Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 24/3/2016

  • |
T5g.org.vn - Vi rút Zika xuất hiện tại VN; Đình chỉ lưu hành vaccine phòng dại không đảm bảo chất lượng; Thí điểm đề án Bệnh viện Chợ Rẫy văn minh hiện đại, nghĩa tình…

Vi rút Zika xuất hiện tại VN

Chiều 23.3, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông báo khẩn nâng mức cảnh báo dịch do vi rút Zika tại Việt Nam, khi một người Úc vừa từ Việt Nam về nước bị nhiễm vi rút này.

“Bộ Y tế nâng mức cảnh báo do Úc đã ghi nhận một trường hợp nhiễm vi rút Zika sau khi trở về từ Việt Nam. Thay vì ngăn chặn ca bệnh xâm nhập như vừa qua, chúng ta có thể phải đối diện với xuất hiện của vi rút Zika trong nội địa”, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết.

Theo ông Phu, cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) của Việt Nam nhận được thông tin Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 22.3 cho biết, trường hợp bị nhiễm vi rút Zika nói trên đến Việt Nam từ ngày 26.2.2016 và xuất cảnh về Úc ngày 6.3.2016; ngày 8.3.2016 người này có biểu hiện triệu chứng nhiễm vi rút Zika như sốt, phát ban, đau đầu, đau cơ, viêm kết mạc, buồn nôn.

Trong thời gian ở Việt Nam, trường hợp nhiễm Zika này đã đi đến nhiều nơi: TP.HCM, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Bình Thuận. Tuy nhiên, danh tính, giới tính của ca bệnh chưa được phía Úc thông báo.

Ngay sau khi nhận được thông tin từ Cơ quan đầu mối của WHO, Bộ Y tế đã thành lập Đoàn công tác khẩn cấp do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long làm Trưởng đoàn cùng lãnh đạo các đơn vị liên quan của Bộ Y tế đến các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận làm việc với UBND và các sở, ban, ngành các tỉnh này để trực tiếp chỉ đạo giám sát, xác minh và triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika.( Thanh niên trang 2, Công an nhân dân trang 1, Tiền phong trang 6)

Đình chỉ lưu hành vaccine phòng dại không đảm bảo chất lượng

Sở Y tế Hà Nội vừa  có văn bản thông báo đình chỉ lưu hành vaccine phòng bệnh dại Lyssavac N. Đây là vaccine do Công ty Cadila Healthcare Ltd. India sản xuất, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế TP Hồ Chí Minh nhập khẩu, Công ty CP Vaccine và sinh phẩm Nam Hưng Việt ủy thác nhập khẩu…(Nông thôn ngày nay trang 5)

Thí điểm đề án Bệnh viện Chợ Rẫy văn minh hiện đại, nghĩa tình

Tại buổi làm việc với Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Y tế phía Nam về triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X, ông Tất Thành Cang - ủy viên ban chấp hành trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực thành ủy TP HCM gợi ý Đảng ủy khối cơ sở Bộ Y tế  cần tiến hành xây dựng thí điểm mô hình bệnh viện (BV) văn minh, hiện đại, nghĩa tình tại BV Chợ Rẫy, sau đó nhân rộng ra các BV khác.

Tuy nhiên, để làm được điều này, Phó Bí thư đề nghị BV Chợ Rẫy phải phát triển chuyên môn kỹ thuật cao, thay đổi phong cách phục vụ, mang lại sự hài lòng cho người bệnh. Bên cạnh đó, Phó Bí thư cũng cho rằng thành phố cần sớm lựa chọn BV hoạt động theo tiêu chí nước ngoài để thí điểm triển khai khám, chữa bệnh BHYT mang tính toàn cầu, sau đó nhân rộng ra các BV khác; tiến tới đáp ứng cho khu vực Đông Nam Á và châu Á bằng chất lượng, giá cả hợp lý…(Tuổi trẻ trang 2)

Bộ trưởng Y tế yêu cầu miễn viện phí cho ông Nén

Ông Huỳnh Văn Nén bị chấn thương sọ não với các tổn thương dập não vùng thái dương bên trái, có ổ máu tụ dưới màng cứng thái dương trái. Ngoài ra, ông còn bị sưng nề, xây xát trán và gãy xương đòn bên trái và đã được bó bột.

Hôm qua 23/3, bác sĩ Nguyễn Kim Chung - Phó trưởng Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho biết, “Người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén, 54 tuổi ngụ Hàm Tân, Bình Thuận, bị chấn thương sọ não với các tổn thương dập não vùng thái dương bên trái, có ổ máu tụ dưới màng cứng thái dương trái. Ngoài ra, ông Nén còn bị sưng nề, xây xát trán và gãy xương đòn bên trái và đã được bó bột. Theo bác sĩ Chung, xét nghiệm xác định bệnh nhân không có cồn trong máu.

Bà Nguyễn Thị Cẩm - vợ ông Nén cho biết, sau thời gian ở tù quá lâu, ông muốn tập điều khiển xe gắn máy trở lại. Do chưa quen với xe tay ga, ông Nén đã đâm vào xe gắn máy của người đi đường rồi mất kiểm soát làm chiếc xe lao tới đâm vào cột điện. Đầu ông bị đập mạnh vào cột điện và xuống đường.

Sau khi biết tin ông Nén bị nạn, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã gọi điện cho bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy yêu cầu bệnh viện miễn viện phí cho ông.( Tiền phong trang 2)

Giao mùa, nhiều trẻ nhập viện vì ho gà

Thời tiết chuyển từ đông sang xuân là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh ho gà phát triển. Trong 3 tháng đầu năm, Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi T.Ư) điều trị cho hơn 30 trẻ bị ho gà dai dẳng.

Tuyến dưới không chẩn đoán đúng bệnh

Phòng bệnh trên tầng 2 của Khoa Truyền nhiễm được dành riêng cho bệnh nhân ho gà. Tám trẻ nhỏ từ 2,5-3,5 tháng thi nhau ho từng cơn rũ rượi. Đang ngủ yên trong vòng tay mẹ thì bé An Nhiên (3 tháng 9 ngày tuổi, ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) bỗng ho thành cơn. Hốt hoảng vì thấy con ho dữ dội, chị Đào, mẹ cháu bé, úp người con xuống, lấy tay còn lại vỗ bồm bộp vào lưng bé.

Tay người mẹ vừa dừng vỗ cũng là lúc toàn bộ gương mặt trẻ chuyển từ ửng hồng do ho sang tím tái. Ngay lập tức, y tá đang chăm trẻ ở giường bên cạnh chụp mặt nạ oxy cho bệnh nhân giúp bé thở dễ dàng hơn. Chị Đào cho biết, cách đây hơn 20 ngày, bé Nhiên bị ho nhiều nên gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh khám, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phế quản, cho uống và tiêm kháng sinh nhưng không đỡ. Tiếp đó trẻ xuất hiện những đợt tím tái nên gia đình xin chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Nhi T.Ư. Được biết, bé An Nhiên đã được tiêm phòng 1 mũi vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem lúc 2,5 tháng.

Nằm giường bên cạnh, bé Hoài Nam (3 tháng tuổi, ở phố Cửa Đông, Hà Nội) bị ho nên gia đình đưa đến Bệnh viện Saint Paul khám. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phổi, viêm phế quản, phải thở máy 20 ngày. Sau khi ra viện được 10 ngày trẻ lại nhập viện, tiếp tục tiêm và uống nhiều thuốc kháng sinh nhưng không đỡ, bác sĩ chuyển bệnh nhi lên Bệnh viện Nhi T.Ư điều trị. Tại đây, bệnh nhân được xác định mắc bệnh ho gà và dùng thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn ho gà. Chị Vũ Thị Nga cho hay con chị 3 tháng tuổi cũng được Bệnh viện Lâm Thao (Phú Thọ) chẩn đoán bị viêm họng nhưng cho uống nhiều thuốc vẫn không khỏi. Sốt ruột nên gia đình tự ý đưa con đến Bệnh viện Nhi T.Ư để khám và được xác định bị ho gà.

Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh diễn biến qua 3 giai đoạn với biểu hiện ban đầu là xuất tiết kéo dài từ 1-2 tuần bằng triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên không rõ ràng như chảy mũi, ho nhẹ (phần nhiều là ho về đêm). Giai đoạn toàn phát từ 1-2 tuần kế tiếp, trẻ bắt đầu ho nhiều, ho dài rồi tiến triển thành từng cơn ho sặc sụa.

Ho gà là bệnh nhạy cảm với kháng sinh nên khi được dùng đúng thuốc sẽ hiệu quả ngay. Bác sĩ Hải khuyến cáo, người lớn cần ở bên cạnh trẻ để theo dõi các cơn ho vì nguy cơ trẻ ngưng thở khi ho rất dễ xảy ra, đặc biệt là ban đêm. Khi trẻ bị ngưng thở cần kích thích trẻ thở trở lại bằng cách chạm (cấu nhẹ) vào da của trẻ.

Theo bác sĩ Hải, trong thời gian đầu mắc bệnh, triệu chứng ho gà rất giống với những chứng bệnh cảm thông thường nên nhiều gia đình có tâm lý chủ quan tự mua thuốc về chữa cho con. Đến khi thấy trẻ ho nặng, bị tím tái mới đưa vào viện thì đã trong tình trạng nguy kịch vì suy hô hấp. Trong những ngày đầu trẻ bị ho gà các biểu hiện của bệnh rất giống với cảm cúm, ho, sốt thông thường nên dễ bị bỏ qua.

Tiêm vắc-xin giúp phòng bệnh

Các bác sĩ cho biết hiện nay, tiêm vắc-xin là cách phòng bệnh ho gà hiệu quả nhất. Đối với phụ nữ mang thai, tiêm phòng đầy đủ giúp bảo vệ thai nhi ngay từ thời kỳ bào thai. Đối với trẻ nhỏ, gia đình cần chú ý cho trẻ tiêm đầy đủ 3 mũi vắc-xin 5 trong 1 phòng bệnh ho gà.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh có tính lây truyền rất cao nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học… Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn. Bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản-phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.(Tiền phong trang 6)

Hà Nội ghi nhận 221 trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng

Ngày 23-3, Sở Y tế Hà Nội phối hợp UBND thị xã Sơn Tây tổ chức lễ phát động Chiến dịch vệ sinh môi trường, khử khuẩn, chủ động phòng, chống bệnh tay, chân, miệng (TCM). Theo số liệu báo cáo, từ đầu năm 2016 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 221 trường hợp mắc bệnh TCM, phân bố rải rác tại 22 trong số 30 quận, huyện, thị xã. Tại lễ phát động, Sở Y tế Hà Nội đề nghị trung tâm y tế các quận, huyện phối hợp phòng giáo dục và đào tạo tham mưu cho UBND quận, huyện xây dựng kế hoạch triển khai đồng loạt Chiến dịch vệ sinh môi trường, khử khuẩn, chủ động phòng, chống bệnh TCM ở tất cả các trường mầm non trên địa bàn. Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp vệ sinh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Riêng các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới ba tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện bệnh TCM.( Nhân dân trang 5, Hà Nội mới trang 7)

Nhân ngày Thế giới phòng chống lao 24-3: Phát hiện, điều trị sớm sẽ hiệu quả

Việt Nam hiện xếp thứ 14 trong số 20 nước có số người mắc bệnh lao cao nhất thế giới. Cuộc chiến chống lao ở nước ta còn nhiều thách thức và vấn đề đặt ra là làm sao phát hiện bệnh sớm, điều trị.

Bộ phận cơ thể nào cũng có thể nhiễm lao

Theo Giám đốc Bệnh viện (BV) Phổi Hà Nội Phạm Hữu Thường, riêng trong năm 2015, BV Phổi Hà Nội đã tiếp nhận 2.650 người mắc bệnh lao các thể. Bộ phận nào trong cơ thể cũng có thể bị lao, trong đó, lao phổi chiếm tỷ lệ cao (hơn 80% số ca mắc lao) so với lao ổ bụng, lao màng não, lao cột sống… Trước đây, do chưa có thuốc chữa, chưa có thông tin đầy đủ nên việc điều trị cho bệnh nhân mắc lao kéo dài. Đặc biệt, việc điều trị lao kháng thuốc, siêu kháng thuốc vô cùng khó khăn.

Tuy vậy, hiện nay, bệnh nhân lao đã có cơ hội điều trị theo phương pháp mới, mang lại hiệu quả cao, kể cả với bệnh lao siêu kháng thuốc. Với phác đồ và thuốc điều trị mới, việc điều trị bệnh lao thông thường chỉ diễn ra trong vòng 6 tháng, điều trị lao đa kháng thuốc diễn ra trong khoảng 18 tháng. Từ tháng 12-2015, BV Phổi Hà Nội đã tiến hành điều trị thí điểm cho 30 bệnh nhân mắc lao siêu kháng thuốc. Bệnh nhân đầu tiên được điều trị thí điểm là Nguyễn A.T. (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - được phát hiện mắc lao cách đây hơn 3 năm, bệnh ngày càng nặng do bệnh nhân này không tuân thủ yêu cầu của bác sĩ. Thậm chí gia đình bệnh nhân đã nghĩ đến tình huống xấu nhất. Thế nhưng, sau hơn 3 tháng được áp dụng phương pháp điều trị lao siêu kháng thuốc, sức khỏe của A.T. đã có tiến triển tốt, tăng cân và tinh thần lạc quan hơn.

Cũng theo ông Phạm Hữu Thường, quá trình điều trị đòi hỏi phải kiểm soát tốt nguy cơ nhiễm khuẩn để tránh lây lan, nhất là đối với việc điều trị lao kháng thuốc. Chính vì vậy, thời gian qua, BV đã tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, bảo đảm phòng bệnh thông thoáng tự nhiên, bệnh nhân lao kháng thuốc phải có lối đi riêng để tránh lây sang người khác… Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn bảo đảm làm tốt công tác khử khuẩn, tiệt khuẩn, tập trung dụng cụ y tế đúng quy trình.

Phát hiện sớm, điều trị kịp thời

Không chỉ đáp ứng đầy đủ yêu cầu khắt khe trong quá trình điều trị, BV Phổi Hà Nội đã làm chủ quy trình xét nghiệm đờm tìm vi khuẩn lao, nuôi cấy, định danh vi khuẩn để phục vụ chẩn đoán và điều trị, hỗ trợ chẩn đoán cho tuyến y tế quận, huyện. Mặt khác, BV đã áp dụng kỹ thuật phát hiện vi khuẩn lao nhanh trên hệ thống MGIT/BACTEC 960, GeneXpert, hỗ trợ rất nhiều cho một số BV tuyến trung ương và thành phố. BV cũng đã xây dựng màng lưới chống lao hoạt động hiệu quả trên địa bàn, trực tiếp chỉ đạo thực hiện chương trình quốc gia về phòng chống lao tại 16 quận, huyện, 257 xã, phường. Trong năm 2015, tại 16 quận, huyện, các bác sĩ đã khám cho hơn 41.000 người nghi nhiễm lao.

Trong thời gian qua, BV Phổi Hà Nội đã tập trung đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Chị Uông Mai Loan, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Tổ trưởng Tổ quản lý chất lượng BV cho biết, khoa Khám bệnh được coi như bộ mặt của BV, phải đặc biệt chú trọng về trình độ chuyên môn cũng như giao tiếp, ứng xử. Trong năm 2015, BV đã làm tốt công tác nâng cao chất lượng phục vụ tại khoa Khám bệnh, xây dựng nội quy, quy trình khám chữa bệnh hợp lý và niêm yết để người bệnh biết; tổ chức tốt công tác tiếp đón, hướng dẫn nên người bệnh không phải chờ đợi lâu, mọi thắc mắc đều được giải quyết thỏa đáng…

Theo ông Phạm Hữu Thường, việc phát hiện bệnh sớm sẽ khiến quá trình điều trị dễ dàng hơn. Khi thấy có các triệu chứng như ho, khạc đờm kéo dài hơn 2 tuần, nhất là trong trường hợp sử dụng kháng sinh điều trị viêm phổi, viêm họng mà không khỏi, thì cần nghĩ ngay đến bệnh lao. Biểu hiện bệnh thường rõ ràng hơn khi bệnh nhân sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi trộm, kém ăn, ho ra máu, gầy, sút cân, đau ngực… "Điều trị bệnh lao là một quá trình kỳ công. Thuốc điều trị bệnh thường gây nhiều tác dụng phụ nhưng đừng bao giờ ngưng uống thuốc giữa chừng vì điều đó sẽ dẫn đến kháng thuốc, làm cho việc điều trị càng khó khăn", ông Phạm Hữu Thường cho biết.( Hà Nội mới trang 5)

Cứu bệnh nhi bị hôn mê sâu

Ngày 23-3, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết, vừa cứu em Võ Công Thành (SN 2007, trú huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), bị giẫm phải gai và hôn mê sâu.

Trước đó ngày 19-2, bệnh nhi này được chuyển từ Quảng Ngãi ra Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng trong tình trạng sốt cao, nuốt khó, lơ mơ, cứng hàm, tăng trương lực cơ toàn thân. Người nhà bệnh nhi cho biết, trước đó 12 ngày, cháu Thành đã giẫm phải gai tre dẫn đến bị sốt, hôn mê và được điều trị vài ngày tại bệnh viện địa phương. Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản - Nhi đã khám và chẩn đoán chính là theo dõi uốn ván, biến chứng hôn mê, suy hô hấp độ 3. Bệnh nhi được khai thông khí quản, thở máy qua ống khe khí quản và được sử dụng thuốc an thần, giãn cơ, huyết thanh kháng uốn ván, kháng sinh mạnh. Các bác sĩ tiến hành tiểu phẫu lấy ra một gai nhọn dài 0,5 cm từ bàn chân bệnh nhi. Sau hơn một tháng điều trị tích cực, đến nay, sức khỏe bệnh nhi đã cải thiện, tiếp tục được hồi sức để có thể đi lại.( Nhân dân trang 5)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang