Bảo vệ thành quả tiêm chủng
Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá vaccine là một trong những câu chuyện thành công đáng chú ý nhất của nhân loại, giúp loại bỏ được bệnh tật và cứu sống rất nhiều người.
Trong hơn ba thập kỷ qua, vaccine đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Và Việt Nam trong nhiều năm luôn được đánh giá là điểm sáng trên thế giới về triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng, giúp phòng bệnh cho hàng triệu em nhỏ cũng ngăn chặn tử vong cho hàng trăm nghìn trẻ.
Thế nhưng, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã trở thành thách thức đối với tất cả các nước trên thế giới trong việc duy trì các hoạt động nhằm bao phủ tiêm chủng định kỳ cho trẻ em. Đã có khoảng 67 triệu trẻ em trên toàn thế giới bị lỡ lịch tiêm các loại vaccine định kỳ.
Một số bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine như: sởi, bại liệt… giờ lại đang bùng phát ở một số quốc gia. Tại Việt Nam cũng ghi nhận sự sụt giảm lớn về tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em, và chúng ta nằm trong nhóm những nước có số lượng trẻ em chưa được tiêm chủng cao trên toàn thế giới. Nhiều tổ chức hàng đầu thế giới về bảo vệ sức khỏe đã đưa ra khuyến nghị các nước khẩn trương thực hiện các giải pháp bảo đảm mọi trẻ em đều được tiếp cận những loại vaccine thiết yếu.
Việc tăng tỷ lệ trẻ được tiêm đầy đủ các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng sẽ giúp bảo vệ thành quả về phòng bệnh cho trẻ em, cũng như phòng tránh các đợt bùng phát dịch bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin.
Để nâng cao tỷ lệ tiêm vaccine cho trẻ, cần bảo đảm đạt hai yếu tố đóng vai trò quan trọng, đó là cung ứng đủ vaccine cho việc mở rộng bao phủ vắc-xin và bảo đảm an toàn tiêm chủng. Thế nhưng, sau khi chuyển từ cơ chế đặt hàng tập trung của Bộ Y tế phân bổ cho các địa phương sang để cho các địa phương tự đấu thầu mua, nhiều tỉnh, thành phố đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc cung ứng vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng.
Hiện một số loại vaccine thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng vốn được cung cấp theo cơ chế đặt hàng nên chưa có nhà cung cấp, không có kê khai giá nên không đủ điều kiện để đấu thầu, mua sắm cũng gây khó khăn cho các địa phương nếu thực hiện riêng lẻ.
Tại cuộc họp mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Y tế xem xét, có phương án đặt hàng hoặc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá để các địa phương có căn cứ mua sắm, không để thiếu vắc-xin cho tiêm chủng mở rộng.
Mặt khác, quy trình an toàn tiêm chủng cần được tuân thủ nghiêm tại các đơn vị triển khai; tập huấn lại cho cán bộ tham gia công tác tiêm chủng trong trường hợp cần thiết. Siết lại việc thực hiện quy trình an toàn tiêm chủng cũng cần được rà soát tại tất cả các cơ sở tiêm chủng trong cả nước.
Mỗi đơn vị, cán bộ y tế khi tiêm vaccine cần tuân thủ quy tắc “3 tra, 5 chiếu”, gồm: Kiểm tra tên người bệnh, tên thuốc, liều thuốc; đối chiếu nhãn thuốc, thời gian dùng thuốc, chất lượng thuốc, đường dùng thuốc, số giường và số phòng. Ngoài ra, tất cả người được tiêm đều phải thực hiện khám sàng lọc nhằm phát hiện bất thường, đồng thời đảm bảo người được tiêm chủng đủ điều kiện sức khỏe để tiêm, hạn chế đến mức thấp nhất những phản ứng sau tiêm. (Nhân dân trang 1)
Thuốc y học cổ truyền - vẫn “vàng, thau” lẫn lộn
Thuốc y học cổ truyền (thuốc Nam và thuốc Bắc) ngày càng được nhiều người tin dùng vì hầu như chỉ sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên. Song gần đây, loại thuốc này bị nhiều đối tượng quảng cáo thổi phồng công dụng và trộn chất cấm, tân dược, khiến “vàng, thau” lẫn lộn... Thực trạng trên đặt ra vấn đề, phải quyết liệt trong việc phòng, chống, xử lý vi phạm để thị trường không nhiễu loạn và bảo toàn uy tín cho thuốc y học cổ truyền.
Mượn danh để quảng cáo
Lâu nay, nhiều nội dung quảng cáo thuốc y học cổ truyền trên mạng xã hội đã được cảnh báo là lừa đảo, nhưng không ít người vẫn "lao" vào mua và sử dụng. Chỉ đến khi cơ thể bắt đầu vượt quá ngưỡng chịu đựng, họ mới nhận ra mình bị lừa…
Là địa phương có 3 làng nghề thuốc Nam dân tộc Dao, xã Ba Vì (huyện Ba Vì) có 350 hộ làm nghề thuốc Nam. Gần đây, nhiều người đã bị mạo danh để bán thuốc. Bà Lý Thị Xuân, 64 tuổi, thôn Yên Sơn - một trong những hộ bán thuốc Nam có tiếng ở xã Ba Vì bức xúc: “Gia đình tôi chỉ bán thuốc trực tiếp, không bán trên mạng xã hội. Tôi chỉ biết mình bị mạo danh khi có người mách rằng thấy hình ảnh của tôi quảng cáo thuốc trên mạng”.
Về điều này, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì Dương Trung Phong xác nhận, qua đơn thư phản ánh của người bệnh và khách hàng, địa phương phát hiện nhiều đối tượng mượn danh, lấy cắp hình ảnh một số người có uy tín, giỏi về thuốc Nam của xã để quảng cáo thuốc sai sự thật, bán thuốc trôi nổi...
Liều lĩnh hơn, có đối tượng còn mượn danh lãnh đạo Hội Đông y Hà Nội để quảng cáo bán thuốc. Phó Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội Nguyễn Hồng Minh từng bị một số đối tượng lấy thông tin cá nhân, ảnh chân dung, ảnh ông tham gia hội thảo để cắt ghép, làm thành video quảng cáo, với nội dung ông bắt mạch, bốc thuốc… Khi nhiều người quen gọi điện hỏi mua thuốc, ông Minh mới biết mình bị mạo danh.
Là một trong những doanh nghiệp theo đuổi con đường phát triển thuốc Nam lâu dài, Hợp tác xã Nam dược Tản Viên Sơn (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì) cũng gặp không ít khó khăn bởi tình trạng bán thuốc trôi nổi đang làm nhiễu loạn thông tin. Tổng Giám đốc Hợp tác xã Nam dược Tản Viên Sơn Trương Mạnh Hải chia sẻ: “Nhiều doanh nghiệp sản xuất thuốc Nam chân chính đang phải cạnh tranh với lượng lớn người làm truyền thông “bẩn”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín thuốc Nam. Nếu không sớm được ngăn chặn, sẽ làm lung lay niềm tin của người tiêu dùng vào nền y học cổ truyền”.
Không để “con sâu làm rầu nồi canh“
Theo số liệu của Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương, trong năm 2022, hệ thống kiểm nghiệm nhà nước đã lấy 5.306 mẫu đông dược để kiểm tra chất lượng, trong đó 25 mẫu không đạt (0,47%). Với 2.224 mẫu dược liệu, có 85 mẫu không đạt (3,82%), ngoài ra, còn có 4 mẫu đông dược giả... Đáng lưu ý, việc kiểm tra mẫu trên là đối với thuốc đã được đăng ký cấp phép còn với những mẫu do người dân nghi ngờ, tự mang đến viện xét nghiệm (phần lớn là thuốc không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác) cũng phát hiện chất cấm, chất tân dược như giảm đau, chống viêm. “Qua kiểm nghiệm, Viện đều tổng hợp danh sách gửi Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế), trung tâm kiểm nghiệm thuốc các tỉnh liên quan để có giải pháp ngăn chặn vi phạm”, Tiến sĩ Lê Quang Thảo, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương thông tin.
Tại Hà Nội, qua kiểm tra, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) cũng phát hiện một số thuốc bị làm giả như hoài sơn làm giả bằng củ sắn, hồng hoa làm giả bằng phôi bào nhuộm phẩm đỏ, bạch linh làm giả bằng thạch cao dẻo...
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trương Mạnh Hải đề xuất: “Để nền y học cổ truyền bền vững, cần tính đến việc chuyên nghiệp trong quy trình sản xuất, kể cả là thuốc cổ truyền. Chúng tôi sẵn sàng liên doanh, liên kết với các hộ làm nghề thuốc để sản xuất sản phẩm có thương hiệu, đúng quy định pháp luật”.
Còn trên lĩnh vực chuyên môn, Phó Ban chuyên môn, Hội Đông y thành phố Hà Nội Cấn Thị Thủy cho rằng, Chính phủ cần có quy định về kiểm soát nguồn gốc và chất lượng các loại thảo dược cũng như thiết lập những tiêu chuẩn, quy trình kiểm tra sản phẩm Đông y trước khi bán ra thị trường. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở khám, chữa bệnh, sản xuất thuốc y học cổ truyền, bảo đảm các cơ sở phải có giấy phép hoạt động đầy đủ.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì Dương Trung Phong mong muốn các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những đối tượng dùng hình ảnh cắt ghép để quảng cáo sai sự thực về làng nghề thuốc Nam trên địa bàn xã nhằm bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng và những người làm nghề thuốc chân chính.
Như vậy, để minh bạch thị trường thuốc y học cổ truyền, điều quan trọng là sự phối hợp trách nhiệm và thực chất giữa các cấp, ngành, địa phương bởi đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Y tế. Để duy trì và phát triển nền y học cổ truyền của dân tộc, sẽ là quá muộn nếu như ngay từ bây giờ chúng ta không có những biện pháp hiệu quả kiểm soát, quản lý, phân định “vàng, thau”. (Hà Nội mới trang 6)
Để bệnh viện hết sợ đấu thầu, mua sắm
Con số 9/16 đại biểu Quốc hội tham gia phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật Đấu thầu sửa đổi (sáng 24/5) đề cập lĩnh vực y tế cho thấy mối quan tâm, sự chia sẻ đặc biệt của các đại biểu đối với lĩnh vực quan trọng này.
3 năm qua, có lẽ không có lĩnh vực nào nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân như lĩnh vực y tế. Ở thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19, cả xã hội ghi nhận, tri ân toàn ngành Y tế đã lăn xả vào các “điểm nóng”, đặt nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết… Tuy nhiên, khi đại dịch dần đi qua, những “mảng tối” tiêu cực trong lĩnh vực này “lộ sáng”, khiến dư luận lại trăn trở, đau xót và bức xúc. Những “cơn bão Việt Á”, “cơn bão” đấu thầu, mua sắm vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch; xã hội hóa y tế không chỉ khiến những ông Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Bộ Y tế), Chu Ngọc Anh (Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ), Phạm Xuân Thăng (Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) bị khởi tố, bắt tạm giam mà còn khiến nhiều nhà chuyên môn, thầy thuốc giỏi “ngã ngựa”, bị xử lý hình sự, bị kỷ luật…
Chưa dừng lại, sau đó ngành y tế còn phải đối diện với “cơn đau đầu” trong đấu thầu, mua sắm vật tư, thiết bị y tế… Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, thiếu hóa chất, vật tư; nhiều bệnh viện, cơ sở y tế, trong đó có cả những bệnh viện lớn như Việt Đức, Chợ Rẫy… phải tạm dừng một số hoạt động điều trị bệnh. Ngoài sợ sai, sợ rủi ro, sợ trách nhiệm thì nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do các quy định của pháp luật trong đấu thầu, mua sắm vật tư thiết bị y tế không phù hợp, thiếu thực tiễn, nhất là trong bối cảnh xảy ra đại dịch.
Do đó, trong phiên thảo luận về dự án Luật Đấu thầu sửa đổi, mối quan tâm hàng đầu được các đại biểu đặt ra là tìm giải pháp căn cơ để tháo gỡ dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đấu thầu, mua sắm vật tư, thiết bị y tế nhưng vẫn bảo đảm được hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, ngăn ngừa các “lỗ hổng” dẫn đến tham nhũng, tiêu cực. Đơn cử như quy định trong dự thảo Luật Đấu thầu: “Trường hợp mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít có thể áp dụng hình thức mua sắm tập trung để đảm bảo có đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh”, các đại biểu cho rằng chưa phù hợp; cơ chế mua sắm tập trung mất nhiều thời gian, nếu mua thuốc hiếm, có số lượng ít mà thực hiện mua sắm tập trung sẽ không hợp lý, không thể đảm bảo được nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh…
Chia sẻ trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, vừa qua đã tổ chức rất nhiều cuộc để nghe từng bệnh viện, từng chuyên gia góp ý vào các quy định liên quan đến đấu thầu trong lĩnh vực y tế. Ông thừa nhận, trong đấu thầu vật tư, thiết bị y tế nói riêng và đấu thầu ở các lĩnh vực khác nói chung, nếu quản lý chặt quá thì lại gây khó khăn, ách tắc, còn lỏng quá lại không đảm bảo được quản lý nhà nước, dẫn đến một vòng luẩn quẩn, rất khó tìm được điểm cân bằng. Vậy nên như đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) góp ý, nếu tìm cách quấn nhiều vòng dây vào nhằm tốt hơn có khi lại làm chậm đi. Theo ông Nghĩa, các quy định trong dự thảo luật cần phù hợp, còn tham nhũng, tiêu cực đã có cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm tra, cơ quan điều tra, chứ không phải chỉ có dùng Luật Đấu thầu mà khắc phục được tất cả.
Hy vọng rằng, với sự chia sẻ, mối quan tâm hàng đầu của các đại biểu, dự án Luật Đấu thầu sửa đổi sau khi được Quốc hội thông qua sẽ giúp ngành Y tế thoát khỏi “cơn đau đầu”, nỗi lo trong đấu thầu, mua sắm vật tư, thiết bị y tế. (Tiền phong trang 2)
Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ trang 3: “Tạo thuận lợi cho hoạt động mua thuốc, thiết bị y tế đặc thù”
Ngăn chặn thuốc lá điện tử để bảo vệ trẻ em
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không quy định về các sản phẩm “thuốc lá điện tử” và “thuốc lá nung nóng”, vì vậy các sản phẩm này chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức trên thế giới, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số lượng nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và mức giảm vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2020 (giảm sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống còn 39%). Đặc biệt, thuốc lá điện tử đã và đang xâm nhập vào một bộ phận giới trẻ, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khoẻ của thanh, thiếu niên Việt Nam.
Tại Hội thảo cung cấp thông tin về phòng, chống tác hại của thuốc lá do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa tổ chức, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sau COVID-19 là đại dịch của các bệnh không lây nhiễm. Thuốc lá điện tử có chứa nicotine là một hoá chất gây nghiện cao, là nguyên nhân dẫn đến nghiện nicotine và các nguy cơ khác bao gồm các bệnh tim, phổi cùng nhiều bệnh khác.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê lo ngại về tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng trong lứa tuổi học sinh, sinh viên, đặc biệt là ma tuý “núp bóng”, thuốc lá gây ảnh hưởng khôn lường đến sức khoẻ của thế hệ thanh, thiếu niên. Tại Việt Nam, thời gian gần đây, số trường hợp ngộ độc do thuốc lá điện tử đã được ghi nhận ở nhiều tỉnh, TP. Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp xảy ra ở lứa tuổi học sinh, trong đó có cả nữ giới. Nicotine trong thuốc lá điện tử ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thanh, thiếu niên như: Làm suy yếu sự trưởng thành não bộ của thanh, thiếu niên với những hậu quả ngắn hạn và hậu quả lâu dài, trong đó là nghiện, rối loạn nhân thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần.
Hiện thuốc lá điện tử có hơn 20.000 hương liệu, hoá chất nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma tuý thông qua việc phối trộn. Người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma tuý và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện. Một số khảo sát trong cộng đồng sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy rõ ràng về mối liên hệ qua lại giữa sử dụng thuốc lá điện tử với các tệ nạn xã hội khác như ma tuý, hút shisha và các chất gây nghiện khác. Pha trộn ma tuý vào thuốc lá điện tử đã được ghi nhận tại Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai và Trung tâm Giám định ma tuý – Viện Khoa học hình sự Bộ Công an. Những hệ luỵ này ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ.
Tại hội nghị, các chuyên gia đều cho rằng Việt Nam không nên thực hiện thí điểm thuốc lá nung nóng dẫn đến khó có thể kiểm soát được các sản phẩm tương tự. Nếu cho phép thí điểm thuốc lá nung nóng sẽ dẫn đến tình trạng thuốc lá điện tử cũng sẽ thâm nhập vào thị trường Việt Nam dưới mác thuốc lá nung nóng, sử dụng trá hình sẽ rất khó kiểm soát. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là sản phẩm gây nghiện, gây hại cho sức khoẻ. Vì vậy, không nên thí điểm một sản phẩm gây hại cho sức khoẻ. “WHO khuyến cáo với sản phẩm chưa trở lên phổ biến thì phải có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu, nếu để phổ biến rồi mới ra ngăn chặn thì hậu quả lớn đã xảy ra”, bà Nguyễn Thị Thu Hương, đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) nhấn mạnh.
Theo BS Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam, hiện tại các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam. WHO khuyến cáo nên duy trì và tăng cường các quy định luật pháp hiện tại về cấm nhập khẩu và bán để ngăn chặn, hạn chế tiếp cận nhằm ngăn ngừa sự gia tăng tỷ lệ dung giới trẻ. Đồng thời, tăng cường thực thi chống buôn lậu, quảng cáo và bán các sản phẩm này, để giảm thiểu tối đa sự tiếp cận và sử dụng của giới trẻ. Hiện trên thế giới đã có ít nhất 34 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng chính sách cấm hoàn toàn sản phẩm thuốc lá điện tử, trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.
Đại diện Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá cho biết, thời gian tới, cần tăng cường công tác nắm bắt, quản lý, xử lý các vi phạm liên quan. Có cơ chế xử lý nghiêm những cơ sở kinh doanh quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng với mọi hình thức. Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá nhằm cấm triệt để người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; bán và cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Đồng thời, tăng cường truyền thông nâng cao hiểu biết của người dân, đặc biệt là lứa tuổi học sinh về tác hại của thuốc lá và trách nhiệm của cha mẹ, các nhà trường, giáo viên trong công cuộc phòng, chống tác hại của thuốc lá. (Công an Nhân dân trang 7)
Cùng chủ đề Báo Sức khoẻ & Đời sống trang 1: “Hệ luỵ khi giới trẻ dễ dàng tiếp cận thuốc lá”
Bộ Y tế thông tin về chế độ phụ cấp nghề cho cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở theo quy định mới
Theo Bộ Y tế, đối tượng hưởng phụ cấp ưu đãi nghề mức 100% theo quy định tại Nghị định số 05/2023/NĐ-CP là viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế đã và đang được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức từ 40% - 70% quy định trước đó...
Sáng 23/5, Bộ Y tế thông tin 6 nội dung giải đáp về thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở theo quy định tại Nghị định 05/2023 của Chỉnh phủ và các văn bản liên quan khác.
1. Về thời gian áp dụng thực hiện Nghị định số 05/2023/NĐ-CP:
Điều 1 Nghị định số 05/2023/NĐ-CP quy định: "Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở áp dụng từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2023".
2. Về đối tượng hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề quy định tại Nghị định số 05/2023/NĐ-CP:
Thực hiện Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị: "điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40-70% lên mức 100%", Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2023/NĐ-CP, theo đó quy định tại Điều 1 như sau:
"7. Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở áp dụng từ ngày 1/1/ 2022 đến hết ngày 31/12/2023:
"- Mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng (bao gồm cả kiểm dịch y tế biên giới); làm chuyên môn y tế tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn, Phòng khám đa khoa khu vực, Nhà hộ sinh, Trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và bệnh viện tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
- Trong thời gian áp dụng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở quy định tại khoản 7 này thì không áp dụng quy định tại điểm c khoản 2 và quy định đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng tại khoản 4 Điều 3."
Như vậy, đối tượng hưởng phụ cấp ưu đãi nghề mức 100% theo quy định tại Nghị định số 05/2023/NĐ-CP là viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế đã và đang được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức từ 40% - 70% quy định tại Nghị định số 56/2011/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC ngày 19/01/2012 của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 56/2011/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC).
3. Các trường hợp khác:
- Các trường hợp không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định số 05/2023/NĐ-CP thì tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề quy định tại Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC ngày 19/01/2012 của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập (như truyền thông giáo dục sức khỏe, dân số - kế hoạch hóa gia đình; viên chức quản lý, phục vụ không trực tiếp làm chuyên môn y tế,....).
- Hợp đồng lao động:
Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định: "Nghị định này quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức, cán bộ y tế xã, phường, thị trấn (đang làm việc theo chế độ hợp đồng theo Quyết định số 58/TTg ngày 03/02/1994 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số vấn đề về tổ chức và chế độ chính sách đối với y tế cơ sở). Tuy nhiên, hiện nay, Nghị định 117/2014/NĐ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ quy định: "người làm việc tại Trạm Y tế xã là viên chức"; do vậy, không còn người làm việc theo chế độ hợp đồng theo Quyết định số 58/TTg tại Trạm Y tế xã.
4. Về đối tượng viên chức đang hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề y tế mức 70% quy định tại Nghị định số 76/2019/NĐ-CP
Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định: "Mỗi công chức, viên chức chỉ được hưởng một mức phụ cấp ưu đãi theo nghề ở mức cao nhất".
Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 76/2019/NĐ-CP quy định:"Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang thuộc đối tượng áp dụng chính sách quy định tại Nghị định này, đồng thời thuộc đối tượng áp dụng chính sách cùng loại quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác thì chỉ được hưởng một mức cao nhất của chính sách đó".
Như vậy, trong thời gian từ 01/01/2022 đến nay, viên chức đã hưởng phụ cấp ưu đãi nghề theo quy định tại Nghị định số 76/2019/NĐ-CP nếu thuộc đối tượng hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề (100%) quy định tại Nghị định số 05/2023/NĐ-CP thì được truy lĩnh phần chênh lệch với mức phụ cấp ưu đãi nghề đã hưởng.
5. Viên chức thuộc đối tượng hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề quy định tại Nghị định số 05/2023/NĐ-CP đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị khác được hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề trong thời gian công tác tại đơn vị trước khi nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác.
6. Về trường hợp viên chức được cử biệt phái trong thời gian từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2023:
Đề nghị thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 27 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ và khoản 4, 5, 6 Điều 36 Luật Viên chức: "Trong thời gian biệt phái, đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm bảo đảm tiền lương và các quyền lợi khác của viên chức. Viên chức được cử biệt phái đến miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ". (Sức khoẻ Đời sống trang 3)
Băn khoăn đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế
Về dự thảo luật Đấu thầu sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng các quy định về đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế trong dự thảo vẫn chưa rõ, chưa đủ căn cứ thực hiện, cần tiếp tục chỉnh lý.
Ngày 24.5, báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Đấu thầu sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Lê Quang Mạnh cho hay về nội dung mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý tại nhiều điều, khoản để quy định rõ ràng, cụ thể trong luật nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang được dư luận quan tâm về vấn đề mua thuốc, vật tư, thiết bị y tế.
Thảo luận sau đó, nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội cho rằng các quy định về đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế trong dự thảo vẫn chưa rõ, chưa đủ căn cứ thực hiện, cần tiếp tục chỉnh lý. Dự thảo luật quy định cho phép bệnh viện lựa chọn nhà thầu cung cấp vật tư, hóa chất và nhà thầu trúng thầu sẽ cung cấp luôn thiết bị, vật tư để sử dụng hóa chất.
ĐB Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, nhìn nhận quy định này thực chất là hình thức lựa chọn nhà thầu với trường hợp máy mượn, máy đặt trong bệnh viện. Tuy nhiên, những nội dung quy định tại dự thảo phức tạp và khó áp dụng trong thực tế. Bà Hà dẫn ví dụ, việc dự thảo luật quy định nhà thầu không chuyển giao quyền sở hữu mà chỉ chuyển giao quyền sử dụng là chưa rõ tính chất của quan hệ vì chuyển giao quyền sở hữu có thể là cho thuê, cho mượn trong khi thực tế là cho mượn. Từ đó, bà Hà đề xuất quy định rõ việc nhà thầu chuyển giao quyền sử dụng không thu tiền với thiết bị y tế cho các bệnh viện.
Một vấn đề khác cũng được nhiều ĐB quan tâm là chỉ định thầu trong mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế. ĐB Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho biết dự thảo luật quy định được chỉ định thầu với gói mua sắm thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư y tế để cấp cứu người bệnh theo quy định của luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Tuy nhiên, theo ĐB Thu, trong luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi không thấy quy định vấn đề này. Do đó, bà Thu đề nghị thay thế cụm từ "cấp cứu người bệnh" thành "trong tình trạng khẩn, cấp bách". "Cũng cần quy định rõ hơn về trường hợp cấp bách trong y tế và cơ quan nào xác định trường hợp cấp bách", ĐB Thu nói.
ĐB Trần Thị Nhị Hà cũng băn khoăn với quy định cho phép chỉ định các gói thầu cần triển khai ngay để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân. Quy định này rất cần thiết trong thực tế, tuy nhiên có một số thuật ngữ nội dung quy định chưa rõ về nội hàm, khái niệm thế nào là "gói thầu cần triển khai ngay", có thể dẫn đến nguy cơ áp dụng tùy tiện hình thức chỉ định thầu. Bà Hà cho biết cụm từ "cần triển khai ngay" đã được quy định tại luật Đấu thầu từ năm 2013 đã gây ra sự lúng túng, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh.
Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nói các quy định về đấu thầu, mua sắm trong lĩnh vực y tế đến nay đã cơ bản giải quyết được bất cập. Ông Dũng nhấn mạnh một số vướng mắc thời gian qua là do luật nhưng hầu hết vướng mắc chủ yếu phát sinh từ khâu tổ chức thực hiện hoặc bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn trong các văn bản hướng dẫn. Tuy vậy, Bộ trưởng Dũng khẳng định sẽ nghiên cứu nội dung các ĐB nêu thêm tại phiên thảo luận để hoàn thiện các quy định liên quan lĩnh vực y tế. (Thanh niên trang 2)
Cần dự trữ thuốc hiếm cấp Quốc gia
Thuốc hiếm không phải dùng thường xuyên, nhưng khi cần dùng mà không có thì tính mạng bệnh nhân bị đe dọa...
Đầu năm 2021, ở TP.HCM và một số tỉnh Đông Nam bộ có nhiều bệnh nhân (BN) được xác định ngộ độc botulinum. Các BN phải nằm điều trị nhiều tháng, thậm chí tử vong vì không có thuốc giải độc.
6 lọ thuốc quý hiếm xài 2 năm đã hết
Ngày 17.4.2021 BV Chợ Rẫy tiếp nhận 6 lọ thuốc Botulinum Antitoxin Heptavalent (BAT) dùng giải độc botulinum, trong đó có 1 lọ được tài trợ (lúc đó Bộ Y tế cho phép mua 30 lọ). Mỗi lọ có giá 8.000 USD. Tiền công vận chuyển thuốc từ Canada về là 2.500 USD (hiện nay tăng lên 6.500 USD). Sau đó, BV đã sử dụng 1 lọ để cứu BN trong vụ ngộ độc botulinum sau ăn pate Minh Chay.
Giữa tháng 3.2023, khi xảy ra vụ ngộ độc botulinum sau khi ăn cá chép ủ chua ở Quảng Nam với khoảng 10 BN, BV Chợ Rẫy đã mang ra BV đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam 3 lọ thuốc BAT, truyền cứu các BN nặng, còn lại 2 lọ.
Trong tuần vừa qua, tại TP.HCM đã xảy ra chùm ca bệnh ngộ độc botulinum với 6 người mắc tại TP.Thủ Đức, trong đó có 3 trẻ em. BV Chợ Rẫy điều chuyển 2 lọ thuốc BAT cuối cùng từ Quảng Nam vào truyền cho 3 bệnh nhi, đến nay 2 em vẫn còn thở máy. Còn 3 BN là người lớn (18, 26 và 45 tuổi) bị ngộ độc sau chỉ nằm điều trị hỗ trợ, thở máy, liệt cơ do đã hết thuốc BAT.
Ngày 23.5, BV Chợ Rẫy cho biết đã có kiến nghị Bộ Y tế cho phép mua thuốc BAT để điều trị ngộ độc botulinum.
Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, hiện BV đã hết thuốc BAT giải độc đặc hiệu ngộ độc botulinum. Đây là vấn đề rất đáng tiếc cho BN cũng như nan giải cho các bác sĩ (BS) điều trị. BN ngộ độc botulinum nếu được sử dụng sớm thuốc BAT giải độc thì 48 - 72 giờ có khả năng thoát khỏi bị liệt, hay phải thở máy; nếu BN thở máy 1 - 2 ngày sau khi ngộ độc thì trung bình 5 - 7 ngày có thể hồi phục và có thể bỏ được máy thở, tập vật lý trị liệu để trở về với cuộc sống bình thường. Nếu không có thuốc BAT thì chỉ điều trị hỗ trợ, chủ yếu là nuôi dưỡng và thở máy. Nhiều biến chứng có thể xảy ra do BN thở máy kéo dài, BS điều trị phải đối diện với rất nhiều thách thức trong quá trình điều trị.
Vào tháng 4.2021, một BN 14 tuổi ngụ Tiền Giang bị rắn hoa cổ đỏ cắn. BN được chuyển đến BV Nhi đồng 1 trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo, rối loạn đông máu, máu chảy từ vết thương không cầm, xuất huyết nhiều nơi. Dù đã được truyền máu liên tục nhưng BN vẫn suy hô hấp, tử vong trong sự nuối tiếc của y - BS. Thời điểm này nhiều nước cũng không có huyết thanh kháng nọc rắn này, chỉ có Nhật Bản đang nghiên cứu, muốn sử dụng phải có ký kết hợp tác nghiên cứu.
PGS-TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc BV Nhi đồng 1, cho biết hiện nay BV cũng đang thiếu thuốc Methylen Blue để giải độc cho BN ngộ độc Methemoglobin (có trong củ dền, thuốc diệt cỏ, thuốc nhuộm...). Đây là thuốc quý hiếm, lúc có lúc không, và hiện không có. "BN thì lúc có, lúc không nên BV không thể mua số lượng nhiều, còn mua ít thì không ai bán. Do đó, nhiệm vụ quốc gia mà cụ thể là Bộ Y tế phải lo chuyện này", PGS-TS Quang đề xuất.
BS Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc BV Nhi đồng TP.HCM, cũng cho biết thuốc Methylen Blue rất rẻ, chỉ vài ngàn đồng/lọ nhưng không ai nhập vì số lượng mua quá ít, do ít BN. Nếu mua xài không hết thì bị quy trách nhiệm vì dự trù không sát.
Về huyết thanh kháng nọc rắn thì BV Nhi đồng 1 và BV Nhi đồng TP.HCM có huyết thanh kháng nọc rắn lục, rắn hổ đất trong nước sản xuất; huyết thanh kháng nọc rắn chàm quạp (mua ở Thái Lan), nhưng thiếu huyết thanh kháng nọc rắn đa giá (dùng điều trị những hội chứng nhiễm độc do rắn độc cắn trong tình huống chưa xác định chắc chắn loại rắn).
"Với 1 BN bị nọc độc rắn hổ cũng giống như ngộ độc botulinum, nếu có thuốc giải độc thì BN sẽ không phải thở máy, khỏe và sống. Còn không có thuốc thì BN thở máy kéo dài nhiều tháng và nguy cơ tử vong do nhiễm trùng huyết, viêm phổi", PGS-TS Quang nói. Theo ông, tất cả những ca bị rắn cắn nếu BN đến được BV và có thuốc giải độc kịp thời thì phần lớn được cứu sống. Ông cũng chia sẻ nếu dùng thuốc hiếm mà "xách tay" (thuốc đúng, thuốc tốt) để cứu người khẩn cấp thì phải họp hội đồng chuyên môn, xin phép Sở Y tế cho phép thì mới dám dùng.
Không chỉ hết thuốc BAT, BV Chợ Rẫy cũng cho biết thêm đang thiếu thuốc điều trị ngộ độc các kim loại nặng, do chưa tìm được nguồn cung và còn vướng ở khâu kê khai giá.
Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, không chỉ ngộ độc botulinum là nguy hiểm mà tất cả ngộ độc cấp đều nguy hiểm nên cần có các loại thuốc quý hiếm. Các loại thuốc này cũng có thể là thuốc đắt tiền và cũng không có sẵn ở nhiều nước, kể cả một số nước phát triển chứ không riêng VN. Theo ông, cần có thống kê, nghiên cứu và xây dựng chiến lược, danh mục thuốc quý hiếm để tích lũy, điều phối cấp Quốc gia, vì nhu cầu dùng thuốc giải độc ngày càng nhiều hơn. Khi có thuốc sẵn giúp cứu sống BN, ít bị biến chứng.
"Như ngộ độc botulinum, nếu không có thuốc giải độc thì BN phải thở máy 3 - 6 tháng, chịu rất nhiều biến chứng. Nếu tính kinh tế thì thở máy từ 3 - 6 tháng và quá trình chăm sóc phòng biến chứng có chi phí cao hơn nhiều so với giá 1 lọ thuốc. Có nguồn thuốc chủ động là điều chúng tôi mong muốn để giải quyết sớm cho BN", TS-BS Lê Quốc Hùng cho biết.
Đề xuất lập kho thuốc hiếm cấp Quốc gia
"Ở các khoa hồi sức chống độc từ trước đến nay luôn thiếu thuốc chống độc. Hội Cấp cứu chống độc VN cũng từng đề xuất lập trung tâm thuốc hiếm đặt ở các BV lớn ở từng khu vực Bắc, Trung, Nam để khi cần thì điều chuyển. Thuốc chống độc, thuốc hiếm thì mua ít, mà mua ít thì không ai bán. Do đó, phải quản lý ở cấp Quốc gia", PGS-TS Phạm Văn Quang đề xuất.
Theo đại biểu Quốc hội - PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, nhiều năm nay bên cạnh thuốc bình thường xài số lượng lớn, đấu thầu mua được thì còn nhóm thuốc hiếm lượng tiêu thụ ít, đa số các công ty ít khi nhập. Trong khi đó, các BV thường "nước tới chân mới nhảy", vì mua để hết hạn dùng không sử dụng phải bỏ. Theo bà, việc mua thuốc hiếm hiện nay theo kiểu "ăn đong", lúc cần mới loay hoay đi kiếm mua. Điều này vừa mất thời gian, vừa vướng thủ tục, lại lẻ tẻ từng BV.
"Nên có cơ chế dự trữ thuốc Quốc gia đặt ở 3 miền, dự trù thuốc hiếm cho nhiều năm. Khi có nhu cầu thì báo trước và thương lượng với các công ty để sản xuất, nhập khẩu, như vậy cũng sẽ có giá phù hợp. Đề nghị Bộ Y tế làm đầu mối, các BV thống kê các thuốc hiếm nhu cầu sử dụng mỗi năm. Đề nghị Chính phủ có quỹ để mua dự trữ thuốc Quốc gia. Cái quan trọng nhất là sinh mạng con người", PGS-TS Phong Lan đề xuất.
Thuốc điều trị khẩn cấp ngộ độc Botulinum đã về đến TP.HCM
Theo Bộ Y tế, tối 24.5, 6 lọ thuốc Botulinum Antitoxin Heptavalent (BAT) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỗ trợ khẩn cấp được gửi từ kho của WHO tại Thụy Sĩ đã về đến TP.HCM, kịp thời điều trị cho các BN ngộ độc botulinum .
Trước đó, Bộ Y tế nhận được công văn của Sở Y tế TP.HCM ngày 21.5 về các trường hợp ngộ độc botulinum đang điều trị tại TP.HCM và nhu cầu thuốc điều trị. Cục Quản lý dược đã khẩn trương liên hệ, trao đổi với WHO để nhận được hỗ trợ. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng đã có buổi làm việc trực tiếp với Văn phòng WHO tại Hà Nội. Ngay sau đó, WHO có quyết định viện trợ khẩn cấp thuốc BAT cho các BN ngộ độc được điều trị tại các bệnh viện ở TP.HCM.
Theo Bộ Y tế, ngộ độc botulinum do nhiễm độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum, nguyên nhân chính là ăn phải thực phẩm kém chất lượng bị nhiễm khuẩn. Từ năm 2020 đến nay, trong nước ghi nhận rải rác một vài ca bệnh/năm, mới đây có 3 ca tại TP.HCM. Ngộ độc botulinum ít xảy ra tại VN cũng như các nước nên nguồn cung đối với thuốc chữa bệnh này (thuốc BAT) trên thế giới cũng rất hiếm. Đây là thuốc không dễ chủ động về nguồn cung và giá cũng rất cao. (Thanh niên trang 5)
Cứu sống người đàn ông 52 tuổi bị sốc tim, ngừng tim
Nam bệnh nhân 52 tuổi đau ngực dữ dội kèm khó thở nhiều, khi tới bệnh viện được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, lại có tiền sử đái tháo đường nhiều năm. Sau 45 phút nhập viện, bệnh nhân rối loạn nhịp tim, ngừng tim.
Ngày 24/5, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, nam bệnh nhân SN 1971, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam vì đau ngực dữ dội kèm khó thở nhiều, được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp/có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường nhiều năm.
Sau khi được thở oxy, giảm đau và sử dụng thuốc, 45 phút sau bệnh nhân diễn biến nặng, ngừng tuần hoàn và được cấp cứu 10 phút thì có mạch trở lại. Các bác sĩ tiến hành đặt ống nội khí quản, duy trì thuốc vận mạch và chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.
Theo các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nặng. Các chuyên gia đầu ngành của Viện Tim mạch đã hội chẩn và chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp biến chứng sốc tim, ngừng tuần hoàn.
Các bác sĩ nhận định đây là một trường hợp nhồi máu cơ tim rất phức tạp, hẹp cả 3 thân động mạch vành chính gây thiếu máu nuôi dưỡng cho tim, nguy cơ tử vong rất cao.
Các bác sĩ tiếp tục hội chẩn liên khoa cấp tốc giữa Trung tâm Cấp cứu A9, Viện Tim mạch và Trung tâm Hồi sức tích cực để xây dựng phác đồ điều trị và cứu sống người bệnh.
Các bác sĩ tiến hành can thiệp tái tưới thông mạch vành cấp, đặt ECMO (tim phổi nhân tạo) trước khi can thiệp bởi người bệnh dễ có nguy cơ ngừng tái tuần hoàn trong quá trình can thiệp.
Bệnh nhân được đặt 2 stent và sau đó chuyển lên Trung tâm Hồi sức tích cực để tiếp tục điều trị.
Chỉ sau can thiệp 1 ngày, bệnh nhân đã rút được ống nội khí quản, tự thở và ngày thứ 5 thì cai ECMO. Sau 15 ngày điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân đã thoát khỏi "cửa tử" và xuất viện.
ThS.BS. Nguyễn Tú Anh, Trung tâm Hồi sức tích cực, người tham gia điều trị ca bệnh cho biết: Nhồi máu cơ tim là căn bệnh thường gặp ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Những đối tượng có nguy cơ cao là nam giới, trên 50 tuổi, hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường.
Các dấu hiệu để nhận biết thường là những cơn đau ngực dữ dội, kéo dài 15-30 phút, có thể lan lên 2 vai hoặc tay. Cơn đau thường xuất hiện sau khi người bệnh gắng sức hoặc nghỉ ngơi. Khi đó, người bệnh cảm thấy khó thở nhiều, vã mồ hôi.
Sốc tim là biến chứng nặng nề nhất của nhồi máu cơ tim. Vì vậy, để tránh những tình huống đáng tiếc có thể xảy ra, khi thấy những dấu hiệu trên, người có triệu chứng nên khẩn trương đến bệnh viện có chuyên khoa tim mạch để được thăm khám và tư vấn kịp thời. (Công an Nhân dân trang 7)