Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 24/4/2018

  • |
T5g.org.vn - Xuất hiện bệnh nhân bị não mô cầu đầu tiên của "mùa dịch"; Cứu người bệnh xuất huyết não hố sau; Khi ngành y còn đơn độc trong "cuộc chiến" chống bạo lực

 

Xuất hiện bệnh nhân bị não mô cầu đầu tiên của "mùa dịch"

Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên của “mùa dịch” năm nay bị viêm màng mủ do vi khuẩn não mô cầu đến từ Hưng Yên. Ngay lập tức, các nhân viên y tế và những người tiếp xúc gần với bệnh nhân đã được uống kháng sinh dự phòng để tránh lây nhiễm từ bệnh nhân 30 tuổi này.

Theo lời người nhà bệnh nhân, trước khi vào viện 4 ngày, bệnh nhân bị đau họng, ho khan và 2 ngày sau thì sốt cao 39 độ C, đau đầu và buồn nôn rồi ngày càng sốt cao và nôn nhiều. Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên và đến trưa ngày 18-4 thì bắt đầu rối loạn ý thức nên đã được chuyển tuyến đến Bệnh viện Bạch Mai.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng - Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: "Bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn nhiều, có nhiều chấm xuất huyết ở chân và thân mình. Đặc biệt bệnh nhân đã có dấu hiệu của rối loạn ý thức, kích thích vật vã”.

Sau khi khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm màng não mủ do vi khuẩn não mô cầu. Đây là một trong những thể bệnh nặng của nhiễm khuẩn do não mô cầu. Hiện bệnh nhân được nằm tại phòng cách ly để điều trị theo phác đồ viêm màng não mủ do vi khuẩn não mô cầu. Sau 4 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân đã tiến triển hơn, hiện đã tỉnh táo, tuy còn sốt, nhưng sức khỏe đã được cải thiện rõ rệt.

Cũng theo TS. Dũng, bệnh do não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, do vi khuẩn não mô cầu (Neisseria meningitidis) gây nên. Bệnh lây truyền theo đường hô hấp, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch. Bệnh thường xảy ra ở nơi tập trung đông người (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại, ...), người bị suy giảm miễn dịch hoặc đồng nhiễm khuẩn đường hô hấp. 

Tại nước ta, bệnh lưu hành và được ghi nhận rải rác tại nhiều địa phương, hay gặp vào mùa đông - xuân. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10-20%. Tỷ lệ tử vong có thể từ 8 - 15%.

Vì thế, điều quan trọng là bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, cách ly để tránh lây lan dịch. Bệnh nguy hiểm nhưng có thể dự phòng bằng cách tiêm vaccine. Bên cạnh đó, cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và chất khoáng; đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. 

Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân (sống cùng nhà, người chăm sóc bệnh nhân vv… Thực hiện tốt vệ sinh, thông khí nơi làm việc, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng. Hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh. Trường hợp buộc phải tiếp xúc với người bệnh thì cần đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Lau sàn nhà, tay nắm cửa, lan can cầu thang, mặt bàn, ghế… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch từ 1-2 lần/ngày.

 Mọi người cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cá nhân. Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt trong những phòng chật hẹp, thiếu không khí trong khu vực ổ dịch. Khi có biểu hiện mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời.

“Người tiếp xúc gần với bệnh nhân - là những người sống cùng hộ gia đình, những người sống, làm việc cùng phòng, người trực tiếp chăm sóc, người có tiếp xúc mật thiết, trẻ học cùng trường mầm non/ nhà trẻ, cùng nhóm học, cùng lớp học… - cần sử dụng thuốc điều trị dự phòng càng sớm càng tốt.” - TS. Dũng khuyến cáo. (Công an nhân dân, trang 2).

 

Cứu người bệnh xuất huyết não hố sau

Các bác sĩ Bệnh viện E vừa triển khai thành công kỹ thuật khó, cứu sống bệnh nhân xuất huyết não hố sau do vỡ dị dạng thông động tĩnh mạch kích thước lớn bằng can thiệp nút mạch siêu chọn lọc.

Cách đây mấy tháng, bệnh nhân P.T.T (25 tuổi, ở Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) xuất hiện đau đầu không rõ nguyên nhân, đã uống thuốc giảm đau nhưng không đỡ. Ngày 9-4, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau đầu đột ngột, lơ mơ, nôn nhiều, sau đó ý thức chậm dần, rơi vào tiền hôn mê. Bệnh nhân được chụp CT sọ não thấy hình ảnh xuất huyết não hố sau.

Các bác sĩ Ngoại Thần kinh, Hồi sức tích cực và Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện E hội chẩn và chỉ định cho bệnh nhân chụp dựng hình mạch não thấy hình xuất huyết vùng cầu não lệch phải kích thước 25x14mm, chảy máu vào não thất và các bể quanh cầu não do dị dạng mạch (AVM) vùng cầu não, sau tiêm thuốc cản quang có hình hai tĩnh mạch dẫn lưu giãn to. Các bác sĩ kết luận, bệnh nhân bị dị dạng động tĩnh mạch vùng cầu não (sàn não thất IV) có chảy máu não thất. Dị dạng động tĩnh mạch (AVM) là dị dạng mạch máu bẩm sinh nguy hiểm nhất.

Ngày 11-4, một kíp bác sĩ của khoa Chẩn đoán hình ảnh và khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện E đã phối hợp khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện can thiệp chụp và nút tắc dị dạng động tĩnh mạch não, lấy huyết khối động mạch não bằng keo sinh học cho bệnh nhân. Do khối dị dạng có nhiều mạch máu nuôi nên các bác sĩ phải nút siêu chọn lọc các nhánh mạch nuôi khối dị dạng, kéo dài thời gian ca mổ.

Sau một ngày, bệnh nhân được chỉ định chụp MRI sọ não, cho thấy không còn hình ảnh nhồi máu xuất huyết mới. Hiện tại bệnh nhân tỉnh chậm, chi giác cải thiện, không liệt khu trú, đỡ đau đầu…

Theo ThS.BS Đỗ Quốc Phong, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện E, dị dạng AVM vô cùng nguy hiểm bởi vùng dị dạng chảy máu ngay cạnh vùng thân não (bao gồm trung tâm điều hành tim mạch, hô hấp, thân nhiệt – là những trung tâm điều phối mọi hoạt động sinh tồn cơ bản của cơ thể). Bên cạnh đó, vùng hố sau đó ngay gần lỗ chẩm là nơi điều phối của não đối với tất cả các hoạt động cơ thể. Vì vậy, chỉ cần một chảy máu kích thước nhỏ cũng gây ảnh hưởng đến chi phối của não bộ lên hoạt động cơ thể.

“Đau đầu ở người trẻ có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do dị dạng mạch máu não. Vì vậy, khi xuất hiện những cơn đau đầu thường xuyên, người bệnh nên đến bệnh viện để được khám, chụp chiếu, chẩn đoán và điều trị sớm, tránh hệ lụy chảy máu não, thậm chí tử vong”, BS Phong cảnh báo.

GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E khẳng định, việc cứu sống thành công bệnh nhân xuất huyết não hố sau do vỡ dị dạng thông động tĩnh mạch kích thước lớn bằng can thiệp nút mạch siêu chọn lọc do các bác sĩ Bệnh viện E phối hợp Bệnh viện Bạch Mai thực hiện đã mở ra cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân. Hiện nay, Bệnh viện E bước đầu triển khai nhiều kỹ thuật can thiệp mạch, trong đó có can thiệp mạch não, nút mạch bằng hạt hóa chất, hạt phóng xạ điều trị ung thư gan… (Nhân dân, trang 5).

 

Khi ngành y còn đơn độc trong "cuộc chiến" chống bạo lực

Những ngày qua, vụ việc bác sĩ bị hành hung khi đang thực thi nhiệm vụ đang là một chủ đề "nóng" thu hút sự quan tâm của dư luận. Dường như môi trường hành nghề của người làm việc trong ngành y đang ngày càng phải đối diện với nhiều nguy cơ và sự thiếu an toàn? Ðã đến lúc cần một quyết tâm mạnh mẽ với sự đồng lòng của toàn xã hội để xây dựng một môi trường lành mạnh, an toàn cho cả các y, bác sĩ và người bệnh.

Chỉ trong bốn tháng đầu năm 2018, hàng loạt vụ hành hung bác sĩ ở một số bệnh viện đã khiến dư luận thật sự lo ngại. Như, ngày 22-1, tại phòng cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Ðồng, một bác sĩ đang khâu vết thương cho bệnh nhân thì bị một nhóm thanh niên xông vào đánh tới tấp đến mức thủng màng nhĩ; ngày 20-2, hai bác sĩ tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Yên Bái, sau khi hoàn thành ca đỡ cho một sản phụ đã bị chồng sản phụ, đánh đập thậm tệ, chỉ vì người này không được trèo lên tường khu nhà mổ để quay phim chụp ảnh ca sinh; ngày 25-2, nhân viên y tế tại Bệnh viện đa khoa huyện Bố Trạch (Quảng Bình) bị một nhóm thanh niên đuổi đánh, đồng thời đập phá tài sản vì cho rằng bệnh viện không cứu sống được hai nạn nhân bị tai nạn giao thông vào cấp cứu trước đó; ngày 31-3, bác sĩ và điều dưỡng viên tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Cạn trong lúc đang điều trị bệnh nhân đã bị chồng của bệnh nhân lăng mạ, tiến công, đập đầu vào tường… Mới đây nhất, ngày 13-4, một bác sĩ của Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) trong khi đang trao đổi với bố của bệnh nhi đã bị người này đánh liên tục vào đầu. Xem xét các vụ việc có thể thấy, hầu hết y, bác sĩ bị tiến công bởi chính người nhà bệnh nhân. Tình trạng các nhân viên y tế bị hành hung ngay tại bệnh viện một cách ngang nhiên và ngày càng tăng đã phần nào cho thấy những nỗ lực của xã hội và của cả chính bản thân ngành y tế nhằm chấm dứt tình trạng này chưa đạt được hiệu quả. Bức xúc trước thực trạng nêu trên, ngày 15-4, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội, Ðại biểu Quốc hội, đã viết trên facebook cá nhân: "Tháng 4 mới đi được một nửa đã có ba vụ hành hung nhân viên y tế mà không hề có "lửa khói" gì… Chắc cần một hiệu ứng mạnh hơn, như một cú "sốc điện" mà chúng tôi phải sử dụng khi tính mạng người bệnh ngàn cân treo sợi tóc. Tôi tự hỏi vào một ngày đẹp trời sẽ có bao nhiêu người nắm tay nhau trên đường để bảo vệ một môi trường y tế bình an?". Câu hỏi đầy tâm trạng từ chính người đang hành nghề bác sĩ này không chỉ bày tỏ những suy tư, lo lắng về môi trường làm việc của những người trong ngành y, mà còn nêu ra một thực trạng xã hội, đòi hỏi cần sớm có giải pháp hữu hiệu không để ngành y đơn độc trong việc chống bạo hành, để người thầy thuốc có thể yên tâm làm nhiệm vụ chữa bệnh, cứu người.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay có tới 38% số nhân viên y tế đã từng bị tiến công bạo lực từ người bệnh và người nhà người bệnh trong khi làm việc. Số người bị đe dọa hoặc xúc phạm thậm chí còn cao hơn. Số liệu này đã đưa các nhân viên y tế vào nhóm ngành nghề có nguy cơ cao bị tiến công cả về thể xác và tinh thần. Ở Việt Nam, các nhân viên y tế cũng không nằm ngoài mối nguy cơ nêu trên. Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), từ năm 2010 đến 2017, trên cả nước xảy ra 22 vụ người nhà bệnh nhân tiến công y, bác sĩ. Số các vụ gây rối, làm mất an ninh trật tự trong bệnh viện, đe dọa nhân viên y tế còn cao hơn nhiều lần. Trong số các vụ bạo hành nhân viên y tế có tới 60% số vụ việc xảy ra ở bệnh viện tuyến tỉnh, ở tuyến trung ương là 20 %. Bác sĩ nằm trong nhóm bị tiến công cao nhất với tỷ lệ là 70%. Ðáng chú ý, có tới 90% số vụ xảy ra trong khu vực bệnh viện, khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc người bệnh.

Nguyên nhân khá phổ biến từ những vụ việc nêu trên đã cho thấy một vấn đề không bình thường, đó là thay vì người bệnh và người nhà người bệnh cần lắng nghe, tuân thủ chỉ dẫn về chuyên môn của bác sĩ thì xuất hiện tình trạng một số người bệnh và người nhà người bệnh muốn điều khiển bác sĩ theo ý muốn chủ quan của mình như: đòi chuyển viện, đòi mổ, đòi chăm sóc đặc biệt,… không cần biết điều đó có cần thiết, có tốt hay không. Khi không được đáp ứng yêu cầu, họ sẵn sàng sử dụng hành vi bạo lực với bác sĩ, thậm chí dọa giết bác sĩ… Cá biệt, có người nhà bệnh nhân huy động cả côn đồ đến hành hung y, bác sĩ, đập phá bệnh viện. Dường như các đối tượng gây hại cho các thầy thuốc đã tự cho mình quyền được yêu sách, trong khi về chuyên môn, chỉ có bác sĩ mới có quyền đưa ra chỉ định mà họ cần tuân theo để bảo đảm việc cứu chữa người bệnh hiệu quả nhất. Các vụ tiến công không chỉ đe dọa trực tiếp an toàn tính mạng, sức khỏe, tâm lý của y, bác sĩ mà còn đang khiến môi trường nơi chữa bệnh, cứu người trở nên mất an toàn. Sự gia tăng bạo lực này còn đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về những bất ổn trong cách ứng xử giữa con người với con người, về tình trạng xuống cấp về đạo đức của một nhóm dân cư trong xã hội. Nếu không kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm cái xấu, cái ác sẽ có cơ hội lộng hành, khiến sinh hoạt xã hội trở nên mất an ninh, an toàn.

Không có bất cứ lý do gì có thể bao biện cho hành vi tiến công nhân viên y tế trong khi đang làm nhiệm vụ. Thực tế, do đặc thù nghề nghiệp các bác sĩ không được phép từ chối khám chữa bệnh cho người bệnh. Như lời tâm sự của một bác sĩ vừa bị người nhà bệnh nhân tiến công nói rằng: "Dù bác sĩ có bị chèn ép sao nữa, thì họ vẫn phục vụ những người đánh họ". Ngay cả khi bị đối xử bất công, tàn tệ, những thầy thuốc bị tiến công vẫn phải nén chịu đau đớn để hoàn thành nhiệm vụ. Ðiều đó khiến mỗi người cần phải suy nghĩ nghiêm túc để hành xử đúng mực, để tôn trọng nhân phẩm, sức khỏe của người thầy thuốc, giúp họ yên tâm công tác. Ở Việt Nam cùng với nghề sư phạm, nghề y được gắn với chữ "thầy" - thầy giáo và thầy thuốc. Ðiều đó cho thấy sự trân trọng của xã hội với hai ngành nghề cao quý này. Song thật xót xa khi gần đây cả nghề sư phạm và nghề y lại đang phải hứng chịu nhiều sóng gió. Thầy giáo bị học sinh đánh, cô giáo bị phụ huynh học sinh bắt quỳ. Thầy thuốc bị truy đuổi, đánh đập ngay tại phòng làm việc… Sự xuống cấp của đạo đức xã hội đã không chỉ còn là lời cảnh báo mà đã và đang trở thành một vấn nạn.

Cần thẳng thắn thừa nhận rằng, lâu nay môi trường ngành y còn tồn tại một số tiêu cực như thái độ phục vụ cửa quyền, tắc trách, tình trạng "phong bì lót tay", chưa công khai minh bạch giá dịch vụ y tế... Song điều đó không cho phép phủ nhận nỗ lực của ngành y các năm qua trong việc chăm sóc sức khỏe của cộng đồng; kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh; từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, không ngừng học hỏi và đã đạt được những thành tựu đáng tự hào như thành công trong việc dùng rô-bốt phẫu thuật; ghép thành công tế bào gốc ngoại vi; thành công phiên bản công nghệ thực tế ảo 3D trong giải phẫu cơ thể con người… Hằng ngày, hằng giờ vẫn có hàng chục nghìn y, bác sĩ thầm lặng cống hiến tài năng, tâm huyết cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bất chấp những khó khăn, gian khổ, bệnh nghề nghiệp ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhưng giờ đây họ lại phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn từ chính người bệnh, người nhà người bệnh mà mình đang trực tiếp chăm sóc. Dù muốn hay không, điều đó cũng tác động đến sức khỏe, tâm lý, tình cảm cũng như tâm huyết của y, bác sĩ.

Ðể bảo đảm an toàn tính mạng cho cán bộ, nhân viên, thời gian qua, ngành y đã phối hợp với công an, chính quyền địa phương các cấp cùng vào cuộc để bảo vệ an ninh trật tự tại các bệnh viện, cụ thể là: lập đường dây nóng, lập chốt an ninh, lắp ca-mê-ra kiểm soát hoạt động khám, chữa bệnh… Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các biện pháp nêu trên còn không ít vướng mắc, dẫn đến hiệu quả chưa được như kỳ vọng. Thí dụ, việc rải lực lượng an ninh tại những "điểm nóng" của các bệnh viện là khó khăn, bởi mâu thuẫn nảy sinh dẫn đến các hành vi nhục mạ, hành hung nhân viên y tế có thể xảy ra bất cứ đâu, lực lượng an ninh không thể đủ quân số rải mọi nơi, mọi lúc. Trước thực trạng này, để tự bảo vệ, thay vì trông đợi sự hỗ trợ từ bên ngoài, gần đây tại một số cơ sở khám, chữa bệnh như: Bệnh viện Hùng Vương (Phú Thọ), Bệnh viện Việt - Tiệp (Hải Phòng), Bệnh viện Thống Nhất, Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh),… đã chủ động lập chốt công an, lắp ca-mê-ra an ninh, thuê người đến dạy võ và các kỹ năng ứng phó với bạo hành cho y, bác sĩ. Tuy nhiên nhiều người cho rằng đó chỉ là những giải pháp tình thế trước mắt. Áp lực công việc với người hoạt động trong ngành y vốn đã rất căng thẳng, giờ đây họ còn phải dành thời gian tập võ, lo đối phó với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thì sẽ dẫn đến quá tải. Chưa kể, thay vì dành thời gian để lo tập võ tự vệ, các y, bác sĩ tập trung cho việc nghiên cứu, nâng cao chuyên môn sẽ có ích hơn cho người bệnh và cộng đồng.

Sự phân công công việc của xã hội với mỗi ngành nghề đòi hỏi tính chuyên môn phải không ngừng được nâng cao, vì vậy nếu đặt quá nhiều chức năng, nhiệm vụ sẽ gây khó khăn trong việc thực thi. Bởi vậy, thay vì để ngành y cũng như y, bác sĩ đơn độc trong đối phó với tình trạng bạo lực, đối diện nguy cơ mất an toàn tại môi trường làm việc, cần có phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các cơ quan chức năng và cộng đồng. Cần nâng cao tuyên truyền ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, cần coi các y, bác sĩ đang làm việc là người thi hành công vụ, được pháp luật bảo vệ tính mạng, danh dự. Do đó, mọi hành vi xúc phạm, tiến công cán bộ, nhân viên y tế tùy theo mức độ cần bị xử lý nghiêm minh, có tính răn đe. Mặt khác, ngành y cũng cần không ngừng đổi mới, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, tác phong phục vụ người bệnh, tránh các xung đột, hiểu lầm, nghiêm khắc xử lý các hành vi tiêu cực, lấy lại lòng tin của người dân với đội ngũ y, bác sĩ. (Nhân dân, trang 5).

 

Nghệ an: người nhà bệnh nhân gây mất trật tự tại khu vực cấp cứu

Theo báo cáo của Bệnh viện đa khoa huyện Diễn Châu gửi Sở Y tế Nghệ An: “Lúc 16h (ngày 22/4), tại khu vực đón tiếp khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện đa khoa huyện Diễn Châu, có người nhà bệnh nhân trong tình trạng say rượu đã lao thẳng xe máy vào khu vực đón tiếp cấp cứu bệnh nhân gây cản trở công tác khám bệnh.

Người nhà được nhân viên y tế mời đưa xe ra ngoài khu vực đúng quy định, do có uống rượu nên người nhà bệnh nhân bức xúc to tiếng, vung chân tay làm mất trật tự khu vực đón tiếp cấp cứu bệnh nhân. Sau đó, được giải thích và đối tượng này đã ra về, sau đó không xảy ra vấn đề gì nghiêm trọng”… (Tiền phong, trang 2).

 

Chàng y sỹ đến tận nhà dân chữa bệnh

Mới hơn 1 giờ chiều nhưng phòng khám quân dân y nhà sinh hoạt cộng đồng, khu dân cư (KDC) văn hóa biển Kim Liên (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã chật kín người, chủ yếu là bệnh nhân cao tuổi. Phía bên trong, y sĩ Khánh tất bật xoa bóp, châm cứu, lấy thuốc cho từng người.

“Có chú Khánh, bà con đỡ vất vả”

Sau 20 phút xoa bóp và châm cứu, y sĩ Khánh vỗ bộp bộp vào vùng đùi một ông cụ rồi thở phào: “Xong rồi, ông đứng dậy đi thử cho con coi nào”. “Ồ, ngon lành hơn rồi đó chú nghen!” - ông lão vừa khấp khởi đi lại trong phòng vừa cười khà khà, hài lòng với chiếc chân vừa được y sĩ Khánh chữa hết đau.

Bà Đặng Thị Chi (76 tuổi, trú phường Hòa Hiệp Bắc) cầm chiếc nón rách bước vào phòng, gọi: “Khánh coi răng bà đau quá!”. “Sao vậy bà?”. Nghe y sĩ hỏi, bà cụ liền vén áo, xoa đôi bàn tay nhăn nheo, chai sạn vào bụng, nhăn nhó: “Từ qua tới giờ bụng bà khó chịu quá!”. Hỏi han sơ qua, anh bật cười: “Không sao bà nhé. Chắc là do bà ăn uống không đảm bảo thôi. Bây giờ bà nằm xuống để con massage rồi chút con lấy thuốc cho bà uống”. Bà Chi nghe thế thì liền gật đầu rồi nằm sấp xuống giường bệnh.

Nói về y sĩ Khánh, bà Chi thủ thỉ: “Tui có tuổi rồi, sức khỏe kém nên tuần mô cũng phải ghé xin thuốc. Biết gia đình tui khó khăn nên bao năm qua tiền thuốc men, tiền khám chữa bệnh hắn không lấy đồng mô cả. Năm ngoái tui bị đau chân, hắn còn chạy xe đến tận nhà châm cứu cho tui cả tháng trời. Hắn bảo trời nắng như rang, con không đành lòng nhìn bà chống gậy đến phòng khám. Bà cứ ở nhà nghe, con tranh thủ chạy xe một xíu là đến chứ có nhọc nhằn chi. Nghĩ cũng tội nhưng may mà có chú Khánh nên bà con đỡ vất vả”.

Xin tiền vợ mua thuốc cho người nghèo

Phải đến cuối giờ chiều, khi bệnh nhân vãn dần thì y sĩ Khánh mới có thời gian tiếp chuyện chúng tôi. “Chiều nay còn ít đó, chứ đỉnh điểm có ngày tôi phải khám và điều trị cho trên dưới 50 bệnh nhân. Tối về tay không bưng nổi bát cơm luôn” - lau vội những giọt mồ hôi trên trán, anh cười nói.

Đại úy y sĩ Ninh Công Khánh quê ở Nam Định. Gần 10 năm qua, cứ đều đặn các buổi chiều từ thứ Hai đến thứ Năm và sáng thứ Sáu hằng tuần, bà con lại tập trung tại phòng khám để được anh chăm sóc sức khỏe. Hầu như tất cả loại bệnh từ hắt hơi, sổ mũi đến xương khớp, cột sống, y sĩ Khánh đều dùng phương pháp diện chẩn và tác động cột sống để chữa trị thay vì cho bệnh nhân uống thuốc. (Pháp luật TP HCM, trang 12).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang