Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 23/12/2017

  • |
T5g.org.vn - Trẻ, già ồ ạt... nhập viện vì rét đậm, rét hại; Hơn 15.000 ca ung thư dạ dày mỗi năm; “Cầm tay, chỉ việc” cho bác sĩ tuyến dưới…

 

Hơn 15.000 ca ung thư dạ dày mỗi năm

Mỗi năm Việt Nam có trên 15.000 ca mới được chẩn đoán ung thư dạ dày, trong đó có hơn 11.000 ca tử vong. Ung thư dạ dày xếp thứ 2 trong số các bệnh ung thư thường mắc ở nam giới (sau ung thư phổi) và xếp thứ 5 ở nữ giới.

Đó là thông tin đưa ra tại Hội thảo khoa học “Cập nhật kỹ thuật chẩn đoán và điều trị sớm ung thư dạ dày” diễn ra tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn mới đây.

Theo bác sĩ Kinoshita Koshi, Trưởng khoa Nội tiêu hóa - Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren (Nhật Bản), hiện nay kỹ thuật chẩn đoán và điều trị sớm ung thư dạ dày đã phát triển, được ứng dụng phổ biến trên thế giới.

Tại các nước phát triển như Nhật Bản, ngày càng nhiều trường hợp ung thư dạ dày được thực hiện phẫu thuật cắt bỏ dưới hình ảnh nội soi hỗ trợ nhờ bệnh được phát hiện sớm.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc phát hiện sớm ung thư dạ dày vẫn còn hạn chế do thói quen người bệnh e ngại trong khám sức khỏe định kỳ, chỉ thực hiện nội soi dạ dày theo chỉ định của bác sĩ cho những người có nguy cơ cao.

Theo các chuyên gia, phương pháp cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi là phương pháp điều trị ung thư dạ dày sớm và tổn thương tiền ung thư. Kỹ thuật này được tiến hành qua nội soi thực quản dạ dày với thuốc tiền mê hoặc gây mê, giúp người bệnh không bị khó chịu và không đau.

Toàn bộ vùng tổn thương được tách khỏi các lớp cơ và thanh mạc dạ dày trước khi được cắt và sẽ được làm xét nghiệm giải phẫu bệnh. Đây là một kỹ thuật cao có nhiều lợi ích. Song do ở Việt Nam phần lớn ca ung thư dạ dày được phát hiện ở giai đoạn muộn, nên không thể áp dụng được phương pháp điều trị này. (Sài Gòn giải phóng trang 3)

 

Phát hiện bệnh từ các nốt sắc tố trong miệng

Bệnh viện Bình Dân TPHCM vừa phẫu thuật cắt 5 khối polyp ruột non cho một phụ nữ 30 tuổi ở Bến Tre, được chẩn đoán mắc hội chứng Peutz-Jeghers có nguy cơ gia tăng phát triển các khối bướu ở ống tiêu hóa, vú… Đây là một hội chứng hiếm gặp, có yếu tố di truyền.

Trước đó, qua thăm khám lâm sàng, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có nhiều nốt sắc tố sẫm màu rải rác ở vùng niêm mạc má, môi (khoảng 95% trường hợp mắc hội chứng Peutz-Jeghers có dấu hiệu này).

Kết quả CT Scan và nội soi cho thấy, trong lòng ống tiêu hóa có 1 polyp kích thước lên tới 5cm ở vùng đầu hỗng tràng và 3 polyp có kích thước khoảng 2cm - 3cm ở đoạn giữa.

Để loại bỏ triệt để các polyp có nhiều kích thước lớn nhỏ khác nhau trong ruột non, bệnh nhân đã được các bác sĩ phẫu thuật chuyên khoa tiêu hóa mở hỗng tràng (đoạn giữa ruột non) để cắt polyp lớn và khâu nối ống tiêu hóa.

Nhóm bác sĩ phẫu thuật cũng áp dụng kỹ thuật nội soi trong lúc mổ giúp đánh giá các thương tổn đường tiêu hóa, đặc biệt đã cắt được 3 polyp nhỏ bằng nội soi mà không phải mổ mở ruột nhiều vị trí. (Sài Gòn giải phóng trang 3)

 

“Cầm tay, chỉ việc” cho bác sĩ tuyến dưới

Sau mười năm thực hiện Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” (Đề án 1816) đã đạt cả ba mục tiêu đề ra. Với phương pháp “cầm tay, chỉ việc”, các bệnh viện tuyến trên đã đào tạo, chuyển giao cho tuyến dưới rất nhiều kỹ thuật, nhờ đó từng bước đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) của người dân tại địa phương.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, đến nay toàn bộ bệnh viện trực thuộc bộ tham gia Đề án 1816 đã thành lập ban chỉ đạo, chủ động lập kế hoạch thực hiện từ việc khảo sát, điều tra nhu cầu của tuyến dưới; xác định khả năng đáp ứng của tuyến trên đến lập kế hoạch, có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ cán bộ đi luân phiên hoàn thành nhiệm vụ. Tại các địa phương cũng có 47 tỉnh, thành phố thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án do lãnh đạo tỉnh trực tiếp làm trưởng ban với sự tham gia của đủ các sở, ban, ngành liên quan. Ban chỉ đạo thường xuyên sâu sát với hoạt động của các đơn vị, nắm bắt tình hình và chỉ đạo các đơn vị thực hiện kế hoạch; chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện, đồng thời tổ chức đánh giá sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm việc thực hiện ở địa phương, bảo đảm tính hiệu quả.

Đến nay, đã có 2.952 lượt cán bộ từ các bệnh viện tuyến trung ương được cử đi luân phiên, đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến tỉnh. Thời gian mỗi cán bộ đi luân phiên là khoảng ba tháng/một đợt (trừ một số bệnh viện thuộc các chuyên khoa, chuyên ngành đặc thù như lao, phong, tâm thần, ung bướu thực hiện theo Đề án riêng). Có 26 chuyên ngành được ưu tiên chuyển giao gồm: nội, ngoại, sản, nhi, hồi sức cấp cứu, gây mê hồi sức, y học cổ truyền, tâm thần, truyền nhiễm, lao, da liễu, bỏng, ung bướu, nội tiết, tai mũi họng, răng hàm mặt, mắt, huyết học - truyền máu, miễn dịch, di truyền, hóa sinh, giải phẫu bệnh và tế bào, chẩn đoán hình ảnh, nội soi, thăm dò chức năng, bỏng. Ngoài ra, một số bệnh viện còn cử cán bộ xuống hỗ trợ đào tạo về quản lý bệnh viện, sửa chữa trang thiết bị y tế, xét nghiệm. Cán bộ của các bệnh viện trung ương đã tổ chức 15.454 lớp tập huấn, đào tạo cho hơn 32 nghìn cán bộ tuyến dưới; trực tiếp tham gia khám và điều trị cho hơn 502 nghìn lượt người bệnh; thực hiện gần 62 nghìn ca phẫu thuật; cứu sống nhiều trường hợp người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo, góp phần làm giảm tỷ lệ chuyển tuyến của các bệnh viện tuyến dưới.

Các bệnh viện nhận cán bộ đến luân phiên, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật đã chủ động phối hợp chặt chẽ bệnh viện tuyến trên trong việc khảo sát, đánh giá nhu cầu, điều kiện cơ sở vật chất, bố trí cán bộ nhận chuyển giao kỹ thuật. Nhờ đó hầu hết cán bộ y tế đi luân phiên, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được địa phương khen thưởng. Mặt khác, 63 tỉnh, thành phố đã thực hiện luân phiên cán bộ từ bệnh viện tỉnh về hỗ trợ bệnh viện huyện và thực hiện luân phiên bác sĩ từ bệnh viện huyện xuống khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã. Tổng số có 4.251 lượt cán bộ từ bệnh viện tuyến tỉnh luân phiên, chuyển giao 15.299 kỹ thuật, tổ chức 1.516 lớp tập huấn cho 15.766 lượt cán bộ y tế tuyến huyện; khám, chữa bệnh cho hơn 48 nghìn lượt người bệnh, trực tiếp phẫu thuật 1.654 ca. Các bệnh viện huyện cử 6.638 lượt cán bộ xuống hỗ trợ trạm y tế xã, đào tạo chuyển giao 7.195 kỹ thuật, tổ chức 18.825 lớp với 24.567 học viên.

Qua mười năm thực hiện Đề án 1816 đã đạt cả ba mục tiêu: Góp phần nâng cao chất lượng KCB cho tuyến dưới, nhất là đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới, nâng cao vị thế, uy tín của các cơ sở KCB địa phương; góp phần giảm tải từ xa cho bệnh viện tuyến trên. Thông qua hoạt động thực tiễn tại tuyến dưới cán bộ đi luân phiên học tập thêm những kiến thức về chuyên môn cũng như quản lý của các đơn vị tuyến dưới, nâng cao tinh thần trách nhiệm và tính độc lập tự chủ cho cán bộ đi luân phiên.

Đề án 1816 góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác y tế, đó là hướng về cơ sở, tăng cường cho y tế cơ sở thực hiện công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội. Việc đưa cán bộ có trình độ chuyên môn cao đi luân phiên hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới góp phần giúp người dân ở các địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng cao ngay tại địa phương, với chi phí thấp. Thành công đề án cũng góp phần giải quyết những khó khăn, những bức xúc mà xã hội đang quan tâm, nhất là trong điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), để Đề án 1816 tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới, các đơn vị tuyến trên, tuyến dưới cần làm tốt khâu khảo sát nhu cầu, cử cán bộ đi luân phiên sát với nhu cầu thực tế của nơi nhận. Cả bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ, lựa chọn những cán bộ có chuyên môn cao để việc đào tạo, chuyển giao và tiếp nhận kỹ thuật đạt kết quả tốt. Để duy trì bền vững các kỹ thuật được chuyển giao, các bệnh viện tuyến dưới cần tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật ngày càng hiệu quả hơn. Cả tuyến trên và tuyến dưới áp dụng công nghệ thông tin vào quy trình chuyển giao kỹ thuật: hội chẩn, phẫu thuật, dạy học (lý thuyết và thực hành)... nhằm giảm việc di chuyển và thiếu nhân lực của bệnh viện tuyến trên nhưng vẫn bảo đảm được nội dung chuyển giao và an toàn kỹ thuật. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, đào tạo liên tục cho tuyến tỉnh nhằm duy trì hiệu quả các kỹ thuật chuyển giao. (Nhân dân trang 5)

 

Lạnh đột ngột, nhiều trẻ bỗng dưng méo miệng

Từ đầu mùa đông đến nay, nhất là những đợt rét đậm, tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương có ngày tiếp nhận tới 20-25 bệnh nhân vào khám với triệu chứng méo mặt, miệng bị kéo lệch về một bên…

Tại khoa Điều trị liệt vận động và ngôn ngữ trẻ em - Bệnh viện Châm cứu Trung ương hiện có khá nhiều bệnh nhân đang điều trị chứng méo mặt, méo miệng, trong đó có những cháu bé còn rất nhỏ. Điển hình như trường hợp bé Hoàng Thị L. (14 tháng tuổi, ở Hải Dương), đã bị méo mặt từ gần 2 tháng nay nhưng hiện vẫn chưa khỏi.

Theo lời kể từ mẹ bệnh nhi này, trong đợt rét đầu mùa đông, cách đây hơn 1 tháng, buổi tối sau khi tắm, chị thấy hai tay và chân của con lạnh nhưng không để ý. Sáng hôm sau, khi bé L. bị ngã và khóc, chị mới phát hiện mặt con gái mình bị méo lệch một bên, một bên mắt nhắm, một bên mở trừng trừng, sốt cao… nên vội đưa tới bệnh viện gần nhà khám.

Sau khi hạ sốt, chị đưa con về, điều trị tại nhà bằng cách đắp các loại lá dân gian theo truyền miệng nhưng tình trạng của bé L. vẫn không cải thiện. Lúc này, chị mới đưa con tới Bệnh viện Châm cứu Trung ương để điều trị. Hiện tại tình trạng méo mặt của bệnh nhi này đang tiến triển tích cực, có thể ra viện trong thời gian tới.

Ths.BS Dương Văn Tâm, Trưởng khoa Điều trị Liệt vận động ngôn ngữ trẻ em, từ đầu mùa đông tới giờ, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 20-25 người bị méo mặt do liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên đến khám, điều trị. Bệnh này xảy ra với mọi đối tượng, không phân biệt già, trẻ, gái trai. Đặc biệt, không chỉ mùa đông mà ngay cả trong mùa hè cũng có bệnh nhân, chủ yếu là các trường hợp bị méo mặt do nằm điều hòa quá lạnh, bật quạt suốt đêm.

Ngyên nhân gây bệnh là do lạnh, lạnh đột ngột làm tổn thương gây phù nề chèn ép dây thần kinh khi chạy trong xương đá, gây mất dẫn truyền giữa thần kinh trung ương ra ngoài, từ đó gây liệt.

Khi đó, người bệnh rơi vào tình trạng mắt nhắm mắt mở trừng trừng, nhắm không kín, miệng kéo lệch về phía bên lành, rãnh mũi má bên liệt mờ hoặc mất. Bệnh nhân không thể huýt sáo hay thổi lửa như bình thường. Khi ăn, thức ăn đọng ở má bị liệt. Các nếp nhăn ở trán bị xoá mờ hoặc mất hẳn. Ngoài ra, một số người còn có các dấu hiệu đau buốt nửa đầu.

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh méo mặt do bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên trong thời tiết giá lạnh hiện nay, người dân cần đảm bảo giữ ấm cơ thể, không được tắm quá muộn, tắm nước lạnh, hạn chế uống rượu bia. Khi bị bệnh tuyệt đối không tự ý chữa bằng các phương pháp phản khoa học như đắp đuôi lươn, đắp lá… mà cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được điều trị sớm. (An ninh Thủ đô trang 8)

 

Đốt than củi trong nhà để sưởi ấm, một nam thanh niên nguy kịch, hôn mê sâu

Do thời tiết giá rét, anh Ngô Văn H. (42 tuổi, quê Hải Phòng) đốt than củi trong nhà để sưởi ấm khi ngủ nhưng sáng hôm sau thì bất tỉnh không dậy được. Hàng xóm phá cửa ra, phát hiện anh bị hôn mê sâu, nguy kịch…

Thông tin từ Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Trung tâm này vừa tiếp nhận cấp, điều trị cho bệnh nhân Ngô Văn H. bị ngộ độc khí CO do sưởi bằng than củi trong phòng kín. Bệnh nhân được đưa đến Trung tâm 20-12 trong tình trạng hôn mê sâu, kích thích, Glasgrow 10 điểm.

Theo lời kể từ người nhà, bệnh nhân được bạn phát hiện đã hôn mê trong phòng kín, có đốt than củi để sưởi ấm. Bệnh nhân ngủ một mình, đốt than củi để sưởi từ 22h đêm trong phòng kín có diện tích khoảng 12m2. Sáng hôm sau, mọi người không thấy dậy, 11h trưa bạn bè phải phá cửa phòng.

ThS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết, hầu như năm nào vào mùa đông bệnh viện cũng phải tiếp nhận những bệnh nhân nguy kịch do ngộ độc khí CO vì đốt than, củi sưởi ấm trong phòng kín. Không ít trường hợp đã tử vong vì lý do này.

Bác sĩ Nguyên phân tích, việc đốt than, củi, kể cả gas trong phòng kín để sưởi ấm là vô cùng nguy hiểm vì khí oxy sẽ tiêu hao dần, trong khi CO độc hại hoặc CO2  sẽ ngày càng tăng. Bản thân CO không màu, không mùi vị nên rất khó phát hiện. Khi hít phải CO sẽ nhanh chóng ngấm vào máu và cướp mất oxy trong máu, làm nạn nhân đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, thấy yếu, buồn nôn, đau ngực và lẫn lộn.

Hít phải lượng lớn khí CO có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mãn tính. 40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người…

Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo, người dân tuyệt đối không đốt củi để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín để phòng tránh sự cố đáng tiếc xảy ra. Nếu phát hiện có người bị ngạt khí CO, cần nhanh chóng mở hết tất cả các cửa để không khí tràn vào nhà và đưa nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc, lập tức đưa tới bệnh viện để cấp cứu và điều trị kịp thời. (An ninh Thủ đô trang 8)

Cùng chủ đề Báo Tiền phong trang 2: “Hôn mê vì đốt củi sưởi ấm”; Gia đình & Xã hội trang 7: “Đề phòng ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than củi ”

 

Nghiêm khắc xử lý vi phạm về thuốc lá

Những đám khói nghi ngút liên tục bay lên, những thanh niên tay cầm điếu thuốc rít liên tục bên mâm rượu, trong khi đó, nhiều đứa trẻ ngồi cạnh buộc phải hít thứ khói thuốc chết người. Vậy nhưng, không ai lên tiếng phê phán người hút.

Ở nhiều nơi công cộng cũng vậy, người hút cứ hút, người khó chịu cứ khó chịu, chẳng mấy ai nghĩ đến quyền được sống trong môi trường trong sạch, không khói thuốc – vấn đề được quy định trong luật đã có hiệu lực nhiều năm nay.

Cần lên tiếng nhắc nhở

Trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, nhiều người nhà ngồi chờ đợi đến giờ được vào chăm người thân đang nằm viện. Sốt ruột và rảnh rỗi, một số người lấy thuốc lá ra hút, người bên cạnh thấy vậy cũng xin một điếu hút cùng.

Trong khi đó, một số phụ nữ thì tỏ vẻ khó chịu với mùi khói thuốc lá nên nhăn mặt. Tuy nhiên, chẳng ai nhắc nhở những người kia không được hút thuốc. Phần vì họ ngại, không dám nhắc nhở người hút thuốc, phần bởi chính bản thân họ cũng không hề biết rằng, hút thuốc lá trong bệnh viện là hành vi bị cấm.

Tại một cơ sở y tế dự phòng ở Hà Nội có nhiều cặp bố mẹ đưa con đi tiêm phòng. Vì quá đông nên các em bé phải xếp hàng chờ khá lâu. Trong lúc các bà mẹ ôm con xếp hàng tiêm phòng thì các ông bố chờ đợi bên ngoài, người ngồi trên xe máy, người ngồi trong khuôn viên chờ đợi.

Và, cũng giống như ở một số cơ sở y tế khác, các ông bố lại mang thuốc lá ra hút mà không quan tâm đến những người xung quanh. Thậm chí, trong lúc chờ đợi, có em bé còn chạy ra đùa nghịch với bố. Trong khi đó, ông bố tay cầm điếu thuốc, tay ôm con.

Tôi đến bên một bà mẹ trẻ đang nhăn nhó vì hít phải khói thuốc và hỏi: “Sao em không nhắc anh kia dừng hút thuốc?”. Cô trả lời: “Em có quen anh ta đâu. Em mà nhắc, biết đâu anh ta cáu, lại bảo em đi chỗ khác thì càng ngại? Tốt nhất là chịu đựng một tí chị ạ”.

Chọn cách im lặng là quan điểm của nhiều người khi được hỏi về việc chứng kiến người khác hút thuốc nơi công cộng. Tuy nhiên, cách đó được coi là chấp nhận sống chung với tử thần hoặc vô hình trung chúng ta đã công nhận sự tồn tại của thứ khói độc hại trong môi trường sống.

Bởi thế, mỗi người dân khi chứng kiến người hút thuốc lá công cộng, đặc biệt là hút thuốc ở nơi đã bị cấm thì phải lên tiếng nhắc nhở để người nghiện thuốc lá có ý thức trong việc giữ gìn môi trường sống an toàn cho người xung quanh.

Đề cao vai trò người đứng đầu

Theo Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn cả trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm: Cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, tại cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi giải trí dành riêng cho trẻ em, cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy nổ cao.

Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm: Nơi làm việc; trường cao đẳng, đại học, học viện; địa điểm công cộng (trừ một số trường hợp quy định cụ thể). Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hoàn toàn bao gồm: Ôtô, tàu bay, tàu điện.

Do nhiều người hút thuốc chưa có ý thức, và do người dân chưa thực sự mạnh dạn lên tiếng nhắc người hút thuốc nên vai trò quan trọng trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá chính là người đứng đầu các cơ sở, cơ quan, đơn vị. Bởi vậy, Điều 14 Luật phòng chống tác hại của thuốc lá quy định rõ quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá.

Theo đó, người đứng đầu có quyền buộc người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá có trách nhiệm tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc mọi người thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành; treo biển có chữ hoặc biểu tượng cấm hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá.

Quy định của pháp luật đã rõ ràng như vậy, nhưng để thực hiện được trên thực tế còn rất nhiều khó khăn. Khảo sát ở một số địa điểm cấm hút thuốc lá, chúng tôi nhận thấy hầu hết các cơ sở đều treo biển chữ hoặc biểu tượng cấm hút thuốc lá đầy đủ. Tuy nhiên việc xử phạt thì hầu hết chưa thực hiện, mọi hành vi vi phạm đều chỉ được nhắc nhở, tính răn đe chưa cao.

Trước tác hại khôn lường của thuốc lá, mỗi người dân cần có ý thức tự bảo vệ môi trường sống của mình bằng cách từ bỏ thuốc, dám lên tiếng phản đối người hút thuốc lá vi phạm, người đứng đầu phải nghiêm khắc xử phạt người vi phạm… Có vậy, người dân mới mong được hít thở không khí trong lành, bảo vệ sức khỏe và tránh nguy cơ đáng tiếc đã được cảnh báo.

Quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng,chống tác hại của thuốc lá:

1. Được sống trong môi trường không có khói thuốc lá.

2. Yêu cầu người hút thuốc lá không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

3. Vận động, tuyên truyền người khác không sử dụng thuốc lá, cai nghiện thuốc lá.

4. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

5. Phản ánh hoặc tố cáo cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

(Điều 7 Luật phòng chống tác hại của thuốc lá). (An ninh Thủ đô trang 8)

 

Trẻ, già ồ ạt... nhập viện vì rét đậm, rét hại

Miền Bắc đang trải qua đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng. Tại nhiều bệnh viện chuyên khoa (có chuyên khoa Nhi), các bệnh viện về tim mạch, tiếp rất nhiều bệnh nhân đến khám vì bệnh lý về đường hô hấp, tim mạch, huyết áp… Ngoài ra, nhiều bệnh nhân đã mắc chứng liệt mặt, méo miệng.

Mỗi ngày 3.000 trẻ vào BV Nhi TW khám

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 3.000 trẻ vào khám, chủ yếu là các bệnh lý về hô hấp. PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, trẻ em là đối tượng nhạy cảm dễ đổ bệnh nhất khi xảy ra rét đậm, hoặc giá rét kéo dài do trọng lượng cơ thể thấp, khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể hạn chế nên rất dễ bị các biến chứng do nhiễm lạnh.

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, một lưu ý quan trọng là có thể ban ngày trẻ vẫn chơi đùa, ăn ngủ nhưng đến đêm, khi ngủ bắt đầu sốt, khó thở, thở nhanh, gấp, đến sáng hôm sau tiếp tục sốt cao hơn, chảy nước mũi nhiều, bỏ ăn, thở khò khè.

BS Nguyễn Thành Nam (Phụ trách Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), cũng cho biết, tại đây khoảng 50% trẻ khám và nhập viện do các bệnh lý hô hấp. Thường gặp nhất là các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp như: Viêm họng, viêm xoang, viêm amidan, viêm phổi. Ngoài ra, khi thời tiết quá lạnh, số trẻ mắc bệnh tiêu chảy cũng tăng cao hơn. BS Nam khuyến cáo, các bậc cha mẹ cần lưu ý đến những triệu chứng trẻ tiêu chảy, mất nước, da khô, mắt nhìn trũng để có thể kịp thời bổ sung nước cho trẻ, tốt nhất cho uống Oresol pha theo hướng dẫn ở trên bao bì thay cho các loại nước khác

Ngoài trẻ em thì người cao tuổi cũng là nhóm đối tượng dễ bị đổ bệnh khi trời lạnh kéo dài. Các bệnh lý thường gặp chủ yếu là bệnh đường hô hấp và tim mạch, trong đó các bác sĩ đặc biệt lưu ý những người có tiền sử mắc bệnh hen, phổi tắc nghẽn mạn tính, người cao huyết áp. Do người cao tuổi sức đề kháng yếu nên gặp thời tiết giá rét hay mắc viêm họng mạn tính kéo dài, hoặc viêm mũi mạn tính, viêm phế quản, viêm phổi cấp tính… Tuy nhiên, khi trời lạnh, người cao tuổi thân nhiệt thường không tăng cao như người trẻ tuổi nên dễ nhầm là bệnh nhẹ, ít được người nhà quan tâm, đến khi vào bệnh viện thì bệnh đã rất nặng.

Theo BS Nguyễn Xuân Tú, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Tim Hà Nội), chỉ trong 3 ngày gần đây, Bệnh viện tiếp nhận tới 1.400 bệnh nhân trên 60 tuổi, mắc các bệnh lý về đột quỵ, tai biến mạch máu não… BS Tú cho biết, một sai lầm thường gặp là người nhà rất ít uống nước vì lạnh và… lười. Trong khi những ngày rét đậm, rét hại này, cần phải uống nhiều nước, bổ sung nhiều hoa quả, vitamin, giúp lưu thông mạch máu. Ngoài ra, những người mắc bệnh mãn tính như tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường… bỏ uống thuốc định kỳ. Trong khi những bệnh này, đặc biệt là bệnh tim mạch, tăng huyết áp, việc uống thuốc là để ổn định mức huyết áp, không phải cứ thấy chỉ số huyết áp “đẹp” là bệnh đã khỏi.

Cảnh báo chứng méo mặt do giá rét

Ngoài bệnh lý về hô hấp, tim mạch, trong mùa lạnh, rét đậm, rét hại, nhiều người đã bị chứng méo mặt. Tại Khoa Điều trị Liệt vận động và Ngôn ngữ trẻ em (Bệnh viện Châm cứu Trung ương), hiện đang điều trị nhiều bệnh nhân mắc bệnh này. ThS.BS Dương Văn Tâm, Trưởng khoa cho biết, bệnh này xảy ra quanh năm với tất cả mọi đối tượng, không phân biệt già, trẻ, gái, trai. Từ đầu mùa đông tới nay, bệnh nhân đến viện tăng rõ rệt, mỗi ngày có đến 20-25 người bị méo mặt do liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên.

Theo BS Tâm, cơ chế gây nên bệnh là do lạnh. Lạnh đột ngột làm tổn thương gây phù nề chèn ép dây thần kinh khi chạy trong xương đá, gây mất dẫn truyền giữa thần kinh trung ương ra ngoài, từ đó gây liệt. Khi đó, người bệnh rơi vào tình trạng mắt nhắm mắt mở trừng trừng, nhắm không kín, miệng kéo lệch về phía bên lành, rãnh mũi má bên liệt mờ hoặc mất. Bệnh nhân không thể huýt sáo hay thổi lửa như bình thường. Khi ăn, thức ăn đọng ở má bị liệt. Các nếp nhăn ở trán bị xoá mờ hoặc mất hẳn. Ngoài ra, một số người còn có các dấu hiệu đau buốt nửa đầu.

Chuyên gia khuyến cáo, để tránh bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, đặc biệt trong thời tiết giá lạnh hiện nay ở miền Bắc, người dân cần đảm bảo giữ ấm cơ thể, không được tắm quá muộn, tắm nước lạnh, hạn chế uống rượu bia. Khi bị bệnh, tuyệt đối không tự ý chữa bằng các phương pháp phản khoa học như đắp đuôi lươn, đắp lá. Bởi chúng không chỉ khiến bệnh không khỏi mà còn diễn biến nặng hơn, người bệnh càng khó phục hồi. (Gia đình & Xã hội trang 7)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang