Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 02/12/2016

  • |
T5g.org.vn - Truy nguồn gốc thực phẩm: Không phải 'đũa thần'!; Bắt quả tang 5 'cò' lôi kéo bệnh nhân; Đã khống chế ổ dịch viêm não mô cầu tại Hà Nội; Lần đầu tiến hành phẫu thuật ung thư bằng kỹ thuật nội soi 4K

Truy nguồn gốc thực phẩm: Không phải 'đũa thần'!

Việc truy nguồn gốc thực phẩm đã được TPHCM ứng dụng khá nhiều trên rau củ, trái cây, hải sản… Tuy nhiên, “soi” nguồn gốc chủ yếu để thỏa tò mò; còn sạch, an toàn tới đâu vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

 Thích thú vì lạ

Tranh thủ ngày cuối tuần, chị Mai Phương (ngụ Q.3) đưa con đi siêu thị mua sắm. Tại siêu thị Metro An Phú, quận 2, chị rất ngạc nhiên khi thấy nhiều khách hàng dùng điện thoại “soi” từng khay rau trái, thịt cá… Được nhân viên hướng dẫn cài ứng dụng lên điện thoại để nhận diện mã QR code (thông số kỹ thuật, chất lượng), chị Phương nhanh chóng thực hành. “Hay thật, chỉ cần cho smartphone quét lên mã đối với sản phẩm thịt, tôi đã có thông tin về trang trại nuôi trồng, nơi thu hoạch, ngày giết mổ, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm…” –  chị Phương hào hứng.

Theo khảo sát, thực phẩm có mã QR xuất hiện không chỉ ở siêu thị, mà còn có ở các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, organic (hữu cơ).

Cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch Thiên Nhiên (Q.10) thời gian gần đây cũng rất thu hút khách hàng đến “soi” thực phẩm. Anh Hải - quản lý cửa hàng hào hứng: “Chỉ cần vài giây là người tiêu dùng  có thể biết tất tần tật về sản phẩm mà mình cầm trên tay. Từ ngày chúng tôi áp dụng công nghệ QR này, lượng khách tăng lên hẳn vì nhiều người muốn thử cái mới”.

Chưa thể đảm bảo chất lượng sản phẩm

Trong nhiều ngày liền, PV Tiền Phong đã cài sẵn ứng dụng có phần mềm nhận diện mã vạch lên smartphone để “soi” thực phẩm. Tuy nhiên, sau khi soi rất nhiều mặt hàng thực phẩm, chúng tôi chỉ nhận được những thông tin chung chung về nuôi trồng, vận chuyển, giết mổ; cái quan tâm nhất là rau đó được bón những loại phân nào, hải sản có nhiễm kháng sinh không, thịt cho ăn thức ăn gì... thì lại “mù tịt”. Ngay cả những sản phẩm nhập khẩu như cừu, bò, heo, gà… của Mỹ, Úc hay New Zealand bày bán ở các siêu thị lớn cũng chỉ có tên quốc gia, xuất xứ, ngày sản xuất, nhà sản xuất, còn những thông tin sâu hơn về nguồn gốc như vùng nuôi, giống vật nuôi, quá trình nuôi, giết mổ, nơi giết mổ, đóng gói, quá trình vận chuyển… hoàn toàn không có.

Về phía người tiêu dùng, đa số đều cho rằng họ “soi” thực phẩm vì tò mò, muốn thử cho biết, còn sản phẩm sạch hay không thì không ai đảm bảo. Ông Nguyên - giám đốc một công ty sản xuất thực phẩm ở Củ Chi cho rằng, việc truy xuất nguồn gốc chỉ là phần ngọn của vấn đề. Tức là các đơn vị sản xuất thực phẩm gửi thông tin, số liệu cho các công ty mã hóa các sản phẩm để đưa lên mạng. Nhưng việc các công ty sản xuất thực phẩm  như thế nào, quy trình ra sao thì lại không có ai kiểm tra. Do vậy, truy xuất nguồn gốc không phải là phép màu để người tiêu dùng tin chắc chắn rằng mình đang cầm trên tay là thực phẩm an toàn. 

Bác sĩ Trần Văn Ký - phụ trách chuyên môn Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam nói, việc triển khai dán tem và khuyến khích người dân dùng smartphone có gắn công nghệ kiểm tra thực phẩm là cần thiết, tuy nhiên cần phải hết sức lưu ý ở khâu phân phối. “Thực ra, ở nhiều nước như Nhật, Mỹ… đã sử dụng mã sản phẩm để truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Mục đích nhằm duy trì chất lượng và hình ảnh của thương hiệu, đồng thời nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng người sản xuất có thể trà trộn nguồn hàng không đảm bảo. Bởi mã QR code chỉ là phương tiện để đảm bảo yên tâm cho người mua về nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ uy tín, thương hiệu của nhà sản xuất chân chính, chứ không phải là phép màu hay cây đũa thần giúp bảo đảm tuyệt đối chất lượng sản phẩm” - ông Ký nói.

Ngày 10/12, TPHCM triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo được triển khai rộng ở nhiều chợ bằng điện thoại thông minh. Theo ông Đào Hà Trung - Chủ tịch Hội Công nghệ cao TPHCM, nếu tiểu thương trà trộn thịt bẩn với thịt sạch, ứng dụng cũng sẽ đưa ra một “danh sách đen” các quầy sạp, từ đó người tiêu dùng sẽ nhận biết tẩy chay và tìm đến những quầy sạp khác bảo đảm an toàn. Ngoài ra, ở các chợ sẽ được gắn camera kiểm soát toàn bộ quá trình kinh doanh nhằm phát hiện vi phạm, gian lận nếu có (Tiền phong, trang 15).

 

Bắt quả tang 5 'cò' lôi kéo bệnh nhân

Ngày 1.12, ông Lê Trọng Hiếu, Chủ tịch UBND P.4, Q.10 (TP.HCM), cho biết vào rạng sáng cùng ngày, lực lượng chức năng địa phương đã phát hiện 5 trường hợp "cò" lôi kéo, dụ dỗ dắt bệnh nhân từ Phòng khám (PK) đa khoa Medic sang nhà thuốc Ngọc Hà để vào PK nội tổng quát bên trong. 5 "cò" này sau đó được đưa về Công an P.4 bắt viết cam kết không "hành nghề" nữa. "Do hiện nay chưa có quy định pháp luật cụ thể về việc xử lý "cò" nên hình thức xử lý gặp nhiều khó khăn. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục cử lực lượng liên tục tuần tra khu vực mà Báo Thanh Niên phản ánh để ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng "cò" hoạt động ở địa bàn này", ông Hiếu cho biết. Theo khảo sát của PV, ở trước Bệnh viện (BV) Ung bướu (Q.Bình Thạnh), BV Da liễu (Q.3), PK đa khoa Medic (Q.10) tình hình an ninh trật tự đã đi vào nề nếp, đặc biệt là trước BV Da liễu “cò” không còn đứng trước cổng BV chèo kéo bệnh nhân như trước.

Cùng ngày, Đội 2 Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM đã đến làm việc với Thanh Niên liên quan đến loạt bài “Cò” khám chữa bệnh lộng hành và đề nghị báo hỗ trợ cung cấp thông tin, hình ảnh liên quan đến hoạt động của “cò” để có cơ sở xử lý các đối tượng. PV Thanh Niên đã cung cấp hình ảnh, chứng cứ hoạt động của “cò” khám chữa bệnh cho phía công an.

Cũng trong mấy ngày qua, sau khi thanh tra y tế đi kiểm tra các PK có dấu hiệu câu kết với “cò” thì xuất hiện một đối tượng tự xưng là Phó chánh thanh tra Sở Y tế TP gọi điện đến một số nhà thuốc, PK trên địa bàn Q.5, Q.10 thông báo sẽ đến kiểm tra nhằm mục đích hù dọa và trục lợi. Một số nơi đã gọi điện thoại cho Sở Y tế TP để xác minh và được Thanh tra Sở Y tế TP khẳng định đối tượng này là giả mạo (Thanh niên, trang 5).

 

Đã khống chế ổ dịch viêm não mô cầu tại Hà Nội

Đại diện Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, đã khống chế ổ dịch viêm não mô cầu tại Trung tâm Nhật ngữ (Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội). Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, tại đây mới tiếp nhận bệnh nhân N.T.H.V, 18 tuổi (ở KTX Trung tâm Nhật ngữ, đường Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) trong trạng thái hôn mê, được chẩn đoán viêm màng não do mô cầu. Hiện, bệnh nhân đã tỉnh lại nhưng vẫn còn tình trạng đau đầu. Trước đó, bệnh nhân có biểu hiện đau đầu, sốt khoảng 3-4 ngày rồi nhanh chóng rơi vào hôn mê. Khi mới có dấu hiệu sốt, đau đầu, nữ sinh này vẫn đi học bình thường, tiếp xúc với các bạn cùng lớp.

Ngay sau khi có thông tin về bệnh nhân nhiễm viêm não mô cầu, Trung tâm Y tế dự phòng đã cử ngay đội ứng phó dịch bệnh đến hiện trường, nơi bệnh nhân sinh sống và học tập để xử lý là Trung tâm Nhật ngữ. Tại đây đang có khoảng 70 học viên theo học. Theo ThS.BS Đào Hữu Thân, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, đội ứng phó dịch đã tiến hành khử khuẩn tại Trung tâm Nhật ngữ, giám sát chặt chẽ. Qua đó đã phát hiện hai bạn học của nữ sinh này cũng đang có biểu hiện đặc trưng của viêm não mô cầu. Cả hai trường hợp này đều được gửi tới viện điều trị, cách ly và đến thời điểm này đã ổn định sức khỏe, tiếp tục theo dõi, có thể ra viện trong 1-2 ngày tới. Các học viên, giáo viên tại Trung tâm từng tiếp xúc với bệnh nhân đều đã được lập danh sách theo dõi và được uống kháng sinh dự phòng bệnh. “Khi đã được uống kháng sinh dự phòng, về cơ bản là yên tâm không lây nhiễm bệnh”, ThS.BS Đào Hữu Thân cho biết.

Theo ThS.BS Đào Hữu Thân, viêm màng não mô cầu là bệnh lý có xu hướng gia tăng trong mùa Đông Xuân, tuy nhiên vẫn xuất hiện rải rác khắp Hà Nội quanh năm. Các trường hợp mắc đều được phát hiện, điều trị kịp thời, xử lý ổ dịch tốt nên không có thêm ca mắc mới tại nơi có bệnh nhân. Bệnh lây qua đường hô hấp nhưng rất may, kháng sinh điều trị rất đặc hiệu với vi khuẩn này. Với bệnh này, nếu phát hiện bệnh sớm, được dùng kháng sinh đúng chỉ định sẽ khống chế được.

Thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh viêm màng não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính rất nguy hiểm, lây lan rất nhanh. Trẻ em bị mắc có nhiều trường hợp tử vong trong vòng 24 giờ. Bệnh này thường xảy ra ở những khu tập thể, nơi tập trung đông người, lây qua đường hô hấp và tiếp xúc với các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Ai cũng có thể mắc bệnh viêm màng não mô cầu, kể cả trẻ em và người lớn. Với các triệu chứng như sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, mệt mỏi, có thể có đau họng hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước… bệnh nhân được nghi ngờ mắc viêm não mô cầu. Hiện có vaccine phòng bệnh với các tuýp huyết thanh A, B và C, đều là tiêm dịch vụ và hiện Hà Nội cung ứng đủ dòng vaccine này (Gia đình & Xã hội, trang 2).

 

Lần đầu tiến hành phẫu thuật ung thư bằng kỹ thuật nội soi 4K

Ngày 1-12, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã tiến hành ca mổ cho bệnh nhân ung thư đại tràng đầu tiên (là bệnh nhân Nguyễn Thanh M., 76 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội) bằng kỹ thuật nội soi với sự tham gia của GS Joel Leroy (người Pháp), chuyên gia hàng đầu về mổ nội soi trên thế giới. Theo GS Joel Leroy, ca phẫu thuật được thực hiện bằng kỹ thuật nội soi 4K với hình ảnh có độ phân giải nét hơn gấp 4 lần hình ảnh HD. Nhờ đó, bác sĩ nhìn được hình ảnh tối ưu nhất của khối u, mạch máu đi vào khối u… Đây là kỹ thuật ít xâm lấn rất an toàn cho bệnh nhân và là kỹ thuật lần đầu tiên áp dụng ở Châu Á. Ngay tại Pháp cũng chưa có hệ thống 4K này. Hiện nay, kỹ thuật này được áp dụng cho các bệnh lý đại tràng, phẫu thuật thần kinh, những chấn thương chỉnh hình xâm lấn ít… 

Cũng theo GS Joel Leroy, mỗi năm, bệnh nhân Việt Nam chi khoảng 2 tỷ USD để ra nước ngoài điều trị. Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa ra đời sẽ gây dựng lại lòng tin về chất lượng y tế tại Việt Nam. Bệnh nhân sẽ không còn phải đi ra nước ngoài điều trị. Trong thời gian tới, GS Joel Leroy sẽ thường xuyên đến Việt Nam, giúp Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tăng cường đào tạo cho các bác sĩ ngoại khoa tại Hà Nội. Dự kiến sẽ đào tạo khoảng 150 bác sĩ phẫu thuật áp dụng kỹ thuật mới (Hà Nội mới, trang 7; Công an nhân dân, trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang