có 4 ca SXH nhập viện điều trị, trong đó 3 ca đã xuất viện.

Giám đốc Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng Bùi Văn Chiến cho biết, số bệnh nhân đến khám vì sốt rất đông, do lo lắng về dịch bệnh SXH. Bởi vậy, khoa khám bệnh đa khoa hằng ngày luôn trong tình trạng quá tải.

Đáng chú ý, một số người bệnh không có dấu hiệu SXH nhưng vẫn yêu cầu nhập viện để theo dõi khiến cường độ làm việc của bệnh viện càng tăng cao.

Việc vận động bệnh nhân nhẹ điều trị ở tuyến dưới hoặc theo dõi ở nhà khi chưa có biểu hiện SXH ở thời điểm khám tại bệnh viện gặp khó khăn. Đó cũng là tình trạng tương tự tại một số bệnh viện hạng I khác của thành phố như: Bệnh viện Kiến An và Bệnh viện Hữu nghị Việt-Tiệp.

Việc tập trung nhiều người bệnh mắc SXH ở cùng một tuyến điều trị không chỉ gây quá tải mà còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Bởi vậy, bà Phạm Thu Xanh chỉ đạo các bệnh viện cũng như các trung tâm y tế cần nhanh chóng có giải pháp phân bố khoa phòng, tuân thủ nguyên tắc cách ly các bệnh nhân SXH.

“Bệnh viện tuyến trên phải có sự sàng lọc, phân loại người bệnh để chuyển về tuyến dưới điều trị, hạn chế quá tải cho các bệnh viện tuyến trên để các bệnh viện này tập trung điều trị cho các ca bệnh nặng, không để xảy ra tai biến” – bà Xanh lưu ý các cơ sở y tế (Công an nhân dân, trang 7).

 

Dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội có xu hướng chững lại

Sáng 18-8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý chủ trì cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn thành phố. Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, sau một tuần ra quân triển khai quyết liệt các giải pháp dập dịch, trong mấy ngày gần đây, số người mắc SXH ở Hà Nội có xu hướng chững lại (Nhân dân, trang 8; Thanh niên, trang 4; An ninh Thủ đô, trang 3; Gia đình & Xã hội, trang 1).

 

Trẻ mắc động kinh ngang mức thế giới

Nếu trẻ động kinh lâu sẽ thường gặp phải các rối loạn về tâm thần như rối loạn tăng động, tự kỷ, trầm cảm, lo âu…So với những năm trước, tỉ lệ trẻ mắc động kinh hiện nay cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, hiện các BV nhi đa phần chỉ có thể điều trị bằng thuốc mà chưa thể phẫu thuật đạt hiệu quả. Điều này gây khó khăn rất lớn không chỉ cho bác sĩ mà còn cho người bệnh.

Chiếm 0,5% các loại bệnh

Con tám tuổi cũng là tám năm chị Võ Thị Liên (ngụ quận 6, TP.HCM) vất vả, bỏ toàn bộ công việc chỉ để ở nhà cùng cậu con trai kháu khỉnh chiến đấu với căn bệnh động kinh. Chị Liên cho hay từ khi con trai chị tròn bốn tháng, cháu bắt đầu có những cơn co giật từ độ 3-20 giây sau đó dừng. Đến khi con được một tuổi, những cơn co giật biểu hiện ngày một rõ rệt hơn.

“Đến BV bác sĩ có nói bé mắc chứng động kinh toàn thể, kê thuốc rồi dặn dò cho về. Dù gia đình có điều trị nhưng cũng do chủ quan, hay lơ là nên cháu thường bị quên thuốc. Có lần thấy cả tuần cháu không co giật gì nên nhà tôi cho cháu ngưng thuốc, ai ngờ hôm sau cháu phải trị lại. Nay nó tám tuổi nhưng chỉ chơi một mình, không dám ra ngoài và đi học thì càng không thể” - chị Liên tâm sự.

Khoa Cấp cứu BV Nhi đồng 1 mỗi ngày tiếp nhận trên dưới 10 trường hợp các bé nhập viện trong tình trạng sốt, sốt cao dẫn đến co giật. Trong 10 trẻ co giật có ba trẻ xuất phát từ động kinh bẩm sinh, phần còn lại là do ảnh hưởng từ sốt cao, từ các bệnh lý liên quan đến não như viêm não siêu vi, viêm não Nhật Bản…

Theo phân tích từ ThS-BS Nguyễn Kiến Minh, Phó khoa Nhiễm thần kinh, BV Nhi đồng 1 TP.HCM, hiện nay tỉ lệ động kinh của Việt Nam đã bằng với tỉ lệ động kinh trên thế giới, tức chiếm 0,5% những loại bệnh. Và số lượng trẻ mắc động kinh hiện nay đang tăng lên khá nhiều, một phần nguyên nhân là do tỉ lệ cứu sống các em bé sinh non, sinh ngạt, các bé bị xuất huyết não, viêm não của chúng ta ngày một nhiều hơn trước. Mà những em bé mắc các bệnh và có tật này chính là những bé dễ bị tăng động hơn rất nhiều những em bé thông thường.

Bên cạnh đó, số lượng trẻ mắc động kinh chúng ta chưa thể giải quyết triệt để, một số trẻ do điều trị không đúng cách, dùng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ dẫn đến kháng thuốc. Trong khi chúng ta không thể can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật giải quyết triệt để vì ở Việt Nam điều kiện phẫu thuật còn rất hạn chế và không toàn diện. “Tôi đã chứng kiến khá nhiều cái kết đáng tiếc của các bé mắc động kinh, những hậu quả đó nếu cha mẹ chú ý hơn thì con trẻ đã có một tương lai hoàn toàn khác” - BS Minh nói.

Khó khăn trong điều trị

Cũng theo BS Minh, số liệu thực tế hiện nay cho thấy khoảng 20% trẻ em bị động kinh sẽ có khuyết tật về trí tuệ, các cơn động kinh diễn ra càng nhiều thì mức độ ảnh hưởng càng cao. Nếu trẻ động kinh lâu sẽ thường gặp phải các rối loạn về tâm thần như rối loạn tăng động, tự kỷ, trầm cảm, lo âu… Đây chính là nguyên nhân gây cản trở học tập và hòa nhập với người thân, bạn bè và những người xung quanh.

“Mặc dù biết mức độ nguy hiểm như vậy nhưng có nhiều người vẫn chưa thật sự hiểu về động kinh của trẻ. Họ vẫn còn sai lầm khi cho con trẻ sử dụng những bài thuốc dân gian, sử dụng cách điều trị truyền thống hay tôi vẫn nghe nói về các loại thực phẩm chức năng điều trị động kinh không có hiệu quả. Một phần khác lại buông tay quá sớm với động kinh, họ cho rằng đây là bệnh di truyền, không thể cứu vãn được. Thế nhưng sự thật trẻ bị động kinh nếu phát hiện sớm, điều trị đúng cách thì có thể giải quyết dứt điểm trong vòng hai năm” - BS Minh nói.

Qua đây BS Minh cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh nên chú ý khi thấy con mình bất ngờ co cứng, co giật toàn thân, trẻ đột ngột ngã xuống đất trong vòng từ 30 giây đến ba phút có thể kèm theo mắt trợn ngược, sùi bọt mép… mà trước đó trẻ không sốt, không đau ốm gì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế và miêu tả chính xác hành động của con cho bác sĩ. Đồng thời kết hợp với xét nghiệm điện não đồ thường hoặc điện não đồ video, làm một số xét nghiệm thăm dò hình ảnh như chụp cộng hưởng từ (MRI)… để tìm nguyên nhân.

“Khi trẻ có mắc động kinh, cha mẹ nên cho con uống thuốc đều đặn nhằm đạt được hiệu quả cao nhất. Thêm thời gian chăm sóc, trao đổi, nói chuyện với con trẻ để các bé không mắc các triệu chứng kèm theo gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé” - BS Minh khuyến cáo.

Nguy hiểm khi cho trẻ ngậm muỗng, uống chanh khi sốt dẫn đến co giật

Khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu co giật, lần đầu cha mẹ nên quan sát nhưng đến lần thứ hai, thứ ba cần liên hệ cơ sở y tế để kiểm tra. Cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ cắn các vật quá cứng như đũa, ngón tay, chỉ nên cho trẻ ngậm vật mềm, giúp trẻ nằm nghiêng để đàm nhớt có thể chảy ra ngoài tránh nghẹt thở. Bên cạnh đó, không thọc tay vào cổ trẻ, không vắt chanh hay bất cứ thứ gì vào cổ họng trẻ vì sẽ không có tác dụng gì, đôi lúc làm phản tác dụng, ảnh hưởng đến các cơ quan khác.

Đồng thời khi trẻ có các biểu hiện sốt, cha mẹ nên quản lý cơn sốt thật kỹ lưỡng. Nếu trẻ sốt cao quá 39,5 độ C cần đưa trẻ đến BV để tránh các ảnh hưởng đến não, gây di chứng về sau (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh , trang 13).

 

Hà Nội chuẩn bị xây dựng bệnh viện riêng cho người cao tuổi

Sở Y tế Hà Nội vừa lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 – 2025, trong đó có việc xây dựng bệnh viện cho người cao tuổi ở Thủ đô. Đại diện Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho biết, trước khi xây dựng dự thảo Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 – 2025, Chi cục này đã có cuộc khảo sát nhanh về tình hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại 584 xã, phường của thành phố.

Trên cơ sở đó, đề án được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2017 – 2020) tập trung vào chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng, lập hồ sơ quản lý sức khỏe người cao tuổi tại các trạm y tế. Đặc biệt, trong giai đoạn này, tức từ nay đến 2020, thành phố sẽ tập trung vào việc xây dựng bệnh viện cho người cao tuổi (bệnh viện lão khoa), mở rộng thêm khoa lão tại các bệnh viện, đào tạo bác sĩ chuyên về lão khoa; xây dựng trung tâm dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…

Còn giai đoạn 2 (2021 – 2025) sẽ lựa chọn đẩy mạnh và nhận rộng các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đã triển khai có hiệu quả trong giai đoạn 1. Tổng kinh phí chi cho đề án là trên 150 tỷ đồng, trong đó khoảng 30% là kinh phí xã hội hóa.

Góp ý vào việc xây dựng bệnh viện lão khoa của Hà Nội, GS.TS Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, việc Hà Nội thành lập Bệnh viện lão khoa là rất cần thiết nhưng cần xem xét quy mô lớn nhỏ cụ thể ra sao để tránh lãng phí. Bên cạnh đó, trong đề án phải ghi rõ bệnh viện nào phải thành lập khoa Lão, bệnh viện nào chỉ cần có một số giường dành cho lão khoa… để tránh chồng chéo.

“Không nên xây nhà dưỡng lão một cách đại trà, cần tìm những ưu đãi để kêu gọi doanh nghiệp tham gia xã hội hóa vào vấn đề này. Trong quá trình triển khai, nếu Hà Nội gặp vướng mắc trong đào tạo nguồn nhân lực, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cam kết sẽ giúp đỡ” – GS.TS Phạm Thắng khẳng định.

Về mục tiêu, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, với việc triển khai Đề án kể trên, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 có 90% người cao tuổi ở Thủ đô có khả năng tự chăm sóc, được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe. Đồng thời ít nhất 85% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần trở lên/năm và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe tại trạm y tế tuyến xã (An ninh Thủ đô, trang 3).

 

Mệt mỏi vì chống dịch sốt xuất huyết, một trạm trưởng trạm y tế ở quận Hoàng Mai xin... nghỉ việc

Báo cáo tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh ở người TP Hà Nội sáng nay, 18-8, lãnh đạo UBND quận Hoàng Mai cho biết, vì áp lực chống dịch quá lớn, quá mệt mỏi, một cán bộ chống dịch của quận và một trạm trưởng trạm y tế đã... xin nghỉ việc. Sáng nay, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã chủ trì cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người TP Hà Nội nhằm tăng cường chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch SXH. Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 17-8, Hà Nội đã ghi nhận 17.365 bệnh nhân mắc SXH dengue, 7 trường hợp tử vong.

Đáng chú ý, vài ngày gần đây số mắc mới đã có xu hướng giảm. Cụ thể, ngày 14-8 có 3.076 bệnh nhân, ngày 15-8 có 2.635 bệnh nhân, ngày 16-8 có 2.588 bệnh nhân, ngày 17-8 có 2.575 bệnh nhân. Tuy vậy, ông Hạnh nhấn mạnh, diễn biến dịch vẫn còn rất phức tạp, chưa thể dự báo trước được điều gì, nhất là khi thời tiết mưa nhiều như hiện nay thì các ổ bọ gậy, loăng quăng phát triển lại rất nhanh.

Một điểm đáng chú ý khác là từ đầu năm đến nay thành phố đã ghi nhận 2.112 ổ dịch SXH nhưng đến nay 1.468 ổ dịch đã được khống chế, chiếm 69,5%. Dù nhiều ổ dịch nhưng hầu hết là ổ dịch nhỏ, 80% ổ dịch chỉ có 1-2 bệnh nhân, 15% ổ dịch có 3-5 bệnh nhân, chỉ có 107 ổ dịch từ 6 bệnh nhân trở lên.

Qua lập bản đồ dịch tễ dịch SXH của thành phố đến thời điểm này cho thấy, có 12 quận/ huyện đang nằm trong vùng dịch tễ báo động đỏ (tập trung đến 90% lượng bệnh nhân của toàn thành phố), 5 quận huyện màu da cam, 13 quận huyện màu vàng (có ít bệnh nhân mắc). Bản đồ này sẽ được cập nhật thường xuyên bởi vùng dịch tễ chắc chắn sẽ có biến động, một số quận huyện từ vùng dịch tễ màu vàng có thể sẽ trở thành vùng báo động đỏ.

Là 1 trong 2 quận có số mắc SXH cao nhất toàn thành phố tính đến thời điểm này, tại cuộc họp, ông Trần Quý Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, diễn biến dịch trên địa bàn quận vẫn rất phức tạp. Lý do vì Hoàng Mai là quận có rất nhiều công trình xây dựng, công trình công cộng, rất nhiều khu nhà trọ (hơn 600 khu với xấp xỉ 28.000 phòng trọ), hơn 1.000 khu bãi đất trống, hơn 300 bãi rác thải... lại là quận đông dân, nên dù rất cố gắng song tỷ lệ phun hóa chất cũng mới chỉ đạt được khoảng 80%.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết thêm, suốt mấy tuần vừa qua, toàn quận đã căng mình phòng chống dịch SXH, tất cả các lực lượng đã được huy động, đặc biệt là lực lượng cán bộ y tế. Thậm chí vì áp lực diệt muỗi, diệt bọ gậy phòng chống SXH quá lớn, phải căng mình làm việc không có ngày nghỉ, trên địa bàn quận vừa có một cán bộ đội chống dịch của Trung tâm Y tế quận và một Trạm trưởng Trạm Y tế phải... làm đơn xin nghỉ vì không chịu được. "Chúng tôi đang động viên các đồng chí này tiếp tục làm việc" - ông Trần Quý Thái chia sẻ (An ninh Thủ đô, trang 3).

 

Liên thông kết quả xét nghiệm: Chưa phát huy hiệu quả

Ngày 18/8, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa 38 bệnh viện tuyến trung ương chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Căn cứ vào 65 loại xét nghiệm liên thông mà Bộ Y tế quy định, bệnh viện Bạch Mai đã chọn ra những kết quả có chỉ số ổn định để liên thông với đơn vị có chất lượng tương đương. Ví dụ như vi khuẩn bệnh lao, nhóm máu, chức năng gan, thận sẽ không phải xét nghiệm lại vì ít biến đổi.

Nhưng trên thực tế trong xét nghiệm có đến hàng trăm chỉ số, trong đó có những chỉ số thay đổi theo ngày. Thêm nữa trong quá trình thực hiện, quyền chỉ định xét nghiệm thuộc về bác sĩ dựa trên tình trạng cụ thể của người bệnh, vì thế cho đến thời điểm này chưa thực sự tiết kiệm được thời gian và chi phí cho người bệnh.

TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Có bệnh nhân buổi sáng làm xét nghiệm men gan ở Bệnh viện Thanh Nhàn nhưng chiều sang Bệnh viện Bạch Mai bác sĩ vẫn yêu cầu xét nghiệm lại. Bệnh nhân cũng thắc mắc nhưng kết quả cho ra hoàn toàn khác nhau. Điều này không phải do chất lượng xét nghiệm khác nhau mà bệnh tình bệnh nhân nặng thêm. Trong trường hợp này vẫn cần làm xét nghiệm để tiên lượng bệnh và có hướng điều trị”.

Bác sĩ Tuấn Anh, Trưởng khoa Hóa sinh (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trong tổng số xét nghiệm bệnh viện vẫn làm, số lượng được phép liên thông đạt tỷ lệ ít. Không phải xét nghiệm nào cũng liên thông được. Việc giảm chi phí, thời gian cho người bệnh không phải là tất cả, điều quan trọng là từ xét nghiệm chính xác để có hướng điều trị cho bệnh nhân. Tuỳ thuộc vào tình trạng người bệnh bác sĩ ra quyết định có phải làm lại xét nghiệm không.

Tuy nhiên theo các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, việc liên thông này rất quan trọng vì cái đích là hướng đến sự chuẩn hóa hệ thống xét nghiệm của các bệnh viện. TS Dương Đức Hùng cho biết thêm, liên thông xét nghiệm cũng là cách hướng đến lưu trữ hồ sơ sức khỏe toàn diện của mọi người.

Trước đó, theo quy định của Bộ Y tế, từ ngày 1/8, 38 bệnh viện tuyến trung ương chính thức liên thông kết quả xét nghiệm. Theo đó, cơ sở khám chữa bệnh (KCB) này công nhận và sử dụng kết quả xét nghiệm của cơ sở KCB khác trong trường hợp xét nghiệm đó có giá trị sử dụng về thời gian và tình trạng người bệnh.

Bộ Y tế nhận định, việc liên thông kết quả xét nghiệm sẽ giúp người bệnh tiết kiệm cả về tiền bạc lẫn thời gian, nhất là giảm bớt phiền hà, vất vả do phải thực hiện nhiều xét nghiệm khi đi KCB. Đây được đánh giá là một chủ trương đúng đắn, vừa đảm bảo chất lượng KCB, vừa đảm bảo quyền lợi người bệnh trong bối cảnh nhiều bệnh viện và đơn vị xã hội hóa về trang thiết bị đã cấu kết với nhau để “rút hầu bao” bệnh nhân và bảo hiểm y tế bằng việc lạm dụng chỉ định xét nghiệm.

Theo GS.TS Phạm Minh Thông, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, khi đã liên thông kết quả xét nghiệm rồi thì cũng không phải cứ kết quả của tuyến dưới chuyển lên tuyến trung ương là không cần làm lại, mà phải căn cứ vào thực tế của người bệnh để chỉ định làm xét nghiệm lại, hoặc sử dụng kết quả của bệnh viện tuyến dưới. Chỉ nên coi có việc lạm dụng là khi tuyến trên cho làm lại toàn bộ các xét nghiệm của tuyến dưới.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế), đến nay đã có 50 phòng xét nghiệm thuộc gần 40 bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh đạt tiêu chuẩn ISO 15189. Bộ Y tế cũng đã xây dựng các tiêu chí 3 loại xét nghiệm: hóa sinh, huyết học và vi sinh (mỗi xét nghiệm có 20 - 30 chỉ số) thực hiện liên thông xét nghiệm. Đây là cơ sở để các bệnh viện công nhận và sử dụng kết quả xét nghiệm của nhau. Khi xét nghiệm có độ tin cậy, không phải làm lại sẽ tránh được lãng phí cho cả cơ sở y tế lẫn người dân.

Trên thực tế, tình trạng các bệnh viện không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau khiến bệnh nhân phải xét nghiệm nhiều lần đã gây mất thời gian và tốn kém tiền của. Các bệnh viện cho rằng, việc phải xét nghiệm lại là điều mà các bác sĩ không muốn nhưng buộc phải thực hiện. Lý do là nhiều năm qua việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện vẫn chưa được thực hiện.

Vẫn theo ông Khuê, chất lượng xét nghiệm giữa các cơ sở điều trị và giữa các tuyến điều trị hiện nay nhìn chung chưa đồng đều. Ở các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh, chất lượng xét nghiệm thường tốt hơn, còn ở các bệnh viện tuyến dưới vẫn hạn chế.

Theo lộ trình, đến năm 2020 thực hiện liên thông xét nghiệm đối với các bệnh viện trong cùng một địa bàn tỉnh, thành phố. Đến năm 2025, liên thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc (Tiền phong, trang 10).

 

Phẫu thuật cho bệnh nhân bị heo tấn công

Sáng 18-8, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật khâu lại bao trắng tinh hoàn cho bệnh nhân V. bị vỡ tinh hoàn do heo tấn công.

Tai nạn bất ngờ xảy đến khiến anh V. choáng váng và đau đớn, chảy máu vùng bìu và phải nhập viện cấp cứu tại một bệnh viện ở địa phương. Sau đó, anh được đưa đến Bệnh viện Bình Dân để khám trong tình trạng vùng bìu trái đau nhức, sưng to, bầm tím với vết rách khoảng 4 cm. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy tinh hoàn trái của anh V. đã bị vỡ hoàn toàn.

Anh V. được phẫu thuật cấp cứu để thám sát vùng bìu và các bác sĩ đã cố gắng bảo tồn phần tinh hoàn còn lại của anh V. Phẫu thuật còn giúp phòng ngừa các nguy cơ như tụ máu, nhiễm trùng lan rộng vùng bìu về sau, ảnh hưởng đến tinh hoàn còn lại. Các bác sĩ nam khoa Bệnh viện Bình Dân khuyến cáo, khi nam giới tham gia các hoạt động thể thao, trong lao động và các sinh hoạt thường ngày cần biết tư bảo vệ vùng kín. Nếu không may gặp tai nạn chấn thương bìu-tinh hoàn, cần đến khám tại những bệnh viện chuyên về nam khoa để được chẩn đoán sớm và có hướng xử trí kịp thời (Sài gòn giải phóng, trang 3).

 

Tổ chức lại Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm

UBND TPHCM vừa quyết định tổ chức lại Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm trực thuộc Sở Y tế thành Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm trực thuộc Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.

Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm có nhiệm vụ triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về kiểm nghiệm chất lượng thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm được sản xuất và lưu thông trên địa bàn TP; hướng dẫn và giám sát việc áp dụng những tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm…

Trung tâm có hai trụ sở đặt tại số 53 - 55, đường Lê Thị Riêng, phường Bến Thành, quận 1 và số 45, đường Nguyễn Văn Tráng, phường Bến Thành, quận 1.

* UBND TP cũng quyết định giải thể Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm trực thuộc Sở Y tế (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

 

Bệnh chồng bệnh

Điều tra mới nhất của Bệnh viện (BV) Bạch Mai, Bộ Y tế về nhiễm khuẩn tại các BV đại diện các khu vực trong cả nước cho thấy, tỷ lệ nhiễm khuẩn BV từ 6%-8%.

Trong đó, nhiễm khuẩn huyết học, nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm khuẩn tiết niệu là phổ biến nhất. Đáng lo hơn, nhiễm khuẩn BV không chỉ khiến người bệnh phải gánh chịu thêm những bệnh tật mới, khiến quá trình điều trị kéo dài, tốn kém cả kinh tế và thời gian, mà còn là nguyên nhân làm xuất hiện những chủng vi khuẩn đa kháng thuốc.

Thách thức chất lượng khám chữa bệnh

Mệt mỏi, nhăn nhó vì vết mổ sưng tấy ở chân, bệnh nhân Lê Huy Hưng (ở Bá Thước, Thanh Hóa) đang điều trị tại một BV lớn trên địa bàn Hà Nội chia sẻ: Tôi bị ngã gãy xương đùi phải mổ để bắt vít. Ca mổ diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên 5 ngày sau, chỗ vết mổ ở đùi có biểu hiện mưng mủ và sưng tấy nhiều khiến tôi sốt cao liên tục, rất mệt mỏi. Tiến hành kiểm tra, bác sĩ bảo vết mổ bị nhiễm khuẩn, áp xe trong quá trình điều trị nên BV giữ lại thêm vài ngày nữa để theo dõi, nếu không giờ này tôi đã được ra viện rồi...

Trong khi đó, tại BV Thanh Nhàn đã gần trưa nhưng vẫn đông nghịt người bệnh tới khám chữa bệnh, phần lớn là những trường hợp bị sốt cao nghi ngờ mắc sốt xuất huyết.

Do bệnh nhân quá đông, các bác sĩ quay như... “chong chóng”, tất bật khám hết người này tới người khác. Thậm chí không ít bác sĩ chẳng còn đủ thời gian đeo găng tay, khẩu trang y tế để phòng ngừa việc lây nhiễm chéo bệnh tật.

Theo tìm hiểu tại nhiều BV cho thấy, có không ít người bệnh khi tới BV chữa trị đã bị lây nhiễm thêm nhiều bệnh khác khiến sức khỏe thêm giảm sút.

Tệ hơn, có những bệnh nhân bị biến chứng, nhiễm trùng sau phẫu thuật do bị nhiễm khuẩn từ môi trường bệnh viện, hoặc quá trình chăm sóc chưa đảm bảo an toàn, cho dù ca phẫu thuật trước đó diễn ra rất tốt đẹp.

TS.BS Trương Anh Thư, Phó Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BV Bạch Mai cho biết, nhiễm khuẩn BV đang là vấn đề thách thức chất lượng khám chữa bệnh của mỗi BV.

Điều tra cắt ngang nhiễm khuẩn BV tại các BV đại diện các khu vực trong cả nước cho thấy, tỷ lệ nhiễm khuẩn BV từ 6%-8% bệnh nhân. Trong đó, nhiễm khuẩn huyết học, nhiễm khuẩn tiết niệu là phổ biến nhất.

Hầu hết nhiễm khuẩn được phát hiện ở các đơn vị hồi sức cấp cứu, khoa nhi, nơi tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh toàn nặng, chịu nhiều thủ thuật, phẫu thuật khiến miễn dịch cơ thể suy giảm.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nhiễm khuẩn BV cao liên quan tới thủ thuật xâm nhập có thể do BV chưa có quy định, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, đa số nhân viên y tế chưa được tập huấn thực hành vô khuẩn khi thực hiện thủ thuật.

Trong khi đó, không ít BV cũng chưa thực sự quan tâm, chú ý tới việc phòng ngừa lây nhiễm chéo cho người bệnh, nhân viên y tế, cũng chỉ vì quá tải. “Một buổi khám có tới hàng chục bệnh nhân, cứ khám xong một bệnh nhân lại rửa tay hay thay găng tay y tế thì lấy đâu thời gian để khám bệnh…”, một bác sĩ thẳng thắn chia sẻ.

Gánh nặng lớn

Theo Bộ Y tế, nhiễm khuẩn BV đang là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, vì đây là những nhiễm khuẩn mắc phải trong thời gian người bệnh nằm viện.

Đáng lo hơn, nhiễm khuẩn BV đã và đang là gánh nặng cho người bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt ở các nước nghèo và đang phát triển do làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, chi phí điều trị và tăng việc sử dụng kháng sinh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại các nước phát triển có từ 5%-10% bệnh nhân nhập viện mắc ít nhất một loại nhiễm khuẩn BV. Tuy nhiên tỷ lệ này ở những nước đang phát triển cao gấp 2 đến 20 lần so với những nước phát triển.

Theo nhiều nguyên cứu, trong 146 chủng vi sinh vật phân lập được tìm thấy ở những bệnh nhân bị nhiễm khuẩn BV, trực khuẩn gram (-) như Acinetobacter baumanii, Pseudomonas aeruginosa và Candida spp chiếm trên 70% các tác nhân gây nhiễm khuẩn BV.

Những vi sinh vật này thường cư trú ở bề mặt môi trường ẩm ướt và dễ dàng xâm nhập vào bệnh nhân khi điều kiện thuận lợi. Hơn nữa, việc điều trị nhiễm khuẩn BV do các trực khuẩn gram (-) gây ra gặp nhiều khó khăn, do hầu hết các vi sinh vật này đều kháng kháng sinh thông dụng làm tăng tới 2,5 lần số ngày nằm viện, cũng như tăng tỷ lệ tử vong tới hơn 30%.

Nhiễm khuẩn BV đang đe dọa trực tiếp đến an toàn, tính mạng của cả bệnh nhân và nhân viên y tế, đồng thời gây những thiệt hại nặng nền về kinh tế.

Do đó, để ngăn ngừa nhiễm khuẩn BV đòi các BV, nhân viên y tế phải thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, xây dựng mô hình tiệt trùng trung tâm. Phát hiện và tổ chức cách ly sớm bệnh nhân mắc nhiễm khuẩn bệnh viện để phòng ngừa lan truyền các vi khuẩn đa kháng kháng sinh. Đồng thời cải thiện cơ sở hạ tầng, thiết bị y tế cho các BV theo xu hướng, công nghệ hiện đại của thế giới (Sài gòn giải phóng, trang 3).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang