Mua thuốc cho trẻ nhỏ sẽ khó hơn
Ngày 1-3, Thông tư số 52/2017/TT-BYT của Bộ Y tế về kê đơn thuốc ngoại trú chính thực có hiệu lực thi thành.
Một trong những quy định đáng chú ý trong Thông tư 52 là khi kê đơn thuốc, bác sĩ phải ghi địa chỉ thường trú hoặc tạm trú của người bệnh.
Đặc biệt, đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi thì phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số chứng minh nhân dân hoặc sổ căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ, sau đó mới đến các thông tin như số thẻ BHYT, chẩn đoán bệnh, các thuốc được kê và lời dặn dò với gia đình.
Như vậy với quy định này thì bắt đầu từ ngày 1-3 trở đi, cha mẹ sẽ phải trình CMND khi mua thuốc cho con mình theo đơn bác sĩ kê.
Thông tư này cũng quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám chữa bệnh.
Theo đó, bác sĩ chỉ được kê đơn thuốc sau khi đã có kết quả khám bệnh, chẩn đoán bệnh; kê đơn phù hợp với chẩn đoán bệnh và mức độ bệnh; ưu tiên kê đơn thuốc dạng đơn chất hoặc thuốc generic. Số lượng thuốc được kê đơn thực hiện theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị được quy định hoặc đủ sử dụng nhưng tối đa không quá 30 ngày sử dụng.
Đối với người bệnh phải khám từ 3 chuyên khoa trở lên trong ngày thì người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh hoặc người được người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh ủy quyền (trưởng khoa khám bệnh, trưởng khoa lâm sàng) hoặc người phụ trách chuyên môn của cơ sở khám chữa bệnh sau khi xem xét kết quả khám bệnh của các chuyên khoa trực tiếp kê đơn hoặc phân công bác sỹ có chuyên khoa phù hợp để kê đơn thuốc cho người bệnh. (Sài Gòn giải phóng, trang 7; Thanh niên, trang 5).
25 năm chữa bệnh cứu người miễn phí
Trở về với cuộc sống đời thường, sống giữa làng xóm quê hương, tại xóm Tân Trung, xã Công Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam) bác sĩ quân y về hưu Nguyễn Hữu Bẩm thấy bà con mình còn nghèo, nhiều người mắc bệnh mà không có tiền chữa trị, ông không khỏi băn khoăn, trăn trở. Vì vậy, ông quyết định mở phòng khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người bệnh nghèo. Suốt 25 năm qua, ông tận tụy với công việc chữa bệnh cứu người mà chẳng bao giờ nhận tiền công.
Ban đầu chứng kiến việc ông làm, có người đã bảo ông "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Ông Bẩm biết điều đó, nhưng không bận lòng. Ông nghĩ, việc chữa bệnh giúp người nghèo mới là điều quan trọng và đáng làm. Từ những em bé sơ sinh đến những người già, với ai ông cũng nhiệt tình, hết lòng tư vấn, chữa trị. Nói về ông Bẩm, người dân nơi đây kể rằng, hễ ở đâu có người mang bệnh nặng, không đi được, có người đến gọi là ông đến tận nhà người bệnh không kể đêm ngày. Từ đó đến nay, bao nhiêu người đã được giúp đỡ, ông không nhớ hết, chỉ có thể ước tính mỗi năm số người được ông khám, tư vấn và cấp thuốc miễn phí cũng tới hàng trăm người.
Xã Công Lý quê ông, có trục đường liên huyện, liên xã, đường xấu, nhiều đoạn còn ổ gà cộng với ý thức tham gia giao thông của người dân chưa tốt... Vì vậy, đã có không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra, gây thiệt hại đến người và tài sản. Trước thực trạng đó, ông mạnh dạn đề xuất ý kiến và được Sở Giao thông vận tải Hà Nam, Hội Chữ thập đỏ huyện Lý Nhân giao phụ trách chốt sơ cứu an toàn giao thông đặt ngay tại gia đình. Vậy là chẳng quản ngày hay đêm, nắng nóng hay giá rét, dù tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút nhiều, nhưng hễ có tai nạn xảy ra trên địa bàn cần được sơ, cấp cứu là ông có mặt ngay vì công tác sơ cứu, cấp cứu ban đầu cần được thực hiện kịp thời, càng sớm càng tốt, như vậy mới có thể giảm bớt nguy hiểm cho người bị nạn. Ðối với những trường hợp nhẹ, ông băng bó vết thương, cầm máu; trường hợp nặng thì tùy theo mức độ mà xử lý và cùng cán bộ, người dân địa phương chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế một cách nhanh nhất...
Hơn mười năm phụ trách chốt sơ cứu nạn nhân tai nạn giao thông trên địa bàn, ông từng sơ, cấp cứu hơn 100 người; trong đó 50 trường hợp được ông cấp thuốc, bông băng sát trùng vết thương tại nhà. Một số trường hợp bị tai nạn nặng phải chuyển lên tuyến trên cấp cứu và nhiều trường hợp khác nhờ được ông sơ cứu kịp thời cho nên tai qua nạn khỏi.
Người bệnh sau khi được ông cứu giúp, nhớ tới cái ơn của ông, đã có người mang hoa quả, gạo nếp… gọi là chút quà quê đến biếu, ông đều nhận rồi xin gửi lại để họ dưỡng bệnh. Ông tâm sự: "Người bác sĩ, điều quan trọng nhất là chữa được bệnh cho người. Nhiều người còn khổ lắm. Họ có tấm lòng nhớ tới mình như thế là hạnh phúc lắm rồi".
Những đóng góp vì cộng đồng của bác sĩ quân y Nguyễn Hữu Bẩm trong nhiều năm qua đã được các cấp, các ngành và người dân ghi nhận bằng rất nhiều Bằng khen, Giấy khen cùng sự quý mến và biết ơn sâu sắc. Ông luôn trân trọng và tự hào. Nhưng đối với ông, niềm vui lớn nhất là giúp đỡ được nhiều người bệnh, nhất là những người bệnh nghèo và được mọi người gọi với cái tên trìu mến "Bác sĩ Bẩm". (Nhân dân, trang 8).
Số người đăng ký hiến nội tạng tăng dột biến
Sau tấm gương của bé gái Hải An, 7 tuổi (tại Hà Nội) qua đời vì ung thư đã tặng giác mạc cho người khác, rất nhiều người đến Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để đăng ký hiến tạng. Số lượng cuộc gọi tới Đường dây nóng và thư gửi tới email của Trung tâm để xin tư vấn về thủ tục đăng ký hiến tạng cũng tăng gấp nhiều lần bình thường.
Thông tin từ Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, trong 2 ngày qua có khoảng 20 người đến trực tiếp đăng ký tại Trung tâm (do 2 ngày nghỉ cuối tuần Trung tâm chỉ nhận tư vấn qua email và điện thoại số 0915060550), 4 ngày qua đã có gần 100 email gửi tới và rất nhiều cuộc gọi nhờ tư vấn.
"Ngọn lửa Hải An" đã thực sự làm lay động trái tim của hàng vạn người. Sự việc của Hải An trở thành một “cơn bão” truyền thông có công rất lớn của mẹ cháu. Mẹ cháu đã cởi mở với câu chuyện này ngay từ khi đặt vấn đề hiến tạng và sẵn sàng chia sẻ cảm xúc của mình về sự việc.
Trong khi đó, có nhiều tấm gương về hiến tạng khác không được biết tới bởi gia đình không muốn xuất hiện. Việc các gia đình không muốn công bố thông tin cũng là một trong những rào cản lớn đối với công tác truyền thông, vận động hiến mô/ tạng hiện nay. Nhiều người có người thân hiến tạng sau khi chết/ chết não đã rất khổ sở với những điều tiếng, dư luận... Chủ yếu họ bị mang tiếng "bán" tạng của người thân.
Trên thực tế, sau khi tiếp xúc với các gia đình hiến tặng, bên cạnh ý nghĩ cứu người, làm việc thiện thì họ đều mong muốn để người thân của mình vẫn còn được hiện diện trên đời, bằng máu thịt; để họ được tiếp tục sống dù là trong cơ thể của một người xa lạ. Đó chính là tình yêu của những người còn lại đối với người ra đi mà tình yêu của mẹ Hải An dành cho cô bé là một hiện hữu rất rõ ràng.
Trước đó, câu chuyện của bé Hải An đã khiến dư luận hết sức xúc động. Chiều 22/2/2018, một bé gái 7 tuổi 3 tháng mắc bệnh ung thư đã tặng lại giác mạc sau khi qua đời. Ông Nguyễn Hữu Hoàng - Giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt trung ương cho hay đây là lần anh xúc động nhất trong hơn 10 năm nhận giác mạc hiến tặng.
Mẹ bé kể, Hải An được phát hiện mắc ung thư hồi tháng 9/2017. Gia đình và bệnh viện đã rất nỗ lực điều trị cho bé nhưng đến ngày 22/2 bé qua đời. "Trước khi bé qua đời, cả gia đình và bé đều có nguyện vọng hiến tặng mô tạng và gia đình đã gọi đến Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người lúc trưa 22/2"- ông Hoàng cho biết.
Chiều 22/2, sau khi bé gái qua đời, ông Hoàng và các kỹ thuật viên của Ngân hàng Mắt đã tới nhận 2 giác mạc được bé gái hiến tặng. "Con tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé" - mẹ cháu bé đã nói với con gái và đặt nụ hôn lên trán cháu.
Ngày 24/2, tại lễ tang bé Hải An, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã gửi lời tri ân đến "con gái nhỏ Hải An" và cho rằng: "Món quà này thực sự là một viên ngọc sáng giữa đời! Đôi giác mạc của Con nay mai sẽ giúp được 2 người mù lòa có cơ hội được nhìn thấy ánh sáng. Như vậy, tuy thân thể con rời xa chúng ta nhưng Con vẫn tiếp tục được sống thêm một lần nữa, Con sẽ vẫn được ngắm nhìn cuộc sống tươi đẹp này".
Đến ngày 26/2, chỉ 4 ngày sau khi bé Hải An qua đời, các bác sĩ Bệnh viện Mắt TW đã thực hiện ca ghép giác mạc thành công cho 2 bệnh nhân từ giác mạc của Hải An đã hiến. Hai bệnh nhân là những người may mắn trong 1.000 hồ sơ chờ ghép giác mạc tại Bệnh viện Mắt TW. Mỗi bệnh nhân được ghép một mắt. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).