Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 21/3/2023

  • |
T5g.org.vn - Giám sát, phát hiện sớm ca bệnh Marburg; Nỗi lo trẻ hóa bệnh ung thư phổi; Xây dựng 3 tình huống ứng phó với dịch bệnh sốt xuất huyết…

 

"Thông luồng" trang thiết bị, vật tư y tế vào bệnh viện

Chính phủ ban hành đồng thời Nghị định số 07/2023/NÐ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP được đánh giá là rất kịp thời, giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các bệnh viện trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế. Tuy nhiên, những khó khăn, vướng mắc về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế không thể giải quyết hết trong hai văn bản này, mà cần có thời gian và nhất là phải pháp quy hóa.

Ngay sau khi có Nghị định số 07/2023/NÐ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP, các bệnh viện đã tập trung triển khai kế hoạch mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế để đáp ứng công tác khám, chữa bệnh cho người dân.

Bệnh viện dần trở lại hoạt động bình thường

Nghị định 07/2023/NÐ-CP được ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2021/NÐ-CP ngày 8/11/2021 để giải quyết các tồn tại, hạn chế, bất cập trong quản lý trang thiết bị y tế thời gian qua, từng bước hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực trang thiết bị y tế. Ðiểm mới nổi bật của nghị định này là điều chỉnh các quy định giúp cho các doanh nghiệp làm các thủ tục nhập khẩu hàng hóa, vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc men thuận lợi hơn, nhất là kịp thời thông quan những thiết bị đang "nằm cảng" thời gian qua do những vướng mắc về cơ chế.

Trong khi đó, với Nghị quyết 30/NQ-CP, bên cạnh sửa quy định về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, Chính phủ cho phép các cơ sở y tế áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023.

Việc xác định giá các gói thầu trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, không nhất thiết phải đủ ba báo giá như quy định trước đây. Với những trang thiết bị, vật tư y tế cùng chủng loại nhưng có nhiều nhà phân phối, thì chủ đầu tư được xem xét, quyết định việc giao Hội đồng khoa học của đơn vị thực hiện việc xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn của đơn vị.

Như vậy mua các trang thiết bị trước tiên phải lựa chọn được sản phẩm đạt yêu cầu về chuyên môn, sau đó mới đến giá thành để loại bỏ được những sản phẩm không bảo đảm chất lượng. Nghị quyết cũng cho phép các cơ sở y tế được sử dụng các trang thiết bị y tế đã được cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, viện trợ, tài trợ nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám bệnh, chữa bệnh; các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng trang thiết bị y tế này được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán.

Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức (Hà Nội) Trần Bình Giang đánh giá, với hai văn bản này, đã giải quyết cơ bản tình trạng thiếu trang thiết bị y tế hiện nay tại bệnh viện. Ngay khi được tháo gỡ, bệnh viện đã đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất... Và sau hai tuần dừng mổ phiên, chỉ ưu tiên ca cấp cứu, những ca bệnh nặng, lịch mổ của bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt của cả nước đã trở lại bình thường như trước khi gặp tình trạng khan hiến trang thiết bị, vật tư y tế. Người dân có thể yên tâm đến khám, chữa bệnh với đầy đủ phương tiện.

PGS, TS Ðào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đánh giá, 95% số bệnh nhân khám, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai là sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, cho nên những vướng mắc mà Nghị định số 07/2023/NÐ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP tháo gỡ không chỉ cho bệnh viện, mà chính là tháo gỡ cho người dân khi đi khám, chữa bệnh.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, nhiều gói thầu phải dừng từ sau ngày 5/11/2022 nay lại tiếp tục được triển khai, sẽ được mở thầu trong một, hai tuần tới và hy vọng chỉ trong thời gian ngắn nữa sẽ đủ vật tư, hóa chất đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Ðáng chú ý, bước vào năm 2023, Bệnh viện Bạch Mai chuẩn bị các gói thầu cho khoảng 2.000 loại vật tư, hóa chất, nhưng chỉ 1/3 trong đó đạt đủ tiêu chí có ba báo giá. Với những quy định mới của Nghị quyết 30/NQ-CP, bệnh viện sẽ mua được đủ những trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết. Song song với đẩy nhanh tiến độ mua sắm, bệnh viện cũng tập trung rà soát tất cả các máy, thiết bị y tế được cho, tặng trong thời kỳ chống dịch Covid-19 và các đề án liên doanh, liên kết mà chưa hoàn thiện sở hữu toàn dân để kịp thời đưa vào khai thác, sử dụng phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

PGS, TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định sau khi có Nghị định 07/2023/NÐ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP, ngành Y tế thành phố quyết tâm không để xảy ra tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư y tế trong công tác điều trị tại các bệnh viện. Sở Y tế sẽ lập tổ theo dõi diễn biến mua sắm hóa chất, vật tư; kiến nghị tháo gỡ ngay các vướng mắc (nếu có phát sinh trong quá trình thực hiện), không để việc chăm sóc sức khỏe người bệnh bị gián đoạn. Hằng tuần, Sở Y tế sẽ họp trực tuyến để các bệnh viện báo cáo tình hình mua sắm vật tư, hóa chất và sau một tháng, sẽ tiến hành đánh giá lại.

Bác sĩ chuyên khoa 2, Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, các quy định mới sẽ giúp công tác đấu thầu mua sắm thuận lợi hơn, giúp bệnh viện không còn cảnh thiếu trang thiết bị, vật tư, hóa chất.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Từ Dũ cho biết, vì đặc thù của bệnh viện là bảo vệ an toàn sức khỏe "2 trong 1" (cả sản phụ và em bé), nên phải "lựa cơm gắp mắm" sao cho các bệnh nhân được thụ hưởng dịch vụ tốt nhất, không phải chuyển qua các cơ sở tư nhân. Sau khi Nghị quyết 30/NQ-CP được áp dụng thì bệnh viện đã giải quyết được hầu hết các khó khăn, các hoạt động dần trở lại bình thường.

Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý

Qua trao đổi thông tin với chúng tôi, lãnh đạo nhiều bệnh viện đều cho rằng Nghị quyết 30/NQ-CP là giải pháp tình thế, cấp bách bảo đảm trang thiết bị, vật tư y tế để phục vụ người bệnh, chứ không phải là văn bản pháp quy. Nghị quyết này cũng chỉ áp dụng trong năm 2023.

Chính vì vậy, về lâu dài cần hoàn thiện hành lang pháp lý, từ việc sửa đổi các luật có liên quan đến xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn để các bệnh viện có hành lang pháp lý chuẩn, chặt chẽ đồng thời tạo thuận lợi trong công tác quản lý cũng như mua sắm trang thiết bị, vật tư phục vụ người bệnh tốt nhất. Các bộ, ngành liên quan (Y tế, Kế hoạch và Ðầu tư, Tài chính) cần thực hiện đúng tiến độ trong xây dựng các hướng dẫn mà Nghị quyết 30/NQ-CP đã đưa ra. Mặt khác, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, cho nên các nghị định, thông tư liên quan thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cũng cần sớm được ban hành để các bệnh viện có căn cứ xây dựng phương án mua sắm kịp thời, đúng pháp luật.

Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, Ðặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ, hiện nay bệnh viện có nhiều máy móc cần sửa chữa nhưng việc này phải thực hiện theo Luật Ðấu thầu và các thông tư, nghị định. Do đó, về lâu dài cần có sự phối hợp các bên vì phải lập báo cáo, đề xuất sửa chữa trang thiết bị y tế. Về xác định giá trang thiết bị y tế, cần có cơ quan chủ trì định mức giá để bảo vệ người làm công tác đấu thầu. "Khi thanh tra, kiểm toán đều xoáy vào giá nhập khẩu trang thiết bị y tế. Tuy mua sắm đều phải thông qua hội đồng khoa học bệnh viện, song bệnh viện rất dễ rơi vào chỉ định thầu, không thể biết được". Do vậy, các bệnh viện mong muốn Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn về vấn đề này để các đơn vị hoạt động trơn tru; thậm chí, phải có điều khoản bảo vệ người, đơn vị thực hiện thí điểm.

Chia sẻ về một số băn khoăn của các đơn vị, PGS, TS Ðào Xuân Cơ cho rằng, những vấn đề liên quan thiếu trang thiết bị, thuốc men là vấn đề cấp bách vì liên quan trực tiếp đến người bệnh. Các cơ quan tư pháp sẽ không bao giờ khởi tố, bắt bớ cán bộ không trục lợi, không có dấu hiệu tư lợi, làm vì phục vụ người bệnh, phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Một nguyên tắc quan trọng mà các bệnh viện cần tuân thủ là Luật Phòng, chống tham nhũng. "Tôi không lo vướng vào pháp lý liên quan đến vấn đề mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư bằng việc thiếu thuốc, hóa chất, vật tư để phục vụ người bệnh"- người đứng đầu Bệnh viện Bạch Mai khẳng định.

Theo Thứ trưởng Y tế Ðỗ Xuân Tuyên, đối với những khó khăn, vướng mắc không thể giải quyết ngay và những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, các bệnh viện cần báo cáo, đề xuất kịp thời với Bộ Y tế. Lĩnh vực nào thuộc Bộ Y tế, sẽ giao các vụ, cục, đơn vị cùng phối hợp để tháo gỡ; với những vấn đề liên quan đến các bộ, ngành khác, Bộ Y tế cùng phối hợp tìm cách tháo gỡ hoặc báo cáo lên Chính phủ để có hướng giải quyết sớm.

Về lâu dài, cần phải có giải pháp căn cơ, đó là nhanh chóng hoàn thiện thể chế bằng văn bản, xây dựng đồng bộ từ luật, đến nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện. Lãnh đạo Bộ Y tế cũng lưu ý các doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh thiết bị y tế về trách nhiệm trước pháp luật trong việc kê khai giá, tính năng, cấu hình, tác dụng, tính pháp lý của trang thiết bị y tế. Bộ Y tế sẽ thanh, kiểm tra và hậu kiểm đối với mặt hàng này. (Nhân dân, trang 5).

Cùng chủ đề Báo Nông thôn ngày nay, trang 2: “Nới quy định, bệnh viện và bệnh nhân đỡ khổ”; Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Nhiều giải pháp đồng bộ tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế”.

 

Nỗi lo trẻ hóa bệnh ung thư phổi

Trước đây, trường hợp mắc ung thư phổi thường gặp nhiều ở nam giới trên 50 tuổi. Thế nhưng, hiện nay, càng đáng lo khi giống như các loại ung thư khác, ung thư phổi cũng đang trẻ hóa và gia tăng nữ giới mắc bệnh. Vì vậy, việc mọi người có ý thức hạn chế tác nhân gây bệnh càng trở nên quan trọng.

Đề cập đến bệnh ung thư phổi, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đây là một trong 3 loại ung thư phổ biến thường gặp nhất. Trong các bệnh ung thư trên thế giới, ung thư phổi cũng gây tử vong hàng đầu. Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ hai về tỷ lệ mắc mới với hơn 26.000 ca và tỷ lệ tử vong là gần 24.000 ca hằng năm cho cả hai giới nam, nữ.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), giống như các loại bệnh ung thư khác, tỷ lệ mắc ung thư phổi ngày càng trẻ hóa. Nếu như trước đây chỉ tiếp nhận các trường hợp trên 50 tuổi mắc ung thư phổi thì hiện nay gặp cả những bệnh nhân dưới 40 tuổi. Đặc biệt, không chỉ có nam giới mà nữ giới cũng mắc bệnh này.

Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một nữ bệnh nhân (36 tuổi, ở Hà Nội) đến khám trong tình trạng phổi kích thước lớn, kèm theo tổn thương di căn một số cơ quan như màng phổi, gan, hạch, xương, não... Bệnh nhân này từ nhỏ sống cùng với cậu ruột. Người cậu này thường xuyên hút thuốc lá. Do đó, các bác sĩ nghĩ nhiều đến nguyên nhân của việc hút thuốc lá thụ động khiến nữ bệnh nhân này mắc ung thư phổi khi tuổi còn rất trẻ. Trường hợp khác là nam bệnh nhân (33 tuổi, ở Ninh Bình) đến khám tại Bệnh viện K khi thấy triệu chứng tức ngực, khó thở, người mệt mỏi. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân có khối u ác tính ở phổi. Nam bệnh nhân này có thâm niên hút thuốc 15 năm nay, ngày nhiều nhất hút từ 1,5 đến 2 bao thuốc.

Ngày nay, nhờ những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, ung thư phổi có thể phát hiện ở giai đoạn sớm, gia tăng tỷ lệ điều trị khỏi bệnh cũng như kéo dài sự sống. Nếu như tỷ lệ sống sau 5 năm ở giai đoạn sớm đạt 90% thì ở giai đoạn cuối chỉ còn dưới 10%. Thế nhưng, trên thực tế, bệnh nhân phát hiện ung thư phổi thường ở giai đoạn muộn, chỉ khoảng 15% phát hiện giai đoạn sớm.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai), ở những trường hợp mắc ung thư phổi có tiên lượng nặng thường phát hiện ở giai đoạn muộn nên làm giảm đáng kể tuổi thọ của bệnh nhân. Do đó, việc sàng lọc ung thư phổi rất quan trọng ở các quốc gia trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Lợi ích của sàng lọc là phát hiện sớm bệnh, điều trị kịp thời, từ đó giúp cho chất lượng cuộc sống của người bệnh được cải thiện và làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư phổi.

Để phòng ung thư phổi, theo khuyến cáo của các bác sĩ, người dân cần hạn chế các chất, tác nhân gây bệnh ung thư như: Thuốc lá, thực phẩm, hóa chất độc hại... Bên cạnh đó, duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, tập thể dục thể thao đều đặn và thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ...

Theo bác sĩ Chuyên khoa II Vũ Xuân Huy, Phó Trưởng khoa Xạ tổng hợp (Bệnh viện K cơ sở Tân Triều), có 2 nguyên nhân chính dẫn tới ung thư phổi. Thứ nhất, việc sử dụng thuốc lá, thuốc lào chiếm 80% nguyên nhân gây ung thư phổi. Thứ hai là yếu tố di truyền, chiếm 20% tổng nguyên nhân gây nên căn bệnh này. Cách tốt nhất để phòng tránh ung thư phổi là nói không với thuốc lá. Điều đáng nói, những người hít phải khói thuốc lá cũng tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư tương tự như những người hút thuốc, mặc dù với số lượng nhỏ hơn. Chính vì vậy, hãy hạn chế đến các khu vực nơi mọi người hút thuốc hoặc yêu cầu người hút thuốc ra xa nơi mình làm việc.

Về dấu hiệu nhận biết ung thư phổi, các chuyên gia y tế lưu ý, người bị ung thư phổi thường có các dấu hiệu báo động đỏ như: Ho ra máu, đau ngực, thỉnh thoảng co giật, đặc biệt là giảm cân rất nhanh, có bệnh nhân chỉ trong 3 tháng giảm đến 10kg. Nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu này thì cần đi khám sức khỏe để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. (Hà Nội mới, trang 7).

 

Xây dựng 3 tình huống ứng phó với dịch bệnh sốt xuất huyết

Ngày 20-3, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ ngày 10 đến 17-3), trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 8 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 6 ca so với tuần trước đó). Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội có 172 ca mắc sốt xuất huyết; trong khi cùng kỳ năm 2022, thành phố chỉ có 9 ca.

Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng 3 tình huống ứng phó với dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố. Cụ thể, tình huống 1 khi chưa có dịch trên quy mô xã, phường, thị trấn; tình huống 2 khi có dịch trên quy mô xã, phường, thị trấn; tình huống 3 khi dịch bùng phát, lan rộng ra cộng đồng.

Sở Y tế thành phố cũng giao nhiệm vụ cho CDC Hà Nội tăng cường công tác dự báo, thường xuyên báo cáo kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết theo quy định, đồng thời xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động chuyên môn theo từng cấp độ dịch. Đồng thời, CDC Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai phát động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết (ngày 15-6).

Riêng các cơ sở khám, chữa bệnh, Sở Y tế thành phố yêu cầu xây dựng kế hoạch tổ chức thu dung, cấp cứu và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại đơn vị. Ngoài ra, thường xuyên tập huấn phác đồ chẩn đoán, cấp cứu, điều trị bệnh sốt xuất huyết cho cán bộ y tế. (Hà Nội mới, trang 6).

 

Giám sát, phát hiện sớm ca bệnh Marburg

Bộ Y tế có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành quan tâm chỉ đạo và các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur, sở y tế tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Marburg để điều tra dịch tễ (lưu ý những người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch khu vực

Các địa phương cần lấy mẫu để xét nghiệm chẩn đoán; quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân đối với nhân viên y tế và người tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, không để lây nhiễm cho nhân viên y tế cũng như lây lan trong cộng đồng.

Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh, thành chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại địa phương, không để bị động; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng chống dịch.

Theo Bộ Y tế, Marburg là bệnh truyền nhiễm cấp tính (là bệnh truyền nhiễm nhóm A, theo luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm của nước ta) do vi rút Marburg gây ra. Ổ chứa tự nhiên là loài dơi ăn quả (Rousettus aegyptiacus). Bệnh có thể lây truyền từ động vật (dơi, động vật linh trưởng) sang người. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể (nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, chất nôn, sữa mẹ, tinh dịch...) hoặc với môi trường vật dụng bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người mắc, chết do vi rút Marburg.

Bệnh khởi phát với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, khó chịu, sau đó có thể xuất hiện tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, xuất huyết.

Đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm, chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu, khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao (50%, có thể lên tới gần 90%). (Thanh niên, trang 5).

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 1: “Giám sát chặt người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch bệnh Marburg”; Nhân dân, trang 5: “Tăng cương giám sát, phòng, chống dịch bệnh Marburg”.

 

Gia tăng trẻ mắc bệnh hô hấp do siêu vi dù chưa vào mùa bệnh

Chuyên gia cảnh báo, hiện TP.HCM chưa vào mùa bệnh hô hấp nhưng số trẻ mắc bệnh hô hấp do siêu vi đang ngày càng gia tăng do thời tiết chuyển mùa, phụ huynh tuyệt đối không chủ quan.

Chị Thanh Dung (Q12) đang chờ tới lượt khám cho con tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) lo lắng kể lại, bé nhà chị năm nay 3 tuổi, sáng ngày hôm qua bé bắt đầu xuất hiện triệu chứng sốt nhưng chị vẫn cho trẻ đến trường bình thường. Tới giờ trưa giáo viên thông báo con sốt cao, mệt mỏi, li bì, má đỏ....nên gia đình đã đưa bé về và cho bé thăm khám tại một phòng khám tư gần nhà, bé được chẩn đoán bị sốt siêu vi.

Dù chị Dung đã cho bé uống thuốc theo toa bác sĩ kê nhưng cứ mỗi 4 tiếng thì bé lại sốt trở lại. Vậy nên sáng hôm nay chị đã đưa bé tới bệnh viện từ rất sớm.

Những ngày gần đây con trai của chị Ngọc Ngân (7 tuổi, ngụ tại Cần Giuộc) xuất hiện triệu chứng nóng lạnh thất thường, kèm theo đó là nôn ói. Được biết, xung quanh bé cũng có 6 -7 bạn có triệu chứng sốt nhưng không đi kèm nôn ói như con chị. Quá lo lắng nên chị đã nghỉ làm và đưa bé lên TP.HCM khám.

BS.CK2 Nguyễn Thanh Hải, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, khoảng 3 tuần gần đây số bệnh nhi tới thăm khám do mắc các bệnh về viêm đường hô hấp tăng so với trước đây. Trung bình mỗi ngày khoa Khám bệnh tiếp nhận khoảng 100 -150 trường hợp được chẩn đoán là viêm hô hấp trên. Số lượng bệnh nhân điều trị nội trú cũng tăng so với thời gian trước.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), trẻ phải nhập viện do mắc các bệnh lý về đường hô hấp cũng tăng lên 20% so với thời gian trước đây. Đa phần bệnh nhi bị viêm phổi, viêm tiểu phế quản do nhiễm siêu vi.

Theo Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), bệnh viêm hô hấp trên đa số là do siêu vi trùng gây ra, trong đó, Adeno virus chiếm trên 50%. Sở dĩ thời gian gần đây nhiều trẻ bị mắc bệnh về đường hô hấp là do TP.HCM đang ở trong giai đoạn giao mùa, mức nhiệt chênh lệch giữa sáng và trưa cao hơn trong khi đó nhóm siêu vi này phát triển tốt trên nền nhiệt độ khoảng 30 độ C.

Sốt siêu vi là một nhóm bệnh lý ít có biến chứng nặng, trong đó Adeno virus chiếm tỷ lệ lớn, đa số các bệnh nhân mắc phải nhóm siêu vi này không cần phải nhập viện và tỷ lệ biến chứng cũng không cao. Tuy nhiên, phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan vì các bệnh cũng có thể trở nặng và gặp các biến chứng nguy hiểm nếu trẻ có bệnh nền như suy thận, bệnh lý về máu, ung thư, suy dinh dưỡng...

BS.CK2 Nguyễn Thanh Hải khuyên rằng, để phòng tránh bệnh hô hấp do lây nhiễm siêu vi, phụ huynh nên cho con uống đủ nước, ăn đầy đủ dinh dưỡng, nhiều rau xanh và trái cây. Đặc biệt, cần tiêm chủng đẩy đủ cho bé để nâng cao sức đề kháng cho trẻ.

Bên cạnh đó, cần tạo cho trẻ có không gian sống, học tập sạch sẽ, thông thoáng. Phụ huynh và giáo viên nên thường xuyên cọ rửa, sát khuẩn đồ chơi, bề mặt mà trẻ hay tiếp xúc. Nếu phát hiện trẻ có các dấu hiệu bất thường như sốt, ho, sổ mũi thì cần đưa bé đi khám bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.Vừa qua, Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh đã ghi nhận hiện tượng một số học sinh trường THCS Lê Văn Tám và trường THCS Lam Sơn nghỉ học do bệnh cũng như số học sinh xuống phòng y tế của 2 trường này để khám do có triệu chứng sốt, mệt tăng nhanh đột biến trong các ngày 22, 23 và 24/2. Trong đó, số học sinh có triệu chứng bệnh trong 3 ngày tại Trường Trung học Cơ sở Lê Văn Tám lần lượt là 14, 193 và 23 học sinh; tại Trường Trung học Cơ sở Lam Sơn lần lượt là 5, 84 và 17 học sinh. Tổng số trẻ mắc bệnh trong giai đoạn này chiếm 11% tổng số học sinh cả 2 trường.

Triệu chứng chính của các học sinh chủ yếu là đau họng, sốt, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt. Ngoài ra, còn ghi nhận khoảng 10-15% trường hợp có tiêu chảy, buồn nôn, nôn. Sau khi thăm khám các bác sĩ nhận định nguyên nhân gây bệnh ở nhóm học sinh của cả 2 trường là nhiễm siêu vi hô hấp. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang