Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 22/11/2016

  • |
T5g.org.vn - Nhiễm virus Zika không còn là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế; Nhiều bệnh viện không đủ kinh phí xử lý chất thải; Chị em ruột cùng bị nhiễm vi rút Zika; Tắc động mạch phổi, bệnh nguy hiểm; ...

Nhiễm virus Zika không còn là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế

Ngày 21-11, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, những diễn biến của bệnh do virus Zika và chứng đầu nhỏ cùng các rối loạn thần kinh khác đã khiến Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa phải tổ chức cuộc họp trực tuyến lần thứ năm của Ủy ban khẩn cấp thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế.

Uỷ ban đã cập nhật diễn biến gần đây nhất về sự lan rộng của virus Zika, lịch sử tự nhiên, dịch tễ học, chứng đầu nhỏ và các biến chứng khác ở trẻ sơ sinh liên quan đến virus Zika, hội chứng các rối loạn thần kinh, kiến thức về lây truyền virus Zika qua đường tình dục cũng như việc triển khai các khuyến nghị tạm thời đã được WHO thông qua. 

Brazil, Thái Lan và Hoa Kỳ đã cung cấp thông tin về chứng đầu nhỏ, hội chứng Guillain-Barré và các rối loạn thần kinh khác liên quan đến nhiễm virus Zika cũng như các biện pháp phòng chống đang được triển khai tại những nước này.

Tổng giám đốc WHO đã thông báo nhiễm virus Zika là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế dẫn tới thế giới phải có đáp ứng và điều phối khẩn cấp, cũng như cung cấp những hiểu biết mối liên quan giữa nhiễm virus Zika và hậu quả nghiêm trọng lâu dài đối với sức khỏe mà WHO, các quốc gia và các đối tác phải quản lý như là mối đe dọa bệnh truyền nhiễm.

Ủy ban khẩn cấp lần đầu tiên đã khuyến cáo nhiễm virus Zika là một sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế vào tháng 2-2016, sau một số chùm ca bệnh đầu nhỏ bất thường và các rối loạn thần kinh được báo cáo tại Brazil, sau đó là ở Polynesia (Pháp), có những mối liên quan về địa lý đối với nhiễm virus Zika. 

Hiện nay các nghiên cứu đã chứng minh mối liên quan giữa nhiễm virus Zika và chứng đầu nhỏ nên Ủy ban khẩn cấp cho rằng một cơ chế kỹ thuật dài hạn mạnh mẽ đã được yêu cầu để quản lý việc phòng chống dịch trên toàn cầu.

WHO cho rằng, nhiễm virus Zika và những hậu quả do virus này vẫn là một thách thức y tế công cộng đòi hỏi phải hành động mạnh mẽ, nhưng không còn là một sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế. Nhiều khía cạnh của bệnh này và hậu quả liên quan cần phải hiểu rõ hơn nữa, nhưng có thể được thực hiện qua các nghiên cứu bền vững. 

Ủy ban khẩn cấp đã xem xét và đồng ý với kế hoạch chuyển tiếp về Zika do WHO phác thảo thiết lập cơ chế đáp ứng lâu dài cùng với các mục tiêu chiến lược đã được xác định trong kế hoạch chiến lược ứng phó với virus Zika.

Sau khi phân tích các ý kiến, Tổng giám đốc WHO tuyên bố kết thúc sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế liên quan đến nhiễm virus Zika. (Công an nhân dân, trang 1).

 

Nhiều bệnh viện không đủ kinh phí xử lý chất thải

Trung bình mỗi ngày, các cơ sở khám, chữa bệnh do Sở Y tế Hà Nội quản lý trên địa bàn thành phố thải ra hơn 13 tấn rác thải. Trong đó, phần lớn là rác thải y tế nguy hại và chất thải rắn nhưng hệ thống xử lý còn kém, kinh phí đầu tư hạn chế.

Ông Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thông tin, lượng chất thải rắn phát sinh một ngày của các cơ sở do Sở Y tế quản lý (41 bệnh viện, 30 trung tâm y tế huyện, 14 trung tâm chuyên khoa) khoảng 11 tấn/ngày.

Trong đó, có 9,249 tấn/ngày là chất thải rắn y tế thông thường, 1,842 tấn/ngày là chất thải rắn y tế nguy hại. Các trạm y tế xã/phường/thị trấn trung bình mỗi ngày thải ra từ 0,1- 0,5kg chất thải rắn y tế nguy hại và 1-4kg chất thải rắn y tế thông thường.

Như vậy, tổng lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 13 tấn/ngày trong đó có 11 tấn/ngày là chất thải y tế thông thường và 2 tấn/ngày là chất thải y tế nguy hại. Ước tính, đến năm 2020, tổng lượng chất thải y tế phát sinh một ngày trên địa bàn Hà Nội là 15,8 tấn/ngày, trong đó khối lượng chất thải y tế nguy hại là 3,16 tấn/ngày. Ngoài ra, tổng lượng nước thải trung bình một ngày của các cơ sở thuộc Sở Y tế Hà Nội khoảng 10.029m3/ngày. Ước đến năm 2020 là 13.495m3/ngày.

Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, giai đoạn 2010-2015, thành phố đã đầu tư xây dựng mới hệ thống xử lý chất thải lỏng cho 30 bệnh viện, 45 phòng khám đa khoa khu vực; 11 bệnh viện còn lại đã được đầu tư theo quy mô bệnh viện trước đây hiện đã xuống cấp; 32 bệnh viện tư nhân đã được đầu tư trước khi đi vào hoạt động. Đối với chất thải rắn, thành phố đã đầu tư lò đốt chất thải y tế cho 16 bệnh viện.

Tuy nhiên, quá trình vận hành lò đốt còn nhiều khó khăn như tiêu tốn nhiên liệu, hay hỏng thường xuyên phải bảo trì. Còn các cơ sở y tế khác ký hợp đồng thu gom xử lý chất thải y tế với Công ty Cổ phần Môi trường và Đô thị công nghiệp 10 - Urenco 10. Ông Nguyễn Văn Dung cho rằng, giai đoạn vừa qua, kinh phí đầu tư cho công tác quản lý chất thải y tế còn hạn chế. Nhiều đơn vị không đủ kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý nước thải, khu lưu giữ chất thải rắn; kinh phí cho vận hành, bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải; kinh phí mua hóa chất, vật tư làm sạch môi trường, kinh phí mua sắm trang thiết bị, phương tiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tiêu hủy chất thải rắn y tế khá lớn nên các đơn vị gặp nhiều khó khăn.

Trong giai đoạn tới, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội kiến nghị, cần có một biên chế chuyên trách cho công tác quản lý chất thải y tế tại các bệnh viện và các trung tâm y tế quận, huyện (hiện tại là cán bộ kiêm nhiệm). Đặc biệt, cần phân cấp rõ giữa Trung ương và địa phương trong việc quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác xử lý chất thải y tế của các đơn vị y tế trên địa bàn để tránh chồng chéo, và tăng cường đầu tư kinh phí quản lý chất thải y tế. (An ninh thủ đô, trang 6).

 

Chị em ruột cùng bị nhiễm vi rút Zika

Ngày 21.11, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết vừa phát hiện thêm ca thứ 2 nhiễm vi rút Zika. Bệnh nhân này là một phụ nữ 22 tuổi, ngụ tại TT.Phú Mỹ, H.Tân Thành.

Trước đó, em ruột của bệnh nhân cũng bị nhiễm vi rút Zika. Viện Pasteur TP.HCM đã cùng ngành y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến nơi bệnh nhân ở phun thuốc khử trùng, tổ chức bắt muỗi tại khu vực bệnh nhân ở để xác định muỗi có vi rút Zika hay không.

Theo Sở Y tế tỉnh này, các thai phụ tại TT.Phú Mỹ đã được tư vấn sức khỏe, hướng dẫn cách phòng chống bệnh vi rút Zika. (Thanh niên, trang 8).

 

Tắc động mạch phổi, bệnh nguy hiểm

Các bác sĩ Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) vừa cứu sống bệnh nhân bị tắc động mạch phổi kèm sốc nặng, nhờ sự kết hợp siêu âm tim cấp cứu tại giường và tiêu sợi huyết sớm khi điều kiện bệnh nhân chưa cho phép đi chụp cắt lớp vi tính động mạch phổi. Cứu sống ca bệnh đặc biệt

Bệnh nhân N.V.T (34 tuổi, Hà Nội) là một nam huấn luyện viên dạy khiêu vũ trẻ bị tắc động mạch phổi tự nhiên được điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Bệnh này thường gặp ở bệnh nhân mới trải qua phẫu thuật, hoặc ít vận động nhưng anh T. lại là người ưa hoạt động và gần đây cũng không có  bệnh tật nào liên quan đến phẫu thuật. Được biết, trước khi nhập viện 2 ngày bệnh nhân bị đau khoeo chân trái, nghĩ do công việc dẫn đến đau cơ, nên không đi khám. Nhưng sau đó chỉ trong 1 ngày bệnh nhân bị ngất 2 lần, rồi khó thở, đau ngực nên người nhà đưa vào bệnh viện khám.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, mạch nhanh, huyết áp tụt, oxy máu giảm, phải thở máy thông qua ống nội khí quản, dùng thuốc để nâng huyết áp. Đặc biệt đã có lúc bệnh nhân rơi vào tình trạng ngừng tuần hoàn phải ép tim ngoài lồng ngực liên tục tim mới hoạt động trở lại. Tình hình bệnh nhân bị sốc nặng như thế này không cho phép di chuyển bệnh nhân đi chụp cắt lớp vi tính động mạch phổi ở khoa Chẩn đoán hình ảnh cách 50m, nơi thiếu các phương tiện hồi sức. Vì thế ngoài việc bệnh nhân được chụp X.quang, điện tim tại giường, bệnh nhân còn được làm siêu âm tim ngay tại giường để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Siêu âm tim tại giường cho thấy buồng tim phải của anh T. bị dãn, có cục máu đông nhảy nhót trong buồng tim phải. Các bác sĩ trực của khoa Cấp cứu & Hồi sức tích cực đã quyết định dùng ngay thuốc tiêu sợi huyết để làm tan cục máu đông giúp giảm tắc nghẽn động mạch phổi, mà không đợi hình ảnh xác định của huyết khối trong động mạch phổi của phim cắt lớp vi tính. TS Hoàng Bùi Hải, trưởng khoa Cấp cứu & Hồi sức tích cực cho biết, đây là quyết định mà các bác sĩ của khoa chưa từng làm bao giờ, khi cho thuốc tiêu sợi huyết mà chưa chụp cắt lớp vi tính động mạch phổi.

Sau khi được dùng thuốc tiêu sợi huyết và thuốc heparin tiếp tục được truyền theo đường tĩnh mạch, tình trạng bệnh nhân được cải thiện nhanh chóng, siêu âm tim lần 2 ngay sau khi tiêu sợi huyết đã không còn thấy cục huyết khối trong buồng tim phải. Khi bệnh nhân ổn định hơn, phim cắt lớp vi tính động mạch phổi đã được thực hiện, cho thấy có hình ảnh huyết khối tia nhánh nhỏ của động mạch phổi 2 bên, một bằng chứng khẳng định bệnh nhân bị tắc động mạch phổi; siêu âm tĩnh mạch sâu chân trái cho thấy có huyết khối, chứng tỏ huyết khối trong động mạch phổi và ở trong tâm thất phải của bệnh nhân có nguồn gốc từ tĩnh mạch sâu chân trái. Chỉ sau 1 ngày bệnh nhân được thôi dùng thuốc nâng huyết áp, 2 ngày sau được rút ống nội khí quản, bệnh nhân tự thở hoàn toàn, bệnh nhân được chuyển sang dùng thuốc chống đông đường uống và ra viện sau 5 ngày điều trị tại bệnh viện.

Phát hiện chậm, nguy cơ tử vong cao

TS Hoàng Bùi Hải cho biết, tắc động mạch phổi là một cấp cứu nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Nếu không được phát hiện và xử trí sớm, tắc động mạch phổi có tỷ lệ tử vong lên đến 30%. Hầu hết các trường hợp tử vong đều do tắc động mạch phổi tái phát sau vài giờ đầu tiên. Ngược lại nếu được chẩn đoán và điều trị phù hợp tỷ lệ tử vong giảm còn 2-8%. Với bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn, tỷ lệ tử vong 100%; khi có dấu hiệu sốc, tỷ lệ tử vong cũng rất cao có thể lên đến 60% và đòi hỏi phải được chẩn đoán nhanh chóng, điều trị kịp thời theo phác đồ.

Thuốc tiêu sợi huyết là loại thuốc có tác dụng làm tan cục máu đông, giúp động mạch phổi được thông thoáng, giúp giảm gánh nặng cho tim từ đó nâng được huyết áp bệnh nhân trở lại mức ổn định. Hiện trên thế giới đã sử dụng loại thuốc này khá phổ biến. Ở Việt Nam, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là một trong những cơ sở sử dụng thuốc tiêu sợi huyết sớm và thường xuyên, có nhiều trường hợp được cứu sống nhờ sử dụng thuốc này mà chưa gặp trường hợp nào bị biến chứng chảy máu đáng kể. Đây là biện pháp lựa chọn đầu tiên để tái tưới máu phổi cho bệnh nhân bị tắc động mạch phổi cấp có sốc, có suy thất phải. Chỉ khi thuốc này có chống chỉ định thì các phương pháp khác như lấy huyết khối qua ống thông hoặc phẫu thuật mở ngực mới được xem xét do tính phức tạp của các kỹ thuật này đòi hỏi về trang bị và con người, đặc biệt các trường hợp sốc nặng càng không thể chuyển bệnh nhân đi khỏi khu vực hồi sức. (Tiền phong, trang 6).

 

Virus Zika tấn công 16 quận, huyện TP.HCM

Báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho thấy đến thời điểm hiện tại, TP.HCM đã ghi nhận 62 trường hợp bị nhiễm virus Zika.

Trong năm ca nhiễm Zika gần đây nhất, quận Gò Vấp có một ca. Bốn trường hợp còn lại chia đều cho hai quận Tân Bình và Bình Thạnh.

Điều đáng nói Tân Bình đầu tiên ghi nhận có người mắc bệnh Zika. Như vậy, hiện số quận, huyện có ca nhiễm Zika lên tới 16/24, tăng một so với ngày 19-11 (15/24).

Hiện nay, quận Bình Thạnh vẫn dẫn đầu với số người nhiễm Zika là 13. Kế tiếp là quận 2 với 10 trường hợp…

Tại các cuộc họp gần đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu nhận định nếu các quận, huyện làm không tốt công tác diệt lăng quăng thì nguy cơ dịch bệnh Zika sẽ gia tăng. (Nông thôn ngày nay, trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang