Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 22/4/2017

  • |
T5g.org.vn - Chất lượng dân số cải thiện chưa vững chắc; Tăng cường tuyên truyền chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; Nhiều cơ sở y tế tư nhân yếu kém, có biểu hiện làm ăn chụp giật; Cá nhân mua 1.000 thẻ BHYT tặng hộ cận nghèo; Ghép gan thành công cho bệnh nhi bị xơ gan; …

 

Tăng cường tuyên truyền chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội

Chiều 21-4, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phối hợp tuyên truyền về chính sách BHXH, bảo hiểm y tế năm 2016; định hướng phối hợp tuyên truyền năm 2017 giữa BHXH Việt Nam với các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội.

Năm 2016, BHXH Việt Nam thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và địa phương với quy mô rộng, đa dạng về nội dung và hình thức thể hiện. Phạm vi tuyên truyền được triển khai trong cả nước. Nội dung tuyên truyền phù hợp từng nhóm đối tượng, bảo đảm đúng định hướng, trọng tâm, trọng điểm. Đối tượng được tuyên truyền là người lao động, chủ sử dụng lao động, cán bộ làm công tác BHXH tại các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, khu chế xuất; các nhóm dân cư trong cộng đồng, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, giáo dân… Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như tổ chức hội nghị đối thoại, tập huấn, tọa đàm, tư vấn... phù hợp với từng nhóm đối tượng, vì vậy thu hút được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân. (Nhân dân, trang 5)

 

Nhiều cơ sở y tế tư nhân yếu kém, có biểu hiện làm ăn chụp giật

Sáng 21-4, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiến hành kiểm tra các phòng khám có yếu tố nước ngoài tại Hà Nội, gồm: Phòng khám Đa khoa Thiên Tâm ở 212 Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa) và phòng khám Đa khoa quốc tế Gia đình ở phố Vạn Phúc (quận Ba Đình). Tại thời điểm kiểm tra, phòng khám Thiên Tâm có hai người Trung Quốc làm việc nhưng không có người bệnh; sổ sách bệnh án ghi chép không đầy đủ; các mẫu hồ sơ không đúng quy định và không có đơn thuốc. Đáng chú ý, phòng khám đã vi phạm quảng cáo trên in-tơ-nét; không có máy xét nghiệm sinh hóa như trong biên bản thẩm định cấp phép hoạt động... Phòng khám Thiên Tâm là cơ sở tư nhân có yếu tố nước ngoài từng bị đình chỉ hoạt động hai lần vì vi phạm các quy định về khám, chữa bệnh. Tại phòng khám Đa khoa quốc tế Gia đình, đoàn kiểm tra chưa phát hiện vi phạm lớn.

Làm việc với Sở Y tế Hà Nội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, bên cạnh những cơ sở y tế tư nhân hoạt động tốt, vẫn còn nhiều cơ sở yếu kém, có biểu hiện làm ăn chụp giật, lách luật để xảy ra một số tai biến đáng tiếc. Vì vậy, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các sở y tế chấm điểm cơ sở y tế tư nhân theo 83 tiêu chí như đang áp dụng với bệnh viện công lập. (Nhân dân, trang 5)

 

Cá nhân mua 1.000 thẻ BHYT tặng hộ cận nghèo

Ngày 20-4, lãnh đạo UBND TP Sa Đéc (Đồng Tháp) đã trao quyết định khen thưởng đột xuất cho ông Nguyễn Văn Giàu (ngụ ấp Phú Long, xã Tân Phú Đông) vì có nhiều đóng góp cho công tác xã hội tại địa phương.

Với tấm lòng nhân ái, những tháng đầu năm 2017, ông Nguyễn Văn Giàu hỗ trợ số tiền 60 triệu đồng, mua trên 1.000 thẻ bảo hiểm y tế cấp cho hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố. Nghĩa cử này đã giúp hộ cận nghèo yên tâm lao động sản xuất, giảm bớt gánh nặng khi bệnh tật. Nhiều năm qua, ông Giàu đã tham gia các hoạt động thiện nguyện và có nhiều đóng góp ủng hộ cho công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương. (Công an Nhân dân, trang 7)

 

Bộ trưởng Bộ Y tế giật mình trước sai phạm của phòng khám  tư

Trực tiếp kiểm tra tại phòng khám tư nhân Thiên Tâm (212 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến “giật mình” trước hàng loạt sai phạm của phòng khám này.

Trước những vụ sai phạm nghiêm trọng tại các phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài tại Hà Nội thời gian qua, sáng nay, 21-4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đoàn kiểm tra của Bộ đã đi kiểm tra tại 2 phòng khám trên địa bàn thành phố Hà Nội, gồm Phòng khám Đa khoa Thiên Tâm và Phòng khám Family Medical Practice (298 Kim Mã, quận Ba Đình).

Tại Phòng khám Thiên Tâm, 2 bác sĩ người Trung Quốc được đăng ký hành nghề, thời điểm kiểm tra đều có mặt. Phòng khám cũng có đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định. Tuy nhiên qua kiểm tra thực tế, ngay từ tầng 1, quầy thu ngân, quầy đón tiếp bệnh nhân không có biển hiệu.

Kiểm tra tại phòng khám ngoại, khám phụ khoa, kế hoạch hóa gia đình, khu vực phòng chờ bệnh nhân của phòng khám, trang thiết bị rất hạn chế, cơ sở hạ tầng còn nhếch nhác. Riêng phòng xét nghiệm máy móc thiết bị gần như không có gì đáng kể, nhân viên xét nghiệm không có. Tại phòng khám phụ sản và phòng kế hoạch hóa gia đình của phòng khám này cũng không có xô xử lý dụng cụ sau khi làm thủ thuật theo đúng quy định, nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao.

“Phòng khám tư nhân lẽ ra phải làm tốt hơn cơ sở công lập thì mới hút được bệnh nhân, nhất là phải đảm bảo an toàn bệnh nhân, chống nhiễm khuẩn, chống sốc. Với phòng khám này, nhìn vào phòng khám phụ khoa, cơ sở vật chất nhếch nhác, dụng cụ sơ sài, chống nhiễm khuẩn cũng không đạt, như vậy mà bệnh nhân vẫn đến làm thì đúng là… dũng cảm” – Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá.

Kiểm tra sổ sách cho thấy, phòng khám Thiên Tâm đang hoạt động đúng phạm vi chuyên môn, tuy nhiên sổ sách không đúng mẫu của Bộ Y tế, việc ghi chép không đầy đủ. Đặc biệt, không thể kiểm tra được việc kê đơn của bác sĩ người Trung Quốc bởi phòng khám không lưu đơn, cũng không lưu giữ hồ sơ bệnh án đầy đủ.

Theo quy định, các bác sĩ người nước ngoài kê đơn, chỉ định điều trị phải có một bản phiên dịch sang tiếng Việt và phòng khám phải lưu cả hồ sơ bệnh án bằng tiếng nước ngoài do bác sĩ trực tiếp kê và phiếu đã phiên dịch tiếng Việt, thế nhưng sổ theo dõi khám chữa bệnh tại Phòng khám Thiên Tâm chỉ viết sơ sài bằng tiếng Việt tên bệnh nhân, ngày khám.

“Khám chữa bệnh mà không có sổ sách gì thì không thể chấp nhận được. Không lưu hồ sơ bệnh án của bệnh nhân thì hôm sau bệnh nhân đến khám lại bác sĩ cũng không biết bệnh nhân mắc bệnh gì, hôm trước khám đã chỉ định ra sao” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận xét.

Thành viên đoàn kiểm tra cho biết thêm, việc ghi Bảng niêm yết giá dịch vụ y tế tại phòng khám được dán một cách sơ sài và đáng chú ý là qua kiểm tra hồ sơ sổ sách cho thấy có nhiều danh mục kỹ thuật được phòng khám niêm yết trong bảng giá dịch vụ nhưng không có trong hồ sơ các danh mục mà phòng khám được cấp phép.

Ngoài ra, phòng khám cũng thực hiện quảng cáo một số kỹ thuật quá phạm vi cho phép. Chẳng hạn, tại Phòng khám hiện vẫn có một bảng quảng cáo trị liệu bằng phương pháp Leep (dùng trong phụ khoa) nhưng khi kiểm tra tại phòng khám không có máy Leep này.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, cuối năm ngoái, Thanh tra Sở Y tế cũng đã tiến hành kiểm tra Phòng khám Đa khoa Thiên Tâm và phát hiện phòng khám này thực hiện dịch vụ kỹ thuật quá phạm vi chuyên môn được cấp phép. Do đó, Thanh tra Sở đã quyết định tạm đình chỉ hoạt động của phòng khám này thời hạn 4,5 tháng và phạt hành chính 120 triệu đồng. Phòng khám vừa mới được hoạt động trở lại cách đây chưa lâu.

Còn theo bác sĩ Lê Quang Sơn, phụ trách Phòng khám Thiên Tâm, phòng khám có tổng cộng 8 bác sĩ. Trước đây, trung bình mỗi ngày 1 bác sĩ khám khoảng 5 bệnh nhân, còn hiện nay trung bình một ngày 1 bác sĩ chỉ còn khám khoảng 2 bệnh nhân. (An ninh Thủ đô, trang 6)

Cùng chủ đề Báo Tiền phong trang 10: “Phòng khám tư quá nhiều sai phạm”; Báo Nông thôn Ngày nay trang 6: “Phòng khám có yếu tố nước ngoài sai phạm la liệt: Ai đến khám là người… dũng cảm”

 

Ghép gan thành công cho bệnh nhi bị xơ gan

Chiều 17-4, Bệnh viện Nhi đồng 2 công bố ca ghép gan cho bệnh nhi Dương Gia Kh. (10 tuổi, ngụ tại Bạc Liêu) thành công. Đây là ca ghép gan trẻ em thứ 11 được thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

Trước đó, bệnh nhi Dương Gia Kh. được chẩn đoán teo đường mật đã phẫu thuật Kasai. Sau đó bé bị tiến triển xơ gan, buộc phải phẫu thuật ghép gan với người cho gan là mẹ của bé, chị Phạm Thị T.. Quá trình phẫu thuật kéo dài 12 giờ và gặp khá nhiều khó khăn trong lúc phẫu thuật cũng như sau phẫu thuật. Người mẹ do phải cho con toàn bộ gan trái nên chảy máu nhiều, phải truyền máu hoàn hồi. Riêng bé Kh. khi phẫu thuật lấy gan bị xơ bỏ đi bị chảy máu nhiều, bóc gỡ dính khó khăn do gan dính chặt vào cơ hoành và ruột…. Sau ghép gan, bé bị tràn dịch màng phổi, vàng da, tràn dịch dưỡng nhưng đã được các y, bác sĩ theo dõi sát, điều trị ổn định.

Đến nay, người cho gan là mẹ cháu bé đã phục hồi tốt, xuất viện sau 10 ngày, còn bệnh nhi ghép gan sau gần 3 tuần chăm sóc và điều trị đã hoàn toàn khỏe mạnh, ăn uống ngon miệng, xét nghiệm gan, các tế bào gan hoàn toàn bình thường và sẽ xuất viện trong tuần tới. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)

 

Phẫu thuật ca giãn phế quản do lao phổi

Bệnh viện Xuyên Á vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân N.M.C. (56 tuổi, ngụ tại huyện Củ Chi), bị ho ra máu lâu ngày do biến chứng của giãn phế quản thùy trên và giữa phổi phải.

Trước đó, ông C. từng bị bệnh lao phổi kèm theo đái tháo đường, đã điều trị nội khoa nhưng không có kết quả. Bệnh nhân thường xuyên mệt mỏi, sức khỏe suy kiệt. Qua thăm khám và các xét nghiệm chi tiết, các bác sĩ đã xác định bệnh nhân có biến chứng giãn phế quản khu trú thùy trên và có máu tươi chảy ra từ phế quản thùy trên.

Đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân ho ra máu, cần được phẫu thuật sớm nhằm tránh nguy cơ ho ra máu ồ ạt gây nghẽn đường thở, thậm chí gây tử vong.

Sau 2 giờ phẫu thuật (ảnh), các bác sĩ quyết định cắt thùy trên và thùy giữa phổi phải điển hình, khâu mỏm cắt phế quản thùy trên và giữa, khâu nhu mô phổi thùy dưới, khâu cầm máu các mỏm cắt động mạch phổi và tĩnh mạch phổi thùy trên, giữa.

Hiện tại tình trạng bệnh nhân đã ổn. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)

 

Đẩy mạnh phòng bệnh quai bị trong cộng đồng

Trung tâm Y tế dự phòng quận 12 vừa tổ chức tập huấn công tác phòng chống dịch bệnh quai bị cho nhân viên y tế tại các phường, các trường học.

Trước đó, sau khi điều tra dịch tễ, xử lý ổ bệnh quai bị tại các trường tiểu học Lê Văn Thọ, Phạm Văn Chiêu, Trung tâm Y tế dự phòng quận 12 đã tiến hành phun xịt hóa chất, khử khuẩn, tuyên truyền biện pháp phòng tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh cho học sinh. Tại đợt tập huấn, bác sĩ Vũ Đức Diễn (Trung tâm Y tế dự phòng quận 12) nhấn mạnh: Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc với các giọt nước bọt, hoặc các giọt chất tiết mũi họng của người bệnh văng ra khi người bệnh ho hoặc nhảy mũi. Bệnh có thể để lại những biến chứng nguy hiểm như viêm tinh hoàn ở nam giới, viêm buồng trứng ở nữ giới, có thể dẫn tới vô sinh. Phụ nữ mang thai mắc bệnh quai bị có nguy cơ sẩy thai, dị dạng thai nhi, sinh non...

Dịch bệnh thường xuất hiện ở những nơi tập trung đông đúc như trường học, ký túc xá… Người dân cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, khi tiếp xúc phải mang khẩu trang và chủ động tiêm vaccine để phòng bệnh quai bị. Riêng người bệnh phải nghỉ ngơi ở nhà, không đi làm, không đi học. Thời gian cách ly người bệnh trong khoảng 10 ngày, kể từ khi bắt đầu sưng tuyến mang tai. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)

 

Gần 20 người cùng thôn nhập viện sau khi ăn bánh tét

Chiều 21/4, ông Nguyễn Văn Vỹ, Giám đốc Bệnh viện thị xã Hương Thủy (tỉnh TT-Huế) cho biết, cơ sở y tế này vừa tiếp nhận khám, điều trị cho nhiều trường hợp bệnh nhân mắc các chứng đau bụng, đi ngoài, choáng... nghi bị ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng.

Trước đó, vào ngày 20/4, 19 bệnh nhân gồm cả người lớn và trẻ nhỏ mới 1 tuổi trú tại xã Lộc An (huyện Phú Lộc) cùng đến Bệnh viện thị xã Hương Thủy để khám, điều trị các chứng đau bụng, đi ngoài, chóng mặt, choáng… nghi do bị ngộ độc thức ăn. Các bệnh nhân cho biết, trước đó, tại thôn Phú Môn (xã Lộc An, huyện Phú Lộc) có đám tang. Thàng viên của đội âm công (đội đưa tang) sau khi xong việc mai táng được gia chủ đám tang phát tặng cho mỗi người một đòn bánh tét để ăn lót dạ, hoặc mang về làm quà cho gia đình. Những thành viên đội đưa tang sau khi dùng bánh tét này hoặc cho người nhà cùng ăn đã bị đau bụng, đi ngoài, chóng mặt.

Đến ngày 20/4, 19 người ăn bánh tét có nguồn gốc từ đám tang tại thôn Phú Môn (Lộc An, Phú Lộc) đồng loạt nhập viện cấp cứu, khám, điều trị các triệu chứng nghi ngộ độc thức ăn tại Bệnh viện thị xã Hương Thủy, giáp ranh với huyện Phú Lộc. Trong số này, có 3 cháu nhỏ mới từ 1 đến 9 tuổi cùng nhập viện cấp cứu do đau bụng, đi ngoài.

Đến chiều 21/4, theo nhận định bước đầu của bệnh viện, các bệnh nhân sau khi ăn bánh tét nhập viện có thể do bị ngộ độc thức ăn. Ngoài ra, còn có 6 bệnh nhân được phát hiện nhiễm khuẩn đường ruột Shigella (nguyên nhân gây ra bệnh kiết lị). (* Tiền phong, trang 4)

 

Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bác sĩ bị hành hung

Chiều 21/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đã thăm sức khỏe bác sĩ Lê Quang Dương, Phó Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất, Hà Nội) người vừa bị bố bệnh nhi hành hung hôm 16/4.

Vẫn phải nằm viện với băng trắng toát trên đầu nhưng bác sĩ Dương cho biết đã tỉnh táo hơn dù đầu vẫn đau nhiều và buồn nôn.

Trước đó ngày 16/4, bác sĩ Dương bị bố bệnh nhi dùng cốc thủy tinh đánh vào đầu và phải khâu 7 mũi, theo dõi chấn thương sọ não.

Bác sĩ Vương Trung Kiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất cho biết, sau khi chụp CT không phát hiện tụ máu não và làm một số xét nghiệm, kết luận bác sĩ Lê Quang Dương bị vết thương phức tạp vùng đỉnh đầu và chấn động não. Dù không ảnh hưởng tới tính mạng nhưng sẽ để lại di chứng về trí nhớ.

Cơ quan công an đã bắt đối tượng gây chấn thương bác sĩ Dương. Giọng nói còn nhiều mệt mỏi, bác sĩ Dương không giấu được lo lắng sẽ bị người nhà bệnh nhân gây khó dễ trong thời gian công tác tại bệnh viện.

Anh cho biết, ngay sau sự việc đáng tiếc xảy ra 2 ngày, cậu của bệnh nhi đã đến xin lỗi bác sĩ Dương, nhưng một người khác tự nhận là người nhà của cháu bé cũng có ý đe dọa anh.

Bác sĩ Dương cho biết thêm, mặc dù tình trạng sức khỏe bệnh nhi vẫn trong tầm kiểm soát của bệnh viện nhưng do yêu cầu của người nhà bệnh nhân nên Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất vẫn chuyển lên tuyến trên theo đề nghị của gia đình.

Bộ trưởng Bộ Y tế động viên bác sĩ Dương tập trung chữa bệnh để nhanh chóng hồi phục sức khỏe, quay lại phục vụ bệnh nhân vì bác sĩ Dương là một người giỏi chuyên môn. Bộ trưởng nhìn nhận đây là một tai nạn nghề nghiệp không ai muốn.

Đồng thời lãnh đạo ngành y tế khẳng định đây là hành động cần phải lên án và người dân cần có sự chia sẻ, cảm thông đối với nhân viên y tế bởi nhân viên y tế, bác sĩ đang hàng ngày, hàng giờ cứu sống và điều trị cho nhiều người bệnh.

Theo bác sĩ Kiên, bác sĩ Lê Quang Dương không phải là người địa phương mà là người ở nơi khác về bệnh viện công tác theo diện thu hút nhân lực. Đây là một bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi, đã từng được Sở Y tế Hà Nội khen thưởng với thành tích cấp cứu bệnh nhân nặng. (Tiền phong, trang 4)

 

Bộ trưởng Y tế: Ung thư chết nhiều không phải do ATTP

Chiều 20-4, Ủy ban TVQH cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016”. 

Chủ nhiệm UB Khoa học – Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, đoàn giám sát đã làm việc với 21 tỉnh đại diện cho cả ba miền, ba Bộ (Y tế, NN&PTNT, Công thương) và nghe Chính phủ báo cáo về việc này.

Kết quả giám sát cho thấy tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. Cả nước có hơn 1.000 vụ ngộ độc với khoảng hơn 30 nghìn người mắc, trong đó hơn 25 nghìn người phải nhập viện, 164 người chết.

"Bệnh ung thư mỗi năm có khoảng 70 nghìn người chết và hơn 200 nghìn ca phát hiện mới, trong đó có nguyên nhân thực phẩm không an toàn...”-  báo cáo nêu.

Cạnh đó, kết quả kiểm nghiệm rau, quả tươi sống giai đoạn 2011-2016 cho thấy tỷ lệ tồn dư hoá chất vượt ngưỡng cho phép là gần 8,5%. Trong số hơn 54 nghìn hộ dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bị kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện hơn 9.000 vụ vi phạm...

Không đồng tình với kết luận này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, bộ đã mời chuyên gia trong và ngoài nước tìm nguyên nhân các ca ung thư chết. Kết quả cho thấy nguyên nhân gây ung thư hàng đầu là các bệnh nhiễm trùng cấp tính và mãn tính.  “Không có căn cứ nói bệnh ung thư chết nhiều là do an toàn thực phẩm. Nói vậy dân lại hoang mang nghĩ rằng ăn gì cũng sợ”- bà Tiến nói.

Cũng theo báo cáo, các cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm hành chính hơn 13 nghìn vụ việc liên quan đến lĩnh vực ATTP; khởi tố, truy tố 91 vụ. Có ý kiến cho rằng, các quy định của pháp luật, đặc biệt là pháp luật hình sự, chế tài còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Không đồng tình với nhận định này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga dẫn quy định tại điều 244 BLHS 1999 về tội vi phạm quy định về vệ sinh ATTP, với mức hình phạt tháp nhất là 1 năm tù, cao nhất là 15 năm tù hay tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng (điều 157) có hình phạt cao nhất lên tới tử hình.

“Hình phạt như vậy nói nhẹ là đánh giá chưa đúng, vấn đề là tổ chức thực hiện thế nào”- bà Nga nói.

“Đoàn giám sát đã gặp nhiều anh em công an. Họ nói đưa ra truy tố rất khó. BLHS 1999 nghe thì rất nghiêm khắc nhưng chả xử được ai, như vậy tính nghiêm minh không còn”-  Trưởng đoàn giám sát, Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho hay.

Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương cũng cho rằng, BLHS 1999  “khó xử lý”. Lý do bởi các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” chưa được cụ thể hóa. Cạnh đó, đối với hành vi vi phạm về ATTP, gây ra hậu quả đòi hỏi phải giám định xem nguyên nhân chết người, tổn hại sức khỏe có phải do thức ăn, đồ uống hay không. Vấn đề này đang rất khó khăn vì nhiều khi uống rượu 2, 3 ngày sau mới có phản ứng, như trường hợp mới xảy ra ở Hà Giang.... (Pháp luật TPHCM, trang 2)

 

Chất lượng dân số cải thiện chưa vững chắc

"Chất lượng dân số cải thiện chưa vững chắc"- Đó là một trong những hạn chế trong công tác DS-KHHGĐ được đặt ra trong dự thảo Tờ trình Đề án “Bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển dân số bền vững trong tình hình mới”. Ngày 20/4, Bộ Y tế đã có cuộc họp xin ý kiến các Ban Đảng và Ủy ban Quốc hội về Đề án trên nhằm hoàn thiện để sớm trình lên Hội nghị lần thứ VI, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Những thành tựu quan trọng

Dự thảo Đề án đã có đánh giá tổng quát về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và DS-KHHGĐ. Theo đó, đã khẳng định những thành tựu quan trọng mà công tác DS-KHHGĐ đã đạt được trong thời gian qua.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của ngành Dân số trong hơn nửa thế kỷ qua, Việt Nam đã khống chế được tỷ lệ tăng dân số, đạt và duy trì ổn định mức sinh thay thế tiến tới ổn định quy mô dân số vào giữa thế kỷ 21 (theo dự báo và ước tính, năm 2017 dân số nước ta khoảng 93,422 triệu người). Như vậy, 25 năm qua, Việt Nam đã hạn chế, tránh sinh được hơn 27 triệu người - Đây là thành công lớn mà chương trình DS-KHHGĐ đã đạt được và có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ra trong thời gian qua, là tiền đề tiến tới ổn định quy mô dân số khoảng 115-120 triệu người vào giữa thế kỷ 21.

Mức sinh thay thế này đã được duy trì ổn định trong một thập kỷ qua, tính trung bình trên phạm vi toàn quốc là 2,1 con (năm 2016). Cơ cấu dân số theo tuổi có sự thay đổi theo hướng tích cực; Việt Nam đang ở giai đoạn cơ cấu dân số “vàng” với khoảng 63 triệu người trong độ tuổi lao động - nền tảng cơ hội “vàng” cho Việt Nam có thể thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Dự báo dân số cho thấy, thời kỳ cơ cấu dân số “vàng” của Việt Nam kéo dài khoảng 40 năm, tức là sẽ kết thúc khoảng gần giữa thế kỷ này. Cơ cấu dân số “vàng” mang lại nhiều “dư lợi” về lao động đóng góp cho tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng để tận dụng được cơ hội này phải vượt qua những thách thức đảm bảo khả năng lao động của người trong độ tuổi, tạo việc làm và việc làm có năng suất cao.

Chất lượng dân số được cải thiện, tuổi thọ trung bình tăng cao. Tuổi thọ người Việt Nam đã tăng từ 40,1 tuổi (năm 1960) lên 73,4 (năm 2015) và hiện ở mức cao hơn so với các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Đặc biệt là triển vọng sống của người Việt Nam khi ở tuổi 60 đã tương đương các nước châu Âu và bỏ xa một số nước trong khu vực (Châu Âu: 21,78 tuổi, Việt Nam: 22,02 tuổi). Ngoài ra, các chỉ báo khác về chất lượng dân số như thể lực, trí lực và tinh thần của con người cũng có những thay đổi tích cực trong thời gian qua.

Đổi mới căn bản công tác DS-KHHGĐ

Trong dự thảo Tờ trình Đề án cũng đã chỉ rõ những mặt còn hạn chế của công tác DS-KHHGĐ. Công tác DS-KHHGĐ còn nặng về thực hiện mục tiêu giảm sinh, chưa theo kịp yêu cầu phát triển bền vững. Mức sinh ở khu vực nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, trong khi xuất hiện mức sinh thấp từ những thành phố, khu vực phát triển. Trung du miền núi phía Bắc là 2,18 con, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 2,37 con, Tây Nguyên là 2,49 con và đã có 18 tỉnh, thành phố có mức sinh dưới 2 con.

Những hạn chế khác cũng là vấn đề cần được chú trọng: Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh ở mức nghiêm trọng. Tuổi thọ bình quân tăng lên 73,4 nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh thấp, chỉ đạt 64 tuổi. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chưa đồng bộ. Chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế về trình độ chuyên môn, kỹ năng và sức bền. Tầm vóc thể lực tụt hậu so với các nước trong khu vực; chiều cao tăng chậm, nam thanh niên đạt 164cm, nữ là 153cm, thấp hơn khoảng 10cm so với Nhật và Hàn Quốc. Tỷ lệ dân số bị thiểu năng về thể lực và trí tuệ khá cao, chiếm 1,5%. Tỉ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi và suy dinh dưỡng thể thấp còi còn khá cao, trong khi tình trạng thừa cân, béo phì, rối nhiễu tâm lý, tự kỷ… có xu hướng tăng, nhất là ở khu vực đô thị. Kiến thức, kỹ năng sống về chăm sóc sức khỏe sinh sản còn nhiều hạn chế. Vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở một số dân tộc ít người vẫn còn phổ biến. Chưa có giải pháp đồng bộ thích ứng với tốc độ già hóa dân số, chưa cung cấp đầy đủ cơ sở lý luận, thực tiễn thuyết phục cho việc xác định tuổi nghỉ hưu.

Hiện nay, các thông điệp truyền thông về dân số vẫn nặng về KHHGĐ, chưa kịp chuyển đổi cho phù hợp với những vấn đề dân số mới phát sinh của quá trình biến động dân số trong thực tế như nâng cao chất lượng dân số, dân số “vàng”, già hóa dân số, di cư… Việc xây dựng, duy trì và phát triển các mô hình truyền thông về DS-KHHGĐ ở cơ sở chưa được các tỉnh quan tâm chỉ đạo tổ chức triển khai, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm nên giảm nhanh cả về số lượng và chất lượng hoạt động của các mô hình.

Để thực hiện được những mục tiêu đề ra trong công tác DS-KHHGĐ, dự thảo của Đề án đã chú trọng vào các giải pháp như: Điều tiết mức sinh, đảm bảo duy trì mức sinh thay thế; can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỉ số này về mức cân bằng tự nhiên càng sớm càng tốt; khai thác có hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với quá trình già hóa dân số; nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực; tăng cường lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và cải tiến phương thức quản lý dân số; đổi mới căn bản công tác DS-KHHGĐ.

Chuyển hướng chính sách từ DS-KHHGĐ sang Dân số và Phát triển và phân công hợp lý giữa các Bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ dân số và phát triển để giải quyết đồng bộ, toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số, lồng ghép biến dân số vào kế hoạch hóa. Thống nhất và ổn định tổ chức bộ máy làm công tác dân số, đặc biệt là tuyến huyện, xã; thực hiện chính sách dân số theo nguyên tắc khuyến khích tỷ lệ sinh đẻ theo vùng miền và bảo đảm tốt nhất quyền của bà mẹ, trẻ em. (Pháp luật TPHC, trang 2)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang