Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 21/1/2017

  • |
T5g.org.vn - Các bệnh viện đã sẵn sàng phục vụ người dân trong dịp Tết; Khảo sát về an toàn vệ sinh thực phẩm; Đảm bảo không thiếu thuốc chữa bệnh; Cử nhân điều dưỡng, lương 2.500 euro/tháng; Cơ sở y tế công hoạt động khám bệnh không phép; ...

 

Các bệnh viện đã sẵn sàng phục vụ người dân trong dịp Tết

Chỉ còn một tuần nữa là đến Tết Đinh Dậu 2017. Trong bối cảnh WHO dự báo có những diễn biến khó lường về dịch bệnh và tình hình tham gia giao thông của người dân dịp này rất đông, có nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông, các bệnh viện (BV), nhất là các BV tuyến Trung ương đều đã lên kế hoạch chuẩn bị cho công tác khám, chữa bệnh (KCB) trong dịp Tết một cách chu đáo.

Là BV ngoại khoa tuyến cuối nên Tết năm nào, BV Việt Đức cũng là điểm nóng tiếp nhận các bệnh nhân cấp cứu nặng do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, đánh nhau v.v… từ tuyến dưới chuyển lên. Hầu hết những trường hợp chuyển đến đây đều trong tình trạng “thập tử nhất sinh” nên công việc cấp cứu vô cùng khó khăn và vất vả.

Theo GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức, những ngày này, số lượng bệnh nhân nhập viện cấp cứu đã tăng khoảng 20%. Dự kiến số bệnh nhân sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới, cao nhất thường từ 28 Tết và từ mùng 3 Tết trở ra, lúc mọi người tham gia giao thông nhiều hơn. 

Để chủ động trong công tác KCB, BV đã phân công các bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên… ứng trực 24/24h trong những ngày Tết, từ trực chuyên môn cấp cứu, KCB đến hậu cần, đường dây nóng…

GS.TS. Trần Bình Giang cho biết: Do đặc thù của BV thường phải tiếp nhận các ca nặng nên hệ thống trực cấp cứu và phòng phẫu thuật của BV được đặt trong tình trạng sẵn sàng phục vụ bất cứ lúc nào. Mỗi ngày có khoảng 400 cán bộ nhân viên, trong đó có khoảng 30 bác sỹ trực tại BV và 5 phòng phẫu thuật luôn sẵn sàng.

Trong trường hợp số lượng bệnh nhân cần phẫu thuật cùng thời điểm tăng cao thì BV vẫn đảm bảo đáp ứng đủ. Lãnh đạo BV sẽ chúc Tết và mừng tuổi bệnh nhân điều trị tại các khoa vào lúc Giao thừa, để động viên họ yên tâm chữa trị. Dự kiến, có khoảng 500 bệnh nhân ăn Tết tại BV.

Nói về công tác trực ở BV Bạch Mai, PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai cho biết: Trong những ngày nghỉ Tết, BV vẫn tổ chức KCB như ngày thường. 100% lãnh đạo BV trực Tết để kịp thời giải quyết các tình huống phát sinh. Mỗi ngày sẽ có khoảng 350 nhân viên y tế trực cấp cứu và KCB.

 BV đã tăng thêm 4 điểm khám tại BV, đồng thời dự trù đầy đủ thuốc, vật tư y tế tiêu hao… đảm bảo phục vụ bệnh nhân, không để bệnh nhân phải mua bên ngoài. Riêng khu vực chạy thận nhân tạo, 100% quân số trực để đảm bảo phục vụ tất cả các bệnh nhân chạy thận như thông thường. Trong trường hợp phải cấp cứu hàng loạt khi có thảm họa, BV đã có 3 đội lưu động sẵn sàng lên đường. Ngoài ra, BV còn các phương án dự phòng nhân lực khi có tình huống phát sinh.

TS. Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch –Tổng hợp của BV Bạch Mai cho biết thêm, dự kiến sẽ có khoảng 600 người bệnh và nhân viên y tế ăn Tết tại BV. Trong 3 ngày Tết, bệnh nhân sẽ được tặng các suất ăn miễn phí (25.000 đồng/người), bệnh nhân đón Giao thừa tại BV sẽ được BV tặng quà. Tổng số tiền chi cho bệnh nhân và nhân viên y tế ăn Tết khoảng 400-500 triệu đồng.

BV E cũng đã bố trí 120- 150 cán bộ trực Tết. BV đã chuẩn bị đầy đủ lượng máu, các chế phẩm của máu và các trang thiết bị, phục vụ hậu cần luôn sẵn sàng. Mỗi bệnh nhân nhập viện vào dịp Tết sẽ được BV hỗ trợ 50.000 đồng/ngày/người để giúp họ vơi bớt một phần khó khăn.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế) cũng cho biết, Bộ Y tế sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất việc chuẩn bị thường trực cấp cứu của một số BV trước và trong dịp Tết. Các BV là phải chủ động đối phó tình hình dịch bệnh trong dịp Tết, đặc biệt dịch tiêu chảy cấp và dịch cúm, dịch chân tay miệng, sốt xuất huyết...

Trong các ngày mồng 1, 2 Tết, lãnh đạo Bộ Y tế sẽ chúc Tết một số BV cùng bệnh nhân nằm viện. Ngày mồng 3 Tết, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ GTVT sẽ kiểm tra công tác trực cấp cứu tại BV Việt Đức và thăm hỏi những bệnh nhân bị tai nạn giao thông trong dịp này.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cho biết thêm: Tất cả các đơn vị y tế đều trực Tết 24/24 giờ và phải công khai số điện thoại đường dây nóng của BV, của Bộ Y tế. Nếu người dân phát hiện cán bộ y tế bỏ trực, gây phiền hà cho người bệnh, hãy gọi ngay đến đường dây nóng, Bộ Y tế sẽ vào cuộc kịp thời. (Công an Nhân dân, trang 6)

 

Khảo sát về an toàn vệ sinh thực phẩm

Ngày 20-1, Đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội đã khảo sát về tình hình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ Long Biên và Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm sạch Thường Loan, xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh.

Theo ghi nhận của Đoàn khảo sát, chợ Long Biên buôn bán mặt hàng hoa quả, nông sản, thực phẩm trong nước và nhập khẩu với 1.188 hộ kinh doanh. Ban quản lý chợ thường xuyên phối hợp lấy mẫu rau, quả, thủy sản xét nghiệm và hầu hết đều đạt chỉ tiêu. Còn Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm sạch Thường Loan cũng xác định rõ nguyên liệu đầu vào các sản phẩm bảo đảm (giò, chả, nem chua), sản xuất đúng quy trình. Đoàn đề nghị Ban Quản lý chợ Long Biên và lãnh đạo Công ty Thường Loan cần phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh kiểm tra, đảm bảo an toàn thực phẩm; đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm, nhằm bảo đảm sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng. (Hà Nội mới, trang 7)

 

Đảm bảo không thiếu thuốc chữa bệnh

Ngày 20-1, phản ứng trước thông tin về việc nhiều cơ sở kinh doanh thuốc từ chối cung cấp thuốc cho bệnh viện do chưa có văn bản hướng dẫn Luật Dược 2016, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, ngay từ đầu năm 2017, Cục Quản lý Dược đã có Công văn số 76/QLD-KD gửi các sở y tế, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Tổng công ty Dược Việt Nam, các đơn vị sản xuất, nhập khẩu thuốc đề nghị các đơn vị xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ thuốc đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, chú trọng sẵn sàng cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác cấp cứu. Tất cả các đơn vị phải phân công cán bộ chuyên trách về dược trực 24/24 trong các ngày nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 để theo dõi, nắm bắt tình hình và đảm bảo cung ứng thuốc trên địa bàn.

Riêng với nhóm thuốc thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc, Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc khẩn trương sản xuất, cung ứng thuốc cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo đúng các giấy phép và dự trù đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh của nhân dân, đặc biệt là trong dịp nghỉ Tết nguyên đán Đinh Dậu sắp tới.

Về việc các bệnh viện bị thiếu thuốc phục vụ điều trị, đại diện Cục Quản lý Dược cho biết, ngay khi nhận được phản ánh của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Cục Quản lý Dược đã liên hệ với các cơ sở kinh doanh, kịp thời hướng dẫn, giải quyết vướng mắc. Việc cung ứng thuốc cho các bệnh viện này sau đó đã được đáp ứng đầy đủ. Cho đến nay, Cục Quản lý Dược chưa nhận được thông tin từ đơn vị nào nữa về việc thiếu thuốc điều trị. (Sài Gòn giải phóng, trang 6)

Cùng chủ đề Báo Thanh niên trang 2: “Khần trương khắc phục tình trạng thiếu thuốc”; Báo Tuổi trẻ trang 4: “Bộ Y tế gỡ rối cho tình trạng thiếu thuốc nhóm đặc biệt”

 

Cử nhân điều dưỡng, lương 2.500 euro/tháng

Đức đã chấp nhận bằng cử nhân điều dưỡng được đào tạo tại ĐH Y Hà Nội bằng chương trình tiên tiến. Sau khi trải qua một khóa học thi cấp chứng chỉ hành nghề, các ứng viên được làm việc tại các bệnh viện lớn của Đức với mức lương từ 2.300 Euro/tháng đến 2.500 Euro/tháng.

PGS. Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho biết trong 35 chương trình tiên tiến được Chính phủ và Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo tại Việt Nam thì điều dưỡng là ngành duy nhất nằm trong nhóm ngành khoa học sức khỏe được “cấp phép”. Chương trình tiên tiến điều dưỡng của ĐH Y Hà Nội được nhập khẩu từ chương trình đào tạo của ĐH Long Beach (Bang California, Mỹ). 

Theo PGS, Nguyễn Hữu Tú, có một điều may mắn là khi tìm đầu ra cho sinh viên, trường đã kết nối được với đối tác bên Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức. Điều kiện để được sang làm điều dưỡng tại Đức rất ngặt nghèo. Thứ nhất phải có bằng ĐH về điều dưỡng tại các trường mà Đức công nhận (đó là những trường lọt top của thế giới), thứ hai phải được chính phủ Đức cấp chứng chỉ hành nghề.

Chương trình đào tạo Điều dưỡng của ĐH Long Beach là một trong những trường được CHLB  Đức chấp nhận. Để thi được chứng chỉ hành nghề của Đức, các ứng viên Việt Nam phải trải qua 1 năm học tiếng Đức để đạt được chứng chỉ B2 tiếng Đức theo khung tham chiếu châu Âu và 6 tháng thực hành tại Đức để thi chứng chỉ hành nghề. Đặc biệt, các khóa học này đều được phía CHLB Đức đài thọ kinh phí.

Cho đến nay, đã có 20 sinh viên trong số 40 sinh viên khóa đầu tiên  của chương trình được Đức cấp chứng chỉ và đang hành nghề tại Đức với mức lương là 2.300 Euro/tháng, nếu tính cả tiền làm thêm giờ và thứ bảy chủ nhật là 2.500 Euro/tháng.

“Hiện nay họ có quyền làm việc ở Đức cũng như Liên minh Châu Âu. Chăm sóc sức khỏe của Đức đang là ngành khát nhân lực. Tôi được biết việc tuyển chọn điều dưỡng viên tại Việt Nam là một đề án thí điểm của CHLB Đức. Tổ chức đào tạo xuất khẩu lao động này đứng ra nhận làm đề án thí điểm cho đối tác Đức. Đây thực sự là cơ hội vàng cho chúng ta” - PGS. Nguyễn Hữu Tú khẳng định.

Trước câu hỏi về tình hình xuất khẩu điều dưỡng hiện nay, phía Nhật hay phía Đức chỉ cần ứng viên tốt nghiệp THPT, không cần đến cử nhân? PGS. Nguyễn Hữu Tú khẳng định ở nước ngoài, khái niệm của họ rất rạch ròi. Tại Đức hay tại Nhật, nếu là điều dưỡng là phải làm việc tại các bệnh viện lớn (bệnh viện có 500 - 1.000 giường bệnh), được “sờ” vào bệnh nhân. “Theo tôi được biết, lao động Việt Nam sang các nước này nếu không có bằng cử nhân điều dưỡng được công nhận, không có chứng chỉ hành nghề điều dưỡng thì họ sẽ làm các công việc như hộ lý tại các trung tâm dưỡng lão, không phải tại các bệnh viện lớn. Mức lương khởi điểm của họ cũng khác các điều dưỡng thực thụ” - ông Tú cho hay.

Ông Tú cho biết, hiện cũng đã có khoảng 20 sinh viên trong số các sinh viên tốt nghiệp khóa 2 đang chuẩn bị  sang Đức. “Chúng ta không nên lo lắng nếu họ sang làm việc tại Đức sẽ mất nguồn lao động. Họ làm  3-5 năm rồi sau đó  có thể ở  lại  hoặc quay về. Những người quay về vô cùng quý. Vì họ có thể thay đổi cả hệ thống điều dưỡng tại các bệnh viện tại Việt Nam theo hình thức mới mà họ  được trải nghiệm. Hiện chúng ta chưa có một con người nào như thế”- PGS. Nguyễn Hữu Tú cho hay. (Tiền phong, trang 10)

 

Cơ sở y tế công hoạt động khám bệnh không phép

Ngày 20.1, Sở Y tế TP.HCM đã công bố Kết luận thanh tra toàn diện hoạt động Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường (trực thuộc Sở Y tế, số 49 bis Điện Biên Phủ, P.Đa Kao, Q.1, sau đây gọi tắt là Trung tâm).

Theo kết luận thanh tra, về pháp lý, Trung tâm tuy chưa được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động (theo luật Khám bệnh, chữa bệnh, đến cuối 2015 tất cả cơ sở y tế không phân biệt công tư đều phải có giấy phép hoạt động), chưa có công văn chấp thuận được phép khám sức khỏe nhưng vẫn thực hiện khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho các đơn vị.

Trung tâm hiện tại có 15 bác sĩ (BS), trong đó 6 BS không có chứng chỉ hành nghề. Trung tâm thiếu các BS có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa răng hàm mặt, sản, xét nghiệm, da liễu và ngoại. Do đó, Trung tâm đã thuê 14 BS bên ngoài để thực hiện khám sức khỏe, nhưng trong số đó 8 BS không có chứng chỉ hành nghề.

Sở Y tế TP.HCM làm việc với cơ quan chức năng về giải pháp dẹp 'cò' khám chữa bệnh khu vực Phòng khám đa khoa Medic.

Về hoạt động khám sức khỏe định kỳ, 3/7 BS ký kết luận nhưng không có chứng chỉ hành nghề. Năm 2014, Trung tâm thực hiện hợp đồng khám sức khỏe 58 đơn vị và năm 2015 là 50 đơn vị, nhưng không có quyết định thành lập đoàn khám sức khỏe định kỳ cho từng đơn vị cũng như không lưu trữ hồ sơ khám sức khỏe định kỳ...

Sở Y tế TP.HCM cho rằng trách nhiệm thuộc về Giám đốc Trung tâm thời kỳ thanh tra và ông Nguyễn Văn Sáu - Giám đốc Trung tâm hiện nay. Sở Y tế TP.HCM yêu cầu Trung tâm ngưng triển khai việc khám sức khỏe, ngưng ngay việc thuê các BS tham gia khám bệnh (khám sức khỏe) khi chưa có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật. Sở Y tế cũng chỉ đạo Giám đốc Trung tâm tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân đã nêu thuộc thẩm quyền trong phần kết luận và khắc phục các thiếu sót. (Thanh niên, trang 3)

 

45 tỉnh thành bội chi quỹ bảo hiểm y tế

Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN Phạm Lương Sơn cho biết năm 2016 có 45 tỉnh thành chi vượt thu bảo hiểm y tế.

Trong đó qua kiểm tra tại các bệnh viện và địa phương phát hiện nhiều bất thường trong quản lý quỹ bảo hiểm, có trường hợp trong vòng một tháng đã đi khám chữa bệnh nhiều lần tại nhiều bệnh viện và được nhận số thuốc (không phải thuốc điều trị bệnh hiểm nghèo) trị giá tới 30 triệu đồng.

Cũng theo ông Sơn, 2016 là năm đầu tiên số người tham gia bảo hiểm y tế đạt mức trên 80% dân số, chi khám chữa bệnh năm 2016 đạt trên 69.400 tỉ đồng, tăng hơn 5.000 tỉ đồng so với năm 2015.

Tuy nhiên, Bảo hiểm xã hội VN cho hay cả nước mới có 13 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chỉ đạt khoảng 22%/tổng số người lao động, đe dọa an sinh xã hội khi những người lao động này về già.

Với bảo hiểm y tế, mặc dù tăng trưởng mạnh trong năm 2016 nhưng ông Sơn nhận định là không vững chắc.

Trong năm 2017 này, dự kiến Bộ Y tế sẽ ban hành quy định điều chỉnh viện phí với nhóm bệnh nhân trả viện phí trực tiếp (không có thẻ bảo hiểm y tế).

Theo ông Sơn, người cận nghèo, người làm nông lâm ngư nghiệp có mức thu nhập trung bình có thể đăng ký tham gia bảo hiểm y tế để tránh rủi ro khi chính sách viện phí mới được áp dụng. (Tuổi trẻ, trang 12)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang