Vụ 'Sàn bệnh viện như… ruộng cày': Hoàn thành sửa chữa trước 30.6
Lãnh đạo Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM đề nghị việc sửa chữa cơ sở Lê Minh Xuân - Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cần hoàn thành trước ngày 30.6.
Ngày 19.1, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM đã đi giám sát tại cơ sở Lê Minh Xuân - BV Tâm thần TP. HCM. Cơ sở lê Minh Xuân đã được Báo Thanh Niên phản ánh qua bài báo Sàn Bv như... ruộng cày đăng ngày 23.12.2020.
Tại buổi khảo sát, ông Nguyễn Đăng Khoa, Giám đốc BV Tâm thần, cho biết hiện BV có 3 cơ sở, gồm: cơ sở 1 (số 766 Võ Văn Kiệt, P.1, Q.5); cơ sở 2 (tại ấp 6, xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh); cơ sở 3 là Khoa Khám tâm thần tâm lý trẻ em (số 165B Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận).
Hiện tình trạng cơ sở vật chất của các BV đang xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến quá trình khám chữa bệnh tâm thần. Riêng thực trạng cơ sở Lê Minh Xuân, khu hành chính với nền nhà đang sụt lún nghiêm trọng, gạch men lát nền vỡ nát, nguy cơ gây té ngã cho người bệnh, thân nhân và nhân viên y tế.
Trước đó, cơ sở Lê Minh Xuân được đầu tư 39,1 tỉ đồng theo quyết định của UBND TP vào năm 2004. Quá trình xây dựng đã phát sinh thêm một số hạng mục nhưng chưa được UBND TP.HCM phê duyệt. Việc quyết toán vốn đầu tư dự án cải tạo cơ sở Lê Minh Xuân được trình nhiều lần, song đến nay vẫn chưa được duyệt. Trước mắt, để sửa chữa cơ sở này, Sở Y tế chấp thuận cho BV sửa chữa từ quỹ hoạt động sự nghiệp của BV để đảm bảo an toàn cho y bác sĩ, người bệnh.
Tại buổi khảo sát, lãnh đạo Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM đề nghị Sở Y tế cùng BV Tâm thần phối hợp Sở Tài Chính, Sở Xây dựng, Sở KH-ĐT tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết để trình UBND TP.HCM. Việc sửa chữa cơ sở Lê Minh Xuân cần hoàn thành trước ngày 30.6. (Thanh niên, trang 14; Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Hội chẩn quốc gia 2 ca bệnh COVID-19 nặng
Sáng 7/1, tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán và điều trị COVID-19, GS.TS Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ hội chẩn - đã chủ trì buổi hội chẩn 2 ca bệnh COVID-19 nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam.
Đây là lần hội chẩn quốc gia đầu tiên sau một thời gian dài các ca bệnh ở Việt Nam diễn biến ổn định, không có bất thường hay chuyển biến nặng.
Bệnh nhân thứ nhất được các chuyên gia hội chẩn là BN1465, 61 tuổi, quê ở Bà Rịa - Vũng Tàu, từ Mỹ về Việt Nam hôm 21/12, cách ly tại Quốc Oai, Hà Nội.
Người phụ nữ này có tiền sử cắt thùy giáp bên phải. Ngày 26/12, bà xuất hiện mệt mỏi, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Quốc Oai, sau đó chuyển Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vào ngày 31/12. Những ngày tiếp theo bệnh nhân mệt nhiều, run chân tay, chán ăn. Hiện bệnh nhân đã được sử dụng an thần, thở máy.
Tại buổi hội chẩn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương xin ý kiến biểu hiện suy giáp, cơ yếu, thường xuyên có cơn rét run, hạ thân nhiệt, "cơn bão cytokine" xuất hiện; biểu hiện suy tim, tắc mạch phổi; xem xét sử dụng huyết thanh của người khỏi bệnh.
Đối với trường hợp bệnh nhân này, Hội đồng chuyên môn đề nghị Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương xem xét lọc máu, xem xét đặt ECMO cho bệnh nhân. Đồng thời theo dõi các thông số dịch, tăng cường dinh dưỡng tĩnh mạch, theo dõi các chỉ số về tim mạch, nội tiết.
Đặc biệt, Hội đồng chuyên môn cũng điều phối thuốc hiếm "remdesivir" từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam hỗ trợ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để kịp thời điều trị bệnh nhân; Bệnh viện cũng tăng cường nhân lực để theo dõi sát tình trạng bệnh nhân.
Trường hợp thứ 2 được hội chẩn là BN1405, 74 tuổi, từ Mỹ nhập cảnh vào Việt Nam, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Người đàn ông này có tiền sử mắc một loạt bệnh mãn tính: Viêm gan B mạn, tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp 2. Bệnh nhân nhập viện vào ngày 7/12 vì nôn ra máu. Bệnh nhân cũng có viêm phổi nặng; nhiễm amip đường ruột; biểu hiện xuất huyết tiêu hóa; tăng huyết áp, suy tim, viêm gan B mạn; suy gan/ xơ gan tiến triển…
Hiện tại bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, nhưng bụng trướng nhẹ; tràn dịch màng phổi 2 bên. Cụ ông 74 tuổi viêm phổi do SARS-CoV-2 bội nhiễm kèm theo nhiều bệnh nền nặng.
Các chuyên gia nhận định nam bệnh nhân này đã được Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam điều trị tích cực, hiện có những tiến triển tốt hơn song tiên lượng còn nặng. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi sát sao, được báo cáo ngay Hội đồng chuyên môn nếu có diễn biến bất thường. (Tiền phong, trang 6).
Số ca mắc và tử vong do ung thư tăng nhanh
Bệnh viện K cho biết tình hình mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đều đang tăng nhanh. Các ung thư phổ biến ở nam giới gồm ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, tiền liệt tuyến là những ung thư phổ biến nhất. Còn ở nữ giới là gồm ung thư vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày, gan.
Theo thống kê của Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2020 mới nhất, tại Việt Nam, năm qua ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư.
So với nghiên cứu này năm 2018, số lượng mắc mới và tử vong vì ung thư ở Việt Nam tăng rất nhiều. Cụ thể, theo GLOBOCAN 2018, ở Việt Nam có 164.671 ca ung thư mới và 114.871 ca tử vong và hơn 300.000 bệnh nhân đang sống chung với ung thư.
Như vậy, trong 2 năm qua, có thêm 17.892 người Việt Nam mắc ung thư và 7.819 người tử vong vì căn bệnh này.
Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 91/185 số quốc gia có báo cáo về ung thư về tỷ suất mắc mới và thứ 50/185 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người. Thứ hạng này tương ứng của năm 2018 là 99/185 và 56/185.
Năm 2018, 5 loại ung thư hàng đầu ở nam giới Việt Nam là ung thư gan (21,5%), phổi (18,4%), dạ dày (12,3%), đại trực tràng (8,4%) và vòm họng (5,0%) và ở phụ nữ là ung thư vú (20,6%), đại trực tràng (9,6%), phổi (9,4%), dạ dày (8,6%) và gan (7,8%).
Còn năm 2020, tại Việt Nam, các ung thư phổ biến ở nam giới gồm ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, tiền liệt tuyến là những ung thư phổ biến nhất (chiếm khoảng 65,8% tổng các loại ung thư).
Ở nữ giới, các bệnh ung thư phổ biến gồm ung thư vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày, gan (chiếm khoảng 59,4% tổng các loại ung thư).
Chung cho cả 2 giới các loại ung thư phổ biến là ung thư gan, phổi, vú, dạ dày và đại trực tràng.
Lãnh đạo Bệnh viện K cho biết tình hình mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đều đang tăng nhanh. Tình hình này cũng tương tự với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các quốc gia phát triển như Anh, Pháp, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do ung thư tại các quốc gia này lại giảm. (Tiền phong, trang 6).
Sức khỏe các tình nguyện viên tiêm vaccine Nano Covax liều cao nhất ổn định
Ngày 19-1, liên quan tới việc thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa Covid-19 trên người của Việt Nam, PGS-TS Chử Văn Mến, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học (Học viện Quân y) cho biết, hiện nay, sức khỏe của 20 tình nguyện viên được tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax liều cao nhất (75mcg/liều/người) đều ổn định. Một số trường hợp bị đau ở vùng tiêm nhưng sau đó đã hết. Các tình nguyện viên được trở về nhà tự theo dõi sức khỏe dưới sự giám sát của y tế địa phương. Theo kế hoạch, trong ngày 20-1, các bác sĩ Học viện Quân y tiếp tục tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax mũi 2 cho 3 tình nguyện viên đầu tiên trong nhóm liều 50mcg và 17 người còn lại trong nhóm liều 25mcg.
Kết thúc giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng, Bộ Y tế sẽ nghiệm thu và đánh giá, sau đó cho phép thử nghiệm giai đoạn 2 trên 560 tình nguyện viên tiếp theo. Thời gian dự kiến bắt đầu vào tháng 2.
Chiều tối 19-1, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày, cả nước ghi nhận thêm 1 ca mắc mới dịch Covid -19 (ca bệnh thứ 1.540), là người nhập cảnh từ Mỹ được cách ly tại Đà Nẵng.
Chiều 19-1, bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, cho biết, sau khi âm tính thì lần xét nghiệm thứ 12 mới đây, bệnh nhân 1.440 tái dương tính với SARS-CoV-2.
Đến nay, bệnh nhân 1.440 đã có 25 ngày điều trị cách ly tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Vĩnh Long. Đối với 15 trường hợp F1 của bệnh nhân 1.440, kết quả xét nghiệm đều âm tính với SARS-CoV-2. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).
Sắp tới, học y khoa ra trường 'phải thi mới được làm bác sĩ'
Ngày 15-1, Hội đồng Y khoa quốc gia do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long làm chủ tịch đã chính thức ra mắt. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có Hội đồng Y khoa quốc gia để đánh giá năng lực y bác sĩ trước khi họ hành nghề chính thức.
Phát biểu tại lễ ra mắt Hội đồng Y khoa quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa quốc gia là xây dựng ngân hàng câu hỏi, đổi mới đào tạo y khoa phù hợp với nhu cầu công việc hiện nay, nâng cao năng lực và trình độ nhân lực y tế tuyến cơ sở... "Đổi mới mạnh mẽ, căn bản và toàn diện đào tạo y khoa" - ông Long nhấn mạnh.
Y bác sĩ phải thi mới được hành nghề
Theo ông Lê Quang Cường - phó chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, ý tưởng thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia đã có gần 10 năm trước nhưng có nhiều người phản đối. Năm năm gần đây bắt đầu manh nha hình thành lại ý tưởng này để thúc đẩy thành lập hội đồng.
"Đây là một tổ chức hoàn toàn mới, độc lập để báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước việc có hay không cấp chứng chỉ hành nghề cho y bác sĩ" - ông Cường giải thích.
Theo ông Tạ Thành Văn - chủ tịch hội đồng quản lý Đại học Y Hà Nội, việc thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia cho thấy việc quản lý và đánh giá trước khi cho phép hành nghề ở Việt Nam gần tiến đến chuẩn mực thế giới.
Theo giải thích của các chuyên gia, trước đây người tốt nghiệp bác sĩ và điều dưỡng nghiễm nhiên được hành nghề, không cần trải qua kỳ thi đánh giá năng lực. Từ năm 2016, bắt đầu cấp chứng chỉ hành nghề nhưng chỉ căn cứ trên hồ sơ, vẫn chưa phải thi.
Tuy nhiên, Luật khám chữa bệnh sửa đổi (dự kiến trình Quốc hội thông qua vào năm 2022, có hiệu lực vào 2023) quy định y bác sĩ phải thi năng lực mới được hành nghề. Dự kiến kỳ thi chính thức đầu tiên sẽ bắt đầu vào năm 2024.
Chiều 15-1, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trao Quyết định thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia và Quyết định bổ nhiệm Lãnh đạo Hội đồng Y khoa Quốc gia.
Theo TTXVN, phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của ngành Y tế trong việc thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia; đồng thời nhấn mạnh, việc thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia là dấu mốc quan trọng đối với hệ thống Y tế Việt Nam, đặc biệt đối với người hành nghề và hệ thống đào tạo nhân lực y tế.
Phó Thủ tướng nêu rõ, việc thành lập Hội đồng Y khoa theo đúng các cam kết quốc tế về chuẩn năng lực ngành y, thực hiện hội nhập quốc tế và tiến tới công nhận văn bằng chứng chỉ lẫn nhau, trực tiếp nhất nhằm nâng cao chất lượng nhân lực ngành Y, từ đó gắn với đổi mới căn bản toàn diện giáo dục trong khối sức khỏe.
Để đánh giá chính xác năng lực hành nghề của y bác sĩ, quốc gia nào cũng cần một mô hình để đánh giá năng lực chuyên môn. Nhiều quốc gia có hội đồng y khoa quốc gia, độc lập với cơ quan quản lý nhà nước, nhưng ở Việt Nam mô hình này lại không độc lập, mà chủ tịch hội đồng là bộ trưởng Bộ Y tế, một thứ trưởng và hai cục trưởng của Bộ Y tế là phó chủ tịch hội đồng.
Chính vì thế vẫn còn những băn khoăn về "tính độc lập" khi đánh giá năng lực y bác sĩ, nhất là khi Việt Nam đang có hơn 200 trường đào tạo ngành sức khỏe, trong đó có hơn 30 trường y khoa, nhiều trường mới thành lập hoặc đào tạo y khoa gần đây theo Luật giáo dục.
Từ sự chênh lệch về chất lượng đào tạo, điểm số đầu vào đầu ra, nên người dân cũng còn băn khoăn khi giao tính mạng, sức khỏe cho y bác sĩ điều trị.
Theo ông Trần Bình Giang - giám đốc Bệnh viện Việt Đức, trong hội đồng y khoa ở Mỹ có cả đại diện của người dân. Việc có Hội đồng Y khoa quốc gia, theo ông Giang, là "có một chuẩn để dần dần bác sĩ Việt Nam không chỉ hành nghề ở Việt Nam mà còn hành nghề ở nhiều nước trên thế giới". (Tuổi trẻ, trang 13).