Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 21/10/2016

  • |
T5g.org.vn - 5 TỈNH, THÀNH GHI NHẬN BỆNH NHÂN NHIỄM VI RÚT ZIKA; SIẾT CHẶT ĐIỀU KIỆN HÀNH NGHỀ BÁC SỸ; TP.HCM KHẨN CẤP ĐỐI PHÓ DỊCH ZIKA…

5 TỈNH, THÀNH GHI NHẬN BỆNH NHÂN NHIỄM VI RÚT ZIKA

Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế vừa ghi nhận một bé 4 tháng tuổi sinh sống tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk có triệu chứng dị tật bẩm sinh nghi mắc chứng đầu nhỏ. Sau nhiều trường hợp nhiễm virus Zika, TP.HCM cũng chính thức công bố dịch Zika cấp phường xã.

Tại Việt Nam, từ tháng 4/2016 đến nay cả nước  đã ghi nhận 09 trường hợp nhiễm vi rút Zika tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Dương, TP.HCM, Long An. (Thanh niên (trang 2).

SIẾT CHẶT ĐIỀU KIỆN HÀNH NGHỀ BÁC SỸ

Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế vừa đề xuất: Đối với những người lựa chọn hướng hành nghề khám chữa bệnh, sẽ phải học thêm 2 năm để được cấp bằng Bác sỹ y khoa (giống như hệ bác sĩ đa khoa đào tạo 6 năm hiện nay). Sau đó, những người được cấp bằng này vẫn chưa được hành nghề ngay mà cần phải thêm 1 năm tiền hành nghề, thực hành tại các bệnh viện.

Quản lý chồng chéo, mở trường ồ ạt

Theo Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, hiện đào tạo ngành y đang có nhiều tồn tại bất cập. Trước năm 2000, cả nước có 8 trường đại học (ĐH) đào tạo y, nhưng đến năm 2016 đã lên đến 24 trường. Việc thành lập mới nhiều trường trong thời gian ngắn, tiêu chí thành lập đơn giản như bệnh viện thực hành, chuyên môn của giảng viên  chưa  được đánh giá đúng mức.  Không những thế, số sinh viên tăng nhiều ở mỗi trường. Cơ chế kiểm soát chất lượng chưa rõ ràng. Kiểm định chất lượng mới chỉ tiếp cận kiểm định cơ sở đào tạo, chưa tiếp cận kiểm định chương trình đào tạo. Đánh giá sinh viên cũng chưa có chuẩn chung, nặng về kiến thức, chưa tiếp cận đánh giá theo năng lực.

Mặt khác, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cũng cho biết thêm, khó khăn nữa là hiện đang tồn tại song song hai hệ thống quản lý sau ĐH. Việt Nam vẫn đang lẫn lộn giữa hai hệ thống năng lực: Thực hành khám chữa bệnh và nghiên cứu hàn lâm. Đang cùng tồn tại song song 2 hệ thạc sĩ, tiến sĩ do Bộ GD&ĐT quản lý,  hệ bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 do Bộ Y tế quản lý, song lại không có nhiều sự phân định, khác biệt rõ ràng giữa 2 chương trình. “Việc cấp chứng chỉ hành nghề cho các bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng,… chỉ cần yêu cầu thực hành nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp mà không trải qua một kỳ thi sát hạch nào cả. Hơn nữa, chứng chỉ này được cấp 1 lần và sử dụng vĩnh viễn” - đại diện Bộ Y tế cho biết thêm.

Không những thế việc Chính phủ quyết định giao Bộ Lao động Thương binh, Xã hội quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp từ trung cấp đến cao đẳng cũng khiến các trường trung cấp chuyên nghiệp, các trường cao đẳng y dược đang trực thuộc Bộ GD&ĐT như “ngồi trên đống lửa” vì chưa biết sẽ chuyển đổi thế nào. Mặt khác, thông tư liên Bộ Y tế và Nội vụ quy định từ năm 2018 không tuyển sinh một số ngành y hệ trung cấp, 2021 dừng đào tạo một số ngành này cũng khiến các trường lao đao. Muốn không bị đóng cửa, các trường trung cấp đào tạo y dược phải được nâng cấp lên cao đẳng. “Về đội ngũ, chúng tôi hoàn toàn có thể đáp ứng được theo quy định. Nhưng về cơ sở vật chất thì đúng là chúng tôi không biết xử lý thế nào. Theo quy định, trường phải có diện tích 5 ha mới đủ lên cao đẳng. Với những trường trung cấp ở thành phố lớn, quy định này đúng là khó như lên trời” - đại diện một trường trung cấp than thở.

Siết chặt điều kiện hành nghề bác sỹ

Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về đào tạo nhân lực y tế được Bộ Y tế tổ chức vừa qua, những đề xuất về đổi mới đào tạo đã được đưa ra. Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, đã đề xuất đổi mới mô hình đào tạo theo hướng bỏ đào tạo bác sĩ nội trú. Với y đa khoa, học xong 4 năm, người học sẽ được cấp bằng cử nhân y khoa. Tiếp đó, những người muốn học tiếp sẽ phân thành 2 hướng: Hệ hành nghề khám chữa bệnh do Bộ Y tế quản lý và Hệ nghiên cứu do Bộ GD&ĐT quản lý. Những người không muốn học tiếp có thể trực tiếp tham gia thị trường lao động.

Theo Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, hiện đào tạo ngành y đang có nhiều tồn tại bất cập. Trước năm 2000, cả nước có 8 trường đại học (ĐH) đào tạo ngành y, nhưng đến năm 2016 đã vọt lên tới 24 trường.

ối với những người lựa chọn hướng hành nghề khám chữa bệnh, sẽ phải học thêm 2 năm để được cấp bằng Bác sỹ Y khoa (giống như hệ bác sĩ đa khoa đào tạo 6 năm như hiện nay). Tuy nhiên, những người được cấp bằng này vẫn chưa được hành nghề mà cần phải trải qua thêm 1 năm tiền hành nghề thực hành tại các bệnh viện. Sau khi kết thúc một năm thực hành tại bệnh viện, những người này phải trải qua một kỳ thi quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề phạm vi đa khoa.

Để trở thành bác sĩ chuyên khoa, các bác sĩ y khoa sẽ phải học và thực hành tại các bệnh viện thêm 2-3 năm chuyên khoa, sau đó thi cấp chứng chỉ hành nghề phạm vi chuyên khoa. Tiếp đó, để trở thành bác sĩ chuyên khoa sâu, phải học và thực hành tại các bệnh viện thêm từ 2 năm trở lên và thi cấp chứng chỉ hành nghề một lần nữa. Đối với những người lựa chọn hướng nghiên cứu do Bộ GD quản lý thì phân thành 2 giai đoạn: Thạc sĩ 2 năm và nghiên cứu sinh 3-4 năm, lấy bằng tiến sĩ. Tham chiếu đối với khung trình độ quốc gia thì các cử nhân Y khoa tương đương với khung trình độ bậc 6. Các bác sĩ Y khoa tương đương khung trình độ bậc 7, còn các bác sĩ chuyên khoa tương đương khung trình độ bậc 8. Chính vì vậy, Bộ Y tế cũng đề xuất bác sĩ học 6 năm tương đương thạc sĩ (khung trình độ bậc 7) nên tăng bậc lương khởi điểm.

Trao đổi với Tiền Phong, thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cũng cho rằng sẽ phải có một kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề y cấp quốc gia. Có như thế, dù đào tạo ở trường nào, hệ nào thì khi hành nghề, các bác sĩ đều có chung một chuẩn. Còn lãnh đạo Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo cho biết, Bộ Y tế đã xây dựng xong Dự thảo Nghị định về tổ chức đào tạo thực hành y khoa, sẽ trình Chính phủ phê duyệt vào thời gian tới. (Tiền phong (trang 6).

TP.HCM KHẨN CẤP ĐỐI PHÓ DỊCH ZIKA

Các bệnh viện sẽ tập trung tầm soát thai phụ có triệu chứng Zika, phát hiện sớm dị tật đầu nhỏ ở thai nhi.

Chiều 19-10, UBND TP.HCM đã tổ chức buổi họp triển khai phòng, chống dịch bệnh Zika với sự tham dự của đại diện Bộ Y tế cùng các sở, ban ngành và các bệnh viện trọng điểm.

Phân loại các vùng nguy cơ

PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thông tin ngoài việc thành lập các đoàn kiểm tra giám sát, Sở đã chỉ đạo triển khai xác định và can thiệp vùng nguy cơ dựa trên chỉ số lăng quăng, chỉ số muỗi và phân loại thành các vùng nguy cơ cao, nguy cơ vừa và nguy cơ thấp. Kết quả ghi nhận tại tám quận, huyện trọng điểm cho thấy: Vùng nguy cơ cao tập trung tại Bình Chánh (98%), Thủ Đức (70%), Hóc Môn (53%); vùng nguy cơ vừa tập trung tại Tân Phú, quận 8, Tân Bình.

Ngoài ra, Sở cũng sẽ phối hợp với Viện Pasteur thực hiện tầm soát ca bệnh tại 30 bệnh viện trên địa bàn toàn TP. Từ tháng 4 đến nay, các bệnh viện đã chuyển được gần 800 mẫu bệnh phẩm đến Viện Pasteur. Bên cạnh đó, nhằm phòng, chống di chứng tật đầu nhỏ, các bệnh viện sẽ chú trọng phát hiện thai phụ có triệu chứng Zika để quản lý, theo dõi thai nhi và trẻ sơ sinh; tăng cường tầm soát phát hiện sớm để tránh dị tật đầu nhỏ khi sinh ra; phát hiện não thai bẩm sinh bất thường trong thời gian mang thai hoặc sau khi sinh…

Theo BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương TP.HCM, đối với những trường hợp nghi ngờ Zika đều đưa đi xét nghiệm, nếu là phụ nữ mang thai phải được tầm soát quá trình dị tật đầu nhỏ qua việc siêu âm, đo đường kính chu vi đầu so với xương đùi. Tuy nhiên, để tránh làm hoang mang cho các sản phụ, bệnh viện sẽ tư vấn rõ ràng các triệu chứng cho phụ nữ như sốt, phát ban, mệt mỏi… trong thai kỳ mới nên làm xét nghiệm.

Phối hợp chặt chẽ với các phòng khám

Theo PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, TP vừa phát hiện thêm một ca bệnh mắc Zika tại quận 5, nâng tổng số ca bệnh do virus Zika tại TP.HCM lên năm ca (hai trường hợp tại quận 2, ba trường hợp còn lại tại quận 9, quận 12 và quận 5, mỗi nơi một ca).

Riêng tại quận 2, BS Phan Thành Phước, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận, cho biết cả hai trường hợp mắc Zika ở quận 2 đều do ngành y tế quận chủ động phát hiện.

Theo ông Phước, bệnh nhân ngụ phường An Phú là nữ (22 tuổi), làm nghề buôn bán. Ngày 11-10, bệnh nhân có hiện tượng sốt phát ban nên đến phòng khám địa phương. “Do được triển khai trước đó nên phòng khám chủ động lấy mẫu máu bệnh nhân và gửi Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm. Sau khi có kết quả chính thức bệnh nhân nhiễm virus Zika, Trung tâm Y tế dự phòng quận 2 tiến hành điều tra và giám sát ca bệnh” - BS Phước nói.

Kết quả điều tra cho thấy trong bán kính 200 m nơi bệnh nhân ở có nhiều điểm đọng nước. Do vậy, ngành y tế huy động nguồn lực tổng vệ sinh liên tục bốn tuần, đồng thời phun hóa chất diệt muỗi và lăng quăng.

“Giám sát dịch bệnh tại các phòng khám tư nhân rất quan trọng. Do đó ngành y tế cũng nên phối hợp chặt chẽ giữa bệnh viện với các đơn vị này để chủ động phát hiện và kịp thời xử lý ca bệnh mới” - BS Phước đề xuất.

BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết sau khi nhận thông tin về các trường hợp nghi ngờ bệnh do virus Zika trong hệ thống giám sát, trung tâm phối hợp với y tế dự phòng quận tiến hành điều tra dịch tễ tại nhà và quanh khu vực bệnh nhân ở. Đồng thời phun hóa chất diệt muỗi trong phạm vi ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông và tư vấn phòng bệnh trực tiếp cho thai phụ trong phạm vi ổ dịch, giám sát phát hiện ca bệnh mới cũng được triển khai ngay.

Thêm 2 trường hợp dị tật đầu nhỏ được phát hiện

Ngày 19-10, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho hai trường hợp mắc bệnh đầu nhỏ là bé Giàng Thị K.T. (bảy tuổi) và Giàng A Đ.D. (bốn tuổi) ngụ xã Ea Dăh, huyện Krông Năng để xét nghiệm nguyên nhân gây bệnh đầu nhỏ.

Sau sinh, các bác sĩ thấy vòng đầu của hai bé nhỏ hơn trung bình của những trẻ bình thường (lần lượt là 35 cm và 39 cm).

Theo người cha là Giàng A N., trước đó vợ chồng anh đã sinh hai người con, cả hai đều phát triển bình thường. Trong quá trình mang thai hai bé KT và ĐD, người vợ có nhiều lần bị sốt, ốm nhưng chỉ cho đi bệnh viện khám, uống thuốc và không làm các xét nghiệm gì khác.

BS Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk, cho biết ngành y tế phát hiện hai trường hợp này trước đó và cũng đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, do thời kỳ đó chưa có máy móc hiện đại nên không tìm ra nguyên nhân. “Trường hợp này, ngành y tế vẫn liên tục theo dõi nhưng không đưa vào diện bị bệnh Zika bởi virus Zika chỉ mới lưu hành ở Việt Nam từ cuối năm 2015” - BS Lào thông tin.

Trước đó cơ quan chức năng cũng phát hiện cháu HL (bốn tháng tuổi), con gái chị HB (trú xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, Đắk Lắk) bị chứng đầu nhỏ. Các cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu các trường hợp nghi Zika trên địa bàn gửi xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xác định nguyên nhân.

 

 

Để chủ động phòng ngừa dịch bệnh do virus Zika, ngoài triển khai các phòng khám tư nhân, ngành y tế quận, huyện cũng đề nghị các tiệm thuốc Tây trên địa bàn khi phát hiện người mua thuốc có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh do virus Zika thì nên khuyên họ tới khám tại cơ sở y tế. (Pháp luật TP. HCM (trang 12)

NĂM 2016, KHÔNG TĂNG GIÁ DỊCH VỤ Y TẾ ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA CÓ BHYT

Chiều 19/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá, đánh giá kết quả kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành giá một số mặt hàng cụ thể trong 9 tháng năm 2016 và định hướng điều hành giá 3 tháng cuối năm.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chủ trương nhất quán là các dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục dần tiến theo giá thị trường, phải kiên trì thực hiện để nâng cao chất lượng KCB và chất lượng giáo dục đi kèm với đó phải có chính sách an sinh xã hội, đảm bảo cho người nghèo, người có thu nhập thấp và đối tượng chính sách. Thủ tướng yêu cầu không tăng giá dịch vụ y tế cho người không có thẻ BHYT trong năm 2016. *Sức khỏe & Đời sống (trang 2).

BYT SIẾT CHẶT QUẢN LÝ DỊCH VỤ THUÊ, KHOÁN BÊN NGOÀI BỆNH VIỆN

Bộ Y tế nêu rõ, khi phát hiện tổ chức, cá nhân thực hiện các dịch vụ thuê ngoài không đảm bảo những cam kết với BV, có hành vi gây khó khăn cho người bệnh và người nhà bệnh nhân hoặc thu phí không đúng theo quy định thì BV chấn chỉnh hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng thực hiện…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến vừa ký Quyết định số 6197/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn quản lý dịch vụ thuê, khoán bên ngoài tại bệnh viện.

Theo Bộ Y tế, dịch vụ thuê, khoán ngoài tại bệnh viện là các dịch vụ bệnh viện được bệnh viện ký hợp đồng với đơn vị cung cấp bên ngoài bệnh viện để cung cấp một phần hoặc toàn bộ dịch vụ. Dịch vụ thuê, khoán bên ngoài tại bệnh viện bao gồm các dịch vụ có mục đích phục vụ cho công tác quản lý bệnh viện, nhu cầu người bệnh và gia đình người bệnh trong thời gian khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện.

Theo đó, các loại hình dịch vụ thuê, khoán bên ngoài như: Dịch vụ bảo vệ, an ninh trật tự; Dịch vụ vệ sinh công nghiệp và vệ sinh ngoại cảnh; Dịch vụ bảo quản thi hài người bệnh tử vong trong bệnh viện; Dịch vụ vận chuyển người bệnh không cần trợ giúp của y tế; Dịch vụ vận chuyển người bệnh cần có trợ giúp y tế; Dịch vụ ăn uống trong bệnh viện; Dịch vụ trông giữ xe; Dịch vụ ngân hàng hỗ trợ thanh toán cho người bệnh; Dịch vụ cung cấp hàng hóa, siêu thị mini; Dịch vụ bưu chính viễn thông… đều được quy định rõ ràng và các điều khoản ràng buộc nhằm đảm bảo quyền lợi người bệnh và người nhà bệnh nhân.

Các đơn vị cung cấp dịch vụ phải bảo đảm năng lực cung cấp dịch vụ với đầy đủ tư cách pháp nhân, đủ năng lực phương tiện, thiết bị và nhân lực để cung cấp dịch vụ, bảo đảm chất lượng dịch vụ và chịu trách nhiệm dịch vụ do mình cung cấp; đồng thời, phải bảo đảm chịu trách nhiệm về dịch vụ và thường xuyên phản hồi về chất lượng dịch vụ...

Quyết định cũng quy định rõ, trên hợp đồng dịch vụ phải thể hiện rõ các điều kiện về chấm dứt hợp đồng hoặc có hình thức xử lý khi vi phạm các nguyên tắc, nội dung đã được ký kết giữa bệnh viện và đơn vị cung cấp dịch vụ như: Cung cấp dịch vụ kém chất lượng so với cam kết trong hợp đồng trách nhiệm; Không đáp ứng với các tiêu chuẩn kỹ thuật về cung cấp dịch vụ; Thu không đúng với giá niêm yết, hoặc cao hơn giá thị trường với cùng chủng loại hàng hoá dịch vụ và điều kiện phục vụ; Người bệnh phàn nàn về tinh thần, thái độ phục vụ tuỳ theo mức độ vi phạm, hoặc tái phạm nhiều lần không được xử lý; Chịu trách nhiệm bồi thường cho bệnh viện trong trường hợp mất mát, hư hỏng do nhân viên của đơn vị cung cấp dịch vụ gây ra

Theo Quyết định này, bệnh viện có biện pháp quản lý chất lượng dịch vụ, giá của các dịch vụ cung cấp như thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng; không giao khoán toàn bộ cho đơn vị cung cấp dịch vụ để tránh tình trạng bắt ép người bệnh sử dụng dịch vụ hoặc cung cấp dịch vụ với giá cao. Giám đốc bệnh viện tổ chức chỉ đạo, giám sát triển khai thực hiện dịch vụ thuê, khoán bên ngoài tại các bệnh viện. Bệnh viện quản lý thông tin dịch vụ thuê, khoán bên ngoài, thực hiện chế độ quản lý thông tin dịch vụ thuê, khoán bên ngoài. Mặt khác, giao trách nhiệm cho từng bộ phận khoa, phòng phù hợp tương ứng với mỗi loại hình dịch vụ, thường xuyên kiểm tra, giám sát theo đúng kế hoạch và nội dung giám sát định kỳ được Giám đốc bệnh viện phê duyệt.

Quy định này cũng nêu rõ, khi phát hiện tổ chức, cá nhân thực hiện các dịch vụ thuê ngoài không đảm bảo những cam kết với bệnh viện, có hành vi gây khó khăn cho người bệnh và người nhà bệnh nhân hoặc thu phí không đúng theo quy định hợp đồng đã ký kết thì bệnh viện chấn chỉnh hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng thực hiện. (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).

PHẠT GẦN 670 TRIỆU ĐỒNG ĐỐI TƯỢNG DÙNG XE CỨU THƯƠNG CHỞ THUỐC LÁ LẬU

 Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh vừa quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền gần 670 triệu đồng đối với ông Trầm Tấn Hoàng Cương, sinh năm 1982, ngụ khóm 3, phường 1, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, về hành vi vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu số lượng lớn bằng ôtô cứu thương.

Cụ thể, phạt 85 triệu đồng đối với hành vi vi phạm về vận chuyển hàng cấm (thuốc lá điếu nhập lậu từ 500 bao trở lên) và phạt bổ sung, gồm​ tịch thu 750 bao thuốc lá điếu nhập lậu, buộc ông Trầm Tấn Hoàng Cương nộp số tiền tương đương giá trị xe ôtô biển số 84A-013.74 là 584.640.000 đồng vào ngân sách nhà nước, do phương tiện được sử dụng trái phép để vi phạm hành chính.

Theo Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Trà Vinh, lúc 15 giờ 30 chiều 15/9/2016, tại khu vực ấp Sa Bình, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Trà Vinh kiểm tra bắt quả tang ông Trầm Tấn Hoàng Cương vận chuyển hàng cấm là 750 bao thuốc lá điếu nhập lậu; trong đó, 250 bao hiệu HERO và 500 bao hiệu ZET trên xe ôtô cứu thương (của một Phòng khám tư nhân tại thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh), biển kiểm soát 84A-013.74 đi từ Thành phố Hồ Chí Minh về thành phố Trà Vinh. 

Đối tượng Cương khai nhận, số thuốc lá này Cương mua của một người không rõ họ tên ở Thành phố Hồ Chí Minh, số tiền hơn 10 triệu đồng, với ý định bán lại cho các tiểu thương ở Trà Vinh để kiếm lời./.  (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).

HƯỚNG VỀ CƠ SỞ - GIẢM TẢI BV: DỐC SỨC HỖ TRỢ TUYẾN DƯỚI

Là BVĐK tuyến cuối cả nước của khu vjwc ĐBSCL, BVĐK Trung ương Cần Thơ tích cực triển khai nhiều kỹ thuật mới, cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch đồng thời dốc sức hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới để người bệnh yên tâm điều trị ngay gần nhà (chi tiết xem báo) (Sức khỏe & Đời sống (trang 6).

Y TẾ QUẢNG BÌNH, HÀ TĨNH GIÚP DÂN XỬ LÝ MÔI TRƯỜNG, PHÒNG BỆNH SAU LŨ

Hà Tĩnh, Quảng Bình là 2 địa phương gánh chịu hậu quả nặng nề sau đợt mưa lũ lịch sử vừa qua. Đáng lưu ý, hệ thống y tế cũng phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề. Theo thống kê của ngành Y tế Quảng Bình, 100% cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng, phần lớn là bị tốc mái, vỡ cửa kính; hệ thống điện, nước bị hư hỏng. Một số công trình, hạng mục phục vụ cho công tác thu dung điều trị bệnh nhân ở các BV bị lũ lụt phá vỡ, có khoảng 90/159 trạm y tế xã, phường, thị trấn bị ngập nước, ước tính tổng số thiệt hại ban đầu là khoảng trên 40 tỷ đồng (chi tiết xem báo). (Sức khỏe & Đời sống (trang 7).

LIÊN TIẾP PHÁT HIỆN CA MẮC CHỨNG ĐẦU NHỎ: NGƯỜI DÂN NÊN ỨNG PHÓ RA SAO?

Liên tiếp trong thời gian qua, cả nước phát hiện thêm nhiều ca mắc virus Zika và các bệnh nhi bị dị tật bẩm sinh chứng đầu nhỏ. Theo các chuyên gia, để phòng chống dịch bệnh do virus Zika này, cần phải thay đổi phương thức tuyên truyền.

Liên tiếp phát hiện ca nhiễm Zika mới, dị tật đầu nhỏ

TPHCM vừa công bố thêm một người đàn ông vừa nhiễm virus Zika, nâng tổng số người nhiễm từ trước đến nay tại thành phố này lên con số 5. Đó là bệnh nhân 32 tuổi ở quận 5. Trước đó, bệnh nhân sốt phát ban, đau cơ… nên đi xét nghiệm. Chỉ trong vòng nửa tháng qua, TPHCM đã phát hiện ra 3 ca nhiễm virus Zika, tại quận 5, quận 12 và quận 2. Mới nhất, một bé gái 4 tuổi (ở Long An) vừa được phát hiện nhiễm vius Zika Trên cả nước, đến nay đã chính thức ghi nhận 9 ca mắc virus Zika.

Tại Đắk Lắk, ngoài việc khẳng định em bé 4 tháng tuổi ở huyện KrôngBuk chính xác bị dị tật bẩm sinh chứng đầu nhỏ, Sở Y tế tỉnh này cho biết, đã phát hiện thêm 2 trường hợp trẻ bị dị tật đầu nhỏ. Đó là cháu T (7 tuổi) và em ruột là cháu D (4 tuổi) ở thôn Giang Đông, xã Ea Đáh, huyện Krông Năng. Hiện, cháu T có vòng đo đầu là 35cm, cháu D là 39cm, nhỏ hơn nhiều so với các trẻ cùng lứa tuổi.

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH chiều 20/10, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đối với bé gái 4 tháng tuổi ở huyện Krông Buk, đoàn kiểm tra đã tìm hiểu rất nhiều yếu tố dịch tễ cùng với lấy máu, nước tiểu xét nghiệm… để xác định bé bị dị tật đầu nhỏ do nguyên nhân nào. PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết: “Chúng tôi đã hỏi gia đình, mẹ bé có tiếp xúc với hóa chất độc hại không? Có bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học hay không, hoặc có mắc các bệnh lý khác trong thời gian mang thai hay không? Gia đình, người thân cũng được hỏi về những vấn đề này. Đồng thời, chúng tôi cũng lấy máu xét nghiệm những người xung quanh có triệu chứng sốt, nghi ngờ mắc Zika để làm xét nghiệm”.

Đối với 2 ca phát hiện mắc chứng đầu nhỏ cũng ở Đắk Lắk, PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay, Cục Y tế dự phòng đã nhận được thông tin này. “Dù chưa đến tận nơi nhưng Cục đã giao Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên điều tra. Tuy nhiên, 2 trường hợp này không có dấu hiệu đầu nhỏ lâm sàng điển hình do virus Zika. Hơn nữa, hiện các bé đã lớn nên không nên nghĩ là do virus Zika. Lúc đó, dịch bệnh Zika chưa bùng phát ở Việt Nam hay châu Á. Trong khi, chứng đầu nhỏ còn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như: Nhiễm virus (rubella…), vi khuẩn (giang mai...), ký sinh trùng (toxoplasma…), nhiễm độc, suy dinh dưỡng, yếu tố di truyền”, PGS.TS Trần Đắc Phu chia sẻ.

Cần thay đổi cách tuyên truyền về dịch bệnh Zika

Tại TPHCM, ngay sau khi phát hiện thêm trường hợp người đàn ông nhiễm virus Zika, thành phố này đã công bố dịch do virus Zika ở quy mô xã, phường. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, đây là việc làm cần thiết, rất có giá trị, bởi ngoài việc cảnh báo cho người dân biết cách phòng chống, chính quyền hỗ trợ phòng chống dịch, việc công bố cũng là để các cấp ủy, chính quyền phải xem xét, theo dõi, có các biện pháp để đáp ứng.

Đặc biệt, trong cuộc họp gần đây giữa Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, lãnh đạo UBND thành phố cùng ngành Y tế về phòng chống dịch bệnh Zika, chính quyền thành phố này yêu cầu cần phải thay đổi cách tuyên truyền về bệnh do virus Zika. Theo đó, giải pháp cấp bách nhất được đưa ra là phân công người theo dõi dịch bệnh ở trên tất cả các quận, huyện trên toàn thành phố.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hiện nay cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề đáp ứng, thực hiện tốt chiến dịch diệt loăng quăng bọ gậy ngay tại địa phương. PGS.TS Trần Đắc Phu nói: “Làm sao tuyên truyền không chung chung nữa mà phải cụ thể, trúng đích. Nên chăng, cần tổ chức cho chị em phụ nữ, cùng họp lại để phổ biến vấn đề này, hoặc ở các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, cần thông qua già làng, trưởng bản, trưởng thôn ấp… để phổ biến cho người dân biết cách phòng bệnh”.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia y tế, cũng cần tuyên truyền cho người dân không quá hoang mang lo lắng về dịch bệnh này. Bởi bệnh do virus Zika thường nhẹ, còn nhẹ hơn sốt xuất huyết. Người lớn nhiễm virus Zika hầu như không có vấn đề gì và có thể khỏi sau 4-5 ngày điều trị triệu chứng. Bệnh được khuyến cáo nguy hiểm với phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu, vì biến chứng nguy hiểm nhất do virus Zika theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là có liên quan đến chứng đầu nhỏ (teo não) ở trẻ sơ sinh. “Trong số các bà mẹ mang thai mắc Zika, chỉ có 1-10% sinh con mắc dị tật chứng đầu nhỏ có thể khiến trẻ ảnh hưởng trí tuệ, vận động, nói năng, sinh hoạt, nhưng rõ ràng phải tư vấn rất đầy đủ, để họ không hoang mang, lo lắng. Nếu tuyên truyền không đúng, việc các bà mẹ mang thai dù không có triệu chứng gì cũng đi xét nghiệm ồ ạt là không nên” PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay.

Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện nay ngành Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân chủ động phòng chống cá nhân đối với virus Zika, bằng cách mặc áo dài tay, bôi kem xua muỗi… Với phụ nữ có dự định mang thai, hay đang có thai, khuyến cáo không nên tới vùng có dịch. Trong thời kỳ mang thai, nếu có triệu chứng mắc virus Zika (sốt, phát ban, đau khớp, đau cơ, đau mắt đỏ…), cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm.

Hiện Việt Nam đã có đủ khả năng đáp ứng các loại xét nghiệm phát hiện Zika.Tại TPHCM, các bệnh viện quận, huyện sẽ tiếp tục thực hiện tầm soát bệnh do virus Zika đến hết năm 2016. Tất cả các bệnh nhân nghi ngờ bệnh do virus Zika sẽ được xét nghiệm và tìm virus miễn phí. “Bệnh do virus Zika thường không phát hiện được trong 3 tháng đầu kỳ như các loại virus khác. Do đó, các bà mẹ mang thai phải hết sức phòng chống”, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, tới đây sẽ mở rộng lấy mẫu xét nghiệm phát hiện virus Zika ở người trên toàn quốc, tập trung những vùng nguy cơ cao ở Khánh Hòa, TPHCM, Tây Nguyên… Hiện nay, tình hình dịch bệnh ở phía Bắc đang tương đối “yên ắng”, nhưng Zika vẫn có thể bùng phát vì có sự giao thương liên tiếp, do đó không được chủ quan, phải tăng cường giám sát, theo dõi, tư vấn cho bà mẹ mang thai để có hướng xử trí phù hợp.

Ngày 20/10, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tổ chức lễ khởi động Văn phòng đáp ứng khẩn cấp (EOC). Trước đó (tháng 2/2015), Văn phòng EOC Quốc gia đặt tại Bộ Y tế đã được khởi động, qua thời gian hoạt động, đã cho thấy hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh (như Ebola, cúm A, Zika ...). Văn phòng EOC thứ hai đặt tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương có nhiệm vụ thu thập thông tin về dịch bệnh của 28 tỉnh khu vực phía Bắc để xây dựng nguồn dữ liệu quốc gia về dịch bệnh, đưa ra cảnh báo bất thường về dịch bệnh. Đây sẽ là nơi kết nối với Văn phòng EOC Quốc gia ở Bộ Y tế và EOC ở TPHCM hay Tây Nguyên (trong thời gian tới), hình thành mạng lưới đáp ứng khẩn cấp các dịch bệnh. (Gia đình & Xã hội (trang 7).

BÁC SĨ 3 BV PHỐI HỢP CỨU SỐNG SẢN PHỤ NGUY KỊCH

Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết trong kíp trực sáng 18-10 BV huyện Cần Giờ tiếp nhận bệnh nhân nữ 35 tuổi, ngụ xã Long Hòa, huyện Cần Giờ trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân có triệu chứng da xanh, niêm nhạt, chóng mặt, người mệt, huyết áp không đo được.

Ban Giám đốc BV Cần Giờ đã chủ động báo động đỏ nội viện, huy động nhân lực của BV thuộc các khoa có liên quan tham gia cấp cứu.

Bệnh nhân được siêu âm và kết quả xác định chẩn đoán thai ngoài tử cung vỡ. Đồng thời trong quá trình siêu âm, bệnh nhân được xét nghiệm máu tại chỗ, dự trù máu, êkip khẩn trường chuẩn bị phòng mổ.

Sau 20 phút kể từ lúc nhập viện, bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu, êkip mổ gồm bác sĩ chuyên khoa sản của BV Hùng Vương, bác sĩ gây mê của BV Nguyễn Tri Phương (các bác sĩ này đang luân phiên tại BV huyện Cần Giờ) cùng các bác sĩ BV huyện Cần Giờ.

Sau ca mổ, tình trạng bệnh nhân ổn định, hiện đang được chăm sóc tích cực. Các bác sĩ đánh giá bệnh nhân đã phục hồi và tiên lượng rất tốt.

Được biết thời gian trước đây khi chưa được sự hỗ trợ luân phiên của các bác sĩ chuyên khoa của các BV thành phố, BV Cần Giờ không thể phẫu thuật cấp cứu sản khoa. Những trường hợp tương tự phải tự chuyển viện khẩn cấp. (Pháp luật TP.HCM (trang 13).

PHẪU THUẬT CẮT BỎ NANG PHỔI BẨM SINH CHO TRẺ SƠ SINH 5 NGÀY TUỔI

Bệnh nang phổi bẩm sinh có thể được phát hiện sớm trong thời kỳ bào thai nhờ kỹ thuật siêu âm hoặc MRI, phát hiện được trước tuần thứ 20 của thai kỳ


Ngày 18/10, Giám đốc Bệnh viện Sản- Nhi Quảng Ninh, BS Nguyễn Quốc Hùng cho biết, cùng ngày các bác sĩ của Bệnh viện đã phẫu thuật cắt bỏ thành công phần nang phổi bẩm sinh cho trẻ sơ sinh mới 5 ngày tuổi.

Trước đó, Khoa Ngoại và Chuyên Khoa, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận bé Vũ Huyền Lâm, 5 ngày tuổi (thường trú tại Tổ 11 Khu 9 Phường Bãi Cháy Tp Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) bị nang phổi bẩm sinh. Kết quả xét nghiệm, siêu âm ổ bụng và chụp CT cho thấy phần nhu mô phổi có tổn thương dạng nang khí - dịch, thành dày, tập trung thành đám thuỳ trên, kích thước ~ 45*20 mm.

Trước đó ở tuân thai thứ 20 mẹ của bé đã được khoa Chẩn đoán trước sinh Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh chẩn đoán bé bị nang phổi bẩm sinh. Đến ngày 13/10/2016, bé được sinh ra tại viện và được theoi dõi, chăm sóc tại Khoa Sơ sinh. Qua hội chẩn chuyên khoa các bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt nang phổi bẩm sinh cho bé.
Kíp mổ phẫu thuật do Bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng – GĐ bệnh viện, Bác sỹ Bùi Hải Nam – cùng các kỹ thuật viên tiến hành.

Ca phẫu thuật tuy khó khăn do bệnh nhi còn quá bé, phẫu trường rất nhỏ, khó thao tác nhưng đã thành công tốt đẹp. Khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, các bác sĩ đã cắt bỏ toàn bộ phần nang phổi bẩm sinh cho bé Lâm.

Theo BS Nguyễn Quốc Hùng, bệnh nang phổi bẩm sinh có thể được phát hiện sớm trong thời kỳ bào thai nhờ kỹ thuật siêu âm hoặc MRI, phát hiện được trước tuần thứ 20. Do đó trong giai đoạn trước sinh, người mẹ cần khám và siêu âm định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý ở phổi nói chung và bệnh nang phổi bẩm sinh nói riêng, từ đó có phương án điều trị ngay sau sinh.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, khi phát hiện con mình có các triệu chứng ho, khò khè kéo dài, viêm phổi thường xuyên tái phát, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên môn cao để bác sỹ kiểm tra và chỉ định điều trị kịp thời.

các bác sĩ cũng khuyến cáo, để phát hiện bệnh kịp thời cho thai nhi, các bà mẹ mang thai nên theo dõi và quản lý thai kì chặt chẽ nhằm phát hiện sớm dị tật trước sinh, phát hiện sớm các dị tật của trẻ. Việc phát hiện và điều trị sớm có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển sức khỏe và thể chất lâu dài của trẻ.

Được biết, trong này 18/10/2016 các bác sĩ Khoa Ngoại và Chuyên Khoa của Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh Quảng Ninh cũng đã phẫu thuật thành công cho bé trai 3 tuổi bị u tuyến thượng thận bên phải (Sức khỏe & Đời sống (trang 5).

HÀ TĨNH LẦN ĐẦU TIÊN PHẪU THUẬT TẠO HÌNH KHUYẾT VÒM SỌ BẰNG XƯƠNG SỌ TỰ THÂN

Bác sĩ Nguyễn Viết Đồng – Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết đơn vị này vừa tiến hành phẫu thuật tạo hình khuyết vòm sọ bằng xương sọ tự thân được bảo quản lạnh sâu thành công trên bệnh nhân bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông.

Cách đây 5 tháng, bệnh nhân Lê Trường Dụng (66 tuổi) ở xã Kỳ Tây – Huyện Kỳ Anh bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não, liệt nửa người và đã được các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức Hà Nội mổ cấp cứu, giải tỏa nảo và mãnh sọ được cất giữ tại Phòng bảo quản mô của Trường đại học Y Hà Nội, sau đó được chuyển về tuyến dưới tiếp tục điều trị phục hồi chức năng.

Cách đây 2 ngày người nhà đã đưa bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa tỉnh để tiếp tục điều trị, tại đây sau khi được các bác sĩ Khoa Chấn thương thăm khám và giải thích là bệnh nhân có thể tiến hành phẫu thuật tạo hình khuyết vòm sọ bằng xương sọ tự thân ngay tại Bệnh viện nên người nhà đã đồng ý và đã liên hệ với Trường đại học Y Hà Nội lấy mãnh xương về để ghép.

Bác sĩ Đào Xuân Lý - Phó khoa chấn thương, người trực tiếp phẫu thuật cho biết: ngay sau khi bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đồng ý chúng tôi đã chuyển bệnh nhân lên phòng mổ để tiến hành mổ bóc tách và ghép mảnh xương sọ có kích thước 14cm x 25cm về vị trí cũ, đảm bảo tính thẩm mỹ cũng như độ an toàn cho bệnh nhân. Trước đây những trường hợp như thế này đều phải chuyển lên tuyến trên mới phẫu thuật được.

Bác sĩ Lý cho biết thêm: Trong tất cả các loại chấn thương thì chấn thương sọ não thường dễ để lại những hậu quả nặng nề, dẫn đến tử vong hoặc tàn phế cho nạn nhân. Nhiều nạn nhân sống sót nhưng có các ổ khuyết xương sọ, nhu mô não bên trong chỉ được bảo vệ bằng một lớp da và tổ chức phần mềm mỏng ở bên ngoài. Sự thiếu hổng hộp so gây ra "Hội chứng khuyết sọ" bao gồm các triệu chứng: Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn khi thay đổi tư thế hoặc thay đổi thời tiết, khi trời quá nóng hoặc quá lạnh, gây tâm lý lo sợ khi lao động, sinh hoạt vì luôn phải tìm cách tránh va chạm với những vật cứng, làm cho bệnh nhân ngại tiếp xúc với mọi người vì lý do thẩm mỹ.

Với các ổ khuyết sọ lớn, cấu trúc não bộ bên dưới có thể bị biến đổi, qua đó ảnh hưởng tới chức năng của não. Hơn nữa, việc luôn mang theo mình ổ khuyết sọ, khiến cho bệnh nhân mặc cảm và khó khăn trong hội nhập với cộng đồng.

Được biết, sau 2 ngày phẫu thuật bệnh nhân đã tỉnh táo, nghe, nói được và ăn uống tốt, dự kiến sau khoảng 1 tuần nữa bệnh nhân sẽ được xuất viện. (Sức khỏe & Đời sống (trang 6).

BVĐK MÈO VẠC: PHẪU THUẬT THÀNH CÔNG KHỐI U 10 KG TRONG Ổ BỤNG BÉ GÁI 12 TUỔI

Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc vừa phẫu thuật, cắt bỏ thành công khối u nặng 10kg trong ổ bụng bé gái 12 tuổi. Nếu không cắt bỏ khối u kịp thời, bé gái có thể tử vong do suy kiệt.

Bệnh nhân là em Sùng Thị Dính, 12 tuổi trú tại xã Thượng Phùng (Mèo Vạc), nhập viện trong tình trạng bụng to như người mang thai tháng thứ 9. Sau khi nhập viện, bệnh nhân đã được các y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc thực hiện các xét nghiệm lâm sàng, chụp Xquang... và được chẩn đoán là u ổ bụng.

Gia đình bệnh nhân cho biết, cách đây 1 năm phát hiện thấy bụng của em Dính tự nhiên to dần gây căng, tức khó chịu, nhưng do chủ quan và kinh tế gia đình khó khăn, không có điều kiện đưa cháu đi khám tại các cơ sở y tế.

Sau khi hội chẩn, lãnh đạo bệnh viện đã giải thích về tình trạng bệnh và khuyên gia đình chuyển bệnh nhân lên Bệnh viên tuyến trên nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên gia đình có đơn xin được phẫu thuật và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc.

Trước tình hình đó, lãnh đạo bệnh viện đã quyết định mổ lấy khối u ra cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật diễn ra trong thời gian 3 tiếng, các y, bác sỹ đã bóc tách thành công khối u nặng 10kg nằm trọn trong ổ bụng, chèn ép phổi và gan lên cao, gây biến dạng dạ dầy, ruột... Sau khi phẫu thuật các bác sỹ xác định là U sau phúc mạc.

Theo bác sỹ Tạ Tiến Mạnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc, trong thời gian qua bệnh viện đã nhiều lần mổ thành công các khối u lớn trong ổ bụng. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Bệnh viện thực hiện mổ lấy khối u sau phúc mạc có kích thước khổng lồ và phức tạp lên đến 10 kg ra khỏi cơ thể một bé gái 12 tuổi.

BS. Tạ Tiến Mạnh cũng cho biết nếu không được cắt bỏ khối u, bệnh nhân sẽ bị suy kiệt, do khối u chèn ép nội tạng, lấy các chất dinh dưỡng của bệnh nhân và có thể dẫn đến tử vong. Hiện bệnh nhân đang trong quá trình hồi phục sau mổ. (Sức khỏe & Đời sống (trang 6).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang