Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 20/6/2018

  • |
T5g.org.vn - Lần đầu tiên truyền hình trực tiếp 2 ca dị dạng mạch cực khó ra thế giới; Báo động: Gánh nặng tử vong do suy tim cao hơn cả ung thư; Từ 15-7: Giảm giá khám bệnh và hơn 40 dịch vụ chụp chiếu, siêu âm, nội soi…

 

Lần đầu tiên truyền hình trực tiếp 2 ca dị dạng mạch cực khó ra thế giới

Mới đây, Trung tâm Điện quang, BV Bạch Mai đã truyền hình trực tiếp 2 ca dị dạng mạch thần kinh cực khó ra thế giới. Được biết, Việt Nam vinh dự là 1 trong 5 quốc gia trên thế giới tham gia truyền hình trực tiếp tại Hội nghị Điện quang can thiệp - phẫu thuật thần kinh lần này.

PGS.TS Vũ Đăng Lưu - Phó Giám đốc Trung tâm Điện quang cho biết, 2 ca bệnh được thực hiện kỹ thuật điều trị phình động mạch não phức tạp bằng đặt stent đổi hướng dòng chảy và kỹ thuật nút mạch tắc luồng thông lần này là 2 bệnh nhân nhỏ tuổi. Trường hợp thứ nhất, bé gái 14 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc bị giả phình động mạch cảnh trái, được tiến hành phẫu thuật lúc 13h chiều ngày 12/6/2018.

Ban đầu, cháu bé chỉ có biểu hiện mờ mắt nên gia đình đã đưa con đi khám. Sau khi được các bác sĩ thăm khám kỹ lưỡng bằng hình ảnh trên phim cộng hưởng từ thì phát hiện bệnh nhân phình mạch khá phức tạp.

"Trường hợp phình mạch của cháu bé này có dạng hình thoi của động mạch cảnh bên trái. Với phình mạch như vậy, nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời thì sẽ dần dần gây mất thị lực, nguy cơ vỡ chảy máu, thậm chí tử vong"- PGS. Lưu chia sẻ.

Ca can thiệp thứ 2 cũng là ca hết sức phức tạp. Cháu bé 11 tuổi, bị bệnh lý dị dạng mạch bẩm sinh, vị trí dị dạng thông với màng cứng.

"Tuy nhiên khác với các ca bệnh thông thường là chỉ dị dạng ở một vị trí, cháu bé này có dị dạng đến 2 vị trí nên việc điều trị rất khó khăn. Chúng tôi đã tiến hành điều trị nút mạch tắc luồng thông, bơm vật liệu giúp bít tắc vị trí luồng thông và vẫn bảo tồn mạch máu, giảm bớt các nguy cơ khác cho cháu.

Trước khi phẫu thuật, tình trạng cháu bé này bị lồi, đỏ mắt bên trái, dòng chảy lưu thông rất lớn, toàn bộ hệ thống nhu mô chảy ngược ra phía trước làm mắt lồi đỏ. Nếu cứ để như vậy thì cháu sẽ hỏng một mắt, áp lực bên trong sọ sẽ tăng, ảnh hưởng đến sự phát triển của não. Việc điều trị bít tắc luồng thông qua can thiệp nội mạch nhằm giảm lưu lượng và hết hoàn toàn ổ dị dạng, từ đó giảm dần áp lực trào ngược giúp phục hồi chức năng mắt chức năng não sau này"- PGS. Lưu cho biết thêm.

Bước đột phá về điện quang can thiệp thần kinh

Theo PGS. Lưu, trước đây khi chưa có kỹ thuật đặt stent đổi dòng chảy thì việc điều trị các ca bệnh tương tự khá khó khăn. Hiện nay với kỹ thuật này có thể bảo tồn được động mạch, sau khi đặt stent vào trong thì khối phình sẽ tắc và dòng chảy đi qua stent vẫn được bảo tồn cấp máu lên não.

Thông thường sau đặt stent khoảng 3 tháng đến 6 tháng thì chỗ phình sẽ tắc, bệnh nhân hoàn toàn trở lại bình thường, túi phình không tái phát, vì với phương pháp này có thể điều trị triệt để hoàn toàn. Các kỹ thuật Điện quang can thiệp Thần kinh với đường chọc rất nhỏ qua đường mạch máu, giúp bệnh nhân hồi phục rất nhanh ngày càng được phát triển mạnh mẽ giúp điều trị các bệnh lý dị dạng mạch não phức tạp.

GS.TS Phạm Minh Thông - Giám đốc Trung tâm Điện quang nhấn mạnh, đây là kỹ thuật rất mới trên thế giới được ứng dụng. Tại BV Bạch Mai đã tiến hành điều trị cho hơn 200 ca, việc truyền hình trực tiếp 2 ca bệnh lần này tại một hội nghị điện quang can thiệp lớn nhất thế giới là cơ hội để giới thiệu điện quang can thiệp của Việt Nam ra thế giới. Điều đó cũng chứng tỏ trình độ điện quang can thiệp của Việt Nam ngang tầm với các nước trên thế giới.

Riêng trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện là nước đã điều trị được nhiều ca bệnh dị dạng mạch thần kinh nhất trong khu vực.

Dấu hiệu phát hiện sớm dị dạng mạch

Theo các bác sĩ, dị dạng mạch thần kinh là bệnh lý phức tạp nhưng rất may là tỉ lệ dị dạng mạch thần kinh không nhiều, từ 10-15% tùy theo loại dị dạng. Bệnh hay gặp nhất ở trẻ em là dị dạng thông động tĩnh mạch, ở người lớn thì đột quỵ liên quan đến phình động mạch là phổ biến.

Các triệu chứng thường gặp là bệnh nhân thường có biểu hiện giảm thị lực (như trường hợp bé thứ nhất), và lồi đỏ mắt (ở bé thứ 2). Những triệu chứng lâm sàng này tùy thuộc vào vị trí tổn thương, có trường hợp vỡ, chảy máu thì phát hiện qua các phương pháp thăm khám hình ảnh, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ sẽ phát hiện được lỗ dò, dị dạng mạch để chọn phương pháp điều trị kịp thời, tránh nguy cơ rủi ro sau này.

"Khoảng 50% trẻ phát hiện dị dạng mạch khi có biến chứng chảy máu, các biểu hiện khác như: đau đầu, động kinh, một số dấu hiệu thần kinh khu trú… tùy theo vị trí của tổn thương cha mẹ nên cho trẻ thăm khám cộng hưởng từ, chụp cắt lớp hình ảnh để phát hiện dị dạng, điều trị sớm"- PGS. Lưu khuyến cáo. (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).

 

Báo động: Gánh nặng tử vong do suy tim cao hơn cả ung thư

Theo thống kê hiện có 26 triệu người trên thế giới đang sống chung với suy tim. Tại Việt Nam tuy chưa có số liệu chính thức nhưng ước tính có khoảng 320.000 đến 1,6 triệu người mắc bệnh suy tim. Các chuyên gia tim mạch cho rằng, điều cần thiết hiện nay là phải có một chương trình tổng thể, đồng bộ quản lý bệnh nhân suy tim để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Chia sẻ với PV Báo suckhoedoisong.vn trong chương trình đào tạo liên tục về suy tim và quản lý bệnh nhân suy tim vừa diễn ra tại Viện Tim mạch VN (BV Bạch Mai), PGS.TS Phạm Mạnh Hùng – Viện trưởng Viện Tim mạch VN – Tổng thư ký Hội Tim mạch học VN cho biết, suy tim hiện vẫn đang là gánh nặng toàn cầu (với 1-2% dân số thế giới bị suy tim – tương đương khoảng 26 triệu người mắc bệnh); tỉ lệ mắc suy tim tăng theo tuổi ở cả hai giới. Tại Mỹ có gần 650.000 ca mắc mới mỗi năm.

Riêng khu vực Đông Nam Á có tỉ lệ suy tim cao do đây là khu vực đa dạng về văn hóa xã hội và lịch sử độc đáo và do là khu vực có tốc độ phát triển dân số nhanh, lên tới >600 triệu người, phần đông là dưới 65 tuổi. Ở VN, tuy chưa có thống kê chính thức nhưng ước tính có khoảng 320.000 đến 1,6 triệu người mắc bệnh suy tim, ước tính 1-1.5% dân số.

“Nếu như ở các nước khác, suy tim là hậu quả cuối cùng của một loạt bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý mạch vành, bệnh nhân thường kèm theo bệnh phức tạp khác như COPD, thì ở VN lại có thêm một đặc điểm nữa là có các bệnh lý lây nhiễm, bệnh van tim do thấp...

Chính vì vậy, độ tuổi suy tim hiện nay có xu hướng thấp hơn các nước đang phát triển, suy tim xảy ra ở bất kỳ tuổi nào, thậm chí từ khi sinh ra nếu không điều trị dễ dẫn đến bệnh lý nặng hơn. Thông thường bệnh nhân suy tim nhập viện khá muộn, chỉ khi khó thở tưởng như không thở được họ mới chịu đi khám...”- chuyên gia tim mạch nêu thực trạng.

Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong điều trị suy tim nhưng theo PGS. Hùng, đây vẫn là một bệnh tiến triển với bệnh suất và tử suất cao. Dự báo số lượng bệnh nhân suy tim sẽ còn tiếp tục tăng do tuổi thọ người dân ngày càng cao; tăng các yếu tố nguy cơ và số bệnh nhân sống sót sau can thiệp mạch vành tăng.

“50% bệnh nhân suy tim tử vong trong vòng 5 năm, cao hơn cả ung thư. Điều này khác với suy nghĩ của nhiều người về căn bệnh này, không biết rằng suy tim là nghiêm trọng…”- PGS. Hùng cho hay.

Bên cạnh đó, vấn đề đáng quan tâm nữa là chi phí điều trị suy tim cao do tỷ lệ nhập viện cao và chất lượng cuộc sống thấp. Tại 5 trung tâm tim mạch lớn (gồm Viện Tim mạch VN, BV Chợ Rẫy, BV Đại Học Y Dược TP.HCM, Viện Tim Hồ Chí Minh, BV Thống Nhất) số bệnh nhân nhập viện do suy tim khoảng 4000 ca/năm, chi phí mỗi đợt điều trị lên đến 25 triệu đồng. Chi phí cho bệnh nhân chủ yếu lại cho các đợt nằm viện điều trị nội trú.

Cần chương trình quản lý tổng thể

Nhiều ý kiến cho rằng, việc điều trị suy tim hiện nay ở nước ta vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chưa có các nghiên cứu dịch tễ cộng đồng, chưa có chương trình, ưu tiên nào về suy tim, nguồn lực còn hạn chế. Bên cạnh đó vẫn còn thiếu các phương tiện chẩn đoán, thuốc và thiết bị tối ưu. Việc chi trả BHYT bị áp lực cắt giảm chi phí…

Về phía người bệnh, nhận thức về bệnh suy tim còn rất hạn chế, cùng với đó là việc tuân thủ điều trị, hợp tác với thầy thuốc còn hạn chế, khả năng tiếp cận thầy thuốc chuyên khoa thấp…

“Thực tế điều trị suy tim hiện nay ở mỗi chuyên khoa, đơn vị điều trị lẻ tẻ chứ chưa có được chương trình tổng thể thống nhất, trong khi đó bệnh suy tim mạn tính cần điều trị suốt đời và bệnh nhân tuân thủ điều trị mới là quan trọng”- PGS. Hùng nhấn mạnh.

Vị chuyên gia đầu ngành tim mạch này cũng chỉ rõ, việc điều trị suy tim cần phải đạt 2 mục tiêu rất quan trọng đó là tăng thời gian sống và tăng chất lượng cuộc sống sau điều trị suy tim; thứ 2 là việc quản lý bệnh nhân suy tim một cách tổng thể.

Kinh nghiệm tại một số quốc gia có chương trình theo dõi bệnh nhân suy tim tốt cho thấy, bệnh nhân sẽ được quản lý đồng bộ, lên danh sách chẩn đoán rồi có kết nối bệnh nhân – bác sĩ, tái khám định kỳ, giáo dục sức khỏe từ cách ăn uống, cân nặng,… để bác sĩ tư vấn điều chỉnh cho phù hợp, ngay cả khi theo dõi các triệu chứng, nhập viện... Tất cả đều được quản lý từ xa qua các ứng dụng công nghệ thông tin giúp theo dõi đồng bộ, cải thiện đời sống cho bệnh nhân suy tim, giảm số lần bệnh nhân nhập viện, giảm nguy cơ tử vong từ đó giảm gánh nặng cho cộng đồng.

Trước mắt, Viện Tim mạch VN sẽ thí điểm triển khai chương trình quản lý bệnh nhân suy tim, xây dựng bộ công cụ, phần mềm quản lý, thiết lập chương trình theo dõi bệnh nhân suy tim. Đồng thời cụ thể hóa hướng dẫn chẩn đoán hơn nữa, có các câu lạc bộ bệnh nhân suy tim, tư vấn hỗ trợ suy tim… kịp thời cho người dân để điều trị sớm, hoặc tránh nhầm lẫn sang các bệnh khác. (Sức khỏe & Đời sống trang 6).

 

Từ 15-7: Giảm giá khám bệnh và hơn 40 dịch vụ chụp chiếu, siêu âm, nội soi…

Theo Thông tư 15 (thay thế thông tư 37) do Bộ Y tế vừa ban hành và có hiệu lực từ 15-7 tới, có 88 dịch vụ y tế, trong đó chủ yếu là các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh, nội soi… sẽ được điều chỉnh giảm giá.

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 15/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp (thay thế thông tư 37).

Theo đó, thông từ này quy định, từ 15-7-2018, sẽ điều chỉnh 88 mức giá dịch vụ y tế. Trong đó, giá khám bệnh tại tất cả các cơ sở y tế công lập đều giảm mạnh từ 15-20%.

Cụ thể, giá khám bệnh tại bệnh viện hạng 1 sẽ giảm từ 39.000 đồng hiện nay xuống 33.100 đồng; giá khám tại bệnh viện hạng 2 còn 29.600 thay vì 35.000 đồng. Giá khám tại trạm y tế xã, Bệnh viện hạng 4 cũng giảm từ 29.000 còn 23.300 đồng.

Cùng đó, giá ngày giường điều trị cũng giảm từ 2 - 10% theo từng hạng bệnh viện. Tại Bệnh viện hạng 1 sẽ giảm từ 632.200 xuống còn 615.600 đồng. Giá ngày giường hồi sức cấp cứu, chống độc tại bệnh viện hạng 4 cũng giảm từ 226.000 xuống 221.200 đồng. Trường hợp người bệnh nằm trên băng ca, giường gấp sẽ được áp dụng mức giá bằng 50% giá ngày giường theo từng loại chuyên khoa.

Riêng giá giường điều trị hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tế bào gốc... tại bệnh viện hạng đặc biệt sẽ tăng lên 687.100 đồng; nhưng cũng thấp hơn đề xuất ban đầu gần 64.000 đồng, giá hiện áp dụng là 677.100 đồng.

Đặc biệt, khoảng 40 dịch vụ kỹ thuật y tế sẽ được điều chỉnh giảm giá, chủ yếu là các dịch vụ chẩn đoán như: Siêu âm, Xquang, MRI, CT scanner, PET-CT...

Trong đó, một số dịch vụ kỹ thuật giảm rất lớn như phẫu thuật cắt Amidan bằng dao điện giảm từ 3,6 triệu xuống còn 2 triệu đồng, phẫu thuật tạo thông động tĩnh mạch AVF giảm từ 7,2 triệu xuống còn 3,6 triệu đồng, xét nghiệm Mycobacterium tuberculosis định danh và kháng RMP Xpert giảm đến 6 lần, nội soi tai mũi họng giảm hơn 2 lần. Chi phí phẫu thuật nội soi khâu thủng dạ dày cũng giảm mạnh từ hơn 4 triệu xuống còn 2,8 triệu đồng…

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tuy đợt này chỉ điều chỉnh giá của một số dịch vụ y tế (đa số là giảm giá) nhưng tác động lớn đến khả năng cân đối Quỹ BHYT, vì đây là các dịch vụ sử dụng nhiều. Hơn nữa, việc điều chỉnh này không ảnh hưởng các đối tượng người nghèo, cận nghèo. (An ninh thủ đô, trang 6).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang