Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 22/5/2018

  • |
T5g.org.vn - Không thể để bệnh nhân chờ khám cả buổi; Phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện: Bắt đầu từ vệ sinh tay; Dành tối thiểu 30% ngân sách chi cho y tế để bảo đảm công tác y tế dự phòng; Triển khai chương trình mục tiêu y tế - dân số năm 2018

 

Không thể để bệnh nhân chờ khám cả buổi

Đó là quyết tâm của Bộ trưởng Bộ Y tế tại hội nghị bàn các giải pháp nhằm giảm thời gian chờ khám bệnh cho người dân.

Những cải tiến mạnh mẽ của ngành y tế để rút ngắn thời gian chờ đợi khám bệnh đã được tổ chức Sáng kiến Việt Nam khảo sát độc lập và ghi nhận khi đã giảm 53,5 phút so với mục tiêu. 

Tuy nhiên, thời gian chờ đợi khám bệnh của người dân ở các bệnh viện (BV) tuyến huyện, tuyến tỉnh đã giảm đi nhiều, thì ở các BV tuyến trung ương thời gian vẫn còn rất lâu. Điều này được chính Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.

Kết quả điều tra của Bộ Y tế vào cuối 2017 cho thấy, gần 80% ý kiến hài lòng về chất lượng khám chữa bệnh (KCB) và còn hơn 20% chưa hài lòng, chủ yếu do thời gian chờ đợi KCB lâu và nhà vệ sinh bẩn.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB cho biết thời gian khám bệnh chung của cả 3 tuyến trung bình 66,5 phút nhưng thời gian chờ vẫn là 45,4 phút. Khám lâm sàng có làm thêm 1 kỹ thuật xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng là 125,6 phút thì thời gian chờ là 71,4 phút.  Khám lâm sàng có làm theo hai kỹ thuật phối hợp cả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh là 200 phút, thời gian chờ là 92,6 phút.

Từng nhiều lần trực tiếp đến các BV, trao đổi với các bệnh nhân, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Bệnh nhân phải xếp hàng  chờ đợi khám, lấy thuốc, trả tiền rất lâu. Xếp hàng lấy số từ 5-6h nhưng phải 8-9h mới được khám. Có trường hợp sau khi khám còn làm xét nghiệm, chờ kết quả xét nghiệm, quay về bác sỹ để chỉ định kê đơn, ra lấy thuốc thanh toán cũng phải kéo dài đến chiều. 

Bệnh nhân đi khám buổi sáng đều nhịn ăn, phải đợi kết quả xét nghiệm máu, chờ siêu âm tiếp đến 11-12h cũng đói lả, mệt mỏi. Có bệnh nhân phải chống nạng vẫn phải chờ lấy thuốc.

Vì thế, người đứng đầu ngành y tế yêu cầu: Không thể để người bệnh chờ khám cả buổi, mà bằng mọi giải pháp quyết liệt để giảm thời gian chờ khám của bệnh nhân. 

Chúng ta cứ kêu ca khó khăn khi thực hiện cải tiến thời gian KCB, nhưng phải quyết tâm phải đặt quyền lợi của người bệnh lên trước để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng giờ khám, bàn khám, khám sớm và có thể tính đến giải pháp khám sau 5h chiều để những người đi làm có thể đến khám hoặc đưa người nhà đến khám.

Với quyết tâm mạnh mẽ trong việc rút ngắn thời gian chờ khám bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo: Giải pháp đơn giản nhất là hẹn thời gian khám bệnh. Ở nước ngoài đều đặt lịch hẹn khám, có thể chờ vài tuần nhưng khi họ đến khám chỉ chờ từ 5-10 phút. Tuy nhiên khi đã đặt hẹn thì phải bố trí người khám cẩn thận, chu đáo, sau 1 lần sẽ thành thói quen, người bệnh đỡ phải chờ đợi. 

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng y tế cơ sở để đưa người bệnh mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường… về khám định kỳ, nhận thuốc tại trạm y tế, không cần phải lên tuyến Trung ương, để tránh tình trạng quá tải, khiến người bệnh phải chờ lâu.

Hiện nhiều BV có tới 80% người bệnh tới khám vào buổi sáng, trong khi buổi chiều lại vắng. Vì thế, những bệnh nhân chỉ đến tái khám, không phải làm xét nghiệm thì nên chuyển sang buổi chiều.

Một giải pháp nữa được Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra là khống chế số lượt khám là dưới 50 người/bàn khám để giảm thời gian chờ đợi. Tiếp đó là ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết tình trạng chờ đợi của người bệnh. Kinh nghiệm thực tế của ngành y tế Singapore cho thấy muốn giảm thời gian chờ khám bệnh, phải đầu tư vào công nghệ thông tin. 

Bệnh nhân được đặt lịch hẹn online, giới hạn số lượt khám bệnh từng ngày, thống kê sự tăng giảm số bệnh nhân theo từng ngày để bố trí đội ngũ bác sĩ và đầu tư trang bị vật chất vào những khu vực có nhu cầu. 

Ngoài ra nên triển khai hệ thống thông báo tin nhắn SMS khi gần đến lượt của người bệnh. Giảm tối đa dùng giấy, tất cả thông tin đều được liên kết bằng hệ thống máy tính. Bệnh nhân khi khám sẽ được cấp mã số thông suốt trong suốt quá trình KCB ở BV.

Ông Lương Ngọc Khuê cũng cho biết quy trình khám bệnh cơ bản ở các BV đã giảm 10 – 15 bước so với trước, đồng thời cắt giảm một số thủ tục hành chính như BV phải photo giấy tờ cần thiết thay vì yêu cầu người bệnh làm; người bệnh không phải chờ tự lấy kết quả xét nghiệm (trừ kết quả chẩn đoán hình ảnh); giảm 2/5 chữ ký trong phiếu thanh toán viện phí khi ra viện.

Cục Quản lý KCB cũng đưa ra các giải pháp để cải tiến hơn nữa thời gian chờ khám của người bệnh. Đó là tiếptục cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là những tồn tại đối với quy trình nhận diện thẻ BHYT; tăng cường dịch vụ đặt lịch khám bệnh qua điện thoại; hỗ trợ xây dựng phần mềm quản lý BV (cho một số BV khó khăn); xây dựng phần mềm quản lý BV kết nối quản lý khám bệnh và các máy xét nghiệm; chuyển hình ảnh trên hệ thống phần mềm về cho khu khám bệnh. (Công an nhân dân, trang 2).

 

Phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện: Bắt đầu từ vệ sinh tay

Có khoảng 50 loại nhiễm khuẩn khác nhau có thể xảy ra tại bệnh viện (BV), trong đó phổ biến nhất là viêm phổi, nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm trùng da, nhiễm khuẩn huyết...

Các chuyên gia y tế cảnh báo, nhiễm khuẩn BV làm tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng việc sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh và chi phí điều trị. Để phòng tránh, việc vệ sinh tay được xem là “liều vaccine tự chế” hiệu quả nhất.

6,5 triệu người chết mỗi năm

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên toàn cầu có đến 30 triệu người lớn, 3 triệu trẻ sơ sinh và 1,2 triệu trẻ em bị nhiễm khuẩn huyết. Trong đó, có 6 triệu người lớn và 500.000 trẻ sơ sinh đã tử vong.

Nhiễm khuẩn BV, đặc biệt nhiễm khuẩn huyết, được xem như một trong những mối đe dọa hàng đầu đến sự an toàn của người bệnh. Cũng theo WHO, cứ 100 người nằm viện thì có 7 người mắc thêm bệnh nhiễm trùng mới.

Nguyên nhân một phần là do nhân viên y tế chưa tuân thủ quy định về vệ sinh cá nhân (trong đó có việc rửa tay trước khi tiếp xúc với người bệnh), hoặc lây chéo từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác.

Theo các chuyên gia y tế, vấn nạn nhiễm khuẩn BV ảnh hưởng lớn tới quá trình điều trị bệnh của bệnh nhân. Có tình trạng người bệnh khi đến BV mức độ bệnh nhẹ, song do quá trình kiểm soát nhiễm khuẩn ở cơ sở y tế không tốt đã dẫn tới tình trạng bệnh nặng, thậm chí có thể tử vong.

Tuy nhiên, hiện nhiều cơ sở y tế chỉ chú trọng đến công tác khám chữa bệnh với việc đầu tư trang thiết bị hiện đại song lại thiếu quan tâm, coi nhẹ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, trong khi đây là khâu quan trọng, quyết định việc điều trị thành công của người bệnh. 

Các nghiên cứu cho thấy, bàn tay của một người có thể mang tới 4,6 triệu mầm bệnh (tập trung số lượng lớn ở kẽ tay, kẽ móng tay) và dễ lây bệnh từ người sang người. Một số mầm bệnh có thể tồn tại trong nhiều phút, thậm chí trong nhiều giờ. Đó là các loại vi rút gây các bệnh cảm nhiễm như cảm cúm, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, nhiễm khuẩn da, bệnh thương hàn… Tuy nhiên, việc thực hành vệ sinh tay trong các cơ sở y tế còn nhiều hạn chế; rất ít nhân viên y tế biết rõ quy trình rửa tay.

Thay đổi nhận thức bác sĩ và bệnh nhân

Theo WHO, chỉ một động tác rửa tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy làm tử vong hàng triệu người mỗi năm trên thế giới. Việc rửa tay cũng có thể làm giảm rủi ro nhiễm khuẩn tiêu chảy tới 47%, nhiễm khuẩn đường hô hấp từ 19% - 45%.

Tại lễ hưởng ứng chiến dịch vệ sinh tay toàn cầu do WHO phát động với khẩu hiệu “Phòng ngừa nhiễm khuẩn huyết trong chăm sóc y tế - trong tầm tay bạn”, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi đồng 1 TPHCM, khẳng định nhiễm khuẩn BV, trong đó đặc biệt nguy hiểm là nhiễm khuẩn huyết, là một trong những mối đe dọa hàng đầu đến sự an toàn của người bệnh, tăng tỷ lệ tử vong, chi phí điều trị, thời gian nằm viện và sự đề kháng kháng sinh.

“Tất cả nhiễm khuẩn huyết liên quan chăm sóc y tế đều có thể phòng ngừa được nếu thực hiện tốt các quy trình vô khuẩn BV. Bàn tay là trung gian truyền nhiều bệnh nguy hiểm, do đó tăng cường vệ sinh tay được đánh giá là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất”, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng thông tin. 

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng mong muốn cả nhân viên y tế, người bệnh và thân nhân rất cần lưu ý vệ sinh tay đúng cách, đúng lúc khi chăm sóc người nhà của mình và người bệnh ngoại trú.

“Với nhân viên y tế, họ được yêu cầu rửa tay trước khi tiếp xúc với bệnh nhân, trước khi làm thủ thuật vô trùng, sau khi phơi nhiễm với dịch tiết của bệnh nhân, sau khi tiếp xúc với bệnh nhân và sau khi tiếp xúc vật dụng xung quanh bệnh nhân. Tương tự, người chăm sóc bệnh nhân cũng cần rửa tay trong các tình huống trên. Đối với người bệnh, cần che miệng khi ho, hắt hơi vào khăn giấy, nhằm tránh vi khuẩn phát tán xa. Không che miệng bằng bàn tay bởi bàn tay là nơi tiếp xúc nhiều với xung quanh, tăng nguy cơ phát tán bệnh. Rửa tay thường xuyên để tránh truyền bệnh cho người khác cũng như tránh lây nhiễm thêm bệnh từ bên ngoài khi cơ thể đang yếu”, bác sĩ Hùng nhấn mạnh.

Nhà vệ sinh BV phải sạch sẽ

Nhà vệ sinh trong BV quá bẩn không chỉ là nỗi kinh hoàng của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm thêm bệnh. Khảo sát do Tổ chức sáng kiến Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thực hiện ở 29 BV tại các tỉnh, thành trong cả nước cho thấy, nhà vệ sinh vẫn là nơi người bệnh phiền toái nhất mỗi khi nhắc đến; chỉ đạt 3,58/5 điểm - thấp nhất trong các tiêu chí đánh giá mức độ hài lòng của người bệnh được khảo sát. 

Trước thực tế trên, tại hội nghị “Giảm thời gian chờ khám chữa bệnh, cải thiện nhà vệ sinh BV” vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay bộ đã phân loại tiêu chí nhà vệ sinh BV từ mức 1 đến mức 5, tương ứng với mức từ chất lượng rất tệ đến chất lượng sạch sẽ.

“Thời gian tới, khi đi kiểm tra chấm điểm đánh giá BV, cần coi tiêu chí nhà vệ sinh là tiêu chí đặc biệt quan trọng. BV nào vẫn còn tiêu chí nhà vệ sinh ở mức 1 - 2 thì không bao giờ được xếp loại khá”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh. (Sài Gòn giải phóng, trang 11).

 

Dành tối thiểu 30% ngân sách chi cho y tế để bảo đảm công tác y tế dự phòng

Ngày 21-5, tại Hà Nội, Bộ Y tế triển khai Chương trình mục tiêu y tế - dân số năm 2018.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016-2020 được triển khai nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh, phát hiện sớm, kịp thời khống chế không để dịch lớn xảy ra; giảm tỷ lệ mắc, tử vong một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khống chế tốc độ gia tăng các bệnh không lây nhiễm phổ biến, bệnh tật lứa tuổi học đường, bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài Chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên cho biết: Giai đoạn 2016-2020, kinh phí Chương trình mục tiêu y tế - dân số của trung ương chủ yếu bố trí cho các hoạt động ưu tiên gồm: Vắc xin, vật tư tiêm chủng, thuốc, hóa chất, phương tiện tránh thai, chi cho công tác an toàn thực phẩm… Các hoạt động chuyên môn khác (khám sàng lọc, tư vấn xây dựng mô hình điểm, quản lý đối tượng, biên soạn tài liệu, diễn tập, triển khai chiến dịch…) giảm tối đa kinh phí thực hiện do khả năng ngân sách hạn chế và chuyển một số nhiệm vụ do ngân sách địa phương bảo đảm.

Ông Nguyễn Nam Liên đề nghị: Năm 2018, các địa phương lưu ý để xây dựng dự toán chi từ ngân sách địa phương bảo đảm hoạt động của Chương trình mục tiêu y tế - dân số. Kinh phí Chương trình mục tiêu không thuộc đối tượng được xét chuyển nguồn sang năm sau. Vì vậy, năm nay (năm 2018), các dự án phải triển khai hết các nhiệm vụ được giao (kể cả ngân sách năm 2017 chuyển sang). Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về ưu tiên đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố bố trí ngân sách chi theo quy định định mức phân bổ theo hướng: Dành tối thiểu 30% cho y tế dự phòng và khoảng 30-40% cho trạm y tế xã… (Hà Nội mới, trang 1).

 

Triển khai chương trình mục tiêu y tế - dân số năm 2018

Ngày 21/5, tại Hà Nội, Bộ Y tế triển khai Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số năm 2018.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Thời gian qua, nhờ các chương trình mục tiêu Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu cơ bản như thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh… Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị: Các đại biểu tập trung nắm vững nội dung Chương trình mục tiêu Y tế-Dân số để triển khai; thảo luận khó khăn, vướng mắc, cơ chế tài chính khi triển khai thực hiện; xem xét sự phù hợp của các mục tiêu, chỉ tiêu đã đặt ra để Bộ Y tế tổng hợp, đánh giá, điều chỉnh phù hợp…

Chương trình mục tiêu Y tế-Dân số giai đoạn 2016-2020 nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh, phát hiện sớm, kịp thời khống chế không để dịch lớn xảy ra; giảm tỷ lệ mắc, tử vong một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Chương trình cũng đặt mục tiêu khống chế tốc độ gia tăng các bệnh không lây nhiễm phổ biến, bệnh tật lứa tuổi học đường, bảo đảm sức khỏe cộng đồng… (Gia đình & Xã hội, trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang