Ngành Y và những giải pháp đưa hai Nghị quyết quan trọng vào cuộc sống
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết số 20 - NQ/TW) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết về công tác dân số trong tình hình mới (Nghị quyết số 21 – NQ/TW). Ngành Y tế sẽ làm gì để hai nghị quyết này đi vào thực tiễn?
“Nâng cao sức khỏe nhân dân” toàn diện
Về Nghị quyết “Tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Nghị quyết này có những điểm nổi bật như: Người dân được chăm sóc sức khỏe về mọi mặt ban đầu, từ tư vấn, hướng dẫn ăn sạch, dinh dưỡng hợp lý, ở sạch, chế độ luyện tập và quản lý áp lực trong cuộc sống để phòng chống bệnh không lây nhiễm như: Tăng huyết áp, tim mạch bằng cách tránh xa các yếu tố gây bệnh như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia... Đồng thời người dân được khám, sàng lọc sớm các bệnh lý mãn tính không lây nhiễm như: Tim mạch, huyết áp, tiểu đường, ung thư… Đặc biệt việc này gắn với y tế cơ sở là trạm y tế xã, phường và trung tâm y tế huyện theo nguyên lý y học gia đình gần dân nhất, theo hướng quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân.
Đối với người bị bệnh, thông qua hỗ trợ của Nhà nước mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn, người thuộc diện chính sách, họ được BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh. Vì vậy, phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để làm sao thời gian nằm viện của người bệnh ít nhất, thời gian chờ đợi ít nhất và quyết liệt đổi mới phong cách phục vụ của cán bộ y tế để người dân hài lòng nhất khi tiếp cận dịch vụ y tế.
Để làm được những việc này, cần quyết liệt đổi mới giá dịch vụ y tế theo hướng tiến tới giá trị thật, tính đúng, tính đủ. Đồng thời phải đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế để có thể thực hiện được các kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh, nâng cao thương hiệu của y tế Việt Nam với thế giới. Nhà nước tiến tới sẽ không cấp ngân sách cho các cơ sở y tế công lập mà sẽ hỗ trợ người dân tham gia BHYT để hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân. Đồng thời tạo điều kiện cho y tế tư nhân phát triển để người dân được tiếp cận dịch vụ y tế một cách đa dạng, phong phú.
Đối với Nghị quyết về “Công tác dân số trong tình hình mới, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, điểm nổi bật trong Nghị quyết số 21 là: Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sang Dân số và Phát triển. Theo đó, công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh bảo đảm phát triển nhanh và bền vững.
Tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng y tế cơ sở
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, để thực hiện được các vấn đề này, ngành Y tế tập trung nâng cao chất lượng y tế cơ sở và giải quyết căn bản tình trạng quá tải bệnh viện vào năm 2020.
Đối với chất lượng y tế cơ sở, hiện người dân chưa mặn mà do nhiều nguyên nhân như cơ sở vật chất còn chưa đáp ứng, nhân lực còn chưa có chuyên môn sâu và đặc biệt là BHYT chi trả còn quá eo hẹp (khi người dân mắc bệnh hơi chuyên sâu thì tại tuyến xã đã không có thuốc BHYT đáp ứng) nên người dân phải lên tuyến trên. Chính thực tế này đã góp phần làm quá tải y tế tuyến trên.
Do đó, giải pháp sắp tới của ngành Y tế là tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng y tế cơ sở và đổi mới tài chính y tế cơ sở để giải quyết vai trò của “người gác cổng” về chăm sóc sức khỏe. Bộ trưởng cho biết, hiện ngành Y tế đang có đề án thí điểm 24 trạm y tế tại 8 tỉnh để từ đó nhân lên toàn quốc.
Ngoài ra, ngành Y tế sẽ quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, hẹn khám, tăng cường chất lượng để người dân khám tại tuyến dưới, bệnh nặng mới lên tuyến trên. Song song với đó, ngành Y tế tiếp tục thực hiện các đề án vệ tinh, đẩy mạnh đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới để nâng cao năng lực cho y tế tuyến dưới.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, vấn đề tài chính y tế cũng cần được dần hướng đến tính đúng, tính đủ và đẩy mạnh bao phủ thực hiện BHYT toàn dân, kết hợp với quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo hỗ trợ thêm chi phí khám chữa bệnh cho người dân, rồi vai trò hỗ trợ của phòng/tổ công tác xã hội để hỗ trợ người bệnh nghèo...
Cùng đó, ngành Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát các quy định về BHYT, ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản được BHYT thanh toán cho phù hợp với mức đóng.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, ngành Y tế sẽ tập trung truyền thông, tổ chức thực hiện các chương trình, đề án để các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân thực sự coi y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng, nâng cao ý thức, tự giác của người dân... Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng thực hiện chăm sóc toàn diện, liên tục cho người dân ngay từ khi trong bụng mẹ đến khi mất đi, không chỉ khi đau ốm mà phải dự phòng, nâng cao sức khỏe, theo dõi sức khỏe liên tục. Đồng thời về vấn đề phòng bệnh, ngành Y tế sẽ tập trung đẩy mạnh truyền thông và tư vấn dự phòng, chống bệnh lây nhiễm, tiêm chủng, chú trọng đặc biệt các bệnh không lây nhiễm, khám, sàng lọc, phát hiện sớm. (Gia đình & Xã hội, trang 7)
Hòa Bình: Tạm đình chỉ bác sĩ mổ đẻ non kinh nghiệm khiến sản phụ tử vong
Ngày 1-12, Hội đồng chuyên môn – Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình đã có kết lluận về trường hợp sản phụ Hà Thị A. tử vong trong quá trình mổ đẻ tại bệnh viện ngày 28-11 vừa qua và tạm đình chỉ bác sĩ mổ đẻ chính trong kíp mổ cho sản phụ này.
Trước đó, sản phụ Hà Thị A. (27 tuổi, ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình) nhập khoa Sản - BVĐK tỉnh Hòa Bình khi có dấu hiệu trở dạ. Sau đó, các bác sĩ chỉ định mổ lấy thai, bé gái nặng 2,9kg. Tuy nhiên, sau mổ sản phụ bị đờ tử cung, mất máu, choáng, máu khó đông và tử vong.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, BVĐK tỉnh Hòa Bình đã thành lập hội đồng chuyên môn để đánh giá nguyên nhân trường hợp tử vong này. Theo kết luật của Hội đồng, việc đón tiếp sản phụ Hà Thị A. vào viện được thăm khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời. Việc chỉ định mổ lấy thai là phù hợp với diễn biến và tình trạng sản phụ.
Tuy nhiên, về tiên lượng bệnh nhân trước phẫu thuật, do phẫu thuật viên kinh nghiệm còn hạn chế nên chưa tiên lượng được hết các nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật.
Khi có diễn biến bất thường trong ca mổ, kíp phẫu thuật đã khẩn trương xử trí, đồng thời mời các bác sỹ chuyên khoa có kinh nghiệm đến cùng phối hợp và hỗ trợ. Nhưng do bệnh diễn nhanh, phức tạp nên quá trình xử trí của kíp phẫu thuật đã không có kết quả. Hội đồng cũng chẩn đoán nguyên nhân tử vong là sản phụ bị sốc giảm thể tích biến chứng suy tuần hoàn không hồi phục sau phẫu thuật cắt tử cung toàn phần do đờ tử cung.
Từ kết luận đó, BVĐK tỉnh Hòa Bình đã ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác phẫu thuật đối với phẫu thuật viên chính kíp mổ đồng thời báo cáo toàn bộ diễn biến ca bệnh về Bộ Y tế theo quy định.
Phía bệnh viện cũng đã động viên, thăm hỏi gia đình người bệnh, hỗ trợ bước đầu về tài chính và chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình sản phụ. Cùng đó, bệnh viện đã nhanh chóng triển khai chương trình chăm sóc đặc biệt cho cháu bé con của sản phụ tử vong. Hiện sức khỏe cháu bé đã ổn định, dự kiến sẽ bàn giao cho gia đình vào đầu tuần tới. (An ninh Thủ đô, trang 7)
Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 5: “Đình chỉ bác sỹ liên quan vụ sản phụ chết sau sinh”
Gần 450.000 trẻ được uống vitamin A bổ sung vi chất dinh dưỡng
Hôm nay, 1-12, tại tất cả các trạm y tế trên địa bàn Hà Nội đã đồng loạt triển khai Ngày vi chất dinh dưỡng đợt II năm 2017 với tổng cộng có 449.712 đối tượng sẽ được uống vitamin A đợt này.
Cụ thể các đối tượng sẽ được uống vitamin A bổ sung vi chất dinh dưỡng gồm: trẻ từ 6 – 36 tháng tuổi; trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao suy dinh dưỡng nặng, tiêu chảy kéo dài, viêm đường hô hấp, trẻ bị sởi, trẻ dưới 6 tháng tuổi không được bú sữa mẹ; phụ nữ sau sinh trong vòng 1 tháng chưa được uống vitamin A liều cao.
Chiến dịch được diễn ra từ ngày 1-12 và uống vét đến hết ngày 4-12, phấn đấu 99,8% trẻ em từ 6 – 36 tháng tuổi được uống vitamin A liều cao; trên 95% trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao và phụ nữ sau sinh trong vòng 1 tháng được uống vitamin A liều cao dự phòng.
Cũng trong ngày 1-12, nhằm giám sát chặt chẽ công tác triển khai chiến dịch tại các quận, huyện, đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội do Phó Giám đốc Sở Nguyễn Văn Dung làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác triển khai chiến dịch uống vitamin A đợt II tại các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liên và huyện Thường Tín.
Qua kiểm tra cho thấy, các trạm y tế đã xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể, tổ chức rà soát tốt đối tượng, chuẩn bị chu đáo về nhân lực, viên vitamin A, các điều kiện về trang thiết bị, cơ sở vật chất để sẵn sàng đón tiếp và triển khai chiến dịch đồng bộ. Chẳng hạn tại Trạm y tế phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm), sáng nay, rất đông trẻ em được phụ huynh đưa đến để uống vitamin A.
Ông Nguyễn Văn Dung đề nghị các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa của Ngày vi chất dinh dưỡng và tầm quan trọng của vi chất dinh dưỡng đối với sự phát triển về thể chất, trí tuệ của trẻ, góp phần cải thiện dinh dưỡng cho trẻ. (An ninh Thủ đô trang 2)
Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới trang 1: “Hà Nội: hơn 460 nghìn trẻ được uống bổ sung vitamin A đợt II năm 2017 ”
Vụ 4 trẻ sơ sinh tử vong ở Bắc Ninh: Bé sốc nhiễm khuẩn nặng nhất qua cơn nguy kịch
Sau khi xảy ra vụ 4 trẻ tử vong tại đơn nguyên sơ sinh – Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh ngày 20-11, trong số 3 trẻ có sốc nhiễm trùng bệnh viện nặng được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai, hiện 2 bé đã được xuất viện, bé nặng nhất cũng đã qua cơn nguy kịch. Sau khi xảy ra vụ 4 trẻ tử vong tại đơn nguyên sơ sinh – Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh ngày 20-11, trong số 3 trẻ có sốc nhiễm trùng bệnh viện nặng được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai, hiện 2 bé đã được xuất viện, bé nặng nhất cũng đã qua cơn nguy kịch.
Sáng nay, 1-12, Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức xuất viện cho 2/ 3 bệnh nhi bị nhiễm trùng bệnh viện nặng được chuyển từ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh lên. Trước đó, cả 3 cháu vào viện đều trong tình trạng đẻ non, có suy hô hấp, vàng da, nhiễm trùng nặng.
Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã rất khẩn trương, tích cực điều trị: thở oxy, chiếu đèn, kháng sinh, hỗ trợ chăm sóc trong phòng cách ly đặc biệt. Sau 10 ngày điều trị tích cực, 2 trong 3 cháu đã có tiến triển tốt, các cháu đã tự bú mẹ được 30-40ml/lần. Các chỉ số nhiễm khuẩn giảm dần và đến ngày 30-11, tình trạng nhiễm trùng đã hết, sức khỏe ổn định.
Hiện chỉ còn lại một cháu bé nặng nhất nhưng cũng đã cai được máy thở, toàn trạng ổn định hơn, dự kiến có thể được ra khỏi phòng cách ly ít ngày tới nhưng vẫn tiếp tục được theo dõi sát sao.
Là người trực tiếp theo dõi, điều trị cho cháu bé này, bác sĩ Lê Thị Lan Anh, Phó trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, cháu bé phải hỗ trợ thở máy hoàn toàn, tình trạng nhiễm trùng rất nặng nề. Trong quá trình điều trị có những giai đoạn kết quả xét nghiệm và lâm sàng biểu hiện sự tiến triển xấu nhưng các thầy thuốc đã không bỏ cuộc.
Với phác đồ điều trị tích cực, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả với các chuyên gia trong bệnh viện, đến nay có thể khẳng định cháu bé đã qua cơn nguy kịch. (An ninh Thủ đô, trang 2).
Bệnh viện không giấy tờ
Bệnh viện (BV) Quận Thủ Đức là đơn vị tiên phong đổi mới trong lĩnh vực khám chữa bệnh (KCB) và được Bộ Y tế cấp phép thí điểm lập hồ sơ, bệnh án điện tử từ năm 2015. Sau hơn 2 năm thực hiện, mô hình này đã mang lại rất nhiều thành công như thủ tục hành chính được giảm bớt, người dân vui vẻ, hài lòng.
Tiết kiệm thời gian và tiền bạc
Chị Trần Thị Kim Dung (ngụ quận 9) hồ hởi chia sẻ, trước đây mỗi lần đi khám bệnh tại BV, hai mẹ con phải tất bật dậy từ rất sớm chuẩn bị giấy tờ, sổ khám bệnh, nay BV thay đổi phương pháp lưu giữ hồ sơ KCB, hồ sơ của con chị đã có sẵn trên hệ thống.
“Giờ tôi chỉ cần quét mã thẻ, chọn khoa, phòng cần khám là xong. Không phải làm thủ tục rườm rà, mất thời gian. Từ khi khám bệnh đến lúc nhận thuốc chỉ mất khoảng chừng 30 phút. Người bệnh được chăm sóc, hướng dẫn, giải thích rõ ràng, nhân viên rất nhiệt tình, thân thiện”, chị Dung khen ngợi.
Còn chị Nguyễn Thùy Dương (ngụ tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức) cho rằng BV Quận Thủ Đức thay đổi nhiều, mọi thứ đều hiện đại, sạch đẹp.
“Hôm trước tôi đến khám và cảm thấy rất hài lòng về dịch vụ của BV, lần này tái khám không cần phải làm thủ tục gì hay mang sổ sách giấy tờ gì, chỉ mang thẻ BHYT đến quét mã vạch và lấy số chờ, mọi thứ đều được công khai minh bạch từ số thứ tự, quy trình thủ tục, giá viện phí... đều được cập nhật trên màn hình cho người bệnh và nhân viên BV biết. Thậm chí khi bệnh nhân xuất viện, tổng đài BV tự động nhắn tin dặn dò tái khám, uống thuốc, nên tôi rất yên tâm”, chị Dương vui vẻ kể.
Hài lòng là mức độ đánh giá chung của nhiều người dân đến KCB tại BV Quận Thủ Đức. Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV, cho biết theo quy định, bệnh án phải lưu trữ ít nhất 10 năm, nếu hồ sơ bằng giấy thì việc lưu trữ có nhiều khó khăn như: tốn chi phí cho việc thuê kho lưu trữ, quản lý và tìm kiếm vất vả, tốn thời gian. Việc thực hiện bệnh án điện tử sẽ giúp các thông tin tại BV được số hóa và lưu trữ trên máy tính thông qua hệ thống internet, giúp việc tìm kiếm theo mã số trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn và không cần phải in ra giấy. Mặt khác, việc thực hiện bệnh án điện tử sẽ đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về thẩm mỹ, quản lý được sự tuân thủ theo phác đồ, không còn sai sót trong việc thống kê, sai số lượng thuốc...
Hiện BV Quận Thủ Đức cũng “nói không” với việc in rửa phim chụp, giúp tiết kiệm một khoản chi phí rất lớn, không gây ô nhiễm môi trường, cũng như nặng nề trong quá trình lưu trữ. Hình ảnh phim trên máy tính có thể phóng to thu nhỏ, chỉnh sáng dễ dàng, có sẵn công cụ đo lường thuận tiện trong chẩn đoán, hội chẩn.
“Bệnh nhân hài lòng, bác sĩ thì đỡ vất vả, thay vì chạy về phòng ghi chép bệnh án, triệu chứng thì bác sĩ chỉ cần cầm máy tính bảng ghi lại quá trình chẩn đoán, điều trị và mọi thông số về bệnh nhân có thể hiển thị trong tầm tay chỉ bằng cú chạm màn hình. Qua đó, bác sĩ sẽ có đủ thông tin về bệnh nhân, dễ dàng xem lịch sử khám bệnh của người bệnh, hồ sơ bệnh án cũ. Từ đó có thể dành nhiều thời gian thăm khám, tư vấn kỹ hơn”, giám đốc Nguyễn Minh Quân thông tin.
Sẽ sớm nhân rộng mô hình
BV Quận Thủ Đức là cơ sở y tế được bệnh nhân đánh giá cao về chất lượng, thái độ phục vụ và trở thành địa chỉ KCB tin cậy của người dân địa phương cùng các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Số lượng bệnh nhân tin tưởng đến khám và điều trị tại BV dần tăng lên: từ 100 lượt khám mỗi ngày vào năm 2007, đến nay trung bình BV tiếp nhận gần 5.000 lượt khám/ngày và 800 bệnh nhân nội trú. BV cũng đã hạn chế được tối đa sai sót của điều dưỡng, sai số lượng thuốc, vật tư y tế tiêu hao, xét nghiệm, sao chép không chính xác, chỉ định không phù hợp…
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Minh Quân, việc ứng dụng mạnh công nghệ thông tin trong KCB tại BV còn nhằm hạn chế các vấn đề tiêu cực, đảm bảo tính công khai minh bạch trong quản lý BV. Mỗi bác sĩ, lãnh đạo khoa phòng có những phân quyền riêng trong việc xét duyệt hay trình giấy tờ trong hệ thống phần mềm của BV. Đơn giản nhất như việc xin nghỉ phép, hồ sơ đi học đều được giải quyết hiệu quả trên điện thoại, máy tính, thay vì in ra rồi trực tiếp mang đi các nơi để trình. Đơn thuốc điện tử cũng góp phần ngăn chặn tình trạng bác sĩ kê toa thuốc, chỉ định cận lâm sàng tràn lan, không phù hợp, vượt ngưỡng quy định.
Với tư duy đổi mới, những cách làm táo bạo, BV Quận Thủ Đức được lãnh đạo TPHCM và Sở Y tế đánh giá cao. PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết mô hình thành công tại BV Quận Thủ Đức sẽ được nhân rộng, trước mắt ở các BV đầu ngành của TPHCM và sau đó là toàn bộ cơ sở y tế, tiến tới quản lý sức khỏe bằng hồ sơ điện tử cho mỗi người dân. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)
Dịch HIV/AIDS giảm nhưng còn nhiều thách thức
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), ước tính năm 2017, cả nước có khoảng 9.800 người nhiễm HIV mới được phát hiện và có khoảng 1.900 người nhiễm HIV tử vong.
Đáng chú ý, tình hình dịch HIV/AIDS trong năm 2017 đều giảm cả 3 tiêu chí so với năm 2016: số trường hợp nhiễm HIV phát hiện mới giảm 1,1%; số bệnh nhân AIDS giảm 39%; người nhiễm HIV tử vong giảm 10%.
Mặc dù dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm, song việc phòng chống “đại dịch” này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức không nhỏ.
Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS còn rất hạn chế: Việc phát bơm kim tiêm, bao cao su mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu; công tác điều trị Methadone mới chỉ đạt được 65,7% chỉ tiêu Chính phủ giao; công tác phòng chống HIV/AIDS còn rất khó khăn ở miền núi, vùng sâu, vùng xa…
Ngoài ra, dự kiến từ năm 2018, các tổ chức quốc tế sẽ cắt giảm tài trợ cho phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam, chỉ hỗ trợ về kỹ thuật. Do vậy, các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt việc bảo đảm điều trị cho bệnh nhân AIDS, sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. (Sài Gòn giải phóng, trang 3).
Bệnh dại hoành hành tại Thanh Hóa
Theo ông Hà Đình Ngư, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Thanh Hóa, hiện tình hình bệnh dại diễn biến phức tạp trên địa bàn, nhất là ở khu vực miền núi. Có những cái chết rất đáng tiếc do chủ quan không tiêm phòng dịch, tự điều trị ở nhà bằng thuốc Nam.
Không tiêm phòng vắc xin kịp thời
Theo số liệu thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2017, hệ thống giám sát dịch bệnh tại Thanh Hóa đã ghi nhận 5 ca mắc và tử vong do bệnh dại. Đó là các nạn nhân Hà Thị Nhàn (9 tuổi) thôn Thành Lai, xã Tân Thành và Lang Thị Chón (83 tuổi) thôn Cang Khèn, xã Vạn Xuân đều ở huyện Thường Xuân; Đinh Thị Thương (33 tuổi) thôn 1, xã Xuân Du, huyện Như Thanh; Ly Văn Xuân (11 tuổi) ở bản Cang, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát; Bùi Văn Xuyên (40 tuổi) thôn Tây Hương, xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành.
Hầu hết, các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không được đưa đi tiêm phòng vắc xin kịp thời. Nhiều trường hợp tử vong thương tâm, như em Ly Văn Xuân (11 tuổi, ngụ bản Cang, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát). Em Xuân bị con chó (khoảng 3kg) của gia đình nuôi cắn vào tay trái, làm xước da chảy máu. Sau đó, con chó này đã cắn thêm 6 người khác ở bản Cang rồi bỏ chạy mất tích. Hai người trong số 7 người bị chó cắn đã đến cơ sở y tế để tiêm phòng bệnh dại. Riêng em Xuân, gia đình không đưa đến cơ sở y tế, mà chỉ sử dụng thuốc lá của địa phương. Sau hơn 1 tháng bị chó cắn, Xuân có nhiều triệu chứng lạ nhưng người nhà tiếp tục điều trị vết thương chó cắn. Sau đó vài ngày, sức khỏe Xuân có diễn biến xấu, gia đình vội đưa em đến bệnh viện điều trị. Đáng tiếc, do được đưa đến bệnh viện quá muộn, em Xuân đã tử vong.
Có trường hợp nạn nhân phát bệnh sau nhiều tháng bị chó dại cắn như nạn nhân Đinh Thị Thương (SN 1984, trú xã Xuân Du, huyện Như Thanh). Vào khoảng 10/2016 chị Thương sang nhà bố mẹ đẻ ở xã Hợp Thành, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) chơi thì bị chó cắn. Đến ngày 27/2/2017, chị Thương có biểu hiện sốt cao, co giật, sợ ánh sáng nên gia đình đưa tới bệnh viện thì mới biết chị bị chó dại cắn. Mặc dù bệnh nhân được đưa ra Bệnh viện Bạch Mai điều trị nhưng không qua khỏi.
Không ăn thịt chó khi địa bàn có chó dại
Sau khi có trường hợp tử vong do bệnh dại trên địa bàn, UBND huyện Mường Lát đã thành lập đội kiểm soát lưu động xử lý các trường hợp chó mèo không có chủ, có biểu hiện dại hoặc nghi dại. Thành lập chốt kiểm dịch tạm thời ngăn chặn không cho chuyển chó từ xã Mường Chanh ra khỏi địa bàn; khuyến cáo người dân không ăn thịt chó khi trên địa bàn đang có chó dại. Đồng thời, UBND huyện Mường Lát đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho toàn bộ số người nghi bị chó dại cắn tại xã Mường Chanh; Tuyên truyền cho người dân chủ động giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh dại, đặc biệt các biện pháp an toàn khi tiếp xúc với chó mèo. Tiến hành phun tiêu độc khử trùng môi trường 2 lần/ngày tại bản có dịch và các bản giáp ranh 3 lần/ngày… Trung tâm Y tế dự phòng Thanh Hóa cũng đã tổ chức điều tra, giám sát ca bệnh, chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Trạm Thú y, chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện có bệnh nhân tử vong như Thường Xuân, Như Thanh, Mường Lát, Thạch Thành phối hợp với các ban ngành tại địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại cộng đồng. Tại trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố mỗi trung tâm tổ chức 1 điểm tiêm phòng vắc xin dịch vụ để tổ chức tiêm vắc xin dự phòng.
Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế các huyện tổ chức tuyên truyền cho người dân về công tác phòng, chống bệnh dại tại cộng đồng, thực hiện nuôi nhốt chó theo quy định, khi bị chó, mèo cắn, cào phải đến Trung tâm Y tế huyện để tư vấn và tiêm vắc xin phòng bệnh, tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc Nam.
Đặc biệt, tổ chức tiêm huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng dại miễn phí cho đối tượng người nghèo với 834 lọ vắc xin phòng dại và 60 lọ huyết thanh kháng dại. Toàn bộ kinh phí 400 triệu đồng được UBND tỉnh hỗ trợ mua vắc xin, huyết thanh, vật tư và tổ chức tiêm miễn phí vắc xin phòng bệnh dại cho đối tượng người nghèo. Tổ chức các hoạt động truyền thông tại 4 huyện/thị xã và truyền thông gián tiếp cho cộng đồng thông qua tờ rơi, băng-rôn, pa nô.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Hà Đình Ngư cho biết, sau khi dịch dại bùng phát, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp với Chi cục Thú y, đồng thời chỉ đạo Trung tâm Y tế tuyến huyện thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh dại. Tuy nhiên, theo ông Ngư, trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn do tình hình bệnh dại tại Thanh Hóa diễn biến phức tạp. Đặc biệt, là các huyện miền núi, trung du, bệnh dại xuất hiện tản phát và khi bệnh nhân lên cơn dại mới phát hiện được. Ý thức của người dân trong công tác phòng, chống bệnh dại còn hạn chế, hầu hết các bệnh nhân tử vong do không được tiêm phòng tại các cơ sở y tế, chủ yếu là điều trị bằng thuốc Nam. Phong tục tập quán nuôi và thả rông chó đang phổ biến tại cộng đồng, việc quản lý tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó chưa triệt để. (Tiền phong, trang 6)./.