Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 20/3/2018

  • |
T5g.org.vn - Đề nghị Công an điều tra vụ đăng facebook sai sự thật về sinh con "thuận tự nhiên"; Quả tim “vượt” 1.600km cứu người; Truy tố bác sĩ Hoàng Công Lương: Dấy lên nỗi lo trong y bác sĩ; Bao giờ có thuốc ung thư giá rẻ “made in Vietnam”?

 

Đề nghị Công an điều tra vụ đăng facebook sai sự thật về sinh con "thuận tự nhiên"

Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ Công an, Bộ Thông tin - Truyền thông giao các đơn vị chức năng điều tra, xác minh các trường hợp đăng trên facebook cá nhân về sinh con theo phương pháp “thuận tự nhiên”, trong đó, có facebook đăng tin trường hợp hai mẹ con cùng tử vong...

Ngày 19-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã ký ba công văn gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin – Truyền thông và Bộ Công an liên quan đến việc điều tra, ngăn chặn thông tin truyền bá phương pháp sinh đẻ phản khoa học. Theo Bộ Y tế, thời gian gần đây, báo chí có đưa tin trên mạng xã hội truyền bá phương pháp sinh đẻ có tên là “thuận tự nhiên”, hướng dẫn bà mẹ sinh con tại nhà, tự chăm sóc, không cắt dây rốn…

Đặc biệt, ngày 14-3 vừa qua, một tài khoản facebook có tên là Minh Phương đưa tin về trường hợp một sản phụ đã tham gia lớp tập huấn về sinh con “thuận tự nhiên” với chi phí 15 triệu đồng, sau đó tự sinh con tại nhà theo phương pháp này dẫn đến hai mẹ con cùng tử vong.

Bộ Y tế nhận định, các thông tin này đã được lan truyền nhanh chóng, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Việc tự sinh đẻ tại nhà là phản khoa học, có thể gây ra những tai biến nghiêm trọng như vỡ tử cung, băng huyết, nhiễm trùng… dẫn đến tử vong mẹ và trẻ sơ sinh.

Do vậy, để đảm bảo TTATXH cũng như ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi sai trái, phản khoa học dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an, Bộ Thông tin - Truyền thông giao các đơn vị chức năng điều tra, xác minh, kiểm chứng độ xác thực về các trường hợp sinh con theo phương pháp “thuận tự nhiên” đã được đăng tải trên mạng xã hội, trong đó có facebook với tên là Minh Phương phản ánh trường hợp tử vong mẹ và sơ sinh nói trên.

Qua điều tra xác minh, xử lý các tập thể, cá nhân theo quy định của pháp luật trong việc đăng tải thông tin thất thiệt, phản khoa học (nếu có) ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng người dân, gây hoang mang trong dư luận xã hội.

Cùng đó, Bộ Y tế cũng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước về truyền thông vào cuộc xác minh, ngăn chặn và xử lý các tập thể, cá nhân truyền bá trái phép (nếu có) phương pháp sinh đẻ phản khoa học, ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của người dân, theo quy định của pháp luật (An ninh thủ đô, trang 8).

 

Quả tim “vượt” 1.600km cứu người

Khoảnh khắc quả tim của người thiếu tá quê Ninh Bình bắt đầu đập lại trong lồng ngực chàng thanh niên 29 tuổi ở Tiền Giang, các bác sĩ đã vỡ òa trong hạnh phúc...

Sáng 19/3, tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TPHCM đã tổ chức buổi họp báo công bố thông tin về hai cuộc ghép tạng xuyên Việt vừa thực hiện thành công tại BV vào cuối tháng 2. Đó là ca ghép tạng xuyên Việt lần 3 và là ca ghép tạng xuyên Việt đầu tiên nhận tạng từ người cho chết não và phải vận chuyển từ Bắc vào Nam. Ca ghép tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM được xem là kỳ tích khi 2 tạng (bao gồm 1 tim, 1 thận) của nam quân nhân đã vượt gần 1.600km mang lại mạng sống cho 2  bệnh nhân tuổi đời còn rất trẻ.

Theo Tiến sĩ Dư Thị Ngọc Thu, trưởng đơn vị Điều phối ghép bộ phận cơ thể người BV Chợ Rẫy, vào tối 24/2, Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia (Hà Nội) gọi vào Trung tâm Điều phối ghép bộ phận cơ thể người ở Bệnh viện Chợ Rẫy và thông báo có một quả tim từ người đàn ông chết não sẽ được hiến cho một bệnh nhân trong danh sách chờ. Bệnh nhân chờ ghép tim là N.Q.H (29 tuổi, ngụ Tiền Giang) mắc bệnh cơ tim giãn nở. Nam thanh niên này đã bỏ lỡ 2 lần ghép tim trước đó vì không đủ chi phí thực hiện.

Đem vấn đề này trao đổi với PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, TS Thu nhận lại câu trả lời chắc nịch của vị giám đốc: “Cứ thực hiện ghép đã, chi phí tính sau, bệnh nhân còn quá trẻ, đừng bỏ lỡ cơ hội”, TS Thu nhớ lại.

Vì bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, không đủ chi phí để ra tận Hà Nội thực hiện ghép tim, các BS BV Chợ Rẫy đã thuyết phục ê-kip tại Hà Nội vào để thực hiện cho bệnh nhân. Do đó, tim được hiến sẽ phải vượt 1.600km từ Hà Nội vào TPHCM bằng máy bay trong thời gian ngắn nhất có thể.

PGS-TS-BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết, trái tim của người hiến tặng chỉ có thể sử dụng được 6 tiếng sau khi lấy khỏi cơ thể. Do đó, các bác sĩ chỉ có tối đa 6 tiếng đồng hồ sau khi phẫu thuật lấy tim và di chuyển hơn 1.600 km vào TPHCM. Việc bảo đảm được thời gian giới hạn này đòi hỏi sự kỹ lưỡng, nhịp nhàng ở mức tuyệt đối giữa cả nơi lấy và nơi nhận.

Ngay sau khi người hiến được đưa vào phòng phẫu thuật, trái tim anh được lấy ra đầu tiên, đưa vào thùng bảo quản chuyên dụng. Sau một giờ, quả tim được vận chuyển đi trước, quả thận được chuyển tiếp ra và đưa đến sân bay để đưa lên chuyến bay kế tiếp.

Ngay sau khi xuống cửa máy bay, quả tim đã được cho ngay lên xe và di chuyển về BV Chợ Rẫy. Nhờ các chiến sĩ cảnh sát giao thông dẫn đường và hỗ trợ, quãng đường từ sân bay về BV chỉ mất có 15 phút, giúp ích rất nhiều cho thành công của ca phẫu thuật”, BS Thảo thông tin.

BS CKII Nguyễn Thái An,Trưởng khoa hồi sức phẫu thuật tim, BV Chợ Rẫy chia sẻ khoảnh khắc mà trái tim của người đàn ông 45 tuổi đập lại trong lồng ngực cậu thanh niên 29 tuổi cả ê-kip phẫu thuật đều vỡ òa. “Đó là những giây phút cuối của ngày 26/2, cận kề ngày thầy thuốc Việt Nam, một món quà quá ý nghĩa”, BS An tâm sự.

Ngoài bệnh nhân H, trong đợt ghép tạng vừa rồi tại BV Chợ Rẫy mà người cho là thiếu tá quân đội bị chết não, còn có cô sinh viên 25 tuổi P.H.T  (ngụ Ninh Thuận). Cô gái này bị suy thận mạn giai đoạn cuối, gia đình khó khăn và đã nhận được quả thận. Ca phẫu thuật diễn ra sau ca phẫu thuật tim vài giờ đồng hồ (Tiền phong, trang 6).

 

Truy tố bác sĩ Hoàng Công Lương: Dấy lên nỗi lo trong y bác sĩ

Viện KSND tỉnh Hoà Bình vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 3 bị can, trong đó có bác sĩ (BS) Hoàng Công Lương - cán bộ của Khoa Điều trị tích cực, đơn nguyên thận nhân tạo - liên quan tới sự cố 8 bệnh nhân chạy thận tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình xảy ra hồi tháng 5.2017.

Sự việc này tiếp tục gây ra lo ngại, băn khoăn trong ngành y tế và đội ngũ bác sĩ vì cho rằng, nếu BS Lương bị truy tố, nhiều y, bác sĩ sẽ rất hoang mang, e ngại khi thực hiện nhiệm vụ.

Đừng đổ hết lỗi lên bác sĩ

Đến thời điểm này, Bộ Y tế chưa lên tiếng về việc BS Hoàng Công Lương bị truy tố. Tuy nhiên, 1 lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng: Thời điểm xảy ra vụ việc, cơ quan chức năng đã ban bố quyết định tạm giam BS Hoàng Công Lương để phục vụ công tác điều tra.

Sau đó, các cơ quan chuyên môn, gia đình các nạn nhân đã viết đơn kiến nghị cho BS Lương được tại ngoại. BS Lương được thay đổi biện pháp ngăn chặn, được tại ngoại không có nghĩa là không bị truy tố. Việc phân xử có tội hay không sẽ do toà án phán xử, chúng tôi không can thiệp sâu vào nội bộ xử lý.

BS Lương là người có nhiệt huyết, năng lực chuyên môn tốt, nếu đưa ra xét xử có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Cơ quan xét xử cần xem xét cả tình tiết cụ thể phản ánh trung thực vụ án, xác định đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Theo TS Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng khoa Thận, BV Bạch Mai (Hà Nội) - lọc máu là 1 quy trình gồm nhiều công đoạn. Mỗi cơ sở y tế có 1 năng lực riêng và vận hành theo khả năng. Do đó, mỗi cơ sở y tế sẽ có quy trình quản lý, vận hành phù hợp với điều kiện của mình.

Do đó, dịch, máy móc, nguồn nước… nhập về phải từ công ty có đủ năng lực, bệnh viện chịu trách nhiệm giao cho từng bộ phận trong bệnh viện rồi phân cho các cấp. BS Lương chỉ chịu trách nhiệm nhỏ trong việc này chứ không phải toàn bộ trách nhiệm. Cần xem xét cụ thể để có phán quyết đúng đắn.

Việc bàn giao thiết bị máy móc trước và sau khi sửa chữa, bảo dưỡng trên giấy tờ chỉ là bàn giao về số lượng, chủng loại thiết bị… Nguồn nước khi được bàn giao cho nhân viên y tế để sử dụng, thực hiện kỹ thuật lọc máu cho người bệnh đương nhiên là đã đảm bảo chất lượng.

Vì vậy, BS Lương không biết chất lượng có đảm bảo hay không mà vẫn đưa vào sử dụng gây tử vong cho bệnh nhân là không thuyết phục. Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam - người nhận trách nhiệm bào chữa miễn phí cho BS Hoàng Công Lương - cho rằng, cần xem xét kỹ lưỡng hành vi khách quan và cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” truy tố đối với BS Lương. Đặc biệt là các tài liệu, chứng cứ chứng minh 1 BS điều trị bình thường trong khoa như BS Lương có chức vụ, quyền hạn và phải chịu trách nhiệm về việc bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị y tế, về chất lượng nước RO chạy thận sau khi sửa chữa hay không?

Sốc, hoang mang

TS.BS Võ Xuân Sơn - Giám đốc phòng khám Quốc tế EXSON, nguyên BS BV Chợ Rẫy, TPHCM - khi trao đổi với Báo Lao Động cho rằng: Tôi không biết Viện kiểm sát đã xem xét kĩ vụ việc thế nào nhưng đây chắc chắn vẫn là điều đau đớn cho ngành y.

Viện kiểm sát cho rằng, BS Hoàng Công Lương - Đơn nguyên thận (BV Đa khoa Hòa Bình) - đã được huấn luyện, nên biết rõ là chạy thận cần phải có nước được xử lí tiêu chuẩn. Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng BS Lương có thể xác định nước có thể dùng được bằng cách nào? Ngửi, nếm, uống thử…?

TS.BS Võ Xuân Sơn phân tích: Nói BS Lương vi phạm quy trình chuyên môn để chạy thận cho bệnh nhân thì phải xét xem BV Đa khoa Hòa Bình đã có quy trình hay chưa? Bộ Y tế đã ban hành quy trình này ở thời điểm vụ việc diễn ra chưa? Nếu BV Đa khoa Hòa Bình ban hành quy trình chuyên môn để chạy thận rồi mà BS lương vi phạm thì mới nói là BS Lương có tội.

TS.BS Võ Xuân Sơn nói: Việc truy tố BS Lương làm cho nhiều BS sốc và hoang mang. Nếu BS Lương bị kết tội, có thể nhiều BS sẽ từ chối điều trị bệnh nhân ở những ca khó (Lao động, trang 4).

 

Bao giờ có thuốc ung thư giá rẻ “made in Vietnam”?

Dự án của 2 em học sinh chuyên hóa Vũ Thị Nam Anh và Trần Đan Khuê (THPT Chuyên Đại học KHTN Hà Nội) tham gia nguyên cứu điều chế thuốc chống ung thư vừa xuất sắc giành giải Nhất toàn Hội thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia khu vực phía Bắc.

Đóng góp mới nhất của dự án chính là đã tổng hợp được 14 dẫn chất có tác dụng ức chế HDAC-2 và có hoạt tính ức chế mạnh trên các dòng tế bào ung thư (đại tràng, tiền liệt tuyến và tuyến tụy).

Con đường rất xa từ nghiên cứu đến sản phẩm

Nhóm học sinh chuyên hóa bắt đầu nghiên cứu đề tài từ tháng 5.2015. Sau gần 2 năm miệt mài tâm huyết dưới sự hướng dẫn của GS-TS Nguyễn Hải Nam - Khoa Hóa Dược - Trường ĐH Dược Hà Nội. Hai nữ sinh đã thực hiện thành công giai đoạn tiền lâm sàng dự án “Thiết kế, tổng hợp và thử tác dụng kháng ung thư của một số dẫn chất acid hydroxamic mới mang khung 2-oxoindolin hướng ức chế histon deacetylase”.

Có thể hình dung, hiện nay trong chế thuốc ung thư có 2 xu hướng là phát triển thuốc mới theo phương pháp truyền thống và phát triển thuốc mới theo mục tiêu phân tử. Phương pháp thứ hai (phương pháp phân tử) có ưu điểm là rút ngắn thời gian và giảm chi phí đáng kể. Ở phương pháp này, Histone deacetylase (HDAC) là một mục tiêu phân tử điển hình và tiềm năng trong thiết kế thuốc điều trị ung thư. Do vậy tổng hợp các chất ức chế HDAC đang trở thành các tác nhân chống ung thư đầy triển vọng.

Đóng góp mới nhất của dự án do Đan Khuê và Nam Anh thực hiện chính là đã tổng hợp được 14 dẫn chất có tác dụng ức chế HDAC-2 và có hoạt tính ức chế mạnh trên các dòng tế bào ung thư (đại tràng, tiền liệt tuyến và tuyến tụy). Qua sàng lọc, Nam Anh và Đan Khuê phát hiện chất 5e có tác dụng ức chế mạnh nhất trên các dòng tế bào thử nghiệm, mạnh hơn các loại thuốc trị ung thư trên thị trường từ 5-8 lần và chưa có công bố nào ở Việt Nam cũng như thế giới.

Từng chứng kiến những đau đớn, khổ sở của bệnh nhân ung thư trong dịp đi từ thiện cùng trường đến một bệnh viện trị ung thư ở Hà Nội, 2 nữ sinh bị ám ảnh rất nhiều. Hơn nữa, thuốc điều trị ung thư phải nhập ngoại giá đắt và không phù hợp với quá trình điều trị lâu dài của người bệnh… Những bất cập đó thôi thúc hai bạn trẻ nảy ra ý tưởng về dự án. Hai cô gái 9X dự định sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu để có thể đưa chất 5e vào làm thuốc điều trị ung thư trong thực tế với mong muốn tìm ra thuốc ức chế ung thư hiệu quả “made in Vietnam” với giá thành rẻ để người dân nghèo cũng có thể trị bệnh. Đây là điều rất đáng được hoan nghênh và cần được khuyến khích.

Năm 2016, nhóm nghiên cứu tại Bộ môn Bào chế - Trường Đại học Dược Hà Nội đã điều chế thành công thuốc chữa ung thư, thuốc chống nấm hướng đích bằng công nghệ bào chế liposome trong phạm vi phòng thí nghiệm. Đây là một phương pháp không chỉ làm tăng hiệu quả điều trị mà còn làm giảm độc tính của thuốc đối với cơ thể người bệnh, giảm chi phí điều trị bệnh.

Bà Phạm Thị Minh Huệ - chủ nhiệm đề tài - cho biết, nhóm nghiên cứu đã làm chủ công nghệ sản xuất thuốc điều trị ung thư và kháng nấm dạng tiêm liposome doxorubicin và amphotericin B thế hệ mới (thuốc hướng đích) quy mô phòng thí nghiệm, với giá thành chỉ bằng 25-30% so với thuốc cùng loại sản xuất tại Mỹ.

Qua thử nghiệm trên chuột mang tế bào ung thư người, với các tế bào ung thư phổi, đại tràng, lưỡi, tiền liệt tuyến cho thấy thuốc giúp giảm kích thước khối u rõ rệt, tương đương với sản phẩm thuốc hướng đích nhập ngoại, còn so với sản phẩm thông thường thì tỉ lệ chuột sống sau điều trị bằng thuốc mới nghiên cứu cao hơn hẳn. Tại Việt Nam, có một số thuốc cùng có tác dụng điều trị các nhóm ung thư kể trên và cùng thế hệ thuốc hướng đích, việc nghiên cứu thành công tại VN mở ra cơ hội sản xuất được sản phẩm thế hệ mới tại VN và giảm giá thành điều trị vốn rất đắt đỏ, nhiều người bệnh nghèo không có cơ hội sử dụng thuốc thế hệ mới. Ở giai đoạn 2 của nghiên cứu này, mục đích là sản xuất thuốc trên quy mô lớn, tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người, thử tương đương sinh học và đưa thuốc ra thị trường.

Theo các chuyên gia, vấn đề nghiên cứu thuốc chống ung thư là một vấn đề hết sức cấp bách và cần thiết, bởi Việt Nam có tỉ lệ ung thư rất cao. Hơn nữa, thuốc điều trị ung thư rất đắt đỏ. Cụ thể như thuốc nhắm trúng đích trong điều trị ung thư, có những loại thuốc giá 1,3 triệu đồng/viên và phải dùng hằng ngày hay 500.000 đồng/viên, mỗi ngày dùng 4-8 viên. Thậm chí, có loại thuốc một liệu trình điều trị lên tới 180 triệu đồng.

Hy vọng vào thuốc ung thư “made in Vietnam”

Chia sẻ về những nghiên cứu này, GS-TS Nguyễn Hải Nam - Khoa Hóa Dược - Trường ĐH Dược Hà Nội - cho biết: “Đề tài của các em học sinh chuyên Hóa đã được thực hiện cách đây hơn 1 năm, đó là một phần rất nhỏ trong đề tài lớn của tôi. Hiện các em đã không còn tham gia vào dự án này nữa, để đảm bảo cho việc học tập và thi cử. Riêng về đề tài nghiên cứu thuốc ung thư, hiện tôi và các đồng nghiệp đang làm các thủ tục công bố bản quyền nên chưa thể chia sẻ chi tiết được. Việc thử nghiệm thuốc ung thư trên người là cả một vấn đề lớn, không hề đơn giản, phải mất rất nhiều thời gian. Trước đó, nghiên cứu phải được tiến hành trên chuột, thử độc tính... đó là cả một quá trình tốn nhiều thời gian, công sức”.

PGS-TS Nguyễn Bá Đức - nguyên GĐ Bệnh viện K, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, một chuyên gia trong ngành điều trị ung thư cho rằng từ nghiên cứu, điều chế thuốc trong phòng thí nghiệm đến việc có được viên thuốc điều trị ung thư trong thực tiễn là cả một vấn đề lớn và không hề đơn giản chút nào. Các nghiên cứu về thuốc điều trị ung thư, cần được cổ vũ, hoan nghênh và giúp đỡ để các nhà nghiên cứu có động lực, sớm đưa ra các loại thuốc giá thành hợp lý giúp người bệnh nghèo. Tuy vậy, thuốc là thứ liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người, phải hết sức thận trọng.

Còn PGS-TS Nguyễn Nghiêm Luật - nguyên là Trưởng bộ môn Hóa-Sinh Trường Đại Học Y Hà Nội cho rằng, quy trình để tạo ra thuốc chống ung thư không hề dễ dàng. Bởi vì cơ chế của quá trình gây nên ung thư có hàng trăm yếu tố tham gia vào, vì thế, ngắt được một yếu tố nhưng chưa chắc đã là chống được ung thư. Tôi không đi theo hướng đó, mà tôi đi theo hướng chẩn đoán sớm, để người ta cắt khối ung thư đi là khỏi, chứ còn để ung thư giai đoạn muộn, di căn rồi thì chẳng có thuốc nào chữa được cả” (Lao động, trang 4).

 

Hà Nội đã ghi nhận 38 trường hợp mắc bệnh sởi

Chiều 19-3, theo báo cáo tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần (từ ngày 12-3 đến 18-3), trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 10 trường hợp mắc bệnh sởi. Như vậy, số ca mắc sởi trong tuần này đã tăng vọt so với những tuần trước đó (chỉ ghi nhận 3-6 ca/tuần). Tích lũy từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 38 trường hợp mắc sởi. Ngoài ra, trong tuần qua cũng ghi nhận thêm 3 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 14 trường hợp mắc tay chân miệng, nâng tổng số mắc từ đầu năm đến nay lên 59 trường hợp sốt xuất huyết, 31 trường hợp tay chân miệng. PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, thời tiết giao mùa xuân - hè là điều kiện thuận lợi phát sinh tác nhân gây bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là bệnh sởi. Để phòng chống các dịch bệnh này, cần tăng cường sức đề kháng và chủ động tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh. Hiện Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội phối hợp với Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã thường xuyên cử cán bộ y tế vào các bệnh viện được phân cấp trên địa bàn để chủ động giám sát ca bệnh, kịp thời tham mưu về diễn biến tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống (Hà Nội mới, trang 7).

 

Bổ nhiệm lại nhiệm kỳ 3 giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy

Ngày 19.3, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao quyết định bổ nhiệm lại PGS-TS-BS Nguyễn Trường Sơn làm Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại buổi lễ công bố quyết định, Bộ trưởng Y tế đánh giá cao những đóng góp của PGS-TS-BS Nguyễn Trường Sơn cho ngành y tế VN nói chung và Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng trong việc phát triển kỹ thuật cao, ghép tạng, phục vụ nhân dân, đặc biệt là bệnh nhân nghèo khu vực phía nam.

Số phiếu tín nhiệm để bổ nhiệm lại PGS-TS-BS Sơn là gần như tuyệt đối: 98% trong cán bộ nhân viên và 100% trong Đảng ủy Bệnh viện Chợ Rẫy. Việc bổ nhiệm lại làm giám đốc bệnh viện nhiệm kỳ 3 là một trong những trường hợp rất ít của Bộ Y tế (Thanh niên, trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang