Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 02/2/2018

  • |
T5g.org.vn - Khi Bộ trưởng Y tế lo chuyện... rượu chè; Chưa phát hiện chủng virus cúm mới xâm nhập Việt Nam; Sau đợt rét đậm này, lượng bệnh nhân nhập viện sẽ tăng mạnh; TP.HCM phòng chống dịch bệnh ở các điểm vui chơi, lễ hội dịp tết

 

Khi Bộ trưởng Y tế lo chuyện... rượu chè

Ngay trước Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đăng đàn bày tỏ nỗi bức xúc trước tình trạng uống rượu, sản xuất rượu giả. Bà kiên quyết rằng: Không thể để xảy ra tình trạng xã hội ngày càng văn minh nhưng năm nào cũng có người chết đau đớn vì rượu trong những ngày lễ, tết.

Nỗi lo của Bộ trưởng hoàn toàn không thừa. 203 người đã chết vì TNGT trong “3 ngày tết” năm ngoái - không ít trong đó vì rượu. 4.500 người nhập viện vì... đánh nhau - có nguyên nhân từ rượu.

Có thể, con số bình quân 5.000 người ngộ độc và 26 người chết vì ngộ độc methanol mỗi năm không mấy ấn tượng. Nhưng những cái chết trực tiếp chỉ là một khía cạnh hậu họa của rượu.

Bởi bên cạnh, là những thống kê khủng khiếp dưới khía cạnh tác động xã hội: Chẳng hạn rượu là nguyên nhân của 31% các vụ đánh giết nhau, 33% các vụ hiếp dâm hay 18% nguyên nhân các vụ TNGT. Rượu cũng là “đầu vào” của khoảng 60% các loại bệnh tật.

Một bộ trưởng y tế lo chuyện rượu chè, suy cho cùng, cũng là phải, là chuẩn trách nhiệm thôi.

Nhưng cũng xin chia sẻ với Bộ trưởng, với ngành y tế. Sẽ chẳng giải quyết được điều gì nếu chỉ lo, chỉ chuẩn bị cho việc cấp cứu tai nạn từ rượu, sẽ chẳng giảm bớt hay chấm dứt được nếu chỉ chuẩn bị thuốc men, vật tư y tế cho việc cấp cứu ngộ độc rượu.

Một thống kê của ngành công thương cho thấy mỗi năm, có tới 270 triệu lít rượu được sản xuất và tiêu thụ, trong đó, không nhỏ là lượng rượu “ba không”: Không nhãn mác, không rõ nơi sản xuất, không biết chất lượng. Và chính những loại rượu ba không với không ít trường hợp pha bằng cồn công nghiệp methanol mang tính chất “thuốc độc” này đang là nguyên nhân trực tiếp gây ra ngộ độc và bệnh tật.

Thay đổi thói quen trà lá, rượu chè trong những dịp lễ tết là việc khó, cần thời gian. Nhưng kiểm soát chặt thị trường hạn chế các loại rượu thuốc độc, cấm tuyệt đối bán rượu cho người vị thành niên là việc có thể làm và làm ngay.

Có một chi tiết trong vụ 10 sinh viên ngộ độc rượu ngay tại thủ đô là có những trường hợp nồng độ methanol trong máu cao gấp cả trăm lần so với mức cho phép... và là nguyên nhân trực tiếp gây ra tử vong. Và để tránh tình trạng cồn công nghiệp biến thành rượu gây ra những hậu họa rất lớn, lại chỉ đơn giản bằng một quy định: Cồn công nghiệp được pha chất chỉ thị màu xanh, để người ta có muốn cũng không thể pha thành rượu.

Mỗi dịp lễ, tết lại tràn lan những cái chết vì rượu thì đúng là không thể chấp nhận được (Lao động, trang 1).

 

Chưa phát hiện chủng virus cúm mới xâm nhập Việt Nam

Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, thời điểm đông xuân hiện nay đang là mùa dịch cúm phát triển mạnh, điều đáng lo ngại hơn là virus cúm thường xuyên có sự biến đổi và có thể tạo thành các chủng virus có độc lực cao, lây truyền rộng rãi. Theo Bộ Y tế, trên thế giới, một số phân type cúm A đã gây nên các đại dịch cúm như H2N2, H3N8, H3N2, H1N1...  Đặc biệt trong một vài năm trở lại đây thế giới đã ghi nhận sự xuất hiện và tái bùng phát của nhiều chủng cúm mới như: H5N1, H7N9, H5H6, H9N2, H5N2, H5N3, và H5N8. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, đặc tính biến đổi thường xuyên của các chủng virus cúm là rất đáng quan tâm, các gen của virus cúm có thể tái tổ hợp để tạo thành các chủng virus cúm đe dọa cho sức khỏe con người.

Việt Nam nằm trong điểm nóng của khu vực Đông Nam Á, nơi có nhiều giao lưu, đi lại, thương mại với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, vì vậy có nhiều nguy cơ lây lan các chủng virus cúm từ các nơi khác vào nội địa. Nhất là tại nước láng giềng với nước ta là Trung Quốc gần đây đã ghi nhận nhiều trường hợp cúm A(H7N9) với 5 đỉnh dịch xảy ra vào các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

Tuy vậy, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khẳng định, qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm trên cả nước hiện vẫn chưa ghi nhận trường hợp cúm A(H7N9) kể cả trên người và trên gia cầm. Nước ta cũng chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H5N6) ở người, cũng như chưa ghi nhận các ổ dịch cúm A(H5N8), cúm A(H5N2) trên cả gia cầm và người.

Tương tự, qua công tác xét nghiệm các chủng cúm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, đến nay đều chưa phát hiện thấy chủng virus cúm mới cũng như sự đột biến làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng virus cúm lưu hành trên người tại Việt Nam, đồng thời chưa phát hiện các chủng virus mới (lạ) nào tại Việt Nam.

Song, để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, các chủng virus cúm lây truyền từ gia cầm sang người trong dịp Tết, lễ hội và mùa Xuân tới đây, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Vệ sinh mũi, họng hàng ngày, che mũi, miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng. 

2. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.

3. Tiêm vaccine phòng bệnh cúm.

4. Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh. 

5. Người mắc bệnh cúm cần đeo khẩu trang và tránh đến chỗ đông người.

6. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm, thực hiện ăn chín, uống chín (An ninh thủ đô, trang 9).

 

Sau đợt rét đậm này, lượng bệnh nhân nhập viện sẽ tăng mạnh

Mấy ngày gần đây miền Bắc đang trải qua đợt rét đậm rét hại, không chỉ gây xáo trộn sinh hoạt mà còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ nhỏ, người già. Các bác sĩ cảnh báo, sau những ngày rét đậm, lượng trẻ nhỏ, người già vào nhập viện có khả năng sẽ tăng cao. Theo quan sát của phóng viên, tại khu vực gửi xe trước cổng Viện Sức khỏe Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai (bãi đỗ xe duy nhất giành cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân) nếu như ngày thường đều chật kín, không đủ chỗ gửi thì mấy ngày nay vắng vẻ trông thấy. Theo TS Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Bạch Mai, lượng người bệnh đến khám vào những ngày rét đậm rét hại hay nắng nóng đỉnh điểm bao giờ cũng có xu hướng giảm nhẹ do nhiều người dù mắc bệnh nhưng ngại đi ra ngoài, đến viện.

Song thực tế tại các khoa điều trị nội trú, nhất là khu vực điều trị bệnh hô hấp, tim mạch, số người phải nhập viện điều trị do ảnh hưởng của giá rét lại tăng lên. Tại Khoa Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai những ngày qua, đa phần giường bệnh đều phải nằm ghép 2-3 người. Hầu hết bệnh nhân nhập viện điều trị tại đây là người có sẵn bệnh mạn tính như hen và viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

TS Hùng cho biết, trời rét đậm ảnh hưởng nhiều nhất đến trẻ em và người già, nhất là những người có bệnh mạn tính về tim mạch, huyết áp, bệnh về đường hô hấp, tai biến ở người cao tuổi. Nguyên nhân là do thời tiết lạnh đột ngột khiến cơ thể phải co lại để giữ nhiệt, khi đó sẽ gây ra tai biến mạch máu não ở người già và viêm phổi ở trẻ em. Nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Cũng theo các bác sĩ, trong những ngày rét đậm rét hại, trẻ em mắc các bệnh về đường hô hấp rất phổ biến nhưng do trời rét nên phụ huynh có tâm lý chăm sóc, điều trị tại nhà. Do đó, thông thường cứ sau mỗi đợt rét đậm kéo dài, lượng bệnh nhi, người nhà nhập viện điều trị bao giờ cũng tăng vọt (An ninh thủ đô, trang 9).

 

TP.HCM phòng chống dịch bệnh ở các điểm vui chơi, lễ hội dịp tết

Chiều 1.2, Sở Y tế TP.HCM họp giao ban y tế dự phòng 24 quận huyện tháng 1 và 2.2018 tại Trung tâm y tế Q.Bình Tân. Thạc sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm y tế dự phòng TP, đề nghị các quận huyện tập trung phòng chống dịch trước Tết Nguyên đán; xử lý tất cả các ổ dịch, giám sát vệ sinh môi trường, xử lý nguy cơ phát sinh dịch bệnh tại các điểm tổ chức lễ hội, khu vui chơi... Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP, dù đang mùa khô nhưng kênh rạch tại một số quận huyện phát sinh muỗi do ao tù, nước đọng (như các quận Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân, Tân Phú, 8… ), đề nghị các quận huyện có biện pháp diệt muỗi hiệu quả (Thanh niên, trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang