Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 24/12/2017

  • |
T5g.org.vn - Phấn đấu để đường dây nóng "nguội" dần; Khắc phục tình trạng tiểu đêm và các bệnh lý nguy hiểm liên quan; Cách hạ sốt nhanh cho trẻ đơn giản, hiệu quả; Kết luận ban đầu vụ 6 học sinh mắc 'bệnh lạ'; Hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia về dân số: Tầm soát bệnh tật trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số…

 

Phấn đấu để đường dây nóng "nguội" dần

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ năm 2014, khi đường dây nóng qua tổng đài 1900-9095, đến nay đã có gần 28.000 cán bộ, nhân viên y tế bị nhắc nhở, xử lý dưới nhiều hình thức, góp phần nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, thay đổi phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, sẽ xử lý nghiêm những cán bộ, nhân viên y tế vi phạm y đức, để đường dây nóng "nguội" dần.

Công cụ giám sát hữu hiệu 

Nhờ số điện thoại 1900-9095 được niêm yết công khai tại 100% cơ sở y tế, nhiều hành vi tiêu cực đã được xử lý. Tại các cơ sở y tế, từ ý kiến đóng góp của người dân qua đường dây nóng, cán bộ, nhân viên y tế đã có ý thức hơn trong việc cải tiến quy trình khám chữa bệnh, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. 

Bệnh viện K trung ương từng “đội sổ” về chỉ số hài lòng của người bệnh với 52/100 điểm thì hiện tại, chỉ số này đã lên mức 86/100. PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K trung ương chia sẻ, sau khi nhận được phản ánh từ người bệnh và người nhà bệnh nhân về thái độ ứng xử chưa tốt của một số cán bộ y tế qua đường dây nóng, Hội đồng kỷ luật của bệnh viện đã họp, xem xét xử lý "đúng người, đúng khuyết điểm".

Từ thực tế khảo sát, chấm điểm tại Bệnh viện K trung ương, bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) nhìn nhận, thái độ nhân viên y tế ở đây đã có sự thay đổi tích cực. Kết quả khảo sát mới nhất cho thấy, mức độ hài lòng của người bệnh đã tăng từ 51% lên 85%. 

Cũng từng nhận được không ít lời phàn nàn về tình trạng quá tải, quy trình khám chữa bệnh gây phiền hà cho người bệnh, Bệnh viện Nhi trung ương đã tập trung giảm quá tải, cải tiến chất lượng khám chữa bệnh. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận hơn 3.000 bệnh nhi tới khám, hơn 1.700 bệnh nhi điều trị nội trú, trong đó có nhiều ca nặng. Trong năm 2017, bệnh viện tiếp nhận gần 1 triệu lượt bệnh nhi (tăng 10% so với năm 2016) và gấp hơn 2 lần so với cách đây gần 10 năm.

PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương khẳng định, để hạn chế tình trạng quá tải, việc cải tiến chất lượng được thực hiện hằng ngày, hằng quý, hằng năm. Cùng với việc đón tiếp, hướng dẫn, phân loại bệnh nhân rõ ràng, đồng bộ, hiện tại, bệnh viện còn trang bị Bảng điện tử định danh bệnh nhân (ghi rõ thông tin cá nhân) được gắn trước cửa mỗi phòng khám. Bên trái màn hình là số bệnh nhân cần đưa vào khám; bên phải là số bệnh nhân đi làm xét nghiệm, đang đợi xét nghiệm và khám lại. Màn hình điện tử lớn được gắn ở nhiều nơi tại khu nhà Cấp cứu - Chống độc, kết nối với tất cả các khoa, phòng. Với hệ thống này, bệnh nhân có thể biết thông tin cần thiết, không phải di chuyển nhiều. Mặt khác, hằng ngày, bệnh viện và các khoa, phòng tổ chức họp 2 lần (vào 8 giờ sáng và 16 giờ chiều) để điều tiết giường bệnh, tránh xảy ra tình trạng bệnh nhân nằm ghép.\

Một điểm cải tiến nữa tại Bệnh viện Nhi trung ương là về hệ thống báo cáo sự cố y khoa. Theo PGS.TS Lê Thanh Hải, trước đây có tình trạng khoa, phòng, cá nhân để xảy ra sự cố y khoa thì giấu giếm, gây ra tâm lý bức xúc cho người nhà bệnh nhân. Hiện nay, lãnh đạo bệnh viện đưa việc báo cáo sự cố y khoa thành tiêu chí thi đua. “Chúng tôi nhìn thẳng vào sự thật để khắc phục, chấn chỉnh chứ không giấu giếm. Theo kết quả khảo sát sự hài lòng của người bệnh mới đây, gần 90% bệnh nhân nội trú cho rằng họ sẽ quay lại bệnh viện. Tỷ lệ này với bệnh nhân ngoại trú là hơn 70%”, PGS.TS Lê Thanh Hải nói. 

Đổi mới, nâng cao chất lượng

Cùng với việc triển khai đường dây nóng, từ ngày 15-12-2017 đến 27-12-2018, Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, chấm điểm khoảng 170 bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế thực hiện đánh giá chất lượng bệnh viện trên diện rộng với nhiều tiêu chí mới (mức độ minh bạch thông tin, thái độ ứng xử bằng lời nói và hành động của nhân viên y tế với bệnh nhân, có hay không việc vòi vĩnh, gây khó dễ cho bệnh nhân…).

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, hiện nay, yêu cầu về chất lượng khám chữa bệnh của người dân ngày càng cao. Các bệnh viện phải đổi mới, nâng cao chất lượng từng ngày, từng giờ, từ những việc nhỏ nhất cho đến vấn đề về chất lượng chuyên môn, con người. Nếu không cải tiến, các bệnh viện sẽ phải đối diện với việc người bệnh lựa chọn bệnh viện khác, thiếu kinh phí đầu tư hạ tầng…

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trong tương lai, khi các bệnh viện công lập của Hà Nội tiến tới tự chủ tài chính, phải “tự bơi”, việc “hút” bệnh nhân sẽ nhờ vào uy tín, trình độ và sự phát triển của bệnh viện. Để tự chủ tài chính thành công, mục tiêu quan trọng nhất mà các cơ sở y tế cần làm là lấy được sự hài lòng của người bệnh - yếu tố giúp bệnh viện có nguồn thu ổn định, đầu tư nâng cao chất lượng.

Cùng với những giải pháp đã được đưa ra, Bộ Y tế đề nghị người dân phản ánh thông tin khi phát hiện tiêu cực trong ngành, khi chưa hài lòng với thái độ phục vụ của nhân viên y tế. Bộ Y tế sẽ kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm, phấn đấu để đường dây nóng ngày càng “nguội” đi, nỗi bức xúc của người dân với ngành Y tế vơi dần.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho biết, từ khi thiết lập đường dây nóng 1900-9095, có gần 28.000 trường hợp cán bộ cơ sở y tế bị xử lý dưới nhiều hình thức, trong đó có 35 trường hợp bị cách chức và buộc thôi việc. Số lượng cuộc gọi đã giảm dần, từ hơn 98.000 cuộc vào năm 2014, tới nay chỉ còn hơn 19.000 cuộc. Thống kê từ các cuộc gọi cho thấy, vấn đề về cơ sở vật chất là nội dung nhận được nhiều phản ánh nhất, tiếp đến là quy trình chuyên môn và viện phí. Đáng mừng là số cuộc gọi phản ánh về thái độ của cán bộ, nhân viên y tế đã giảm nhiều. (Hà Nội mới, trang 1).

 

Khắc phục tình trạng tiểu đêm và các bệnh lý nguy hiểm liên quan

Trời rét, chúng ta có ít mồ hôi hơn mùa hè. Do vậy, lượng nước thừa trong cơ thể được bài tiết chủ yếu qua con đường tiểu tiện, nên vào mùa đông, chúng ta thường đi tiểu nhiều hơn. Một rắc rối là tiểu đêm nhiều vào mùa đông thường gây nên tình trạng mất ngủ và kéo theo nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.

 Chứng bệnh tiểu đêm nhiều vào mùa đông

Tiểu đêm nhiều vào mùa đông là chứng bệnh thường gặp cả nam và nữ, và thường xảy ra nhiều ở đối tượng tuổi trung niên. Những người càng lớn tuổi thì khả năng tái thu kém, bài tiết qua đường tiết niệu bị suy giảm, dẫn đến tình trạng đi tiểu nhiều lần hơn.

Đi tiểu đêm nhiều khi rất phiền toái, khiến người bệnh phải thức dậy nhiều lần. Giấc ngủ bị gián đoạn, phải mất nhiều thời gian mới có thể ngủ lại được. Do vậy, thường dẫn đến tình trạng nhiều người không ngủ được, bị mất ngủ, thiếu ngủ, ngủ không sâu giấc khiến cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi, thần kinh suy nhược, giảm trí nhớ… Cùng với đó, tiểu đêm nhiều lần, dẫn đến việc thay đổi tư thế nhiều lần, nhiệt độ thay đổi đột ngột, lúc nóng lúc lạnh, không tốt cho những người bị cao huyết áp. Nguy cơ lớn có thể xảy ra đó là bị tai biến mạch máu não, nguy hiểm đến tính mạng.

Đó là chưa kể, đi tiểu đêm nhiều vào mùa đông có thể biến chứng thành một số căn bệnh nguy hiểm khác như rối loạn hoạt động nội sinh, rối loạn tinh thần, bệnh tiểu đường… Chính vì vậy mà chúng ta cần phải có những giải pháp chữa trị nhanh chóng, kịp thời để ngăn chặn tình trạng bệnh có thể nguy hiểm hơn.

Một số lưu ý: Nên và không nên

Hãy lưu ý một số điều cơ bản sau đây để hạn chế tình trạng đi tiểu nhiều về đêm trong mùa đông này:

- Buổi tối nên hạn chế uống nước. Tránh uống bia, rượu, cà phê, nước uống có ga, những loại đồ uống có chứa chất kích thích.

- Không nên ăn nhiều canh trong bữa tối, nhất là những loại canh nấu bằng những loại rau có tính chất lợi tiểu như mướp, bầu, cải cúc…

- Không nên ăn các loại quả chứa nhiều nước trước khi đi ngủ như cam, dưa hấu, bưởi…

- Hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều muối, thịt, chất béo, tinh bột… thay thế và tăng cường bổ sung rau xanh, hoa quả tươi vào thực đơn hàng ngày.

- Tạo thói quen đi tiểu đúng giờ và đi tiểu trước khi đi ngủ.

- Không sử dụng các thuốc lợi tiểu vào buổi tối trước khi đi ngủ.

- Khi ngủ, cần đảm bảo giữ ấm cho cơ thể một cách tốt nhất vì khi lạnh quá, gây co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu đi qua thận và khiến việc đi tiểu diễn ra nhiều hơn.

Đối với những trường hợp bị tiểu đêm vào mùa đông nhiều lần, diễn ra trong khoảng thời gian dài mà không có dấu hiệu suy giảm thì cần tìm gặp ngay bác sĩ chuyên khoa để được chữa trị kịp thời và hiệu quả nhất. (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

Cách hạ sốt nhanh cho trẻ đơn giản, hiệu quả

Sốt là một dấu hiệu của bệnh nhưng thường không quá nguy hiểm. Thực tế, sốt là phản ứng thông thường của hệ thống miễn dịch khi bé tiếp xúc với virus hay nhiễm khuẩn.

Nguyên nhân gây sốt ở trẻ sơ sinh phổ biến nhất là do nhiễm virus hoặc có thể là sốt mọc răng. Tuy nhiên sốt ở trẻ có thể là dấu hiệu bệnh hay nhiễm trùng nghiêm trọng. Nhiệt độ trung bình của người lớn là 37 độ C nhưng ở trẻ em thường thấp hơn 36-36,5 độ C. Khi nhiệt độ của trẻ tăng cao, đạt 37,5 độ C thì trẻ đã có dấu hiệu bị sốt và cơn sốt sẽ nặng nếu nhiệt độ cao hơn 38 độ C. 

Sốt ở mức nhẹ có thể là hậu quả của cảm lạnh kéo dài. Hoặc có thể bé bị sốt mọc răng hoặc phản ứng của cơ thể khi tiêm phòng. Tuy nhiên, sốt còn là triệu chứng báo hiệu nhiều căn bệnh nguy hiểm khác như nhiễm trùng tai, các bệnh viêm đường hô hấp, hoặc hệ bài tiết (thận, bàng quang). Nghiêm trọng hơn, các bệnh như nhiễm trùng máu, viêm phế quản, viêm màng não cũng gây ra những cơn sốt ở trẻ.

Làm mát bằng khăn ấm

Dùng khăn mềm nhúng vào nước hơi ấm, vắt khô, lau nhẹ khắp người trẻ, đặc biệt là ở nách, bẹn và trán. Tránh dùng nước lạnh, tuyệt đối không dùng nước có pha rượu, cồn. Ngoài ra, việc tắm bằng nước ấm sẽ giúp trẻ thư giãn và điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Cần lưu ý nước quá nóng hay quá lạnh cũng khiến nhiệt độ cơ thể của bé tăng lên. Một cách hạ sốt an toàn và hiệu quả khác là tắm cho trẻ với tinh dầu oải hương hoặc tràm. Hai tinh dầu này có tác dụng thông mũi, giảm sốt, giữ ấm cho cơ thể, phòng tránh cảm lạnh. 

Bù nước

Sữa mẹ đặc biệt quan trọng khi trẻ dưới 6 tháng tuổi bị sốt vì nó chứa các chất dinh dưỡng cần thiết giúp tăng cường hệ miễn dịch cho bé. Khi bị sốt, trẻ rất háo nước nên việc cho trẻ bú mẹ thường xuyên rất cần thiết. Với trẻ lớn hơn, khi sốt, cơ thể trẻ mất nước, muối, năng lượng và các vitamin tan trong nước do đổ mồ hôi. Nên bù lại bằng cách cho trẻ uống nhiều nước lọc, nước ép trái cây giàu vitamin C. 

Mặc quần áo thoải mái

Khi chăm sóc trẻ bị sốt, bạn phải luôn chú ý tới nhiệt độ phòng không được quá nóng hay quá lạnh. Nếu sử dụng quạt, bạn nên để ở mức nhẹ và không nên để gió thổi trực tiếp vào bé. Nếu sử dụng điều hòa, hãy giữ nhiệt độ vừa phải. Ngoài ra, tránh sử dụng máy sưởi phòng vì nó có thể khiến bé quá nóng. Nhiều cha mẹ mặc cho bé nhiều quần áo hoặc đắp chăn quá dày khi trẻ sốt. Điều này không thể làm bé hạ sốt mà càng tăng nhiệt độ.             

Bạn nên sử dụng các loại quần áo nhẹ, làm bằng chất liệu mềm, thấm mồ hôi. Khi trẻ ngủ chỉ nên sử dụng chăn mỏng để đắp.

Uống thuốc hạ sốt

Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi thân nhiệt trên 38,5 độ C. Dùng thuốc hạ sốt đúng loại, đúng lúc, đúng liều lượng theo độ tuổi và cân nặng. Hiệu quả hạ sốt thường phát huy sau 30 phút và kéo dài 4-6 giờ. 

Cách hạ sốt bằng chanh tươi

Chanh tươi có tác dụng hạ nhiệt. Hạ sốt bằng chanh tươi  thường được áp dụng cho những trẻ bị sốt cao từ 39,5-40 độ C, cần hạ sốt nhanh. Bạn chỉ cần cắt quả chanh làm nhiều lát mỏng rồi chà nhẹ lên trán, khủyu tay, khủyu chân và dọc sống lưng. Lưu ý, khi chà chanh nên tránh những chỗ da bé bị xước, bị ngứa  (An ninh thủ đô, trang 8).

 

Kết luận ban đầu vụ 6 học sinh mắc 'bệnh lạ'

Ngày 23.12, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết vừa báo cáo Bộ Y tế về trường hợp 6 học sinh Trường tiểu học Cư Pui 2 (xã Cư Pui, H.Krông Bông) có biểu hiện không kiểm soát được bản thân.

Trước đó, nhận tin báo từ Trung tâm y tế H.Krông Bông, ngày 19.12, Sở Y tế lập đoàn công tác về địa phương kiểm tra. Qua tìm hiểu, 6 học sinh này tuổi từ 10 - 13, người dân tộc H’Mông, hầu hết có triệu chứng khó ngủ vào ban đêm, đến lớp thì đứng ngồi không yên, nói lảm nhảm, hất tung dụng cụ học tập, gây gổ với bạn bè...

Tại lớp học, cơn bệnh kéo dài từ 15 phút đến khoảng 1 giờ, sau đó các em trở lại bình thường, nhiều em không nhớ hành vi của mình trước đó.

Theo nhận định ban đầu, có thể các em bị chứng rối loạn phân ly tập thể, nhưng để có kết luận chính thức và hướng điều trị, Sở Y tế Đắk Lắk đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ làm rõ nguyên nhân. (Thanh niên, trang 3).

 

Hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia về dân số: Tầm soát bệnh tật trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số

Chủ đề Tháng Hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26-12) năm 2017 được Bộ Y tế chọn là "Thực hiện tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số".

Tháng hành động, nhằm tuyên truyền về lợi ích khi thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh; vận động phụ nữ chuẩn bị mang thai và đang mang thai thực hiện tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Mặc dù chưa có các nghiên cứu toàn diện về dị tật bẩm sinh, nhưng qua các nghiên cứu trong nước và quốc tế, có thể ước tính tỷ lệ trẻ em bị dị tật bẩm sinh ở Việt Nam chiếm khoảng 1,5% đến 2% số trẻ sinh ra hằng năm. Với tỷ lệ này, mỗi năm có khoảng từ 22 nghìn đến 30 nghìn trẻ có bệnh bẩm sinh. Trong số đó, phổ biến nhất là các bệnh như: Down, hội chứng Ewards, dị tật ống thần kinh, suy giáp, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận, tan máu bẩm sinh (Thalassemia) thể nặng và các bệnh lý di truyền, dị tật khác. Từ các kết quả nghiên cứu cho thấy: Tình trạng tật, bệnh ở thai nhi và trẻ sơ sinh ở Việt Nam bắt nguồn từ các nguyên nhân chủ yếu như sai lệch di truyền (bất thường nhiễm sắc thể, rối loạn gien, rối loạn chuyển hóa...); trong quá trình mang thai, bà mẹ tiếp xúc môi trường độc hại (hóa chất, không khí, đất, nước...); mẹ uống thuốc trong ba tháng đầu của thai kỳ; mẹ mắc các bệnh nhiễm trùng trong thời kỳ mang thai… Theo các bác sĩ chuyên khoa sản, nhi: Việc sàng lọc trước sinh (SLTS) khi bà mẹ khám định kỳ, siêu âm, xét nghiệm trong thời kỳ mang thai sẽ giúp biết chính xác từ 80% đến 90% thai nhi của mình khỏe mạnh, hay có vấn đề gì bất thường. Sàng lọc sơ sinh (SLSS) - lấy mẫu máu gót chân trẻ 48 giờ sau sinh, nhằm phát hiện các bệnh suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh... SLTS và sơ sinh sẽ giúp thầy thuốc can thiệp sớm, hạn chế thấp nhất dị tật từ trong bụng mẹ và giúp trẻ sinh ra phát triển bình thường.

Nếu so với các nước trên thế giới và trong khu vực, Việt Nam triển khai muộn hơn nhiều năm do điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau hơn mười năm, việc thực hiện tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh tật trước sinh và sơ sinh ở trẻ đã được triển khai tại 9.547 xã, phường, thị trấn và tại 634 quận, huyện của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngành y tế thành lập được sáu trung tâm sàng lọc trên cả nước. Các trung tâm bảo đảm cung cấp các dịch vụ này cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Tại tuyến quận, huyện, phụ nữ mang thai có thể đến Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình để tư vấn, khám sàng lọc, phát hiện sớm những bất thường hay dị tật của thai nhi. Nhờ vậy, đến nay đã có 25% số bà mẹ mang thai và 35% số trẻ em sinh ra được tầm soát, chẩn đoán, can thiệp và điều trị một số bệnh thường mắc ở trẻ bị bệnh tật bẩm sinh...

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng: Việt Nam đã khống chế được tốc độ gia tăng dân số quá nhanh, đạt và duy trì mức sinh thay thế trong hơn mười năm vừa qua; chất lượng dân số từng bước được cải thiện, tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ dưới năm tuổi giảm mạnh; tuổi thọ người dân tăng và hiện đạt 73,4 tuổi… Tuy nhiên, công tác dân số hiện nay còn gặp không ít khó khăn, bất cập và nhiều vấn đề phát sinh mới như: sự chênh lệch đáng kể mức sinh giữa các vùng, mức sinh thay thế nhiều nơi còn đạt thấp, nhất là ở vùng đô thị phát triển; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh và ngày càng lan rộng; tỷ lệ suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em còn cao; tỷ lệ người khuyết tật trong dân số vẫn còn ở mức cao… Do vậy, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hạn chế đến mức thấp nhất người khuyết tật do các bệnh bẩm sinh gây ra là một trong những vấn đề được đặc biệt chú trọng để nâng cao chất lượng dân số. Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XII) về Công tác Dân số trong tình hình mới, với những nhiệm vụ chính sau: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ dân số; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số; tăng cường hợp tác quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người; giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất bốn loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất năm bệnh bẩm sinh phổ biến nhất...

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Bộ Y tế đã lấy chủ đề “Thực hiện tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số”, cho Tháng Hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26-12) năm 2017.

Bộ Y tế đề nghị ngành y tế các địa phương tiếp tục đổi mới toàn diện, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp truyền thông, phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ, các loại hình cung cấp dịch vụ ổn định quy mô và nâng cao chất lượng dân số. Tiếp tục triển khai hiệu quả đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số tại các địa phương; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung và giải pháp thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, nhất là đối với các hoạt động can thiệp lựa chọn giới tính thai nhi theo đúng quy định của pháp luật. Phối hợp với các bộ, ban, ngành, UBND các cấp tổ chức quán triệt và triển khai cụ thể hóa Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới một cách hiệu quả… (Nhân dân, trang 5).

 

 

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang