Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 23/7/2017

  • |
T5g.org.vn - 50% mẫu nước chạy thận nhân tạo không đạt quy chuẩn; Nhiều dịch bệnh dễ bùng phát; Trắng đêm trong phòng mổ; Phòng rắn cắn mùa du lịch.

 

50% mẫu nước chạy thận nhân tạo không đạt quy chuẩn

Theo kết quả ban đầu, trong số các mẫu được xét nghiệm chỉ số endotoxin (nội độc tố vi khuẩn) có 50% số mẫu không đạt. Trong tuần tới, viện sẽ có kết quả chính thức thông báo đến các đơn vị. TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), cho biết từ cuối tháng 6 vừa qua viện tiếp nhận, thực hiện xét nghiệm miễn phí các mẫu nước chạy thận nhân tạo cho các đơn vị có khoa/đơn nguyên thận nhận tạo.

Chi phí xét nghiệm khoảng 5 triệu đồng/đơn vị. Đã có 40 bệnh viện thuộc 25 tỉnh gửi mẫu nước xét nghiệm. Các mẫu nước này được lấy tại nguồn cấp nước; bể chứa sau lọc RO để đánh giá chất lượng nước theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn và mẫu nước rửa quả lọc thận (đánh giá tồn dư chất khử trùng). Theo kết quả ban đầu, trong số các mẫu được xét nghiệm chỉ số endotoxin (nội độc tố vi khuẩn) có 50% số mẫu không đạt. Trong tuần tới, viện sẽ có kết quả chính thức thông báo đến các đơn vị.

Theo viện, có hơn 20 biến chứng có thể xảy ra trong quá trình lọc máu. Khoa Vệ sinh sức khỏe môi trường (thuộc viện) khuyến cáo những nguy cơ của nước ô nhiễm trong chạy thận nhân tạo gồm: gây bệnh thiếu máu do các chất gây ô nhiễm nước: nhôm, đồng, kẽm...; tăng huyết áp do các chất: canxi, natri; tổn thương hệ thần kinh do các chất: nhôm; đau bụng, sốt do các chất: vi khuẩn, canxi, đồng, nội độc tố, pH thấp, nitrat, sulfat, kẽm, fluoride... Đáng lưu ý, có nguy cơ tử vong do các chất: nhôm, fluoride, nội độc tố vi khuẩn, chloramin (Thanh niên, trang 5).

 

Nhiều dịch bệnh dễ bùng phát

Ngày 22-7, trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe người dân, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có công văn gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước yêu cầu tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sau mưa bão. Theo đó, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố chủ động triển khai các phương án ứng phó về y tế và công tác phòng chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường trong và sau lũ lụt. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị ngập lụt triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết và các biện pháp vệ sinh khác theo khuyến cáo của cơ quan y tế.

Sở Y tế tổ chức giám sát kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau lũ, lụt như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết… Đặc biệt đề phòng những bệnh lây qua đường tiêu hóa như: tả, lỵ, thương hàn; duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch để sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới; tổ chức các đoàn kiểm tra, hướng dẫn người dân về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm khi cần thiết.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương chủ động cấp hóa chất, hướng dẫn người dân triển khai thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt bằng ChloraminB, Aquatas hoặc những hóa chất khử trùng khác tại các vùng có thể bị ngập lụt; tăng cường giám sát chất lượng nước dùng trong ăn uống, sinh hoạt tại các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung đảm bảo nồng độ Clo dư luôn đạt 0,3-0,5 mg/lít tại vòi sử dụng.

° Từ đầu năm đến nay, tại nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL, tình hình bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng tăng cao và diễn biến phức tạp so với cùng kỳ năm 2016. Riêng trong 15 ngày đầu tháng 7-2017, số ca sốt xuất huyết nhập viện điều trị được ghi nhận tại một số tỉnh vùng ĐBSCL tăng 125% so với cùng thời điểm năm 2016. 

Theo thống kê của ngành y tế các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, sốt xuất huyết có chiều hướng tăng mạnh từ đầu tháng 7, do thời tiết bắt đầu vào mùa mưa khiến muỗi truyền bệnh tăng nhanh, số ca sốt xuất huyết theo đó cũng tăng nhanh so với các tháng trước. Trong 10 ngày đầu tháng 7-2017, tỉnh An Giang là địa phương có số ca sốt xuất huyết nhập viện điều trị tăng cao nhất vùng ĐBSCL với 120 ca; tiếp đến là Sóc Trăng với 110 ca và Đồng Tháp là 100 ca sốt xuất huyết nhập viện điều trị (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Trắng đêm trong phòng mổ

'Thế giới phòng mổ' luôn là điều bí ẩn với bệnh nhân, thân nhân. Nơi ấy đã hồi sinh biết bao sinh mạng con người nhưng rất âm thầm, lặng lẽ. 23 giờ, đường phố dần thưa thớt người qua lại, cơn mưa đêm cứ rỉ rả kéo dài, tiết trời se lạnh, nhiều ngôi nhà đã tắt đèn yên giấc. Nhưng, ở một “thế giới khác” - là phòng mổ của Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) đèn vẫn sáng choang. Tiếng lít kít của băng ca kéo ra, kéo vào nườm nượp. Tiếng bước chân bác sĩ vội vã, tiếng máy theo dõi bệnh nhân (BN) tít tít liên hồi...

Đủ loại bệnh từ các nơi đổ về

Bác sĩ (BS) Danh Hữu Thanh Vinh (khoa phẫu thuật - gây mê - hồi sức) hướng dẫn chúng tôi thay y phục phòng mổ và dặn, vào phòng mổ, điều cấm kỵ nhất là không nên hỏi: “BS đêm nay mổ bao nhiêu ca rồi? Vì hỏi như thế là giống như đêm đó sẽ “có điềm”, BN sẽ vào rất đông, BS sẽ không ngơi tay!”.

Tại đây có 8 phòng mổ đèn bật sáng báo hiệu đang có ca mổ. BS Vinh đưa chúng tôi vào phòng mổ số 16 và cho biết ca bệnh này rất nặng, đây là lần mổ cấp cứu thứ 3. BN người Campuchia 62 tuổi trở nặng lúc chiều vì bị rò vết mổ sau lần mổ sỏi túi mật thứ nhất tại Campuchia và mổ lại lần thứ 2 tại BV Chợ Rẫy. Bệnh nhân này được cấp cứu và đưa vào phòng mổ lúc 17 giờ. Lần mổ này BS cho biết cứu được BN đã là may mắn bởi BN đã bị nhiễm trùng khắp ổ bụng, mưng mủ trắng xóa, cơ bụng phân hủy. Dưới ánh đèn, 3 BS khoa gan mật tụy mở ổ bụng, vén nội tạng vá tá tràng, vá ống mật chủ, cắt lọc và bơm rửa các ổ nhiễm trùng cho BN. Thấy chúng tôi thắc mắc: “sợi chỉ BS đang dùng lạ quá”, BS phẫu thuật Võ Nguyên Phong giải thích: thường phải đóng bụng bằng chỉ khác nhưng lần này phải dùng chỉ thép có độ bền, cứng mới mong bụng không bị bung ra, vì BN này cơ bụng lỏng lẻo quá rồi, dùng chỉ thường sẽ không khép bụng lại được! Theo BS Phong, phải dùng 2 cái ống nhựa khi siết hai đầu chỉ lại với nhau, bằng cách này sẽ không làm tổn thương da nơi cọ xát với chỉ, khi BN tỉnh lại sẽ không đau.

Từ 23 giờ, ca mổ kết thúc lúc 1 giờ ngày 21.7, BN được chuyển qua phòng hồi sức, BS Phong ngồi ghi phiếu tường thuật ca mổ. Đưa mắt nhìn trên bảng danh sách BN, ông nói: giờ đến 7 giờ còn 3 ca mổ nữa! Uống vội ngụm nước lọc, ông vội vã qua một phòng mổ khác, và nói vội: “Mổ chừng nào xong thì về”.

Cũng tại phòng mổ 16, ngay sau đó BN T. (70 tuổi, ngụ Bà Rịa-Vũng Tàu) được đưa vào trong tình trạng thở không ra hơi, người yếu ớt. Theo lời các BS, trưa cùng ngày, BN ăn cơm bị sặc thức ăn vào phổi, được BV tuyến dưới chuyển lên Chợ Rẫy. Các BS tiến hành nội noi và thấy trong phổi của BN rất nhiều bợn cơm, phù nề. BS hút dị vật từ phổi ra cho ông. Ống nội soi vừa rút ra thì BS Dương Công Lập 2 tay nhẹ nhàng và đều đặn bóp bóng cho BN để tập thở. Rất kiên nhẫn!

Trong khi đó tại phòng mổ số 7 lúc 2 giờ 30, BN Đ.T (38 tuổi, ngụ Tiền Giang) được đẩy vào. BS Đào Thanh Tú, khoa chấn thương chỉnh hình cắt lọc vết thương, nối dây chằng, bơm rửa và ghép da vùng đầu gối trái cho BN. Đang mổ, chợt BN hỏi: “Uống nước được không BS?”. “Mổ xong rồi ăn uống nha”, BS trả lời. Đến 4 giờ 30, ca mổ kết thúc. Đang may những đường chỉ cuối cùng đóng vết thương, nghe có người báo có ca đứt bàn tay vừa chuyển vào, BS Tú nói: “Chắc làm tới trưa!”.

BN Đ.T được gây tê tủy sống nên khi mổ anh vẫn tỉnh, mắt đưa qua đưa lại nhìn không gian phòng mổ. Tranh thủ bắt chuyện, anh cho biết lúc chiều có uống rượu ở đám giỗ rồi chạy xe máy tông vào đuôi xe tải.

T. nói: “Cám ơn các BS và ê kíp mổ; hứa với BS sẽ bỏ nhậu!”.

Lúc kim đồng hồ chỉ 4 giờ 11 phút, bỗng vang lên tiếng hô to: “Xong rồi!” làm phá tan không khí căng thẳng ở khu vực phòng mổ. Đó là tiếng một BS của khoa gan mật tụy trong phòng mổ số 5, sau gần 2 giờ mổ cứu nữ BN người Campuchia bị xuất huyết nang buồng trứng. Chúng tôi hỏi đùa: “BS BV Chợ Rẫy mà mổ sản khoa cũng được sao?”. BS V. như được dịp “khoe” thành tích cho biết rằng mình đã mổ nội soi mấy ngàn ca, còn mổ sản thì thường xuyên, vì mấy ca sản nặng các BV chuyển tới BV Chợ Rẫy cũng khá nhiều.

Chỉ thèm ngủ thôi !

Chúng tôi hỏi các BS ở phòng mổ thâu đêm thì sẽ “chống đói” bằng cách nào?

BS Danh Hữu Thanh Vinh bảo: “Anh chị em ở đây chỉ có nhu cầu ngủ thôi. Vì BN lên liên tục, đâu có thời gian ngủ”. BS nói vui thế thôi, chứ mọi người ở đây cũng phải tranh thủ ăn uống, thực phẩm là mấy hộp sữa, mì gói...

Ngồi bên cạnh, BS Dương Huy (khoa phẫu thuật - gây mê - hồi sức) tính nhẩm: mỗi đêm trực 4 BS gây mê, 8 kỹ thuật viên gây mê và 13 điều dưỡng, trung bình mỗi đêm mổ từ 50 - 60 BN, mà toàn bệnh nặng từ các nơi chuyển về. Có những ca mổ tim phình động mạch chủ ngực hay cấp cứu phức tạp thì các BS gây mê, phẫu thuật viên đứng suốt 8 - 10 giờ đồng hồ. Như đêm 20 đến rạng sáng 21.7, 8 phòng mổ hoạt động liên tục.

“Xong ca trực ban đêm, sáng hôm sau BS phải lên khoa lâm sàng thăm khám bệnh đến 11 giờ trưa mới về nghỉ. Về nhà thì chỉ lăn ra ngủ đến tối!”, BS Võ Nguyên Phong chia sẻ (Thanh niên, trang 13).

 

Phòng rắn cắn mùa du lịch

Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) liên tục tiếp nhận các trường hợp bị rắn độc cắn. Một số gặp tai nạn này ngay trong kỳ du lịch.

Nguy cơ khi hái hoa, ngắt cành

Bác sĩ Nguyễn Đàm Chính, công tác tại Trung tâm chống độc, cho biết thời điểm nắng ấm lên kèm theo mưa là “mùa rắn cắn”, bởi đặc điểm sinh học của rắn là sinh hoạt theo mùa. Mùa đông rắn thường ngủ và mùa hè thì ra khỏi tổ đi kiếm ăn. Đặc biệt mưa lại càng là yếu tố thuận lợi cho rắn di chuyển và kiếm ăn nhiều hơn. Trung bình mỗi ngày, Trung tâm chống độc tiếp nhận 1 - 2 ca rắn cắn. Qua thực tế điều trị, bác sĩ Chính lưu ý, ở phía bắc có các khu du lịch Tam Đảo, Hạ Long, Cát Bà... là những nơi du khách thích hành trình khám phá, leo trèo thám hiểm khu vực rừng núi nên dễ bị rắn lục tấn công.

Do rắn lục có khả năng ngụy trang gần giống với màu lá, màu thân cây nên khách du lịch khó phát hiện để phòng ngừa. Chỉ khi bị tấn công thì mới phát hiện ra, vì vậy, khách du lịch nên hạn chế hái hoa, lá, dựa bám vào các cành, thân cây khi mùa rắn sinh nở, kiếm ăn.

Bác sĩ Chính cho biết thêm, khi bị rắn lục cắn, tại chỗ sẽ bị sưng nề, phỏng nước. Nọc độc của rắn lục gây rối loạn đông máu, gây chảy máu và chảy máu toàn thân, khó cầm khiến bệnh nhân có thể tử vong do mất máu. “Khi bị rắn lục cắn, tuyệt đối không trích, nặn vì càng làm tăng nguy cơ chảy máu, dễ tử vong”, bác sĩ Chính đặc biệt lưu ý.

Để hạn chế nguy cơ bị rắn lục cắn, khi đi trong rừng không nên bước hoặc cho tay vào những nơi mà ta chưa quan sát được; không nên ngồi sát gốc cây, gò đống, bờ ruộng có nhiều hang chuột, hang mối; không nên lật tảng đá, đống gạch, đống củi hay thân cây đổ bằng tay trần (nếu cần phải dùng gậy, hoặc chân có đi giày).

Nhận biết và xử trí đúng

Nhiều trường hợp bị rắn cắn do bắt rắn, nuôi rắn hoặc đi làm đồng. Với trường hợp này thường bị rắn hổ mang và cạp nia tấn công. Nọc của các loại rắn này rất độc, nếu không xử trí sớm vùng rắn cắn dễ bị hoại tử rộng, thậm chí phải cắt cụt chi, hoặc cắt bỏ tổ chức gân, cơ rất lớn.

Bác sĩ Chính cho hay, nhiều nạn nhân rắn cắn do tin vào kinh nghiệm dân gian hoặc các thầy lang, cứ kéo dài chạy chữa tại nhà, đến khi nhập viện đã nhiễm độc nặng nên tổ chức gân cơ tại vết cắn bị hoại tử rộng, liệu trình điều trị huyết thanh không còn hiệu quả.

Các bác sĩ hướng dẫn nhận biết rắn cắn: tại vết cắn có đau, sưng nề, có thể hoại tử đen trên da (da bị chết do nọc độc), nhiễm trùng (sưng đỏ, sốt, có mủ). Tuy nhiên, dấu vết do rắn cạp nia, cạp nong cắn thường không gì đặc biệt nhưng có thể biểu hiện toàn thân: người bệnh nói khó, yếu chân tay, khó thở, nguyên nhân do nọc rắn này gây liệt mềm, tổn thương cơ vân, thận, loạn nhịp tim, tiểu ít. Bệnh nhân tử vong chủ yếu do liệt các cơ hô hấp gây khó thở, suy hô hấp.

Với người bị rắn cắn, tuyệt đối không tự đi lại vì vận động nhiều sẽ làm nọc độc di chuyển vào cơ thể nhanh hơn. Nên bất động chân, tay bị cắn (có thể bằng nẹp). Để bộ phận có vết cắn ở vị trí ngang bằng hoặc thấp hơn vị trí của tim. Nếu rắn hổ cắn có thể gây liệt (hổ mang chúa, cạp nong, cạp nia, rắn biển, rắn hổ mang thường) nên băng ép bất động và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Các bác sĩ lưu ý, để phòng ngừa rắn cắn trong gia đình, không nên ngủ dưới nền nhà vì rắn hay lui tới những chỗ ấm; thường xuyên kiểm tra nhà để phát hiện nơi rắn hay trú ẩn (mái lợp tranh rạ, mái hiên, tường rơm có khe nứt lớn, khoảng trống không bịt kín của ván sàn). Không đi chân trần vào rừng, nương, rẫy (nhất vào ban đêm); không nên sờ vào miệng rắn, ngay cả khi rắn đã chết (một số rắn giả chết để tránh bị tấn công)... (Thanh niên, trang 13).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang